Review

Phép màu của tâm trí

Thể loại Chuyên Ngành – Tâm Lý
Tác giả Joseph Murphy, Ph.D., D.D
NXB NXB Phương Đông
Công ty phát hành Phương Nam Books
Số trang Đang cập nhật
Ngày xuất bản 2017
Giá bánXem giá bán

Con người chỉ có một tâm trí nhưng cùng một tâm trí ấy lại có hai phương diện hoặc chức năng riêng biết. Một được gọi là lý trí khách quan – tức ý thức – vì nó xử lý những gì bên ngoài. Chức năng kia được gọi là tâm trí chủ quan – tức tiềm thức. Trong cuốn sách Phép Màu Của Tâm Trí, tác giả nhấn mạnh đến phần tiềm thức. Tiềm thức có thể quan sát mà không cần dùng mắt; nó có khả năng thấu thị (nhìn) và thấu thính (nghe). Thông qua tiềm thức, ta có thể đọc được suy nghĩ của người khác, thậm chí đến mức độ những chi tiết nhỏ nhặt nhất; và có thể đoán/biết được nội dung trong chiếc phong bì được dán kín hay két sắt đã bị khóa. Và ông đã chứng minh được sức mạnh cũng như “phép màu” của tâm trí bằng những câu chuyện thực tế trên cơ sở khoa học.

VỀ TÁC GIẢ

Joseph Murphy sinh ngày 20 tháng 5 năm 1898, trong một thị trấn nhỏ ở hạt Cork, Ireland. Cha của ông, Denis Murphy, là một phó tế và Giáo sư tại Trường Quốc học Ireland, một cơ sở thuộc dòng Tên. Mẹ ông, Ellen, nhũ danh Connelly, là một người nội trợ, về sau đã sinh hạ thêm một người con trai, John, và một người con gái, Catherine.

Joseph lớn lên trong một gia đình Công giáo thuần thành. Cha của ông rất sùng đạo và thực tế là một trong số ít giáo sư giảng dạy các chủng sinh dòng Tên. Người cha có kiến ​​thức rộng về nhiều môn học và đã hun đúc ở con trai mình sự hiếu học và ham thích nghiên cứu.

Ireland lúc đó đang trải qua một trong hàng loạt cuộc suy thoái kinh tế, và nhiều gia đình đã bị chết đói. Mặc dù Denis Murphy có việc làm ổn định, thu nhập của ông chỉ đủ chật vật thu vén gia đình.

Chàng trai Joseph đã ghi danh vào Trường Quốc học và trở thành một sinh viên xuất sắc. Joseph được khuyến khích theo học làm linh mục và đã được nhận vào chủng viện dòng Tên. Tuy nhiên, lúc hết tuổi niên thiếu, chàng thanh niên bắt đầu đặt câu hỏi về tính chính thống của dòng Tên và rút lui khỏi chủng viện. Với mục tiêu khám phá những ý tưởng mới và có được những trải nghiệm mới, một mục tiêu không thể theo đuổi được tại xứ Ireland vốn bị chi phối bởi Công giáo, Joseph đã rời gia đình để đến Mỹ.

Đặt chân đến Trung tâm Di trú đảo Ellis với chỉ năm đô-la trong túi. Dự án đầu tiên của Joseph là tìm chỗ ở. Ông đã may mắn tìm được một ngôi nhà cho thuê phòng và cùng thuê phòng trọ với một dược sĩ làm việc tại một hiệu thuốc trong vùng.

Vốn tiếng Anh của ông chỉ ở mức tối thiểu bởi vì tại nhà và tại trường ông đều nói tiếng Gaelic, thế nên, cũng như hầu hết những người nhập cư Ireland, Murphy làm lụng suốt ngày mà thu nhập cũng chỉ vừa đủ cho việc ăn ở.

Ông và người bạn cùng phòng đã kết bạn thân tình, và khi hiệu thuốc nơi người bạn cần tuyển người, ông đã được thuê làm trợ lý cho người bạn dược sĩ. Ngay lập tức ông ghi danh theo học ngành dược. Với đầu óc thông minh và tinh thần hiếu học, chẳng bao lâu sau Joseph đã đậu các kỳ sát hạch để trở thành dược sĩ chính thức. Giờ đây ông đã kiếm đủ tiền để thuê căn hộ riêng cho mình. Sau vài năm, ông đã mua lại hiệu thuốc kia và tiếp tục ăn nên làm ra trong mấy năm tiếp theo.

