Kỹ năng mềm

Tập Trung – Sức Mạnh Của Tư Duy Có Mục Tiêu

tap-trung-suc-manh-cua-tu-duy-co-muc-tieu1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Jurgen Wolff

Download sách Tập Trung – Sức Mạnh Của Tư Duy Có Mục Tiêu ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách kỹ năng mềm

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Cuộc sống bận rộn chiếm của bạn quá nhiều thời gian

Chính bạn, một lúc nào đó có thể từng ước giá như mỗi ngày có 48 tiếng đồng hồ thay vì 24 tiếng. Mong ước như vậy vì bạn luôn cảm thấy thiếu thời gian để có thể giải quyết trọn vẹn công việc cũng như những nhu cầu cá nhân quan trọng không kém. Nhưng tình trạng thiếu thời gian cho công việc, học hành và các mối quan tâm khác không chỉ vì bạn có quá nhiều việc phải làm, mà có lẽ, một lý do quan trọng hơn, bạn chưa thực sự biết cách phân bố thời gian.

Chúng ta thường mất rất nhiều thời gian vào làm một hay một vài việc nào đó, nhưng những việc ấy có khi không mang lại nhiều giá trị về mặt tiền bạc hay tri thức. Cũng có thể vì cùng một lúc ôm đồm quá nhiều việc, đến nỗi bạn cảm thấy quá tải, không có thời gian thư giãn và chăm sóc bản thân, cũng như quan tâm đến người khác. Rất nhiều trường hợp, bạn cần hợp tác hiệu quả với người khác, thiết lập các mối quan hệ mới, kiểm soát thái độ và hành vi của đồng nghiệp nhằm đem lại hiệu quả tối ưu cho công việc, nhưng bạn lại bối rối không biết phải xử trí thế nào. Chính vì vậy, biết cách TẬP TRUNG (FOCUS) là điều những người mong muốn đạt đến thành công hướng tới.

Bạn có bao giờ đặt ra các tình huống thú vị để thắp lửa cho ước mơ, trong khi thực tế chưa đạt được điều đó? Bạn có bao giờ tưởng tượng mình là người hùng trong câu chuyện thời thơ ấu khi phải giải quyết những việc từ to lớn tới nhỏ nhặt, nhưng đều cần đến sự quyết tâm đặt mục tiêu? Bạn có hình dung được sức mạnh của những lời khen chân thành khiến cuộc sống thay đổi đến mức nào không? Bạn có nản lòng, muốn bỏ công việc trước mắt chỉ bởi nó không thực sự hứng thú như bạn nghĩ, và tâm trí bạn đang mơ tưởng đến một công việc hấp dẫn hơn? Nếu sự tưởng tượng trên kia chưa từng xuất hiện trong tâm trí bạn, trong khi ý nghĩ tiêu cực đeo bám bạn, dứt khoát cuốn sách này là dành cho bạn.

Không chỉ là giáo viên, nhà thôi miên, Jurgen Wolff còn là nhà văn chuyên viết sách về cách thức đạt đến thành công. Ngoài ra ông còn viết báo, các vở hài kịch, kịch bản cho chương trình trò chơi trên truyền hình của Mỹ (Olsen Twins, Mannequin…). Tất cả những trải nghiệm đó khiến văn phong của Jurgen Wolff trong cuốn sách này thật sự nhẹ nhàng, cuốn hút, hấp dẫn người đọc với những lời khuyên thông minh và những chỉ dẫn thực hành thú vị, bổ ích giúp bạn thực sự trở thành “ông chủ” tuyệt vời của chính mình trong việc quản lý thời gian. Chẳng khó khăn gì để bạn bắt tay vào thực hiện theo những phương pháp mới mẻ, sáng tạo mà Jurgen Wolff đưa ra. Hy vọng cuộc sống của bạn sẽ thay đổi sau khi đọc cuốn sách này.

Giới thiệu

Cuộc sống thay đổi khi bạn tập trung

Bạn có từng muộn phiền khi biết mình có thể thành đạt hơn trong sự nghiệp cũng như trong cuộc sống nhưng điều đó không xảy ra? Có bao giờ bạn thấy giận chính mình khi không hoàn thành những mục tiêu đề ra? Có thể bạn từng vẽ ra một viễn cảnh tương lai mong muốn, nhưng lại không biết phải làm cách nào để đạt được?

Những điều trên có liên quan đến bạn không? Nếu có, bạn sẽ tìm ra giải pháp cho mình khi khám phá cuốn sách này. Hẳn bạn đã xác định được bạn muốn gì từ cuộc sống (nếu chưa, chúng tôi sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời trong Chương I). Thế nên, bạn chắc phải suy tư nhiều với câu hỏi: “Làm thế nào để đạt được điều đó?”.

Để đạt mục tiêu, chúng ta buộc phải tập trung. Thế nhưng, thế giới này luôn luôn ngăn cản bạn tập trung. Chẳng đáng ngạc nhiên nếu bạn bị phân tán và rối trí. Mỗi phút đi trên đường, bạn bị những thông điệp quảng cáo kéo sang một hướng, thế rồi những mong mỏi của người thân và đồng nghiệp lại lái bạn sang một hướng khác. Những mục tiêu đeo đẳng bạn, nhưng bạn lại không thể đạt được cho dù đó không phải là lỗi của bạn. Nếu bạn vẫn tập trung được mới là điều đáng ngạc nhiên.

Vậy thì bạn cứ chuẩn bị đi, bạn sẽ ngạc nhiên.

Cuốn sách này sẽ hướng dẫn bạn, từng bước một, từ việc quyết định những gì bạn cần, tìm ra điều gì khiến bạn phải dừng lại trong quá khứ, cách bạn sử dụng thời gian không hiệu quả và cách khắc phục, dạy bạn cách vượt qua tất cả những yếu tố làm cho hầu hết mọi người chùn bước. Những phương pháp cuốn sách này đưa ra sẽ trở thành thói quen tự động giúp bạn tiến tới thành công.

Rất nhiều những phương pháp trong sách này còn khá mới. Điều đó chỉ chứng tỏ rằng những phương pháp cũ không còn hiệu quả nữa, đặc biệt đối với những người thiên về sử dụng não trái. Người ta phát triển những mô hình quản lý thời gian truyền thống trong giai đoạn công nghiệp đơn thuần để giúp những người phải làm những công việc lặp đi lặp lại một cách hiệu quả hơn. Trong thế giới kết nối 24/24 và những yêu cầu tức thời như hiện nay, sử dụng mô hình như thế sẽ khiến bạn phát điên lên với nhiều việc chồng chéo. Kết quả là: có rất nhiều việc nhưng không nhiều thành quả.

Nếu bạn thấy những phương pháp truyền thống đó chỉ làm bạn tốn thời gian, mệt mỏi và không hiệu quả thì bạn chính là mẫu người thiên về dùng não phải. Nếu bạn thích sự phong phú, nhạy cảm, thích những thử thách mới và ghét bị gò bó vào truyền thống, cuốn sách được viết ra đặc biệt dành cho bạn.

Cuộc sống ngày nay cần ở bạn sự sáng tạo, linh hoạt và đưa ra những lựa chọn thông minh. Cuốn sách sẽ dạy bạn cách xác định điều gì quan trọng nhất và cách tập trung toàn bộ nội lực mà không làm mất tập trung.

Tôi biết những phương pháp mà cuốn sách này đưa ra hiệu quả vì tôi đã áp dụng, đã thấy nó phát huy với chính bản thân tôi và hàng trăm người tham gia chương trình Kiến tạo tương lai (Create Your Future). Tôi đoán rằng bạn sẽ rất thích thú với những phương pháp mang tính chất đột phá như phương pháp Đa tính cách để hoàn thành mọi việc với mức thời gian kỷ lục. Dưới đây là lộ trình cho bạn:

Có thể bạn đã nghe về nguyên lý 80/20, nhưng bạn không biết nó áp dụng thế nào vào cuộc sống và công việc. Bằng cách tập trung nhiều thời gian và công sức hơn cho 20% những công việc tạo ra phần lớn giá trị, bạn sẽ gia tăng thành công của mình lên nhiều. Đó là điều bạn học được trong Chương 1.

Ở Chương 2, bạn sẽ chuyển điều đó thành một mục tiêu quan trọng, tiếp thêm cảm hứng, với điều kiện bạn tìm ra được những “cái bẫy và cách tránh được chúng.

