Review

Hãy Tìm Tôi Giữa Cánh Đồng

Thể loại Truyện ngắn – Tản văn
Tác giả Đặng Nguyễn Đông Vy
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Phương Nam
Số trang 188
Ngày xuất bản 06-2015
Giá bánXem giá bán

Khoảng đời trong bài viết của tác giả cho dù rất riêng nhưng sao thật gần gũi với những ai từng có một quê nhà để mà nhớ. Ở đâu đó là khói đốt lá vào một buổi chiều cuối năm làm cay đôi mắt, một trận mưa dầm ngồi trước hiên nhà nhìn bong bóng nước, nhẩm trong miệng một bài ca dao. Những người ông, người bà già yếu thương yêu con cháu và tình thương càng đậm đà hơn ở tuổi gần phải chia xa… Cảnh nghèo nhưng thanh sạch, tình yêu thương với những người lỡ đường… Tất cả là ký ức nhưng nhìn qua đôi mắt đầy xao xuyến, trái tim đầy nhân hậu. Người ta có thể nhìn ra một góc tâm hồn tác giả, và có lẽ nhờ đã viết một cách chân thật với lòng mình, những câu chuyện gửi gắm có thể vượt qua cảm xúc riêng để biến thành cảm xúc của người đọc. Đó là sức mạnh của quyển sách.

Đồng tác giả với hai cuốn sách best seller Nếu biết trăm năm là hữu hạn và Những lối về ấu thơ, Đặng Nguyễn Đông Vy chia sẻ với người đọc những điều mình cảm nhận một cách sâu sắc về cuộc đời, và Hãy Tìm Tôi Giữa Cánh Đồng là thuở ban đầu trong trẻo nhất trước khi được tiếp nối với những tâm tình trong “Những lối về ấu thơ” và giọng văn gần gũi, thẳng thắn hơn trong “Nếu biếttrăm năm là hữu hạn”. Bổ sung vào lần in này là một số bài viết trên blog của tác giả, một blog sau khi đóng cửa đã được lưu giữ lại bằng một người đồng cảm không hề biết mặt. Quả là một bất ngờ thú vị của thế giới mạng.

Hãy lắng nghe những tâm tình trong Hãy tìm tôi giữa cánh đồng:

“Từ khi ông mất đi, những chiều cuối năm không còn ai ngồi quanh đống lửa, nhưng dù đi đâu, chúng tôi vẫn luôn quay về góc vườn cũ, thăm lại những hàng cây. Bao nhiêu lớp lá khô rơi đã tan thành tro bụi, vậy mà vòm lá vẫn xanh và rì rầm trong gió. Nhưng tôi biết rằng: trong vòm cây nguyên lành như chưa bao giờ biến đổi kia, có một chiếc lá đã rơi và để lại khoảng trống trong tôi không gì bù đắp nổi. Chiếc lá ấy vẫn trở về trong trái tim những chiếc lá khác – vào mỗi buổi chiều cuối năm”.

(Lá cuối năm)

“Mối tình đầu cũng giống như tiếng chuông vậy. Nó đã qua rồi dẫu ta vẫn nghe như những âm vang của nó còn đọng mãi. Không ai có thể tìm lại một tiếng chuông, cũng không ai nên cố tìm cách giữ lại một tiếng chuông. Hãy để những cơn gió nguyên sơ mang thanh âm ấy đi . Nếu không thể tạo nên một điều gì tốt đẹp hơn hiện tại, thì cũng đừng nên phá vỡ hiện tại”.

(Thánh đường xưa)

“Giữa tia suy nghĩ nào đấy vừa thoáng qua về vị ngọt trong ly tonic, tôi chợt nhận ra tình yêu cũng giống như lời tỏ tình. Nó có thể bắt đầu và kết thúc bằng một thứ nước uống ở quán cà phê. Nó có thể bắt đầu bằng nỗi nhớ, không phải chính con người ấy, mà là khoảng không gian, những cảm xúc bao quanh mỗi khi ta ở bên người ấy. Sự bình yên.”

