Review

Bí Quyết Thành Công Của Bill Gates

Thể loại Sách kinh doanh
Tác giả Khảm Sài Nhân
NXB NXB Thời Đại
Công ty phát hành Pandabooks
Số trang 276
Ngày tái bản 09-2010
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Thay đổi thực sự không phải là thay đổi thế giới mà là thay đổi chính bản thân mình. Cuộc sống thường lạnh lùng và khắc nghiệt, bạn làm thế nào để tìm ra sự công bằng trong xã hội này? Hãy đọc cuốn sách chứa đầy những quan niệm nhân sinh của tỷ phú giàu nhất thế giới Bill Gates. Muốn thành công bạn phải chấp nhận hiện thực, thích ứng trước rồi mới tìm cách thay đổi hiện thực. Cần phải tin rằng, chỉ mình mới có thể giúp cho chính mình thành công. Khi ấy, công việc, cuộc sống và cả cuộc đời bạn cũng sẽ thay đổi.

[taq_review]

Trích đoạn sách

CUỘC SỐNG LÀ KHÔNG CÔNG BẰNG, HÃY LÀM QUEN VỚI ĐIỀU ĐÓ

I. RỘNG LƯỢNG VỚI QUÁ KHỨ CỦA MÌNH

Quá khứ có thể đưa đến kết quả của tương lai nhưng quá khứ không phải là tương lai!

Chúng ta khi được sinh ra có 3 điểm không thể lựa chọn:

Một là, ai là bố mẹ mình; hai là, bạn sinh ra trong một gia đình như thế nào; Ba là, gia đình mình ở nước nào.

Ba điểm này vô cùng quan trọng, thậm chí quyết định tiền đồ và vận mệnh của chúng ta, nhưng thật tiếc, chúng ta không có quyền lựa chọn chúng. Bắt đầu từ khi chúng ta có mặt trên đời, tất cả đều đã trở thành những hiện thực mà dù muốn hay không, ta chỉ có thể chấp nhận.

Bố mẹ bạn có thể là những nhà tỉ phú, sống trên đỉnh của xã hội, được người đời ngưỡng mộ, có quyền quyết định cuộc sống của rất nhiều người; nhưng họ cũng có thể là những người dân nghèo ăn không đủ no, sống vất vưởng, bị người đời ghẻ lạnh, không biết ngày mai sẽ sống như thế nào.

“Trước 30 tuổi thì nhìn cha kính con, sau 30 tuổi thì nhìn con kính cha”. Câu nói này có nghĩa là, khi bạn chưa đến tuổi 30, người đời nhìn cha bạn như thế nào thì họ cũng nhìn bạn như thế, nhưng sau khi bạn 30 tuổi, người đời nhìn bạn thế nào thì họ cũng nhìn cha bạn như thế.

Đừng oán trách người đời, điều này không liên quan gì đến cách nhìn nhận của họ, hơn nữa dù bạn than vãn thì cũng không có tác dụng gì.

Bố mẹ có thể là người có nhiều năng lực, có khả năng tạo dựng cho chúng ta một cuộc sống tốt đẹp, một môi trường học tập và phát triển tốt, mang lại cho chúng ta các mối quan hệ tiềm năng, hỗ trợ cho chúng ta nguồn vốn lớn giúp ta có vị trí xuất phát cao, những người cùng trang lứa phấn đấu 10 năm, 20 năm cũng khó có thể đạt được mức xuất phát điểm của chúng ta.

