Review

Tỷ Phú Bán Giày

Thể loại Khởi nghiệp
Tác giả Tony Hsieh
NXB NXB Lao Động Xã Hội
Công ty phát hành Alphabooks
Số trang 320
Ngày tái bản 11-2016
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Tỷ Phú Bán Giày không phải là một cuốn sách dạy cách làm giàu tuần tự theo các bước 1 – 2 – 3,… cũng không hẳn là một cuốn sách chỉ dẫn bí quyết kinh doanh hay nghệ thuật quản lý. Là hành trình tìm ra chân lý của Hạnh phúc, Đam mê và Lợi nhuận, Tỷ Phú Bán Giày kể câu chuyện về thành công và thất bại của tác giả từ những thương vụ kinh doanh được khởi nghiệp từ khi 9 tuổi. Những trang trại giun đất, làm cúc áo thủ công, bán pizza ở Harvard,… đã trở thành nền móng cho một LinkExchange và sau này là Zappos lừng danh.

Với Tỷ Phú Bán Giày, người đọc sẽ nhận được cảm hứng, nhiệt tình và cả một chút điên rồ cho những ý tưởng kinh doanh mà nghe qua tưởng như rất liều mạng. Nhưng với Zappos, Tony Hsieh đã tạo dựng được một thương hiệu về “văn hóa công ty” – chìa khóa thành công để theo đuổi một môi trường làm việc năng động và những dịch vụ xuất sắc.

©

Là cuốn sách bán chạy nhất trên trang Amazon.com: xếp thứ 1 trong các sách về Dịch vụ khách hàng; xếp thứ 5 trong các sách về Marketing và Bán hàng; và xếp thứ 7 trong các sách về Quản lý.

Cuốn sách là một câu chuyện về một doanh nghiệp thành công, trong đó, Tony Hseih chia sẻ những bài học kinh doanh khác nhau mà ông đã học được trong cuộc đời, từ một quầy bán nước chanh và cửa hàng bán pizza cho tới LinkExchange, Zappos.

Hsieh – CEO của Zappos đã trưởng thành từ một cậu sinh viên làm kinh doanh của trường Harvard non nớt thành nhà sáng lập của một thương hiệu cực kỳ lớn mạnh sau những năm tháng làm việc như một kẻ lập dị về lĩnh vực dot com và đã có những lúc tưởng như khánh kiệt và phải bán hết các tài sản mà anh có để có vốn hoạt động. Sau khi bán công ty mạng LinkExchange cho Yahoo! vào năm 1999 với 265 triệu đô la, Heish đã tham gia sáng lập Zappos và giúp công ty này đạt được tăng trưởng ngoạn mục, với doanh thu hơn 1 tỉ đô la.

Tính đến khi Zappos được mua lại bởi Amazon với hơn 1.2 tỉ đô la vào năm 2009, Hsieh và nhóm cộng sự của anh đã xây dựng được văn hoá doanh nghiệp độc đáo với việc tập trung vào việc trao quyền lực cho nhân viên và lời hứa đem lại hạnh phúc thông qua sự hài lòng của khách hàng và một nơi làm việc tốt đẹp.

Tỉ phú bán giày – Câu chuyện về công ty Zappos.com được Amazon mua lại với giá 1.2 tỉ đô (Delivering Happiness) là một câu chuyện về một doanh nghiệp thành công, trong đó, Tony Hseih chia sẻ những bài học kinh doanh khác nhau mà ông đã học được trong cuộc đời, từ một quầy bán nước chanh và cửa hàng bán pizza cho tới LinkExchange, Zappos…Ông cũng đã lý giải việc tập trung vào văn hoá doanh nghiệp có thể dẫn tới những thành công không thể ngờ như thế nào: khiến dịch vụ khách hàng trở thành nhiệm vụ của toàn công ty, không phải chỉ một bộ phận; tập trung vào văn hoá doanh nghiệp như ưu tiên số 1; áp dụng nghiên cứu từ khoa học về hạnh phúc vào việc điều hành doanh nghiệp; giúp nhân viên trưởng thành trong cuộc sống và sự nghiệp.

Cuối cùng, ông cho chúng ta thấy hiệu quả của việc dùng sự hạnh phúc như một khuôn khổ có thể tạo ra lợi nhuận, đam mê, và mục đích trong cả công việc và trong cuộc sống. Trên Amazon.com, “Tỉ phú bán giày – Câu chuyện về công ty Zappos.com được Amazon mua lại với giá 1 tỉ đô” xếp thứ 23 trong số 100 các cuốn sách bán chạy nhất, xếp thứ nhất trong các sách bán chạy nhất về Quản lý, xếp thứ nhất trong các cuốn sách bán chạy nhất về Dịch vụ khách hàng và xếp thứ nhất trong các cuốn sách về kỹ năng Truyền thông.

