Review

Thuật Lãnh Đạo

Thể loại Sách kinh doanh
Tác giả Brian Tracy
NXB NXB Thế Giới
Công ty phát hành Alphabooks
Số trang 143
Ngày tái bản 12-2014
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Không ai sinh ra đã là nhà lãnh đạo. Vậy điều gì đã biến những cá nhân bình thường thành những người truyền cảm hứng và làm tấm gương cho người khác noi theo?

Brian Tracy, một diễn giả kiêm chuyên gia về thành công nổi tiếng thế giới đã giúp hàng ngàn người trở thành những nhà lãnh đạo tài năng và giờ đây, trong cuốn sách súc tích và đầy sức thuyết phục này, ông sẽ tiết lộ 21 bí quyết giúp bạn trở thành một nhà lãnh đạo tài ba thông qua việc:

Khơi gợi niềm tin, sự tự tin và lòng trung thành

Thấm nhuần cảm giác về ý nghĩa và mục đích của tổ chức

Tác động vào động lực và sự nhiệt tình của nhân viên để khiến họ vui vẻ thực hiện tầm nhìn của bạn.

Hãy suy nghĩ một cách có chiến lược – luôn giữ bức tranh lớn trong tâm trí

Liên tục tập trung vào tương lai

Biến nghịch cảnh thành cơ hội

Nắm bắt đúng loại rủi ro

Truyền đạt rõ ràng mục tiêu và chiến lược

Xây dựng những đội có khả năng chiến thắng cao

Khuyến khích những người bình thường làm những điều phi thường

[taq_review]

Review

Trương Văn Đức

Mọi người có thể trở thành những nhà quản lý tài ba nhưng không phải ai cũng là nhà lãnh đạo giỏi trong tổ chức của mình. Nhà lãnh đạo phải là người truyền cảm hứng trong công việc cho nhân viên, là tấm gương sáng cho toàn thể công ty theo cách nói của Brian Tracy. Tôi thường hay theo dõi ông qua trang web: brian tracy.com. nhưng thật tuyệt là giờ đây, các ý tưởng về lãnh đạo của ông đã được dịch ra tiếng Việt và nằm gọn trong tác phẩm này. Trở thành nhà lãnh đạo là việc không dễ để thành công trong một sớm một chiều. Thật may là chúng ta đã được tiếp xúc với các ý tưởng của chuyên gia thành công nổi tiếng thế giới qua tác phẩm Thuật Lãnh Đạo. Hãy đọc và hiểu để khơi dậy con người lãnh đạo trong mỗi chúng ta.

Minh Sơn

Mình thích những cuốn sách của Brian Tracy, tuy hơi hướng về ngành kinh tế hơn một chút nhưng những thông tin trong sách hoàn toàn có thể áp dụng ở nhiều ngành nghề khác nhau. Mình cảm thấy cuốn sách này cũng rất đáng đọc cho các bạn trẻ có sở thích hoạt động xã hội và mong muốn tự thành lập các project với mục đích thay đổi những điều chưa tốt. Nó sẽ giúp các bạn ấy nhiều ^^ giống như mình ^^

An Nguyen

Cuốn sách “Thuật lãnh đạo” đầy đủ nội dung mà một người chủ cần phải có mà Brian Tracy muốn trình bày trong cuốn sách này. Những nguyên tắc ông đưa ra cần phải được thực hành ngay sau khi đọc xong nguyên tắc đó. Như vậy bạn mới đi trên con đường tự do tài chính được, được lãnh đạo cũng như lấy lòng được nhân viên. Đó là điều cần thiết cho một nhà lãnh đạo. Ông đã nêu ra những cách mà một nhà lãnh đạo cần phải có. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ những nguyên tắc,những kinh nghiệm của ông.

Trích đoạn

Ý thức về sứ mệnh

Các nhà lãnh đạo có ước mơ cũng như ý thức về sứ mệnh nâng đỡ và truyền cảm hứng cho những người sẽ giúp họ thực hiện sứ mệnh đó. Mỗi chúng ta luôn khao khát làm điều gì đó lớn lao; còn các nhà lãnh đạo có khả năng khai thác nguồn động lực và nhiệt huyết ấy để giúp ta dốc hết sức lực theo đuổi giấc mơ của mình. Tiếp đến, với tư cách một nhà nhà lãnh đạo, bạn phải khơi gợi được nhiệt huyết và truyền cảm hứng cho những người khác. Để thực hiện được việc này, bạn cần đến những mục tiêu định tính. Chúng ta luôn háo hức và hào hứng khi đưa một sản phẩm hay dịch vụ tới tay những người cần đến nó, khi trở thành người giỏi nhất và khi chiến thắng trong một cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Nỗ lực để trở nên tốt nhất

