Review

Người Lạ Trong Nhà

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Leila Slimani
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 254
Ngày xuất bản 08-2017
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách


Câu chuyện bắt đầu bằng một cảnh tượng kinh hoàng: một bé trai hai tuổi đã chết, một bé gái bốn tuổi đang hấp hối và người vú em trông giữ hai đứa trẻ – kẻ gây ra tội ác khủng khiếp này – cũng vừa tự kết liễu đời mình. Cuốn tiểu thuyết mở ra bằng một cái kết, nhưng mọi chuyện lại không chấm dứt ở đó, quá khứ đã qua và hiện tại vừa thành quá khứ chỉ mở màn cho một bi kịch không hồi kết, dai dẳng và ám ảnh, của cuộc sống hiện đại.

Làm sao để có thể vừa phát triển sự nghiệp vừa nuôi dạy con cái? Làm sao để dung hòa lòng tốt với cảm giác thống trị vốn luôn tồn tại trong quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động mà cụ thể ở đây là một cặp vợ chồng trẻ thị dân và người giúp việc cho họ? Làm sao để sống trong xã hội lúc nào cũng vội vã này mà không phụ thuộc quá nhiều vào những người lạ, những người ta chưa kịp hiểu hết, mà ta buộc phải chấp nhận sự hiện diện của họ ngay giữa gia đình mình chỉ để đổi lấy thêm một chút tự do, một chút thời gian cho bản thân? Lối kể chuyện thông minh và am hiểu xã hội đã giúp Người lạ trong nhà trở thành một trong những câu chuyện tiêu biểu của dòng tiểu thuyết tàn bạo và xót xa này, từ Những cô hầu gái của Jean Genet (1947) đến Nghi lễ của Claude Chabrol (1995), và xứng đáng giành giải Goncourt 2016 – một trong những giải thưởng văn học uy tín nhất nước Pháp.

[taq_review]