“Cuốn sách này thật đáng kinh ngạc. Cách mà Tony giúp doanh thu của Zappos tăng trưởng đến 1 tỉ đô la trong 10 năm mới chỉ là sự khởi đầu. Từ việc gây vốn tới việc tìm kiếm được hạnh phúc, từ các thư từ thực tế tới các checklists đều mang đúng nghĩa của nó. Đặc biệt cá nhân và đặc thiết thực.”

– TIM FERRISS, tác giả cuốn sách bán chạy số 1 trên New York Times, cuốn The 4-Hour Workweek (Tuần làm việc 4 giờ)_

[taq_review]

Review

Lương Hoàng Như

Mình cảm thấy thật may mắn vì đã chọn cuốn này. Tỷ phú bán giày k hẳn dạy bạn cách làm giàu mà truyền tải điều sâu xa hơn đó là niềm tin và sự quyết tâm, nỗ lực, làm việc bằng tâm huyết sẽ tạo ra thành công. Cuốn sách kể câu chuyện về việc vượt qua khó khăn để đến thành công những người tâm huyết với công việc

Cách truyền tải dễ đi vào lòng người đọc. Không nhàm chán. Nói chung đây là cuốn sách đáng mua, đáng đọc.

Trần Việt Hùng

Mình đọc bản tiếng Việt của cuốn sách này ở Miki, tuy nhiên phải khẳng định “Tỉ Phú Bán Giày” không truyền tải đủ lí do tại sao tác giả Tony Hsieh (CEO Zappos.com) chọn tiêu đề “Delivering Happiness” cho quyển sách. Thực ra, tiêu đề của sách là 1 cách chơi chữ của công ty thương mại điện tử: Zappos của Tony không chỉ “giao hàng” cho bạn, mà họ có một sứ mệnh lớn lao hơn nhiều là “giao” cho bạn cả niềm vui thích trong từng gói hàng. Đọc đến cuối, “Delivering Happiness” của Tony Hsieh không dừng ở khách hàng, mà còn nhắm đến từng nhân viên Zappos, và bất ngờ hơn: từng người đọc quyển sách sách.

(Bạn có thể đọc tiếp mà không sợ biết quá nhiều về nội dung sách – minimal spoiler alert)

Cuốn sách là đầu tiên câu chuyện cá nhân, câu chuyện khởi nghiệp của chàng trai trẻ Tony Hseih (đọc là “shay”), sau là câu chuyện về sự phát triển của Zappos từ ngày là một ý tưởng bị Tony từ chối đầu tư cho tới ngày công ty đạt doanh thu 1 tỉ đôla vào năm 2008 (trong khi mục tiêu ban đầu là 2010).

Tóm gọn nhất cảm nhận của mình về quyển sách là: “Má ơi, đã quá!” Đã ở chỗ nào? “Đã” khi đọc và cảm thấy hừng hực về máu kinh doanh của Tony: ngay từ những ngày còn nghịch đất ngoài vườn, cậu bé Tony đã đòi bố mẹ cho tiền để nuôi bán giun lấy lời, tới thành công đầu tiên của cậu học sinh cấp 2 mỗi tháng kiếm được 300 đôla nhờ việc bán… nút áo, đến tận ngày lập nên LinkExchange và bán cho Microsoft trong 17 tháng với giá 265 triệu đô. “Đã” cho tới lúc “nhà đầu tư thiên thần” Tony dốc những đồng tiền cuối cùng, thậm chí bán nhà vì anh tin vào tương lai của Zappos. Những cái “đã” khi ta đọc về Tony không phải ở những tường thuật về thành công, thất bại của anh, của Zappos, mà từng cảm xúc và hoài bão chân thật của anh ở từng chặng đường.

