Tiểu thuyết - ngôn tình

Nếu Được Yêu Như Thế

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK 

Tác giả : Nguyên Ngộ Không

Download sách Nếu Được Yêu Như Thế ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : TIỂU THUYẾT

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download Ebook         

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Đã bao giờ bạn tự để dôi chân mình dừng lại thật lâu và ngoảnh nhìn lại về phía sau rồi bất chợt nhận thấy một sự nuối tiếc dâng trào đến nghẹn đắng. Đã bao giờ bạn tự hỏi: con đường mình đang đi có phải là lựa chọn đúng, những gì mình trải qua, những gì mình đánh đổi liệu có xứng đáng để tiếp tục? Sống là cả một hành trình đầy chông gai, thử thách mà không riêng gì các nhân vật trong truyện Nếu Được Yêu Như Thế trải qua. Tất cả chúng ta sống trên đời đều phải nếm trải những khổ đau, đắng cay, hạnh phúc, thất vọng… thì chúng ta mới trưởng thành và khôn lớn được.

Tử Chấn và Nhan Thuần Nhân cũng vậy họ cũng trải qua những đổ vỡ trong tình cảm, những mưu mô toan tính trên thương trường. Nhưng hạnh phúc của Tử Chấn và Thuấn Nhân cuối cùng cũng trở về như mối lương duyên trời định. Nhưng sóng gió vẫn chưa chịu buông tha họ khi ông bố thủ đoạn và tàn nhẫn của Tử Chấn tìm đủ mọi cách chia rẽ cuộc hôn nhân của hai người, ép anh phải cưới cô con gái nuôi của ông, ép anh phải thừa kế gia sản của nhà họ Thời. Đôi vợ chồng trẻ mang con chạy trốn từ Mĩ sang Trung Quốc; trong khi Thuấn Nhân tìm đủ mọi cách kiếm tiền thì Tử Chấn phải chịu sự dày vò của bệnh tật do bạn gái cũ hãm hại.

Nếu bạn muốn tìm kiếm những chi tiết nhẹ nhàng, dễ thương, câu chuyện này không dành cho bạn. Nếu bạn muốn tìm kiếm những tình yêu mòn mỏi chờ đợi không thay đổi, câu chuyện này cũng chẳng thể thỏa mãn bạn. Nhưng nếu bạn muốn tìm kiếm những mảng gai góc của cuộc sống, tìm kiếm những con người đang cố gắng mỗi ngày đến gần hạnh phúc, vậy hãy ngồi lại nghe tôi kểmột câu chuyện, một câu chuyện có cay đắng mặn chát những dư vị cuộc đời, nhưngcó lẽ đáng giá khi đọng lại cuối cùng là vị ngọt thanh tao.

ĐỌC THỬ

Chương 1ĐỂ ANH CHÀNG MÃI ĐƯỢC NÓI LỜI YÊU THƯƠNG

Mặt trời lặn trong những ngày đầu hạ ướt át lạ thường. Hoa trái trong vườn bắt đầu chín đỏ, mùi hương chua chua, ngọt ngọt lan tỏa khắp ngôi làng nhỏ bé. Những cậu bé, cô bé của trường trung học huyện Uyển vai đeo ba lô, đi qua đài tưởng niệm Tam Nguyên về nhà. Cạnh hàng rào sắt của trường là ngôi miếu từ đời nhà Thanh đang bị tháo dỡ, cô bé học lớp tám Diệp Trăn Trăn đang đứng đó đợi cô bạn hàng xóm Nhan Thuấn Nhân.

Học sinh của ngôi trường trọng điểm này hầu như ngày nào cũng phải đi qua đài tưởng niệm Tam Nguyên. Tỉ lệ lên lớp của trường cấp hai huyện Uyển thuộc vào loại nhất nhì tỉnh, Diệp Trăn Trăn cũng là một trong những học sinh giỏi nhất của trường.

Nhan Thuấn Nhân lại là cô bé không mấy nổi bật về mặt thành tích học tập, nhưng về vẻ dễ thương thì không chỉ nổi tiếng ở trong trường mà còn nổi tiếng khắp tỉnh.

Khi mặt trời khuất dần sau dãy núi phía sau trường, Diệp Trăn Trăn mới nhìn thấy Nhan Thuấn Nhân hổn hển chạy tới, bím tóc sau gáy lắc lư theo.

Diệp Trăn Trăn thấy bạn không biết mình đứng đây nên hét lên: “Thuấn Nhân, Thuấn Nhân!”

Nhan Thuấn Nhân nghe thấy bạn gọi liền chạy tới, giọng có vẻ trách móc: “Sao cứ phải đến nhà cậu ăn cơm? Khó khăn lắm tớ mới chờ được Lý Triệt tan học, tớ muốn xem anh ấy chơi bóng rổ.”

Trăn Trăn cười nói: “Chả thiếu con gái đến xem anh ấy chơi bóng rổ đâu, không cần cậu phải tham gia. Hôm nay nhà tớ có khách từ xa tới, mẹ tớ có làm món măng khô kho thịt mà cậu thích ăn nhất đấy.”

Nghe thấy món măng khô kho thịt, Thuấn Nhân vui hẳn lên: “Khách nào? Từ đâu đến thế?”

Trăn Trăn nói: “Từ Bắc Kinh tới. Người đó từng dạy anh tớ nữa đấy.”

Thuấn Nhân biết, anh họ của Trăn Trăn là Diệp Vị Kỳ mấy năm trước đã từng đến Bắc Kinh học về nhiếp ảnh, sau đó anh ta về quê mở một cửa hàng quay phim, chụp ảnh, làm ăn cũng rất được.

Cô bé cũng từng xem bộ ảnh kỷ niệm mà Diệp Vị Kỳ chụp cho Trăn Trăn, đúng là rất đẹp. Thuấn Nhân rất muốn đi chụp, nhưng chụp một bộ ảnh kỷ niệm không rẻ chút nào, cô bé lại ngại nhờ Trăn Trăn hỏi giúp, nên đành thôi. Nay nghe thấy có nhiếp ảnh gia từ Bắc Kinh tới, cô bé hào hứng lắm.

Trăn Trăn nói thêm: “Nhiếp ảnh gia này nổi tiếng lắm nhé, ông nội bác ấy đã từng chụp ảnh cho Từ Hy Thái hậu đấy, rất nhiều tư liệu từ cuối đời nhà Thanh có nhắc tới tên tuổi của ông.” Trăn Trăn lục lọi trí nhớ một hồi lâu mới nhớ ra: “Chính là Thời Duệ Ngọc, con trai của Thời Mộ Hề, đại sứ Trung Quốc ở Pháp năm Quang Tự cuối cùng đấy.”

Thuấn Nhân rất đỗi ngạc nhiên, nói: “Trời ơi, hóa ra là ông ta!”

“Ha ha ha”, Trăn Trăn cười, “Cậu cũng nghe nói rồi à? Có phải là đọc mấy bài báo từ trong đống sách báo của ông cậu không? Thầy giáo của anh tớ chắc chắn là cháu trai của Thời Duệ Ngọc.”

Trong lúc hai cô bé đang mải nói chuyện thì Lý Triệt cùng một đám con trai vừa la hét vừa chạy tới. Lý Triệt nhanh tay gõ vào đầu Thuấn Nhân một cái. Thuấn Nhân muốn đánh lại, nhưng cậu ta đã chạy xa rồi. Cậu ta chạy giật lùi, tay ôm quả bóng, nhe hàm răng trắng bóng ra cười với Thuấn Nhân.