Nếu có được bố mẹ và một gia đình như vậy, chúng ta càng cần phải trân trọng, đón lấy ngọn đuốc lớn từ tay bố mẹ với lòng biết ơn sâu sắc, phấn đấu phát triển sự nghiệp của họ thêm lớn mạnh. Nếu bố mẹ nghèo khó, đói rét, hèn mọn, chúng ta thường bị kỳ thị, bị tổn thương, bị đối xử lạnh nhạt, muốn phát triển nhưng không có tiền, không có cơ hội và nguồn lực: tìm việc làm thì không biết đường biết lối, không có mối quan hệ, đành phải ở tầng thấp nhất của xã hội, vật lộn để mưu sinh. Chúng ta cảm thấy mình như cây cỏ dại mọc trên miếng đất hoang, tự mọc lên rồi lụi tàn, không ai ngó ngàng đến. Nếu đúng như vậy, bạn cũng đừng oán thán, bởi vì cuộc sống vốn không có sự công bằng. Hoàn cảnh gia đình không phải là điều chúng ta được lựa chọn, vì thế nó không chứng minh được điều gì. Sự thành công hay thất bại của bố mẹ không đại diện cho giá trị bản thân chúng ta, quá khứ không phải là hiện tại, càng không thể đại diện cho tương lai. Là thanh niên, chúng ta không nên than thở về sự rách nát của con tàu mình đã đi trong quá khứ, bởi quá khứ đã qua rồi, chúng ta cần đứng mạnh khỏe trên bến tàu của hiện tại. Dù xuất thân nghèo hèn hay giàu sang, xuất phát điểm của chúng ta đều giống nhau. Một thanh niên có xuất thân thế nào, điều đó không ảnh hưởng đến ngày mai của anh ta, tương lai phụ thuộc vào việc chúng ta nắm bắt nó như thế nào. Đối với những người được sinh ra trong gia đình nghèo khó, muốn thành đạt trong tương lai thì việc cần làm ngay lúc này là rộng lượng với quá khứ của mình. Nếu bây giờ chúng ta vẫn tự nói với bản thân những câu như: “Nếu bố mình là tỉ phú, nếu mình có được nhiều sự ủng hộ hơn hoặc có nhiều mối quan hệ mạnh hơn thì tốt”, “Nếu khi vào đại học mình chọn nghề khác thì tốt”…, những điều này chỉ làm tăng sự đau khổ và hối hận, kết quả là bản thân cảm thấy tiền đồ mờ mịt, bất lợi.

Chúng ta nên bình thản chấp nhận quá khứ của mình, dừng những suy nghĩ oán trách lại, làm những việc mình có thể làm, phải làm và muốn làm; nếu không, công việc dồn lại, bạn sẽ giống như người vác hành lí quá nặng, phải vất vả bước từng bước. Nếu không rộng lượng với quá khứ của mình, quá khứ không như ý sẽ cản trở năng lực của chúng ta. Bởi vậy, tốt nhất bạn hãy dùng thời gian và sức lực để làm những việc có thể thay đổi hiện tại, chứng minh giá trị tồn tại của bản thân. Một huấn luyện viên nổi tiếng đã từng nói: “Thượng đế để mắt của bạn ở phía trước đầu là vì muốn bạn nhìn về phía trước, đi lên phía trước, chứ không phải để bạn suốt ngày nhìn về quá khứ”.

Có người đã miêu tả về quá khứ của mình như thế này: Tôi tin rằng có một ngày, những giọt nước mắt tôi đã khóc sẽ biến thành những bông hoa, hàng trăm hàng nghìn vết thương mà tôi đã phải chịu sẽ khiến tôi tỏa sáng….

Bởi thế, dù trước đây chúng ta nghèo khó hay thấp hèn, thất bại hay không được như ý, chúng ta cũng nên rộng lượng với quá khứ, quên đi sự bất hạnh của bản thân, trả lại cho thế giới một con người thực, một con người chân chính.

Bà Rice, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, khi 10 tuổi, theo cả gia đình đến Washington du lịch. Cô bé Rice khi đó rất muốn được vào tham quan Nhà Trắng, nơi cô mong ước được đến từ lâu, nhưng vì là người da đen nên cô không thể vào Nhà Trắng như những người khác. Cô bé Rice không vì thế mà oán trách bố mình, cô nhìn về hướng Nhà Trắng hồi lâu, sau đó quay đầu lại nói với bố: “Sẽ có một ngày, con sống ở trong đó!”.

Cô bé Rice tuy nhỏ nhưng đã hiểu rằng, đối với cô, đối với cả cộng đồng người da đen, chẳng có tác dụng gì khi oán trách việc bản thân là da đen, oán trách tại sao không thể có sự bình đẳng giữa người da đen và da trắng… Điều cô bé có thể làm là rộng lượng, chấp nhận, sau đó tìm cách để thay đổi. Quả nhiên, 25 năm sau, Rice, người đã tốt nghiệp Đại học Denver với thành tích xuất sắc, trở thành chuyên gia các vấn đề liên quan đến Nga, có thể đường hoàng bước vào Nhà Trắng, đảm nhiệm chức vụ Cố vấn các vấn đề liên quan đến nước Nga cho Tổng thống. Sau này, bà được thăng chức Quốc vụ khanh, trở thành nhà ngoại giao nổi tiếng. Quy định cấm người da đen bước vào Nhà Trắng, dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của sự phát triển xã hội, đã trở thành quá khứ.