Khi Hoa Kỳ lâm chiến trong Thế chiến II, Murphy nhập ngũ vào quân đội Hoa Kỳ và đã được bổ làm dược sĩ trong một đơn vị quân y thuộc Sư đoàn Bộ binh 88. Lúc bấy giờ, ông quan tâm trở lại đến tôn giáo và bắt đầu đọc nhiều về các niềm tin tôn giáo khác nhau. Sau khi giải ngũ, ông đã chọn không quay trở lại nghề dược. Ông đã đi rất nhiều nơi và theo học tại nhiều trường đại học ở Hoa Kỳ và ở nước ngoài.

Từ những gì đã nghiên cứu, Joseph trở nên say mê các tôn giáo châu Á và đi Ấn Độ để tìm hiểu sâu thêm. Ông đã nghiên cứu tất cả các tôn giáo lớn từ thời kỳ khởi phát. Ông mở rộng nghiên cứu sang cả các triết gia vĩ đại từ thời cổ đại cho đến hiện tại.

Trong nhiều giáo sư uyên bác và có tầm nhìn xa mà ông đã từng có dịp cùng nghiên cứu, một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất với Joseph là Tiến sĩ Thomas Troward, vốn vừa là một thẩm phán lại vừa là một triết gia, bác sĩ và giáo sư. Thẩm phán Troward trở thành người dẫn dắt Joseph. Từ ông, Joseph đã học hỏi không chỉ triết học, thần học và luật học mà còn được giới thiệu với thần bí học và nhất là Hội Tam Điểm. Ông đã trở thành một thành viên tích cực của hội này và trong nhiều năm đã vươn lên đến cấp bậc 32 trong hội phái.

Khi trở về Hoa Kỳ, Joseph đã chọn trở thành một mục sư để mang kiến ​​thức quảng đại đến với công chúng. Do ý niệm Ky-tô giáo của ông không mang tính truyền thống và thực sự đi ngược với hầu hết các hệ phái Ky-tô giáo, ông đã lập nhà thờ riêng của mình ở Los Angeles. Ông thu hút được một lượng nhỏ giáo dân, nhưng chẳng mấy chốc thông điệp về tinh thần lạc quan và hy vọng, chứ không phải lối giảng về “tội lỗi và sự đọa ngục” của rất nhiều mục sư khác, đã thu hút nhiều người đến nhà thờ của ông.

Tiến sĩ Joseph Murphy là một người ủng hộ phong trào Tân tư tưởng (New Thought). Phong trào này đã được phát triển trong những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX bởi nhiều triết gia và các nhà tư tưởng sâu sắc, những người đã nghiên cứu, rao giảng, viết sách và thực hành một cách nhìn mới về cuộc sống. Bằng cách kết hợp các khía cạnh siêu hình, tâm linh lẫn thực tiễn trong cách nghĩ và lối sống, họ phát hiện ra bí quyết để thật sự đạt được những gì ta mong muốn.

Những người ủng hộ phong trào Tân tư tưởng rao giảng một ý niệm mới về cuộc sống và đưa ra các phương pháp mới với kết quả hoàn thiện hơn mà chúng ta có quyền vận dụng để làm giàu cho cuộc sống. Chúng ta có thể làm tất cả những điều này bởi ta đã tìm thấy quy luật và hiểu được quy luật mà Chúa trời dường như đã viết ra một cách bí ẩn trong quá khứ.

Tất nhiên, Tiến sĩ Murphy không phải là mục sư duy nhất rao giảng thông điệp tích cực này. Nhiều nhà thờ, mà các mục sư và giáo dân bị ảnh hưởng bởi phong trào Tân tư tưởng, đã được thành lập và phát triển trong những thập kỷ sau Thế chiến II. Giáo hội Khoa học Tôn giáo, Giáo hội Hợp nhất và nhiều nơi đã rao giảng các triết lý tương tự. Tiến sĩ Murphy đặt tên cho tổ chức của ông là Giáo hội Khoa học Thánh linh. Ông thường chia sẻ bục giảng, đồng thực hiện các chương trình với những đồng nghiệp chung chí hướng, và đào tạo những người tham gia vào mục sư đoàn.