Trích dẫn


“Cô ta đến muộn. Khởi đầu không tốt rồi.” Paul sốt ruột. Anh đi ra phía cửa và nhìn qua mắt thần. Đã 2 giờ 15 phút chiều và ứng cử viên đầu tiên, một phụ nữ người Philippines, vẫn chưa đến.
Lúc 2 giờ 20 phút chiều, Gigi uể oải gõ cửa. Myriam ra mở cửa. Cô nhận thấy ngay lập tức là người phụ nữ này có đôi chân quá nhỏ. Mặc dù trời lạnh, bà vẫn đi giày tennis bằng vải và đi tất trắng có diềm ở cổ chân. Ở độ tuổi gần năm mươi, đôi chân bà vẫn nhỏ như chân trẻ con. Trông bà khá thanh lịch, mái tóc bện lại dài đến ngang lưng. Paul khô khan nhận xét rằng bà đến muộn và Gigi vừa cúi đầu vừa lẩm bẩm xin lỗi. Bà nói tiếng Pháp rất tệ. Paul liền chuyển sang phỏng vấn bằng tiếng Anh dù không mấy tin tưởng. Gigi nói về kinh nghiệm bản thân, về những đứa con bà đã để lại ở quê hương, về đứa bé nhất đã mười năm nay bà chưa được gặp. Anh sẽ không tuyển bà. Anh hỏi thêm vài câu lấy lệ rồi đến lúc 2 giờ 30 chiều, anh tiễn bà. “Chúng tôi sẽ gọi cho bà sau. Thank you.“
Tiếp theo là Grace, một phụ nữ Bờ Biển Ngà tươi cười và không có giấy tờ tùy thân. Caroline, một phụ nữ béo phì có mái tóc vàng bẩn thỉu, suốt cuộc phỏng vấn cô ta chỉ than thở về chứng đau lưng và những vấn đề lưu thông máu của mình. Malika, một phụ nữ Ma Rốc đã có tuổi, bà nhấn mạnh việc đã có hai mươi năm trong nghề và rất yêu trẻ con. Myriam tỏ thái độ rất rõ ràng. Cô không muốn thuê một người Bắc Phi trông giữ con cho mình. “Cũng tốt mà, Paul cố gắng thuyết phục cô. Bà ấy sẽ nói chuyện với các con bằng tiếng Ả Rập, bởi vì em không muốn làm việc đó.” Nhưng Myriam vẫn kiên quyết không chịu. Cô sợ giữa cô và bà Malika sẽ nảy sinh sự đồng lõa mặc nhiên và tình cảm thân thiết. Sợ bà sẽ nhận xét cô bằng tiếng Ả Rập. Sẽ kể cho cô nghe cuộc đời bà, và chẳng mấy chốc, sẽ đòi hỏi ở cô cả nghìn thứ nhân danh ngôn ngữ và tôn giáo chung giữa họ. Cô vẫn luôn hồ nghi cái mà cô gọi là tình đoàn kết giữa những người nhập cư.
Rồi Louise xuất hiện. Khi kể về lần trò chuyện đầu tiên ấy, Myriam thích nói rằng đó là một điều hiển nhiên. Như một cú sét đánh trong tình yêu. Cô đặc biệt nhấn mạnh đến cách cư xử của con gái. “Chính con bé đã chọn chị ấy,” cô thích nhấn mạnh như vậy. Mila vừa thức dậy sau giấc ngủ trưa, bị tiếng hét chói tai của cậu em kéo ra khỏi cơn buồn ngủ. Paul vào bế thằng bé, theo sát gót anh là Mila nép mình sau chân bố. Louise đứng dậy. Khi Myriam miêu tả lại cảnh này, cô vẫn còn mê mẩn vẻ tự tin của chị vú em. Louise nhẹ nhàng đón Adam từ tay bố và giả vờ không nhìn thấy Mila. “Nàng công chúa đâu rồi? Tôi tưởng đã nhìn thấy một nàng công chúa, nhưng nàng ấy biến mất rồi.” Mila bắt đầu cười vang và Louise vẫn tiếp tục trò chơi, tìm kiếm nàng công chúa bí ẩn bị mất tích khắp các góc nhà, dưới gầm bàn, đằng sau ghế xô pha.
Họ hỏi chỉ vài câu. Louise nói rằng chồng chị đã chết, rằng con gái chị, Stéphanie, bây giờ đã lớn – “gần hai mươi tuổi rồi, thật không thể tin nổi” -, rằng chị rất rảnh. Chị đưa cho Paul một tờ giấy trên đó có ghi tên của những người chủ cũ. Chị nói về gia đình nhà Rouvier, cái tên nằm trên đầu danh sách. “Tôi ở nhà họ một thời gian dài. Họ cũng vậy, họ có hai con. Hai cậu con trai.” Paul và Myriam bị quyến rũ bởi Louise, bởi những đường nét nhẵn nhụi, nụ cười chân thành, đôi môi không run rẩy. Chị có vẻ rất điềm tĩnh. Chị có ánh nhìn của một phụ nữ có thể thấu hiểu và thông cảm tất thảy mọi điều. Khuôn mặt chị như một vùng biển bình lặng, không ai có thể ngờ bên dưới là những miệng vực thẳm.
Ngay tối đó, họ gọi điện cho vợ chồng người chủ có số điện thoại mà Louise để lại. Một phụ nữ trả lời họ, hơi lạnh lùng. Khi nghe nhắc đến tên Louise, bà đổi giọng ngay lập tức. “Louise ư? Anh chị thật may mắn khi gặp được chị ấy. Chị ấy gần như người mẹ thứ hai của các con trai tôi. Chúng tôi thật sự rất đau lòng khi phải chia tay chị ấy. Nói thật với anh chị, hồi ấy, thậm chí tôi còn nghĩ đến việc sinh đứa con thứ ba để có thể giữ chị ấy lại.”

