Kỹ năng mềm

Học Cách Mỉm Cười

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nguyễn Hoàng Ánh

Download sách Học Cách Mỉm Cười ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KỸ NĂNG SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download Ebook         

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


“Học cách mỉm cười – quả đúng như vậy, gấp trang sách lại tôi thấy mình đang mỉm cười. Cảm giác như tôi vừa có một buổi cà phê chuyện trò rất thân tình và ấm áp với tác giả Nguyễn Hoàng Ánh. Trong cuốn sách chị đề cập đến mọi khía cạnh của cuộc sống: từ tuổi mới biết yêu, chập chững vào đời tới hôn nhân, gia đình, con cái, ngoại tình, ly hôn, định kiến xã hội và các mối quan hệ trong công việc. Vấn đề nào chị cũng phân tích rất tỉ mỉ, không kém phần sắc sảo xen lẫn hài hước khiến tôi hoàn toàn bị thuyết phục.

Cuốn sách này quả là một món quà quý cho các bạn trẻ thời nay khi có quá nhiều nỗi băn khoăn lo lắng trước các ngã rẽ của cuộc đời. Cuốn sách không phải được viết ra bởi một giảng viên đại học, nó được viết ra từ trái tim và tấm lòng của một người mẹ, người chị khá hiện đại với những góc nhìn mới mẻ đôi khi đi ngược lại với những định kiến xưa cũ. Sự thông minh, thẳng thắn, chân tình và ấm áp là những gì tôi cảm nhận được xuyên suốt cuốn sách. Và nó đã khiến tôi mỉm cười tin rằng cuốn sách sẽ truyền cảm hứng mạnh mẽ tới người đọc và chắc chắn nó sẽ giúp các bạn trẻ nhìn nhận rõ con đường mình sẽ đi.”

ĐỌC THỬ

LÝ DO ĐỂ YÊU…!?

For my daughter and her friends!

Con gái yêu của mẹ!

T

hời gian trôi thật nhanh, thấm thoắt con đã 18 tuổi. Mới ngày nào con còn là em bé nhỏ xíu, sinh ra có 3,05 cân. So với thành tích của bà ngoại: sinh mẹ là con đầu lòng nặng 3,5 cân, cậu con là 3,8 cân, còn cô Út là 4,05 cân – ôôôôôôô!!!), thì mẹ con mình quả là khiêm tốn. Con là con đầu lòng của bố mẹ nên dù còn rất khó khăn nhưng tình cảm bố mẹ dành cho con thì không lời nào nói hết. Con có lẽ cũng cảm nhận được điều đó nên ngay từ đầu đã ra sức “bắt nạt” bố mẹ. Con khó ăn, khó ngủ, không theo ai cả trừ mẹ ra nhưng bố mẹ không một lời than phiền. Lúc ấy cuộc sống chưa bận rộn lắm nên bố mẹ có nhiều thì giờ dành cho con, điều mà em con không có được. Mẹ cứ ngồi ngắm con hàng giờ không biết chán. Còn bố con thì mỗi điều con muốn đều là mệnh lệnh, làm mẹ phát bực vì “phản sư phạm”quá. Cũng may, con khỏe mạnh, cứng cáp và nhanh nhẹn. Hồi đó, bố con hay đi công tác nên chủ yếu chỉ có hai mẹ con mình sống với nhau. Đã bao lần mẹ nhìn con mà tự nhủ: “Nhờ có con mẹ mới vượt qua được bao khó khăn, buồn khổ của cuộc đời để bước tiếp. Mong hai mẹ con mình sẽ bên nhau suốt đời.”

Rồi con lớn lên, dần trở thành người trợ giúp cho mẹ trong nội trợ, chăm sóc em,… Con và mẹ còn cùng sẻ chia niềm đam mê với âm nhạc, văn học. Mẹ vẫn hi vọng chúng ta sẽ luôn bên nhau, là bạn của nhau suốt đời.

Vẫn biết cuộc đời bên ngoài nhiều gió mưa bão tố, nhưng mẹ vẫn mong đôi cánh nhỏ nhoi của mẹ sẽ che chở cho con được dài lâu. Mẹ đã rèn giũa để con tự lập được, nhưng bản năng người mẹ trong mẹ lại không ngừng bao bọc con.

Song chúng ta không cưỡng lại được quy luật của cuộc sống. Con giờ đã 18 tuổi, lớn bổng thành một thiếu nữ. Nhìn con xúng xính trong tấm áo dài, xỏ chân vào đôi giày cao gót – quà tặng của bố mẹ nhân ngày con tốt nghiệp phổ thông – mẹ biết là con đã không còn chỉ muốn nằm trong vòng tay mẹ nữa. Con đã biết mong chờ lời khen từ nhiều người bạn khác giới, và rồi từ một người đặc biệt nào đó. Con biết yêu!

