5 Ngôn Ngữ Tình Yêu
Thể loại | Sách hay về cuộc sống |
Tác giả | Gary Chapman |
NXB | NXB Tổng hợp TP.HCM |
Công ty phát hành | First News – Trí Việt |
Số trang | 240 |
Ngày tái bản | 07-2016 |
Giá bán | Xem giá bán |
Nội dung
Năm Ngôn ngữ Tình yêu là cuốn sách được biên dịch từ tác phẩm nổi tiếng The Five Love Languages của chuyên gia tâm lý – Tiến sĩ Gary Chapman – cuốn sách luôn nằm trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất thế giới và đã được dịch ra 40 ngôn ngữ. Riêng bản tiếng Anh đã phát hành được trên 5 triệu bản và luôn nằm trong top 100 cuốn sách bán chạy nhất của Amazon.com. Việt Nam là ngôn ngữ thứ 41.
Năm Ngôn ngữ Tình yêu của Gary Chapman sẽ hé mở cho bạn một điều thú vị rằng, mỗi người trong chúng ta đều có một “ngôn ngữ tình yêu” khác nhau. Khi hiểu được sự khác biệt ấy và biết cách sử dụng đúng ngôn ngữ tình yêu của mình, các bạn sẽ xây dựng được một nền tảng vững chắc cho tình yêu và một gia đình hạnh phúc, nơi cả hai đều cảm thấy mình được quan tâm, yêu thương và chia sẻ trong sự ấm áp, nồng nàn của tình yêu.
Để có một đời sống gia đình hạnh phúc bền lâu, cả hai cần dành ra những giờ phút chia sẻ, thảo luận về quan điểm và những điều mình mong muốn từ hành động, lời nói của nhau. Rất có thể, ngôn ngữ yêu thương của bạn và chồng (hoặc vợ bạn) là hoàn toàn khác nhau. Do đó, chúng ta cần sẵn lòng học lấy ngôn ngữ tình yêu của người mình yêu. Và, khi các bạn có thể chia sẻ và thông hiểu nhau nhiều nhất, tình yêu của các bạn sẽ thăng hoa…
Với kinh nghiệm ba mươi năm tư vấn hôn nhân, tác giả đã đúc kết được 5 Ngôn ngữ Tình yêu cơ bản – đó là năm cách để biểu đạt và thấu hiểu cảm xúc trong tình yêu. Tuy nhiên, mức độ áp dụng của mỗi người lại khác nhau. Điều quan trọng nhất cần nhớ là, hãy nói bằng ngôn ngữ tình yêu của người bạn đời chứ không phải của bản thân bạn.
[taq_review]
Review
Trích đoạn
THỜI GIAN CHIA SẺ
11giờ 45 phút khuya, tôi bước vào phòng con trai trong trạng thái mỏi mệt cả về thể chất lẫn tinh thần. Tôi định vào chỉ để chúc thằng bé ngủ ngon, nhưng con trai tôi lại nói: “Cha ạ! Con thật sự không thể hiểu nổi bọn con gái”. Thế là tôi ngồi xuống sàn, dựa vào cạnh giường con và hỏi: “Sao con lại nói thế?”.
Câu hỏi đó đã khởi đầu cho cuộc nói chuyện dài 2 tiếng giữa chúng tôi. Đây là điều mà Derek đã nói với tôi lúc nó mới 7 tuổi. Bây giờ nó đã 36 tuổi và vẫn chưa hiểu nổi phụ nữ. Và tôi cũng thế. Nhưng đó không phải là vấn đề bởi điều quan trọng là hai chúng tôi luôn đủ thân thiết để trò chuyện với nhau.
Dành cho con thời gian chia sẻ nghĩa là bạn phải cho con một phần đời của mình. Đó là khoảng thời gian mà bạn tuyệt đối hướng vào con để lắng nghe, chia sẻ, và không có gì quan trọng hơn với bạn vào lúc đó. Thời gian chia sẻ là một công cụ giao tiếp mạnh mẽ của tình thương.
Điều đáng tiếc là ngôn ngữ yêu thương được biểu hiện bằng thời gian chia sẻ này lại khó sử dụng hơn là Lời khen ngợi hay Cử chỉ âu yếm. Lý do đơn giản là vì nó tốn nhiều thời gian hơn. Một cái chạm tay đầy ý nghĩa chỉ tốn vài giây; nói những lời khen ngợi chỉ mất một phút; nhưng thời gian chia sẻ thì phải cần hàng giờ. Và trong cuộc sống hiện đại hối hả, đây là điều khó khăn với nhiều bậc phụ huynh bởi họ không có nhiều thời gian dành cho các con mình. Kết quả là có rất nhiều trẻ vị thành niên ngày nay sống trong gia đình dư thừa vật chất nhưng lại trống rỗng tình thương. Chúng thường cảm thấy mình chỉ là một phần trong cuộc sống của cha mẹ.
Nhà tâm thần học Ross Campbell đã viết: “Nếu không được quan tâm, trẻ vị thành niên sẽ luôn sống trong tâm trạng lo lắng vì chúng cảm thấy cha mẹ xem trọng mọi thứ khác hơn mình. Chúng sẽ thấy thiếu an toàn và thường tỏ ra yếu kém trong việc phát triển tâm lý tình cảm”.