***

Louise mở cửa chớp căn hộ. Đã hơn 5 giờ sáng một chút, và bên ngoài, đèn đường vẫn còn sáng. Một người đàn ông đi bộ trong phố, men theo bức tường để tránh mưa. Cơn mưa rào đã kéo dài suốt đêm. Gió rít trong các đường ống và lẩn vào những giấc mơ của chị. Cứ như thể nước mưa rơi theo phương nằm ngang để đập thẳng vào mặt tiền tòa nhà và những ô cửa sổ. Louise thích nhìn ra ngoài. Ngay trước nhà chị, giữa hai công trình xấu thảm hại, có một ngôi nhà nhỏ, bao quanh là một khu vườn rậm rạp. Một cặp vợ chồng trẻ vừa dọn đến đó hồi đầu hè, hai vợ chồng người Paris cùng với những đứa con chơi xích đu và dọn vườn rau vào ngày Chủ nhật. Louise tự hỏi họ đến khu này làm gì.
Cơn thèm ngủ khiến chị rùng mình. Chị dùng đầu ngón tay cạo chỗ góc cửa sổ. Mặc dù đã ra sức lau chùi, hai lần một tuần, nhưng chị vẫn thấy cửa kính, có vẻ mờ mịt, phủ đầy bụi và những vệt màu đen. Đôi lúc, chị những muốn cọ rửa cho đến khi chúng vỡ tan. Chị cào càng lúc càng mạnh bằng đầu ngón tay trỏ, và móng tay chị bị gãy. Chị đưa ngón tay lên miệng và cắn mạnh để cầm máu.
Căn hộ chỉ có một phòng duy nhất, vừa là phòng ngủ vừa là phòng khách của Louise. Sáng nào chị cũng cẩn thận gập chiếc xô pha giường lại và phủ kín nó bằng lớp vải phủ màu đen. Chị dùng bữa trên chiếc bàn thấp, ti vi lúc nào cũng bật. Dưới chân tường là những thùng các tông vẫn còn đóng kín. Có lẽ chúng chứa đựng vài thứ đồ đạc có thể mang lại sức sống cho căn hộ không sinh khí này. Bên phải ghế xô pha, có bức ảnh chụp một thiếu nữ tóc đỏ lồng trong chiếc khung ảnh lấp lánh.
Chị nhẹ nhàng trải chân váy dài và áo sơ mi lên xô pha. Chị nhặt đôi giày mềm mà chị đã đặt trên sàn nhà, mẫu giày mua cách đây hơn mười năm nhưng chị giữ gìn cẩn thận đến nỗi trông chúng có vẻ vẫn còn mới. Đó là một đôi giày da bóng rất đơn giản, gót vuông và có trang trí kín đáo bằng một cái nơ nhỏ. Chị ngồi xuống và bắt đầu lau từng chiếc, bằng một mảnh vải nhúng vào hộp kem tẩy trang. Cử chỉ của chị chậm rãi và chính xác. Chị lau giày với sự cẩn thận cáu kỉnh, hoàn toàn đắm chìm trong công việc của mình. Mảnh vải đã đầy vết bẩn. Louise đưa chiếc giày lại gần ngọn đèn đặt trên bàn tròn. Khi lớp xi có vẻ đã khá bóng, chị đặt chiếc giày xuống và cầm chiếc kia lên. Vẫn còn rất sớm nên chị có thời gian để sửa lại móng tay bị xước vì việc cọ rửa vừa rồi. Chị quấn băng quanh ngón tay và phết lên những móng tay còn lại một lớp sơn màu hồng, rất kín đáo. Lần đầu tiên và bất chấp giá cả, chị đến hiệu làm đầu để nhuộm tóc. Chị cuộn mái tóc lại thành một búi gọn gàng sau gáy. Chị trang điểm và lớp phấn mắt màu xanh khiến chị già đi, trong khi chị vốn có vóc người mảnh dẻ, nhỏ bé đến nỗi từ xa người ta sẽ tưởng chị chưa đến hai mươi tuổi. Tuy nhiên số tuổi của chị đã hơn cả gấp đôi con số đó rồi.
Chị đi lòng vòng trong căn hộ, chưa bao giờ chị thấy nó nhỏ bé và chật chội đến thế. Chị ngồi xuống rồi lại đứng dậy gần như ngay lập tức. Lẽ ra chị có thể bật ti vi. Uống một cốc trà. Đọc tờ báo dành cho phụ nữ cũ rích để gần giường. Nhưng chị sợ thư giãn, sợ để thời gian trôi đi, sợ mình sẽ đầu hàng cơn đờ đẫn. Việc dậy sớm khiến chị yếu ớt, dễ tổn thương. Chỉ cần một điều vô cùng nhỏ nhặt cũng sẽ khiến chị chợp mắt một phút, ngủ thiếp đi và rồi đến muộn. Chị phải giữ cho đầu óc tỉnh táo, phải tập trung toàn bộ sự chú ý của mình vào ngày làm việc đầu tiên này.
Chị không thể chờ đợi ở nhà. Chưa đến 6 giờ, chị còn rất nhiều thời gian, nhưng chị vẫn rảo bước về phía trạm tàu tốc hành. Chị mất hơn mười lăm phút để đến ga Saint-Maur-des-Fossés. Trên tàu, chị ngồi đối diện với một ông già người Trung Quốc đang ngủ, người co quắp, trán áp vào cửa kính. Chị chăm chú ngắm nhìn khuôn mặt ông mệt mỏi. Đến mỗi trạm dừng, chị lại lưỡng lự không biết có nên đánh thức ông hay không. Chị sợ ông lạc, sợ ông đi quá xa, sợ rằng khi mở mắt, ông sẽ chỉ còn một mình ở bến cuối, và lại phải đi ngược lại. Nhưng chị không nói gì. Không nói gì với mọi người là cách hành xử hợp lý hơn cả. Có một lần, một cô gái trẻ, tóc nâu, rất xinh đẹp, suýt thì đã tát chị. Cô ta hét lên: “Này chị kia, sao cứ nhìn tôi thế? Hả? Làm sao phải nhìn?”
Đến Auber, Louise nhảy xuống sân ga. Đã bắt đầu đông người, một phụ nữ xô vào chị trong lúc chị leo cầu thang lên ke đón tàu điện ngầm. Mùi bánh sừng bò và sô cô la cháy kinh khủng xộc vào họng chị. Chị bắt tàu điện ngầm số 7 ở đoạn Nhà hát nhạc kịch và trèo lên mặt đất ở ga Poissonnière.