Cũng từng là thiếu nữ, mẹ hiểu sự diệu kỳ cũng như khó khăn của quãng thời gian ấy và cảm xúc ấy, nhưng thật khó để truyền đạt lại cho con. Tuổi trẻ luôn đầy kiêu hãnh và cũng đầy tự ái, tuổi trẻ cũng cho rằng mình có con đường của riêng mình. Làm sao để làm con tin rằng những gì con cảm nhận bây giờ, trước con và sau con, triệu triệu cô gái đều cảm thấy. Nhưng số những người tìm được hạnh phúc từ cái gọi là cảm xúc “yêu” ấy lại vô cùng ít ỏi. Có muôn vàn những xúc cảm mong manh khiến người ta khởi sự “yêu” một người, chẳng hạn như:

#1 Tự dưng thấy “thinh thích” khi “người ấy” nhìn mình.

#2 Tự dưng đỏ mặt khi bắt gặp ánh mắt người ấy.

#3 Tự dưng tim đập dồn dập vì một cử chỉ quan tâm.

#4 Tự dưng thấy nhơ nhớ khi không gặp “người ta”.

#5 Trước mặt người ta bỗng muốn chải chuốt điệu đàng, không còn ăn mặc, nói năng thoải mái như trước nữa.

#6 Khi bước vào cả lớp học đầy người nhưng lại thấy vô cùng trống trải khi “người ta” không có ở đấy!

#7 Lắm khi, vì một lý do rất “chuối củ” là “chúng nó” có đôi hết rồi mà mình thì “một mình”!

#8 Vì “đối tượng” đẹp trai (bây giờ có vẻ quá phổ biến).

#9 Bên “người ta” mình tự dưng thấy như bay bổng vậy, hạnh phúc vô cùng.

#10 Tổng kết lại, “chỉ vì mình đã lớn”, như bài thơ của Nguyễn Bính đã nói hộ tâm tình:

“Năm xưa em bé tuổi mười ba

Em được mẹ yêu quý nhất nhà

Sống giữa tình thương thơ mộng quá

Tháng ngày mê mẩn bướm cùng hoa

Em ngoan ngoãn lắm, rất vâng lời

Thỉnh thoảng chỉ hay hờn mát thôi

Mẹ cười âu yếm: “Sau khôn lớn

Đi lấy chồng rồi dỗi với ai?”

Em ghét từ lâu chuyện lấy chồng

Một mình có phải nhẹ nhàng không?

Tha hồ thơ thẩn, tha hồ rảnh

Chẳng phải vì ai đợi – chờ – mong

Không biết làm sao phải lấy chồng?

Dại gì đi ở với đàn ông

Xa mẹ xa cha, thôi em chịu

Không lấy chồng đâu, nhất định không…

Năm nay em đã lớn khôn rồi

Mái tóc chùng buông chấm quá vai

Ửng chín dậy thì trên má lúm

Nụ cười duyên dáng dưới đôi môi

Nghĩ chuyện năm xưa lại nực cười

Em ngây thơ quá chẳng bằng ai

Khóc cười giận dỗi vô duyên thế

Có biết gì đâu – nũng nịu hoài

Em ghét từ lâu chuyện lấy chồng

Một mình có phải nhẹ mình không

Tha hồ thơ thẩn, tha hồ rảnh

Không khổ vì ai, chẳng nhớ nhung

Cứ sống cô đơn thế khỏi phiền

Chiếu dài giường rộng chẳng ai chen

Không, em nhất định, không đâu nhé

Em hứa rằng không đấy, đợi xem

Soi gương bỗng thấy tóc em dài

Vương vương rủ xuống rối bên vai

Hững hờ lấy lược ra toan gỡ

Nhưng gỡ làm chi – đẹp với ai

Đã bảo rằng em thích độc thân

Mà lòng riêng vẫn cứ bâng khuâng

Ô hay! Lạ quá làm sao thế

Rõ ghét ông trời đến oái oăm…”

(Bài thơ Không biết làm sao phải lấy chồng)

Nói cho cùng, theo bài thơ ấy thì con gái mẹ bây giờ đã lớn lắm rồi. Các con may mắn hơn thời xưa, được tự do yêu đương trước khi lấy chồng. Nhưng tình yêu cũng là một chuyến hành trình đầy gian nan và rủi ro. Vì vậy, mẹ mong rằng trước khi bước vào chuyến đi hệ trọng ấy, con và các bạn con hãy dừng lại đôi chút, nghĩ xem “Vì sao mình lại muốn yêu người ấy?”