Trong Chương 3, chúng tôi sẽ giúp bạn tìm hiểu những kiểu thời gian ảnh hưởng đến bạn, khiến bạn xa rời thành công dù bạn hoàn toàn có thể. Bạn cũng khám phá được cách sử dụng những kiểu mẫu hiệu quả hơn cho cuộc sống của mình.

Bạn có bao giờ để ý rằng, rất dễ biết sẽ phải làm gì tiếp theo, nhưng lại thật khó để biết mình đã làm được gì. Chương 4 nói về những chướng ngại vật tiềm ẩn làm chùn bước rất nhiều người trên con đường chinh phục mục tiêu. Chẳng hạn, bạn sẽ nhận biết được điều gì khiến bạn chỉ đến phòng tập thể dục vài phút rồi ngừng tập, hay những thứ làm ảnh hưởng đến dự định học một ngôn ngữ hay kỹ năng mới của bạn. Và rồi bạn phát hiện ra chiến lược của não trái trong việc khắc phục những khó khăn xảy đến bất ngờ mọi lúc mọi nơi trong cuộc đời bạn.

Nếu bạn vẫn thường tập trung vào những điểm yếu hơn là những sở trường của mình, bạn đang tự gây cản trở lớn cho thành công của mình rồi đó. Chương 5 giúp bạn thấy rằng, tập trung phát huy điểm mạnh của mình chính là bí quyết của những người thành công và bạn cũng có thể làm được như thế, nếu bạn biết cách.

Kẻ thù lớn nhất của tập trung chính là sự trì hoãn. Nếu bạn muốn chiến thắng nó, câu trả lời nằm trong Chương 6.

Nếu bạn từng trì hoãn những việc quan trọng chỉ vì tâm trạng không tốt, với phương pháp “Một cái Tôi khác” trong Chương 7, bạn sẽ tìm ra chiếc chìa khóa cho riêng mình. Chỉ riêng phương pháp này thôi cũng đã đủ sức mạnh chuyển hóa hiệu suất của bạn ngay từ giây phút bạn đọc nó.

Tất nhiên điều quan trọng là chính bạn phải tập trung, điều này cũng phụ thuộc vào những người làm việc với bạn. Trong Chương 8 bạn sẽ học cách tạo ra những giới hạn, cách nói “không” và cách khiến người khác giúp bạn đạt được mục tiêu của mình.

Chương 9 đi xa hơn với những kỹ năng cụ thể về sử dụng ngôn ngữ, giải thích tại sao hầu hết các cuộc trò chuyện lại kết thúc thất bại và cách biến chúng thành những cuộc nói chuyện thuyết phục. Bạn sẽ học cách nhận diện kiểu sử dụng ngôn ngữ của người khác và thiệt lập mối quan hệ với họ. Những phương pháp truyền thống gồm: sắp xếp lại, đi từng bước và dẫn đầu, sử dụng ẩn dụ và các câu chuyện.

Những chương tiếp theo sẽ nói về kẻ thù lớn nhất của sự sáng tạo và hiệu quả: quá tải thông tin (Chương 10), hàng núi công việc giấy tờ (Chương 11), thư điện tử (Chương 12), những cuộc gặp gỡ vô bổ (Chương 13), thời hạn công việc và những việc cần thiết để kiểm soát nhiều dự án một lúc (Chương 14). Với mỗi điều đó bạn sẽ khám phá ra những cách giải quyết cho mình.

Chương 15 dạy bạn cách giữ bình tĩnh, nghỉ ngơi linh hoạt để giúp bạn có thể ở trạng thái tập trung hoàn toàn.

Cuối cùng, trong Chương 16 bạn sẽ học cách đưa những lý thuyết này vào thực hiện. Chương này tổng kết lại tất cả những điểm chính của các chương trước và hướng dẫn bạn đi từng bước trong quá trình đạt đến thành công. Bạn có thể sử dụng kế hoạch đó nhiều lần khi bạn đặt ra mục tiêu cho chính mình trong bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống.

Có một số nguồn thông tin tôi muốn cung cấp cho bạn mà khuôn khổ cuốn sách không cho phép, tôi đã lập ra trang web www.focusquick.com. Bạn có thể tìm thấy ở đó những chương tôi thêm vào, bạn có thể tải về những bài nói chuyện hay các bài phỏng vấn với các chuyên gia về giao tiếp…

Bạn đang chuẩn bị khám phá một kho báu cực kỳ hấp dẫn ‒ kho báu dẫn bạn tiến tới thành công mà bạn đã chờ đợi từ lâu. Nào, hãy cùng bắt đầu!

ĐỌC THỬ

1. Tập trung vào 20% công việc quan trọng nhất

Bạn sẽ nghĩ sao nếu tôi nói rằng bạn hoàn toàn có đủ sức mạnh để tự thay đổi cuộc đời mình, làm được nhiều việc hơn, kiếm được nhiều tiền hơn, thành công hơn chỉ bằng cách tập trung nhiều thời gian và công sức hơn vào một số việc mà bạn đã làm? Đó hoàn toàn là sự thật và nó được phát biểu dựa trên một nguyên lý rất nổi tiếng trong hơn một thế kỷ nay. Tuy nhiên, có một chướng ngại vật đơn giản nhưng tiềm ẩn sẽ làm chùn bước hầu hết mọi người.

Chương này sẽ nói với bạn nguyên lý đó và nó tác động như thế nào đến cuộc sống của bạn, những công cụ và phương pháp bạn cần để vượt qua các chướng ngại này. Tôi đảm bảo nếu bạn áp dụng nguyên lý này một cách nhất quán, nó sẽ thay đổi cuộc sống của bạn theo hướng tích cực hơn nhiều.

Nhà tư duy về quản lý kinh doanh Joseph M. Juran đưa ra nguyên tắc này và đặt tên nó theo tên một nhà kinh tế học người Italia Vildredo Pareto, người đã chứng minh rằng 80% thu nhập của toàn nước ý rơi vào tay 20% dân số. ông đã thực hiện một cuộc điều tra ở những nước khác và cũng nhận thấy tình trạng phân bổ tương tự như vậy (ở một vài quốc gia, tài sản tập trung vào tay một phần nhỏ dân số). Dần dần nghiên cứu này của ông đã trở thành một quy luật chung trong kinh doanh, cụ thể là 80% doanh số bán hàng đến từ 20% khách hàng.

Nguyên lý Pareto

Bạn có thể đã chứng kiến quy luật 80/20, còn được gọi là nguyên lý Pareto. Nguyên lý này phát biểu rằng 80% lợi ích bạn có được đến từ 20% nỗ lực của bạn.

Một công nhân viên chức bình thường cũng có thể dễ dàng kiểm tra nguyên lý này. Trong 8 giờ làm việc mỗi ngày, có lẽ chỉ có 1,5 giờ dùng để làm những công việc mà bạn được trả lương, nó có thể bao gồm đưa ra các quyết định về sản phẩm và dịch vụ mới, đặt ra các ưu tiên hoặc các mục tiêu, hướng dẫn những người khác,…. 80% thời gian còn lại là những hoạt động rất ít giá trị, ví dụ như kiểm tra thư điện thử, chuyện phiếm, quan tâm đến những điều nhỏ nhặt nhưng lại có vẻ như cực kỳ cần thiết, từ chối những nhân viên chào hàng bán những mặt hàng chẳng liên quan gì đến bạn, và nghe, gọi những cuộc điện thoại mang tính chất buôn chuyện hơn là mục đích công việc.

Có phải những người đồng nghiệp hiện tại đang chiếm tới 80% quỹ thời gian của bạn nhưng mang lại cho bạn ít hơn 20% giá trị (dù bạn có định nghĩa theo cách nào đi nữa)? Nếu vậy, đã đến lúc bạn nên chia lại thời gian và dành phần hơn cho những mối quan hệ mang lại nhiều giá trị cho bạn.

Những sản phẩm cũng có quy luật như vậy. Rất nhiều công ty cung cấp mặt hàng đa dạng, nhưng nếu họ phân tích lợi nhuận từ đâu mà có, họ sẽ tìm ra ngay nó đến từ một số mặt hàng mà thôi. Đó là vì những mặt hàng này được bán ra với số lượng lớn nhất hoặc nó đóng góp phần lớn nhất trong tổng giá trị.

Kinh doanh dịch vụ có thể có nhiều khách hàng, nhưng họ cũng nhận ra rằng lợi nhuận của họ chỉ đến từ một nhóm nhỏ khách hàng. Có thể họ sẽ nhận ra 20% khách hàng tương ứng với 80% các câu hỏi mất thời gian, những phàn nàn nhỏ nhặt và những thay đổi vào phút chót. Còn gì nữa, 20% khách hàng đem đến phần lớn lợi nhuận thường lại không giống như 20% luôn gây ra các vấn đề. Các doanh nghiệp thường bỏ những khách hàng khó tính nhất và nói rằng họ vẫn có thể kiếm lời, chưa kể còn giảm được stress.