Một người cha đưa cậu con trai đến tham quan nhà của Van Gogh. Sau khi nhìn chiếc giường gỗ nhỏ và đôi giày hở mõm, cậu con trai hỏi cha: “Tranh của Van Gogh đắt tiền thế, ông ấy phải là triệu phú mới phải chứ!”. Người cha cười và nói: “Van Gogh sinh thời nghèo đến nỗi không lấy được vợ”.

Năm thứ hai, người cha đưa cậu con trai đi Đan Mạch, đến nhà của Andersen, cậu con trai lại băn khoăn hỏi: “Cha ơi, Andersen chẳng phải sống ở trong cung điện ư?”. Người cha cười và nói: “Andersen là con trai một người thợ đóng giày, ông ấy sống trong căn gác cũ nát này”.

Người cha vốn làm nghề thủy thủ, quanh năm bận rộn trên các bến cảng ở Đại Tây Dương, nhưng vì ông là người da đen nên thu nhập chẳng được là bao. Cậu bé con trai của ông chính là Eton Black, là phóng viên da đen đầu tiên giành giải thưởng Pulitzer trong lịch sử nước Mỹ. Hai mươi năm sau, khi nhớ lại thời niên thiếu, Eton Black nói: “Khi đó nhà tôi rất nghèo, bố mẹ tôi phải bán mồ hôi và sức lao động để nuôi gia đình. Nhìn thấy những người da đen như bố mẹ, chỉ có thể làm những công việc vừa bẩn thỉu, vừa vất vả mà lương lại thấp, tôi đã quen với việc nghĩ rằng những người da đen có địa vị thấp hèn như chúng tôi thì không thể làm được việc gì. Chính vì bố nói cho tôi biết về Van Gogh và Andersen, họ đã giúp tôi hiểu rằng, Thượng đế không coi thường những người có địa vị thấp hèn. Những người giành được thành công không được lựa chọn trước từ hoàn cảnh xuất thân, họ thành công do những phấn đấu của chính bản thân họ. Thành công không thuộc về quá khứ mà chỉ thuộc về tương lai”.

Một người nhìn nhận quá khứ của mình như thế nào thì họ sẽ có một tương lai như thế. Chúng ta có thể thanh thản đối mặt với quá khứ thì sẽ có một tương lai xán lạn. Nếu chúng ta không nỗ lực thay đổi địa vị thấp hèn, hoàn cảnh nghèo khó thì đừng hy vọng người khác có thể đồng cảm với mình. Chẳng sự đồng cảm và bi lụy nào có thể cứu vớt những người tự coi thường mình.

Trở ngại mà con người khó vượt qua nhất chính là quá khứ của bản thân. Chúng ta không nên để quá khứ bám lấy chúng ta, trói buộc chúng ta, không được để tương lai cũng giống như quá khứ.

Rộng lượng với quá khứ gian khó, thậm chí đầy oán hận của mình chính là vì bản thân chúng ta chứ không phải vì ai khác. Vui vẻ bỏ qua, rộng lượng với những người và sự việc trong quá khứ, điều đó khiến cho chúng ta cảm thấy khỏe khoắn, tinh thần thoải mái, thanh thản.

Thử nghĩ xem, nếu lúc nào cũng nghĩ đến những nỗi đau mà người khác đã gây ra cho mình trong quá khứ, chúng ta sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian và sức lực quý báu của bản thân, khoảng thời gian và sức lực đó nên để thực hiện mục đích và ước mơ của mình. Chúng ta nên nhìn về phía trước, đồng thời hành động một cách tích cực, chứ không phải chỉ dậm chân tại chỗ hoặc dừng lại ở quá khứ. Chúng ta hãy bỏ đi gánh nặng ân oán, giải phóng bản thân khỏi sự khống chế của người khác để xuất phát một cách thanh thản nhẹ nhàng.

Thoát khỏi những đau khổ trong ký ức, áp dụng những hành động tích cực để thay đổi những điểm mình không hài lòng, đấy là điểm mấu chốt để một người trưởng thành và hướng đến thành công. Bạn phải nhớ rằng, quá khứ không thể quyết định hiện tại và tương lai của chúng ta, trừ phi chúng ta chìm đắm trong nó! Chẳng ai có quyền lựa chọn tương lai của chúng ta, trừ phi chúng ta cho họ cái quyền đó.

Sau khi chúng ta đạt được thành công từ những việc mình làm, sự thương xót và đồng cảm mà trước đây chúng ta mong mỏi, đến lúc này không còn quá quan trọng.