Qua nhiều năm, các giáo hội khác đã tham gia cùng ông phát triển một tổ chức mang tên Liên đoàn Khoa học Thánh linh, hoạt động như một tổ chức liên kết của tất cả các Giáo hội Khoa học Thánh linh. Những người lãnh đạo các Giáo hội Khoa học Thánh linh tiếp tục đẩy mạnh học tập, và Tiến sĩ Murphy là một trong những nhà lãnh đạo hỗ trợ thành lập Trường Khoa học Thánh linh tại St. Louis, Missouri, để đào tạo các tân mục sư và cung cấp môi trường giáo dục bổ trợ liên tục cho cả mục sư và giáo dân.

Hội nghị thường niên của các mục sư Khoa học Thánh linh là một dịp họ phải tham dự, và Tiến sĩ Murphy là một diễn giả chủ chốt. Ông khuyến khích những người tham gia nghiên cứu và tiếp tục học hỏi, nhất là về tầm quan trọng của tiềm thức.

Trong vài năm sau đó, Giáo hội Khoa học Thánh linh địa phương của Murphy đã tăng trưởng đông đến mức tòa nhà của ông trở nên quá nhỏ để chứa họ. Ông đã thuê lại nhà hát Wilshire Ebell, một rạp chiếu phim cũ. Các buổi giảng của ông cuốn hút đến độ thậm chí cả địa điểm này không phải lúc nào cũng chứa được hết tất cả những người muốn tham dự.

Các lớp học của Tiến sĩ Murphy và cộng sự của ông, bổ trợ cho các bài giảng ngày Chủ nhật, đã có từ 1.300 đến 1.500 người tham dự. Chúng lại được giảng thêm bằng các buổi hội thảo và các bài thuyết trình được tổ chức hầu hết các buổi ban ngày và buổi tối. Giáo hội này vẫn hoạt động tại nhà hát Wilshire Ebell ở Los Angeles cho đến năm 1976 thì chuyển đến một địa điểm mới ở Laguna Hills, bang California, gần một cộng đồng hưu trí.

Để có được con số khổng lồ những người muốn lắng nghe thông điệp của mình, Tiến sĩ Murphy đã mở một chương trình trò chuyện trên radio hằng tuần, mà rốt cục đã đạt đến lượng thính giả hơn một triệu người.

Nhiều giáo dân của ông muốn có không chỉ những bản tóm tắt và đã đề nghị ông ghi âm các bài giảng và chương trình phát thanh. Lúc đầu ông không muốn, nhưng vẫn đồng ý thử nghiệm. Các chương trình phát thanh của ông đã được ghi lại trên đĩa cỡ lớn 78 vòng, một phương tiện phổ biến thời đó. Ông làm ra sáu băng cassette từ một đĩa loại này và bày lên kệ thông tin tại sảnh của nhà hát Wilshire Ebell. Trong một giờ đồng hồ chúng đã được bán hết. Điều này dẫn đến một bước ngoặt mới. Băng ghi âm các bài ông giảng về Thánh kinh, hướng dẫn thiền và cầu nguyện cho thính giả không chỉ được bán tại nhà thờ của ông mà cả ở các nhà thờ khác, các nhà sách và qua bưu điện.

Khi giáo hội lớn mạnh, Tiến sĩ Murphy bổ nhiệm thêm một nhân sự chuyên môn và hành chính để hỗ trợ ông trong nhiều chương trình và trong việc nghiên cứu và biên soạn cuốn sách đầu tiên. Một trong những thành viên đắc lực nhất của ông là người thư ký hành chính, Tiến sĩ Jean Wright. Mối quan hệ công việc đã tiến triển thành một mối tình lãng mạn, và họ cưới nhau – một mối quan hệ cộng tác lâu dài làm phong phú cho cả hai cuộc đời.