Nhà Trăn Trăn và nhà Thuấn Nhân là hai căn nhà cũ nằm đối diện nhau qua đường Thạch Bản. Trên con đường này có một ngôi miếu rất lớn, bức hoành phi trên tầng hai đã bong ra từng mảng, nét chữ không còn rõ nên rất khó đọc. Nhưng bức hoành phi hình vuông ở tầng một có ba chữ được viết theo thể chữ triện Trinh bách lý vừa cổ kính vừa tao nhã thì vẫn còn nguyên vẹn. Trên và dưới bức hoành đó có hai bức điêu khắc “Phụng xuyên mẫu đơn” (1) và “Song sư hí cầu” (2) với những nét khắc rất tinh tế và điêu luyện. Mặc dù đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử và đã bị xuống cấp, nhưng nó vẫn giữ được những nét tinh tế và có giá trị lịch sử to lớn.

Vừa đến cửa nhà Trăn Trăn, Thuấn Nhân đã nhìn thấy một cậu bé trạc tuổi mình đang đứng trước bàn thờ. Trăn Trăn không biết đã đi vào nhà từ lúc nào, gọi vọng ra: “Thuấn Nhân, Thuấn Nhân!”

Nghe thấy tiếng gọi, cậu bé quay đầu lại. Hoàng hôn buông xuống, từng cơn gió nhẹ thổi tới, Thuấn Nhân nhìn vào đôi mắt cậu bé, bốn mắt nhìn nhau không rời.

Trăn Trăn nhìn thấy anh họ đang tiếp một vị khách nho nhã, lịch thiệp. Biết đó là khách từ xa tới, Trăn Trăn vội chào: “Cháu chào bác ạ!”

Diệp Vị Kỳ chưa kịp giới thiệu thì vị khách kia đã cười và nói: “Em của Diệp Vị Kỳ đây phải không? Đúng là một cô bé dễ thương.”

Giọng nói của người đàn ông này nghe giống giọng của mấy người dẫn chương trình trên ti vi, khiến Trăn Trăn cảm thấy là lạ, cô bé không nói gì, chỉ biết cười. Người đàn ông giới thiệu: “Bác họ Thời.”

Trăn Trăn lại chào thêm một tiếng: “Chào bác Thời.” Người đàn ông dường như nhớ ra điều gì đó, gọi lớn: “Tử Chấn, Tử Chấn!”

Ông ta đứng dậy ra ngoài tìm, Trăn Trăn cũng theo sau, ra khỏi cửa liền nhìn thấy Thuấn Nhân đứng im ở đó, nhìn sang bên thì thấy một cậu bé mặc chiếc áo sơ mi trắng.

Người đàn ông họ Thời tiến đến, kéo tay cậu bé: “Tử Chấn, ngày mai bọn con sẽ là bạn cùng lớp rồi. Nào, đến làm quen với nhau đi.”

Trăn Trăn chủ động tiến đến bắt tay làm quen. Thuấn Nhân quay đầu đi vào nhà.

Trong nhà còn có một người phụ nữ trẻ, trang điểm nhẹ nhàng, mặc chiếc váy dài tới đầu gối, chân đi đôi xăng đan màu trắng. Thuấn Nhân thấy cô ấy rất đẹp, bèn nhìn chăm chú. Cô ấy cười hỏi: “Là Trăn Trăn phải không?”

Diệp Vị Kỳ đáp: “Đây là bạn học của Trăn Trăn, tên là Thuấn Nhân.”

Bữa tối có món canh hạt dẻ, cá và măng khô kho thịt, nhưng lại để bên phía khách ngồi, Thuấn Nhân ngại không dám vươn người ra gắp, nên đành ăn những món ở gần mình.

Sau khi người lớn đã chúc tụng nhau sáu, bảy ly, mặt của người phụ nữ kia đỏ ửng. Phụ nữ mặt mày hồng hào âu cũng là cái tốt, Thuấn Nhân nhìn chăm chú, cô ấy thấy vậy liền cười nói: “Cái tên Thuấn Nhân là ai đặt cho cháu thế? Cháu họ gì?”

“Họ Nhan ạ”, Thuấn Nhân trả lời. “Nhan trong từ Nhan Như Ngọc.”

Cô ấy quay lại phía người đàn ông họ Thời nói: “Hân, anh có thấy cái tên Nhan Thuấn Nhân nghe rất lạ không, nó khiến người ta nghĩ tới Giang Thủy Anh trong Long Giang Tụng (1), cái tên Diệp Trăn Trăn nghe vẫn hay hơn.”

Diệp Vị Kỳ nói xen vào: “Ai nói vậy? Cháu thấy cái tên này hay hơn tên Diệp Trăn Trăn nhiều.” Chưa nói xong, anh ta đã bị đá vào chân, cúi xuống nhìn thì thấy đó là chân của Trăn Trăn, cô bé vẫn đá gót giày thể thao vào chân của anh ta, không có ý thu chân về.

Mặt của Thuấn Nhân nóng bừng bừng, cô bé bặm môi, không nói gì. Nghe có tiếng cười, Thuấn Nhân ngẩng mặt lên nhìn, thì ra là cậu bé mặc áo sơ mi trắng.

Thời Hân nhìn con trai một cái, Tử Chấn không lên tiếng mà nhìn sắc mặt của bố, rồi lại nghe người đàn bà kia đang nói: “Bài Hữu nữ đồng xa (2) trong Kinh thi viết rằng: Hữu nữ đồng hành, sắc như thuấn anh (3), Giang Thủy Anh trong vở kịch xuất thân như thế nào?”

Thời Hân vội gắp thức ăn vào bát người đàn bà kia: “Lệ Huyên, em ăn thử xem, món măng khô này ngon lắm.”

Trăn Trăn bỏ đũa xuống, nói với Tử Chấn: “Tên tớ cũng có xuất xứ của nó đấy: Đào chi yêu yêu, kỳ diệp trăn trăn (4).”

Ăn cơm xong, Thuấn Nhân chuẩn bị về nhà, tranh thủ lúc mọi người không để ý, cô bé đến bên nói nhỏ vào tai Tử Chấn: “Tên của tớ không phải từ “anh” trong câu “sắc như thuấn anh”, mà là từ “nhân”, có nghĩa là đồng cỏ xanh rờn ấy (1).”

Lát sau không thấy Tử Chấn nói gì, Thuấn Nhân lại nói nhỏ vào tai cậu: “Cảm ơn bạn vì lúc nãy nhé.”

Tử Chấn mỉm cười.

Nửa đêm, Trăn Trăn đang ngủ thì bỗng nghe thấy tiếng phụ nữ kêu khóc, còn có tiếng đồ đạc rơi xuống đất phát ra từ căn phòng cạnh phòng của Tử Chấn. Nghe kỹ thì thấy hình như là tiếng của người phụ nữ tên Lệ Huyên, còn nghe thấy cả tiếng cô ta đay nghiến. Trăn Trăn tò mò, rón rén lại gần cửa nghe ngóng.

Qua khe cửa, thấy Lệ Huyên đang bóp cổ Tử Chấn, Thời Hân đầu tóc rối bù, cố kéo Lệ Huyên ra ngoài, cô ta không theo, vẫn cứ khóc to: “Làm sao có thể không có? Ông muốn đem tài sản cho cái đứa con trai của đồ phù thủy đó, không cho mẹ con tôi, tôi phải bóp chết thằng khốn này!”