II. NGÀY HÔM QUA VÀ NGÀY HÔM NAY CHẲNG LIÊN QUAN GÌ ĐẾN NHAU

Trước khi thảo luận vấn đề này, chúng ta hãy tìm hiểu câu chuyện của một người:

Nếu bên cạnh chúng ta có một người như thế, chúng ta sẽ đánh giá họ như thế nào? Sinh ra đã không thuộc một chủng tộc được ưu tiên, sinh ra đã bị xã hội cướp đi bao cơ hội, chẳng có lựa chọn nào khác là lao động cật lực; từ nhỏ đã thích chuyện tình yêu, chẳng khác nào “một tên lưu manh nhóc con”; ngay đến một cơ thể khỏe mạnh cũng không có, còn mong anh ta làm được gì? Gì cũng sợ, anh ta chính là kẻ nhát gan; làm việc gì cũng không kiên trì, nhất định anh ta chẳng thể thành công; ai nói gì cũng không tin, tự cho mình là thông minh, người như thế sẽ chịu thiệt thòi; trí óc như người bình thường, anh ta chỉ có thể sống cuộc sống như người bình thường mà thôi.

Một người như vậy, ưu điểm không bao nhiêu mà nhược điểm thì khá nhiều. Nếu một người như vậy có thể vượt lên, điều nảy không thể xảy ra, trừ phi là sao Hỏa rơi xuống Trái đất.

Chúng ta lại tìm hiểu về câu chuyện của một vĩ nhân:

Cuộc đời của ông quả là một quả là một truyền kỳ. Xét từ những thành tựu ông đạt được trong đời, chúng ta không thể không coi ông là một thiên tài khác người. Một người bị bệnh bẩm sinh, không tốt nghiệp được đại học, 38 tuổi mới thực sự có được chút sự nghiệp, dựa vào 6000 đô la để khởi nghiệp, gây dựng công ty thành một công ty lớn nhất toàn cầu về quảng cáo, có phải là người độc nhất vô nhị hay không? Bây giờ, tôi có thể nói rằng, cậu bé da đen và vị tỉ phú vừa được nhắc đến ở trên chỉ là một người, tên ông là David Ogilvy, người sáng lập ra Công ty Quảng cáo Ogilvy & Mather.

Nếu đối chiếu từng việc của David Ogilvy trước năm 38 tuổi với người sáng lập ra Ogilvy & Mather sau năm 38 tuổi, chúng ta chẳng tìm thấy một điểm nào mang tính tất nhiên, cũng không thể giải thích được làm thế nào một người không có tính kiên trì có thể tạo ra một công ty tập đoàn đa quốc gia lớn mạnh như vậy, càng không thể giải thích được một người mắc bệnh bẩm sinh lại có thể sống đến 88 tuổi, đồng thời chúng ta cũng không thể giải thích được một người cái gì cũng sợ lại có thể làm được gián điệp mấy năm, một người trí óc bình thường tại sao lại có được một năng lực đáng kinh ngạc đến vậy. Những việc này đã được David Ogilvy chứng minh là sự thực bằng chính những hành động của mình. Có thể có người sẽ nói thành công của David Ogilvy là trường hợp cá biệt, không mang tính phổ biến, thành công của ông ấy không thể được lặp lại. Vậy chúng ta hãy xem quá khứ của ông có cá biệt không? Nếu chỉ dựa vào phần đời trong quá khứ thì liệu ai dám khẳng định ông sẽ thành đạt? E là chỉ một chút bóng dáng của một người thành đạt cũng không thể tìm thấy.

Những thành tựu mà ông đạt được trong phần đời sau có liên quan gì đến những hành động ông đã làm trong quá khứ không? E là không có. Không thể tìm thấy nhân tố nào quyết định tương lai của ông trong quá khứ.

Vạn vật đều tồn tại theo quy luật riêng của nó, chỉ có cuộc đời của chúng ta là có vô vàn những biến cố. Một nhà triết học đã nói: “Quy tắc không bao giờ thay đổi của cuộc sống chính là thay đổi”. Một nhà nhân chủng học nổi tiếng từng nói: “Vận mệnh của bất cứ ai đều không thể đoán được”.

Cuộc đời của chúng ta chỉ có hơn 20.000 ngày, hàng ngày chúng ta không ngừng thay đổi do những sự lựa chọn khác nhau. Hôm nay có thể là một người ăn xin, ngày mai có khi lại là một tỉ phú; ngày hôm nay quyền cao chức trọng, ngày mai có thể là tù nhân. Cuộc đời của con người là không thể dự đoán, nói cách khác là mọi thứ đều có thể.