Vào thời điểm này (những năm 1950), có rất ít các nhà xuất bản lớn về chủ đề tâm linh. Ông bà Murphy tìm được một số nhà xuất bản nhỏ ở khu vực Los Angeles, và họ đã ấn loát được một loạt các cuốn sách nhỏ (thường dày từ 30 đến 50 trang in theo dạng sách bỏ túi) để bán ra chủ yếu tại các nhà thờ, với giá từ 1,5 đến 3 đô-la mỗi cuốn. Khi đơn đặt hàng cho những cuốn này tăng lên đến mức cần phải tái bản lần thứ hai và thứ ba, các nhà xuất bản lớn nhận ra rằng có một thị trường cho những cuốn sách như thế và đã bổ sung danh mục của họ.

Tiến sĩ Murphy trở nên nổi tiếng bên ngoài khu vực Los Angeles bởi sách, băng ghi âm và các chương trình phát thanh của mình và đã được mời thuyết trình trên cả nước. Ông đã không giới hạn bài giảng trong các vấn đề tôn giáo, mà nói cả về những giá trị lịch sử của cuộc sống, nghệ thuật sống lành mạnh, và về giáo huấn của các triết gia vĩ đại – từ các nền văn hóa phương Tây lẫn phương Đông.

Bởi Tiến sĩ Murphy không bao giờ học lái xe, ông đã phải sắp xếp để có người lái xe đưa ông đến những nơi mà ông được thỉnh giảng và đến những nơi khác trong lịch trình rất bận rộn của mình. Một trong những nhiệm vụ của Jean trong vai trò thư ký hành chính và về sau như vợ của ông là lên kế hoạch công việc cho ông, sắp xếp các chuyến tàu hỏa hoặc máy bay, người đưa đón ở sân bay, đăng ký khách sạn và lo liệu mọi chi tiết khác của các chuyến đi.

Ông bà Murphy thường xuyên đến nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Một trong những hình thức vừa nghỉ ngơi vừa làm việc mà ông yêu thích nhất là tổ chức hội thảo trên các con tàu du lịch. Những chuyến đi này thường dài một tuần hoặc hơn và sẽ đưa ông đến nhiều nước trên thế giới.

Một trong những hoạt động đích đáng nhất của Tiến sĩ Murphy là nói chuyện với tù nhân tại nhiều nhà tù. Nhiều cựu tù nhân đã viết cho ông để kể lại những lời của ông đã thực sự làm họ đổi đời ra sao và gợi cảm hứng thế nào để họ sống một cuộc đời tâm linh và có ý nghĩa.

Ông đã đi khắp Hoa Kỳ và nhiều quốc gia ở châu Âu và châu Á. Trong các bài giảng, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiểu biết về sức mạnh của tiềm thức và các quy luật cuộc sống dựa trên niềm tin vào một Thiên Chúa, Đấng Tự hữu Hằng hữu.

Các sách khổ bỏ túi của Tiến sĩ Murphy phổ biến đến mức ông đã triển khai chúng thành những tựa sách chi tiết hơn và dài hơn. Vợ ông đã giúp chúng tôi hiểu thêm về cách thức và phương pháp viết của ông. Bà kể rằng ông soạn bản thảo trên một xấp giấy ghim và ấn mạnh bút đến độ ta có thể đọc được nét hằn ở trang sau. Ông dường như nhập định trong khi viết. Cách viết của ông là ngồi trong văn phòng từ 4 đến 6 giờ đồng hồ, không có sự xáo trộn, cho đến khi dừng lại và bảo rằng đã đủ cho ngày hôm đó. Mỗi ngày đều như nhau. Ông không bao giờ quay trở lại văn phòng, cho đến sáng hôm sau, để hoàn thành những gì đã viết. Ông không ăn hoặc uống trong khi làm việc, ông chỉ ở một mình với những ý nghĩ và thư viện sách khổng lồ, mà thỉnh thoảng ông lại trích dẫn. Vợ ông thay ông tiếp các vị khách, các cuộc gọi và duy trì các hoạt động của nhà thờ cũng như các hoạt động khác.

