Review

Từ Rừng Thẳm Amazon Đến Quê Hương Bolero

Thể loạiSách du ký
Tác giảNguyễn Tập
NXBTổng Hợp
Số trangKhoảng 150
Năm2017
Giá bánXem giá bán

Nội dung

10 năm sau tác phẩm Dặm đường lang thang (NXB Trẻ, 2006), cây bút du ký Nguyễn Tập lại cho ra mắt độc giả cuốn sách thứ hai: Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero.

Cuốn sách này như một bộ phim tài liệu đặc biệt, ghi chép lại hành trình dấn thân khám phá, thâm nhập Nam Mỹ của tác giả. Như trong lời mở sách (Tại sao Nam Mỹ?), tác giả viết đại ý, Nam Mỹ với những cô hoa hậu nóng bỏng, với những cầu thủ bóng đá mạnh mẽ, tài năng như Maradona từng hấp dẫn anh từ ngày thơ ấu. Nhưng giấc mơ chinh phục Nam Mỹ lại bùng lên khi anh xem cuốn phim Motocycle Diaries kể về chuyến du hành xuyên Mỹ Latinh của chàng sinh viên y khoa năm cuối Che Guevara.

Vậy là vác balô lên đường cho những chuyến đi dài ngày: năm 2008, Nguyễn Tập có 2 tháng ăn dầm nằm dề ở xứ sở của người Quechua – hậu duệ dân Inca; 2009, lại có hai chuyến đi Mexico; cuối năm 2011, anh dành 4 tháng thâm nhập vào những bộ lạc thổ dân vùng Amazon, Peru và Bolivia. Và gần đây nhất, anh trở lại đó với những ngày làm cư dân Cuba. Chuyến khám phá Cuba – quê hương xì gà và Bolero kết thúc chỉ trước khi ông Fidel Castro qua đời vài ba hôm.

Chất liệu thực tế đi vào cuốn du ký này ngồn ngộn. Những câu chuyện từ bùa chú, ma thuật, bói toán còn sót lại nơi những đô thị song trùng đời sống văn minh – hoang dã, những phong tục lạ lùng của những bộ lạc trong rừng thẳm, những thành phố đá, hòn đảo trôi dạt, đảo búp bê… được viết lại chân xác, vắn gọn cùng với các tranh ký họa cho thấy tác giả có một cách tiếp cận thực tế rất riêng, không hề giống những người viết hồi ký kiểu “tô vẽ” như thường gặp ở những cuốn du ký của các tác giả trẻ mới nổi gần đây. Ở mỗi vùng đất tác giả đi qua, anh cũng dành mối quan tâm đặc biệt đến thân phận những người Việt lang thang, lưu lạc, đôi chỗ dành mối liên tưởng đến sự tương đồng văn hóa với quê hương mình. Chính điều này làm cho cuốn du ký có nhiều cơ tầng liên tưởng.

Cuốn du ký này gồm 4 phần: Amazon (Trong rừng thẳm Amazon), Mexico (Xứ sở của những chiếc đầu lâu pha lê, Peru (Bay trên thành phố đá) và Cuba (Lang thang trên quê hương Bolero).

Chất du ký bụi bặm, phiêu lãng và mạnh mẽ truyền cảm hứng đủ để những độc giả trẻ sau khi gấp sách lại, có thể thu xếp những hành trình kỳ thú của riêng mình

[taq_review]

Review

Thế Lâm

Đã đọc và cảm nhận, quyển sách không chỉ đưa mình qua các chặng đường, đất nước, hiểu văn hóa, con người từng nơi mà còn ghi dấu những cảm xúc rất thực của một lữ hành qua từng vùng đất. Đọc xong chỉ muốn đi ngay, đâu cũng được, bởi ở đó có cái gọi là “văn hóa du hành” chứa đựng trong sách.

Vòng Chống Thái

Vô tình một lần đi ngang đường sách và tham gia chương trình ra mắt sách của anh và ghé lại, sau khi ngồi nghe anh chia sẻ về những chuyến đi của mình thì ngay lập tức phải có một cuốn ngay, tiện thể xin luôn chữ ký của tác giả.

Nói về cuốn sách từ hình thức bên ngoài đã rất thích, rát nhiều hình ảnh về những nơi tác giả đi qua, mà còn được in màu rất đẹp, còn được nghe kể những bức ảnh minh họa trong sách còn được chính tác giả vẽ, mình thích cái cảm giác được lang thang trong rừng của tác giả khi đi săn, còn cả được đi câu cá hổ nữa, quả là rất tuyệt. Nếu một ngày có đủ dũng khí cũng sẽ lên đường.