Bởi vậy, nếu trước đây chúng ta làm sai chuyện gì, hiện nay gặp phải những bất hạnh gì thì cũng đừng quá quan tâm đến những chuyện đó. Hãy coi đó là những yếu tố giúp chúng ta thay đổi.

Trong một cuộc gặp mặt của các tỉ phú, siêu sao trên thế giới, John Eyton, nhà kinh doanh ô tô nổi tiếng thế giới gặp Churchill, bạn của ông sau này trở thành Thủ tướng Anh, hai người hàn huyên đủ chuyện, sau cùng Eyton kể với Churchill chuyện trước đây mà ông không muốn nhớ đến.

Eyton sinh ra ở một miền quê xa xôi, bố mẹ mất sớm, Eyton ở với chị gái. Chị gái ông kiếm tiền bằng việc làm thợ giặt và bảo mẫu, hai chị em bữa no bữa đói. Sau khi chị lấy chồng, vì anh rể không ưa em vợ, Eyton được gửi về nhà cậu, mợ ông rất cay nghiệt, khi ông còn đi học, quy định mỗi ngày ông chỉ được ăn một bữa, ông còn phải đi dọn phân ngựa, cắt cỏ. Khi làm thợ học việc, Eyton không thuê được nhà, ông phải ngủ trong một nhà kho bỏ hoang ở ngoại ô gần một năm…

Churchill không ngờ vị tỉ phú này lại có một quá khứ buồn khổ như vậy, ông thắc mắc hỏi: “Chúng ta quen nhau đã mấy năm rồi, sao tôi chưa từng nghe thấy ông nói đến chuyện đó?”

Eyton cười và nói: “Quá khứ có gì đáng nói đâu cơ chứ? Cố gắng thay đổi nó là được. Ngày hôm qua và ngày hôm nay chẳng liên quan gì đến nhau. Nếu cứ nhất định khiến chúng phải có mối liên hệ với nhau thì xem hôm nay anh làm được gì, kéo dài tình trạng bi đát ngày hôm qua hay là làm cho ngày hôm nay khác ngày hôm qua?”

Hôm qua chúng ta là ai không quan trọng, hôm nay chúng ta là ai cũng không quan trọng, vấn đề then chốt là ngày mai chúng ta là ai. Nếu chúng ta của ngày mai vẫn là chúng ta của ngày hôm nay thì ngày hôm nay chúng ta đã bị thời đại chôn vùi rồi.

III. KHÔNG PHẢI TẤT CẢ NHỮNG ĐIỀU HỌC ĐƯỢC TỪ NHỎ ĐỀU ĐÚNG

Chúng ta có từng nghi ngờ vào những điều mà chúng ta vẫn tin là quy tắc bất biến của cuộc sống?

Chúng ta có từng nghi ngờ vào những sự sắp xếp và những lời dạy bảo của bố mẹ và thầy giáo không?

Chúng ta có từng nghi ngờ những lời nói về sự thành đạt của thần tượng của chúng ta không?

Có thể nói một cách khẳng định rằng, rất nhiều người chưa từng bao giờ nghi ngờ. Đặc biệt là với những kinh nghiệm, chuẩn mực đã được những người thành đạt nghiệm chứng và cho rằng có hiệu quả, chúng ta lại càng tin tưởng. Những lời khuyên và cảnh báo của họ trở thành sợi dây cao áp mà chúng ta không dám chạm tới. Thế là có không ít thanh niên chỉ đi trong cái ranh giới đã được người thân, thầy giáo, bạn bè, thần tượng vẽ sẵn mà không suy nghĩ gì, để tránh bị thất bại, tránh bị tổn thương. Bởi vậy, khi còn rất nhỏ, chúng ta đã quen với việc tiếp nhận rất nhiều câu từ như: kẻ ngốc nói mơ, làm người phải biết thân biết phận, làm người phải thật thà, phải thực tế, đi từng bước, cần cù sẽ được đền đáp, con người có số, suy nghĩ lung tung chẳng ích gì, làm những việc mình nên làm, làm những việc mình có thể làm, thành công có điều kiện của nó…

Tóm lại, nếu họ nói là phải đi bộ thì bạn đi bộ, phải qua cầu thì qua cầu, phải đi ngựa thì đi ngựa, đũa mốc không được chòi mâm son.