Tiến sĩ Murphy luôn tìm kiếm một phương cách giản đơn để thảo luận về các vấn đề và nói rõ các luận điểm nhằm giải thích chi tiết sự tác động của nó đến mỗi cá nhân. Ông đã chọn một số bài giảng để trình bày trên cassette, băng ghi âm hoặc CD, khi các công nghệ này phát triển và các phương pháp mới được ứng dụng vào lĩnh vực âm thanh.

Toàn bộ các tư liệu CD và băng cassette của ông là công cụ có thể vận dụng cho hầu hết các vấn đề mà ta gặp phải trong cuộc sống, và đã được kiểm nghiệm qua thời gian cho thấy đạt được các mục tiêu như dự định. Chủ đề cốt lõi của ông là giải pháp cho các vấn đề bên trong chính mình. Các yếu tố bên ngoài không thể thay đổi suy nghĩ của một người. Tức là, tâm trí của ta là của riêng ta. Để có một cuộc sống tốt đẹp hơn, ta phải thay đổi chính tâm trí của mình chứ không phải hoàn cảnh bên ngoài.

Ta tạo ra số phận của mình. Sức mạnh của sự thay đổi nằm trong tâm trí của ta, và bằng cách vận dụng sức mạnh của tiềm thức, ta có thể thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Tiến sĩ Murphy đã viết hơn 30 cuốn sách. Cuốn nổi tiếng nhất của ông, Sức mạnh của Tiềm thức, được xuất bản lần đầu năm 1963, đã trở thành một cuốn sách bán chạy ngay lập tức. Nó được đánh giá là một trong những cuốn sách hướng dẫn hoàn thiện cá nhân xuất sắc nhất xưa nay. Hàng triệu bản đã và đang được bán ra trên toàn thế giới.

Trong số các cuốn sách bán chạy nhất khác của ông phải kể đến: TelepsychicsThe Magic Power of Perfect Living (Năng lực tâm linh từ xa – Quyền năng của đời sống hoàn hảo), The Amazing Laws of Cosmic Mind Power (Các định luật kỳ diệu của sức mạnh tâm trí vũ trụ), Secrets of the I–Ching (Những bí ẩn của Kinh Dịch), The Miracle of Mind Dynamics (Phép màu của Cơ chế Trí não), Your Infinite Power to be Rich (Quyền năng vô hạn để ta giàu có), và The Cosmic Power Within You (Năng lực vũ trụ trong ta).

Tiến sĩ Murphy qua đời vào tháng 12 năm 1981, và vợ ông, Tiến sĩ Jean Murphy, tiếp tục công vụ mục sư của ông sau khi ông đã khuất. Trong một bài giảng vào năm 1986, trích lời người chồng quá cố, bà đã nhắc lại triết lý của ông:

Tôi muốn rao truyền để mọi người biết về cội nguồn thánh linh của mình và quyền năng đương ngự trị bên trong họ. Tôi muốn họ biết rằng sức mạnh này nằm ở bên trong và rằng họ là đấng cứu rỗi của chính mình và có khả năng đạt đến sự cứu rỗi chính mình. Đây là thông điệp của Thánh kinh và chín phần mười sự rối rắm của chúng ta ngày nay là do diễn dịch sai lạc các chân lý được nêu ra trong đó nhằm chuyển hóa cuộc sống.

Tôi muốn tiếp cận với số đông, người đàn ông trên đường phố, người phụ nữ đang quá tải với bổn phận, trong khi tài năng và năng lực bản thân đang bị đè nén. Tôi muốn giúp đỡ những người khác ở mọi giai đoạn hoặc cấp độ ý thức để hiểu biết về những điều kỳ diệu bên trong tâm.

Bà nói về chồng: “Ông ấy là một người bí ẩn đầy thực tiễn, với trí tuệ của một học giả, tâm trí của một nhà quản lý thành đạt và trái tim của một nhà thơ”. Thông điệp của ông có thể tóm lại là: “Bạn là vua, là người thống trị thế giới của bạn bởi vì bạn hợp nhất với Đấng tối cao”.

