Truyện - bút ký

Túp Lều Bác Tom

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Harriet Beecher Stowe

Download sách Túp Lều Bác Tom ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : TRUYỆN – BÚT KÝ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI NÓI ĐẦU

 

Nước Mĩ mới được thành lập từ cuối thế kỉ XVIII, sau khi đánh bại bọn thực dân Anh. Vừa ra đời, nó ra sức phát triển công nghiệp, với ý đồ đuổi kịp và vượt các nước tư bản châu Âu. Ngay từ đầu, tư bản Mĩ đã thấm đầy máu và mồ hôi của nhân dân lao động, nhất là của những người nô lệ da đen. Đầu thế kỉ XIX, kinh tế Mĩ phát triển mạnh, nhân công thiếu một cách nghiêm trọng. Để có nhân công, bọn con buôn sang châu Phi, buôn những người da đen; chúng xông vào các thành thị, thôn xóm châu Phi, lùa từng đoàn người xuống tàu biển chở sang Mĩ làm nô lệ. Biết bao cảnh đàn áp, đánh đập, giết tróc vô cùng tàn nhẫn. Chúng nhốt những người da đen vào cũi dưới hầm tàu, đẩy họ lên đất Mĩ sống cuộc đời nô lệ. Một số những người nô lệ ấy, phần nhớ quê hương đất nước, gia đình làng mạc, phần bị hành hạ hết sức dã man, đã bỏ mình trên đường tới nước Mĩ, và xác họ bị vứt xuống biển. Hàng vạn người đã chịu số phận như thế. Những người sống sót bị bán ở các chợ bán nô lệ nhan nhản trên thị trường Mĩ lúc bấy giờ. Họ bị xiềng xích, đánh đập, vợ lìa chồng, cha bỏ con, cuộc đời đầy tủi nhục, oán hờn. Những người nô lệ bị coi như đồ vật, những “đồ vật biết nói” không có chút quyền mảy may; chủ nô lệ có đủ mọi quyền hành đối với họ như đối với những đồ vật vô tri vô giác. Chúng tha hồ đánh đập, bán đi mua lại, hoặc giết chết. Đó là một chế độ cực kì dã man, một vết nhơ trong lịch sử nước Mĩ. Nhưng ở đâu có áp bức, ở đấy có đấu tranh. Những người nô lệ da đen đã nhiều lần nổi dậy để tự giải phóng; nhưng họ bị đàn áp khốc liệt, những cuộc nổi dậy bị nhấn chìm trong biển máu.

Đến giữa thế kỉ XIX, vì vấn đề chế độ nô lệ, nước Mĩ chia làm hai miền chống đối nhau; một cuộc nội chiến gọi là “Bắc Nam phân tranh” kéo dài 5 năm (1860 – 1865). Ở miền Bắc nước Mĩ, công nghiệp phát triển mạnh mẽ cần nhiều công nhân có quyền tự do vào làm các xưởng máy, do đó chủ trương xóa bỏ chế độ nô lệ để thu hút nhân công từ ruộng đất vào xí nghiệp. Nhưng ở miền Nam nước Mĩ, đất đai màu mỡ, việc trồng bông rất thuận tiện. Công nghiệp dệt lại đòi hỏi nhiều bông. Nhu cầu về bông tăng lên vùn vụt. Bọn tư bản miền Nam muốn giữ nhân công gắn chặt với ruộng đất của chúng, cố sức duy trì chế độ nô lệ. Mâu thuẫn về quyền lợi của tư bản giữa hai miền Nam – Bắc tăng lên. Đó là nguyên nhân xảy ra nội chiến ở Mĩ. Từ năm 1840, ngay ở miền Nam nước Mĩ, có những người Mĩ có xu hướng tiến bộ chủ trương giải phóng nô lệ. Họ đấu tranh lên báo chí, trong nghị trường, đòi chính phủ phải hủy bỏ chế độ vô nhân đạo ấy. Họ giúp người nô lệ da đen trốn khỏi địa ngục là những đồn điền bông; ở đó người da đen bị ngược đãi hết sức dã man. Họ tổ chức những chặng đường bí mật, những trạm đón tiếp nô lệ bỏ trốn, dẫn sang Canada, là đất nước lúc bấy giờ không còn chế độ nô lệ (Canada xóa bỏ chế độ nô lệ năm 1833). Đất Canada tượng trưng cho sự tự do của những người nô lệ da đen ở Mĩ lúc bấy giờ. Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm “Túp lều bác Tom” là như thế.