(Tonic và chocolate nóng)

“Nhưng năm sau, Tết chưa đến thì bà đã mất. Tôi vẫn chưa tự mình gói bánh được, cả đến bây giờ, khi đã tốt nghiệp đại học. Nhưng Tết nào về quê tôi cũng đi lại con đường từng đi với bà, trên tay là hai chiếc giỏ cũ, một đựng bánh mứt, một đựng đồ chơi và những cuốn truyện cổ tích. Một cho người lớn, một cho trẻ con. Một vì tấm lòng bà đã yên giấc cỏ, một cho tuổi thơ tôi đã xa tít tắp…”

(Những chiếc bánh tét con)

Khi viết Hãy tìm tôi giữa cánh đồng, cho dù tác giả chỉ mong có thể “đem đến cho bạn một niềm vui nho nhỏ, tựa như khi bạn bất chợt bắt gặp trong đống đồng nát ven đường một món đồ chơi cũ kỹ, gợi lại bao kỷ niệm êm đềm của tuổi ấu thơ”, nhưng quyển sách đã mang đến một điều lớn hơn, là niềm tin yêu vào cuộc sống này: một niềm luyến tiếc tuổi thơ êm đềm, một nỗi nhớ quê nhà quay quắt hay một tình bạn tưởng chừng như là mối tình đầu.

Hãy Tìm Tôi Giữa Cánh Đồng” thuộc chủ đề :  Sách hay của tác giả Phạm Lữ Ân nên đọc

[taq_review]

Trích dẫn

NHÀ CÓ CỬA HÔNG

Vừa nhận được thư bạn, và ảnh nữa. Bạn kể rằng mình mới tậu được một căn nhà dạng mobile home, có một phòng khách, hai phòng ngủ, một nhà kho, bếp và có tới hai toilet. Đó là loại nhà lưu động, mặc dù hiện nay bạn vẫn phải thuê một mảnh đất nhỏ trong khuôn viên của ông bác họ với giá 400 đô mỗi tháng… để căn nhà tọa lạc, và để bạn có thể trồng hoa ở quanh nhà.

Ảnh chụp bạn cười tươi, đứng cạnh căn nhà bằng gỗ sơn trắng. Bạn viết, “thú vị lắm nhé, những căn nhà mobile home này có đặc điểm là không có cửa trước, tất cả cửa ra vào đều đặt ở bên hông. Đó là một trong những lý do khiến mình thích nó, bởi vì, nó có vẻ thân thiện.”

Bạn khiến tôi hoài niệm cửa hông.

Cửa hông không phải là cửa chính, tất nhiên. Nhưng nó là cửa chính đối với riêng tôi. Suốt tuổi thơ, số lần tôi ra vào nhà qua cửa chính có thể đếm được trên đầu ngón tay. Cửa chính là nơi ông ngoại án ngữ, đọc sách và tiếp khách khứa. Những chạy nhảy, la hét của bọn trẻ con thường bị cấm đoán. Thế nên tôi yêu nhất là cửa hông nhà. Cửa mở ra một khoảng sân sạch sẽ, có hai cây đinh lăng mọc hai bên bậc thềm, cạnh hàng rào là cây xoài cổ thụ nghiêng lá che bóng râm. Buổi trưa, những đốm nắng xuyên qua tán lá nhảy nhót trên mặt đất, bên bậc thềm xi măng trông ngộ nghĩnh với những hình thù gợi nhiều tưởng tượng…Gió từ những vòm cây lùa vào mát rượi.

Ai cho tôi bày đồ chơi ngay ngạch cửa, nếu không phải là cửa hông?

Ai cho tôi nằm ngủ trưa cạnh cửa, để đón gió mát ngoài vườn, nếu không phải là cửa hông?

Cửa hông là nơi tôi ngồi đợi bà đi chợ về. Xách chiếc giỏ lát cũ kỹ, trong đó luôn có món quà vặt cho tôi, bao giờ bà cũng đi vòng qua cửa hông để vào nhà. Đó cũng là nơi tôi ngồi nhổ tóc sâu cho bà. Bà ngồi bậc dưới, tôi ngồi bậc trên. Hai mươi sợi thì được một viên kẹo bột!

