Review

Dù Thế Nào Cũng Phải Sống, Bởi Chúng Ta Chỉ Sống Một Lần

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Sungbong Choi
NXB NXB Lao Động
Công ty phát hành Thái Hà
Số trang 314
Ngày xuất bản 02-2017
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

“Xin chào quý bạn đọc, tôi là Sungbong Choi

Mỗi khi giới thiệu bản thân “Tôi là Sungbong Choi” với một ai đó, và cả khi viết lời giới thiệu cho cuốn sách này cũng vậy, tôi thường tự hỏi điều đầu tiên mọi người nghĩ về tôi là gì. Á quân của Korea’s Got Talent mùa đầu tiên, Nella Fantasia, Paul Potts của Hàn Quốc, đứa trẻ bán kẹo dạo… những cái tên này phần nào cũng chính là con người tôi nhưng cũng không hoàn toàn là tôi.

Trong những cái tên trên, tôi tự hỏi không biết có phải “đứa trẻ bán kẹo dạo” là cái tên mà nhiều người biết đến nhất, và cũng là cái tên mà tự bản thân tôi thấy thân thuộc nhất. Thực sự thì dù bản thân tôi không cảm thấy có xúc cảm gì đặc biệt nhưng đó lại là cái tên luôn khiến mọi người ngạc nhiên.

Chính bởi cái tên này mà từ sau khi xuất hiện trên ti vi, rất nhiều nhà xuất bản đã tìm đến và khuyên tôi hãy thử viết một cuốn sách về bản thân mình nhưng tôi đã không thể đơn giản gật đầu chấp nhận. Quãng thời gian tôi từng trải qua có thể được viết thành một câu chuyện nhưng tôi không biết một người mới 23 tuổi như tôi thì có thể nói được điều gì. Tôi đã nghĩ rằng giờ mình mới bắt đầu bước chân vào đời, có quá nhiều thứ phải học và viết sách không phải là một việc đúng đắn nên làm. Trên tất cả, điều khiến tôi sợ hãi nhất chính là mọi người sẽ có cái nhìn sai lệch về tôi, cho rằng tôi, thay vì ca hát lại muốn trở nên nổi tiếng hơn nhờ bán đi những câu chuyện trong quá khứ của bản thân.

Tuy vậy, điều khiến tôi quyết tâm xuất bản cuốn sách này là nhờ lời nói của một người hâm mộ bị ung thư giai đoạn cuối. Người phải nhận sự phán quyết rằng cuộc sống của anh chẳng còn kéo dài bao lâu ấy đã nói “Cậu còn vượt qua được cuộc sống như thế, vậy mà tôi lại chỉ biết than thân trách phận”. Người đó nói rằng sự tồn tại của tôi đã trở thành niềm an ủi đối với anh ta nhưng chính tôi mới là người nhận được sự an ủi.

Những em nhỏ mắc bệnh máu trắng, những người già cô đơn không nơi nương tựa… trong số những người hâm mộ luôn ủng hộ tôi có rất nhiều người dù cuộc sống luôn khó khăn nhưng vẫn kiên cường sống và không bao giờ đánh mất hi vọng. Niềm an ủi mà những con người đó nhận được từ tôi, niềm an ủi mà bản thân tôi nhận được từ họ, và câu chuyện chứa đựng trong cuốn sách này chính là bắt đầu từ ‘niềm an ủi’ đó. Nếu không có niềm tin mang tên niềm an ủi giữa tôi và những con người đó thì có lẽ tôi sẽ chẳng thể nào quyết tâm cho ra đời cuốn sách này.