Louise đến sớm gần một tiếng đồng hồ và chị ngồi vào một bàn ở hàng hiên quán Paradis, một quán cà phê không chút duyên dáng, từ đó chị có thể quan sát cửa ra vào tòa nhà. Chị nghịch chiếc thìa. Chị thèm muốn ngắm nhìn người đàn ông ngồi bên phải, anh ta mút mát điếu thuốc lá bằng đôi môi dày trụy lạc. Chị những muốn giằng nó ra khỏi tay anh ta và rít một hơi thật dài. Không chịu nổi nữa, chị liền trả tiền cốc cà phê rồi bước vào tòa nhà im ắng. Khoảng mười lăm phút nữa, chị sẽ bấm chuông, và trong khi chờ đợi, chị ngồi trên bậc thềm, giữa hai tầng nhà. Chị nghe có tiếng động, và vừa đứng dậy thì đã thấy Paul vừa đi vừa nhảy xuống cầu thang. Anh cắp xe đạp ở nách, đầu đội mũ bảo hiểm màu hồng.

Bạn đọc cảm nhận


A Passenger

Là một học sinh được giới thiệu cuốn sách một cách tình cờ, tôi đã khá hứng thú với cuốn sách ngay từ cái mở đầu thảm khốc và tàn sát của nó. Người lạ Trong Nhà của Leila Slimani tuy lời văn của bà có phần mượt mà, không có gì đặc sắc cho lắm, nhưng cái lạ của nó chính là ở cái diễn biến tâm lí nhân vật mà bà thể hiện qua từng cử chỉ và hành động thay cho ý nghĩ tình cảm.

Nếu bạn là một người muốn tìm đến thế giới của những ” người lạ ” và thích thú với những tiểu thuyết về tâm lí xã hội hiện đại, thì đây quả là cuốn sách dành cho bạn.