[taq_review]

Trích dẫn

Chương một

CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA TÂM TRÍ

Con người chỉ có một tâm trí nhưng cùng một tâm trí ấy lại có hai phương diện hay chức năng riêng biệt. Mỗi chức năng có hiện tượng đặc trưng, chỉ của riêng nó, và có khả năng hoạt động độc lập lẫn hoạt động phối hợp. Một chức năng được gọi là lý trí khách quan – tức ý thức − vì nó xử lý những gì ở bên ngoài và chức năng kia là tâm trí chủ quan – tức tiềm thức. Tiềm thức tuân phục và bị điều khiển bởi các ý niệm đưa ra từ ý thức − tức tâm trí khách quan. Ý thức đảm trách việc nhận thức thế giới khách quan mà phương tiện để nhận thức chính là năm giác quan của chúng ta. Ý thức chính là kẻ dẫn dắt ta trong quá trình tiếp xúc với môi trường và giúp ta thu thập kiến ​​thức thông qua năm giác quan. Ý thức học hỏi bằng cách quan sát, trải nghiệm và thông qua giáo dục. Và chức năng hệ trọng nhất của ý thức chính là lý luận.

Hãy nhìn quanh Los Angeles chẳng hạn; bạn sẽ kết luận rằng đây là một thành phố tươi đẹp dựa trên sự quan sát thấy công viên, nhà cửa, các công trình kiến trúc nguy nga, những vườn hoa duyên dáng và những thứ tương tự như vậy. Đây là hoạt động của ý thức, tức lý trí khách quan của bạn.

Từ khách quan có nghĩa rằng ý thức xử trí những gì mang tính khách quan. Tiềm thức lại khác ở chỗ nó nhận biết môi trường xung quanh bằng các phương cách không liên quan đến năm giác quan. Tiềm thức – tức tâm trí chủ quan − cảm nhận bằng trực giác. Tiềm thức là nơi diễn ra cảm xúc của chúng ta. Tiềm thức hoạt động cao độ nhất khi các giác quan khách quan bị kiềm tỏa hoặc không phát huy tác dụng.

Chính vì vậy, khi ý thức bị gác sang một bên, hoặc khi ta ở vào trạng thái buồn ngủ, mơ màng, trí tuệ sẽ tự bộc lộ. Tiềm thức có thể quan sát mà không cần dùng mắt; nó có khả năng thấu thị và thấu thính. Tiềm thức có thể rời khỏi cơ thể để đi chu du đến những nơi xa xôi và mang lại cho ta sự hiểu biết thường chính xác và trung thực nhất. Thông qua tiềm thức, ta có thể đọc được suy nghĩ của người khác, thậm chí đến mức độ những chi tiết nhỏ nhặt nhất; và biết được nội dung trong chiếc phong bì được dán kín hay két sắt đã bị khóa.

Tiềm thức có khả năng nắm bắt suy nghĩ của người khác mà không dùng đến các phương tiện truyền thông khách quan thông thường. Vì vậy, việc mang nhiều ý nghĩa nhất là chúng ta hãy tìm hiểu sự tương tác giữa ý thức với tiềm thức, để từ đó ta có thể hiểu được bản chất đích thực của những lời nguyện cầu.

Hiện nay có rất nhiều thuật ngữ được dùng để mô tả ý thức và tiềm thức, ngoài lý trí khách quan và tâm trí chủ quan, ta còn có tâm tỉnh thức và tâm hôn trầm, tự ngã bề mặt và tự ngã tầng sâu, tâm chủ động và tâm thụ động, tâm nam và tâm nữ, và nhiều thuật ngữ khác… Nhưng hãy nhớ rằng vẫn chỉ có duy nhất một tâm trí với hai phương diện hay chức năng.

Tiềm thức luôn tuân thủ các ám thị; nó được điều khiển bởi sự ám thị – tức những chỉ thị không công khai, được thể hiện dưới dạng sự khơi gợi hoặc đề đạt. Chúng ta phải hiểu rằng tiềm thức chấp nhận tất cả các ám thị; nó không tranh luận với ta mà chỉ thực thi những ước muốn của ta. Tất cả những gì đã từng xảy ra với ta đều xuất phát từ những ý nghĩ được gieo vào tiềm thức thông qua niềm tin. Tiềm thức chấp nhận niềm tin và sự xác tín đó của ta. Cũng hệt như một mảnh đất, tiềm thức chấp nhận bất kỳ hạt giống nào mà ta gieo trồng, dù tốt hay xấu. Hãy ghi nhớ rằng:

Bất cứ điều gì mà ta chấp nhận là đúng đắn và tin tưởng sẽ được tiềm thức của ta chấp nhận, và hiện thực hóa trong cuộc sống của ta dưới dạng hoàn cảnh, trải nghiệm hoặc sự kiện. Ý tưởng được truyền đến tiềm thức thông qua sự cảm nhận.