Những người tuân thủ quy định, hiểu biết, nghe lời, phục tùng, vẫn luôn được cho là những đứa con ngoan, những học trò ngoan, nhân viên tốt. Chúng ta đã quen chấp nhận những tiêu chuẩn ấy một cách vô thức, đồng thời cũng đem những tiêu chuẩn đó ra làm thước đo xem chúng ta nên làm việc gì, không nên làm việc gì. Hãy suy nghĩ theo hướng ngược lại, chúng ta làm như vậy có phải là mong muốn thực sự của bản thân chúng ta hay không? Làm như vậy có thực sự chịu trách nhiệm với cuộc đời của chúng ta hay không? Chưa chắc!

Khi còn nhỏ, Bill Gates bị coi là không tôn trọng phép tắc, là một đứa trẻ cá biệt. May mắn thay, Bill Gates có một bà mẹ vĩ đại. Vào “Ngày của mẹ” năm 1975, Bill Gates khi đó đang học tại Đại học Harvard gửi tặng mẹ một tấm bưu thiếp:

“Con yêu mẹ! Từ trước đến nay chưa bao giờ mẹ bảo con kém hơn những đứa trẻ khác, mẹ luôn tìm kiếm những điểm đáng để khích lệ trong những việc con làm. Con luôn nhớ về tất cả những ngày tháng con được ở cùng mẹ”.

Nghĩ lại, chúng ta hầu như đều lớn lên trong sự phủ định của một số người. Dù chúng ta chăm chỉ như thế nào thì trong mắt bố mẹ vẫn chưa phải là tốt nhất; dù chúng ta nỗ lực như thế nào thì thầy giáo vẫn tìm ra những điểm chưa đạt yêu cầu. Trong mắt của người đi trước, suy nghĩ của giới trẻ đều non nớt, chưa trưởng thành, nhất định sẽ thất bại.

Các chuyên gia tâm lí Mỹ từng làm một cuộc điều tra: Ai là người làm bạn tổn thương nhất? Kết quả điều tra thật bất ngờ, đứng ở vị trí cao nhất là “bố mẹ”, đứng vị trí thứ hai là “anh chị em”, thứ ba là “con cái”. Bố mẹ, anh chị em, con cái là những người thân cận nhất của chúng ta, tại sao lại là người làm ta “tổn thương nhất?”. Thực ra nếu suy nghĩ thật kỹ thì quả đúng như thế. Họ là những người luôn cho rằng họ xứng đáng có quyền giúp chúng ta lựa chọn, quyết định, họ thích phán đoán người khác nên làm thế này, không nên làm thế kia dưới góc độ, kinh nghiệm, nhận thức, lập trường của bản thân.

Những người này, thường quen với việc làm phức tạp hóa những chuyện đơn giản, làm cho những việc dễ dàng trở nên khó khăn, khiến cho lớp trẻ cảm thấy thật khó khăn để thực hiện được suy nghĩ của mình, để từ đó thể hiện quyền uy và sự chính xác của họ. Trên thực tế, lời khuyên của bất kỳ ai cũng đều xuất phát từ mục đích của chính họ, nhưng lại chụp cho nó một cái mũ với danh nghĩa là vô tư. Lãnh đạo giáo dục nhân viên quen với công việc, nói là vì đại cục; giáo sư giảng bài cho sinh viên đều là những lời cao siêu khó hiểu, để thể hiện học vấn uyên bác của mình; những người thành đạt nói về thành công, liệt kê những ví dụ để chứng minh mình là thiên tài.

Chúng ta làm gì cũng phải nhìn trước ngó sau, muốn thắng sợ thua, những thái độ đó đều liên quan đến những quan niệm, những sự giáo dục mà chúng ta tiếp nhận. Chúng ta không dám hỏi bản thân mình có bao nhiêu trong số những điều mà chúng ta coi là chân lí là thực sự đúng đắn? Thành công trong cuộc đời có khó đạt được đến thế không? Có phải chỉ dành cho những thiên tài hay không?

Trên thực tế, những việc mà chúng ta cho rằng chúng ta không làm được là những việc mà chúng ta đã không làm; những việc chúng ta cho rằng rất khó khăn là những việc chúng ta không dám làm, vì thế mới trở nên khó khăn.