Bà Harriet Beecher Stowe (1811 – 1896) – tác giả của quyển sách này, sống ở bang Ohio, một bang ở sát miền Nam nước Mĩ, nơi chế độ nô lệ tồn tại khốc liệt nhất. Bà đã mắt thấy tai nghe những cảnh buôn bán nô lệ rất thương tâm; bà đã chứng kiến những cảnh lao động khổ nhục của người nô lệ; bà đã thấy họ bị đày đọa, đánh đập tàn nhẫn như thế nào; bà đã thấy bọn chủ nô dùng chó săn đuổi bắt, cắn xé người nô lệ bỏ trốn, hoặc dùng súng đi săn bắt họ như săn bầy thú rừng. Bà cũng đã thấy những cuộc đấu tranh của người da đen để tự giải phóng, và đã viết nên tác phẩm “Túp lều bác Tom”. Những người Mĩ có xu hướng tiến bộ lúc ấy coi nô lệ da đen là những con người cũng có tình thương yêu gia đình thắm thiết, cũng có một tâm hồn phong phú, có trí thông minh tuyệt vời và có tinh thần đấu tranh gan dạ. Họ đứng về phía tự do, bảo vệ quyền của con người, coi chế độ nô lệ là một chế độ dã man cần xóa bỏ. “Túp lều bác Tom” đã nói lên điều đó.

Tác phẩm kể cuộc đời thống khổ của một người nô lệ da đen là bác Tom. Bác là một người trung thực, ngay thẳng, biết trọng danh dự. Nhưng cuộc đời bác là một chuỗi ngày đen tối, đầy tủi nhục. Bác phải lìa bỏ vợ con, bị bán từ nơi này qua nơi khác, bị đánh đập tàn nhẫn. Cuối cùng, do bảo vệ nhân phẩm của mình, bác bị đánh chết trong một đồn điền trồng bông khủng khiếp ở miền Nam nước Mĩ, nơi chôn vùi bao nhiêu cuộc đời lầm than như cuộc đời bác. Tác phẩm còn kể số phận của Eliza cùng đứa con, bỏ trốn đi. Đó là một người mẹ đã hi sinh tất cả để cứu đứa con khỏi rơi vào tay một tên buôn nô lệ tàn ác; đó là một người vợ tha thiết yêu chồng – một thanh niên thông minh, đã sáng chế ra một cái máy tước sợi gai, mà cuộc đời cũng bị đày đọa, trăm nghìn cay đắng.

“Túp lều bác Tom” ca ngợi những người nô lệ da đen là những người trung thực, biết tôn trọng phẩm giá con người như bác Tom, những người mẹ dũng cảm như Eliza, những thanh niên cương nghị, tha thiết với tự do như George. Đồng thời, tác phẩm cũng lên án đanh thép chế độ nô lệ nhan nhản những tên con buôn, những tên chủ nô lệ cùng bọn tay sai vô cùng tàn bạo, bọn côn đồ chỉ biết tôn thờ tiền vàng. Đồng tiền vàng làm chúng mất hết tính người. Pháp luật của nhà nước Mĩ bênh vực chế độ nô lệ, cho phép chúng đánh đập xiềng xích, giết chết những người da đen vô tội và trừng trị những ai che chở người nô lệ.

Với tác phẩm của mình, nhà văn Stowe đã đóng góp một phần vào công cuộc giải phóng nô lệ ở nước Mĩ; bà tố cáo thống thiết chế độ vô nhân đạo ấy, khích lệ những người Mĩ có lương tâm đấu tranh để tiêu diệt nó.

