Kỹ năng mềm

Tôi Đã Đi Du Học Bằng Học Bổng Như Thế Nào?

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Chu Đình Tới

Download sách Tôi Đã Đi Du Học Bằng Học Bổng Như Thế Nào ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách kỹ năng mềm

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI NÓI ĐẦU

Với điểm xuất phát thấp là một học sinh nông thôn, học phổ thông tại các trường làng ở Việt Nam, giấc mơ và mục đích của tôi suốt những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường là cố gắng học để thoát nghèo. Chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc đi du học và nhất là lại đi du học bằng học bổng toàn phần. Nhưng tôi đã giành được học bổng để đi du học không chỉ bậc thạc sĩ mà còn là tiến sĩ, từ châu Á đến châu Âu, rồi sau đó có nhiều cơ hội để làm việc sau tiến sĩ ở nước ngoài, đặc biệt là vị trí học giả Marie Curie về Y học của Liên minh châu Âu.

Câu chuyện của tôi có thể bình thường với những người khác, nhưng với tôi đó là sự phấn đấu không ngừng nghỉ, là mồ hôi, nước mắt của bản thân và cả gia đình. Để có được những thành công này, tôi đã nhận được sự yêu thương, động viên và hy sinh lớn lao vô điều kiện của cha mẹ và các em, cũng như những người thân khác. Đồng thời cũng là sự dạy bảo, giúp đỡ, chia sẻ tận tình của các thầy cô, đồng nghiệp, bạn bè ở cả Việt Nam và nước ngoài dành cho tôi. Đó còn là món quà tuyệt vời của cuộc đời và số phận đã ban tặng tôi – những bước ngoặt không định trước, những sự giúp đỡ trong sáng, những may mắn ngẫu nhiên.

Tôi viết ra câu chuyện này, ngoài việc gửi lời cảm ơn đến gia đình, thầy cô, đồng nghiệp và bạn bè, còn là lời tri ân đến cuộc sống. Tôi hy vọng những chia sẻ của tôi sẽ là nguồn động lực, sự cổ vũ và khích lệ cho hàng triệu học sinh, sinh viên Việt Nam nói chung và các em có điều kiện khó khăn ở những vùng nông thôn nói riêng cố gắng học tập để thực hiện giấc mơ du học của mình, nhất là du học bằng học bổng toàn phần. Sự cố gắng và say mê học tập, học tập thật tốt là con đường tối ưu nhất để giúp các em thoát nghèo và vươn ra thế giới. Những kiến thức, kinh nghiệm các em lĩnh hội, tiếp cận được không chỉ giúp bản thân các em và gia đình có một cuộc sống tốt hơn, mà còn góp phần không nhỏ vào việc xây dựng quê hương Việt Nam yêu dấu ngày một giàu đẹp và phát triển hơn. Không gì là không thể nếu chúng ta biết biến ước mơ thành hành động. Tôi đã làm được thì chắc chắn các em sẽ làm được và còn làm tốt hơn!

ĐỌC THỬ

Chương 1 XUẤT PHÁT ĐIỂM THẤP

Giống như phần lớn học sinh ở nông thôn Việt Nam, trong suốt giai đoạn phổ thông từ cấp một đến cấp ba tôi đều học trường làng. Những ngôi trường gắn bó với tuổi thơ của tôi đều nằm trong xã, khi nhắc đến tên, chắc chỉ có những học sinh cũ của trường mới biết, như trường Tiểu học Sơn Đà, trường Trung học cơ sở Sơn Đà, và trường Phổ thông trung học Bất Bạt. Ít người biết vì những trường này đều có địa chỉ tại xã Sơn Đà, huyện Ba Vì – một huyện miền núi thuộc diện nghèo nhất của tỉnh Hà Tây trước kia, nay đã sáp nhập vào thành phố Hà Nội. Ít người biết còn vì theo chất lượng đào tạo (dựa vào số lượng học sinh giỏi, đỗ đại học, giáo viên giỏi…), những trường này thường nằm cuối sổ trong huyện Ba Vì khi đó. Thật vậy, những bạn đồng lứa với tôi trong xã thuộc diện gia đình có điều kiện, khi lên đến cấp ba đều cố gắng thi vào và học ở những trường tốt hơn trong huyện và trong tỉnh như trường Trung học phổ thông Tây Đằng, trường Trung học phổ thông Ngô Quyền ở Sơn Tây, hay trường chuyên Nguyễn Huệ ở Hà Đông. Tôi còn nhớ, nhóm hay đi thi học sinh giỏi cùng tôi từ cấp một đến cấp hai có gần 20 người, khi lên cấp ba, hơn chục bạn trong những gia đình khá giả hơn đi học nơi khác, chỉ còn lại dưới 10 người, trong đó có tôi, tiếp tục bám trụ lại trường cấp ba Bất Bạt.