Thời Hân hét lên: “Giờ này lấy đâu ra tài sản? Cô mà tìm thấy được, coi như tôi lừa cô!”

Tử Chấn mặt đỏ gay, mím chặt môi, không chống cự cũng không cử động, thái độ rất thờ ơ.

Thời Hân cố kéo Lệ Huyên ra ngoài, phân trần: “Sợ cô không tin, tôi mới đưa cô đi cùng. Tôi gửi Tử Chấn ở đây, cô còn muốn gì nữa? Chờ khi nào về tới Bắc Kinh, chúng ta sẽ đi Mỹ tìm anh trai tôi, không bao giờ về Trung Quốc nữa, như thế được chưa?”

Lúc này Lệ Huyên mới ngừng khóc, ngẩng đầu, tóc tai xõa xượi nhìn chồng: “Anh và em còn có An An, ba người chúng ta sẽ mãi ở bên nhau, không xa nhau nữa, anh hứa nhé!”

Thời Hân không nói gì, cúi đầu nhìn con trai, dường như có chút do dự, rồi nói: “Không có chuyện gì đâu, con ngủ đi.”

Tử Chấn không nói lời nào, chỉ nhìn bố chăm chăm.

Lệ Huyên thấy thế lại khóc lóc, kêu gào. Thời Hân đành phải kéo tay cô ta lôi ra ngoài.

Trăn Trăn thấy hai người đi ra ngoài, vội vàng quay lại phòng mình, trèo lên giường, tai còn nghe thấy tiếng ồn vọng lại từ phía sân trước. Cô bé không ngủ được, lại dậy, đi giày vào rồi sang phòng bên cạnh.

Nhìn thấy Tử Chấn vẫn giữ nguyên tư thế lúc nãy, không động đậy, Trăn Trăn đi đến bên cậu ta, nói: “Ngày mai họ đi rồi, sẽ không còn ai ăn hiếp bạn như thế này nữa đâu.”

Tử Chấn không để ý đến Trăn Trăn, cậu ta leo lên giường, vùi đầu vào đống chăn.

Trăn Trăn cảm thấy không có gì để nói, liền quay người đi về phòng, bỗng nghe thấy tiếng Tử Chấn nói sau lưng: “Đồ ăn nhà cậu nấu rất ngon.”

Cô bé quay đầu lại nhìn Tử Chấn, đắc ý gật đầu, rồi nói: “Cuối tuần, tớ sẽ dẫn bạn đi hái quả dại trên núi nhé!”

Trong sách địa lý của trường có nói, nơi đây có địa hình của vùng đồi núi Giang Nam (1), nhưng đối với bọn trẻ, những gò đồi xa xa kia quá cao, nếu đó chỉ là gò đồi thì không biết núi sẽ cao chừng nào? Những ngọn đồi gần làng không cao cũng không thấp, thích hợp cho bọn trẻ chơi đùa trên những con đường đi ngoằn ngoèo, hai bên đường cỏ mọc xanh rì.

Diệp Trăn Trăn hẹn Thuấn Nhân và Tử Chấn, anh họ của Trăn Trăn là Diêp Vị Kỳ cũng đang rỗi rãi, bốn người cùng đi dã ngoại. Trên đường đi, họ gặp bố mẹ của các bạn cùng lớp, họ vẫy tay chào, rồi tiếp tục đi.

Vị Kỳ nói: “Rời khỏi quê hương làm gì, tốt nghiệp cấp ba xong, cũng đừng đi đâu học đại học làm gì, cứ ở quê tìm một đứa tử tế, rồi lấy chồng cho xong.”

Thuấn Nhân hai má đỏ ửng, ngượng ngùng không trả lời.

Trăn Trăn nói: “Anh à, theo anh thế nào là một người đàn ông tử tế?”

Vị Kỳ nói: “Thứ nhất, đương nhiên là phải có tiền.” Trăn Trăn hỏi: “Thế thứ hai là gì?”

Diệp Vị Kỳ gãi gãi đầu, nói: “Vẫn là phải có tiền”, rồi quay sang Tử Chấn đang ngồi bên cạnh: “Tiền có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề. Người ta nói, tiền không phải là vạn năng, đó chỉ là lừa đảo, tiền chỉ không giải quyết được bốn vấn đề sinh, lão, bệnh, tử, còn với mọi cái trên đời này, chỉ sợ không đủ tiền mà thôi.”

Tử Chấn không nói gì, chỉ nheo mắt ngắm cảnh núi non phía xa xa, hai bàn tay đưa ra hứng lấy ánh mặt trời.

Thuấn Nhân ngồi sát lại, ngón tay dài của Tử Chấn dường như trong suốt dưới ánh mặt trời. Cô bé chăm chú nhìn cậu.

Thuấn Nhân ngạc nhiên, “a” lên một tiếng, rồi ghé sát vào tai Tử Chấn hỏi nhỏ: “Cổ cậu sao thế?” Từ viền tai kéo dài xuống yết hầu của cậu bé hằn lên vết móng tay cào màu đỏ.

Tử Chấn cúi đầu không nói, Thuấn Nhân thấy vậy cũng không hỏi thêm gì nữa.

Trăn Trăn cầm mấy cành cây lúc lỉu quả đỏ, ngoài vỏ lấm tấm vết chàm. Trăn Trăn lấy một cành đưa cho Tử Chấn, cậu bé cầm lấy, định xuống con suối gần đó để rửa. Trăn Trăn thấy thế cười hi hi rồi cắn một miếng. Thuấn Nhân cũng chạy theo sau, cô bé ngâm chân dưới làn nước trong mát, nước suối chảy qua những hòn đá phủ rêu xanh. Thuấn Nhân hỏi Tử Chấn: “Hộ khẩu của cậu chẳng phải ở Bắc Kinh sao? Hay là về Bắc Kinh thi đại học đi?”

Tử Chấn chỉ “ừ” một tiếng.

Thuấn Nhân lại hỏi: “Cậu muốn thi chuyên ngành gì?” Tử Chấn dường như rất có hứng thú với câu hỏi này, đôi mắt sáng hẳn lên, đáp: “Kiến trúc.”

Thuấn Nhân có chút thất vọng, một lúc sau mới nói:

“Theo tớ, cậu rất thích hợp với ngành nghệ thuật. Tớ rất hâm mộ những người học nghệ thuật.”

Tử Chấn hỏi: “Nhà cậu có người làm về nghệ thuật à?” Thuấn Nhân lắc đầu: “Nhà tớ chỉ có người học chữ thôi, cuối đời Thanh còn có người thi đỗ vào viện hàn lâm cơ, trong huyện có bia tưởng niệm đấy.” Nói đến đây, cô bé cười vẻ đầy tự hào, nghiêng nghiêng đầu nhìn Tử Chấn: “Cái sảnh lớn trong phủ huyện chính là nhà tớ ngày xưa, sau ngày giải phóng thì bị đốt cháy. Thế nào, cậu thấy có to không? Còn có cả vườn hoa nữa đấy.”

Tử Chấn không hiểu vì sao Thuấn Nhân lại nói mình thích hợp theo ngành nghệ thuật.

“Bởi nhìn cậu giống như bước ra từ trong tranh vậy, người làm nghệ thuật phải có thần thái như cậu.” Thuấn Nhân nhìn cậu rồi cau mày suy nghĩ: “Nghệ thuật cũng có nhiều loại, cậu học gì thì hợp nhỉ? Họa sĩ? Diễn viên? Ca sĩ? A, đúng rồi, bố cậu chẳng phải là nhiếp ảnh gia sao? Học chụp ảnh cũng được đấy.”

