Kinh doanh - đầu tư

Quyền Lực – Vì Sao Người Có Kẻ Không?

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Jeffrey Pfeffer

Download sách Quyền Lực – Vì Sao Người Có Kẻ Không? ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Quản trị – kinh doanh

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Giới thiệu: Chuẩn bị cho quyền lực

Trên con đường đạt đến vị trí quyền lực, gần như mọi chuyện đều có thể xảy ra. Bạn có thể vươn tới vị trí quyền lực cao ngay cả trong những trường hợp khó khăn nhất nếu bạn có kỹ năng. Hãy xem xét trường hợp của Anne. Tốt nghiệp trường kinh doanh, Anne muốn lãnh đạo một công ty công nghệ cao mới khởi nghiệp. Nhưng Anne lại không có kiến thức căn bản về công nghệ. Cô là một kế toán và chưa từng học tập hay làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao. Không những thế, trước khi học kinh doanh, cô làm kế toán trong cơ quan nhà nước – cô từng là kế toán cao cấp trong một cơ quan trọng yếu ở một nước nhỏ và hiện cô đang tập trung vào nguyện vọng đầu quân cho Thung lũng Silicon ở California. Tuy nhiên, Anne đã đạt được mục tiêu của mình bằng những hành động quyền lực cực kỳ thông minh.

Thành công bắt đầu bằng sự chuẩn bị. Trong khi hầu hết những người đồng hương của cô chọn theo học các lớp doanh nhân ở trường kinh doanh, Anne lại chọn một lớp về khởi nghiệp kinh doanh ở trường kỹ thuật. Chỉ với lựa chọn đó, cô đã thay đổi động lực học của quyền lực và đòn bẩy thương lượng. Trong lớp học ở trường kinh doanh, mỗi kỹ sư có khoảng ba bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA), trong khi ở trường kỹ thuật, cứ bốn kỹ sư mới có một người có bằng MBA. Cô giải thích rằng các thạc sĩ MBA không muốn đi bộ cả đoạn dài tới tòa nhà kỹ thuật. Không những muốn cải thiện vị thế thuận lợi, Anne còn muốn chọn lớp học ở gần phòng thí nghiệm – nơi phát triển công nghệ và cũng là nơi cô có thể dễ nắm bắt được những cơ hội thú vị. Nhờ áp lực từ giảng viên và các nhà đầu tư mạo hiểm – những người đánh giá các kế hoạch kinh doanh vốn được xem là phần trung tâm của khóa học nhằm đạt được các kỹ năng MBA tương ứng trong công việc, Anne đã có được đòn bẩy thuận lợi trong môi trường cô đã lựa chọn.

Sau khi qua phỏng vấn một số nhóm dự án, Anne gia nhập một nhóm làm về sản phẩm phần mềm cải tiến năng suất phần mềm hiện hành mà không đòi hỏi đầu tư nhiều vốn cho phần cứng mới. Tất nhiên cô không tham gia phát triển công nghệ, và gia nhập nhóm bất chấp thái độ khinh thường của các kỹ sư đồng nghiệp đối với năng lực của cô.

Có được một vị trí trong nhóm, Anne kiên nhẫn thể hiện và khiến các thành viên dần nhận ra giá trị của cô, thành viên nữ duy nhất trong nhóm. Ban đầu, nhóm muốn hướng tới sản phẩm trong một thị trường tương đối nhỏ (có ba công ty lớn). Anne chỉ cho họ dữ liệu cho thấy đây không phải là một ý tưởng hay, nhưng vẫn đồng thuận với mong muốn của cả nhóm là tập trung vào thị trường đầu tiên này trong bài thuyết trình trên lớp. Bài thuyết trình đã bị các nhà đầu tư mạo hiểm vùi dập không thương tiếc. Kết quả là, các kỹ sư bắt đầu cho rằng Anne có thể biết điều gì đó có giá trị thực sự. Khi khóa học kết thúc, nhóm tiếp tục triển khai ý tưởng của họ và nhận được một khoản trợ cấp nhỏ từ một công ty đầu tư mạo hiểm nhằm phát triển doanh nghiệp trong một mùa hè. Anne, người có tài viết lách nhất nhóm, đảm nhận vai trò tìm kiếm hỗ trợ tài chính.

Sau khi tốt nghiệp, Anne được một công ty tư vấn lớn mời về làm việc. Cô nói với cả nhóm về lời mời đó, để họ biết cô có thể chọn công việc lương cao hơn nhiều, để họ biết trân trọng cô và nhận ra chuyện cô rời nhóm là hoàn toàn có thể xảy ra. Cô cũng cố tình để các kỹ sư thử làm những việc mà cô thành thạo – chẳng hạn như thuyết trình và dự toán tài chính – để họ có thể thấy những việc này không hề đơn giản như họ tưởng. Anne vận dụng kiến thức chuyên ngành kế toán và kinh doanh của mình để duyệt lại các điều lệ thành lập công ty mới và các tài liệu về tài chính của công ty. Đồng thời, cô thu thập nhiều thông tin bên ngoài, và vì có nhiều mối quan hệ hơn các kỹ sư nên cô đã xây dựng một mạng lưới đối ngoại vững mạnh trong ngành công nghiệp mà họ đang hướng tới. Các mối quan hệ của cô đã giúp nhóm có được nguồn tài chính sau khi mùa hè kết thúc và số tiền trợ cấp ít ỏi ban đầu cạn kiệt.