Cám ơn tác giả đã cho tôi được những giây phút thú vị khi đọc sách

Nguyễn Nhung

Vừa mua cách đây không lâu, và vừa đọc hết là vô review liền.

Phải cảm ơn tác giả lắm lắm, vì lượng thông tin và kiến thức ngập tràn trong sách. Có rất nhiều điều mới mẻ, lạ lẫm mà đọc sách này mình mới biết (dù rằng mình là đứa cuồng Nam Mỹ, nhất là Amazon. Và đã ghiền ngẫm ko ít trên Discovery channel)

Lối viết văn gần gũi, dễ đọc, dễ ngấm mà ko kém phần hấp dẫn.

Hãy đọc thử đi. Tôi tin bạn sẽ ko hối hận đâu.

Trích đoạn

NỮ CHIẾN BINH AMAZON

Khi những người Tây Ban Nha đầu tiên đặt chân đến vùng đất này, nhìn thấy người Yagua mặc váy bằng lá cọ, mang theo súng thổi tên độc nên cho rằng đó là những… nữ chiến binh. Thế là họ đặt tên con sông dài nhất thế giới theo tên bộ tộc các nữ chiến binh trong thần thoại Hy Lạp – Amazon…

Vũ khí của người Yagua làm tôi liên tưởng đến Thiết chưởng liên hoa Cừu Thiên Xích, một nhân vật trong truyện Thần Điêu Đại Hiệp của Kim Dung. Bà này võ công cao cường, có chiêu dùng miệng thổi hột táo giết chết đối thủ trong nháy mắt. Tuy không biết võ, nhưng tài dùng miệng thổi tên độc hạ gục con mồi của người Yagua cũng có thể liệt vào hàng tuyệt kỹ. Họ dùng súng thổi tên để săn chim và những loài thú nhỏ trong rừng. “Đối với khỉ, người thợ săn phải phục sẵn trên những tàn cây cao. Khi khỉ dính tên, nó thường vùng chạy khá xa cho đến khi chất độc ngấm vào mới chịu dừng lại”, người hướng dẫn giải thích với chúng tôi.

Vừa đến nơi ở của bộ lạc Yagua, tôi đã nhìn thấy vài người đàn ông mặc váy, mặt vẽ vằn vện dường như… đang đợi sẵn. Người hướng dẫn nói: “Váy của họ làm bằng lá cọ. Dùng hạt cây điều nhuộm (bixa orellana) ghè ra để lấy màu đỏ nhuộm váy và vẽ mặt. Kiểu họa tiết, hình vẽ phụ thuộc vào địa vị trong bộ lạc. Ngoài ra, chất nhuộm này còn có tác dụng… chống muỗi”.

Cách đó vài chục mét, họ đặt tượng một con chim bằng gỗ to chừng nắm tay. “Phụp”, “phụp”… những mũi tên cứ thế phóng đến liên tiếp với tốc độ chóng mặt mà hầu như không có cái nào trật.

————-a5—————–

Dĩ nhiên tôi cũng muốn thử. Anh chàng thổ dân Yagua hiểu ý, đưa tôi cái súng. Tôi bắt chước anh, bặm môi, trợn mắt nhắm thẳng con chim gỗ thổi thật mạnh. Nhóm du khách đi cùng vỗ tay bôm bốp. Tôi nhìn con chim gỗ: “Ủa, sao không thấy mũi tên?”. Mấy người thổ dân cười khanh khách chỉ xuống nền đất cách đó chừng… 5 mét. Đúng là sử dụng súng thổi tên không hề đơn giản như tôi nghĩ. Rafael, một nghệ nhân người Yagua, cho chúng tôi biết rằng ngày nay, súng thổỉ tên vẫn còn sử dụng vì dễ chế tạo, thao tác im lặng, không làm động các loài thú nhỏ (đặc biệt là loài khỉ), nhưng các anh thợ săn thích sử dụng khẩu shotgun 16 viên hơn. Những khẩu súng thổi tên giờ chủ yếu chỉ làm kỷ niệm hoặc bán cho khách du lịch lấy vài đô la.

Không chỉ dùng súng thổi tên, người Yagua còn là bậc thầy về sử dụng độc dược. Họ nấu những loại rễ, trái, lá rừng cho đến khi keo đặc lại rồi nhúng mũi tên vào. Phần đầu mũi tên có khứa rãnh để chất độc mau ngấm hơn. Chất độc này sẽ ngấm vào cơ thể, làm tê liệt con mồi. “Thầy pháp là người giỏi nhất về độc dược và những bí mật này chỉ được truyền miệng từ đời này sang đời khác”, Rafael cho biết.