Bản thân tôi tự nhận thấy, mình không xuất sắc trong giai đoạn phổ thông, bằng chứng là trong suốt 12 năm học, chỉ có vài năm tôi đạt danh hiệu học sinh giỏi, còn lại đều chỉ là học sinh tiên tiến. Tôi từng được lựa chọn tham dự một số kỳ thi học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện… và chỉ có năm lớp Sáu tôi giành được giải thưởng cấp huyện môn Sinh học. Nhưng tôi thích học và học khá những môn khối A như Toán, Lý và Hóa. Trong lớp tôi thường đứng tốp đầu về những môn này, thậm chí những bài kiểm tra trên lớp tôi đều thấy dễ nên thường làm bài xong từ rất sớm và ra ngoài trước các bạn. Đó cũng là lý do tôi chọn khối A là khối sẽ thi đại học sau này.

Kinh tế gia đình tôi chỉ ở mức bình thường, nhiều khi khó khăn. Cha tôi là bộ đội về hưu, mẹ tôi khi đó làm nông, nên thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào nguồn lương hưu của cha và nghề nông của mẹ. Nhưng cha mẹ luôn dành tất cả để anh em tôi học tập, cả về thời gian và vật chất. Trong khi các bạn đồng trang lứa với tôi phần lớn đều phải chăn trâu, chăn bò, làm nông, bán hàng… để phụ giúp kinh tế gia đình, anh em tôi không phải làm việc gì cả, chỉ tập trung vào học tập. Cha tôi thường nói: “Bố mẹ không có tiền cho các con, nhưng sẽ cố gắng hết mình để cho các con được học hành đến nơi đến chốn”. Tôi còn nhớ, khi tôi đang học cấp ba, trưa nắng mẹ một mình đi gặt, một mình suốt lúa ngoài sân, cha tôi là thương binh nên không đủ sức khỏe phụ giúp mẹ, mồ hôi mẹ ướt áo nhưng mẹ không cho tôi giúp, mẹ bắt tôi ngồi học. Tôi thương mẹ muốn đi nấu cơm đỡ mẹ, mẹ cũng không đồng ý, mẹ bảo: “Việc của con là cố gắng học, suốt lúa xong mẹ sẽ đi nấu cơm…”. Có thể vì thế, tôi và các em luôn tự giác, cố gắng học tập và nỗ lực hết mình để không phụ công cha mẹ. Cha mẹ nhiều tuổi và cũng không được học nhiều, nên không thể chỉ bảo chúng tôi, do vậy phần lớn là anh em tôi tự học, một số môn quan trọng như Toán, Lý, Hóa thì hồi cấp hai mới được đi học thêm. Khi lên cấp ba, khu vực tôi học rất ít thầy dạy giỏi những môn này, nên tôi phải tìm thầy học thêm ở trung tâm huyện – thị trấn Tây Đằng, cách nhà hơn 10km, nhưng tôi cũng chỉ học thêm môn Hóa, phần vì học thêm nhiều môn tốn kém, phần vì các thầy dạy môn khác đủ học sinh không nhận nữa, do đó tôi tự học Toán và Lý.

Tôi nhớ như in, những chiều mùa đông trời tối nhanh và lạnh, tôi đạp xe đi học thêm hơn 10 cây số, về đến nhà cũng bảy, tám giờ, trời tối thui, có hôm muộn hơn, đường làng không có ánh đèn, khi đó còn là đường đất, bụi và nhiều ổ gà, vừa đói vừa lạnh… tôi vừa đạp xe vừa mò đường, nhiều khi bị ngã. Mùa đông miền Bắc trời hay mưa phùn, mưa khiến đường đất sình lầy khó đi, bánh xe bết đầy bùn không đi được, tôi phải xuống dắt xe, dép lê bị dính bùn có lần không nhấc được chân và tụt mất dép… nhưng tôi vẫn quyết tâm đi học thêm môn Hóa. Cũng may khi đó có một anh bạn “nối khố” cùng làng tên là Lê Anh Hoàng, nay là giảng viên Học viện Phòng không Không quân, và một hai bạn ở thôn khác đi học cùng. Nhà tôi ở đầu làng Yên Thịnh, ở đó có hai cây gạo cổ thụ, những chiều mùa đông tôi đi học về muộn, trời tối đen như mực nhưng nhiều hôm khi về đến đầu làng đã thấy mẹ ở đó từ bao giờ, mẹ sốt ruột, lo cho tôi, nên ra đó đứng chờ. Rồi những trưa hè nóng bức, có hôm nhiệt độ trên 37oC, nắng chói chang, tôi đạp chiếc xe đạp cũ đi học thêm, mặt đỏ bừng, mồi hôi ướt áo, người đen cháy, nhưng tôi cũng không bỏ cuộc. Thời đó xe máy hiếm lắm, chỉ những nhà nào có điều kiện lắm mới có xe Cúp hoặc Dream Thái để đi. Trong nhóm đi học thêm chúng tôi chỉ vài người gia đình có xe máy nên được bố mẹ cho mượn, còn chúng tôi phải còng lưng đạp xe và thường nói với nhau: “Uớc gì có cái xe máy mà đi cho đỡ khổ nhỉ, hay chỉ cần cái xe Ba Bét Nhè (tên lóng của xe Babetta) cũng được!” Thực tình, lúc đó tôi chỉ ước có cái xe đạp tốt hơn để đi cho đỡ khổ chứ chẳng mơ có xe máy, vì biết gia đình mình còn khó khăn. Năm tôi học lớp Mười hai, cha mẹ thương tôi đi lại vất vả và cũng để động viên tôi phấn đấu cho kỳ thi đại học sắp tới nên đã vay mượn để mua cho tôi một chiếc xe đạp cào cào của Trung Quốc. Món quà ý nghĩa đó đã khích lệ tôi rất nhiều trong học tập.