Tử Chấn nói: “Sao cậu giống bố tớ thế? Ông ấy còn bắt tớ theo học trường múa nữa cơ. Con trai học khối A mới đúng sở trường chứ?”

Thuấn Nhân không nhịn được cười: “Mười tám tuổi bắt đầu học múa cũng hơi muộn nhỉ?”

Tử Chấn chăm chú nhìn cô bé: “Từ nhỏ tớ đã học múa rồi, mẹ tớ là nghệ sĩ múa ba lê.”

Thuấn Nhân vô cùng ngạc nhiên. Tử Chấn đứng dậy, tìm một chỗ bằng phẳng, tay phải chống xuống đất, nhẹ nhàng nhấc người lên. Thuấn Nhân vội chạy tới kéo cậu xuống, vạch cổ áo cậu ra rồi nói: “Cậu bị thương ở chỗ này rồi, làm thế sẽ bị chảy máu đấy, về nhà băng lại vết thương đi.”

Thuấn Nhân đang nhìn vết thương của Tử Chấn. Trăn Trăn thấy vậy, liền chạy đến cười nói: “Các cậu đang thì thầm cái gì thế? Hai cái đầu sắp chụm vào làm một rồi, nói cho tớ nghe với.”

Thuấn Nhân và Tử Chấn vội vàng đứng xa nhau ra. Thuấn Nhân khẽ nói: “Tối nay tới gốc mận sau nhà tớ, tớ bôi thuốc cho nhé.”

Tử Chấn nói: “Không cần đâu.” Thuấn Nhân không nghe thấy, vì lúc này cô bé đã chạy tít lên sườn đồi rồi.

Có lẽ vì đều là những học sinh ngoan, nên bọn trẻ của trường trung học huyện Uyển khi tan học đều ngoan ngoãn trở về nhà. Nhưng hôm nay lại không giống mọi ngày, Thuấn Nhân ra khỏi lớp học, thấy nữ sinh cấp hai và cấp ba đang tụ tập ở tầng hai, mắt nhìn về phía sân vận động, bọn họ cười và hình như đang bàn tán chuyện gì đó.

Lý Triệt dẫn đầu mười mấy nam sinh chơi bóng rổ ở sân vận động, nhưng hôm nay không có các bạn nữ cổ vũ. Thuấn Nhân nhìn theo ánh mắt của các bạn nữ, thì ra Tử Chấn đang một mình ngồi đọc sách ở đó.

Trăn Trăn đứng sau Thuấn Nhân, nói: “Trời sắp tối rồi, cậu về trước đi, tớ đi gọi Tử Chấn.”

Thuấn Nhân đi qua sân vận động thì Lý Triệt gọi: “Lại đây cổ vũ cho anh đi.” Thuấn Nhân ngồi xuống xem cậu ta chơi, nhưng chưa được mười phút, cô bé cảm thấy chán nên đứng dậy bỏ đi.

Cô bé vừa đọc thầm: “Âm dương thù tính, nam nữ dị hành. Dương dĩ cương vi đức, âm dĩ nhu vi dụng, nam dĩ cường vi quý, nữ dĩ nhược vi mỹ” (1), vừa bực bội nghĩ, bạn bè cùng tuổi với mình, còn có ai đọc Nữ giới (2) đâu? Ông nội “thực cổ bất hóa” (3) lại bắt mình học thuộc lòng, thật là đáng sợ quá đi mất.

Thuấn Nhân đi men theo con đường cái về nhà. Đi qua hiệu ảnh của anh họ Trăn Trăn, nhìn thấy bên trong cửa kính có cô ma nơ canh mặc váy cưới. Theo khiếu thẩm mĩ của Thuấn Nhân thì bộ váy đó không đẹp lắm, trước ngực thêu thùa hơi rườm rà, màu sắc lòe loẹt. Cô bé ngẩng đầu nhìn cô người mẫu, rồi lại tưởng tượng ra cảnh mình mặc váy cô dâu không biết sẽ như thế nào. Nghĩ tới đó, cô bé chợt nhớ ra bên cạnh cô dâu phải có chú rể mặc com lê mới đúng, tự nhiên trong lòng rạo rực hẳn lên. Cô bé bỗng nhìn thấy Tử Chấn đang đứng cạnh ô cửa kính của cửa hàng. Thuấn Nhân giả vờ như không nhìn thấy, đứng lặng một hồi, muốn đợi cho khuôn mặt đang nóng bừng bừng của mình dịu lại, nhưng một lúc lâu sau, mặt cô bé càng đỏ ửng, cô bé chỉ còn biết cúi đầu đi về nhà.

Tử Chấn chạy lên phía trước, nói: “Có phải cậu muốn chụp ảnh không? Mình biết chụp, mình chụp cho cậu nhé?”

Hai má Thuấn Nhân vẫn đỏ ửng, cô bé không ngẩng lên, cũng không dừng lại, nói: “Được thôi, cậu chụp cho mình nhé.” Nhưng cảm thấy không mấy tự tin, cô bé lại hỏi: “Trăn Trăn đâu rồi? Cậu ấy nói về nhà với cậu mà.”

Tử Chấn nói: “Tớ thích đi một mình.”

Trời vừa tối, Thuấn Nhân đang ở trong nhà thì thấy Trăn Trăn gọi: “Anh tớ đánh nhau với Tử Chấn. Họ đang ở đồn cảnh sát, chúng mình mau tới đó thôi.”

Ông nội Thuấn Nhân đứng chống gậy ở cửa, giọng trách móc nói với Trăn Trăn: “Bọn nó đánh nhau, gọi Thuấn Nhân đi làm gì? Con gái con đứa, đêm hôm không được ra khỏi nhà, nếu muốn đi thì mình cháu đi đi, Thuấn Nhân còn phải ở nhà học bài.”

Trăn Trăn nói: “Ông ơi, Tử Chấn đến tìm anh cháu mượn máy ảnh, chắc là muốn chụp ảnh gì đó, chứ có chuyện gì to tát đâu, đi nói rõ với cảnh sát, để người ta thả hai người về. Thuấn Nhân đi cùng cháu thôi mà.”

Thuấn Nhân lẻn ra sau lưng ông rồi đi ra ngoài, nắm tay Trăn Trăn kéo đi. Ông nội tức quá, vứt chiếc gậy xuống nền gạch, nhưng bóng hai cô bé đã biến mất rồi.

Đi được nửa đường, họ gặp Vị Kỳ và Tử Chấn, người đi trước, kẻ đi sau, mặt ai cũng đùng đùng sát khí. Diệp Vị Kỳ nhìn thấy hai cô gái đi tới, liền nói to: “Thật chẳng ra sao, hôm nay con trai lão Kỳ trực ban, vừa thấy anh đã nói: “Chắc hiểu lầm thôi mà”, rồi chỉ nhắc nhở nó vài câu.” Anh vừa nói vừa chỉ vào Tử Chấn.

Dưới ánh trăng, trên mặt Tử Chấn hiện rõ một vết bẩn. Thuấn Nhân nhìn kỹ thì thấy đó là vết máu, miệng Tử Chấn cũng sưng lên. Cô bé đẩy mạnh Diệp Vị Kỳ, nói: “Sao anh lại đánh cậu ấy?”

