Truyện - bút ký

Những Giấc Mơ Phục Sinh

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Tư Mã Duy

Download sách Những Giấc Mơ Phục Sinh ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : BÚT KÝ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Tác giả có một định nghĩa hơi lạ về tùy bút: tùy bút nghĩa là cứ phóng bút viết thế nào thì tùy, cứ để cho những suy nghĩ và thông tin chảy thành một dòng dưới ngòi bút. Tập tùy bút này là những dòng chảy như thế trên những nẻo đường chu du thiên hạ của tác giả.

Tác giả đã may mắn hơn nhiều người bởi cơ duyên được đặt chân tới nhiều vùng đất không dễ đặt chân, được gặp gỡ những người không dễ gặp gỡ. May mắn ấy có được nhờ tác giả sống trong môi trường báo chí, truyền thông trong suốt một thập kỷ qua. Đi và viết không chỉ là nghề, đó còn là nghiệp.

Nói là phóng bút viết tùy nhưng không biết rủi hay may, bất kỳ một người nào từng bị ảnh hưởng bởi cách viết báo truyền thông theo kiểu phương Tây đều tự giới hạn mình bằng những nguyên tắc cứng nhắc. Nguyên tắc ấy là cố gắng mô tả khách quan, là trung thực, là chỉ đưa thông tin mà không bình luận, là chú ý tới dữ liệu cụ thể và tiểu tiết hơn là cảm nhận… Báo chí chuyên nghiệp không phải là tập làm văn để viết lan man theo cảm xúc chủ quan của mình. Tác giả cuốn tùy bút này đã bị ảnh hưởng bởi tư duy ấy. Chính vì thế, tập tùy bút này có thể hơi khác tùy bút khác ở chỗ: cuốn sách mang trong lòng nó nhiều thông tin hơn là cảm nhận.

Dẫu vậy, cho dù khó có thể rời xa những nguyên tắc chính thống ấy của báo chí kiểu phương Tây, tác giả vẫn muốn phá tan những nguyên tắc đó để đưa vào những góc nhìn mới, cảm nhận mới, bình luận mới, sáng tạo mới. Tác giả luôn cảm thấy nguyên tắc thì chật hẹp còn cuộc sống lại rộng mở. Ở điểm này, tác giả đã tự mâu thuẫn với chính mình và những bài viết trong cuốn này tự nó thể hiện mâu thuẫn trong cách tiếp cận của tác giả. Cuốn sách này vì thế cuối cùng không phải là tập hợp những bài báo mà là sự hòa trộn giữa viết báo và viết văn, cho dù đa phần là thông tin và câu chuyện khách quan, tác giả vẫn đưa vào một khối lượng không nhỏ cảm nhận và bình luận của mình. Điều ấy biến những bài viết thành một dạng thức không thể được gọi bằng bất kỳ một cái tên gọi chính thức nào. Vậy thôi, đành gọi nó là phóng bút viết tùy hay ngắn gọn là tùy bút cũng được, ít nhất theo định nghĩa của tác giả. Tất cả đã hòa trộn ở đây, những câu chuyện, những thông tin, những cảm xúc, những bình luận trên những nẻo đường viễn du của tác giả. Nơi này là nguyên tắc, nơi kia lại là tùy hứng, nơi này nghiêm nghị, nơi kia bông lơn, nơi này là văn chương, nơi kia là báo chí, những bài viết trong cuốn sách này đã không chảy theo đúng một mô thức truyền thống nào.

Dẫu vậy, có một dòng mạch xuyên suốt vẫn chảy dọc theo cuốn sách. Mỗi điểm đến là một vài lát cắt, một vài góc nhìn. Tác giả hiểu rằng một hành trình ngắn ngủi không cho phép sự thấu hiểu đủ để mô tả trọn vẹn một quốc gia hay một thành phố. Tác giả cũng không định kể chuyện “ăn gì, xem gì, ở đâu” như cách viết du ký thông thường. Mỗi bài viết trong cuốn sách này chỉ là một vài lát cắt hay nói cách khác là một vài góc nhìn của tác giả về mỗi điểm đến.

