Review

Giết Con Chim Nhại 

Thể loại Sách Văn Học – Tiểu Thuyết
Tác giả Harper Lee
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 419
Ngày xuất bản 03-2016
Giá bánXem giá bán

Nào, hãy mở cuốn sách này ra. Bạn phải làm quen ngay với bố Atticus của hai anh em – Jem và Scout, ông bố luật sư có một cách riêng, để những đứa trẻ của mình cứng cáp và vững vàng hơn khi đón nhận những bức xúc không sao hiểu nổi trong cuộc sống. Bạn sẽ nhớ rất lâu người đàn ông thích trốn trong nhà Boo Radley, kẻ bị đám đông coi là lập dị đã chọn một cách rất riêng để gửi những món quà nhỏ cho Jem và Scout, và khi chúng lâm nguy, đã đột nhiên xuất hiện để che chở. Và tất nhiên, bạn không thể bỏ qua anh chàng Tom Robinson, kẻ bị kết án tử hình vì tội hãm hiếp một cô gái da trắng, sự thật thà và suy nghĩ quá đỗi đơn giản của anh lại dẫn đến một cái kết hết sức đau lòng, chỉ vì lý do anh là một người da đen.

Cho dù được kể dưới góc nhìn của một cô bé, cuốn sách Giết con chim nhại không né tránh bất kỳ vấn đề nào, gai góc hay lớn lao, sâu xa hay phức tạp: nạn phân biệt chủng tộc, những định kiến khắt khe, sự trọng nam khinh nữ… Góc nhìn trẻ thơ là một dấu ấn đậm nét và cũng là đặc sắc trong Giết con chim nhại. Trong sáng, hồn nhiên và đầy cảm xúc, những câu chuyện tưởng như chẳng có gì to tát gieo vào người đọc hạt mầm yêu thương.

Gần 50 năm từ ngày đầu ra mắt, Giết con chim nhại, tác phẩm đầu tay và cũng là cuối cùng của nữ nhà văn Mỹ Harper Lee vẫn đầy sức hút với độc giả ở nhiều lứa tuổi.

Thông điệp yêu thương trải khắp các chương sách là một trong những lý do khiến Giết con chim nhại giữ sức sống lâu bền của mình trong trái tim độc giả ở nhiều quốc gia, nhiều thế hệ. Những độc giả nhí tìm cho mình các trò nghịch ngợm và cách nhìn dí dỏm về thế giới xung quanh. Người lớn lại tìm ra điều thú vị sâu xa trong tình cha con nhà Atticus, và đặc biệt là tình người trong cuộc sống, như bé Scout quả quyết nói “em nghĩ chỉ có một hạng người. Đó là người”.

[taq_review]

Trích đoạn:

Tặng ông Lee và Alice vì Tình yêu và sự trìu mến

Khi sắp mười ba tuổi, anh trai Jem của tôi bị gãy ngay khuỷu tay. Khi lành lại, nỗi sợ không bao giờ có thể chơi bóng được nữa của Jem đã dịu bớt, anh ít nghĩ ngợi về thương tật của mình. Cánh tay trái của anh hơi ngắn hơn cánh tay phải; khi đứng hoặc đi, mu bàn tay anh cứ thẳng góc với thân mình, ngón cái song song với đùi. Anh hoàn toàn không quan tâm, miễn là anh còn chuyền và lốp bóng được.

Sau nhiều năm tháng trôi qua đủ để giúp chúng tôi nhìn lại, đôi khi chúng tôi bàn bạc về những sự kiện đưa đẩy đến tai nạn này. Tôi vẫn cho rằng tất cả là do nhà Ewell, nhưng Jem, lớn tôi bốn tuổi, lại bảo chuyện này đã bắt đầu từ trước đó rất lâu. Anh nói chuyện đó bắt đầu vào mùa hè khi Dill đến chơi với chúng tôi, lúc Dill lần đầu mớm cho chúng tôi ý tưởng kéo được Bob Radley ra khỏi nhà.