Vị Kỳ miệng môi cũng sưng vù, thấy mình có lỗi, nhưng lại không chịu nhận, giọng phản kháng nói: “Người đánh là nó, anh sẽ không cho nó mượn máy ảnh.”

Thuấn Nhân hét lên: “Sao lại không cho mượn?”

Vị Kỳ càng cao giọng: “Cho em mượn thì được, cho nó mượn thì không, nó ăn cơm nhà họ Diệp, mặc đồ nhà họ Diệp, lại đi đánh anh, nó chán sống rồi.”

Tử Chấn lại hùng hổ xông vào đánh, Vị Kỳ loạng choạng ngã xuống, hai người vật nhau ra, trong bóng tối nhìn không rõ lắm, chỉ nghe thấy tiếng đấm bùm bụp.

Thuấn Nhân khóc òa.

Bố của Trăn Trăn quát mắng ầm ĩ, kéo hai người đang đánh nhau dưới đất đứng dậy, rồi nắm lấy cổ áo bọn họ lôi về nhà.

Bắt cả hai đứng ở gian nhà giữa, bố của Trăn Trăn cho Vị Kỳ một cái bạt tai: “Đã hai mươi mấy tuổi đầu rồi lại đi bắt nạt cái thằng mười ba, mười bốn tuổi, mày còn làm được cái gì nữa hả?” Nói đoạn, quay lại nhìn Tử Chấn.

Quần áo của Tử Chấn rách hết, mặt mày bẩn thỉu, lạnh lùng đứng một góc, dường như không có ý nhận lỗi. Bố Trăn Trăn nhìn cậu một lúc rồi nói: “Tao vốn không định nói thẳng ra đâu, nhưng chúng mày đã đánh nhau tới mức này, nên tao không nói không được. Bố mày và vợ bé đi Mỹ rồi, không quay về nữa, bố mày chỉ đưa tao chút tiền. Với số tiền nhỏ này mà nuôi một đứa học hết lớp mười hai thì chẳng biết thế nào cho đủ. Bố mày tuy là thầy giáo của Vị Kỳ, nhưng thực chất chỉ dạy nó có nửa năm, tình nghĩa cũng chẳng sâu đậm gì, thế mà sống chết đòi vứt mày ở cái nhà này, nhà tao dễ dãi nên mới để mày ở lại đây, nhưng mày cũng phải biết điều đó.”

Tử Chấn nói: “Bây giờ cháu sẽ đi, không cần nhà bác phải nuôi đâu.” Vừa dứt lời, cậu đã quay người đi ra cửa.

Trăn Trăn định giữ lại, nhưng bị bố mắng: “Cứ để cho nó đi. Đêm hôm thế này, chỉ có làm mồi cho lũ sói thôi.”

Chương 2RỜI XA QUÊ HƯƠNG

Thuấn Nhân nhìn qua cửa sổ, thấy Tử Chấn đi ra khỏi nhà Trăn Trăn. Cậu đứng lặng lẽ giữa đường, mắt cũng chợt nhìn về phía nhà Thuấn Nhân.

Thuấn Nhân nhẹ nhàng mở cửa sổ, vẫy tay gọi Tử Chấn. Tử Chấn chạy về phía đó, mặt nghếch lên cửa sổ nhìn Thuấn Nhân cười. Thuấn Nhân thổi nhẹ vào vết thương trên thái dương cậu, nói: “Đợi tớ một chút, tớ lấy thuốc bôi cho cậu.”

Cô bé rón rén mở cửa đi lấy thuốc, bỗng bắt gặp ông nội đang chống gậy nhìn, nét mặt giận dữ. Ông nội cầm gậy đánh vào lưng Thuấn Nhân: “Nửa đêm, mở cửa sổ thì thầm với con trai, học bao nhiêu chữ mà để đâu hết rồi hả, không thấy xấu hổ à?”

Thuấn Nhân đau đến nỗi chỉ biết kêu la. Tử Chấn nhảy qua cửa sổ, cố giằng lấy cây gậy từ tay ông nội Thuấn Nhân: “Ông ơi, ông đừng đánh bạn ấy, ông đánh cháu đi, hãy đánh cháu đi ông, đều là lỗi ở cháu!” Ông nội giận, ném cái gậy về phía Tử Chấn, cái gậy sượt qua vết thương ở thái dương. Tử Chấn đau quá, tay phải ôm lấy mặt, tay trái giữ chặt lấy tay ông, không ngừng van nài: “Ông ơi, ông đừng đánh Thuấn Nhân nữa, cháu xin ông mà, đừng đánh nữa!” Tử Chấn không cảm thấy máu từ thái dương chảy qua khe bàn tay rơi xuống đất. Ông nội ngạc nhiên vô cùng, kêu Thuấn Nhân nhanh đi lấy bông băng và thuốc.

Thuấn Nhân lấy thuốc sát trùng, nhẹ nhàng bôi lên vết thương, hai hàng nước mắt từ từ lăn xuống gò má. Ông nội nói: “Để nó ngủ ở phòng sau sảnh lớn một đêm đi, sáng sớm mai phải về nhà ngay.”

Ông nội quay về phòng, đôi mắt Tử Chấn sáng long lanh nhìn Thuấn Nhân rồi cười. Thấy đuôi tóc cột sau gáy của cô bé rối tung lên, mũi cô đỏ ửng, Tử Chấn nói: “Cậu đẹp lắm!”

Trong lòng Thuấn Nhân rạng ngời hạnh phúc, cô bé e thẹn cúi đầu cắt miếng gạc. Tử Chấn lại nói: “Cậu có nét hơi giống mẹ tớ.”

Nghe thấy vậy, Thuấn Nhân lại có vẻ hơi buồn, lông mày cau lại: “Tớ còn chưa già như mẹ cậu đâu.”

“Mẹ tớ không già chút nào.” Tử Chấn vội vàng phân bua: “Sau này cậu có dịp đến Bắc Kinh, tớ sẽ cho cậu xem ảnh của mẹ tớ. Mẹ tớ trẻ lắm, thật đấy.”

Thuấn Nhân dùng tay ấn nhẹ vào miếng dán ở thái dương Tử Chấn, bỗng cô bé hỏi: “Theo cậu, thế nào là một cô gái tốt?”

Tử Chấn nhíu mày nghĩ một hồi lâu, câu này dường như rất khó trả lời, một lúc sau mới nói: “Theo tớ, tiên nữ là tốt nhất, vừa xinh đẹp, vừa có thể biến hóa rất nhiều thứ, lại không bao giờ già. Nếu được ở cạnh tiên nữ thì sẽ không bao giờ cảm thấy đau khổ.”

Thuấn Nhân “hừm” một tiếng: “Trên đời này làm gì có tiên nữ, chỉ nhiều ma quỷ thôi, nửa đêm chúng sẽ ngồi trên nóc nhà cậu, thè cái lưỡi dài ngoằng ra gọi cậu.”

Tử Chấn nói: “Thật đấy, nếu có thể bay được lên trên trời thì tốt biết mấy, đó là nơi sạch sẽ nhất. Cậu có biết trên thời giới này, chỗ nào gần bầu trời nhất không?”

“Thì là dãy núi Himalaya đấy.” Thuấn Nhân còn nói thêm: “Cậu đến Tây Tạng, sau đó từ từ leo lên trời, chỗ đó chính là nấc thang để đi lên trời, lên đến đó thì thành tiên rồi.”

Tử Chấn biết cô bé đang cười nhạo mình nên có chút thất vọng, bèn nói sang chuyện khác: “Thuấn Nhân, ngày mai tớ phải về rồi.”