Anne không chỉ có các kỹ năng kinh doanh – cô còn nhạy bén và cứng rắn. Khi khóa học kết thúc và nhóm quyết định thành lập công ty, ngoài cô còn có một ứng viên khác cạnh tranh vị trí CEO. Anne nói với các đồng nghiệp rằng cô sẽ không gia nhập công ty nếu người đó được chọn làm CEO. Để chứng minh rằng mình nghiêm túc và có thêm sự ủng hộ, cô để các đồng nghiệp của mình gặp gỡ các MBA có thể thay thế cho mình. Vì cô đã dành nhiều thời gian làm việc với nhóm, đồng cam cộng khổ, nên nhóm cảm thấy thoải mái với Anne hơn nhiều. Cuối cùng, cô trở thành đồng CEO và tìm được nguồn tài chính cho sản phẩm từ một quỹ đầu cơ. Dù chẳng có gì đảm bảo công ty hay sản phẩm sẽ thành công, nhưng Anne đã đạt được mục tiêu trở thành người lãnh đạo của một công ty công nghệ cao mới được thành lập sau khi tốt nghiệp trường kinh doanh chưa đầy một năm, vượt qua những định kiến ban đầu và những thiếu sót nền tảng.

Trái với Anne, bạn có thể có nhiều kỹ năng liên quan đến công việc cũng như kỹ năng giao tiếp, nhưng lại bó mình trong một vị trí không mấy quyền lực, vì bạn không sẵn sàng hoặc không thể tham gia trò chơi quyền lực. Beth tốt nghiệp một học viện rất có tiếng và một trường kinh doanh cũng nổi tiếng không kém khoảng 20 năm về trước. Khi tôi tình cờ gặp lại cô, cô vừa mới nghỉ làm ở một tổ chức phi lợi nhuận sau khi giám đốc điều hành mới lên nắm quyền. Vị sếp mới là bạn của một số thành viên hội đồng phi lợi nhuận và từng làm việc với Beth. Anh ta xem năng lực của cô như mối đe dọa và sẵn sàng trả cô một khoản hậu hĩnh để loại cô ra khỏi tổ chức.

Sau khi có bằng MBA, Beth trải qua một sự nghiệp “phi tuyến tính”, thi thoảng bị ngắt quãng bởi tình trạng thất nghiệp cũng như một vài giai đoạn hài lòng cao độ về công việc. Cô vẫn giành được vị trí lãnh đạo ổn định trong lĩnh vực mình lựa chọn, dù đã có một công việc lâu năm trong chính phủ Mỹ – ở Tòa nhà Quốc hội Capitol Hill và Nhà Trắng. Vấn đề, như cô giải thích với tôi, là cô không sẵn sàng chơi trò chính trị tổ chức, hoặc ít nhất là không chuyên tâm và nỗ lực, thậm chí là không ngừng nghỉ như trong câu chuyện của Anne. Beth nói: “Ngoài kia là một thế giới khắc nghiệt, Jeffrey ạ. Người ta hưởng thành quả của người khác. Phần lớn mọi người chỉ để ý đến sự nghiệp của bản thân, mà không quan tâm đến lợi ích của nơi họ làm việc. Những người thích thể hiện là những người được vinh danh. Không ai nói với tôi rằng những đồng nghiệp của tôi đến văn phòng mỗi ngày với một danh sách những việc cần làm để bảo vệ và sau đó mở rộng tầm ảnh hưởng của họ. Tôi cho rằng tôi vẫn chưa sẵn sàng để trở nên xấu tính hoặc mưu mô hay hi sinh những điều tôi tin tưởng nhằm đạt được thành công, ít nhất là thành công như vẫn thường được đánh giá.”

Nghiên cứu thực nghiệm mang tính hệ thống, cũng như theo lẽ thường tình và kinh nghiệm hàng ngày, khẳng định điều mà hai câu chuyện đối lập nhau này thể hiện, đó chính là: có đầu óc nhạy bén chính trị và việc tìm kiếm quyền lực có liên quan tới thành công trong sự nghiệp, thậm chí còn tới thành tích quản lý. Chẳng hạn, một nghiên cứu đã kiểm tra các động lực chính của người quản lý và mức độ thành công trong sự nghiệp của họ. Một nhóm những người quản lý chủ yếu được tạo động lực bởi nhu cầu được thừa nhận – họ quan tâm tới việc được mọi người yêu quý nhiều hơn là hoàn thành công việc. Nhóm thứ hai tìm thấy động lực từ nhu cầu đạt được thành tựu – đạt được mục tiêu cho chính bản thân. Và nhóm thứ ba chủ yếu quan tâm tới quyền lực. Bằng chứng đã chỉ ra rằng nhóm thứ ba này – những nhà quản lý chủ yếu quan tâm tới quyền lực, là nhóm hiệu quả nhất, không chỉ trong việc đạt được các vị trí có ảnh hưởng trong nội bộ công ty mà còn trong việc hoàn thành công việc. Một ví dụ khác, Gerald Ferris của trường Đại học bang Florida và các đồng nghiệp đã phát triển một bảng kỹ năng khôn khéo gồm 18 mục. Nghiên cứu được tiến hành với 35 hiệu trưởng nhà trường ở khu vực Trung Tây nước Mỹ và 474 nhà quản lý chi nhánh của một công ty dịch vụ tài chính quốc gia đã chỉ ra rằng những người có nhiều kỹ năng chính trị hơn nhận được đánh giá cao hơn về thành tích, và được xem là những người lãnh đạo hiệu quả hơn.