Đọc tác phẩm này, chúng ta cần chú ý đến hai con đường để thực hiện lí tưởng tự do. Bác Tom sống một cuộc đời trong sạch, bác thương yêu vô hạn những người cùng cảnh ngộ, bác dũng cảm chịu chết chứ không chịu đánh một người nô lệ khác. Bác không đấu tranh bạo lực, sợ đổ máu. Bác luôn luôn hướng về Chúa, nhưng Chúa không hề bênh vực bác và những người khổ cực như bác. Tấm lòng nhân đạo đưa bác đến cái chết thê thảm. Con đường thứ hai là con đường mà Eliza, George đã đi. Phải vùng dậy, đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù.

Bằng những lời lên án quyết liệt chế độ nô lệ, bằng những con đường đấu tranh mà tác giả đã đề ra để tranh thủ mọi tầng lớp xã hội khác nhau ở nước Mĩ lúc bấy giờ, bà Stowe được coi là “người phụ nữ da trắng trẻ tuổi đã góp phần vào chiến thắng của lực lượng tiến bộ đòi hủy bỏ chế độ nô lệ trong cuộc nội chiến.”

Trong những năm hoạt động cách mạng thời trẻ tuổi, Bác Hồ đã qua Mĩ và đọc “Túp lều bác Tom”. Bác là người Việt Nam đầu tiên lên án gay gắt chính sách phân biệt chủng tộc rất dã man của đế quốc Mĩ ngay từ ngày ấy, trong nhiều bài báo đăng trên báo chí ở nước Pháp.

ĐỌC THỬ

BẠN ĐỌC LÀM QUEN VỚI MỘT NGƯỜI BẠN TỐT BỤNG

 

Sẩm tối một ngày giá lạnh tháng hai có hai người lịch sự ngồi trong phòng ăn bày biện sang trọng tại một ngôi nhà ở thành phố P – bang Kentucky. Một cốc rượu đặt trước mặt họ: hai chiếc ghế bành kéo sát vào nhau; kẻ ăn người làm đã bị đuổi ra khỏi phòng; hình như họ đang bàn luận với nhau một chuyện gì rất quan trọng.

Xem xét họ kĩ hơn thì một người chẳng đáng được gọi là “người lịch sự.” Khổ người hắn ta thấp bé phè phè ngắn ngủn, nét mặt thô lỗ, điệu bộ hợm hĩnh. Đúng là hắn ta thuộc loại những kẻ từ hai bàn tay trắng đã huých kẻ nọ người kia để leo lên bậc thang xã hội. Hắn ăn mặc lòe loẹt, bận một chiếc gi-lê sặc sỡ, choàng một cái khăn màu xanh nhạt lốm đốm vàng trên cái cổ áo kiểu lãng mạn(1) Những ngón tay xù xì đầy những nhẫn là nhẫn. Hắn đeo một chiếc dây đồng hồ nặng trĩu những đồ trang sức bằng vàng; trong lúc hăng say trò chuyện, hắn thích làm cho kêu leng keng. Hắn ăn nói cũng sỗ sàng đúng như con người hắn; hắn hay chêm vào câu chuyện của mình lắm tiếng chửi rủa tục tằn, dù có muốn tôn trọng sự thực đến đâu cũng chẳng thể kể ra đây được.

Trái lại, ông chủ nhà, ông Shelby, thoáng nhìn cũng biết ngay là một người lịch sự; ngay cách xếp đặt ngăn nắp và vẻ sang trọng kín đáo của ngôi nhà cũng đủ chứng tỏ điều đó. Trong khi người khách nâng cốc rượu lên, ông nói ý kiến của ông:

– Thế nhưng tôi tha thiết muốn giải quyết việc này.

Gã kia đáp:

– Không thể được, thưa ngài Shelby. Tôi không thể thỏa thuận trên cơ sở này được.

Ông Shelby nhấn mạnh thêm:

– Tom là một người đặc biệt. Ông Haley ạ, bất kì ở đâu bác ta cũng đáng cái giá ấy; bác ta đứng đắn, trung thực và có năng lực. Nhờ bác ta, công việc ở trại của tôi chạy chính xác như một chiếc đồng hồ.