Ở tuổi các con, chuyện tình cảm còn mang nhiều yếu tố cảm tính. Mà tình yêu lại là hành trình một chiều, khi con đã bắt đầu bước chân lên chuyến hành trình ấy thì sẽ không bao giờ quay lại điểm khởi đầu được nữa. “Tình yêu đầu tiên – Trò chơi cuối cùng”. Đừng để trò chơi ấy lấy đi sự vô tư, trong trẻo của con nếu con không chắc về tình cảm của cả hai bên.

Hãy nghĩ xem, người bạn trai của con và cả con nữa, có thể dành cho nhau những tình cảm giống như câu chuyện dưới đây không:

Một cô gái hỏi bạn trai của mình:

– Tại sao anh yêu em?

– Sao em lại hỏi như thế, sao anh tìm được lý do chứ! – Chàng trai trả lời.

– Không có lý do gì tức là anh không yêu em.

– Em không thể suy diễn như thế được.

– Nhưng bạn trai của bạn em luôn cho cô ấy biết lý do anh ta yêu cô ấy.

– Thôi được, anh yêu em vì em xinh đẹp, giỏi giang, nhanh nhẹn. Anh yêu em vì nụ cười của em, vì em lạc quan. Anh yêu em vì em luôn quan tâm đến người khác.

Cô gái cảm thấy rất hài lòng.

Vài tuần sau cô gặp phải một tai nạn khủng khiếp, nhưng rất may cô vẫn còn sống. Bỗng nhiên cô trở nên cáu kỉnh vì cô thấy mình vô dụng. Vài ngày sau khi bình phục, cô nhận được lá thư từ bạn trai của mình:

“Chào em yêu!

Anh yêu em vì em xinh đẹp. Thế thì với vết sẹo trên mặt em bây giờ anh không thể yêu em được nữa.

Anh yêu em vì em giỏi giang, nhưng bây giờ em có làm được gì đâu. Vậy thì anh không thể yêu em.

Anh yêu em vì em nhanh nhẹn, nhưng thực tế là em đang ngồi trên xe lăn. Đây không phải lý do giúp anh có thể yêu em.

Anh yêu em vì nụ cười của em. Bây giờ anh không thể yêu em nữa vì em lúc nào cũng cau có, than vãn.

Anh yêu em vì em quan tâm đến người khác, nhưng bây giờ mọi người lại phải quan tâm đến em quá nhiều. Anh không nên yêu em nữa.

Đấy, em chẳng có gì khiến anh phải yêu em, vậy mà anh vẫn yêu em. Em có cần lý do nào nữa không, em yêu?!” 1

1 Truyện sưu tầm Internet.

Cô gái bật khóc, và chắc chắn cô không cần một lý do nào nữa. Còn các bạn có bao giờ hỏi những người thân của mình vì sao họ yêu bạn không? Tình yêu đôi khi không nhất thiết phải cần lý do đâu bạn ạ!

Đúng, tình yêu không cần lý do. Nó chỉ cần tình cảm và sự hi sinh cho nhau, cần trách nhiệm và cam kết với nhau, cùng vô vàn điều khác nữa mà người ta chỉ có được khi đã trưởng thành. Vì vậy, mẹ không cấm cản khi các con có những “vấn vương”, nhưng mong các con hãy giữ đúng giới hạn để tình cảm và cả cuộc sống của các con được tươi vui, trong trẻo như nó đáng có. Nhớ rằng:

“Hãy là hoa, xin hãy khoan là trái,

Hoa nồng hương mà trái lắm khi chua.”2

2 Trích từ bài thơ của nhà thơ Tôn Nữ Thu Hồng (1922-1948) được giới thiệu trong “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh – Hoài Chân, Đinh Tị và Nxb Văn học, 2013.

Chúc con và các bạn cùng lứa tuổi có được một tuổi trẻ vui tươi và một tình yêu đẹp!

10 LÝ DO YÊU NGƯỜI CÙNG TUỔI

S

au bài viết về Lý do để yêu, mẹ quyết định chia sẻ “kinh nghiệm” cho “hậu sinh”, mặc dù “đối tượng” chính là con vẫn chưa lên tiếng.