Nguyên tắc này còn được áp dụng trong cuộc sống thường ngày của bạn. Bạn thường mặc nhất 20% số quần áo trong tủ quần áo của mình vào 80% thời gian, và khoảng 20% thảm nhà bạn bị sờn 80%. 80% các cuộc cãi vã với chồng hay vợ có thể thuộc 20% tổng số chủ đề mà các bạn bất đồng (hầu hết các trường hợp là về tiền bạc, việc nhà và vấn đề nuôi dạy con cái).

Loại bỏ 20% tiêu cực

Cho đến nay chúng ta chỉ nhìn thấy các hành động sẽ dẫn đến những kết quả tích cực, nguyên lý 80/20 này cũng áp dụng cho các kết quả tiêu cực. Ví dụ, có khoảng 20% tội phạm tiến hành 80% tội ác. Đó là lý do tại sao chính sách “không khoan nhượng” của bang New York đặc biệt hiệu quả.

Trong cuộc sống cá nhân, đôi khi 20% hoặc ít hơn thời gian những gì chúng ta làm tạo ra 80% bất hạnh. Ví dụ, thời gian một người trải qua các cuộc cãi nhau với chồng hay vợ mình là rất ít, nhưng nó lại khiến họ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trong suốt khoảng thời gian còn lại.

Thật tự nhiên, trong các trường hợp tiêu cực, chúng ta mong muốn giảm 20% đó chứ không phải là tăng nó lên. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, cách tốt nhất là sử dụng thời gian làm những thứ sẽ cho chúng ta kết quả tích cực. Người có cuộc đời hạnh phúc thường là người biết quên đi những điều tiêu cực ảnh hưởng đến sự thư thái tâm hồn của họ.

Tầm quan trọng của việc tập trung vào những điều tích cực

Kathryn D. Cramer, nhà tâm lý học ‒ tác giả cuốn sách Thay đổi cách nhìn mọi thứ (Change the way you see everything) chỉ ra rằng chúng ta dành tới 80% thời gian chỉ để nghĩ về những điều mình làm không tốt. Trong khi đó các nghiên cứu khoa học khẳng định chìa khóa thay đổi mọi thứ nằm ở những điều mà chúng ta làm tốt. Tại sao chúng ta lại hay nghĩ về những điều tiêu cực như thế? Câu trả lời là vì chúng ta được dạy bảo phải như thế. Từ bé cho đến khi chúng ta được 3 hoặc 4 tuổi, người lớn luôn vỗ tay khen ngợi những gì chúng ta làm. Nhưng khi ta bắt đầu đi học, cha mẹ chỉ chú ý vào những điều chúng ta đã làm sai, mọi chuyện sau này đều tiếp tục như vậy.

Bạn hoàn toàn có thể chọn lựa những thứ mà bạn cần suy nghĩ, hơn thế, hãy tập trung 80% suy nghĩ của mình vào những điểm mạnh, những gì tốt đẹp trong cuộc sống và những gì còn tiềm ẩn trong các lĩnh vực khác.

Nếu bạn thường chỉ nghĩ mãi về những điều tiêu cực, thì cần có thời gian để thay đổi thói quen này, một số cách sau có thể giúp bạn:

  • Mỗi sáng khi thức giấc, hãy để dành một hoặc hai phút để nghĩ về những điều làm bạn thấy vui trong cuộc sống. Và cũng hãy nghĩ về những thứ bạn mong muốn trong ngày.
  • Trong suốt một ngày khi mọi việc tiến triển tốt đẹp, hãy dành ít thời gian để ghi lại nó. Không nhất thiết phải là điều gì to tát. Ví dụ như chỉ là một cuộc điện thoại mà bạn đã trả lời thật sự chuyên nghiệp và ấn tượng, một câu hỏi khó mà bạn có thể trả lời đồng nghiệp. Điều này nghe có vẻ tầm thường, nhưng có bao nhiêu điều tầm thường tiêu cực mà bạn thường chú ý tới trong một ngày? Bằng cách nghĩ về những điều tốt đẹp, bạn sẽ phục hồi lại được trạng thái cân bằng trong suy nghĩ của mình.
  • Bạn cũng nên nghĩ những việc người khác đang làm là tích cực và hữu ích, hãy dành thời gian khen ngợi họ. Nhà quản lý tồi là người chỉ luôn chú ý tới những lỗi của cấp dưới. Các nhà quản lý giỏi biết rằng cách tốt nhất để đào tạo con người là khuyến khích những việc làm tốt một cách hiệu quả.
  • Vào buổi tối, hãy điểm qua những sự việc đã diễn ra trong ngày, cả việc hay lẫn việc dở, hãy xem bạn học được gì. Nếu có việc không hay xảy ra, thì lần sau bạn sẽ làm gì khi tình huống tương tự lặp lại? Quá trình phát triển con người có thể được phát biểu là “không có lỗi lầm nào cả, chỉ có những kinh nghiệm được rút ra”, nghe thì có vẻ ngây ngô nhưng cũng có nhiều phần đúng trong đó.

Trên thực tế, sự thay đổi suy nghĩ như vậy là yếu tố quan trọng nhất trong việc thay đổi hoàn toàn những thái độ tiêu cực.

Tập trung vào 20% tích cực trong công việc

Hãy dành vài giây để nghĩ xem quy luật 80/20 áp dụng thế nào trong công việc của bạn. Điều có ích nhất bạn làm được trong một tuần làm việc của bạn là gì?

Bây giờ hãy ước lượng xem bạn đã dùng bao nhiêu thời gian để làm công việc đó. Tôi đã đặt câu hỏi này với những nhà điều hành, nghệ sĩ, giáo viên, bác sĩ và thường họ cho biết họ chỉ sử dụng 10 ‒ 20% thời gian để làm những việc có ích nhất. Cực kỳ tự nhiên, điều đó có nghĩa là phần lớn thời gian được sử dụng vào những việc tạo ra ít giá trị hơn. Ở đây sự thật hé lộ tại sao rất nhiều người không thể vượt qua mức trung bình: đó là vì hầu hết chúng ta đã lãng phí thời gian quý giá của mình.

Hàm ý của quy luật 80/20 rất đơn giản và nó áp dụng trong tất cả các lĩnh vực: Nếu bạn dành thời gian nhiều hơn vào 20% hoạt động tích cực, bạn sẽ thành công hơn (và chắc chắn là kiếm được nhiều tiền hơn).

Quá trình thực hiện cũng cực kỳ đơn giản: xác định 20% các hoạt động bạn ưu tiên nhất, thực hiện các hoạt động đó nhiều hơn đồng thời giảm thiểu 80% các việc ít giá trị. Sau này chúng ta sẽ xem xét cách tốt nhất để loại bỏ những hoạt động không có giá trị.

“Xác định 20% các hoạt động bạn ưu tiên nhất và thực hiện các hoạt động đó nhiều hơn.”

Bước đầu tiên là xác định xem bạn đang làm gì. Dưới đây bạn hãy viết ra 10 công việc chiếm nhiều thời gian làm việc của bạn nhất. Danh sách này sẽ thay đổi tùy thuộc vào loại công việc bạn làm nhưng có thể bao gồm: viết báo cáo, họp hành, gọi điện thoại giao dịch, theo dõi tin tức liên quan đến công việc. Đừng sa vào mô tả công việc hoặc vào việc bạn dự định làm gì mà hãy viết ra những công việc chiếm thời gian nhất.

10 công việc chiếm hầu hết thời gian làm việc của bạn

  1. _________________________________________ ( %)
  2. _________________________________________ ( %)
  3. _________________________________________ ( %)
  4. _________________________________________ ( %)
  5. _________________________________________ ( %)
  6. _________________________________________ ( %)
  7. _________________________________________ ( %)
  8. _________________________________________ ( %)
  9. _________________________________________ ( %)
  10. ________________________________________ ( %)

 

Bây giờ hãy nhìn lại từ đầu và tính xem phần trăm thời gian bạn làm từng công việc trong tổng số thời gian làm việc của bạn là bao nhiêu. Nếu liệt kê ra hơn 10 công việc thì tổng số có thể lớn hơn 100%. Không cần phải tính toán chính xác phần trăm đó, chỉ áng chừng thôi. Nếu muốn chính xác hơn, bạn có thể dùng một chiếc máy tính. Ví dụ như, nếu một tuần làm việc 40 giờ và bạn dành 3 giờ trong số đó để làm công việc số 1, hãy chia 3 cho 40 và kết quả bạn đã dành 7,5 % thời gian cho công việc đó.