Là nhà lãnh đạo, ước mơ cháy bỏng nhất mà bạn nên sở hữu là làm sao để trở nên tốt nhất. Điều này cũng đúng với các công ty hay tổ chức. Hãy chỉ chấp nhận những điều tốt đẹp nhất cho bản thân hay công ty. Trong kinh doanh, điều này có nghĩa là đặt ra câu hỏi:

Phẩm chất nào ở sản phẩm hay dịch vụ mà bạn cung cấp có liên quan hay quan trọng nhất đối với khách hàng?

Khi xác định được phẩm chất đó, hãy nỗ lực hết sức, tập trung mọi sức sáng tạo của nhân viên cũng như các nhà quản lý để nhắm mục tiêu vào lĩnh vực đó. Chúng ta cần phải là tốt nhất. Bạn sẽ không có được cảm giác tuyệt vời hoặc hài lòng, hay tự tin thực hiện những điều phi thường, nếu không được trợ giúp bởi những người đứng đầu ngành và đang làm công việc phù hợp nhất với năng lực của họ.

Thấm nhuần ý nghĩa và mục đích

Cống hiến hết mình vì một sứ mệnh nào đó khiến công việc chúng ta đang làm trở nên có ý nghĩa và mục đích nhất định. Là con người, ngoài những nhu cầu thiết yếu để sinh tồn, việc có ý nghĩa và mục đích sống cũng không kém phần quan trọng. Điều này hoàn toàn đúng với cảm giác về công việc. Các nhà lãnh đạo chính là những người mang lại cảm giác đó. Họ khiến chúng ta cảm thấy bản thân quan trọng và nhắc ta nhớ những gì ta đang làm mang lại giá trị lớn lao, vượt ra khỏi khuôn khổ của một công việc thường nhật. Họ khiến ta thấy mình là một phần không thể thiếu trong đội ngũ thực hiện sứ mệnh này.

Có 4 cách để khiến người khác cảm thấy quan trọng. Đầu tiên là sự trân trọng (appreciation). Hãy tận dụng mọi cơ hội để cảm ơn người khác về chất lượng công việc và vai trò của họ trong thành công của công ty. Mỗi khi bạn cảm ơn một người, người đó sẽ cảm thấy bản thân có giá trị hơn và có thêm động lực để đáp lại lòng tin mà bạn dành cho họ. Cách thứ hai là thể hiện sự tán dương (approval). Khen ngợi mọi người khi họ đạt được thành tích bất kỳ ngay khi có cơ hội bất kể thành tích đó lớn hay nhỏ. Tán dương khi họ đưa ra một ý kiến hay một nhận định – nói cách khác, hãy tán dương ý tưởng của họ. Mọi người sẽ cảm kích khi nhận lời khen đó từ bạn. Lòng tự tôn và tự nhận thức về bản thân của họ được nâng cao. Thế nhưng, những lời khen bạn đưa ra phải trực tiếp và cụ thể để mọi người biết bạn chân thành khen ngợi họ. Cách thứ ba giúp bạn khơi gợi cảm giác quan trọng và giá trị ở một người đó là thông qua sự thán phục (admiration). Không ngừng chân thành khen ngợi mọi người, bất kể đó là lời khen ngợi về tính cách, chẳng hạn đức tính kiên trì, trang phục hay thành tích mà họ đạt được.

Yếu tố quan trọng nhất khiến mọi người cảm thấy quan trọng và có giá trị là thể hiện sự chú ý (attention). Không ai muốn cống hiến hết mình cho mục tiêu của tổ chức nếu liên tục bị phớt lờ. Không ai cảm thấy mình là người có vai trò chính yếu trong sứ mệnh mục tiêu nếu chỉ là người thừa lệnh và không có bất kỳ cơ hội nào để đóng góp ý kiến và nhận phản hồi. Sự chú ý ở đây là khả năng lắng nghe. Bạn có thể không nhất thiết phải tiếp nhận ý kiến hay đồng tình với quan điểm của họ. Chỉ đơn giản là để họ có cơ hội phát biểu ý kiến và đưa ra suy nghĩ của mình.