Cái “đã” khác là những gì ta học được từ Zappos: tôn trọng phát triển văn hoá, và đặt trải nghiệm khách hàng lên hàng đầu. Với câu chuyện về công ty, Tony không chỉ dùng lời kể của mình, mà còn trích rất nhiều lá thư của các thành viên Zappos. Mình đặc biệt nhớ câu chuyện một trong những thành viên sáng lập gác tất cả công việc và cuộc sống và đi đến kho của Zappos ở một bang khác, và ở đó tới 3 tháng để “xử lý vấn đề.” Đó là một mức độ cống hiến đáng kinh ngạc & đáng học tập. Một chi tiết đáng ý ý khác là cuốn “Cẩm nang văn hoá Zappos” được tổng hợp hàng năm, là tập hợp hàng trăm bài chia sẻ cảm nghĩ (không biên tập, cắt sửa) về công ty. Điều tuyệt vời ở Zappos là dù ngày trước công ty chưa xác lập 10 giá trị cốt lõi, gần như tất cả các bài chia sẻ đều có một âm hưởng, nói về những giá trị chung. Ta có cảm từ những chia sẻ này dường như Zappos giống một gia đình siêu lớn hơn là một công ty, một điều khá bất ngờ (và dường như hơi khó tin) khi nhìn vào bình diện chung của môi trường làm việc ở nhiều nơi. Quá trình tuyển dụng “The Pipeline” của Zappos cũng là một phần đáng đọc của sách. Có một email chia sẻ một cô nhân viên Zappos mình đặc biệt nhớ là cách cô ứng dụng khái niệm “Pay it forward – Làm việc tốt chuyền tay”.

Cuối cùng, khi đọc “Delivering Happiness”, hãy chú ý vào những thông điệp thay vì nhìn vào thành công của Tony. Hiển nhiên anh ta có thể làm bạn khá choáng ngợp: lớn lên trong những điều kiện thuận lợi, và anh đậu và tất cả các trường lớn nhất của Mỹ, cuối cùng học Harvard, sau khi ra trường lại được nhận vào làm ở Oracle và dần… chán việc nên lập lên LinkExchange, và bán nó với giá 265 triệu đô sau 17 tháng. Người đọc không nên so sánh với những thành quả của Tony mà nên lấy cảm hứng từ những suy nghĩ, hoài bão từ cậu học sinh tiểu học Tony, đến những chia sẻ của anh trong mỗi thành công thất bại sau này.

Về mặt bản dịch, người dịch làm khá tốt việc dịch thuật các thuật ngữ kinh doanh, đầu tư cũng như về kĩ thuật. Vẫn có những chỗ dịch có cảm giác gượng do chưa có từ tương đương tiếng Việt, nhưng số lượng này rất ít và không ảnh hưởng đến trải nghiệm đọc.

Dương Thị Kim Tâm

Mình tìm được quyển sách này khi tìm kiếm loại sách được viết ra từ chính các doanh nhân.. Mình đặc biệt thích quyển sách vì tác giả là chính Tony Hsieh, CEO của Zappos – là một trong những công ty được lấy làm ví dụ trong quyển Principles of Marketing của Philip Kotler. Phải nói là quyển sách rất hay và nên đọc đối với các bạn trẻ yêu thích kinh doanh. Quyển sách cho mình cái nhìn sâu sắc về việc theo đuổi đam mê và tạo dựng văn hóa doanh nghiệp. Sách cũng củng cố thêm quan điểm kinh doanh rất áp lực, như cũng đầy hứng thú. Rất hay, rất nên đọc.

Phan Ngọc Chiêu Quyên

Cuốn sách là tự truyện của tác giả kể về quá trình khởi nghiệp của bản thân, câu chữ không thật sự trau chuốt, văn vẻ nhưng mang hơi thở của tuổi trẻ, của khát vọng theo đuổi đam mê, lý tưởng của mình. Câu chuyện đưa người đọc trôi từ cảm xúc hào hứng, phấn khởi khi tác giả thành công ngay ở lần đầu khởi nghiệp với dự án LinkExchange đến hụt hẫng một chút khi bán dự án này và bắt đầu loay hoay tìm cho mình một hướng đi mới. Để rồi hồi hộp dõi theo bao thăng trầm, bao lần lâm vào cảnh trắng tay để nuôi, giữ đứa con tinh thần mới là công ty Zappos. Dư vị còn lại của cuốn sách đối với tôi không phải là cái kết có hậu trong một câu chuyện khởi nghiệp, công ty được AMAZON thu mua với giá 1,2 tỷ đô la mà là những nỗ lực, quyết tâm, ý chí không lùi bước của CEO Tony Hsieh trước khó khăn, cùng với cách đôi nhân xử thế, trân dụng yếu tố con người của ông đã truyền cảm hứng và tình yêu công ty đến với mỗi nhân viên, xây dựng một văn hóa công ty thực sự đáng ngưỡng mộ.