Từ ngày còn là sinh viên, mẹ vẫn hay được – trước là bạn bè, rồi đến các em khóa sau – xin “tư vấn tình yêu”. Có lẽ bởi chịu khó lắng nghe và chịu khó tích lũy kinh nghiệm từ sách vở nên phán nghe cũng “oách”. Tiết lộ một bí mật là mẹ vẫn mơ ước được trở thành một “chị Hạnh Dung” hay “anh Chánh Văn” một ngày nào đó. Bây giờ thì mẹ chỉ hi vọng những kinh nghiệm này sẽ giúp ích cho con và những người bạn của con khi bước vào “tình trường”, vốn nhiều “gian truân”. Gian truân là vậy nhưng hết lớp này đến lớp khác vẫn “đâm đầu” vào… Ngoài truyền thụ “bí kíp” ra, mẹ có lẽ cũng không thể làm gì hơn.

Trước hết, phải nói là mẹ chủ yếu “phán” trên khía cạnh phụ nữ, vì mẹ chưa từng được làm đàn ông (kiếp sau sẽ cố xem sao, nhưng như thế không được triển khai “bí kíp” làm đẹp thì uổng quá). Theo mẹ thấy thì khi mới bắt đầu yêu, hầu hết các cô gái đều chọn yêu người cùng lứa tuổi, ở đây được hiểu là bằng tuổi hoặc hơn nhau tối đa chừng 3 – 4 tuổi. Có nhiều lý do để nảy sinh tình cảm giữa những nấc tuổi này:

#1. Biết nhau từ lâu, nhưng bỗng dưng một ngày nào đó phát hiện ra “đối tượng” trông cũng “dễ thương”. Điều này thường xảy ra ở con trai nhiều hơn, vì tuổi này con gái thường “trổ mã” nhanh, khiến các chàng “lóa mắt”, nhưng con gái cũng không phải không dễ say nắng. Bối cảnh phổ biến chẳng hạn như, trong một buổi sinh hoạt văn nghệ, thể thao nào đó, dưới ánh đèn sân khấu hay trong bộ đồ thể thao, trông “đối tượng” bỗng trở nên lung linh, khiến tim mình bỗng dưng xao xuyến. Tuổi này dễ rung động nên các “nhân” có chút tài lẻ rất dễ trở thành đối tượng có sức hút. Vì thế, trau dồi các “bí kíp” như thơ ca, nhạc họa, thể thao hay một môn năng khiếu nào đó vừa giúp bồi đắp vẻ đẹp tâm hồn, lại vừa là một cách tạo nên sức hút riêng.

#2. Bạn ấy cứ hay nhìn trộm mình làm mình sinh “bối rối”. Điều này thường hay xảy ra với con gái. Các chàng trai thường không biết, đây cũng có thể là một “vũ khí” hiệu quả, vì phụ nữ thường dễ nảy sinh cảm tình với những người thích mình. Cách “tấn công” thầm lặng này có thể làm đối tượng tự mình “đổ” trước. Nhưng các cô gái cũng phải cẩn thận vì dễ “nhận vơ” lắm. Có khi “bạn ấy” nhìn đứa sau mình lại cứ tưởng “bạn ấy” nhìn mình, sinh ra hi vọng hão huyền.

#3. Đám bạn bè cứ kháo nhiều chuyện về “bạn ấy”, nói là bạn ấy thích mình, làm mình sinh tò mò. Từ tò mò, đến “để ý” rồi “đổ” cũng không còn xa lắm. Vì thế, trong vụ này rất nên có “tay trong” để làm PR.

#4. Hai đứa chỉ là bè bạn, nhưng đến một ngày bạn ấy có một cử chỉ “cao thượng” nào đó khiến mình cảm động. Thế là “tèn tén ten, sập bẫy rồi!” Chuyện này rất hay xảy ra với con gái, vì các nàng vốn nhạy cảm với vụ “anh hùng cứu mỹ nhân”. Chỉ có điều các chàng trai bây giờ hơi “yểu điệu” quá, nên dễ bỏ qua cơ hội này. Hãy cố lên nhé, phần thưởng rất “hấp dẫn” đấy! Hãy nhớ lại câu chuyện chàng John Willoughby tình cờ xuất hiện đúng lúc để đưa nàng Marianne xinh đẹp đang bị trẹo mắt cá chân về nhà trong Lý trí và tình cảm của Jane Austen. Cuốn tiểu thuyết xuất sắc này đã được Lý An chuyển thành phim với vai Marianne do Kate Winslet đóng và đoạt giải “Phim có hình ảnh đẹp nhất” năm 1998. Để thấy một hành động bình thường như vậy thôi nhưng có khả năng chiếm trọn trái tim một cô gái.