Vậy nên, chào mừng bạn đến với thế giới thực – không hẳn là thế giới chúng ta muốn, mà là thế giới đang tồn tại. Có thể ngoài kia là một thế giới khắc nghiệt, ở đó gây dựng cũng như sử dụng quyền lực là những kỹ năng tổ chức có tính sinh tồn. Có rất nhiều cuộc cạnh tranh một mất một còn vì công việc và địa vị. Hầu hết các tổ chức chỉ có một CEO, chỉ có một đối tác nắm quyền quản lý trong các công ty dịch vụ chuyên nghiệp, chỉ có một thanh tra trường học ở mỗi quận, chỉ có một thủ tướng hoặc tổng thống mỗi thời – bạn rõ rồi đấy. Với ngày càng nhiều người có đủ trình độ lúc nào cũng cạnh tranh cho một nấc trên chiếc thang địa vị của tổ chức, sự ganh đua thật căng thẳng và chỉ càng ngày càng căng thẳng thêm khi vị trí quản lý càng ngày càng ít đi.

Để được thăng tiến, một số cá nhân cạnh tranh phá vỡ quy luật của cuộc chơi công bằng hoặc hoàn toàn phớt lờ những quy luật đó. Đừng than phiền về điều này hoặc ước thế giới sẽ khác đi. Bạn có thể cạnh tranh và thành công ở mọi thể loại tổ chức, lớn và nhỏ, công và tư, nếu bạn hiểu và sẵn sàng sử dụng các nguyên tắc của quyền lực. Nhiệm vụ của bạn là biết cách chiếm ưu thế trong cuộc chiến chính trị mà bạn phải đối mặt. Nhiệm vụ của tôi trong cuốn sách này là nói cho bạn biết cách thực hiện điều đó.

ĐỌC THỬ

VÌ SAO BẠN NÊN MUỐN CÓ QUYỀN LỰC

Đạt được và duy trì quyền lực không phải chuyện dễ dàng. Bạn cần thận trọng, mưu trí, kiên cường, tỉnh táo và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết. Như trong câu chuyện của Beth, thế giới đôi khi không phải là một nơi tốt đẹp và công bằng, và khi Anne đạt được vị trí mong muốn, cô phải nỗ lực hơn nữa và phải thể hiện sự kiên nhẫn cũng như tính bền bỉ – để gắn kết với những người lúc đầu không tôn trọng khả năng của cô. Vậy tại sao lại không tránh xa quyền lực, cúi thấp đầu và nhận bất cứ thứ gì mà cuộc sống quăng cho bạn?

Trước tiên, việc có sức mạnh liên quan tới việc sống lâu và sống khỏe. Khi Michael Marmot kiểm tra tỉ lệ tử vong do bệnh tim ở công chức Anh, ông nhận thấy một sự thật thú vị: vị trí hoặc cấp bậc của người công chức càng thấp, nguy cơ tử vong theo tuổi càng cao. Tất nhiên, có nhiều thứ thay đổi cùng với vị trí của một người trong thứ bậc của một tổ chức, bao gồm cả tác động của việc hút thuốc, thói quen ăn uống… Tuy nhiên, Marmot và các đồng nghiệp của ông nhận thấy chỉ khoảng 1/4 thay đổi quan sát được về tỉ lệ tử vong là do những khác biệt có liên quan tới thứ bậc về hút thuốc, cholesterol, huyết áp, béo phì và hoạt động thể chất. Điều quan trọng là quyền lực và địa vị – những thứ đem lại cho con người quyền kiểm soát lớn hơn đối với môi trường làm việc của mình. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng mức độ kiểm soát công việc, chẳng hạn như quyền quyết định và quyền tự do sử dụng các kỹ năng của một người, dự báo được tỉ lệ mắc và nguy cơ tử vong từ bệnh động mạch vành trong vòng tối thiểu 5 năm tiếp theo. Trên thực tế, mức độ kiểm soát công việc và địa vị của một người tác động lớn đến sự thay đổi về tỉ lệ tử vong do bệnh tim nhiều hơn so với các yếu tố sinh lý khác như béo phì hay huyết áp.

Những phát hiện này hẳn không có gì đáng ngạc nhiên đối với bạn. Không thể kiểm soát được môi trường làm việc tạo ra cảm giác bất lực và căng thẳng, và cảm giác căng thẳng hoặc “ngoài tầm kiểm soát” có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bạn. Vì thế, việc ở một vị trí và địa vị ít có quyền lực quả thực nguy hại đối với sức khỏe của bạn, và ngược lại, có sức mạnh và có quyền kiểm soát đồng nghĩa với việc sống lâu.

Thứ hai, quyền lực và tầm nhìn, tầm cỡ đi kèm với quyền lực, có thể đem lại sự giàu có. Khi Bill và Hillary Clinton rời Nhà Trắng năm 2001, họ có rất ít tiền và phải thanh toán hàng triệu tiền hóa đơn pháp lý. Điều mà họ có là danh tiếng và một mạng lưới các mối quan hệ – những người nắm giữ những vị trí quyền lực trọng yếu trong một thời gian dài. Trong 8 năm tiếp theo, gia đình Clinton đã kiếm được 109 triệu đô la, chủ yếu là phí diễn thuyết và tiền bán sách, cũng như thông qua các cơ hội đầu tư họ có được nhờ địa vị trước đây. Rudy Giuliani, sau nhiệm kỳ làm thị trưởng thành phố New York, đã trở thành thành viên của một công ty tư vấn an ninh, và thông qua công ty đó cùng với tiền phí diễn thuyết, ông đã nhanh chóng cải thiện địa vị kinh tế của mình. Không phải mọi quyền lực đều được chuyển hóa thành tiền – Martin Luther King Jr. và Mahatma Gandhi đều không “bán” danh tiếng để đổi lấy sự giàu có – nhưng điều này hoàn toàn có tiềm năng.