Cửa hông là nơi tôi luôn nhìn vào trên đường từ trường về, qua hàng rào chùm rụm thấp, thấy bà ngồi đợi ở đó, chải tóc với dầu dừa bằng một chiếc lược dày, hoặc vừa têm trầu vừa chuyện trò rôm rả với cụ bà hàng xóm ở bên kia rào chùm rụm. Tôi vẫn nhớ hoài những buổi chiều êm, tôi và bà ngồi đó, đan những con ốc gạo nhỏ xíu làm mành. Vỏ ốc gạo ngâm rửa cho thật sạch, phơi nắng cho khô rồi đục lỗ và xâu lại. Suốt hàng tháng trời, sau một giấc ngủ trưa ngắn, hai bà cháu lại cần mẫn đan mành ốc. Một ngày nọ, khi những chiếc mành hoàn tất, chúng tôi treo lên tất cả các cửa sổ, treo cả ở cửa chính và cửa hông. Mành được vén sang hai bên và cột lại, khi có người ra vào tiếng ốc khua nghe rất vui tai. Thế nhưng chỉ được hai ngày, chiếc mành ở cửa hông đã bị tháo xuống, vì đột nhiên cả nhà nhận ra rằng chiếc mành ốc dường như quá vướng víu và ngăn cách cả thế giới.

Đó là một khung cửa thân thiện. Bởi thế mà nó cần được mở toang. Đôi khi, bạn có thể đến nhà tôi và thấy cánh cửa chính được đóng kín trong khi cổng vẫn mở. Ấy là một dấu hiệu, được ngầm hiều rằng “nhà hiện đang có việc bận nên không tiếp khách lạ, còn khách quen thì cứ đi vòng ra… cửa hông”. Chợt nhớ một ý nhỏ trong cuốn sách viết về Thiền học của Takashina Rosen tựa là A Tongue-tip Taste of Zen (Vị thiền nơi đầu lưỡi), rằng ở buổi sơ giao bao giờ người khách cũng phải vào nhà bằng cửa chính, với những nghi lễ cần thiết thì mới được sự chấp nhận của gia đình chủ nhân. Và chỉ khi thân thiện với gia đình ấy rồi thì mình mới có thể tự do đi vào bằng cửa sau hoặc cửa hông mà không gây quan ngại cho cả chủ lẫn khách.

Đó là ở nhà quê, còn với Sài Gòn, nơi tôi đang sống thì cửa hông là thứ xa xỉ. May mắn thay, nhà tôi lại có một con hẻm chung rộng chừng 80cm nằm giữa hai nhà. Đó là nơi má chồng tôi thường ngồi trò chuyện với nhà hàng xóm. Có miếng ngon thường mời nhau. Đó là nơi mấy má con ngồi quây quần cắt kiệu ngày giáp Tết. Con trai hai tuổi của tôi thập thò gọi cậu bạn nhỏ ở nhà bên. Phía trên đầu là một dải trời xanh rất hẹp, nhưng đủ để nắng len lỏi vào nhảy nhót trên sàn nhà, và gió len qua những mái nhà luồn vào cánh cửa, khiến căn nhà luôn có hơi thở thiên nhiên. Đứng ở cửa hông đó mỗi chiều, tôi hạnh phúc chỉ cho con thấy những chùm hoa tigon dịu dàng rủ xuống từ mái nhà bên cạnh.

Ở thành phố bận bịu này, tôi chẳng mấy khi có dịp qua thăm hàng xóm bằng cửa trước, để nói những chuyện thân mật và tầm phào. Vả chăng, bước ra khỏi cửa là phải mặc quần áo tề chỉnh, tóc tai gọn ghẽ. Chỉ điều đó cũng khiến ta e ngại. Trong khi, có thể thản nhiên ngồi ở cái cửa hông này, tóc rối bù, mặt đầy mồ hôi, tạp dề còn mang trên ngực, vẫn có thể thoải mái hỏi thăm dăm câu, kể vài mẩu chuyện thường ngày. Những cuộc giao tiếp thân thiện và mối thân tình chỉ có cơ may phát triển bên cánh cửa hẹp, nơi nhà bên này có thể ngó thấy bếp của nhà bên kia.

Chỉ một con hẻm nhỏ bên hông nhà, chỉ là một cánh cửa gỗ kéo qua kéo lại, nhưng có ý nghĩa biết bao. Nó không có tác dụng ra vào nhà, nhưng là một cánh cửa giao tiếp. Nó còn là nơi hứng lấy nắng và gió. Nó khiến tôi đỡ nhớ quê và cảm thấy ít cách biệt hơn với thế giới bên ngoài, sau khi bước vào cánh cổng nhà đóng kín.