Tôi nói nếu anh muốn có một cái nhìn bao quát về sự việc này, thì thực sự nó bắt đầu với Andrew Jackson. Nếu tướng Jackson không đẩy người Da đỏ Creek 1 lên thượng nguồn thì Simon Finch sẽ không bao giờ chèo thuyền đến Alabama, và liệu chúng tôi sẽ ở đâu nếu ông không làm việc đó? Chúng tôi đã quá lớn không thể dàn xếp một cuộc tranh cãi bằng nắm đấm, vì vậy chúng tôi hỏi ý kiến bố Atticus. Bố nói cả hai đứa tôi đều đúng.

Là dân miền Nam, một số người trong gia tộc thấy xấu hổ vì chúng tôi chẳng có tổ tiên nào được lưu danh ở phía bên này hoặc bên kia trong trận Hasting 2. Chúng tôi chỉ có mỗi Simon Finch, một tay bào chế thuốc bẫy thú lấy lông gốc từ Cornwall, người chỉ để cho thói keo kiệt vượt trội hơn so với lòng mộ đạo của mình. Ở Anh, Simon tức tối trước việc bách hại những người tự xưng là tín đồ phái Giám lý dưới tay các đạo hữu cấp tiến hơn của họ và vì Simon cũng nhận mình là tín đồ Giám Lý nên ông ta tìm đường vượt Đại Tây Dương đến Philadelphia, sau đó đến Jamaica, rồi đến Mobile, và lên đến Saint Stephens. Luôn nghĩ đến những phê phán của John Wesley 3 về thói lắm lời trong việc mua bán, Simon kiếm tiền bằng việc hành nghề y, nhưng trong việc này ông ta không vui vì sợ mình bị cám dỗ phải làm những điều mà ông biết rằng không vì vinh quang của Chúa, như việc đeo vàng trên người và mặc quần áo đắt tiền. Vì thế Simon, sau khi quên đi châm ngôn của thầy giáo mình về việc sở hữu nô lệ, đã mua ba nô lệ và với sự trợ giúp của họ ông lập một trang trại trên bờ sông Alabama, cách Saint Stephens khoảng bốn mươi dặm về phía thượng nguồn. Ông chỉ trở lại Saint Stephens một lần, để tìm vợ, và ông đã cùng bà tạo dựng một dòng họ với nhiều con gái. Simon sống rất thọ và chết trong giàu có.

Thông lệ của người trong gia tộc này là vẫn ở lại trang trại của Simon, nó có tên là Finchs Landing, và kiếm sống bằng nghề trồng bông vải. Trang trại này hoàn toàn tự túc: khá khiêm tốn so với những đại nông trại xung quanh, nhưng Landing vẫn sản xuất được mọi thứ để duy trì cuộc sống trừ nước đá, bộ mỳ và những thứ y phục, vốn phải mua từ những ghe thương hồ từ Mobile.

Simon nhìn sự náo loạn giữa miền Nam với miền Bắc với nỗi giận dữ bất lực, vì nó khiến cho con cháu ông bị tước đoạt hết mọi thứ trừ đất đai của chúng, nhưng truyền thống sống bám vào đất vẫn được duy trì đến nhiều thập niên của thế kỷ hai mươi, khi bố tôi, Atticus Finch, đến Montgomery đế học luật, và em trai bố đến Boston học y. Chị Alexandra của bố là người họ Finch vẫn ở lại Landing: bà cưới một ông chồng ít nói, người dành phần lớn thời gian nằm trên chiếc võng cạnh bờ sông mà tự hỏi những dây câu của mình đã dính cá hết chưa.