Phạm Minh Hằng

Cuốn sách là những trải nghiệm của Tony Hsieh từ những phi vụ kinh doanh nhỏ đầu tiên đến tận khi trở thành ông chủ của Zappos. Tony là người rất thú vị, anh bắt đầu kinh doanh từ khi 9 tuổi. Khi anh kiếm được rất nhiều tiền nhưng không thấy thỏa mãn, anh lại tiếp tục con đường đi tìm niềm đam mê thực sự của mình và anh đã tìm thấy tại Zappos. Bạn sẽ tìm được rất nhiều lời khuyên bổ ích từ một con người đã từng trải, mình thấy thích nhất là đoạn anh so sánh việc đánh bài poker với công việc kinh doanh. Tuy nhiên mình lại hy vọng cuốn sách nói chi tiết hơn về việc anh đã xây dựng văn hóa công ty như thế nào và đem lại niềm vui cho khách hàng ra sao. Dù sao đây cũng là cuốn sách thú vị và bổ ích cho các bạn trẻ yêu thích kinh doanh.

Trích đoạn

Lời nói đầu.

Hầu hết cuộc đời mình, tôi là một nhà kinh doanh. Tôi nghĩ đó là do tôi luôn thích sáng tạo và thử nghiệm, áp dụng những bài học mà tôi học được vào cả những cơ hội làm ăn mới cũng như cuộc sống cá nhân.

Năm 1996, tôi đồng sáng lập ra LinkExchange và đã bán lại công ty này cho tập đoàn Microsoft vào năm 1998 với giá 265 triệu đô-la.

Năm 1999, tôi tham gia Zappos với tư cách là chuyên gia tư vấn và nhà đầu tư, và sau này, tôi trở thành Tổng Giám đốc của Zappos. Chúng tôi đã phát triển công ty từ con số 0 vào năm 1999 lên đến hơn 1 tỷ đô-la tổng doanh thu bán hàng mỗi năm.

Năm 2009, Zappos được Amazon mua lại với mức giá 1,2 tỷ đô-la.

Trong con mắt của những người ngoài cuộc, dường như cả hai công ty của tôi đều rất thành công, nhưng cũng đã có rất nhiều sai lầm mắc phải và bài học rút ra trong suốt quá trình gây dựng và phát triển. Rất nhiều triết lý cũng như cách thức tiếp cận của tôi được đúc kết từ những trải nghiệm trong quá trình trưởng thành.

Tôi cũng là một độc giả đam mê đọc sách. Ở Zappos, chúng tôi luôn khuyến khích nhân viên đọc sách trong thư viện công ty để phát triển cả nhân cách lẫn năng lực chuyên môn. Rất nhiều cuốn sách đã ảnh hưởng tới tư duy của những người ở Zappos và giúp chúng tôi gặt hái thành công như ngày hôm nay.

Tôi viết cuốn sách này để giúp mọi người tránh mắc phải những sai lầm như tôi. Tôi cũng hy vọng cuốn sách sẽ thúc đẩy các bạn trẻ thành lập doanh nghiệp cũng như khuyến khích các doanh nhân muốn thách thức lối suy nghĩ thông thường và tạo ra những con đường riêng dẫn tới thành công.

Kết cấu của cuốn sách

Cuốn sách được chia thành ba phần.

Phần một có tựa đề “Lợi nhuận”, bao gồm những câu chuyện về quá trình trưởng thành và con đường đến với Zappos của tôi. Một số chuyện kể về những cuộc phiêu lưu đầu tiên của tôi với tư cách là một nhà kinh doanh, nhiều câu chuyện khác kể lại việc khi còn nhỏ tôi đã chống lại những kỳ vọng của cha mẹ như thế nào.

Phần hai, “Lợi nhuận và đam mê”, có tính định hướng kinh doanh nhiều hơn, gồm rất nhiều triết lý sống quan trọng mà chúng tôi đã tin tưởng và áp dụng tại Zappos. Tôi cũng chia sẻ một số email và tài liệu quốc tế mà hiện nay chúng tôi vẫn đang sử dụng.

Phần ba có tựa đề “Lợi nhuận, đam mê và mục tiêu”. Nó phác họa tầm nhìn của chúng tôi tại Zappos để đưa mọi thứ phát triển lên một tầm cao mới, và hy vọng bạn cũng sẽ làm được như chúng tôi.

Cuốn sách này không phải là những trang sử đầy đủ về Zappos hay bất cứ doanh nghiệp nào tôi từng làm trước đây. Nó cũng không phải là một cuốn tiểu sử toàn diện về tôi. Về cơ bản, tôi không nhắc tới những người đã đóng góp hay có vai trò quan trọng trong cuộc đời tôi. (Nếu tôi có nhắc đến thì điều đó cũng chỉ nhằm giúp độc giả có thể theo dõi và nhớ được nội dung cuốn sách.) Cuốn sách này đưa ra những điểm nổi bật của hành trình khám phá cách thức tìm kiếm hạnh phúc trong sự nghiệp kinh doanh và cuộc sống của tôi.