Vì vậy tôi hiểu bạn, tôi hiểu vì sao bạn lại có vẻ thích thú với cánh cửa hông của Mobile Home ở xứ người như vậy. Nó bất chợt khiến bạn nhớ lại ngày mới lớn, những buổi chiều ngồi mơ mộng xa xôi bên cửa hông nhà và ngóng đợi bóng ai thấp thoáng bên nhà hàng xóm. Tôi hiểu, bởi vì rất nhiều khi, tôi cũng tự nhủ với mình như vậy:

“Ồ hay quá, nhà mình có cửa hông!”

HÃY LUÔN MỞ CỬA

Ngôi nhà được “khởi công” vào một ngày cuối năm 1978, trước khi tôi ra đời đúng hai tháng tròn và hoàn tất sau năm mươi hai ngày. Ông Nội đã tích góp từng tấm tôn, từng bao xi măng, từng thiên gạch… từ nhiều vụ lúa trước, và mặc dù nguyên liệu chưa được bao nhiêu nhưng ông vẫn quyết định bắt tay xây dựng ngôi nhà.

Vì đứa cháu nội đầu lòng của ông sắp chào đời. Mùa lạnh thì đang đến, và căn chòi trống lốc quây bằng cót, lợp bằng lá dừa nằm chơ vơ giữa rẫy mì mà ba mẹ tôi đang ở chắc chắn không thể che chở nổi cho sinh linh bé nhỏ (là tôi) qua những cơn gió buốt da tháng Chạp.

Thế là, trong khi ba tôi đi cày, mẹ tôi đi dạy, bà Nội đi bán hàng ngoài chợ thì ông Nội hì hục một mình đào móng, trộn vữa, đặt từng viên gạch… trên mảnh đất mà ông khai phá được từ nhiều năm trước. Và rồi căn nhà hoàn thành, rất đơn giản, chỉ là hai gian phòng chữ nhật ghép vào nhau thành hình L, lợp tôn, vách bằng gạch, quét vôi màu mỡ gà, những cánh cửa sơn xanh… và một chái bếp nhỏ chìa ra như cái đuôi xấu xí. Đối với ba mẹ tôi, món quà của ông là một thiên đường. Ông chỉ dặn một câu: “Trong ngôi nhà này, các con hãy yêu thương nhau, và hãy luôn mở rộng cửa!”

Trong ngôi nhà ấy, tôi đã lớn lên. Những ngày thơ ấu êm đềm. Ban đêm, tiếng mưa xối, tiếng gió đưa những cành xoài ràn rạt trên mái tôn, cả tiếng xe chạy qua lại ngoài đường quốc lộ, những âm thanh quen thuộc dỗ tôi vào giấc ngủ. Buổi sáng mở mắt, chạy ra sân đã thấy những hàng bắp, những luống dưa leo tươi nõn, xanh ngắt mà ông Nội trồng quanh sân. Cỏ lóng lánh sương. Chim ríu rít trên cành ổi sau nhà… Con bò vàng cất tiếng “ụm bò… ò” bên cạnh cây rơm.

Lớn lên một chút, ngôi nhà cùng chúng tôi trải qua những sự kiện đáng nhớ. Nhà tôi ở ngay mặt đường quốc lộ, lại có vườn xoài râm mát nên nhiều xe tải, xe khách Bắc Nam dừng lại cho khách nghỉ ngơi hoặc bị hỏng xe cả hai ba ngày trời. Sau một thời gian phải trả lời cho quá nhiều khách vào hỏi xin nước uống, tắm giặt, nấu ăn… Ba tôi quyết định dỡ cả hàng rào, chặt bớt cành xoài để xe có thể vào đậu hẳn trong sân. Đồng thời, đóng một tấm biển đề chỉ dẫn đến nhà bếp, nhà vệ sinh, giếng nước, và chua thêm câu: “Miễn phí!”. Tôi nhớ mãi những buổi trưa, mấy chị em ngồi chơi trước hiên, nhìn ra sân la liệt người trải chiếu, tấm nilông, nằm ngồi dưới bóng xoài đợi sửa xe, nói chuyện ồn ào với đủ giọng…