Thay vì đóng vai một khách du lịch ngồi trong máy bay ngắm mây ngoài cửa sổ như cách thông thường. Tác giả tự cho mình “nhảy” ra ngoài kia, ngồi trên những đám mây để ngắm lại toàn bộ hành trình “bay” ấy, mô tả máy bay và rút ra một vài cảm nhận và ý tưởng chủ quan. Có những cảm nhận nho nhỏ, có những suy nghĩ to tát, có những cảm nhận lãng đãng, cũng có những góc nhìn nghiêm túc, nhưng tất cả đều là dòng mạch đã chảy qua tâm trí tác giả vào đúng thời điểm ấy và ở đúng những nơi ấy. Giờ đây đọc lại, chính tác giả cũng không phải lúc nào cũng thấy những điều ấy còn hợp lý và thú vị. Dẫu thế, dù hay hay dở, hợp lý hay không hợp lý, thì dòng mạch ấy đã chảy qua rồi, và tác giả muốn giữ nguyên toàn bộ như nó đã từng như thế.

Tác giả chân thành cảm ơn người thân và bạn bè đã tạo điều kiện cho tác giả trên con đường “bay nhảy” nhiều phiêu lưu của mình. Đặc biệt cảm ơn ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần sách Alpha, bà Đào Quế Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sách Alpha, và hai bạn Hồng Điệp, Nguyệt Nga, Biên tập viên Công ty Cổ phần sách Alpha đã tâm huyết với cuốn tùy bút này. Đặc biệt cảm ơn ông Lê Trần Quỳnh, Giám đốc Công ty Truyền thông TAJ, đã đồng hành và giúp đỡ tác giả rất nhiều trên nhiều nẻo đường viễn du. Cảm ơn ông Ngô Minh Đức, Giám đốc Công ty lữ hành HG Travel đã nhiều lần mời tác giả tham dự nhiều chuyến du hành. Cảm ơn ông Saadi Salama, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nhà nước Palestine tại Việt Nam đã tạo điều kiện để tác giả có dịp đặt chân tới miền đất hứa Palestine. Cảm ơn ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Tổng biên tập báo VietNamNet, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo VietNamNet, ông Nguyễn Phong Doanh, nguyên Tổng biên tập báo Sinh Viên và Hoa Học Trò, đã tạo điều kiện để tác giả được thoải mái “chu du”.

Cuối cùng và quan trọng nhất là lòng biết ơn đối với Vũ trụ, Số phận, Thượng Đế, Đức Phật, hay bất kỳ tên gọi thiêng liêng nào khác của lực tự nhiên vô hình và tối thượng đã giúp đưa tác giả tới những miền đất lạ kỳ để gặp những con người kỳ lạ, những miền đất và con người đã tạo cảm hứng và chất liệu của cuốn tùy bút nhỏ này.

ĐỌC THỬ

Những giấc mơ phục sinh…

Nhà huyền môn Ấn Độ Osho từng viết: “Nghĩ là mơ bằng lời, mơ là nghĩ bằng hình ảnh.” Nếu thế, những suy ngẫm trong cuốn sách này đều là những giấc mơ, và những chuyến phiêu lưu tới biết bao miền đất lạ đối với tác giả cũng là những giấc mơ cổ tích. Tận mắt xem Kinh Cựu Ước viết trên những tấm da dê ở Biển Chết, nằm ngủ trong khách sạn băng ở ngoài vòng cực, trực tiếp sờ tay vào cây thập tự giá đã treo Chúa Jesus giữa Jerusalem, ngồi thiền định dưới cây bồ đề nơi Đức Phật thành đạo ở Bodh Gaya, thảnh thơi uống cà phê xem bóng đá giữa biển chiều Rio de Janeiro… những chuyến đi và kỷ niệm ấy đều có thật nhưng giờ đây chỉ còn đọng lại trong tâm trí tác giả như “những giấc mơ”.

Thực sự đó như “những giấc mơ” bởi có những miền đất khi tác giả đã tới nơi vẫn không tin mình đã tới, và dù mới trở về chỉ vài ngày nhưng cảm thấy như xa lắm rồi. Tất cả đã trôi qua như chưa bao giờ có, chỉ có từng phút giây trải nghiệm trên những miền đất đó là hiện thực.

Còn lại cuối cùng chỉ là những trang viết, những trang viết khiến mỗi lần đọc lại, tác giả lại thấy “những giấc mơ” ấy phần nào đó trở về. Những trang tùy bút chính là sự phục sinh của những giấc mơ.