Thứ ba, quyền lực là một phần của lãnh đạo và cần thiết để hoàn thành nhiều việc – dù những việc đó là thay đổi hệ thống chăm sóc sức khỏe nước Mỹ, biến các tổ chức thành những nơi làm việc nhân văn hơn, hay tác động đến các khía cạnh của chính sách xã hội và phúc lợi con người. Như John Gardner quá cố, người sáng lập tổ chức “Sự nghiệp chung” (Common Cause) và cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, Giáo dục và Phúc lợi dưới thời Tổng thống Lyndon, đã nhận định: Sức mạnh là một phần của lãnh đạo. Do đó, người lãnh đạo lúc nào cũng bận tâm tới quyền lực.

Quyền lực là niềm khao khát của nhiều người, dù không phải với tất cả, vì những gì nó có thể mang lại và cũng vì bản thân nó đã là một mục tiêu. Nhà tâm lý học xã hội David McClelland đã viết về nhu cầu đối với quyền lực. Dù cường độ của loại động cơ mang tên “quyền lực” với mỗi người mỗi khác, nhưng cùng với nhu cầu đạt được thành tích, McClelland xem việc tìm kiếm sức mạnh là động cơ cơ bản của con người, được tìm thấy ở nhiều người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Nếu bạn đang tìm kiếm quyền lực, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn nếu công cuộc tìm kiếm đó có hiệu quả.

Để đạt được hiệu quả trong công cuộc xác định con đường đi đến quyền lực và thực sự sử dụng được những điều đã học, trước tiên bạn cần phải vượt qua ba trở ngại chính. Hai trở ngại đầu tiên là niềm tin cho rằng đời có nhân quả và những công thức có sẵn về lãnh đạo chủ yếu phản ánh niềm tin lầm đường lạc lối này. Trở ngại thứ ba chính là bản thân bạn.

ĐỪNG NGHĨ ĐỜI CÓ NHÂN QUẢ NỮA

Nhiều người mắc kẹt trong sự lừa dối của chính bản thân về thế giới có tính tổ chức mà họ đang sống. Đó là vì họ thích tin rằng thế giới là một nơi công bằng và mọi người đều nhận được điều mà họ đáng được nhận. Và vì con người thường nghĩ rằng mọi chuyện đều có nhân quả, họ sẽ có suy nghĩ rằng nếu họ làm tốt công việc và cư xử đúng đắn, mọi chuyện sẽ tự khắc đâu vào đó. Hơn nữa, khi quan sát người khác làm những việc mà họ cho là không thích hợp, là tự đề cao bản thân, hoặc “vượt quá giới hạn cho phép”, hầu hết mọi người đều không nhận thấy điều gì đáng học hỏi, vì tin rằng ngay cả khi những người đó đang đạt được thành công, thì cuối cùng họ cũng sẽ thất bại.

Niềm tin cho rằng đời có nhân quả có hai tác động tiêu cực tới khả năng nắm bắt quyền lực. Trước tiên, nó cản trở khả năng học hỏi từ mọi tình huống và mọi người, kể cả những người bạn không thích hoặc không tôn trọng. Tôi vẫn luôn bắt gặp chuyện đó trong quá trình giảng dạy và làm việc với các nhà lãnh đạo. Một trong những phản ứng đầu tiên của mọi người đối với các tình huống hoặc các trường hợp về quyền lực là liệu cá nhân có “thích” người đang được học hỏi hay được xác định là đối tượng của quá trình nghiên cứu hay không. Ai quan tâm chứ? Quan trọng là có thể học từ tất cả các loại tình huống và tất cả các kiểu người, chứ không chỉ những người bạn thích và ủng hộ, và hiển nhiên là không chỉ những người bạn thấy họ giống với mình. Trên thực tế, nếu bạn đang ở một vị trí quyền lực vừa phải, và muốn đạt được một vị trí quyền lực lớn hơn, bạn cần đặc biệt chú ý tới những người đang nắm giữ vị trí mà bạn khao khát.

Thứ hai, niềm tin cho rằng đời có nhân quả khiến mọi người mất cảm giác với nhu cầu chủ động xây dựng cơ sở quyền lực. Tin rằng thế giới là một nơi công bằng, người ta không nhận ra những quả mìn trong môi trường có thể ngầm phá hoại sự nghiệp của họ. Hãy cùng tìm hiểu trường hợp của Jim Walker, người được thuê để xây dựng hoạt động cổ phiếu cho công ty Chứng khoán châu Á Nomura ở Hồng Kông vào cuối những năm 1990. Bằng nhiều biện pháp, Walker đã hoàn toàn thành công, tuyển được những nhà phân tích nổi tiếng và giành được thứ hạng tốt cho nhóm nghiên cứu của công ty cũng như tăng lợi nhuận cho công ty. Là một nhà lãnh đạo có sức hút – người xây dựng tổ chức phẳng – tập trung vào thành tích và kết quả kinh doanh, tuy nhiên anh lại không đánh giá đúng được bản chất chính trị của môi trường mà anh đang làm việc. Đối mặt với sự phản đối, thái độ thù địch và một số thất bại khiến anh mất đi phần nào quyền kiểm soát, Walker đã rời Nomura. “Thực chất của lần ra đi này là hiểu lầm. Walker đã hiểu sai về mức độ cứng rắn và chính trị của Nomura.”