Haley mỉa mai hỏi lại:

– Trung thực à? Trung thực kiểu một thằng da đen!

Hắn nốc cạn cốc rượu, và không đợi mời, hắn rót thêm một cốc nữa. Ông Shelby nói tiếp:

– Ông cứ tin ở tôi. Tom thật thà, lại rất biết điều và rất ngoan đạo. Cách đây bốn năm, bác ta đã quy đạo. Tôi chắc rằng bác ta ngoan đạo lắm! Tôi hoàn toàn tín nhiệm bác ta. Tiền bạc, nhà cửa, đàn ngựa, tôi đều giao cho bác ta cả. Tôi để mặc bác ta được tự do đi lại trong vùng này.

Haley dõng dạc nói:

– Thưa ngài Shelby, chẳng thiếu gì người không chịu tin bọn da đen ngoan đạo. Nhưng tôi, thì tôi tin đấy – hắn ta vừa nói vừa để tay lên ngực, vẻ thơ ngây giả dối tôi cũng có một thằng da đen ngoan đạo, trong cái bọn da đen tôi đưa sang New Orleans chuyến trước. Cứ nghe cái ngữ ấy cầu kinh thì y như nghe một bài giảng đạo. Bán nó, tôi vớ được một món hời: lãi sáu trăm đô la đấy nhé, bởi vì tôi mua của một anh chàng vỡ nợ, gần như chẳng mất đồng nào. Tôi rất đồng ý với ngài: một thằng da đen ngoan đạo quả là một món khá đấy, nhất là khi lòng tin của nó chân thành. Tất nhiên, phải thật sự như vậy.

Ông chủ nhà quả quyết:

– Tôi có thể cam đoan với ông rằng Tom chính là một người như vậy. Mùa thu vừa qua, tôi sai bác ta một mình đi Cincinnati để giải quyết một việc cho tôi. Lần ấy bác ta phải mang về cho tôi năm trăm đô la. Trước khi bác ta đi, tôi bảo: “Tom, tôi tin ở bác, tôi tin bác là một con chiên ngoan đạo, bác chẳng bao giờ lừa dối tôi.” Thế là Tom trở về, mang theo món tiền đúng như đã định trước. Hình như có những kẻ không tốt đã xui bác ta trốn sang Canada nhưng Tom không chịu nghe. Phải bán bác ta, tôi thật không vui chút nào ông Haley ạ, ông nên trừ tất cả món nợ của tôi mà lấy bác ta về, thế mới là có lương tâm.

Gã con buôn đùa cợt trả lời:

– Vâng, thì cần có bao nhiêu lương tâm trong việc buôn bán, tôi xin đưa ra cả. Vừa đủ để tuyên thệ, ngài hiểu đấy! Thường thường, tôi hay sẵn sàng giúp đỡ bạn bè. Nhưng ngài xem, trong việc này, như thế là đòi hỏi quá nhiều, thật thế.

Hắn thở dài một cái, và lại tự rót cho mình một cốc rượu nữa. Sau một lát yên lặng lúng túng, ông Shelby hỏi:

– Thế ông muốn ăn giá thế nào?

– Ngài có thể thêm cho tôi một đứa bé trai hoặc gái, được không?

– Ôi chà… Tôi chẳng có đứa trẻ nào để bán cho ông cả; bần cùng bất đắc dĩ, tôi mới phải bán nô lệ của tôi. Tôi không thích gì cái cảnh họ phải chia li.

Cửa phòng mở, một chú bé lai da đen độ bốn, năm tuổi chạy vào. Chú bé xinh xắn lạ thường và rất dễ thương; những mớ tóc xoăn đen lánh, mịn như tơ, tỏa vòng tròn trên đôi má phình lúm đồng tiền; dưới hàng mi dài và cong, đôi mắt chú mênh mông, thăm thẳm vừa long lanh, vừa dịu hiền; chú tò mò nhìn xem người ta làm gì trong phòng khách. Bộ quần áo bằng vải kẻ ô đỏ và vàng, đường kim mũi chỉ khéo léo, rất ăn khớp với vẻ xinh xắn của chú bé da đen. Cái vẻ vừa tự tin một cách ngộ nghĩnh, vừa rụt rè của chú, chứng tỏ ông chủ thường hay nuông chiều và săn sóc đến chú. Ông Shelby ra lệnh:

– Chú Qua Jim, chào!