Chúng ta hãy xem xét một ví dụ: Ý thức giống như vị hoa tiêu hay thuyền trưởng. Ông ta là người điều khiển hướng đi của con tàu và truyền lệnh cho thợ trong buồng máy, nơi đặt tất cả các bộ phận như nồi hơi, máy móc, đồng hồ đo và các loại thiết bị khác. Những người thợ trong buồng máy chẳng biết họ đang đi đâu; họ chỉ làm theo mệnh lệnh. Họ có thể cho con tàu lao vào đá nếu người lái tàu ban bố những mệnh lệnh thiếu chính xác hoặc sai lầm, xuất phát từ sự nhận định thông qua la bàn, kính đo lục phân hoặc các công cụ định hướng khác. Những người thợ trong buồng máy tuân lệnh vì ông ta là người chỉ đạo. Họ không cãi thuyền trưởng; họ chỉ làm theo lệnh.

Thuyền trưởng là người làm chủ con tàu; mệnh lệnh của ông ta được mọi người tuân thủ; tương tự như vậy, ý thức của ta là thuyền trưởng, kẻ làm chủ bản thân ta. Cơ thể ta và mọi vấn đề của ta chẳng khác nào một con tàu. Tiềm thức của ta nhận lệnh do ta ban hành, thông qua niềm tin và các ý niệm được ta chấp nhận là đúng.

Hoặc ta có một minh họa đơn giản khác như thế này: Khi bạn cứ lặp đi lặp lại với mọi người: “Tôi không thích nấm”, ắt sẽ đến một ngày bạn được mời ăn món nấm và bị chứng khó tiêu vì tiềm thức của bạn bảo rằng, “Ông chủ không thích nấm”. Thí dụ này có thể ngộ nghĩnh với bạn nhưng chính là một ví dụ về mối quan hệ giữa ý thức và tiềm thức.

Khi một cô gái nói, “Nếu tôi uống cà phê vào ban đêm thì y như rằng 3 giờ sáng tôi sẽ thức giấc”, mỗi khi cô ta uống cà phê, tiềm thức sẽ nhắc cô, như thể muốn nói, “Ông chủ muốn bạn thức tối nay”.

Trái tim được gọi là tiềm thức trong các phúng dụ cổ xưa. Người Ai Cập biết rằng trái tim là tiềm thức, nhưng họ không gọi nó bằng cái tên đó. Người Chaldea và người Babylon gọi nó bằng nhiều tên khác nhau. Bạn có thể gieo ý niệm vào tiềm thức của mình và tiềm thức của bạn sẽ thể hiện những gì đã được gieo cho nó. Bất kỳ ý tưởng nào được cảm xúc hóa hoặc được cảm nhận là đúng sẽ được tiềm thức chấp nhận.

Chẳng hạn, nếu bạn muốn được chữa lành, hãy im lặng, thư giãn, hít thở thoải mái, giữ tâm trí không xao nhãng, nghĩ đến quyền năng chữa lành từ tiềm thức của chính mình, và xác quyết rằng bộ phận thân thể ấy của mình đang được chữa lành. Trong khi đó, trong tâm bạn chớ oán giận hay hằn thù mà phải tha thứ cho mọi người. Bạn có thể lặp lại quy trình chữa lành này ba, bốn lần mỗi ngày. Hãy nhớ rằng tiềm thức tạo nên cơ thể ta, và cũng có thể chữa lành nó. Người ta cứ luôn miệng khẳng định về sự chữa lành nội tạng hoặc một phần thân thể; thế rồi 15 phút sau, họ lại than phiền, “Ồ, sức khỏe của tôi ngày càng tệ; chẳng bao giờ khỏe được. Chẳng chữa được đâu”. Thái độ này hoặc những câu nói tiêu cực này đã vô hiệu hóa sự xác quyết tích cực trước đó.