#5. Cuối cùng là một lý do rất “chuối”: thích vì “tự ái”. Mình vốn là “hot boy/hot girl” gì đó, bao nhiêu người theo đuổi, mà hắn chẳng để ý gì. Tuổi trẻ dễ tự ái, thích khẳng định mình, “nổi máu” anh hùng lên, thích ra tay chinh phục xem sao. Kết cục là chính mình lại mắc vào lưới của mình.

Đó là 5 lý do khiến người cùng lứa tuổi dễ cảm mến nhau. Ngoài ra, ở tuổi hoa niên, yêu người đồng lứa cũng có nhiều điểm cộng:

#1. Hơn nhau chừng 3-4 tuổi, cả hai lại cùng ở lứa tuổi đi học, có nghĩa là đang học cùng trường, dễ có điều kiện gần gũi, tiếp xúc. Như vậy hai bên có chung nhiều mối quan tâm. Khi đang đi học, tuổi này thường cảm thấy xa cách với những đối tượng đã đi làm. Con gái còn có thể yêu người đã đi làm chứ con trai rất hiếm khi. Hơn nữa, nếu là sinh viên thì đây lại là thời gian đầu tiên được sống xa nhà, sẽ dễ tìm kiếm các mối quan hệ mới để bù đắp, chia sẻ, giúp đỡ nhau. Đây là điều kiện rất thuận lợi để tình cảm phát triển.

#2. Tình yêu thời học sinh, sinh viên thường rất vô tư, trong trẻo do cả hai đều chưa có nhiều gánh nặng đời sống hay mối ưu tư khác ngoài học tập và gia đình. Chuyện tiền bạc lúc này ít can thiệp vào tình cảm của hai bên. Những rào cản như sự khác biệt về gia cảnh, quê quán,… chưa được thể hiện rõ. Vì vậy, mọi người đều công nhận tình yêu thời sinh viên trong trẻo và chân thành hơn cả.

#3. Hầu hết tình yêu của các cặp ở lứa tuổi này đều xuất phát từ tình bạn. Đây là yếu tố cơ bản cho sự bền vững của tình cảm vì tình yêu vốn được mô tả như một đứa trẻ xinh đẹp nhưng nghịch ngợm và lại bị bịt mắt nữa. Nếu đã có những hiểu biết về nhau khi còn là bè bạn sẽ dễ vượt qua cú sốc khi va chạm với thực tế hơn. “Bọn hắn” còn cùng trải qua những cột mốc quan trọng như: nhập trường, đi học, đi thi,… Những yếu tố ấy kéo “bọn hắn” lại gần nhau hơn và tạo nên sự đồng cảm, dẫn đến tình yêu.

#4. Những người cùng lứa tuổi sẽ dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm về sở thích như thời trang, ca nhạc, sách vở… “Bọn hắn” cũng chia sẻ những sở thích như tiếp nhận những công nghệ và làn sóng mới của giới trẻ. Không ít tình cảm đã nảy sinh vì cả hai cùng “thần tượng” một ca sĩ hay diễn viên nào đó. Những cơ hội gần nhau như khi sinh hoạt cùng Fan Club càng khiến các bên dễ nảy sinh tình cảm.

#5. Tình yêu giữa những bạn cùng lứa tuổi này thường bình đẳng hơn. Ngay cả khi con trai hơn con gái khoảng 3-4 tuổi thì nữ vẫn già dặn hơn nên tránh được chuyện phải theo ý người khác. Vào thời buổi thanh niên “cứng đầu cứng cổ” như hiện nay thì được bình đẳng trong tình cảm cũng là một lợi thế lớn!

Vài lời bàn lộn xộn để con và các bạn tham khảo. Tuy nhiên, việc rèn giũa bản thân, bồi đắp cả năng lực thể chất, trí óc và tâm hồn là việc mà ngay cả khi yêu đương cũng không thể “quên bẵng”; yêu thương chăm sóc gia đình và những người xung quanh vẫn là những việc cần được ưu tiên.

Bonus cho con gái của mẹ bài thơ của một nhà thơ mẹ rất thích:

“Yêu là chết trong lòng một ít

Nhưng không yêu là chết dài dài

Không yêu, người ta nói mình “xăng pha nhớt”

Con gái dại gì hờ hững trước con trai

Yêu là… yếu, còn ôm là… ốm

Mới tập yêu em đã nhẹ người

Đang bốn chục, em rớt luôn mười ký

Em còn đi học, mấy anh ơi!’’3

Bài thơ “Tình yêu” của nhà thơ Bùi Chí Vinh.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button