Chiều muộn, đoàn du khách lục tục lên đò quay lại Iquitos. Tôi quyết định không theo đoàn về mà ở lại để tìm hiểu thêm về cuộc sống của người Yagua. Dù sao, so với người Bora, người Yagua cũng còn nhiều điều thú vị hơn. Không ngờ điều này lại làm tôi phát hiện ra một sự thật đáng buồn. Thấy du khách đã về hết, những người Yagua cũng dọn dẹp đồ đạc. Mấy chàng thổ dân mặc váy bằng lá cọ tròng nhanh cái quần jean, áo thun; các cô gái ngực trần ban nãy giờ cũng mặc vội cái áo ngực vào. Một số người đến bụi rơm gần đó lôi chiếc xe máy ra rồi ầm ầm lao đi.

Theo con đường mòn, tôi lần đến ngôi làng của người Yagua đang sống. Đó là những căn nhà sàn lợp lá dừa, vách gỗ. Tôi bước vào một nhà hỏi mua đồ lưu niệm. Thấy tôi, họ thoáng giật mình vì bất ngờ. Anh thổ dân Ramos giờ đã biến thành chàng thanh niên sành điệu với đồng hồ, đồ tây, tóc rẽ ngôi mướt rượt. Cô vợ đang chải đầu, dặm lại chút son lên môi. Cô không ở trần nữa mà mặc chiếc pull xanh, trên có hàng chữ nổi bật “I love you”. Trong nhà khá khang trang, có điện thoại, tivi, đầu đĩa DVD… đầy đủ. “Anh muốn súng thổi tên, mặt nạ hay da thú?”, Ramos hỏi bằng tiếng Tây Ban Nha rồi chỉ tay lên những tấm da báo, da trăn lớn chiếm cả một góc tường. “Bao nhiêu?”, tôi tò mò. Ramos lôi từ góc nhà một tấm da trăn cuộn lại, rộng chừng 2 gang tay, còn nguyên cả cái đầu to bằng bàn tay đang ngoác mồm, răng lởm chởm: “100 USD”. Thật sự tôi chẳng biết giá và cũng không thích đụng đến động vật hoang dã nên từ chối và chỉ mua vài cái mặt nạ và cây súng thổi tên làm kỷ niệm.

– Các anh sống bằng gì? – Tôi hỏi.

– Người Bora và Yagua chúng tôi ở đây đã văn minh rồi. Một số ít không chịu “văn minh” thì đã rút sâu vào rừng. Mỗi sáng chúng tôi đi bộ hoặc chạy xe máy ra chỗ làm, thay đồ và đợi du khách đến. Ngoài đồ lưu niệm ai bán nấy hưởng, tiền “thăm bộ lạc” sẽ chia đều ra cho mỗi người. Thời gian rảnh chúng tôi ở nhà làm đồ lưu niệm. Tôi quyết định về lại Iquitos ngay trong đêm dù phải trả tiền thuê hẳn một chuyến đò.

– Sao không ở lại, đợi ngày mai rồi về chung với du khách? – Ramos hỏi.

Tôi chỉ cười nhẹ và nói vì có việc gấp. Thật ra, lý do là vì tôi chẳng còn gì lưu luyến nơi đây. Hụt hẫng. Bao nhiêu dự định tìm hiểu về thổ dân Amazon “nguyên thủy” với những chuyện kỳ thú như trong phim ảnh bay biến sạch. Ramos tiễn tôi ra tận bến đò, anh rút trong túi ra cái điện thoại di động:

– Lưu lại số điện thoại của tôi, có chuyện gì cần thì gọi tôi nhé.

Tôi bắt tay anh chào tạm biệt. Chiếc đò chòng chành rồi xành xạch chạy đi. Giữa đêm rừng Amazon thinh lặng, tiếng nhạc xập xình vẫn văng vẳng…

Tôi thất vọng ngồi trên con đò lao vào màn đêm hướng về thành phố mà không biết rằng chỉ vài hôm nữa thôi, tôi sẽ gặp được thổ dân Amazon thứ thiệt: người Matsés.

Ngày nay, bộ lạc Yagua chỉ còn khoảng 3.000- 4.000 người, sống rải rác dọc sông Amazon trên lãnh thổ của Peru, Colombia , Brazil. Họ dùng súng thổi tên dài khoảng 1- 2 mét, được làm từ hai thanh gỗ xẻ rãnh, dán dính với nhau bằng nhựa cây. Muốn làm ra một cây súng thổi tên tốt phải mất khoảng ba ngày. Phần đầu mũi tên có khứa rãnh để chất độc thấm vào con mồi nhanh hơn. Người Yagua chuốt mũi tên bằng răng của cá cọp (hung thần sông Amazon, một đàn cá cọp có thể ăn thịt hết một con nai trong vài phút).

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button