Bây giờ ở 3 dòng dưới đây hãy liệt kê ra 3 công việc đem lại nhiều giá trị nhất ‒ mang lại nhiều tiền nhất hoặc thể hiện được sự đóng góp của bạn nhiều nhất. 3 công việc này có thể nằm trong danh sách 10 công việc trên, hoặc không nằm trong đó vì bạn dành quá ít thời gian cho nó.

3 công việc đem lại nhiều giá trị nhất

  1. _________________________________________ ( %)
  2. _________________________________________ ( %)
  3. _________________________________________ ( %)

Giờ thì bạn ước lượng thời gian bạn dành cho 3 việc này. Lý tưởng nhất, 3 công việc mang lại giá trị nhất cũng là những công việc bạn dành nhiều thời gian nhất. Nhưng trường hợp này rất hiếm. Dù vậy cũng đừng lo lắng, bạn sẽ thấy bạn có thể thay đổi thời gian của mình theo cách nó sẽ thúc đẩy và mang đến thành công cho bạn.

20% đối với thời gian rảnh rỗi

Hãy xem nguyên lý Pareto hoạt động như thế nào trong đời sống cá nhân bằng cách lập một danh sách tương tự 10 hoạt động của bạn trong thời gian rảnh rỗi. Liệt kê ra nhiều nhất 10 hoạt động mà bạn thường làm vào thời gian rảnh rỗi (tất nhiên là trừ ăn và ngủ). Các hoạt động này thì có rất nhiều và khác nhau tùy từng người, nhưng có thể là xem tivi, đọc sách báo, chơi thể thao, xem phim. Chỉ liệt kê ra những thứ bạn làm; ví dụ bạn có thể rất thích đi xem phim hoặc thăm quan bảo tàng nhưng đừng cho chúng vào danh sách nếu bạn không thường xuyên đi đến đó.

10 hoạt động chiếm hầu hết thời gian rảnh rỗi của bạn

  1. _________________________________________ ( %)
  2. _________________________________________ ( %)
  3. _________________________________________ ( %)
  4. _________________________________________ ( %)
  5. _________________________________________ ( %)
  6. _________________________________________ ( %)
  7. _________________________________________ ( %)
  8. _________________________________________ ( %)
  9. _________________________________________ ( %)
  10. ________________________________________ ( %)

Cũng như ví dụ trước, hãy ước lượng thời gian bạn sử dụng cho mỗi hoạt động.

Bây giờ bạn cũng đưa ra 3 hoạt động đem lại cho bạn nhiều niềm vui nhất. Nếu có những hoạt động mà bạn tin là mình rất thích nhưng lại không nằm trong danh sách, hãy thêm chúng vào.

3 hoạt động đem lại nhiều niềm vui nhất

  1. _________________________________________ ( %)
  2. _________________________________________ ( %)
  3. _________________________________________ ( %)

Giờ bạn hãy ước lượng số phần trăm thời gian bạn sử dụng cho mỗi hoạt động trên tổng số thời gian rảnh rỗi. Cũng giống như trong công việc, hầu hết mọi người đều nhận thấy là 3 hoạt động mà họ dành nhiều thời gian nhất lại không phải là các hoạt động họ thích nhất.

Nếu bạn muốn biết thêm thông tin về Nguyên lý Pareto, bạn có thể tham khảo ba cuốn sách viết về việc áp dụng nguyên lý này do cố vấn quản lý và doanh nghiệp Richard Koch viết. Đó là: Nguyên lý 80/20 (The 80/20 Principle), Quy luật 80/20 áp dụng cho cá nhân (The 80/20 Individual) và Sống theo phương thức 80/20 (Living the 80/20 way).

Tại sao lại cứ làm những công việc và hoạt động mình không thích?

Có thể bạn sẽ nhận ra rằng có một vài việc trong danh sách vừa rồi chiếm một lượng thời gian vừa phải trong số thời gian rảnh rỗi của bạn dù không phải là những hoạt động bạn yêu thích. Đó là những thứ chúng ta làm theo thói quen hoặc nghĩ rằng người khác mong muốn mình làm như vậy. Thường chúng ta sẽ trì hoãn những gì bản thân mình tin rằng mang lại nhiều niềm vui vì nghĩ ta sẽ làm việc đó vào một thời điểm khác thích hợp hơn. Có thể là “Khi bọn trẻ đã lớn hơn” hay “Khi mình về hưu”, hay “Khi mình đã tiết kiệm đủ tiền”. Thật không may, trong hầu hết các trường hợp thì ngày nào đó (trong dự tính của bạn) dường như chẳng bao giờ đến.

Một nhân tố nữa là hiện tượng “sẽ kiếm được nhiều tiền khi tình trạng tồi tệ này qua đi”. Những nghiên cứu về việc đưa ra quyết định cho thấy rằng bạn càng đầu tư vào một cái gì đó nhiều (tiền bạc, thời gian, tình cảm) thì bạn càng có cảm giác chắc chắn vào điều đó. Ví dụ, nếu bạn đọc 200 trang của một cuốn sách dày 300 trang và thấy nó thật tẻ nhạt, bạn sẽ nghĩ rằng bạn nên đọc hết cuốn sách vì dù sao bạn cũng đã đọc được ngần đấy trang rồi. Các ảnh hưởng tương tự cũng áp dụng đối với việc đầu tư mà bạn nên bỏ dở hay những thứ mà bạn mua nhưng không còn dùng đến nữa (bạn nghĩ: “Mình không thể ném nó đi hay bán rẻ nó được ‒ mình đã mua nó với giá rất cao cơ mà!”).

Một cách rất hay giúp bạn vượt qua chuyện này là tiêu chí “nếu không có, thì…”. Hãy hỏi chính mình: Nếu mình đã không mua nó (hoặc không dành thời gian cho nó) thì sao nhỉ? Nếu bạn tìm được lý do hợp lý, đã đến lúc vứt đi rồi.

Một nhân tố khác là sự kiêu hãnh. Nếu bạn tuyên bố với cả thế giới là bạn sẽ tham dự cuộc thi ma-ra-tông nhưng sau đó biết rằng việc chạy như vậy sẽ gây ra những vết thương cho đầu gối bạn, bạn có thể sẽ vẫn không từ bỏ cuộc thi mặc dù biết rằng cần phải làm như thế để đảm bảo sức khỏe. Có một cách rất hay để đối mặt với chuyện này là hãy lùi lại một bước và nhìn tình huống này một cách khách quan hơn. Nếu một người bạn ở trong tình huống tương tự, bạn sẽ khuyên người ấy thế nào? Gần như chắc chắn bạn sẽ nói “Đừng ngốc nghếch như thế, sức khỏe của mình quan trọng hơn bất cứ thứ gì”, và đó cũng chính là câu trả lời cho chính bạn.

Trong chương này, bạn xác định ra những yếu tố nào trong công việc và thời gian rảnh rỗi của bạn có tiềm năng để tăng thêm hạnh phúc cho bạn. Trong chương tiếp theo, bạn sẽ học được chính xác cách tập trung các yếu tố này vào mục tiêu cụ thể và những bí quyết giúp bạn đạt được mục tiêu đề ra.

2. Tập trung vào mục tiêu đầu tiên

Trong Chương 1, bạn đã tìm ra bí quyết để đạt được kết quả cao nhất là tìm ra 20% công việc và thời gian nghỉ ngơi mang lại nhiều lợi ích cho bạn nhất, đầu tư nhiều thời gian hơn vào những việc đó, giảm thời gian dành cho 80% những việc đem lại ít giá trị hơn. Khi đã xác định được 20% có giá trị hơn đó, bạn có thể xác lập các mục tiêu thúc đẩy bạn đến thành công. Nhưng nếu bạn từng cố gắng đặt mục tiêu trong quá khứ, bạn có thể thấy đó là một việc rất ít triển vọng, bởi vì bạn chưa biết có hai lỗi chết người trong hầu hết các cách tiếp cận mục tiêu. Trong chương này, bạn sẽ biết rõ không chỉ hai sai lầm đó mà còn cả cách thức để vượt qua chúng.

Đặt ra mục tiêu SMART

(SMART: S – Specific; M – Measureable; A- Attainable; R – Realistic; T – Timely)

Sự tập trung đòi hỏi bạn phải thật sự hiểu rõ về những gì mình muốn đạt được, các mục tiêu SMART sẽ giúp bạn. Đầu tiên hãy xem xét quy trình đặt mục tiêu, sau đó bạn có thể áp dụng nó cho các lĩnh vực mà bạn xác định trong chương cuối.