Thuấn Nhân hiểu ý Tử Chấn, cô bé ngạc nhiên hỏi: “Cậu có tiền mua vé rồi à?”

Tử Chấn lắc đầu: “Tớ lên tỉnh trước, sau đó bắt tàu hỏa về Bắc Kinh.”

Thuấn Nhân lại tò mò hỏi: “Cậu về Bắc Kinh tìm ai thế?” Tử Chấn nói: “Bà tớ ở Bắc Kinh, bà không biết tớ bị đưa đến đây. Tóm lại, về sẽ tốt hơn ở đây.”

“Bà nào thế?” Thuấn Nhân hỏi.

“Bà ngoại tớ.” Tử Chấn nhìn Thuấn Nhân với vẻ khẩn cầu: “Thuấn Nhân à, cậu chuẩn bị cho tớ một ít bánh bao nhé, đợi khi nào cậu đến Bắc Kinh, tớ sẽ mời cậu đi ăn kẹo hồ lô, ăn bao nhiêu cũng được.”

“Ồ, kẹo hồ lô”, cái này thì Thuấn Nhân biết. “Nó làm từ quả sơn trà, vỏ ngoài có bọc đường, đã từng thấy trên ti vi, nhưng tớ lại không thích ăn quả sơn trà.”

Tử Chấn lại dỗ dành: “Thế thì tớ sẽ dẫn cậu đi thăm Thiên An Môn nhé! Chúng ta sẽ thăm Cố Cung, sẽ được nhìn thấy quần áo, đồ trang sức, ghế ngồi, giường nằm của các hoàng hậu ngày xưa, thú vị lắm đấy.”

Nghe ra có vẻ thú vị hơn những thứ ở làng quê nhiều, Thuấn Nhân nói: “Để tớ xin ông nội mấy đồng để cậu bắt xe lên tỉnh, sau đó ngồi tàu hỏa về Bắc Kinh.”

Tử Chấn nói: “Cậu đừng coi thường tớ nhé, chỉ cần một ngày là tớ có thể về tới Bắc Kinh rồi.”

Thuấn Nhân không tin, cười hi hi trêu Tử Chấn: “Thời Tử Chấn, Thời Tử, Thời Tử, Tiểu Sư Tử! Sau này gọi cậu là Tiểu Sư Tử.”

“Thời ở đây nghĩa là thời gian, Tử Thời là nửa đêm, Chấn Thời là sáng sớm, cái tên này là do mẹ tớ đặt đấy, có nghĩa là, đi tới ánh sáng”, Tử Chấn nói. “Sư tử là vua của các loài vật, tớ thấy hay gọi tớ là Tiểu Thạch Tử đi.”

“Được đấy, thế thì gọi cậu là Tiểu Thạch Tử nhé.”

Cả hai đang nói chuyện thì ông nội bỗng đi đến đứng cạnh bàn, nói: “Ngày mai ông cùng Thuấn Nhân đến trường, xem kết quả thi cử của Tử Chấn thế nào, nếu cháu đỗ thì từ mai ăn cơm ở nhà ông, tối về nhà họ Diệp ngủ. Chờ đến khi nào thi đại học, ông sẽ cho cháu tiền xe về Bắc Kinh thi. Bây giờ đứa nào về phòng đứa đấy ngủ, còn ở đây thì thào to nhỏ nữa là ông đuổi đấy!”

Thuấn Nhân vội vàng thu gom bông băng bỏ vào hộp, trong lòng vui sướng, chốc chốc lại nghếch đầu liếc nhìn Tử Chấn, thấy cậu đang lè lưỡi trêu mình. Thuấn Nhân quay về phòng, mở tủ cất hộp bông băng, nhưng khi nhét cái hộp vào, tay lại bị vướng vào góc nhọn của chiếc hộp khác, Thuấn Nhân cầm ra, để lên bàn.

Tử Chấn nhìn thấy chiếc hộp xinh xắn, liền đi tới để nhìn kỹ hơn: “Chạm trổ rất tinh vi, xem ra chiếc hộp này có từ thời nhà Minh.”

Thuấn Nhân trợn tròn mắt, trong lòng rất khâm phục, nhưng lời nói ra thì ngược lại: “Sao cậu nói cứ như ông cụ non thế, đến mấy thứ này cũng biết à?”

Tử Chấn ngạo mạn nói: “Ăn nhằm gì? Từ nhỏ tớ đã biết nhìn mấy thứ này rồi.”

Thuấn Nhân gạt chiếc khóa cài, mở nắp hộp, lấy sợi dây để dưới đáy hộp ra, sợi dây được tết bằng da bò.

Thuấn Nhân cầm sợi dây đeo vào cổ tay Tử Chấn: “Lúc rảnh rỗi tớ tết đấy, xong rồi lại lười đeo, cất trong cái hộp này lâu rồi, tặng cậu đấy!” Nói xong, cô bé buộc hai đầu sợi dây lại, rồi đút ngón tay trỏ vào: “Ôi! Cậu đeo rộng quá, cũng không sao, đợi khi nào cậu lớn, sẽ vừa thôi!”

Tử Chấn hỏi: “Ai dạy cậu tết sợi dây này vậy?”

“Mẹ tớ đấy. Đây là sợi dây may mắn, buộc lại rồi sẽ không gỡ ra được. Nếu ước một điều, đợi khi nào sợi dây tự nhiên bị đứt, điều ước sẽ trở thành hiện thực.”

Tử Chấn nhắm mắt lại cầu nguyện. Thuấn Nhân thấy bộ dạng cậu có vẻ nghiêm túc nên cảm thấy rất buồn cười.

Một ngày trước kỳ nghỉ hè, kết quả cuối học kỳ được công bố. Tổng số điểm của Trăn Trăn đứng thứ năm cả lớp, cả năm đứng thứ mười chín.

Các học sinh đang bàn tán xôn xao trước tờ kết quả thi dán trên bảng, Thuấn Nhân tìm thấy tên mình vẫn chỉ đứng ở mức khá trở xuống. Xem xong từng môn, nghi ngờ điểm số môn toán cao hơn bình thường mười mấy điểm, cô bé định quay về lớp học giở bài làm ra xem lại. Vừa định quay người đi, nhưng cô lại quay lại, tìm tên Tử Chấn. Tên cậu ấy rất dễ tìm, chỉ cách cái tên Trăn Trăn có vài dòng. Thuấn Nhân nhìn thấy tên cậu cao như núi Thái Sơn, Tử Chấn xếp thứ nhất. Thấy vậy, cô bé nhoẻn miệng cười sung sướng.

Về đến lớp học, Thuấn Nhân xem lại bài thi từ đầu đến cuối. Mặt sau bài thi còn có câu hỏi phụ mười lăm điểm, Thuấn Nhân không làm, thầy giáo nhầm lẫn đã cộng thêm mười lăm điểm của phần này. Thế nên môn toán được một trăm linh năm điểm, nếu trừ đi mười lăm điểm thì chỉ còn lại chín mươi điểm. Thuấn Nhân nhìn thấy Trăn Trăn đang ngồi gần đó, liền vẫy tay gọi cô bé lại, đưa cho bạn xem bài thi của mình. Trăn Trăn liếc nhìn Thuấn Nhân: “Cậu không thể được điểm cao như vậy.”

Giọng Thuấn Nhân nhỏ lại: “Phải đấy, thầy chấm thừa mười lăm điểm. Tớ định tan học sẽ đến tìm thầy để sửa lại.”