Sự lan tỏa của niềm tin được gọi theo tâm lý học xã hội là “giả thuyết đời có nhân quả” được Melvin Lerner miêu tả lần đầu cách đây vài thập kỷ. Lerner lập luận rằng con người muốn nghĩ rằng mình có thể đoán biết và hiểu được thế giới, do đó, có khả năng kiểm soát được nó. Hay như một nhà tâm lý học khác miêu tả thì từ khi còn thơ ấu, “chúng ta được dạy để trở thành những người tốt và có kiểm soát”. Làm thế nào chúng ta có thể lái thế giới vốn tùy tiện và không thể kiểm soát được mà không cảm thấy khó chịu và bị cản trở kia chứ? Khao khát muốn kiểm soát và muốn đạt kết quả có thể dự đoán được trong xu hướng cho rằng đời có nhân quả là một khao khát có thể đoán được và hiểu được. Hãy hành xử theo nguyên tắc, và bạn sẽ ổn thôi; không tuân theo nguyên tắc thì những điều tệ hại sẽ xảy ra.

Giả thuyết đời có nhân quả khiến hầu hết mọi người đều tin “con người nhận được điều họ xứng đáng; nghĩa là người tốt sẽ được thưởng và người xấu sẽ bị trừng phạt. Quan trọng nhất, giả thuyết ngược lại cũng có tác dụng: nếu ai đó được xem là giàu có, thịnh vượng, thì những người quan sát có xu hướng tâm lý học xã hội cho rằng người may mắn đó hẳn đã làm điều gì đó đáng để nhận được sự may mắn đó. Anh ta hoặc cô ta trở thành người tốt hơn… chỉ đơn giản nhờ ưu điểm của những người được nhận thưởng”. Ngược lại, nếu có chuyện gì xấu xảy ra với ai đó, “niềm tin đời có nhân quả đưa ra kết luận là nạn nhân hẳn là một người xấu”. Hiệu ứng sau đó tạo ra hiện tượng thường thấy có tên là “đổ lỗi cho nạn nhân”, trong đó, người ta tìm thấy những điều bào chữa cho những việc xấu xảy ra với mục tiêu của tội ác hoặc những rủi ro của doanh nghiệp. Và điều ngược lại cũng đúng: thành công, dù đạt được bằng cách nào, cũng sẽ thúc đẩy nỗ lực tìm kiếm nhiều đặc tính tích cực ở những người thành công – từ đó chứng minh cho thành công của họ.

Có rất nhiều thí nghiệm và nghiên cứu thực tế chỉ ra tác động của giả thuyết đời có nhân quả. Nhiều nghiên cứu đầu tiên đã kiểm nghiệm các quan điểm của những người được lựa chọn ngẫu nhiên để thực hiện việc sốc điện hoặc một dạng trừng phạt nào đó. Nghiên cứu cho thấy những người khác có vẻ cự tuyệt những người bị trừng phạt (ngẫu nhiên) và xem họ như những người có ít giá trị về mặt xã hội – ngay cả khi những người quan sát đã biết rằng những người bị trừng phạt đó chỉ là ngẫu nhiên! Hơn nữa, những nạn nhân của vận xui ngẫu hứng đó thường bị bêu xấu: “Những đứa trẻ phải nhận bữa trưa được trợ cấp ở trường bị cho là kém cỏi hơn những đứa trẻ khác; những sinh viên xấu xí của trường đại học bị cho là không giỏi điều khiển máy bay riêng bằng những sinh viên xinh xắn; những người phải nhận trợ cấp xã hội thường bị đối xử như thể họ là những người không đáng tin hoặc không có khả năng quản lý bất cứ khía cạnh nào trong cuộc sống của họ.”

Ngay khi bạn nhận ra hiệu ứng đời có nhân quả và ảnh hưởng của nó lên nhận thức của mình, và cố gắng chiến đấu với xu hướng xem thế giới là một nơi vốn đã công bằng, bạn sẽ có thể học được nhiều hơn từ mọi tình huống và cảnh giác cũng như chủ động hơn để đảm bảo thành công của chính mình.

NHẬN THỨC VỀ TÀI LIỆU LÃNH ĐẠO

Trở ngại tiếp theo bạn cần vượt qua là tài liệu lãnh đạo. Hầu hết các cuốn sách của những nhà điều hành danh tiếng và hầu hết các khóa học, các bài giảng về kỹ năng lãnh đạo cần được đóng dấu CẢNH BÁO: TÀI LIỆU NÀY CÓ THỂ GÂY NGUY HẠI CHO SỰ SỐNG CÒN CỦA TỔ CHỨC CỦA BẠN. Đó là vì những nhà lãnh đạo rao giảng sự nghiệp của bản thân họ như hình mẫu để noi theo thường che đậy những vở kịch quyền lực mà họ thường sử dụng để lên được đến đỉnh cao. Trong khi đó, bài dạy về kỹ năng lãnh đạo đầy rẫy những quy định về việc tuân thủ la bàn nội tâm, thành thật, để cảm xúc bên trong được lộ diện, khiêm tốn và không hành xử ngang ngược hoặc ngược đãi – nói ngắn gọn, là những quy định về cách con người mong muốn thế giới và người có quyền lực cư xử. Không có gì đáng nghi ngờ khi thế giới có thể trở thành một nơi tốt đẹp hơn, nhân văn hơn nếu con người luôn đáng tin, khiêm nhường, thành thật và luôn quan tâm tới phúc lợi của người khác thay vì theo đuổi mục tiêu của riêng bản thân mình. Nhưng thế giới đó không tồn tại.