Cuối cùng, khi đọc cuốn sách này, có thể bạn sẽ nhận thấy một số câu chữ không hoàn hảo về mặt ngữ pháp tiếng Anh. Ngoại trừ những cống hiến của bên thứ ba cho cuốn sách này, điều đặc biệt là tôi đã viết cuốn sách này mà không hề sử dụng nghệ thuật chấp bút. Tôi không phải là một nhà văn chuyên nghiệp và trong nhiều trường hợp, tôi cố tình làm những việc có thể sẽ khiến các giáo viên ngôn ngữ ở phổ thông của mình khó chịu, chẳng hạn như kết thúc một câu bằng một giới từ. Tôi làm như vậy một phần vì muốn lối viết văn phản ánh được cách nói thông thường của tôi, một phần để chọc tức những người thầy dạy ngôn ngữ phổ thông của mình (những người tôi thật sự tôn trọng).

Tuy tôi không sử dụng nghệ thuật chấp bút nhưng có rất nhiều người đã ở bên cạnh giúp đỡ tôi bằng những phản hồi, gợi ý và khuyến khích. Tôi rất cảm ơn họ vì những đóng góp này. Sẽ không có đủ chỗ để liệt kê hết những người đã hỗ trợ tôi nhưng tôi đặc biệt muốn gửi lời cảm ơn tới Jenn Lim, người bạn thân và là một bộ não dự phòng tuyệt vời. Cô là người quản lý và tổ chức trong suốt quá trình làm ra toàn bộ cuốn sách, là người chủ chốt không thể thiếu của cuốn sách, từ thời điểm bắt đầu cho đến khi hoàn tất. Cô cũng là người đã thu thập và giúp hiệu đính những đóng góp của mọi người, một số được tôi liệt kê trong cuốn sách này và còn rất nhiều đóng góp khác được tôi nhắc đến tại trang web www.deliveringhappinessbook.com.

Tìm kiếm con đường cho bản thân.

Ồ, tôi tự nhủ.

Căn phòng chật kín người. Tôi đứng trên sân khấu trong buổi gặp mặt nhân viên, nhìn xuống đám đông 700 nhân viên của Zappos đang đứng dưới và vỗ tay tán thưởng. Rất nhiều người trong số họ thậm chí cứ để mặc những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên khuôn mặt.

Bốn mươi tám giờ trước, chúng tôi thông báo với thế giới rằng Amazon sẽ mua lại Zappos. Với phần còn lại của thế giới, đó hoàn toàn là vấn đề tiền bạc. Nhan nhản những tít báo ấn tượng như “Amazon mua Zappos với giá 1 tỷ đô-la”, “Cuộc thu mua lớn nhất trong lịch sử Amazon”, hay “Người ta kiếm được gì từ thương vụ Zappos?”.

Tháng 11 năm 1998, LinkExchange, công ty do tôi đồng sáng lập, đã được Tập đoàn Microsoft mua lại với giá 265 triệu đô-la chỉ sau hai năm rưỡi hoạt động. Và bây giờ, tháng 7 năm 2009, trong vai trò là CEO của Zappos, tôi vừa thông báo rằng Amazon sẽ mua lại Zappos, ngay sau lễ kỷ niệm mười năm thành lập. (Thương vụ chính thức được diễn ra vài tháng sau đó, thông qua giao dịch chứng khoán và tiền mặt với giá trị cổ phiếu ở mức 1,2 tỷ đô-la vào ngày đóng cửa phiên giao dịch). Trong cả hai trường hợp trên, các vụ giao dịch có vẻ giống nhau: cả hai công ty đều tạo ra 100 triệu đô-la mỗi năm. Nhìn bề ngoài, dường như lịch sử đã lặp lại, chỉ khác ở quy mô lớn hơn.

Nhưng hoàn toàn không phải như vậy.

Toàn bộ nhân viên công ty đều có mặt trong căn phòng này, chúng tôi biết rằng vấn đề không chỉ là tiền bạc. Chúng tôi đã cùng nhau gây dựng một doanh nghiệp kết hợp giữa lợi nhuận, niềm đam mê và mục tiêu. Và chúng tôi biết rằng, đó không chỉ đơn thuần là việc gây dựng một doanh nghiệp. Đó còn là việc xây dựng một phong cách sống mang đến hạnh phúc cho tất cả mọi người, trong đó có cả chính chúng tôi.