Trăn Trăn nói: “Ngày mai nghỉ hè rồi, nếu như nghỉ hè xong mới sửa lại thì ai mà biết được cậu chỉ đạt chín mươi điểm, muốn sửa thì sửa bây giờ đi, cũng phải sửa lại bảng xếp hạng dán ở tường kia nữa.”

Thấy Thuấn Nhân im lặng, Trăn Trăn lại cao giọng: “Cậu có đi không? Cậu không đi là tớ báo cho cô chủ nhiệm đấy.” Thuấn Nhân vội cầm bài kiểm tra mang đến phòng giám hiệu. Trên đường đi ngang qua bảng xếp hạng, cô bé dừng lại nhìn một lúc, nếu như phải trừ đi mười lăm điểm thì tên của cô bé lại bị tụt xuống tám bậc nữa. Nấn ná hồi lâu, cô bé thở dài một tiếng, đành phải đến phòng giám hiệu vậy.

Thầy Vương dạy môn toán không có ở đó, Thuấn Nhân đến tìm cô giáo chủ nhiệm. Cô nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường: “Đã là buổi chiều rồi, bảng xếp hạng đó không kịp sửa nữa rồi, chờ thầy Vương về, em bảo thầy sửa ở bài kiểm tra là được rồi.”

Thuấn Nhân quay lại lớp học, ngại ngùng nói: “Thầy Vương không có ở đó, cô chủ nhiệm nói, bảng xếp hạng không cần sửa.”

Trăn Trăn nhắm mắt lại, không nói gì. Thuấn Nhân cúi đầu trở về chỗ của mình.

Tan học, Trăn Trăn đeo cặp chuẩn bị về nhà, Thuấn Nhân chờ Trăn Trăn đi ra cửa lớp học rồi mới thu dọn sách vở. Đến ngã ba gần đường Thạch Bản, nhìn thấy bóng dáng của Tử Chấn và Trăn Trăn, Thuấn Nhân định đi nhanh để đuổi kịp họ, nhưng rồi lại do dự, bước chậm lại. Cô bé nghe thấy tiếng Trăn Trăn nói: “Trà trộn vào đám đông để kiếm danh lợi, đúng là câu để nói loại người này, là bạn tốt của nhau, tớ mới không lên tiếng, chuyện này mà cả trường biết được thì sẽ chẳng có ai chơi với cậu ấy.”

Nghe thấy câu này, tim Thuấn Nhân đập mạnh hơn, lại nghe thấy Tử Chấn nói: “Đây cũng không hẳn là mưu đồ của cậu ấy, chỉ là cậu ấy may mắn mà thôi, tớ thấy người có vận may mới đúng là có thực lực.”

Trăn Trăn nói: “Điều này cũng chưa chắc, chắc chắn tớ sẽ đỗ vào trường hạng nhất, chứ cậu ấy đỗ được vào trường hạng ba đã là giỏi lắm rồi! Cái này không thể chỉ dựa vào vận may mà được đâu nhỉ?”

Tử Chấn không nói gì, chạy lên phía trước gọi to: “Lý Triệt, Lý Triệt! Chơi bóng không?”

Trăn Trăn quay đầu lại nhìn thấy Thuấn Nhân, định nói gì đó nhưng lại quay đầu đi tiếp.

Ông nội Thuấn Nhân đã suy nghĩ hai ngày nay, ông quyết định cho Thuấn Nhân lên tỉnh học. Ông nghĩ, Thuấn Nhân cũng lớn rồi, cần có một gia sư kèm cặp, hơn nữa kết quả học tập ở trường trung học huyện Uyển này tuy không tốt lắm, nhưng khi lên tỉnh, nó nhất định sẽ là đứa giỏi, cháu gái mình tài mạo song toàn cũng phải thôi. Nghĩ vậy, ông liền ra bưu điện gọi cho cô con gái đang ở trên tỉnh, nói cô giúp việc liên hệ chuyển trường.

Cô con gái đang sống trên tỉnh này là người con thứ ba của ông, tên Nhan Xuân Nam, đã kết hôn với một anh thủ trưởng trong quân đội. Ông Nhan tuy cũng có chân đứng trong trường đại học Bắc Kinh, nhưng trước mặt con gái cũng mất hết cả uy phong, dùng lời Nhan Xuân Nam mà nói thì là: “Thời của bố đã qua rồi.”

Thời của Nhan Xuân Nam là trong nhà phải có ô sin, có bảo vệ, phải theo phong cách phương Tây. Thời của ông Nhan lại ngồi ở cái nhà cũ kỹ gần đường Thạch Bản mà đọc Mao Trạch Đông toàn tập, trong cuộc sống thì cái gì cũng lơ mơ, động vào việc gì cũng không biết phải giải quyết thế nào. Ông Nhan không muốn cháu gái mình lạc vào cái thời của ông, xã hội bây giờ sang trang mới rồi thì để nó nhanh nhanh hòa nhập, nếu không sẽ bị cơn lốc xoáy của thời đại nhấn chìm. Cơn lốc ấy đã nhấn chìm con trai và con dâu ông rồi, cháu gái ông nhất định không được đi vào vết xe đổ đó.

Thuấn Nhân vốn định nhân dịp nghỉ hè sẽ về quê một người bạn cùng lớp chơi mấy ngày. Những ngọn núi dưới quê cao lắm, nếu trèo lên đó mà nhìn xuống dưới, cánh đồng lúa giống như bàn cờ, xanh xanh từng mảng, xa xa là những ngôi nhà tường trắng ngói đen, mây bay quanh những ngọn núi, giống như những làn khói bất tận, không khí trong lành, mát mẻ.

Trên thành phố thì làm gì có những cảnh sắc này. Ở đó chỉ có nhà cao, xe cộ đi lại tấp nập, có quần áo thời trang và giọng nói cũng khác. Thuấn Nhân vừa mừng vừa tủi, cô bé đi lại trong phòng suy nghĩ một lúc lâu, nói với ông là còn chưa tạm biệt Trăn Trăn rồi đi ra ngoài.

Trăn Trăn nghe Thuấn Nhân nói cô sắp phải đi, liền nói: “Viết thư hay gọi điện cho tớ nhé, điện thoại nhà cô cậu có đơn vị chồng cô ấy trả tiền nên gọi thoải mái, nhà tớ cũng sắp lắp điện thoại rồi, cậu có thể gọi tới chỗ anh tớ, nhờ anh ấy gọi tớ sang nghe.”

Thuấn Nhân gật đầu, nhưng mắt vẫn ngó nghiêng tìm kiếm.

Trăn Trăn nói: “Tử Chấn đến thôn Đường phụ đạo cho Tôn Chính Quảng rồi, ngày mai mới về. Tớ sẽ chuyển lời cho cậu.”

Thuấn Nhân “ừ” một tiếng, chần chừ một lát rồi lại nói:

“Tớ ghi cho cậu số điện thoại nhà cô tớ nhé?”

Trăn Trăn nói: “Không cần đâu, cậu gọi cho tớ là được rồi, cậu gọi về thì không mất tiền.”

Nhà của cô Thuấn Nhân là một ngôi nhà nhỏ màu hồng có hai tầng. Đến nơi, cô đã đứng đón ở cổng. Bảo vệ và người giúp việc vội xách va li hành lý của ông cháu Thuấn Nhân vào nhà. Cô bé chào cô một tiếng rồi vào theo ông.