Tuy nhiên việc lật lại những trang quá khứ không phải là một việc dễ dàng. Tôi đã nhận ra rằng đào xới lại những câu chuyện mà chúng ta vô tình hay cố tình quên đi, những câu chuyện đã ngủ sâu trong kí ức, không hiển hiện ra mà ăn sâu, bám chắc trong trái tim, những câu chuyện mà chúng ta không bao giờ muốn gợi nhớ lại… phải chính diện đối mặt với chúng là một việc khó khăn đến mức nào. Khơi gợi lại những vết sẹo còn chưa lành hẳn không chỉ đơn giản là sự đau đớn. Cuốn sách này tràn đầy những “tôi” cố chấp đối diện với cuộc sống, những “tôi” luôn muốn tin rằng con người đó không phải là mình.

Tôi đã đấu tranh với nỗi sợ hãi rằng liệu sau khi nghe xong câu chuyện về cuộc đời mình, mọi người còn có thể tiếp tục yêu mến và ủng hộ tôi nữa hay không. Và chính quý vị là sức mạnh giúp tôi có thể có dũng khí để viết cuốn sách này. Nếu cuốn sách này có thể trở thành niềm an ủi nho nhỏ đối với mọi người thì bản thân tôi cũng sẽ nhận được niềm an ủi.

Tôi xin gửi lời cảm ơn đến mọi người ở nhà xuất bản, biên tập viên đã không từ bỏ, hết lòng giúp đỡ để cuốn sách này được ra đời. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn cùng tình yêu đến tất cả những người đã ở bên tôi cho tới tận bây giờ. Khi giở những trang đầu tiên của cuốn sách này, hi vọng rằng dù quý bạn đọc đang phải đối mặt với hoàn cảnh nào, đang mơ những giấc mơ nào cũng sẽ có sức mạnh để đứng lên và hướng tới một ngày mai mà các bạn hằng mơ ước. Tôi sẽ luôn dùng hết sức mình để ủng hộ các bạn.

Xin cảm ơn.”

[taq_review]

Trích dẫn

Tôi muốn gặp bạn bè, tôi muốn tới trường

Đồ đạc bày lộn xộn, chiếc sô pha đã cũ, một cái lò sưởi bằng hơi nhỏ, cái vòi nước ngoài hành lang. Nơi đó lúc nào cũng có tiếng nhạc réo rắt, là nơi tôi có thể thoải mái ca hát, nơi có người gọi tôi là “học trò” và thu nhận tôi. Nơi đó là trung tâm dạy nhạc của thầy và cũng là mái ấm của tôi.

Trung tâm của thầy bắt đầu chỉ với mấy đứa trẻ trong khu phố. Để trung tâm đi vào ổn định, thầy dốc hết sức để chiêu mộ học sinh và gần như ở lại trung tâm. Trừ thời gian đi phát báo, tôi cũng giúp đỡ thầy một tay. Thầy không thạo sử dụng máy vi tính nên tôi giúp thầy những công việc phải thực hiện trên máy tính. Tôi cũng giúp thầy dạy cho mấy đứa học sinh tiểu học những gì mà tôi biết. Tôi cố gắng cẩn thận không để vì mình mà xảy ra bất cứ cuộc cãi vã nào, cố gắng hòa thuận với những người ở trung tâm. Thực ra, dù không quá cố gắng thì tôi cũng dễ dàng trở nên thân thiết với những người mà tôi gặp gỡ thông qua âm nhạc.

Bắt đầu có những học viên thân thiết gọi tôi là anh. Cứ như vậy có lẽ nào tôi cũng có thể sống hòa hợp với những người khác, giờ đây có phải tôi cũng có thể trò chuyện cùng mọi người. Kì vọng đó cùng một mong muốn mãnh liệt xuất hiện trong tôi. “Tôi muốn gặp bạn bè, tôi muốn tới trường”.

“Thầy, em có một giấc mơ.”

“Giấc mơ? Nói thử xem nào.”

“Em muốn đi học cấp ba.”

“Đến trường, tại sao?”

“Em muốn được một lần mặc thử đồng phục.”

“Em muốn học trường nào?”

“Nếu là trường cấp ba bình thường chắc em không thích ứng được. Em muốn theo học trường cấp ba chuyên nghệ thuật và học hát.”