Là hướng dẫn để đạt được quyền lực, những gợi ý này còn thiếu sót. Hầu hết các CEO không phải là lãnh đạo cấp độ 5 như miêu tả của Jim Collins trong cuốn Từ tốt đến vĩ đại khi giúp các công ty đạt được đường cong hiệu suất – những cá nhân “khiêm tốn, trầm tính, kín đáo, thậm chí là rụt rè”, những người giúp nhân viên phát huy tối đa khả năng bằng cách không choán hết ánh hào quang và không đưa ra mọi quyết định. Có lẽ chính sự khan hiếm của những lãnh đạo như vậy là lý do tại sao có ít tổ chức từ tốt trở thành vĩ đại được. Và ngay cả Collins cũng bắt đầu câu chuyện của mình khi những người hoàn hảo này đã ở vào vị trí CEO – con đường tới đỉnh cao, một khi bạn đã tới được, có thể đòi hỏi hành vi khác hơn là thành công. Với hầu hết các nhà lãnh đạo, con đường tới quyền lực không mấy giống với lời khuyên được đưa ra.

“Món ăn” trong hầu hết các cuốn sách và các khóa học về lãnh đạo đều có thể quy về ba “nguyên liệu”. Thứ nhất, những nhà lãnh đạo như cựu thị trưởng New York, Rudy Giuliani, hay Jack Welch nguyên CEO tập đoàn General Electric viết sách và báo về bản thân có lẽ đều tin rằng họ đang truyền cảm hứng và đang chân thật. Nhưng các nhà lãnh đạo thường giỏi thể hiện bản thân, giỏi nói cho mọi người biết điều họ cho rằng người khác muốn nghe, và tạo ấn tượng là giỏi giang, xuất sắc. Khả năng thể hiện bản thân một cách hiệu quả này chính là lý do tại sao những cá nhân thành công lại đạt tới đỉnh cao ngay từ đầu. Trong những câu chuyện dù được kể trực tiếp trong tự truyện hay được kể gián tiếp trong các bài tập tình huống ở sách lãnh đạo, thì các nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh thái quá các đặc tính tính cực của họ và bỏ quên những đặc điểm và hành vi tiêu cực.

Hai nhân tố còn lại giúp đảm bảo các câu chuyện tích cực vẫn cứ tồn tại. Những người có quyền lực viết nên lịch sử, giảng giải một câu chuyện cũ. Như chúng ta sẽ được khám phá trong chương tiếp theo, một trong những cách tốt nhất để đạt được và duy trì quyền lực là xây dựng hình ảnh và danh tiếng tích cực, một phần là nhờ vào việc làm cho những người khác thấy bạn là người thành công và hiệu quả. Thứ hai, nhiều nghiên cứu đã đưa ra bằng chứng về sự hiển thị đặc biệt của hiệu ứng “nhân quả”: Nếu mọi người biết ai đó hoặc tổ chức nào đó đã thành công, họ gần như sẽ tự động gán cho cá nhân hoặc tổ chức đó tất cả những đặc điểm và hành vi tích cực. Mặc dù chẳng có gì chứng minh rằng làm những việc được nhắc đến trong các cuốn sách về lãnh đạo có thể đảm bảo bạn sẽ thành công, nhưng một khi bạn đã thành công, lợi thế sẽ tăng lên đáng kể khi mọi người đồng loạt nhớ và chú ý tới những điểm tích cực mà họ cho là sẽ tạo nên những nhà lãnh đạo giỏi. Những câu chuyện thành công nhấn mạnh hành vi “tích cực” giúp chúng ta tin rằng đời có nhân quả. Ngoài ra, chúng ta chỉ nhìn thấy điều chúng ta mong muốn nhìn thấy – gán cho các cá nhân thành công những đặc tính mà chúng ta cho là gắn liền với thành công, ngay cả khi những đặc tính đó không hẳn đã tồn tại.

Vậy nên đừng vội tin tưởng lời khuyên của các người lãnh đạo. Lời khuyên đó có thể chính xác, nhưng nhiều khả năng là nó chỉ phục vụ cho bản thân người viết. Người ta thường xuyên tạc thực tế. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong số 1.000 hồ sơ, có hơn 40% hồ sơ có những tuyên bố sai lệch nghiêm trọng. Nếu mọi người bịa đặt về bằng cấp và kinh nghiệm làm việc trước đó – những điều có thể xác minh được – thì liệu bạn có nghĩ là mọi người sẽ hoàn toàn thành thật khi miêu tả các khía cạnh về hành vi và đặc điểm của họ – những điều khó phát hiện hơn – không?

Điều bạn nên tin tưởng là nghiên cứu khoa học xã hội cho bạn biết cách có được quyền lực, cách nắm giữ và sử dụng nó. Và bạn cũng nên tin tưởng kinh nghiệm của chính bản thân mình: Hãy để ý xem ở xung quanh bạn ai là người thành công, ai là người thất bại và ai là người giậm chân tại chỗ. Hãy xác định đâu là điểm khác biệt giữa họ và điều khác biệt mà họ làm là gì. Đó là cách tuyệt vời để xây dựng kỹ năng chẩn đoán cho bạn – kỹ năng hữu dụng để sống sót trong một tổ chức.