Ông lấy một chùm nho ở một cái đĩa quăng cho chú bé, rồi ông huýt sáo miệng như gọi một con chó con, bảo chú:

– Này, cho mày, bắt lấy.

Đôi chân ngắn ngủn chạy hết tốc lực, chú bé bắt lấy chùm nho, ông chủ vừa cười vừa bảo chú bé leo lên đùi mình. Ông vuốt ve mớ tóc xoăn, bấu cằm chú và ra lệnh:

– Chú Quạ con này, bây giờ chú khoe với ông khách là chú biết múa, biết hát đi nào!

Chú bé cất tiếng ca một điệu hát lạ lùng của những người da đen. Giọng chú trong và êm ái. Chú vừa hát vừa múa chân, múa tay, người chú uốn éo nhịp nhàng theo điệu bài ca.

Haley vứt cho chú bé một miếng cam, miệng khen:

-Hay!

Ông chủ lại ra lệnh:

– Chú Qua Jim, bây giờ chú thử bắt chước bác Cudjoe khi bác đi thấp khớp xem nào!

Tức thì chú bé khòm khòm đôi chân, lưng còng xuống, tay chống chiếc gậy của ông chủ, khập khiễng đi trong phòng, mặt co rúm lại vì đau đớn, nhổ toẹt sang bên phải, sang bên trái, giống hệt một ông cụ già.

Hai người phá lên cười.

– Bây giờ chú giả làm cụ Robbins hát bài hát kinh Thánh xem nào.

Cái mặt phình phính của chú bé bỗng dài thuỗn ra, và chú bé lấy giọng mũi ca một bài Thánh ca, vẻ hết sức nghiêm trang. Haley khoái quá, vỗ tay khen:

– Hay, hay tuyệt! Thằng bé mới tuyệt làm sao! Kì diệu thật!

Hắn lấy tay đập vào vai ông Shelby, reo lên:

– Này ngài, nếu ngài để cho tôi thằng bé, thì công việc coi như xong. Ngài thấy đấy, tôi là người biết nhân nhượng.

Cùng lúc đó, cánh cửa từ từ mở, một thiếu phụ lai da đen, chừng hai mươi lăm tuổi, bước vào. Thoạt trông thấy cũng biết chị là mẹ của chú bé. Cũng con mắt ấy, cũng hàng mi dài ấy, cũng những mớ tóc xoăn mịn như tơ ấy. Đôi má màu nâu nhạt bỗng đỏ ủng lên, khi chị thấy con mắt láo xược của người khách lạ trâng tráo chằm chằm nhìn chị. Chiếc áo cắt chẽn làm nổi tấm thân của chị; toàn thân chị từ hai bàn tay đến đôi mắt cá chân xinh xinh không thoát khỏi con mắt của gã tay buôn đã quen đánh giá món hàng phụ nữ bằng một cái liếc mắt nhìn qua.

Thấy chị dừng lại, rồi nhìn mình một cách rụt rè, ông Shelby cất tiếng hỏi:

– Cái gì thế, Eliza?

Chị xin lỗi:

– Xin lỗi ông, cháu tìm cháu bé Harry.

Tức khắc, chú bé chạy đến bên chị; chú khoe với mẹ mấy món quà chú đựng trong vạt áo. Ông Shelby gật đầu:

– Chị đưa nó về được đấy.

Eliza vội vàng ôm lấy chú bé, bế đi.

Gã con buôn nói khẽ:

– Mẹ kiếp! Con bé mới đẹp làm sao! Ở New Orleans thì có thể làm giàu với cái của ấy. Tôi đã từng thấy những đứa không xinh bằng mà người ta dám trả tới trên một nghìn đô la.