Nếu bác sĩ giải phẫu cắt ruột thừa cho bạn, và mấy phút sau quay trở lại, mở bụng bạn ra để xem bạn bình phục ra sao, rồi sau đó nửa giờ lại trở lại để mở bụng bạn ra một lần nữa, ắt ông ta sẽ làm bạn thiệt mạng vì nhiễm trùng. Bạn cũng sẽ hủy hoại hoặc ngăn chặn cuộc chữa lành chính mình khi thốt ra những lời tiêu cực.

Bên trong bạn có một tiềm thức; bạn nên tìm hiểu cách vận dụng nó như thể người ta học cách sử dụng điện. Con người điều khiển điện năng qua dây dẫn, đèn ống và bóng đèn, cộng với kiến ​​thức về quy luật dẫn điện và cách điện, và các định luật đại loại. Chúng ta phải tìm hiểu về sức mạnh to lớn này và trí tuệ bên trong ta để vận dụng nó một cách khôn ngoan.

Nhiều người bắt đầu nhận ra tầm quan trọng thực sự của tiềm thức. Trong kinh doanh, nhiều người đang dùng nó để gặt hái thành công và thăng tiến. Edison, Ford, Marconi[1], Einstein và nhiều người khác đã vận dụng tiềm thức và nó đã mang lại cho họ sự thấu suốt và bí quyết để đạt được các thành tựu lớn lao trong khoa học, công nghiệp và nghệ thuật. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khả năng huy động sức mạnh tiềm thức đã quyết định sự thành công của tất cả những nhà khoa học và những nhà nghiên cứu vĩ đại.

Bên trong con người bạn có một cỗ máy tạo năng lượng đồ sộ mà bạn có thể sử dụng. Bạn cũng có thể hoàn toàn thoát khỏi sự căng thẳng và ức chế. Bạn có thể khám phá nguồn năng lượng dồi dào bên trong chính mình, cho phép mình truyền năng lượng và sức sống đến mọi bộ phận cơ thể.

Chẳng hạn, chúng ta đã từng nghe kể rằng tác giả Elbert Hubbard[2] cho biết những ý tưởng quan trọng nhất của ông đều đến khi ông đang thư giãn, làm việc trong vườn, hoặc đi dạo; lý do là khi tiềm thức thư giãn, trí tuệ chủ quan sẽ trỗi dậy. Thường những đợt trào dâng cảm hứng xảy đến khi ý thức đang hoàn toàn thư giãn.

Bạn đã bao nhiêu lần trăn trở trong đêm về giải pháp cho một vấn đề nào đó, và khi bạn giao lại nỗi băn khoăn ấy cho tiềm thức, sáng hôm sau nó trao lại cho bạn giải pháp? Đó chính là ngụ ý của câu ngạn ngữ xưa: “Buổi tối nghĩ sai, sớm mai nghĩ đúng”. Nếu bạn muốn thức dậy lúc 7 giờ sáng và ám thị con số 7 giờ cho tiềm thức, tiềm thức sẽ đánh thức bạn đúng lúc 7 giờ.

Một người mẹ đang chăm con bị bệnh và có thể ngủ thiếp đi; nhưng trước khi ngủ, cô đã ám thị với tiềm thức rằng cô sẽ thức dậy nếu nhiệt độ của đứa con tăng lên, hoặc khi nó cần thuốc, hoặc nó khóc. Trời có thể đang mưa gió trong lúc người mẹ ngủ nhưng cô ấy không bị đánh thức bởi tiếng sấm sét; thế nhưng, khi đứa con khóc, cô ấy thức dậy ngay lập tức. Đây là một công năng đơn giản của tiềm thức.


[1] Marchese Guglielmo Marconi (1874 – 1937) là một nhà phát minh người Italia, được coi là cha đẻ của ngành truyền thanh.

[2] Elbert Hubbard (1856 – 1915) là nhà văn, nhà phát hành, nghệ nhân và triết gia người Mỹ. Ông được biết tới nhiều nhất như là người sáng lập ra cộng đồng nghệ nhân Roycroft tại East Aurora, New York.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button