Khi được nhận vào luật sư đoàn, bố tôi trở về Maycomb và bắt đầu hành nghề. Maycomb, cách Finchs Landing mười hai dặm về phía Đông, là trung tâm của hạt Maycomb. Văn phòng của bố Atticus tại tòa án chẳng có gì nhiều hơn một cái giá treo mũ, một ống nhổ, một bàn cờ đam và một cuốn luật Alabama còn mới nguyên. Hai thân chủ đầu tiên của bố là hai người cuối cùng bị treo cổ trong nhà tù hạt Maycomb. Bố Atticus đã cố thuyết phục họ chấp nhận sự khoan hồng của tiểu bang trong việc cho phép họ nhận tội giết người cấp độ hai 4 và giữ được mạng sống, nhưng họ thuộc dòng tộc Haverford, ở hạt Maycomb cái tên này đồng nghĩa với thằng ngốc. Những tay Haverford này đã giết chết người thợ rèn giỏi nhất của Maycomb trong một vụ hiểu lầm xuất phát từ việc bắt giữ một con ngựa bị coi là sai trái, thật thiếu khôn ngoan khi làm việc đó trước mặt ba nhân chứng, và cứ khăng khăng rằng đồ-chó-đẻ-nếu-hắn-có-ý-đó là cách biện hộ đủ hiệu quả cho bất cứ ai. Họ nhất quyết rằng mình không phạm tội giết người cấp độ một, vì vậy bố Atticus không thể làm gì hơn cho thân chủ trừ việc có mặt vào lúc họ lên đường, một vụ xử có lẽ là khởi đầu cho nỗi chán ghét đối với ngạch luật sư hình sự của bố.

Trong năm năm đầu ở Maycomb, bố Atticus thực hành tiết kiệm hơn bất cứ thứ gì khác, trong nhiều năm sau đó bố đầu tư thu nhập của mình vào việc học hành của em trai bố. John Hale Finch nhỏ hơn bố mười tuổi và chọn học nghề y vào thời điểm mà việc trồng bông vải không còn sinh lợi nữa; nhưng sau khi giúp chú Jack 5 khởi nghiệp, bố Atticus có được thu nhập đáng kể từ nghề luật. Bố thích Maycomb, ông sinh ra và lớn lên ở hạt Maycomb; ông biết rõ dân ở đây và họ cũng biết bố, và do công việc làm ăn của Simon Finch, nên bố Atticus có quan hệ họ hàng hoặc thông gia với hầu hết các gia đình ở thị trấn này.

Maycomb là một thị trấn cổ, nhưng nó là một thị trấn cổ chán ngắt khi lần đầu tiên tôi biết nó. Vào mùa mưa đường phố trở nên lầy lội đỏ quạch; cỏ mọc trên hai lề đường, tòa án ủ rũ ở quảng trường. Không hiểu sao hồi đó trời nóng hơn: một con chó mực khổ sở trong ngày hè; mấy con lừa trơ xương bị buộc vào những cỗ xe hai bánh lo đuổi ruồi trong bóng râm nồng nực của những cây sồi trên quảng trường. Đến chín giờ sáng những chiếc cổ cồn cứng của các ông rũ xuống. Các bà tắm trước buổi trưa, rồi sau giấc ngủ ngắn lúc ba giờ, và khi đêm xuống họ trông giống như những chiếc bánh bơ mềm phủ mồ hôi và phấn rôm ngọt.

Hồi đó người ta di chuyển chậm chạp. Họ thơ thẩn qua quảng trường, lê bước ra hoặc vào các cửa hàng quanh đó, rề rà trong mọi chuyện. Một ngày hai mươi bốn giờ nhưng có vẻ như dài hơn. Chẳng có gì vội vã, vì chẳng có nơi nào để đi, không có gì để mua và không có tiền để mua 6 chẳng có gì để thăm thú bên ngoài địa giới hạt Maycomb. Nhưng đó là thời kỳ lạc quan mơ hồ của một số người: đến gần đây người ta đã bảo với hạt Maycomb rằng nó chẳng có gì để sợ ngoài chính nỗi sợ hãi 7.

Chúng tôi sống ở con phố chính của thị trấn-bố Atticus, Jem và tôi, thêm Calpurnia đầu bếp của chúng tôi. Jem với tôi thấy bố rất dễ chịu: ông chơi với chúng tôi, đọc cùng chúng tôi, và đối đãi với chúng tôi với sự xa cách lịch sự.