Mục đích chung

Một mục tiêu hay sứ mệnh cao cả mang lại ý thức định hướng rõ ràng không chỉ cho tổ chức, mà còn cho mọi cá nhân trong tổ chức đó. Một mục tiêu cao cả sẽ đoàn kết mọi người lại trong một mục đích chung. Ví dụ, IBM, một trong những công ty dẫn đầu lịch sử ngành máy tính có một trong những mục tiêu là cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất trên thế giới. Một trong những sứ mệnh của công ty là quan tâm đến khách hàng, truyền nhiệt huyết và cảm hứng tới mọi nhân viên trong công ty góp phần vào thành công của sứ mệnh đó. Mỗi thành viên trong tổ chức tin rằng công ty họ là tốt nhất và không ở đâu có dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt như ở IBM. Mỗi nhân sự, bằng cách này hay cách khác, đều góp phần vào hoạt động chăm sóc khách hàng và chính nhận thức này của họ đoàn kết toàn bộ công ty trong một mục tiêu chung. Sứ mệnh của một công ty thường được gói gọn trong tuyên bố sứ mệnh. Đó là một tuyên bố rõ ràng về lý do công ty được ra đời và phát triển trong hiện tại cũng như tiếp tục lớn mạnh hơn nữa trong tương lai. Tuyên bố này thường ít nhiều chắc chắn có liên quan đến khách hàng – ví dụ như làm sao để sản phẩm hoặc dịch vụ giúp cuộc sống của khách hàng trở nên tốt đẹp hơn. Nhà sáng lập YouTube, Chad Hurley, muốn mọi người có thể đưa các video tự quay lên Internet. Còn sứ mệnh của Charles Schwab là “trở thành công ty dịch vụ tài chính hữu ích và có đạo đức nhất hành tinh.” Với Larry Page và Sergey Brin, hai nhà sáng lập Google, thì đó là mong muốn khiến việc điều hướng trên Internet trở nên dễ dàng hơn.

Công ty của bạn tồn tại vì lý do gì? Đâu là mục đích của nó?

Mục đích cốt lõi của mọi doanh nghiệp

Đối với nhà lãnh đạo doanh nghiệp, thu hút và phục vụ khách hàng là mục đích cốt lõi và quan trọng hơn tất thảy. Các nhà lãnh đạo coi khách hàng là trọng tâm. Ví dụ, ở Nordstrom, các nhà lãnh đạo công ty không ngừng nghĩ về khách hàng. IBM tập trung toàn lực vào khách hàng. Ngày càng có nhiều công ty đặt trọng tâm vào dịch vụ khách hàng. Như bạn có thể thấy, khi mọi người cùng nhất trí với nhau rằng dịch vụ khách hàng là trọng tâm của công ty, việc tập hợp mọi người cùng góp sức để khiến nó hiệu quả hơn trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Bạn có thể đoán được một công ty hoặc tổ chức được dẫn dắt tốt ra sao bằng cách quan sát và lắng nghe mọi nhân sự ở đó nói về khách hàng. Nếu được tổ chức tốt, khách hàng luôn được nhắc đến với sự trân trọng, tự hào và luôn được coi là một phần hết sức quan trọng. Được hỗ trợ khách hàng là vinh hạnh của họ. Sự vui vẻ hay hài lòng của khách hàng về một sản phẩm hoặc dịch vụ cũng là niềm vui của mỗi nhân viên. Trong tổ chức của bạn, mọi người đang nhắc đến khách hàng với giọng điệu nào? Giả sử bạn đang quản lý một bộ phận có nhiệm vụ phục vụ một bộ phận khác trong tổ chức. Bộ phận phía sau chính là “khách hàng” của bạn. Bởi bất cứ đối tượng nào sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ thuộc lĩnh vực thuộc trách nhiệm của bạn đều được coi là khách hàng của bạn. Và với tư cách một nhà lãnh đạo, bạn phải tập trung đáp ứng nhu cầu của những khách hàng đó.

Nếu muốn trở thành một nhà lãnh đạo doanh nghiệp hay lãnh đạo một bộ phận hoặc một tổ chức bất kỳ, bạn phải suy nghĩ thông suốt về sứ mệnh hay mục đích, mục tiêu chính của doanh nghiệp hoặc bộ phận. Việc xác định được sứ mệnh chính là xuất phát điểm để bạn vững bước trên hành trình vươn tới vị trí lãnh đạo tối cao.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button