Ông Shelby lạnh lùng đáp:

– Tôi không ưa làm giàu bằng cách buôn bán con người.

Ông mở một chai rượu mới và hỏi ý kiến gã con buôn, cốt để đánh lảng câu chuyện. Nhưng sau khi gã tuyên bố là rượu ngon hảo hạng, gã đập bàn tay nặng trình trịch của gã lên vai ông chủ nhà và hỏi, giọng sỗ sàng:

– Nào, ngài lấy bao nhiêu? Ngài định giá đi!

– Tôi không bán chị ta. Nhà tôi không muốn phải xa chị ta, dù được một đống vàng nặng bằng chị ta.

– Úi chà, đàn bà thì bao giờ cũng giọng ấy, bởi vì họ có biết tính toán gì đâu; nhưng cứ việc bảo cho họ biết với số vàng ấy, họ sẽ có bao nhiêu đồng hồ, bao nhiêu bút máy và bao nhiêu những đồ linh tinh khác, thì họ thay đổi ý kiến ngay đấy mà.

Ông Shelby nói quả quyết:

– Tôi nhắc lại là câu chuyện không phải như thế. Tôi đã bảo không là không.

– Nhưng thế nào ngài cũng để cho tôi thằng bé con, được nó thì tôi thôi không đòi hỏi thêm nữa.

Ông Shelby ngạc nhiên:

– Ông lấy thằng bé để làm cái quái gì kia chứ?

Haley trả lời:

– Tôi có một thằng bạn chuyên cái nghề này. Nó mua những đứa trẻ kháu kỉnh, nuôi nấng rồi ném ra thị trường. Những của lạ mà! Nó bán cho nhà giàu. Bọn này thích có những đứa trẻ kháu khỉnh hầu hạ khi ăn uống, có khi dùng làm trẻ mở cửa, có khi dùng làm kẻ hầu hạ nơi phòng ngủ. Ngài xem, một món hời đấy. Tụi trẻ con giá đắt ra phết, cái thằng nhóc của ngài hóm hỉnh, lại hát hay, pha trò cừ, thật là một món bở.

Ông Shelby nghĩ ngợi, khẽ nói:

– Tôi cũng chẳng muốn bán nó làm gì. Ông biết, tôi rất thương người, tôi chẳng hề ưa thích cướp nó đi trong tay mẹ nó.

– Hử? Tôi cũng hiểu tấm lòng của ngài đấy. Giây với bọn đàn bà lắm khi rầy rà ra trò. Thấy họ kêu khóc, tôi đến phát kinh. Thưa ngài, thường thì tôi cũng tránh được. Ngài cứ việc cho người mẹ đi biệt một nơi nào khác, một hai ngày, hay ngay cả một tuần lễ nữa. Thế là khi nó trở về, mọi việc đều xong xuôi cả. Bà nhà ta sẽ mua cho nó một đôi hoa tai, hay may cho nó một cái áo mới để nó khuây khỏa, thế là xong tuốt.

– Tôi e rằng không xong được.

– Xong chứ! Trời đất ơi! Tôi quả quyết với ngài rằng bọn chúng nó không như người da trắng chúng ta đâu, miễn là ta biết cách khéo xử.

Rồi ra vẻ thân tình, Haley nói thêm, giọng chân thành:

– Người ta thường nghĩ cái nghề của tôi làm cho trái tim chai cứng lại, nhưng xin ngài tin rằng tôi không phải hạng người như thế. Tôi biết có những kẻ đang tâm giằng lấy đứa con trong tay người mẹ, rồi bán đứa bé ngay trước mặt chị ta, trong khi chị ta khóc thét lên như một con điên. Thưa ngài, cái lối ấy thật là dở; như thế chỉ tổ làm hỏng món hàng của mình, có khi lại chẳng dùng được việc gì nữa. Ở New Orleans, tôi biết một con bé rất xinh, nhưng vì làm cách đó, nên hỏng bét cả. Chả là có một gã muốn mua con bé đó, nhưng lại cóc cần gì đến đứa con của nó: con bé cứ ôm ghì lấy đứa con trong lòng mà phản kháng và la hét kinh khủng. Tôi lạnh buốt xương sống. Khi đứa con bị lôi đi rồi, phải nhốt con bé kia lại, thế là chỉ trong tám ngày nó ngoẻo. Thưa ngài, lãng phí bao nhiêu! Một ngàn đô la, mất toi. Kinh nghiệm dạy cho tôi phải hành động một cách nhân đạo.