Thời gian dường như ngừng lại tại khoảnh khắc tôi đứng trên sân khấu này. Lòng nhiệt tình và cảm xúc của mọi người trong khán phòng làm tôi nhớ lại lần đầu tham gia buổi nói chuyện với nhân viên mười năm về trước, cái thời khắc tôi đã chứng kiến hàng nghìn người say mê nhảy múa hết mình trong những điệu nhạc du dương. Ngày đó, một tập thể đã gắn kết với nhau dựa trên bốn giá trị cốt lõi, là PLUR: Peace (hoà thuận), Love (yêu thương), Unity (đoàn kết) và Respect (tôn trọng).

Ở Zappos, chúng tôi đã đạt được mười giá trị cốt lõi do chính mình tạo ra. Những giá trị đó đã giúp chúng tôi gắn kết với nhau và cũng chính là những yếu tố quan trọng trên con đường dẫn chúng tôi đến khoảnh khắc ngày hôm nay.

Nhìn vào đám đông, tôi nhận ra rằng mỗi người đều đã đi một con đường khác nhau để đến cái đích ngày hôm nay, nhưng ở mức độ nhất định, những con đường đã giao nhau ở những điểm nào đó. Tôi nhận ra rằng con đường dẫn tôi đến đây bắt đầu từ trước khi có Zappos, và thậm chí trước khi có LinkExchange. Tôi nghĩ về tất cả những công việc kinh doanh khác nhau mà tôi từng làm, những người tôi đã gặp trong đời và những cuộc phiêu lưu mà tôi đã trải qua. Tôi cũng nghĩ về những sai lầm tôi đã mắc phải và những bài học tôi rút ra được. Tôi nhớ lại thời đại học, thời phổ thông, thời trung học và thời tiểu học.

Khi mọi ánh mắt trong căn phòng đều cùng hướng về tôi, tôi cố gắng lần lại dấu vết con đường mình đã bắt đầu. Tôi đã thực hiện một hành trình ngược thời gian trong tâm trí để tìm ra câu trả lời. Cuộc đời tôi cứ hiện vụt lướt qua trước mắt tôi vậy, chẳng biết là tôi có đang khóc hay không. Tôi bị ám ảnh về việc phải tìm ra câu trả lời và tôi biết tôi phải làm điều đó ngay lúc này, trước khi lòng nhiệt tình trong căn phòng lắng xuống, trước khi thời gian lại tiếp tục trôi. Tôi chẳng biết tại sao nữa. Tôi chỉ biết rằng tôi cần biết con đường của mình bắt đầu từ đâu.

Và cuối cùng, trước khi hiện thực quay trở lại và thời gian bắt đầu trôi, tôi đã tìm ra câu trả lời.

Con đường của tôi bắt đầu từ một trang trại giun đất.

Phần I. Lợi nhuận.

Chương 1. Hành trình kiếm tìm lợi nhuận.

Trang trại giun đất

Đầu tiên người ta không thèm để ý đến bạn, sau đó người ta chế nhạo bạn, tiếp đến người ta tấn công bạn, rồi cuối cùng thì bạn thắng.

GANDHI

Tôi tin rằng Gandhi không hề biết tôi là ai khi tôi mới chín tuổi. Và chắc chắn tôi cũng chẳng biết ông ta là ai. Nhưng nếu Gandhi biết về những ảo tưởng và ước mơ thời thơ ấu của tôi về việc kiếm thật nhiều, thật nhiều tiền bằng cách nuôi và bán giun đất với số lượng lớn ra thị trường, thì có lẽ ông ta cũng sẽ đưa ra những câu răn tương tự thế này để khích lệ tôi trở thành người bán giun đất hàng đầu thế giới.

Nhưng đáng buồn là Gandhi lại chẳng ghé qua nhà tôi để trao cho tôi lời khuyên và sự thông thái của ông. Thay vào đó, trong ngày sinh nhật lần thứ chín của tôi, tôi nói với bố mẹ rằng tôi muốn họ lái xe đưa tôi tới ngôi nhà của chúng tôi ở bắc Sonoma, tới nơi có nhà cung cấp giun đất nổi tiếng nhất cả nước lúc bấy giờ. Nhà cung cấp ấy chẳng hề biết rằng tôi đang ấp ủ giấc mơ trở thành đối thủ lớn nhất của họ.