Những năm 60 của thế kỷ XX, một sinh viên người Hàn Quốc thi đỗ vào một trường Đại học nổi tiếng ở châu Âu chuyên ngành Tâm lí học. Ở đó, anh có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và các nhân sĩ nổi tiếng thế giới từng giành được những thành tựu siêu việt trong các lĩnh vực. Khi còn ở Hàn Quốc, những người này được coi là những thiên tài độc nhất vô nhị, mấy nghìn năm mới có một người, sự thành công của họ gần như đã trở thành huyền thoại, điều này khiến anh cảm thấy bản thân khó có thể đạt được những thành công tương tự. Thế nhưng, khi anh nhìn thấy những người này, anh phát hiện ra họ cũng giống những người bình thường. Khi họ đi trong khuôn viên trường, họ chẳng khác gì những người bình thường, khí chất và cử chỉ thậm chí còn không bằng các giảng viên và giáo sư bình thường khác.

Những nhân vật vĩ đại được người Hàn Quốc tôn sùng cũng giống như những người bình thường, thường hay đến quán cà phê trong trường uống cà phê, tán gẫu, đọc sách báo. Để có thể tiếp xúc nhiều hơn nữa với những nhân vật mình ngưỡng mộ, anh thường đến những quán cà phê đó, tìm cơ hội để giao lưu, trò chuyện với họ.

Qua tiếp xúc, anh phát hiện ra rằng những nhân sĩ thành đạt, bao gồm cả những người đoạt giải Nobel, những huyền thoại làm giàu và những người có quyền uy trong một số lĩnh vực học thuật, họ đều rất bình thường, chỉ có điều họ hài hước, phong độ hơn một chút, có thể dễ dàng liên hệ những học vấn uyên bác với những ví dụ trong cuộc sống, khiến cho những người dù không có văn hóa cũng có thể hiểu được. Trong mắt những người này, chẳng có gì là thần bí, mọi điều đều có thể, kể cả những thành tựu vĩ đại. Họ đạt được thành tích bởi vì bản thân họ dám làm còn người khác thì không.

Qua tiếp xúc với những nhân vật vĩ đại này, anh đã hiểu họ một cách sâu sắc, kết luận anh rút ra là, bất kỳ người bình thường nào cũng có thể đạt được thành công, những nhân sĩ thành đạt trước khi thành công cũng chẳng khác gì những người bình thường. Lúc này anh mới ý thức được rằng khi còn học ở Hàn Quốc, anh đã bị những nhân sĩ thành đạt, thầy giáo, đại gia trong nước làm lóa mắt. Trước những người thanh niên, họ luôn biến những thứ đơn giản thành cao siêu khó hiểu, biến sự thành đạt mà tầng lớp thanh niên mơ ước đạt được thành thứ khó khăn chẳng khác gì lên trời. Họ làm như vậy vì sau khi đạt được thành công, với sự kiêu ngạo, họ treo cao những sự khó khăn vất vả để người khác phải ngưỡng mộ, đồng thời lo sợ rằng những thanh niên sau khi tìm được con đường dẫn đến thành công sẽ đạt được những thành công lớn hơn, dập tắt vầng hào quang của họ. Là một sinh viên khoa tâm lí, anh cho rằng cần phải nghiên cứu tâm lí ngoắt ngoéo của những nhân sĩ người Hàn Quốc. Vài năm sau, anh lấy đề tài nghiên cứu là “Thành công không khó như bạn tưởng tượng”, viết thành luận văn tốt nghiệp, nộp cho một vị giáo sư nổi tiếng.

Vị giáo sư đọc xong, vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, ông cho rằng đây là một phát hiện mới về phương diện tâm lí học. Phát hiện nay tuy tồn tại khá phổ biến ở phương Đông, thậm chí là ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng chưa có được sự coi trọng cần thiết, chưa có ai coi đó là một đề tài để nghiên cứu sâu.

Đối với lí luận kỳ quặc mà ngoắt ngoéo về thành công ở Hàn Quốc, vị giáo sư thấy vô cùng lo buồn. Ông liền viết thư cho một người bạn học, người này khi đó đã trở thành một nhân vật quyền cao chức trọng ở Hàn Quốc. Trong thư ông viết: “Tôi không dám nói rằng tác phẩm này giúp được bao nhiêu cho anh, nhưng tôi dám khẳng định rằng nó có thể gây chấn động hơn bất cứ sắc lệnh chính trị nào được ban hành”.

Về sau, cuốn luận văn được xuất bản tại Hàn Quốc và bán rất chạy. Cuốn sách này khiến cho tầng lớp thanh niên tỉnh ngộ, kiểm điểm lại tất cả những gì mình đã chấp nhận bấy lâu nay, xác định lại tương lai của mình. Họ ý thức được, muốn thành công, đầu tiên phải điều chỉnh lại những điều chưa đúng mà họ học được khi còn nhỏ, vứt bỏ triệt để những thứ rác tinh thần đã ăn sâu mọc rễ trong tư tưởng họ.