Gã con buôn lấy vẻ đạo đức ngả người xuống lưng ghế, hai tay khoanh trước ngực. Hẳn là hắn ta tự coi mình như một người tu nhân tích đức, một vị Wilberforce(2) thứ hai.

Ông Shelby gọt một quả cam, vẻ trầm tư. Haley đang say sưa với câu chuyện của mình; thấy cần phải nói thêm, hắn tiếp:

– Tôi biết là tự mình khoe mình thì chẳng hay ho gì, nhưng tôi vẫn được cái tiếng là đưa ra thị trường những món hàng da đen tốt nhất; bọn da đen của tôi béo mẫm, được ăn uống đầy đủ, thành thử chúng bị hao hụt rất ít. Thưa ngài, đó là cách làm ăn của tôi; cách làm ăn ấy dựa trên cơ sở lòng nhân đạo. Tôi là một người tốt bụng.

Hắn im lặng, còn ông Shelby thì không biết nói gì thêm, ông khẽ bảo:

– Thật thế à?

– Thưa ngài, người ta thường giễu tôi. Còn có người trách tôi nữa là khác. Tôi biết đó là những ý nghĩ không bình dân lắm; mà ý nghĩ ấy, không phải ai cũng có nhưng tôi kiên quyết giữ vững ý mình. Và tôi đã thành công. Tôi lãi to, tôi cam đoan với ngài như vậy. Những ý nghĩ của tôi đưa tôi đi đây đi đó, và đã thu được những món lời lớn. – Hắn vừa kết luận như vậy, vừa cười cái câu pha trò của hắn.

Cái lối quan niệm lòng nhân ái đối với con người như vậy có một cái gì thật đặc biệt và thú vị, khiến ông Shelby phải bật cười. Đúng thế, có khi tình cảm của con người có những dạng hết sức kì cục, và sự điên rồ cùng với sự phi lí của con người thật không bờ bến. Thấy ông chủ nhà cười, gã con buôn phấn khởi nói tiếp:

– Có điều lạ lùng, là tôi không sao làm cho ý nghĩ của tôi thấm được vào đầu óc những kẻ khác. Lấy thí dụ một tay trước đây có hùn vốn với tôi, thằng Tom Loker, ở Natchez. Thằng cha thông minh, nhưng đối với bọn da đen, nó tàn bạo kinh khủng. Đó chỉ là vì nguyên tắc của nó, chứ, thưa ngài, xét đến cùng, ở trên đời này, chẳng ai tốt bằng nó; nó lành như cục đất. Tôi thường trách nó mà bảo: “Tom, những con bé của mày rống lên như ngựa, mày đánh chúng nó phỏng ích lợi gì? Thật là dại, và hoàn toàn vô ích, chỉ tổ chúng nó ốm và chính mày hủy hoại chúng nó, làm cho chúng nó xấu đi, nhất là những đứa có nước da sáng sủa, như vậy mày làm sao mà bán đi được? Tại sao không nói với chúng nó ôn tồn hơn? Tom ạ, một chút ít lòng nhân đạo lại có tác dụng hơn những câu chửi rủa và những roi vọt của mày kia đấy. – Tôi bảo nó thế. – Và như vậy, chắc chắn mày sẽ lãi gấp bội…” Nhưng thằng Tom Loker nào có nghe. Cuối cùng, tôi phải bỏ cánh với nó, nó hủy hoại nhiều con gái da đen quá. Tuy vậy nó là một con người hảo tâm, sòng phẳng trong việc buôn bán.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button