Thế nào là những mục tiêu SMART? S là viết tắt của Specific (Rõ ràng). Những mục tiêu kiểu như “giảm cân” hay “phải kiếm nhiều tiền hơn” hay “được nhiều người yêu mến hơn” là không hiệu quả vì chúng quá mập mờ. Nếu bạn có thể giảm được vài lạng, nó chứng tỏ bạn có giảm cân, nhưng chắc chắn bạn vẫn chưa hài lòng. Vì thế hãy đặt ra những mục tiêu thật rõ ràng. Tương tự như vậy với tiền bạc và thậm chí với những phẩm chất cá nhân như “được nhiều người yêu mến hơn”. Chính xác thì được nhiều người yêu mến hơn sẽ như thế nào? Nó có phải là thêm hai người bạn thân thiết hơn không? Hay là thêm cả chục người bạn bình thường? Nếu bạn thấy khó đưa ra những mục tiêu rõ ràng, hãy tự hỏi chính mình, bạn sẽ thấy và nghe được những gì khi đạt được mục tiêu, nó khác gì với những điều bạn thấy và nghe được ở hiện tại.

Khi đưa ra những quyết định này, hãy chắc chắn bạn đã sử dụng những tiêu chuẩn có ý nghĩa với bạn chứ không phải là những thứ người khác mong muốn ở bạn. Cố gắng làm hài lòng mong muốn của người khác là điều ngu ngốc, vì khi bạn cố gắng làm vì người khác, họ có thể thay đổi nhanh chóng và như thế bạn cũng phải thay đổi theo.

Sẽ tốt hơn nếu mục tiêu đó là tích cực ‒ thay vì đặt ra mục tiêu “giảm 3 kg” bạn nên đặt mục tiêu là “giảm xuống còn X kg” (X là cụ thể số cân bạn muốn). Nếu không bạn sẽ thường xuyên rơi vào trạng thái tiêu cực.

M là viết tắt của Measureable (Có thể đo lường được). Khi mục tiêu của bạn đã rõ ràng thì cách để đo lường xem bạn đã được mục tiêu đó hay chưa vẫn còn là ẩn số. Nếu đó là về cân nặng, bạn sẽ sử dụng cân hay chỉ số nào đó cho cơ thể. Nếu đó là về tiền bạc, tài khoản ngân hàng sẽ nói cho bạn tình hình tài chính của bạn. Trên thực tế, dù bạn có thể đo lường được hay không, thì đó cũng là một cách kiểm tra hữu ích xem mục tiêu bạn đề ra có rõ ràng không. Nếu không, hãy nghĩ lại và thay đổi mục tiêu của bạn.

Hai chữ cái tiếp theo, A ‒ Attainable (Có thể đạt được) và R ‒ Realistic (Thực tế). Tôi không phải là người quá sùng bái điều này. Các mục tiêu cần phải chứa nhiều tham vọng và vinh quang nếu muốn thúc đẩy bạn làm những việc cần thiết để đạt được chúng và những mục tiêu hấp dẫn nhất thường là những mục tiêu bạn không chắc chắn 100% về khả năng đạt được và tính thực tế. Liệu cuốn sách của bạn có thể trở thành sách bán chạy nhất không cho dù bạn chưa từng cầm bút viết? Bạn có thể bắt đầu một công việc kinh doanh mà chỉ trong năm năm đã kiếm đủ tiền để không cần làm việc mà giành thời gian theo đuổi những sở thích và công việc từ thiện? Có rất nhiều người đã làm được như vậy. Và cách duy nhất để chứng minh là: hãy viết một cuốn sách hoặc tiến hành kinh doanh và xem điều gì xảy ra.

Câu hỏi thật sự duy nhất cần đặt ra là: liệu bạn có thể hy sinh để thực hiện được mục tiêu này không? Nếu câu trả lời có, hãy thực hiện đi. Nếu bạn hi sinh tất cả cho điều đó, có thể bạn sẽ thành công.

Dù sao đi nữa, nếu bạn muốn hỏi một ai đó về việc dấn thân vào kế hoạch to lớn của mình, hãy chọn những người giàu kinh nghiệm, họ sẽ biết rõ phải làm gì.

T là viết tắt của Timely (Đúng hạn), nghĩa là bạn có thể hoàn thành mục tiêu đúng hạn chót đề ra. Hạn chót là “kẻ hủy diệt” rất nhiều hi vọng và kế hoạch của bạn.

Hãy chú ý tới hạn chót

Dưới đây là tiến trình mà mọi việc diễn ra: bạn đặt ra một mục tiêu với hạn chót cụ thể, ví dụ như “vào ngày 1 tháng 3 giảm xuống còn nặng 63 kg”, hay “sẽ thuê một công ty xuất bản cuốn sách của mình trước cuối tháng 9” hay là “sẽ thành lập một cơ sở kinh doanh online vào ngày 15 tháng 2”.

Sau đó bạn sẽ làm những gì bạn cho là cần thiết để hoàn thành mục tiêu đúng thời hạn. Và cũng như hầu hết mọi người chúng ta, bạn thất bại. Hoặc tăng cân, hoặc giữ nguyên, hoặc giảm cân nhưng bạn không hoàn thành mục tiêu, bạn cũng không thuê được một công ty xuất bản sách vào cuối tháng 9 hoặc các vấn đề với website, dịch vụ kinh doanh qua mạng của bạn cũng không thể sẵn sàng vào giữa tháng 2 được.

Bạn thất bại. Khi thất bại chúng ta thường cảm thấy thất vọng chán chường và từ bỏ mục tiêu. Hơn nữa, gần như chắc chắn chúng ta không muốn đặt ra một mục tiêu nào nữa trong tương lai.

Có hai lỗi cơ bản trong cách tiếp cận truyền thống về việc đặt mục tiêu. Đầu tiên là hạn chót. Những người có kinh nghiệm hoàn thành mục tiêu coi hạn chót là điều đáng sợ nhất. Họ nói rằng một mục tiêu mà không có hạn chót thì chỉ là một mơ ước. Theo đó, tôi có thể nói rằng một mục tiêu có hạn chót là một đơn thuốc chữa trị sự thất bại. Và đây là lý do: Khi bạn lập kế hoạch hoàn thành mục tiêu, thường thì bạn chưa biết bạn sẽ làm như thế nào. Có thể bạn có một vài chiến lược và nhiệm vụ để thực hiện, nhưng bạn không biết chúng sẽ phát huy được bao nhiêu tác dụng. Lỗi thứ hai là trong rất nhiều trường hợp, để đạt được mục tiêu thì cần có sự hợp tác của người khác. Bạn có thể tác động nhưng không thể kiểm soát được lòng nhiệt tình của họ. Vì thế, làm cách nào để bạn có thể đặt ra thời gian hợp lý?

Chỉ có một hạn chót duy nhất đúng

Ở trên tôi đã đề cập đến quá trình đặt mục tiêu diễn ra như thế nào. Và đây là quá trình mà nó phải diễn ra nếu như bạn muốn hoàn thành mục tiêu:

  1. Đặt ra mục tiêu, ví dụ là mục tiêu về cân nặng trong những ví dụ trên.
  2. Làm những gì bạn cho là cần thiết để hoàn thành mục tiêu. Có thể bạn quyết định đi bộ 1,5 km ba lần mỗi tuần với hy vọng sẽ giảm nửa cân mỗi tuần.
  3. Kiểm soát quá trình này diễn ra tốt đẹp hay không. Nếu những gì đang làm mang lại cho bạn kết quả bạn muốn (cụ thể trong ví dụ này là bạn giảm được nửa cân mỗi tuần) thì bạn tiếp tục cho đến khi đạt được mục tiêu của mình.
  4. Nếu những gì bạn làm không mang lại kết quả như mong muốn, bạn mường tượng ra những biện pháp thay thế và tiến hành thay đổi. Đó có thể chỉ là một thay đổi nhỏ hoặc có thể là toàn bộ chiến lược. Ví dụ, bạn thấy mình chỉ có thể giảm cân rất chậm cho nên quyết định bên cạnh việc tăng thêm thời lượng đi bộ, bạn chỉ ăn hoa quả, snack và các bữa ăn nhẹ. Hay bạn quyết định luyện tập cùng người hướng dẫn hai tuần một lần.
  5. Bước 3 và 4 được lặp lại cho đến khi bạn hoàn thành mục tiêu. Hạn chót của bạn sẽ là “hoàn thành được mục tiêu bất kể khi nào mình hoàn thành”. Cam kết của bạn chỉ là tiếp tục làm và thay đổi cho đến khi bạn tìm được một biện pháp hiệu quả. Một vài việc bạn có thể hoàn thành nhanh chóng, một vài việc lâu hơn. Nhưng với cách tiếp cận như vậy sẽ không có sự thất bại, tất cả chỉ là một quá trình học hỏi mà thôi.