Thầy xoa trán một lúc.

“Dù là trường chuyên nghệ thuật thì thầy vẫn thấy lo nhưng mà…”

Nhưng rồi sau đó thầy thêm chút lực vào giọng nói.

“Được rồi, nên làm như thế. Cứ thử một lần xem. Nếu không được thì cũng có ai nói gì đâu.”

Tôi không hề nghĩ rằng sẽ không được. Ngay cả bây giờ khi muốn làm một cái gì đó, suy nghĩ sẽ không được không hề xuất hiện trong tôi. Đó không phải là vì tôi tự tin. Cũng có thể là vì tôi chưa từng có kinh nghiệm thử một lần đánh giá tình hình nhìn nhận một việc gì đó nên mới như thế. Nhưng mong muốn trở thành bạn với những người đồng trang lứa, muốn khoác thử lên mình bộ đồng phục đâu phải là một việc không thể nào có phải không?

“Nếu tôi cũng khoác lên mình bộ đồng phục thì có phải tôi cũng giống như những người khác không?”

Đó là lý do lớn nhất để hy vọng xuất hiện trong tôi. Tôi nghe nói rằng phần thi nhập học của ban nhạc cụ thì chất lượng nhạc cụ rất quan trọng nên muốn vào được ban này thì điều kiện gia đình phải khá giả một chút. Nếu hai người có tài năng như nhau thì hiển nhiên người có nhạc cụ đắt tiền hơn, tốt hơn sẽ chiến thắng. Nhưng vì tôi thi vào ban thanh nhạc nên cũng có thể coi là một may mắn lớn. Dù không có điều kiện nhưng tôi vẫn có thể tin vào giọng hát của mình để tham gia cuộc thi.

Thầy và tôi ngay lập tức bắt tay vào chuẩn bị cho kỳ thi. Thầy tìm hiểu giúp tôi cách thức để đăng ký kỳ thi nhập học. Nếu muốn tham gia kỳ thi thì phải đăng ký hát hai bài để kiểm tra thực lực. Hai bài hát mà thầy chọn giúp tôi là hai bài hát tiếng Ý: “Sebben crudele – Although cruel love” và “Non t’amo piu – I don’t love you anymore”.

“Phải hiểu rõ được nỗi đau của tình yêu thì mới hát tốt được hai bài hát này.”

Tôi liền nhớ tới người chị đã chia tay tôi và bỏ theo người đàn ông kia. Mối tình đầu trong những ngày tháng sống lang thang trên đường phố của tôi.

“Vậy thì có lẽ em còn hiểu nó rõ hơn cả thầy đấy.”

Sau mối tình đầu với chị, tôi cũng đã trải qua vài lần đau khổ vì tình cảm. Thầy tập trung dạy cho tôi cách phát thanh, phát âm và cách hô hấp khi hát hai bài hát này. Đó là lần đầu tiên tôi biết tới từ diction – cách phát âm. Nó có thể coi là thuật truyền đạt, tức là khi hát, tùy vào vị trí nhấn giọng mạnh yếu mà nội dung và ý nghĩa của bài hát được biểu đạt một cách chính xác mà vẫn tinh tế. Nếu thầy dạy cho tôi một, thì tôi lại đặt đến mười câu hỏi. Thầy thấy được quyết tâm của tôi nên cũng dốc hết sức để chỉ dạy cho tôi. Để theo kịp những đứa trẻ được học hành có bài bản từ khi còn nhỏ, tôi cần phải nỗ lực gấp mười, không, phải nỗ lực hơn gấp trăm lần. Trong phòng luyện thanh chật chội của trung tâm, mỗi ngày tôi tập hát hơn hai trăm lần hai bài tôi chọn để đi thi. Đó là lần đầu tiên tôi chiến đấu với âm nhạc.