NỖ LỰC HẾT SỨC

Trở ngại lớn thứ ba trong quá trình đạt được quyền lực chính là bạn. Người ta thường là kẻ thù tệ nhất của chính mình, và điều đó không chỉ đúng trong việc tìm kiếm quyền lực. Một phần là vì mọi người thích suy nghĩ tích cực và duy trì hình ảnh tốt đẹp về bản thân. Và thật trớ trêu, một trong những cách tốt nhất để bảo toàn lòng tự tôn là chủ động đầu hàng hoặc làm những việc gây trở ngại cho chính con đường đi của mình.

Có một lượng khổng lồ tài liệu nghiên cứu về hiện tượng này – hiện tượng được gọi là “tự cản trở mình”. Lô-gic đơn giản đến mức dễ làm người ta lầm lẫn. Người ta thường muốn suy nghĩ tích cực về bản thân và khả năng của mình. Hiển nhiên, bất cứ trải nghiệm thất bại nào cũng tổn hại đến lòng tự tôn của họ. Tuy nhiên, nếu người ta cố tình chọn làm những việc có thể làm giảm biểu hiện của họ thì bất cứ sự suy giảm về thành tích nào kéo theo đều có thể giải thích là không thể hiện khả năng bẩm sinh của họ. Chẳng hạn, nếu nói rằng một bài kiểm tra có thể chẩn đoán chính xác khả năng học vấn của một người, thì một số người sẽ chọn không nghiên cứu hoặc rèn luyện những tài liệu liên quan, dẫn đến thành tích của họ bị tụt giảm, nhưng đó cũng là một lý do giải thích cho thành tích yếu kém rằng nó chẳng liên quan gì đến khả năng thiên bẩm của họ. Tương tự, nếu một người không tích cực tìm kiếm địa vị có quyền lực, thì việc họ không có được nó sẽ không phải là dấu hiệu nhận biết thất bại hay thiếu sót của họ, mà đó là một lựa chọn sáng suốt. Vậy nên, thái độ dửng dưng với “trò chơi quyền lực” của Beth đã bảo vệ cho lòng tự tôn của cô khỏi thất bại có thể có trong quá trình nỗ lực đó.

Có bằng chứng cho thấy xu hướng tự cản trở mình là một điểm khác biệt mang tính cá nhân, và cho biết mức độ bào chữa của mọi người cho biểu hiện của bản thân họ. Không có gì ngạc nhiên khi nghiên cứu chỉ ra rằng hành vi tự cản trở ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu suất thực thi công việc. Do đó, mong muốn bảo vệ hình ảnh của bản thân bằng cách đặt trở ngại bên ngoài lên đường đi của mình để có thể quy bất cứ bước thụt lùi nào cho những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta thực ra lại góp phần khiến mọi việc kém hiệu quả hơn. Hãy nhớ kỹ về xu hướng tự cản trở này khi bạn đọc cuốn sách này – bạn sẽ trở nên cởi mở hơn với nội dung trong cuốn sách và nhiều khả năng là sẽ thực sự bắt tay vào một số việc mà bạn học hỏi được.

Tự cản trở bản thân và đầu hàng sớm hay không cố gắng phổ biến hơn bạn nghĩ. Đã giảng dạy các tài liệu về quyền lực hàng thập kỷ, tôi tin rằng ảnh hưởng lớn nhất của tôi là giúp mọi người cố gắng trở nên mạnh mẽ. Đó là vì con người thường sợ những bước thụt lùi và những ám chỉ về hình ảnh cá nhân của họ, nên họ thường không làm tất cả những gì có thể để tăng cường quyền lực của mình.

Vì thế, hãy chiến thắng chính mình, và hãy vượt qua những trở ngại về hình ảnh của bản thân, và vượt qua cả những suy nghĩ của người khác về bạn. Dù sao thì người khác cũng không lo lắng hay suy nghĩ về bạn nhiều đến thế đâu. Họ chủ yếu quan tâm tới bản thân họ. Việc thiếu cố gắng hoặc nỗ lực để đạt được sức ảnh hưởng có thể giúp bạn duy trì được suy nghĩ tích cực về bản thân, nhưng sẽ không giúp bạn bước lên đỉnh cao được.

HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG CUỐN SÁCH NÀY

Không phải tất cả các tổ chức đều có văn hóa chính trị giống nhau, cũng như tất cả các cá nhân đều giống nhau. Đáng tiếc là chúng ta đang sống trong một thế giới mà phần lớn những lời khuyên về quản lý đều được xem là hiển nhiên đúng. Và càng đáng tiếc là nhiều người đang tìm kiếm những công thức hành động giản đơn, phổ quát, có tác dụng trong mọi trường hợp. Bạn cần cư xử và hành động phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mình – tình hình của tổ chức cũng như giá trị và mục tiêu cá nhân của riêng mình. Vậy nên, hãy nhớ là phải luôn đặt những ý tưởng và ví dụ trong cuốn sách này trong bối cảnh cụ thể.