Tôi thương cha mẹ và các em nên luôn cố gắng học tập. Các bạn khác buổi tối thường đi chơi, nhà tôi ở gần đường, họ đi qua thường gọi, nhưng tôi không đi. 11 giờ đêm họ đi chơi về, vẫn thấy tôi ngồi học gần cửa sổ, lại í ới trêu đùa, tôi coi như không nghe thấy. Thời học phổ thông tôi hay học khuya, thường đi ngủ lúc 12 giờ đêm hoặc một giờ sáng. Trong suốt quãng đời đi học đó, tôi không tham gia bất cứ cuộc đi chơi hay liên hoan nào của lớp, không phải vì tôi không muốn, mà vì tôi sợ tốn tiền của cha mẹ, tôi muốn tiết kiệm để cha mẹ nuôi các em. Từ nhỏ cho đến hết lớp Mười hai, những lần xa nhà nhất của tôi là khi được trường đưa đi thi học sinh giỏi ở các trường khác trong huyện. Khi đó, tôi cũng chưa từng được đi xe ô tô khách, chưa biết Sơn Tây ở đâu, thành phố Hà Nội như thế nào. Tôi chỉ biết học, tôi khát khao được học và muốn thoát nghèo bằng việc học. Tôi tìm mua những cuốn sách nâng cao và luyện thi đại học môn Toán, Lý, Hóa rồi về tự học, tự giải bài tập, giải đi giải lại nhiều lần, chỗ nào không hiểu sẽ tìm thầy để hỏi. Bên cạnh những cách giải theo phần hướng dẫn, tôi luôn cố gắng tìm ra cách giải mới đôi lúc ngắn gọn hơn, nhưng cũng có lúc dài hơn hướng dẫn. Tôi biết cha mẹ đã cố gắng đầu tư cho việc học của tôi trong khả năng hết sức có thể. Họ sẵn sàng trích ra một khoản tiền trong thu nhập eo hẹp hằng tháng của gia đình để cho tôi mua tài liệu học tập, ôn thi, phương tiện đi lại… Ý thức được điều này, tôi đã luôn tự nhủ phải cố gắng học tập, phấn đấu để làm vui lòng và đền đáp công ơn của cha mẹ.

Những năm tôi học cấp ba, việc đỗ vào các trường đại học rất khó. Các trường tự tổ chức thi đề riêng, đề thi có nhiều phần đánh đố, nếu mình không ôn tập dạng đó trước, chắc chắn sẽ chẳng bao giờ giải được. Trường cấp ba của tôi lúc đó có chất lượng dạy và học không cao, nên mỗi năm chỉ có trên dưới 10 người đỗ đại học trong tổng số khoảng 400 học sinh mỗi khóa. Tôi lại đang học ở đó, nếu tự đánh giá bản thân, tôi chưa bao giờ tự tin là mình sẽ đỗ đại học, nhất là với việc tự học là chủ yếu, không được đi học thêm các môn Toán và Lý. Trong tổng số 10 người đỗ đại học mỗi năm của trường, xã tôi có vài người nhưng phần lớn tập trung ở các thôn như Khê Thượng (quê hương nhà thơ Tản Đà) và Đan Thê, và trong khoảng 30 năm chưa một người nào trong thôn Yên Thịnh của tôi đỗ đại học công lập, hệ chính quy. Do đó, việc cha mẹ tôi tạo điều kiện cho tôi học tập và mong muốn thi đại học của tôi cũng bị nhiều người trong thôn và trong xã không tin tưởng, họ cho rằng “chẳng bao giờ tôi có thể đỗ được đại học” với xuất phát điểm như thế.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button