Tôi muốn nhấn mạnh với bạn là: Trong cách tiếp cận này, không có sự thất bại. Thất bại chỉ xảy ra khi bạn từ bỏ mục tiêu.

Cách tiếp cận này cũng giúp bạn tránh được hội chứng “nhanh hơn và nhiều hơn”, sẽ xảy ra khi cách tiếp cận có hạn chót và phương pháp bạn đang sử dụng không phát huy hiệu quả. Bạn bị thôi thúc hoàn thành hạn chót bằng cách làm mọi việc nhanh hơn hoặc nhiều hơn. Nhưng làm nhiều hơn hay nhanh hơn những việc vốn không phát huy hiệu quả rõ ràng không phải là câu trả lời. Không có áp lực của hạn chót, chắc chắn bạn sẽ dễ cân nhắc đến một chiến lược thay thế.

NHỮNG NGHIêN CỨU KHôNG Có THỰC

Rất nhiều cuốn sách về kỹ năng phát triển cá nhân đã trích dẫn câu chuyện về một nghiên cứu được tiến hành ở Harvard vào khoảng thập niên 1950, trong đó các sinh viên được hỏi họ có từng viết ra các mục tiêu hay không. 30 năm sau, 3% sinh viên trả lời “có” trong nghiên cứu trên đã kiếm được nhiều hơn tổng số tiền của 97% còn lại. Vấn đề là ở chỗ nghiên cứu trên chưa bao giờ tồn tại. Không ai biết chắc câu chuyện này bắt đầu từ đâu, nhưng không có bằng chứng nào chứng minh nghiên cứu này từng được tiến hành. Tuy nhiên, rất nhiều người thành công khẳng định họ từng viết ra các mục tiêu.

Điều này không có nghĩa là bạn không thể đặt ra hạn chót cho các nhiệm vụ trong tầm kiểm soát của mình. Ví dụ, nếu mục tiêu của bạn là tìm ra một người thiết kế website cho công việc kinh doanh online của mình, bạn có thể xem xét các ứng viên và chọn ra ba người giỏi nhất vào cuối tuần. Nếu nhiệm vụ là tìm một cơ quan xuất bản sách, bạn có thể liên hệ với họ vào ngày mai. Nếu bạn quyết định tham gia một khóa học thể dục thẩm mỹ, bạn có thể đặt ra hạn chót tham gia vào trước thứ hai.

Các mục tiêu lớn thường rất hay, nhưng phải chia nhỏ thành các giai đoạn

Các mục tiêu lớn thúc đẩy bạn tiến đến tương lai mong muốn. Đồng thời, bạn cũng cần phải chia nó ra thành từng giai đoạn để có cảm giác bạn liên tục tiến dần đến mục tiêu. Đừng đợi đến khi thực hiện xong mục tiêu cuối cùng mới ăn mừng. Đặt ra từng cột mốc và hãy ăn mừng khi vượt qua từng cột mốc đó.

Lên kế hoạch là tốt, nhưng bắt tay làm còn tốt hơn

Từng bước trong quá trình này đòi hỏi kế hoạch cho từng giai đoạn nhỏ, nhưng hãy chú ý tới những gì bạn làm được với việc lên kế hoạch suông. Nếu như bạn lên một kế hoạch rất cụ thể với những biểu đồ, kế hoạch, bản đồ tư duy, hãy nghĩ đến việc giảm bớt những kế hoạch và tập trung vào những gì bạn có thể đạt được. Tất nhiên, nên sử dụng những thứ đó để giúp bạn tập trung hơn vào những gì cần làm, nhưng chúng không phải là những thứ có thể thay thế cho việc thực tế bạn đạt được cái gì. Trong kinh doanh, hai phần này hoàn toàn khác nhau, được gọi tên là Planning the work (Lên kế hoạch công việc) và Working the plan (Thực hiện kế hoạch).

Trên thực tế mọi việc thay đổi rất nhanh do đó bạn cần phải rất linh hoạt. Ngày nay, đưa ra một kế hoạch dài năm năm không còn thực tế nữa. Bạn phải luôn chú ý tới những dấu hiệu trên đường đi, những dấu hiệu có thể chỉ ra hướng đi tiếp theo tốt hơn, hoặc là phải đi theo hướng nào, hoặc làm cách nào để đi đến đó.

Bạn có thể tìm thấy sự tương đồng trong một thí nghiệm tiến hành trong lĩnh vực nghệ thuật. So sánh hai tác phẩm của hai nhóm sinh viên nghệ thuật ưu tú. Nhóm đầu tiên biết kết quả họ muốn, lên kế hoạch cẩn thận và thực hiện từng bước một với thay đổi ít nhất có thể. Nhóm thứ hai chỉ mới có ý tưởng họ định làm và thay đổi thiết kế khoảng 17 lần. Cuối cùng, khi ban giám khảo đánh giá tác phẩm của hai nhóm thì thấy tác phẩm của nhóm thứ hai sáng tạo hơn. Bài học rút ra là phải có đủ linh hoạt để ứng phó với những thay đổi, những sự trải nghiệm sẽ cho bạn kết quả tốt hơn.

Chiến lược đeo đuổi

Cho đến lúc này thì mọi thứ vẫn ổn. Nhưng còn một chướng ngại vật giấu mặt mà bạn cần phải vượt qua. Thường là chúng ta cam kết cho một phương pháp (ví dụ, đi bộ ba lần một tuần) và sẽ làm tốt trong tuần đầu tiên, thậm chí là tháng đầu tiên. Sau đó thì do các nguyên nhân khách quan, chúng ta chỉ còn đi bộ một lần một tuần, hay không đi bộ nữa. Kết quả là: thất bại. Cả việc tập thể dục thẩm mỹ cũng vậy. Vào tháng đầu tiên, có rất nhiều người đăng ký tham gia làm thành viên cả năm nhưng đến trước tháng thứ ba hầu hết các thành viên đều từ bỏ. Là một vận động viên cũng tốt, nhưng nếu không thì làm thành viên thôi cũng chẳng sao.

Chúng ta không những cần một chiến lược cụ thể để hoàn thành mục tiêu mà còn phải có những chiến lược để chắc chắn chúng ta sẽ làm theo chiến lược đó. Như tôi đã nói ở trên, bạn chỉ thất bại một khi bạn từ bỏ, nhưng thường chúng ta không tiếp tục thực hiện nó. Ngay khi bạn nhận ra điều đó, ngay lập tức hãy thực hiện phương án B:

“Bạn chỉ thất bại khi bạn từ bỏ”

  1. Quyết định xem có dừng lại hay không vì bạn chưa gặt hái được gì dù đã bỏ ra khá nhiều công sức. Nếu dừng, hãy mường tượng luôn một chiến lược mới và thực hiện nó. Điều này cũng đúng khi bạn dừng phương pháp này là do có nhiều thứ quá khó, bạn không thể làm được. Ví dụ, bạn giải quyết bằng cách ngày nào cũng đi đến phòng tập nhưng nhận ra điều này hoàn toàn không thực tế. Vậy hãy thử ba ngày một tuần thôi và xem điều gì xảy ra.
  2. Nếu bạn không làm chỉ vì bạn quên, hay chỉ vì không thuận tiện, hay do bạn lười, vậy thì hãy nghĩ đến một cách giúp bạn làm việc này dễ dàng hơn, thoải mái hơn, dễ nhớ hơn. Trong ví dụ của chúng tôi, đó có thể là rủ một người bạn cùng tập, thuê giáo viên dạy riêng…

Bằng cách coi thất bại tạm thời là một bước tiến tới thành công cuối cùng, bạn sẽ loại bỏ được những tổn thương mà nó gây ra. Nếu bạn thấy điều này khó khăn, hãy soát lại những kỹ năng bạn đang có trong tất cả các lĩnh vực cuộc sống và xem bạn đã rút được bao nhiêu sai lầm hay bài học kinh nghiệm trong quá trình nắm bắt các kỹ năng đó. Thường thì bạn sẽ phải nghĩ rất lâu, bởi vì mỗi khi đạt được mục tiêu, chúng ta hay có xu hướng quên mất những chướng ngại vật trong quá trình thực hiện. Bạn cũng sẽ cảm thấy như vậy khi đạt được những mục tiêu mà với hiện tại dường như là điều xa vời.