Tác giả hy vọng chuyện kể về “những giấc mơ phục sinh” trong cuốn sách này sẽ khích lệ bạn đọc trực tiếp tìm về những vùng đất ấy để trải nghiệm từng khoảnh khắc của hiện thực. Những chuyện kể và nghĩ suy trong cuốn sách này dù thú vị tới đâu cũng mãi chỉ là hình ảnh phản chiếu chưa hoàn hảo của “những giấc mơ”…

Đừng chỉ đọc “những giấc mơ”, hãy lên đường trực tiếp cảm nhận, bạn nhé!

VIỆT NAM Hương vị của lòng tốt

Tôi đi theo bước chân của một trong những người sáng lập Quỹ Từ thiện Tình thương, nơi quản lý chuỗi quán cơm 2.000đ mang tên Nụ Cười xuống quán Nụ Cười 4 tại 132 Bến Vân Đồn, Quận 4, Thành Phố Hồ Chí Minh.

Năm quán cơm từ thiện như vậy đã được thành lập trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và thu hút sự chú ý khá lớn của dư luận. Nhiều người cho rằng mô hình này là không tưởng bởi cơm bán với giá 2.000đ thì làm sao những người khởi xướng có thể duy trì. Người khác lại phê phán chuỗi quán sẽ phá vỡ quy luật kinh tế học, tạo cơ hội cho người có tiền vào ăn cơm của người nghèo, làm ảnh hưởng tới các quán cơm bình dân khác.

Vậy nhưng thật ngạc nhiên, người sáng lập chuỗi quán này cho biết, tính đến ngày 12/8/2014, dự án suất ăn giá rẻ của Quỹ Từ thiện Tình thương đã cung cấp 615.490 suất ăn bao gồm 547.502 suất cơm 2.000đ và 67.988 món nước (mì bún phở) bán với giá chỉ 1.000đ. Toàn bộ số tiền để làm cơm đều do nhà hảo tâm đóng góp.

Một sự kỳ lạ khác là công ty kiểm toán đắt giá bậc nhất thế giới là Ernst & Young đã trực tiếp kiểm toán toàn bộ hoạt động tài chính của Quỹ trong năm 2013, bao gồm các dự án trợ giúp y tế và các dự án suất ăn giá rẻ tức hệ thống quán cơm Nụ Cười. Theo báo cáo kiểm toán, tổng số thu từ nhà hảo tâm trong năm 2013 là 6.546.119.769 đồng và tổng số chi là 6.816.305.105 đồng.

Khác hoàn toàn với suy nghĩ “duy lý” của nhiều người, chuỗi 5 quán cơm vẫn được vận hành suốt từ tháng 10 năm 2012, thời điểm quán cơm số 1 ra đời. Mỗi quán vẫn cung cấp trung bình từ 400 đến 700 suất ăn từ thiện mỗi ngày, mỗi suất ăn có đầy đủ thịt cá, rau, canh và hoa quả như suất ăn 20.000đ ở các quán bình thường khác. Có những “đại gia” đã viện trợ “thầm lặng” 1 tỷ đồng cho quán, có những nhà hảo tâm thử tới ăn một suất cơm và “trả” 100 triệu. Số người ăn một suất cơm rồi đóng góp 500.000 đồng hay 1 triệu đồng không đếm hết.

“Người tốt đông như quân Nguyên. Có những người đến lặng lẽ để lại một bao gạo rồi lặng lẽ ra đi. Có hai ông bà già nghèo đã đóng 4.000đ cho hai suất ăn nhưng lại đóng thêm 8.000đ nữa giúp những người nghèo khác,” người sáng lập chuỗi quán nghẹn ngào kể lại.

“Người tốt đông như quân Nguyên”, tôi bất ngờ khi nghe câu nói ấy, cũng như bất ngờ với ý tưởng cơm 2.000đ. Lâu nay, tôi vẫn chỉ nghe bạn bè người thân nói những câu đại loại như: “xã hội bây giờ chẳng tin được ai”, “ra đường cẩn thận bị người ta lừa”, “xã hội này bây giờ xuống cấp về đạo đức quá rồi”… Những câu nói cửa miệng ấy cộng với những va đập với cuộc mưu sinh khiến tôi mất dần niềm tin vào những “việc tốt” hay “người tốt”. Tôi không phải là trường hợp cá biệt, và chắc chắn nhiều người khác có chung sự mất mát niềm tin như vậy.