Calpurnia lại khác. Bà toàn góc cạnh và xương xẩu; bà cận thị; bà lé; bàn tay bà to bè như thanh giát giường và cứng gấp đôi. Bà luôn xua tôi khỏi nhà bếp, hỏi tôi sao không cư xử ngoan ngoãn được như Jem mặc dù bà biết anh ấy lớn hơn, và gọi tôi về nhà khi tôi không muốn về. Những trận chiến của chúng tôi thật hùng tráng và chênh lệch. Calpurnia luôn luôn thắng, chủ yếu vì bố Atticus lúc nào cũng đứng về phía bà. Bà đã ở với chúng tôi từ khi Jem chào đời, và trong những chừng mực gì còn nhớ được thì tôi đều cảm thấy sự có mặt độc đoán của bà.

Mẹ chúng tôi mất khi tôi lên hai, vì vậy tôi không hề cảm thấy thiếu vắng bà. Bà là một người thuộc họ Graham gốc ở Montgomery; bố Atticus gặp mẹ khi lần đầu bố được bầu vào cơ quan lập pháp bang. Lúc đó bố đã trung niên, mẹ nhỏ hơn bố mười lăm tuổi. Jem là kết quả của năm đầu họ lấy nhau; bốn năm sau tôi chào đời, và hai năm sau mẹ tôi mất vì một cơn đau tim. Họ nói bệnh này di truyền trong gia đình bà. Tôi không nhớ mẹ, nhưng chắc Jem nhớ. Anh ấy nhớ mẹ rất rõ, và đôi khi đang chơi giữa chừng anh ấy thở dài hồi lâu, sau đó bỏ đi chơi một mình ở phía sau nhà xe. Khi anh ấy như vậy, tôi biết khôn hồn thì đừng quấy rầy anh ấy.

Khi tôi gần được sáu tuổi và Jem xấp xỉ mười, ranh giới cho kỳ nghỉ hè của chúng tôi (nằm trong tầm nghe được tiếng gọi của Calpurnia) là nhà của bà Herry Lafayette Dubose cách nhà tôi hai căn về phía Bắc và tòa nhà Radley cách nhà tôi ba căn về phía Nam. Chúng tôi không bao giờ có ý muốn phá vỡ các ranh giới đó. Tòa nhà Radley là nơi cư ngụ của một thực thể lạ lẫm chỉ cần nghe miêu tả là đủ khiến chúng tôi ngoan ngoãn trong nhiều ngày liên tục, bà Dubose thì chán chết đi được.

Đó là mùa hè Dill đến với chúng tôi.

Một sáng sớm khi chúng tôi bắt đầu trò chơi ở sân sau, Jem và tôi có nghe tiếng gì đó ở nhà bên cạnh, trong mảnh vườn trồng bắp cải của cô Rachel Haverford. Chúng tôi đến bên hàng rào dây kẽm để xem có phải một chú chó con không-con chó săn chuột của cô Rachel đang sắp đẻ-thay vào đó chúng tôi thấy một đứa bé đang nhìn mình. Ngồi ở đó, nó không cao hơn những cây cải là mấy. Chúng tôi nhìn nó cho đến khi nó lên tiếng:

“Chào”

“Chào”, Jem vui vẻ đáp.

“Tao là Charles Baker Harris”, nó nói. “Tao biết đọc đó”.

“Thì sao?” tôi nói.

“Tao nghĩ tui bay muốn biết tao có biết đọc hay không. Tụi bay có thứ gì cần đọc thì tao đọc cho…”

“Mày mấy tuổi”, Jem hỏi, “bốn tuổi rưỡi hả?”

“Sắp bảy tuổi.”

“Vậy có gì bảnh đâu,” Jem nói, chĩa ngón trỏ về phía tôi. “Con Scout kia biết đọc từ lúc mới đẻ, mà nó còn chưa tới trường nữa kìa. Sắp bảy tuổi mà coi mày nhỏ xíu à.”

“Tao nhỏ con nhưng tao lớn rồi,” nó nói.

Jem hất tóc ra sau để nhìn rõ hơn. “Sao mày không qua đây, Charles Baker Harris?” Anh ấy nói. “Cái tên nghe ngon dữ.”

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button