Không thể tập trung vào những điều ngoài tầm mắt

Nghiên cứu chỉ ra rằng bạn chắc chắn sẽ ăn nhiều kẹo hơn khi bạn nhìn thấy trước mặt thay vì cất trong hộp, khi trong tầm với thay vì phải đứng dậy để lấy. Những kết quả này cũng chẳng phải là điều gì quá ngạc nhiên, nhưng chúng làm ta nhớ một nguyên tắc quan trọng: Không nhìn thấy thì bạn sẽ không nhớ đến.

Nếu bạn muốn chắc chắn là mình sẽ dùng nhiều thời gian trong ngày hơn cho những việc quan trọng với bạn, hãy làm cách nào để bạn có thể nhìn thấy hay nghe thấy thường xuyên. Có thể bạn viết ra giấy hay là nhắc việc bằng một đoạn nhạc… Điều này sẽ giúp bạn thay đổi cách thức sao cho dễ nhớ hơn.

Thời điểm để tập trung vào ba mục tiêu quan trọng nhất

Giờ bạn đã hiểu việc đặt mục tiêu diễn ra như thế nào, bạn đã có thể đặt ra cho mình các mục tiêu quan trọng nhất. Hãy xem lại danh sách 80/20, đưa ra suy nghĩ cho những mục tiêu bạn thích nhất và viết ra 3 mục tiêu bạn nghĩ mình có khả năng thực hiện.

Mục tiêu thứ nhất______________________________

Mục tiêu thứ hai_______________________________

Mục tiêu thứ ba________________________________

Đâu là mục tiêu bạn đã sẵn sàng nhất? Có thể chọn một trong ba hoặc cả ba cùng một lúc. Nếu bạn thấy thực hiện cả ba mục tiêu này cùng một lúc sẽ tốn nhiều thời gian thì hãy làm từng việc một. Thành công với từng mục tiêu sẽ mang lại cho bạn hứng thú và năng lượng hơn là vật lộn để giành cả ba mục tiêu cùng lúc. Nếu bạn muốn thực hiện ít nhất hai mục tiêu một lúc, bạn có thể được nếu chúng không cùng một lĩnh vực trong cuộc sống của bạn. Ví dụ, bạn có thể chọn một mục tiêu trong công việc, một mục tiêu về giảm cân và một về cải thiện các mối quan hệ quan trọng.

Với mỗi mục tiêu, hãy dành một cuốn sổ nhỏ mà bạn thích. Bạn có thể viết vào những dòng để trắng trong cuốn sách này, nhưng như thế không đủ để ghi chú thêm những việc bạn phải làm, những mốc bạn đã vượt qua, những chiến lược hay đã phát huy tác dụng mà bạn có thể áp dụng trong những mục tiêu khác, v.v…

Hãy bắt đầu với các câu hỏi

Với mục tiêu bạn cho là quan trọng nhất, hãy trả lời những câu hỏi dưới đây (Nếu cần thêm chỗ, hãy dùng cuốn sổ nhỏ của bạn). Ví dụ, bạn kiếm được nhiều tiền nhất từ việc thiết kế, nhưng bạn lại không biết nhiều về phần mềm Photoshop. Mục tiêu của bạn là phải nắm rõ phần mềm này.

  1. Xác định xem tình hình hiện tại đang như thế nào. Càng rõ ràng càng tốt.

Ví dụ: Mình đã mua đĩa cài đặt hướng dẫn dùng Photoshop nhưng chưa bao giờ động đến.

  1. Bạn đã làm (hay không làm) gì để dẫn đến tình hình hiện tại?

Ví dụ: Mình chưa từng có kế hoạch học Photoshop.

  1. Bạn sẽ làm gì để đạt được kết quả mong muốn?

Ví dụ: Mình sẽ dành 4 giờ mỗi tuần để học chương trình này.

  1. Bạn cần phải làm gì để chắc chắn bạn sẽ làm những việc viết ra ở bước 3.

Ví dụ: Mình phải quyết định những việc đang chiếm mất 4 giờ mỗi tuần hiện tại sẽ được thay thế bằng 4 giờ học Photoshop.

  1. Bạn cần những điều gì (thời gian, tiền bạc, sự giúp đỡ của mọi người)? Làm cách nào để có được chúng? Bạn có cần từ bỏ việc gì để có thời gian tập trung vào những điều thiết yếu trên hay không?

Ví dụ: Thứ mình cần là thời gian. Mình sẽ cắt 4 tiếng xem tivi mỗi tuần. Mình phải có một phương pháp nhắc mình luôn nhớ thời gian phải học.

  1. Hãy làm những việc khác nhau và đánh giá thường xuyên mọi việc bạn đang làm có ổn không. Nếu không, hãy cân nhắc xem bạn có thể làm cách khác để có kết quả mình muốn không. Cứ làm như vậy cho đến khi bạn đạt mục tiêu.

Ví dụ: Nếu bạn thấy bạn không thể tập trung 4 tiếng học Photoshop tại nhà, hãy xem có thể mang máy tính xách tay lên thư viện hay nơi nào khác không làm bạn phân tâm. Hay nếu thấy mình không thể tự học được, hãy tham gia một khóa đào tạo.

Nếu muốn thực hiện nhiều mục tiêu cùng một lúc, hãy làm như trên với từng mục tiêu.

Khơi lại niềm đam mê

Đặc biệt nếu bạn đặt ra một mục tiêu có nhiều tham vọng, bạn có thể cảm thấy lo sợ viễn cảnh phải bắt đầu thực hiện nó. Hãy lập ra danh sách những lý do quan trọng nhất tại sao bạn tin những mục tiêu này quan trọng cho tương lai của bạn. Danh sách này sẽ là động lực khi bạn thấy mệt mỏi. Nó cũng có thể giúp ích khi bạn nhìn thấy trên những tấm giấy bạn ghi thật to treo trong văn phòng.

10 lý do quan trọng nhất khiến tôi phải đạt được mục tiêu này

  1. ________________________________________
  2. ________________________________________
  3. ________________________________________
  4. ________________________________________
  5. ________________________________________
  6. ________________________________________
  7. ________________________________________
  8. ________________________________________
  9. ________________________________________
  10. ________________________________________

Khi bạn thấy mình dao động hãy viết danh sách vào một tờ giấy nhỏ, cho vào ví mang theo bên mình và bỏ ra xem một cách thường xuyên. Đây chính là liều thuốc giải cho những giai đoạn bạn thấy khó khăn. Hầu hết mọi người đều mặc định là sẽ có cảm giác mệt mỏi, hãy chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt.

Coi mình là một anh hùng

Một cách hữu hiệu khác để có được sự tự tin vào khả năng đạt mục tiêu của mình là hãy xem đó như hành động của một người anh hùng. ý tưởng này bắt nguồn từ một tác phẩm của Joseph Campbell ‒ một trong những người xuất sắc nhất về thần học. ông nhận ra rằng trong rất nhiều nền văn hóa, những truyền thuyết thường có cốt truyện giống nhau: một vị anh hùng đi tìm kho báu.

Trên đường đi, người anh hùng sẽ gặp một nhà thông thái, nhưng nhà thông thái chỉ đi cùng một đoạn đường ngắn, còn lại người anh hùng phải tiếp tục hành trình một mình và đối mặt với rất nhiều khó khăn thử thách, thậm chí đối mặt với cái chết. Chính trong lúc đó, anh ta khám phá ra một sức mạnh mới hay là mục đích hành động và anh ta tiếp tục chiến thắng.

Thường thì kho báu tìm được có một giá trị ẩn dụ. Đó có thể là đá quý hay một chiếc cốc vàng, cũng tượng trưng cho sự thông thái mà người anh hùng giành được từ kết quả của chuyến đi. Đôi khi những kho báu này mang lại những điều tốt đẹp không chỉ cho cá nhân mà còn cho những người thân hay cả bộ lạc, dân tộc của người anh hùng.

Nếu cốt truyện này nghe rất quen thì cũng là bình thường bởi vì đó là kiểu câu chuyện bạn đã đọc trong rất nhiều cuốn tiểu thuyết hay xem trên các bộ phim. George Lucas đã áp dụng cốt truyện này cho 3 phần của phim Chiến tranh giữa các vì sao (Star Wars) và bắt đầu tình bạn với Campbell.