Gần một năm trời, tôi vừa đi làm thêm, vừa tập hát để chuẩn bị cho kỳ thi. Dù chăm chỉ luyện tập như vậy, nhưng ngày thi càng đến gần, tôi lại càng lo lắng. Kỹ thuật thanh nhạc của tôi chỉ được luyện tập trong thời gian ngắn hơn so với người khác rất nhiều. Càng ngày, tôi càng lo lắng không biết liệu với khả năng của mình thì có thể thắng được những thí sinh xuất sắc được học thanh nhạc từ nhỏ khác và đỗ vào trường chuyên nghệ thuật hay không. Nhưng mong muốn nhất định phải thử một lần đã vực dậy tinh thần chiến đấu của tôi. Mấy tháng trước kỳ thi, tôi luôn bám lấy thầy vốn đã rất bận rộn với công việc của trung tâm, để xin thầy dạy cho.

“Sungbong Choi sắp phải tham gia kỳ thi để vào trường chuyên nghệ thuật. Mong mọi người hãy cầu nguyện cho Sungbong Choi.”

Sau khi thầy thông báo với mọi người ở nhà thờ như vậy, tên của tôi cũng được xướng lên trong giờ cầu nguyện cho các thí sinh tham gia kỳ thi sắp tới. Mấy vị chấp sự còn dẫn tôi đi ăn rất nhiều món ăn bổ dưỡng nữa.

“Phải ăn thật đầy đủ chất thì mới hát hay được. Sungbong Choi ăn nhiều vào.”

Cuối cùng, ngày thi cũng đến. Những chiếc ô tô đậu san sát khi tôi tới trường thi. Những đứa trẻ cầm nhạc cụ từ trên xe bước xuống, những ông bố bà mẹ quần áo là lượt đưa con mình tới trường thi. Đúng như tôi đã hình dung, rất nhiều đứa trẻ mang khí chất cao sang cũng có mặt ở đây. Tôi cố gắng tự an ủi bản thân đang thất thểu lê bước một mình.

“Thì sao nào? Nếu đỗ vào trường thì tất cả đều sẽ trở thành bạn của mình cơ mà.”

Đến phần thi của tôi, đứng trước giám khảo, tôi phát hiện bản thân run đến không kiểm soát được. Dù tôi đã gắng hết sức để bình tĩnh nhưng các câu hỏi của giám khảo liên tiếp đưa ra khiến việc giữ bình tĩnh càng trở nên khó khăn hơn.

“Em đã đỗ kỳ thi kiểm tra năng lực chưa?”

“… Dạ rồi.”

“Em không có bố mẹ à?”

Trên tấm chứng minh thư tôi mang theo không có thông tin của bố mẹ. Tôi trả lời câu hỏi của giám khảo nhưng suýt chút nữa đã buột miệng hỏi ngược lại. Không có bố mẹ đâu phải là lỗi của tôi.

“Em hát thử đi.”

Tôi cố gắng hết sức đè nén cảm giác căng thẳng và hát bài hát mà mình đã chuẩn bị. Thanh phát ra tốt nhưng phần quãng ngâm có nhiều chỗ sai. Thêm vào đó, không biết có phải vì tôi ngày càng run không mà trong giọng hát nghe rõ sự run cầm cập. Giống như tiếng kêu của một con bò, giọng tôi run tới mức như thể đang luyện kỹ thuật rung. Trước khi thi tôi cứ nghĩ mình sẽ không run, nhưng sự thật thì thật đáng thất vọng.

“Em ra ngoài đi.”

Sau khi kết thúc hai bài hát, giám khảo bảo tôi ra ngoài, mặt không chút biểu cảm. Tôi cũng không thể nhìn ra mình hát như thế nào từ biểu cảm của họ.