Bố mẹ tôi đã trả 33,45 đô-la cho một chiếc hộp đựng bùn chứa khoảng 100 con giun đất. Tôi nhớ đã đọc một cuốn sách nói rằng khi cắt đôi con giun thì hai phần đó sẽ tiếp tục sinh trưởng thành hai con giun. Điều đó nghe có vẻ thú vị, nhưng như thế có nghĩa là tôi sẽ phải làm rất nhiều việc. Vì vậy, thay vào đó, tôi vạch ra một kế hoạch tốt hơn: Tôi tự tạo ra “một hộp giun” trong vườn nhà mình, chiếc hộp về cơ bản giống như chiếc hộp cát, có lưới thép mỏng dưới đáy. Thay vì đổ cát, tôi đổ đầy bùn và cho hơn một trăm con giun đất vào đó, để chúng được thoải mái trườn bò và sinh sôi nảy nở.

Hàng ngày, tôi lấy một chút lòng đỏ trứng rồi vùi xuống hộp giun đất. Tôi cho rằng điều đó sẽ giúp cho những con giun đất sinh sôi nhanh hơn, vì tôi thấy nhiều vận động viên chuyên nghiệp thường ăn trứng gà sống trong bữa sáng. Bố mẹ tôi không tin việc bán giun đất có thể giúp tôi trở nên giàu có như tôi mơ ước, nhưng họ vẫn để tôi nuôi giun đất bằng lòng đỏ trứng. Tôi cho rằng lý do duy nhất cho việc đó là vì họ không muốn các con ăn lòng đỏ trứng chứa nhiều cholesterol. Nếu những con giun đất kia ăn lòng đỏ trứng thì có nghĩa là anh em tôi sẽ chỉ ăn lòng trắng trứng có lượng cholesterol thấp. Mẹ tôi luôn trông chừng để chúng tôi không ăn những thứ có thể làm tăng lượng cholesterol. Tôi nghĩ bà đã đọc được bài báo nói về cholesterol và đã khiến bà lo sốt vó lên.

Sau ba mươi ngày nuôi giun đất bằng lòng đỏ trứng gà, tôi quyết định kiểm tra kết quả công việc của mình. Tôi bới lớp bùn lên để xem có con giun con nào ra đời không. Nhưng chẳng có con giun con nào cả. Tệ hơn, tôi cũng chẳng tìm thấy bất cứ con giun to nào. Tôi mất một giờ đào bới cẩn thận tất cả các lớp bùn trong hộp. Những con giun đất đã biến mất. Có thể chúng đã bò ra ngoài qua các mắt lưới ở dưới đáy hộp. Cũng có thể chúng bị chim ăn mất khi chúng sà xuống ăn lòng đỏ trứng gà.

Công cuộc làm giàu từ giun đất của tôi đã thất bại hoàn toàn. Tôi nói với bố mẹ rằng nuôi giun chẳng có gì thú vị, nhưng sự thật là tôi rất buồn vì đã thất bại. Nếu Thomas Edison còn sống, hẳn ông sẽ dừng lại trước cửa nhà tôi và động viên tôi bằng quan điểm của ông về thất bại:

Con đường dẫn tới thành công của tôi cũng đã trải qua nhiều thất bại.

THOMAS EDISON

Có vẻ như ông còn đang bận rộn với những phát minh, sáng chế của mình, vì thế, cũng giống như Gandhi, ông đã không ghé nhà tôi. hay cũng có khi họ đang bận rộn chơi với nhau chăng.

Lớn lên

Bố mẹ tôi đã di cư từ Đài Loan sang Mỹ để học cao học tại Đại học Illinois, nơi họ gặp nhau và kết hôn. Mặc dù tôi sinh ra tại Illinois, nhưng những ký ức duy nhất đọng lại trong tâm trí tôi về quãng thời gian sống ở đó là trò nhảy cầu cao ba mét sáu và trò bắt đom đóm. Những ký ức thuở nhỏ thường rất mờ nhạt nhưng tôi chắc rằng hai ký ức đó không liên quan đến nhau, vì tôi không cho rằng hồi hai tuổi tôi có thể bắt được một chú đom đóm khi đang lơ lửng giữa không trung.

Khi tôi lên năm, bố tôi xin được việc ở California, vì thế, gia đình tôi chuyển tới quận Marin County, nơi có cây cầu Cổng Vàng bắc qua, phía bắc San Francisco. Chúng tôi sống ở thung lũng Lucas. Nhà tôi cách trang trại Skywalker Ranch hai mươi phút đi xe, nơi George Lucas(1) từng sinh sống và làm việc.

Bố mẹ tôi là những người Mỹ gốc Á điển hình. Bố tôi là kỹ sư hoá cho công ty Chevron, còn mẹ tôi là người làm công tác xã hội. Họ đặt kỳ vọng rất lớn vào thành tích học tập của tôi cũng như hai cậu em trai. Andy kém tôi hai tuổi, và bốn năm sau khi chúng tôi chuyển tới California, cậu em út David của tôi ra đời.