Điều thú vị hơn là ở chỗ cốt truyện đó cũng trùng với nhiều điều trong cuộc sống thật của chúng ta. Khi tôi mở lớp Kiến tạo tương lai (Create your Future), tôi mời những người tham gia dùng cốt truyện này để mô tả họ đã vượt qua một thử thách như thế nào trước đây, ví dụ như đi học đại học, bắt đầu đi làm hay học một kỹ năng mới. Thường thì mọi người rất ngạc nhiên nhận ra mình đã từng là người hùng.

Sau đó tôi yêu cầu họ dùng cấu trúc truyện như thế để hình dung mô tả thành công đạt được trong một việc nào đó mà họ chưa từng thử. Kết quả hết sức thú vị và có ý nghĩa sâu sắc. Không chỉ cốt truyện về cuộc phiêu lưu của người anh hùng được dùng như một công cụ lập kế hoạch hữu ích mà những ảnh hưởng của cách thức suy nghĩ xem mình như người anh hùng là một động lực tích cực. Chuyển từ suy nghĩ “tôi đang có khó khăn” hay thậm chí là “tôi có một mục tiêu” thành “tôi đang trên đường thực hiện chuyến phiêu lưu của mình” là một thay đổi rất lớn.

Hãy thử áp dụng cho một trong số những mục tiêu lớn của bạn. Điền vào dòng còn trống dưới đây, bất cứ chỗ nào bạn không chắc về câu trả lời là gì, hãy thử đoán xem. Nếu bạn thư giãn và để câu trả lời tự nhiên tìm đến, bạn sẽ ngạc nhiên khi khám phá ra rằng đầu óc vô thức có thể đưa ra nhiều gợi ý cho chuyến đi hơn là bạn nghĩ bạn có thể.

Cuộc phiêu lưu oanh liệt

  1. Người hùng được giới thiệu trong thế giới bình thường của anh ta. (Bạn đang làm gì, ngay trước khi bạn bắt đầu chuyến phiêu lưu?).

________________________________________

________________________________________

  1. Tên của chuyến đi. (Những điều khiến bạn nhận ra bạn đang có khó khăn, thử thách hay khi bạn muốn bắt đầu một cuộc phiêu lưu mới).

________________________________________

________________________________________

  1. Người anh hùng bất đắc dĩ lúc đầu và nỗi sợ không tên. (Bạn sợ điều gì nhất khi bắt đầu chuyến phiêu lưu mới này?)

________________________________________

________________________________________

  1. Người hùng được một nhà thông thái già khuyến khích. (Ai là nhà thông thái của bạn: những người có thể chỉ cho bạn đường đi nước bước hay tạo cho bạn nguồn cảm hứng bất tận? Đó có thể là một người có thật ở hiện tại hay quá khứ, hoặc là một nhân vật trong tiểu thuyết).

________________________________________

________________________________________

  1. Người anh hùng vượt qua ngưỡng đầu tiên và bắt đầu chuyến đi. (Bạn quyết định thực hiện chuyến phiêu lưu của mình vào lúc nào?)

________________________________________

________________________________________

  1. Người anh hùng gặp phải những cuộc đấu trí và gặp được những người giúp đỡ. (Bạn nghĩ xem những gì sẽ là những thử thách đầu tiên? Ai sẽ ủng hộ và giúp đỡ bạn?)

________________________________________

________________________________________

  1. Người anh hùng gặp một cái hang sâu – một nơi cực kỳ nguy hiểm. (Bạn nghĩ điều gì là đáng sợ nhất trong thử thách trên ‒ thời điểm mà bạn thấy muốn buông xuôi?)

________________________________________

________________________________________

  1. Người anh hùng quyết theo đuổi mục tiêu cao cả, có thể phải chết và được cải tử hoàn sinh. (Phẩm chất nào bạn coi là đã giúp bạn vượt qua thử thách quan trọng nhất? Điều đáng chú ý nhất khi bạn được phục sinh là gì?)

________________________________________

  1. Người anh hùng lấy được thanh kiếm và kho báu. (Kho báu bạn có được là gì? Đó là kiến thức, kinh nghiệm hay một thứ gì đó hữu hình).

________________________________________

________________________________________

  1. Con đường quay về và sự săn đuổi của kẻ thù. (Một khi bạn đã đạt được mục tiêu, còn những khó khăn nào mà bạn cần phải vượt qua?)

________________________________________

________________________________________

  1. Người anh hùng cùng kho báu quay trở lại thế giới bình thường. (Có gì khác biệt trong cuộc sống của bạn khi bạn đã đạt được mục tiêu? Nó có ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của bạn?).

________________________________________

________________________________________

JOSEPH CAM BELL ( 1904 – 1987)

Giáo sư thần học, nhà văn và nhà diễn thuyết. Các tác phẩm của ông bao gồm Người hùng nghìn mặt (The hero with a thousand faces) và Mặt nạ của Chúa (The mask of God). Công chúng biết đến ông qua một loạt những bài phỏng vấn của ông với Bill Moyer có tên Sức mạnh của huyền thoại (The Power of Myth), phát sóng lần đầu trên PBS tại Mỹ năm 1987 ngay sau khi ông qua đời. Được phát lại rất nhiều lần và bán qua đĩa DVD.

Tập trung tầm nhìn: lên lộ trình cho mục tiêu

Bước tiếp theo này là tạo ra một lộ trình cho mục tiêu trong đó bạn đưa ra tất cả các bước quan trọng cho mục tiêu của mình. Nếu đó là mục tiêu lớn, bạn cần phải chia lộ trình cho từng mục tiêu nhỏ trong đó. Ví dụ, mục tiêu của bạn là trở thành một chuyên gia marketing nổi tiếng, có thu nhập ít nhất là 100.000 bảng một năm. Những bước để đạt được mục tiêu đó có thể bao gồm: viết những bài báo về marketing, trở thành một nhà diễn thuyết tinh tế, rèn luyện để trở thành một doanh nhân, viết sách marketing, làm website và tự marketing cho chính mình.

Lộ trình đặt mục tiêu trong chương này có thể làm được với sự trợ giúp của một chương trình phần mềm có tên Inspiration (xem www.inspiration.com ). Bạn cũng có thể tham khảo một chương tình khác mang tên Goal Enforcer (xem www.goalenforcer.com) hoặc chương trình Bản đồ tư duy (xem www.freemind.sourceforge.net).

Lộ trình như trên chỉ ra các bước rất ngắn gọn. Kiểu lộ trình thế này thường được trình bày theo chiều kim đồng hồ. Trong trường hợp này, nhiệm vụ đầu tiên của bạn là viết báo, tiếp theo là trở thành nhà diễn thuyết nổi tiếng, và cứ thế tiếp tục. Trong khi chương này không chú ý vào hạn chót, bạn vẫn phải hiểu rằng các bước này đều trong tầm kiểm soát để bạn có thể đặt ra những mốc thời gian và khung chương trình tổng thể.

Bạn cũng có thể xem từng bước tiến dần đến mục tiêu như một đề án, và hãy lập ra bản đồ kế hoạch cho từng bước một. Chẳng hạn, mục tiêu “Trở thành nhà hùng biện tài năng” sẽ nằm dưới mục tiêu “Trở thành chuyên gia bán hàng”. Ở mỗi mục tiêu, bạn đưa ra các bước để hoàn thành (xem sơ đồ trang sau).

Xây dựng lộ trình

Dù bạn sử dụng phần mềm hay chỉ một tờ giấy để vẽ ra lộ trình, hãy chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho lộ trình của mục tiêu mà bạn thấy hấp dẫn nhất. Bạn có thể khai thác tất cả những thông tin bạn tìm được trong chương này để giúp bạn hình dung ra những mục tiêu nhỏ nhưng quan trọng nhằm đạt mục tiêu chính. Sau đó, khi đọc hết cuốn sách, để lập lộ trình cho từng mục tiêu nhỏ, hãy làm rõ đến mức có thể về những gì bạn cần phải làm, khi nào và bằng cách nào. Nếu bạn muốn, có thể đọc hết phần còn lại và lập ra lộ trình như trong chương cuối cùng “Gắn kết tất cả để đạt mục tiêu”, nhưng tôi khuyên bạn bây giờ chỉ nên làm một bản nháp.

Bằng cách xác định một hay nhiều mục tiêu và hiểu cách vượt qua những lỗi thông thường trong cách đặt mục tiêu, bạn đã làm được những bước đầu quan trọng trong việc thẳng tiến đến thành công. Trong chương tiếp theo bạn sẽ học cách thay đổi quỹ thời gian để chúng phát huy hiệu quả nhất.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button