Tôi phải chờ hai tuần cho đến lúc công bố kết quả. Thầy Park Jeong So cũng động viên tôi gắng chờ đợi nhưng khuôn mặt thầy cũng không mang một kỳ vọng lớn nào. Tổng điểm của kỳ thi nhập học được tính bằng cách lấy tổng điểm thi kiểm tra năng lực trung học và điểm phần thi năng lực. Nhưng điểm thi kiểm tra năng lực của tôi chỉ vừa đúng điểm đỗ tốt nghiệp là sáu mươi điểm nên không thể kỳ vọng gì nhiều. Điều đó lại càng khiến tôi lo lắng hơn.

Cứ như vậy, tôi hồi hộp, bồn chồn chờ từng ngày trôi qua. Rồi bất ngờ một ngày nọ, những việc tốt lành ùn ùn kéo đến. Thật không thể tưởng tượng được.

Đầu tiên là tôi đã đỗ vào trường cấp ba chuyên nghệ thuật Daejeon. Kỳ thi đó lấy mười ba người và tôi vừa vặn là thí sinh có điểm số xếp thứ mười ba. Có khi nào con đường bước vào xã hội của tôi luôn chỉ dừng ở mức ngấp nghé? Thi kiểm tra năng lực cũng vừa vặn đỗ, kỳ thi này cũng vậy. Nhưng dù sao thì tôi cũng đã đỗ rồi.

“Cái gì? Thật sao?”

Khi tôi thông báo tin này, thầy Park Jeong So dường như không thể nào tin vào tai mình. Lẽ nào thầy hoàn toàn không nghĩ tới việc tôi có thể vượt qua được kỳ thi này? Tôi phải lặp đi lặp lại mấy lần rằng việc tôi đỗ là hoàn toàn thật thì thầy mới cười rạng rõ.

“Sungbong Choi của chúng ta thành công rồi!”

Niềm vui thứ nhất chưa qua đi, niềm vui thứ hai đã tìm tới. Đó chính là tôi có phòng riêng. Phải dùng từ ngữ gì để miêu tả lại cảm giác phấn khích của tôi khi đó nhỉ? Tôi không thể quên được lúc tôi cùng thầy đi tìm phòng cho tôi. Thầy tìm hiểu chỗ này chỗ kia, gặp gỡ chủ nhà, đặt tiền cọc rồi làm hợp đồng thuê nhà cho tôi. Tiền đặt cọc là thầy và một vị chấp sự ở nhà thờ cho. Căn phòng đó là một căn phòng bán hầm, mọi sinh hoạt ăn ngủ, vệ sinh đều diễn ra ở đây. Chấp sự và các vị quản sự của nhà thờ mỗi người lại mang một món đồ tới, dần lấp đầy căn phòng trống không. Nhìn hình ảnh đó mà trái tim tôi thấy nặng trĩu. Đã từ lâu rồi, tôi không khóc nhưng tự trái tim tôi lại có phản ứng. Cuối cùng, thầy Park đem tới cho tôi một cái máy tính.

“Sungbong à, có cái này tốt chứ?”

Nồi của tôi, bát của tôi, bàn của tôi, phòng của tôi, và giờ là cả máy tính của tôi. Đây không phải là mơ chứ? Ngay lập tức tôi biết rằng đây không phải một giấc mơ mà là hiện thực. Bởi vì trong căn phòng đó, tôi phải sống cùng với vô vàn những con gián đang sống trong đó. Ban đêm đang ngủ mà bật dậy mở đèn sẽ thấy những con gián nâu bóng bám đầy tường. Chúng bay qua bay lại, phát ra những tiếng ù ù, thậm chí còn rơi vào mặt tôi hay định chui vào tai tôi nữa. Mỗi khi từ nhà vệ sinh đi ra là lại có mấy con bay qua, đập vào mặt tôi. Nhưng lần đầu tiên có một căn phòng của riêng mình nên tôi không bận tâm nhiều đến điều đó.

Niềm vui cuối cùng là tin tôi đã đăng ký được nhận trợ cấp sinh hoạt cơ bản hàng tháng. Ủy ban phường làm cho tôi một cái thẻ chứng nhận vị thành niên và mở cho tôi một tài khoản. Từ đó, mỗi tháng, một khoản tiền trợ cấp lại đều đặn được chuyển đến. Tôi có thể dùng số tiền đó để đóng tiền nhà hàng tháng.