Không có nhiều gia đình người châu Á sinh sống tại Marin County, nhưng bằng cách nào đó bố mẹ tôi vẫn kết thân được với mười gia đình ở đây và các ông bố bà mẹ cùng các con vẫn thường tụ tập, cùng ăn tối và giải trí. Những đứa trẻ thì xem ti vi, còn các ông bố bà mẹ thì tụ tập trong phòng khách và trò chuyện rôm rả về thành tích của con mình. Đó là một nét văn hoá của người châu Á: thành tích của con cái được các bậc phụ huynh sử dụng như một thước đo thành công và địa vị của mình. Chúng tôi giống như những con bài trong tay các bậc cha mẹ vậy.

Theo các bậc cha mẹ người châu Á, thành tích được chia thành ba loại khác nhau.

Loại một là các thành tích học tập: có học hàm học vị cao, được tặng thưởng hay được xã hội công nhận, đạt được điểm SAT cao hay có tên trong đội tuyển toán của trường. Điều quan trọng nhất của tất cả những loại thành tích này là con em họ sẽ ghi danh vào trường đại học nào. Harvard là trường đại học mang lại quyền “khoe con” tối thượng.

Loại hai là các thành tích trong sự nghiệp: trở thành bác sĩ hay đạt được học vị Tiến sĩ được xem là thành tích cao nhất, vì trong cả hai trường hợp đó thì có nghĩa là bạn sẽ trở thành “Tiến sĩ Hsieh” hay “Bác sĩ Hsieh”.

Loại ba là sự tinh thông âm nhạc: đa số trẻ em châu Á bị buộc phải học piano, violon hoặc cả hai. Và mỗi khi các gia đình tụ tập, những đứa trẻ phải chơi nhạc cho các ông bố bà mẹ nghe sau bữa tối. Hoạt động này bề ngoài có vẻ như là giúp mọi người thư giãn, nhưng thực chất, đó chính là cách để các bậc phụ huynh so sánh con mình với con người khác.

Bố mẹ tôi, cũng giống như những ông bố bà mẹ châu Á khác, rất nghiêm khắc trong việc nuôi dạy tôi để chiến thắng trong cả ba loại thành tích trên. Tôi chỉ được xem tivi một tiếng mỗi tuần. Đạt điểm A trong tất cả các môn học là điều hiển nhiên và muốn tôi phải luyện các bài thi SAT suốt những năm học trung học và phổ thông. SAT là bài thi chuẩn phải làm vào năm cuối phổ thông, điều kiện để vào đại học. Nhưng bố mẹ muốn tôi sớm chuẩn bị cho kỳ thi đó khi tôi mới chỉ học lớp sáu.

Ở trường trung học, tôi chơi bốn loại nhạc cụ: piano, violon, kèn và trống. Trong suốt những năm học này, tôi phải tập luyện mỗi loại nhạc cụ ba mươi phút từ thứ hai đến thứ sáu và một tiếng vào thứ bảy và chủ nhật. Suốt mùa hè, tôi đã phải tập luyện một tiếng mỗi ngày cho mỗi loại nhạc cụ, đến nỗi tôi tin rằng đó chính là hình phạt tàn ác nhất cho những đứa trẻ muốn được hưởng thụ phần “nghỉ” trong “nghỉ hè”.

Nhưng tôi đã tìm ra một cách để vẫn có thể tận hưởng những ngày nghỉ cuối tuần và kỳ nghỉ hè. Tôi thức dậy rất sớm, từ 6 giờ sáng, trong khi bố mẹ vẫn còn đang say giấc. Tôi đi xuống nhà, nơi đặt chiếc đàn piano. Rồi thay vì chơi piano thật sự, tôi bật băng ghi âm bài nhạc tôi đã chơi từ trước. Đến 7 giờ, tôi trở lên phòng mình, khoá cửa lại và bật băng ghi âm một tiếng tôi tập violon. Không phải chơi đàn nên tôi có thời gian rảnh để đọc tạp chí Boy’s Life (Cuộc đời của những cậu bé).

Và chắc bạn có thể hình dung, thầy giáo dạy piano và violon của tôi không thể hiểu tại sao tôi chẳng hề tiến bộ chút nào. Có lẽ họ cho rằng tôi là một học sinh chậm tiến. Còn với tôi, tôi không hiểu việc học cách chơi những loại nhạc cụ này sẽ mang lại lợi ích gì.

(Hy vọng mẹ tôi không nổi điên lên khi đọc được những dòng này. Có lẽ tôi nên trả lại cho bà khoản tiền bà đã đầu tư cho việc học piano và violon của tôi).

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button