Thành công không liên quan gì đến học vị, xuất thân, cơ hội… Chỉ cần quan tâm đến một lĩnh vực nào đó, kiên trì theo đuổi thì sẽ thành công, bởi vì thời gianvà trí tuệ mà Thượng đế ban cho chúng ta đủ đề chúng ta hoàn thành tốt đẹp một công việc. Một số người quanh chúng ta không thành công, nếu không phải là vì họ bị “dọa” làm cho sợ thì cũng là vì họ chẳng muốn làm việc gì, hoặc việc họ làm quá phức tạp.

Anh thanh niên Hàn Quốc này đã định nghĩa lại khái niệm thành công và dùng hành động để chứng minh luận văn của mình. Sau khi về nước, với những cố gắng, cuối cùng anh đã trở thành Chủ tịch tập đoàn ô tô lớn của Hàn Quốc.

Trung Quốc có câu tục ngữ với ý là nghe người khác khuyên bảo thì sẽ được ăn no. Nếu cuộc đời chúng ta chỉ cầu “ăn no” thì việc gì cũng nên nghe theo ý kiến của người khác. Nhưng nếu chúng ta muốn có một sự nghiệp trong cuộc đời, thì hãy kiểm điểm lại thế giới nội tâm của bản thân, kiểm tra lại vốn kiến thức và kinh nghiệm mình thu nhận được, xem thứ nào là thực sự đúng đắn và lành mạnh.

Bạn đọc cảm nhận

Nguyễn Hương Duyên

Nhắc đến Bill Gate, người ta đều nghĩ ngay đến hình ảnh tỷ phú lắm tiền nhiều của và một doanh nhân thành đạt. Để có được thành công như ngày hôm nay, người đàn ông ấy đã phải nỗ lực hết mình với những suy nghĩ táo bạo. Đằng sau sự thành công tuyệt vời ấy là những bí quýêt chỉ Bill Gate mới có. Ở ông, ta học được rất nhiều điều quý giá và những điều đó đã được đúc kết trong quyển sách này. Ta học được, để thành công thì luôn phải nỗ lực không ngừng: trau dồi kiến thức, kỹ năng và những thông tin hữu ích cho công việc và bản thân. Ta biết được đam mê và thành công luôn đồng hành cùng nhau; và phải luôn nhớ rằng không được ngủ quyên trong danh vọng. Còn rất nhiều điều bổ ích nữa mà quyển sách này mang lại cho ta, giúp ta từng bước trinh phục con đường thành công của mình.

Đinh Hưng

Bill Gates, là tỷ phú nhiều năm liền dẫn đầu thế giới, là một người mà tôi rất ngưỡng mộ. Ông không những giàu về vật chất mà ông còn giàu về mặt tinh thần- ông giành rất nhiều thời gian và tiền bạc của mình để giúp đỡ những người khó khăn. Bởi vậy tôi đã mua quyển sách này để được biết thêm những quan niệm nhân sinh của tỷ phú giàu nhất thế giới Bill Gates . Quyển sách này rất ý nghĩa , sâu sắc, dạy cho mọi người sự kiên trì và kiên nhẫn trong cuộc sống và công việc dành cho những người cố gắng kiếm tìm và nổ lực hết mình để đi tới thành công !!!

Hà Diệu Hoa

Quyển sách này thực sự đã giúp tôi hiểu thêm nhiều điều hơn nữa về cuộc sống về cuộc đời. Tác giả qua những chân lý sống và thực tế cuộc đời của Bill Gates đã viết nên một quyển sách thực sự giá trị,đã đưa ra những lời khuyên đầy cơ sở cho người đọc. Quyển sách có cách lập luận chặt chẽ, đầy thuyết phục, có dẫn chứng cụ thể gắn liền với cuộc sống. Quyển sách đã đưa ra những vấn đề thiệt thực trong xã hội đặc biệt là trong tầng lớp thanh niên rất bổ ích cho người đọc đặc biệt là các bạn trẻ. Sau khi đọc xong tôi đã hiểu thêm rất nhiều điều trong cuộc sống.Tôi đã tự rút ra cho mình nhiều kinh nghiệm cũng như bài học mới.Quyển sách này là hành trang quý giá cho con đường sự nghiệp sau này.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button