Hơn thế nữa, vì là người nhận trợ cấp nên tôi còn được nhà nước hỗ trợ tiền ăn và tiền học phí. Những vấn đề vốn luôn khiến tôi đau đầu là ăn và ngủ bỗng được giải quyết sạch. Tôi còn đang lo lắng không biết làm thế nào để lo tiền học phí, rồi hàng ngày đi học thì phải ăn bằng gì, sống như thế nào thì tin tức này tới, quả thật vô cùng đúng thời điểm. Giờ tôi không còn là một đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi trên đường nữa mà là một người có thân phận rõ ràng, một học sinh cấp ba của nước Đại Hàn Dân Quốc. Hơn thế nữa, tôi lại còn được theo học bộ môn thanh nhạc mê hoặc lòng người.

Hơn mười năm trời, tôi sống trong sự tuyệt vọng tối tăm, không biết đến tên của chính mình

Vậy mà trong một lúc, ba tia sáng đã chiếu rọi tới tôi.

Không gian của riêng tôi,

Sinh hoạt phí cho cuộc sống tối thiểu,

Và trường học.

Tôi đi mua bộ đồng phục mà mình vẫn hằng ao ước được mặc. Đúng lúc đó, phía văn phòng quận lại cho tôi một phiếu mua hàng trị giá 50.000 won, nói là hỗ trợ một phần tiền mua đồng phục. Từ khi chào đời đến nay, chưa bao giờ tôi được đi mua quần áo nên không biết phải làm thế nào, đành nhờ thầy đi mua cùng. Đồng phục của trường tôi là dạng âu phục. Khoác thử lên mình áo khoác và quần dài màu chàm, dù là quần áo may sẵn nhưng lại vừa khít với người tôi. Bên trong tôi mặc một chiếc sơ mi trắng mà một vị chấp sự ở nhà thờ tặng. Tôi dùng tiền của mình để mua một cái cà vạt loại thắt sẵn, chỉ cần rút dây là được. Vì vậy tôi không cần phải lo lắng mình sẽ phải thắt cà vạt như thế nào. Tôi vẫn mặc trên người bộ đồng phục và trở về nhà. Về đến nhà, tôi nhảy đến trước gương và ngắm bộ dạng mình trong gương. “Mình cũng có ngày được mặc bộ đồ này!” Giấc mơ được thực hiện, đêm đó tôi thức trắng đêm vì hạnh phúc.

Bạn đọc cảm nhận

Dương Mỹ Linh

Khi đọc tựa đề bên ngoài của cuốn sách, tôi đã có ấn tượng. Nhưng chỉ khi đọc và nghiền ngẫm về 1 cuộc đời của 1 đứa trẻ mới 5 tuổi mà đã ra ngoài kiếm ăn ngoài đường phố đến lúc trở thành á quân của korean gottalent tôi mới thật sự thán phục anh. Có thể lối viết tự sự cho thực sự cuốn hút nhưng chính những ngôn từ mộc mạc và giản dị đã làm cho tôi có cảm giác gần gũi và chân thật hơn. Cuốn sách là nghị lực tiếp thêm sức mạnh khi tôi đối đầu với những khó khăn, là đôi cách tiếp thêm sức mạnh khi tôi muốn gục ngã.

Nguyen Ha Thao

Một cuốn sách rất đáng đọc.

“Điều tôi muốn nói với mọi người thông qua cuốn sách này đó là, không như mọi người vẫn nói, từ trước đến nay, với tôi, may mắn luôn là một thứ rất xa vời. Cái đã giúp tôi đi đến được ngày hôm nay không phải là sự may mắn mỏng manh hơn sợi chỉ, chật hẹp hơn lỗ kim kia mà chính là hi vọng.”

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button