Cũng một buổi trưa như thế, khi mẹ tôi đang nấu ăn trong bếp thì có người đàn bà mang bầu chạy vào kéo tay: “Chị ơi làm ơn làm phước. Em sắp sanh rồi!” Những người khách lỡ đường rỗi rãi liền nhao nhao chạy vào xem và la lên, bảo mẹ tôi đưa người phụ nữ ấy ra gốc xoài ngay, chứ để bà ấy đẻ rớt trong nhà mình thì… xui lắm! Mẹ rất bình tĩnh, lịch sự mời mọi người yên lặng ra ngoài, đóng cửa lại, lấy khăn gối sạch trải lên tấm phản gỗ cho người kia nằm, bảo tôi chạy đi gọi cô mụ gần đó. Cô mụ đến chưa được 10 phút thì đứa bé oe oe chào đời, ngay trên tấm phản mà chị em tôi vẫn ngủ trên đó. Cảm giác lạ lẫm mà tôi trải qua buổi trưa hôm ấy chưa bao giờ tan biến.
Vài năm sau sự kiện đó, ba tôi mua giường mới cho mấy chị em, còn tấm phản thì mang ra hiên để ngủ trưa cho mát. Đêm nọ, một ông lão hành khất đột nhiên xuất hiện, xin được tá túc trên chiếc phản. Mẹ mang ra cho ông thêm cái gối và tấm mền. Cứ sáng sớm, ông xếp chăn gọn gàng rồi tay bị tay gậy mà đi cho đến tận khuya, khi cả nhà tôi đã ngủ, ông mới về. Đến khi trời trở lạnh, và đột ngột đổ mưa xối xả, mẹ đi qua đi lại ngó ra hiên vài lần, rồi bảo ba mời ông lão vào ngủ luôn trong nhà. Sáng mai, tỉnh dậy thì ông lão đã đi, không lời từ biệt, để chăn gối lại, chỉ mang theo… chiếc áo len của ba tôi vẫn treo ở đầu giường.

Nhiều năm sau, gia đình tôi thỉnh thoảng vẫn nhắc lại những chuyện xưa cũ ấy. Tôi cười rằng: “Mẹ gan thật, chẳng may ông ấy không phải là người tốt và khiêng hết đi thì sao”. Mẹ cười hiền lành: “Ừ, cũng có thể. Nhưng để ông ấy ngủ ngoài mưa thì mẹ không chịu được. Con không biết cái cảnh đó khổ sở như thế nào đâu. Ông Nội cũng đã luôn nói là “hãy mở rộng cửa”. Mà mẹ nghĩ, mình đối xử như vậy, lẽ nào…”

Cái triết lý đó của ba mẹ tôi, cũng đơn sơ giản dị như ngôi nhà vậy, cứ thế mà qua bao thăng trầm cuộc đời. Và cứ mỗi năm, cho đến gần 20 năm sau, đứa bé tên Rớt ngày nào bây giờ đã thành chàng trai chững chạc, vẫn theo cha (mẹ của cậu bé thì không bao giờ đến vì…mắc cỡ) trở lại cám ơn ba mẹ tôi và rất áy náy khi thấy gia đình tôi vẫn cứ thế, vẫn ngôi nhà cũ, khu vườn xưa, chứng tỏ chẳng làm ăn “lên” được, trong khi gia đình họ thì khá giả hơn xưa rất nhiều.

Thật ra, mẹ nói, bây giờ ba mẹ đã có dư khả năng xây một căn nhà mới. Nhưng mỗi lần nhìn lại tường vôi loang lổ, cánh cửa gỗ sơn xanh, mẹ lại nhớ ông Nội nay đã về với đất mà không đành lòng. Vả lại, mẹ nhấn mạnh: “Ba mẹ vẫn thấy mãn nguyện khi sống trong căn nhà này!”. Tôi hiểu mẹ, bởi tôi cũng vậy, ngay cả khi đã lấy chồng, và đến sống trong một ngôi nhà khác, tiện nghi và đẹp đẽ hơn rất nhiều, nhưng chỉ khi về lại ngôi nhà cũ, tôi mới có được những giấc ngủ thật sâu. Ngôi nhà không chỉ là ngôi nhà, mà là tổ ấm thương yêu, là kỷ niệm. Nó cũ kĩ đơn sơ vậy, nhưng đã chở che cho cả một gia đình, từ khi đứa con đầu lòng của ba mẹ tôi ra đời cho đến khi đứa con út tốt nghiệp đại học. Nó nhỏ bé chật chội vậy, nhưng luôn mở rộng cửa, để chở che cả những mảnh đời nào đó tình cờ ghé ngang.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button