Thứ hai, ngoại trừ những quy luật nhất định trong khoa học tự nhiên, chúng ta đang sống trong thế giới của những xác suất. Không có loại thuốc nào luôn hiệu nghiệm hay hiệu nghiệm với tất cả mọi người, những nghiên cứu xuất sắc gần đây về hành vi cũng đã chỉ ra điều đó. Sẽ có những ngoại lệ và những thời điểm mà những lời khuyên trong cuốn sách này không đem lại kết quả tốt đẹp. Nhưng chỉ cần may mắn vẫn mỉm cười với bạn, thì về lâu dài, bạn sẽ không còn phải bận tâm tới bằng chứng nghiên cứu và ví dụ minh họa cho bằng chứng đó.

Thứ ba, quá trình học – ở trường và ngoài đời – thường quá thụ động, không hữu ích như người ta tưởng. Chỉ có một cách duy nhất để việc xây dựng quyền lực và sử dụng sức ảnh hưởng trở nên hiệu quả hơn: Luyện tập. Vậy nên, đừng chỉ đọc cuốn sách này và nghĩ về những ví dụ của nó – mà hãy thử những điều bạn học được, xem nó vận hành ra sao. Hãy bắt chước hành vi của một số người có sức ảnh hưởng mà bạn đọc được. Hãy biến kiến thức thành hành động – đó là cách tốt nhất để phát triển những kỹ năng biến việc trở nên có quyền lực hơn trở thành bản năng thứ hai.

Tôi sắp xếp cuốn sách này giống như cách tôi và đồng nghiệp tổ chức khóa học mà chúng tôi giảng dạy – sử dụng một con đường hoặc phép ẩn dụ phát triển. Phần giới thiệu và chương 1 cung cấp một số suy nghĩ định hướng giúp bạn cân nhắc lại những giả định bị-coi-nhẹ về nguồn gốc của quyền lực và thành công. Chương 1 xem xét dấu hiệu về biểu hiện trong công việc, quyền lực và cách bạn xác định các tiêu chí biểu hiện trong công việc theo cách có lợi cho bạn. Chương 1 cũng trình bày về một bộ khung khái niệm – một số ý tưởng đơn giản – mà bạn có thể sử dụng để định hình cách đọc các chương sau.

Chương 2 đề cập đến các phẩm chất cá nhân mà bạn có thể phát triển nhằm tạo ra quyền lực. Rất nhiều phẩm chất không phải bẩm sinh đã có, mà là qua học hỏi. Từ đó, bạn có thể biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình và xây dựng được kế hoạch phát triển bản thân nhằm tăng cường các đặc điểm cá nhân mà cả nghiên cứu và lô-gic đều cho rằng có liên quan đến việc đạt được sức ảnh hưởng. Chương 3 nghiên cứu cách xác định điểm khởi nghiệp của bạn, những vị trí thích hợp nhất trong tổ chức để khởi tạo thành công con đường tiến tới quyền lực. Chương 4 là một số lời khuyên về cách giành được vị trí ban đầu mà bạn muốn ở chính nơi bạn muốn bắt đầu – cách đặt bước chân lên bậc thang đầu tiên trên chiếc thang tiến tới quyền lực.

Các chương tiếp theo khám phá các nguồn quyền lực và cách phát triển chúng. Các nguồn quyền lực này bao gồm nguồn lực (chương 5), mạng lưới xã hội và vị trí mạng lưới (chương 6), khả năng hành động và nói theo cách vừa truyền đạt vừa tạo ra quyền lực (chương 7) và tạo dựng danh tiếng là một người có quyền lực – loại danh tiếng thực sự có thể trở thành nguồn lực quan trọng và tự hoàn thiện của quyền lực (chương 8).

Dù bạn thành công và có ảnh hưởng đến thế nào, không sớm thì muộn bạn cũng sẽ gặp phải trở ngại và thất bại. Chương 9 phân tích cách thức và thời điểm phải chiến đấu, và các cách để ứng phó với trở ngại. Chương này cũng đem lại một số hiểu biết về sự đảo lộn không thể tránh khỏi của vận may và cách xử lý điều đó. Quyền lực khiến bạn nổi bật – bị mọi người soi mói – và cả những cái giá phải trả khác. Chương 10 phân tích những bất lợi, những cái giá phải trả để có được vị trí quyền lực. Quyền lực thường đem lại cảm giác tự tin thái quá và suy nghĩ cho rằng bạn có thể tự đặt ra các quy tắc riêng, và những hệ quả của việc có được quyền lực thường khiến mọi người có những hành xử phải trả giá bằng quyền lực và địa vị của mình. Chương 11 khám phá lý do và cách thức quyền lực bị mất đi, và những cách bạn có thể làm để duy trì tốt hơn vị trí có sức ảnh hưởng của mình một khi đã đạt được.

Ý tưởng xuyên suốt sau những thảo luận trong cuốn sách này là bạn đang tạo ra con đường cho riêng mình để tiến tới quyền lực. Nhiều người thắc mắc về mối liên hệ giữa tài liệu này và vấn đề hiệu quả của tổ chức – đó là chủ đề của chương 12. Chương 13, chương cuối cùng, trình bày ví dụ về những người đã áp dụng các nguyên tắc của cuốn sách này và đạt được phần nào thành công. Mục tiêu của chương này là thuyết phục bạn tin rằng bạn thực sự có thể đạt được quyền lực – không phải bằng cách trở thành một người mới, mà bằng cách làm việc khác biệt và có chiến lược hơn. Cũng như nguyên tắc về lãi kép, việc trở nên có ảnh hưởng hơn trong mọi tình huống, theo thời gian, có thể giúp bạn có được một vị trí khác và tốt đẹp hơn nhiều.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button