Trần Thanh Tân

Cuốn sách nhỏ đọc một lèo cái xong nhưng cái câu hỏi xuyên suốt trong cuốn sách thì cứ ám ảnh mình mãi: “làm thế nào để cân bằng giữa sự nghiệp và con cái”, có thể mãi đến tận sau khi mình lập gia đình, có con rồi mình mới có thể hiểu hết được

Cách kể chuyện rất tuyệt, đọc say mê luôn

Tuấn Anh Phạm

Người Lạ Trong Nhà – Leila Slimani

“Phải có ai đó chết để chúng ta được hạnh phúc”
Có lẽ truyện đang nói những kẻ đang sống chỉ là những bộ xương di động: không cảm giác, không quan tâm và chỉ chu toàn gột sạch cho bản thân!

Leila Slimani sinh ra ở Morocco, và chị cũng sắp ra môt sách nữa là: Tình dục và những điều dối trá (Sex n Lies) để kể về phụ nữ ở Morocco. Nói chung phụ nữ thường bảo vệ phụ nữ.
Đây là một bi kịch khá khốc liệt, ngay ở các trang đầu tiên của sách. Các mẹ, các chị e phải cẩn thận khi thuê Osin nhé. Tâm lý trong truyện muốn nêu một tội ác thực tế đang có: Vụ Yoselyn Ortega giết 2 bé tại NY,
Mỹ (https://en.wikipedia.org/wiki/Deaths_of_Lucia_and_Leo_Krim)
Khá là hiếm với một truyện – lại còn đoạt Giải Công Cua – về thể loại bi kịch xã hội mà ngay 2-3 trang đầu tiên đã nêu ra những tội ác của các tư tưởng đang sống: một chị vú em gây án mạng với hai đứa trẻ, rồi tự tử.

Sau đó là những biện luận khá dài khoảng 250 trang về hành trình dẫn dắt tới kết cụ như vậy.
Kết luận của tác giả là: “Phải có ai đó chết để chúng ta được hạnh phúc”. Nó giống giống với “Anh em nhà Karamazov” của cụ Dos – cha và con bế tắc vì tình yêu một cô gái, cũng gần giống với câu nói của Marmeladov về: “Ngài có hiêu không khi người ta không có nơi nào để trở về” – Tội ác và trừng phạt. Hay giống với “Đêm hội Halloween” của Agatha Christie – phi công và máy bay bà già làm tất cả để được tình yêu của nhau.

Louis là một chị vú em khá thích hợp để chăm sóc hai con Mila và Adam của vợ chồng Paul – chỉ với một mục tiêu: vợ chồng có thêm thời gian để theo đuổi sự nghiệp của mình. Nhưng đó lại là điều ích kỷ nhất. Và chính Louis là người cởi nút của tất cả những gò bó của các gia đình thuê vú e chăm sóc nhân thân của họ.
Nhiều trường đoạn mô tả chính nội tâm của Louis – là người của cô độc; con thì bỏ nhà; chồng thì mất để lại nợ nần; luôn sợ sệt khi đi về nhà vì luôn nghĩ rằng có ai theo dõi; khoả thân khi trông trẻ; trang điểm Mila như là một cô gái điếm; rồi giật gân hơn là: để một bộ xương của con gà đã rửa sạch sẽ vào tủ lạnh…. tới giờ mình vẫn chưa hiểu hình thái của tác động này. Có lẽ đang nói những kẻ đang sống chỉ là những bộ xương di động: không cảm giác, không quan tâm và chỉ chu toàn gột sạch cho bản thân!

Tới trang 100 đôi khi khó đoán được tâm lý khó trói buộc khi mẹ của Mila phát hiện ra một vết cắn ở con, và cũng một vết cắn trên người Louis… đó là tính ghen tuông của trẻ con. Tâm lý gắn bó ghê gớm! Song đó là những gì khởi đầu.
Rồi gia đình Paul phát hiện Louis có món nợ; Louis thèm khát đàn ông; ra đường thì ng họ hàng xung quanh cũng chỉ chào hỏi qua loa… tất cả những điều như vậy đều chứng tỏ Louis đang rất cô độc; và….truyện trở nên căng thẳng khi chính Louis thấy Mila, Adam là những chướng ngại để bố Paul và mẹ Myrian

”Nào các cháu lại đây” “Phải có ai đó chết để chúng ta được hạnh phúc”. Chát!

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button