Biểu hiện của sự mất mát niềm tin vào cái tốt trên quy mô xã hội thể hiện trong mọi cuộc chuyện trò nơi quán cà phê hay trên bàn nhậu, những chuyện xấu xa của ai đó ở nơi nào đó thường xuyên bị lôi ra còn những chuyện tốt đẹp thì vắng bóng. Báo chí cũng chỉ phản ánh đa số những câu chuyện có tính chất tiêu cực từ hãm hiếp tới giết người. Bức tranh trong tâm trí cộng đồng về xã hội được bôi lên nhiều mảng màu xám xịt trong đó những mảng trắng tốt đẹp chỉ hiện lốm đốm. Bức tranh xám xịt ấy đã phá hỏng nhiều tương tác xã hội và phá hủy từ trứng nước nhiều ý tưởng lãng mạn, bởi chúng ta ít tin vào nhau cũng như ít tin vào bất kỳ điều gì khác vượt ngoài chuyện tư lợi và kiếm tiền. Đã lâu lắm rồi, tôi không nghe ai nói với mình như người làm quán cơm 2.000đ đã nói: “xã hội này đa số là người tốt”.

Bức tranh xám xịt đã ngăn cản tôi và nhiều người khác không tin vào ý tưởng quán cơm 2000đ. Tôi cũng đã từng nghĩ rằng rồi những quán cơm kiểu này sẽ chết yểu bởi nhà hảo tâm “viện trợ” thì ít mà những người lợi dụng “ăn cơm chùa” thì nhiều. Nhưng thực tế đã không diễn ra như thế. Trực tiếp xuống quán cơm Nụ Cười 4, tôi mới hiểu những phê phán về sự lợi dụng ăn cơm người nghèo của “người giàu” là rất ít cơ sở.

11 giờ bắt đầu bán cơm nhưng từ 10 giờ 30 số người xếp hàng chờ để được ăn đã kéo dài cả dãy phố. Một người “khá giả” phải kiên nhẫn lắm mới đứng cả tiếng đồng hồ dưới trời nắng chang chang, giữa những người lao động nghèo xơ xác và nặng mùi đường phố ấy để chỉ tiết kiệm được chục nghìn tiền cơm. Dẫu vậy, một tấm biển ở cửa quán vẫn nhắc nhở: “Quán chỉ có 700 suất ăn. Chúng tôi tin rằng các bạn sẽ chia sẻ và nhường cho những người đến sau khó khăn hơn mình.” Ít người giàu nào lại “trơ trẽn” tới mức vẫn vào ăn chực khi đọc lời nhắc nhẹ nhàng ấy.

Người sáng lập quán cơm cho rằng vẫn có khoảng 10% người lợi dụng, nhưng “chúng tôi lại coi đó là cách để làm cho họ hiểu một bài học về lòng nhân ái. Người giàu vào ăn chúng tôi không đuổi ra mà vẫn trân trọng như người nghèo. Chúng tôi không bán cơm mà bán cho họ hương vị của lòng tốt.”

Tôi lại bất ngờ một lần nữa với năm chữ “hương vị của lòng tốt”. Lần này thì không chỉ là bất ngờ mà còn là sự ám ảnh. Sau khi ăn một suất cơm 2000đ và trả 500.000đ, tôi vẫn nghĩ mình đã trả quá rẻ để thưởng thức thứ “hương vị của lòng tốt” ấy, thứ mà những toan tính thiệt hơn, duy lý đã khiến tôi quên lãng, thậm chí nghĩ rằng nó không còn tồn tại nữa.

Tôi đã nhầm, và có thể nhiều người khác nữa cũng đã nhầm. “Hương vị của lòng tốt” vẫn tồn tại ở nhiều nơi trên đất nước hình chữ S này, dưới hình thức này hay hình thức khác, bằng cách này hay cách khác. “Hương vị của lòng tốt” không mất đi đâu cả bởi nó nằm một phần trong bản chất con người, chỉ có niềm tin vào thứ hương vị ấy đã nhạt phai. Đánh thức lại niềm tin vào “hương vị của lòng tốt” sẽ mở ra nhiều khoảng trời tốt đẹp mới trong đời sống của mỗi cá nhân và toàn xã hội.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button