Thời gian bên nhau
Điều quan trọng nhất của thời gian chia sẻ chính là việc bên nhau chứ không phải là việc ở gần nhau. Việc ở chung dưới một mái nhà với con không có nghĩa là bạn đã có thời gian bên con. “Bên nhau” có nghĩa là phải có liên hệ giữa hai người. Cha con cùng nhau xem thể thao trên truyền hình hay ở sân vận động thì có thể hai người có hoặc không bên nhau. Nếu đứa trẻ xem xong và cảm thấy: “Đối với cha, thể thao còn quan trọng hơn mình” thì lúc đó hai người không bên nhau. Nhưng nếu đứa trẻ cảm nhận được rằng: “Điều quan trọng nhất ở đây chính là được ở cạnh cha. Thật vui khi chúng ta có thể làm gì đó cùng nhau”, thì khi đó, tình cảm cha con đã thật sự gắn kết. Chương sách này tập trung vào việc giúp bạn tìm thấy sự bên nhau khi hai người ở cạnh nhau.
Giá trị quan trọng nhất của thời gian chia sẻ là cảm nhận của con bạn, rằng bạn đang tập trung toàn bộ sự chú ý của mình vào chúng. Điều này không có nghĩa là lúc nào ở cạnh nhau hai người cũng phải có những cuộc đối thoại sâu sắc dai dẳng. Nó có nghĩa là những giao tiếp qua ánh mắt, lời nói và ngôn ngữ cơ thể phải cùng nói lên rằng con bạn quan trọng hơn sự việc đang diễn ra.Clint, một cậu bé 15 tuổi, giải thích điều này: “Có lẽ cha cháu nghĩ rằng ông đang ban ơn cho con trai của mình mỗi khi ông dẫn cháu đi câu. Ông thường gọi đó là ‘giờ bạn bè’ nhưng giữa hai cha con thậm chí không hề nói gì về nhau. Câu chuyện của cha và cháu chỉ xoay quanh đề tài câu cá hoặc thiên nhiên, vốn là những thứ cháu chẳng hề quan tâm. Cháu chỉ muốn kể với cha những vấn đề của mình, nhưng có vẻ như ông chả có hứng thú nghe cháu”. Tôi biết cha của Clint, và tôi có thể khẳng định rằng ông tin tưởng việc mình dẫn con đi câu là một điều tuyệt vời. Ông không hề hay biết những cảm nhận đó của con.
Vấn đề chính là người cha này đã quan tâm đến hoạt động đang diễn ra xung quanh nhiều hơn là đến cậu con trai. Sau này, ông đã hết sức choáng váng khi biết rằng con trai mình chỉ cảm thấy trống rỗng và bị chối bỏ sau mỗi lần đi câu cá với ông.
Đối thoại chất lượng
Cũng giống như những Lời khen ngợi và Cử chỉ âu yếm, Thời gian chia sẻ cũng có rất nhiều cách thể hiện. Đối thoại chất lượng là một phương cách quan trọng trong số đó. Ấy là khi cả cha mẹ lẫn con cái đều tự do nói ra những suy nghĩ, cảm giác và khao khát trong bầu không khí thân mật. Cha mẹ cần phải học cách nói chuyện “cùng” con mình chứ không phải “cho” con mình.
Thay đổi trong cách thức giao tiếp
Nếu Lời khen ngợi chủ yếu bộc lộ qua những gì bạn nói thì đối thoại chất lượng lại dựa trên khả năng lắng nghe và thấu hiểu của bạn. Khi đó, các bậc cha mẹ sẽ tập trung lắng nghe và thông cảm với suy nghĩ, cảm xúc của con trẻ. Cha mẹ có thể hỏi – nhưng không phải với thái độ tra vấn mà với mong muốn được biết những suy nghĩ, cảm xúc và khát vọng của con. Đây là điều mà các bậc cha mẹ phải hết sức chú ý khi đối thoại cùng con.
Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ thường đưa ra những quy định cùng lời hướng dẫn cho chúng. Nhưng nếu bạn cứ tiếp tục làm như vậy khi trẻ bắt đầu lớn và đã có nhận thức riêng thì chắc chắn trẻ sẽ phản ứng rằng: “Cha/mẹ cứ làm như con còn con nít vậy”. Trẻ nói đúng. Giờ đây, bạn phải đối xử với nó như một người sắp trưởng thành, độc lập và đang dần khẳng định mình.
Các bậc phụ huynh cần để con trẻ có suy nghĩ, cảm xúc, ước mơ riêng và có thể chia sẻ những điều đó với bạn mà không cảm thấy ngại ngần. Các bạn phải học cách nắm bắt, đánh giá ý tưởng và cảm xúc của con cũng như có những hành động thực tế giúp chúng đạt được ước mơ. Điều này được thực hiện thông qua các cuộc đối thoại thân thiện nhiều hơn những cuộc độc thoại giáo huấn. Nhưng đối với hầu hết các bậc phụ huynh, đây thật sự là một thách thức lớn.
“Tôi không biết dạy con.” – Marlene nói với tôi. – “Tôi nghĩ mình làm tốt vai trò làm mẹ cho tới khi Katie lên 16 tuổi. Tôi thật ngốc và thiếu thực tế khi cố gắng điều khiển cuộc đời con bé. Bây giờ, tôi cảm thấy mình hoàn toàn bất lực và không biết phải nói chuyện với nó thế nào nữa.”
Tôi quen Marlene đã vài năm nay và biết kiểu giao tiếp của chị thuộc dạng “nói không ngừng”. Marlene thường nói những điều chị nghĩ mà không bao giờ suy xét đến cảm xúc của người nghe như thế nào. Katie chấp nhận điều này khi còn nhỏ, nhưng khi bắt đầu có ý thức độc lập, cô bé không còn chấp nhận lời của mẹ mình như “chân lý” nữa.
Với Marlene, quá trình học hỏi cách giao tiếp mới sẽ rất khó khăn. Nhưng nếu không cố gắng học hỏi, chị sẽ đánh mất mối quan hệ thân thiện với con mình. Marlene cần học cách lắng nghe và thấu hiểu con.