Xuân Nam tự tay đi rửa táo, rồi bưng một đĩa lên phòng khách. Thuấn Nhân vẫn đứng đó, không dám ngồi. Xuân Nam thấy vậy cười và nói với ông Nhan: “Bố, sao bố lại để cho nó quê mùa, cứ như là lần đầu ra tỉnh thế? Gia đình nhà ta dù sao cũng là mấy đời dòng dõi quan lại kia mà.”

Ông Nhan có vẻ không vui: “Sao lại gọi là quê mùa được? Đấy gọi là lễ phép. Người lớn còn chưa ngồi, trẻ con sao dám ngồi? Từ lúc văn hóa phương Tây du nhập vào thì đen trắng, phải trái đảo lộn hết cả.”

Thuấn Nhân với đĩa trái cây, gọt táo mời ông, Xuân Nam ngắm cô bé từ đầu đến chân, nói: “Nhìn dễ thương thật đấy, toàn chọn những nét đẹp của bố mẹ. Thế nào? Ngày mai cô đưa cháu đi chơi công viên nhé?”

Tuy hỏi thế thôi, nhưng cô đã quay sang nói với anh bảo vệ: “Tiểu Giang này, cậu gọi cho thư ký Phương, bảo anh ta thông báo cho công viên Cổ Thành ngày mai đóng cửa sớm một tiếng, tôi muốn đi dạo một vòng.”

Ông Nhan vội xua tay, nói: “Thôi đi, thôi đi, bố không thích thế đâu, họ mở cửa khi nào thì chúng ta đến lúc đó, đừng có làm phiền họ.”

Xuân Nam cũng không ép, cô dẫn Thuấn Nhân đi xem hết tầng trên lại xuống tầng dưới, có phòng vệ sinh, phòng cho người giúp việc, kho, phòng khách, phòng đọc sách, phòng bếp, ban công. Xuân Nam chọn một phòng nhỏ quay về hướng nam cho Thuấn Nhân ở. Cô chỉ cho cô bé biết công tắc bóng đèn, ổ cắm ở đâu, rồi lại nói: “Chú của cháu bị suy nhược thần kinh, nên cháu nhớ là phải đi ngủ trước mười một giờ tối nhé.”

Thuấn Nhân hỏi: “Thế lỡ bài tập còn chưa làm xong thì sao hả cô?”

Xuân Nam tiện tay bê chậu hoa trên bàn ra ngoài ban công rồi nói: “Thì không làm nữa, hôm sau làm cũng được mà.”

Mới đến được có hai, ba ngày, Xuân Nam đã mua cho Thuấn Nhân bao nhiêu là quần áo, giày dép đẹp. Anh bảo vệ tên Tiểu Giang còn lái xe đưa cô bé đi dạo mấy khu mua sắm.

Thuấn Nhân thấy chán, nhà ở đây không cao như trong tưởng tượng, xe cộ cũng không nhiều, đường phố rất rộng, đến mức không biết đi đâu. Hơn nữa lại không có người bạn thân nào để nói chuyện. Cô của Thuấn Nhân có hai người con trai, cả hai đều chưa tới mười tuổi và rất nghịch nghợm, hết leo trèo rồi lại phá phách.

“Sắp đến ngày khai giảng rồi“, Thuấn Nhân nghĩ. Thuấn Nhân không thích dạo phố lắm, cả ngày chỉ ngồi đọc sách trong phòng đọc của chú. Những loại sách cổ điển kiểu Tứ thư, Ngũ kinh, Nhị thập tứ sử, nhà ở huyện Uyển đều có, cô bé lại lấy Bàn về chiến tranh của Carl Von Clausewitz (1) ra đọc, được vài trang, cảm thấy không thể đọc tiếp được nữa bèn gập sách lại. Cô bé lại nhìn thấy trên bàn có chiếc điện thoại, cầm trên tay nghịch nghịch một hồi rồi gọi đến hiệu ảnh của anh họ Trăn Trăn. Diệp Vị Kỳ nghe thấy giọng của Thuấn Nhân ở đầu dây bên kia thì mừng lắm, cô bé hỏi Trăn Trăn có ở đó không, Vị Kỳ nói cô ấy đã về quê chơi rồi. Hai người nói chuyện một lát, thấy không còn gì để nói nữa, Thuấn Nhân định cúp máy, nhưng chần chừ vài giây rồi lại nói: “Phiền anh gọi hộ Tử Chấn qua nghe điện thoại.”

Vị Kỳ nói: “Nó cũng không có ở nhà.”

Thuấn Nhân lại hỏi tiếp: “Cậu ấy đi đâu thế?” Vị Kỳ đáp: “Không biết.”

Thuấn Nhân không tin lời Vị Kỳ nói, nhưng lại ngại không dám hỏi tiếp, đành buồn thiu đặt điện thoại xuống, nhìn lên trần nhà. Cô bé nghĩ, là con gái chán thật, muốn tìm một người cũng phải rào trước đón sau, trong lòng muốn nói lại không thể nói ra. Ngày nhỏ ghét đọc mấy quyển sách cổ văn, nhưng rốt cuộc nó cũng có cái lý của nó, đều là những thứ mà ông cha đã đúc kết lại qua mấy nghìn năm, không nghe thánh hiền dạy bảo, chắc chắn sẽ không thu được quả ngọt.

Thuấn Nhân mở ngăn bàn, lấy ra một tập giấy viết thư, để lên bàn, dùng tay xoa xoa cho phẳng, rồi mở nắp bút ra, tên người nhận để trống, chỉ nắn nót viết hai chữ: “Xin chào”, theo sau là một dấu chấm than, rồi xuống dòng viết ba chữ: “Tiểu Sư Tử.” Suy nghĩ đắn đo một hồi, lại xóa đi, viết thành: “Thời Tử Chấn.” Nhìn một hồi, cô bé vẫn cảm thấy không được thỏa đáng cho lắm, lại xóa đi, cuối cùng quyết định không viết họ tên nữa mà để trống một dòng dưới chữ: “Xin chào”, mở đầu bằng câu: “Một mình nơi tha hương làm khách lạ”, trong lòng nghĩ mở đầu bằng mấy câu thơ cho bức thư thêm phần sinh động.

Viết mãi cũng chỉ được có ba dòng, đọc đi đọc lại mấy lần, thấy cũng không hay lắm, cô bé dừng bút, suy nghĩ. Viết thư cho Tử Chấn không phải là cách hay, cậu ấy sẽ nghĩ mình có ý gì đó, như thế thì thật mất mặt, hay là gọi cho cậu ấy một cú điện thoại, như thế sẽ tự nhiên một chút, kiểu gì chả có lúc cậu ấy ở nhà.

Suy đi tính lại, Thuấn Nhân liền xé vụn tờ giấy, sau đó gom lại, soi dưới ánh mặt trời xem có đọc được chữ gì không, nhìn kỹ thì chỉ thấy dấu chấm than sau chữ “xin chào”, còn lại đều không rõ nữa, thế là cô bé cất tập giấy viết thư vào trong ngăn kéo, lôi quyển Bàn về chiến tranh ra xem. Nghe thấy bên ngoài có tiếng ồn, thấy không thể nuốt nổi mấy dòng chữ cứng nhắc ấy nữa, cô bé đành bỏ sách xuống, nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Bầu trời ở đây không cao như ở huyện Uyển, nó thấp lắm, dường như với tay cũng có thể chạm tới, bầu trời chỉ có một màu xanh xám. Đã lâu rồi Thuấn Nhân không nhìn thấy mặt trời.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button