Review

Làm Đĩ

Thể loại Văn Học Việt Nam
Tác giả Vũ Trọng Phụng
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Đinh Tị
Số trang 220
Ngày tái bản 04-2013
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Làm đĩ là một thiên tả chân tiểu thuyết mục đích là hô hào nhà đạo đức và bậc làm cha mẹ lo chăm đến hạnh phúc của con cái và phải để ý đến cái sự mà những thành kiến hủ bại vẫn coi là điều bẩn thỉu, tức là cái sự dâm.

Sở dĩ tác giả không theo phải người ưa văn hoá bay bướm gọi cái sự ấy là ái tình, không theo hạng người rụt rè gọi là tình dục, nhưng lại gọi nó ra đây bằng cái tên tục của nó, ấy là vì tác giả có quan niệm rất chắc chắn rằng cái sự ấy gần xác thịt hơn là gần linh hồn, chia nó ra làm hai cũng được, gồm nó vào làm một lại càng đúng lẽ sinh lý, hai cái điều hoà tương trợ lẫn nhau, và khi sự khao khát của xác thịt có thoả mãn thì ái tình tinh thần mới bền chặt được. Nói đến ái tình lý tưởng mà không đếm xỉa đến cái dâm, đó chỉ là việc của hạng mơ mộng hão huyền.

Làm đĩ không tả lối sống của gái giang hồ mà chỉ vạch lại cái cảnh ngộ đã làm cho Huyền cô gái con nhà tử tế xinh đẹp, có học, thông minh phải sa chân, lỡ bước vào cuộc đời truỵ lạc. Làm đĩ là tiểu thuyết hiện thực đã không ngần ngại đặt ra một vấn đề: Tại sao lại có người phải Làm đĩ, xã hội có nạn mại dâm? Chính tác giả trong “Đoạn cuối” sách đã nói rõ ra với nhân vật chính của mình: “Đối với thiên hạ thì đời một người như em, đương ở chốn yên lành mà vào nơi chông gai, chỉ có đoạn ấy là đáng nói thôi. Tại sao con nhà tử tế hẳn hoi, con nhà quý phái nữa, mà rồi đến nỗi…. trụy lạc, ấy người đời chỉ cần biết rõ những nguyên nhân ấy…”

[taq_review]

Review

Thiên Kim

Câu chuyện có một tựa đề khá là “nhạy cảm” nhưng khi đọc vào câu chuyện thì thật sự tôi rất bất ngờ vì những vấn đề mà tác giả nêu ra hoàn toàn là những vấn đề của ngày nay. Xã hội Việt Nam trải qua chừng ấy năm nhưng vẫn không thoát khỏi cái gọi là “định kiến xã hội”. Những vấn đề về giới tính đáng ra phải được dạy dỗ đàng hoàng thì lại bị né tránh và cuối cùng là hậu quả thì lại không được chấp nhận mà còn bị lên án dữ dội. Tôi nghĩ chúng ta không nên quá câu nệ chuyện văn hóa phương Đông hay phương Tây mà chúng ta nên hướng đến những gì tốt đẹp và có tính định hướng rõ rang còn hơn là hư hư ảo ảo để rồi hậu quả thì lại quá khủng khiếp như chính cuộc đời của nhân vật trong câu chuyện này.

Trương Văn Đức

Tác phẩm này không những phù hợp để châm biếm ở thời xưa mà còn dành để châm biếm cả thời nay vẫn tốt. Tôi nhận xét thế bởi thời nay ăn mặc còn hở hang, ngắn cũn cỡn hơn cả thời xưa. Câu chuyện về 1 cô gái con nhà gia giáo, học hành đàng hoàng nhưng do sa lầy và dần dần đi vào con đường trụy lạc. Mặc dù châm biếm nhưng đâu đó vẫn phảng phất chất giọng bi thương pha lẫn vào. Tác phẩm phản ánh lên những thứ xấu xa mà xã hội che đậy bằng giọng văn cười cợt, châm biếm sâu sắc nhưng đậm chất nhân văn. Đọc qua tác phẩm này, cá nhân tôi rút ra được tinh túy trong cách viết văn châm biếm mà cực kỳ lôi cuốn của tác giả.

Phạm Thị Trúc Đào

Bạn đừng nhìn bìa mà tưởng nhầm nội dung nhé, đây là một tác phẩm hoàn toàn trong sáng. truyện kể về Huyền, một người phụ nữ đã từng sống trong cảnh giàu sang và thấy hết những việc của người lớn. nàng thắc mắc và sinh ra những suy nghĩ ngô nghê. lớn hơn một chút, nàng trải qua những việc của một người con gái thực thụ. nàng dành đêm đầu tiên cho người tình và vị hôn phu đã giết chết người tình ấy. sau khi lấy chồng nàng ngoại tình và bị chồng phát hiện, sau khi sống cơ cực và gặp lại bạn cũ nàng kể hết mọi chuyện. đây là lời kể của nàng phản ánh một xã hội thối nát với giọng đầy châm biếm của vũ trọng phụng. là một lựa chọn tốt!

Thu Thảo

Một câu chuyện buồn về cuộc đời đầy thăng trầm của Huyền, cô con gái được sinh ra trong gia đình tử tế, gia giáo, quý phái. Nhưng có lẽ chính bởi cái gia giáo đến quá mức khắt khe và có phần bảo thủ của gia đình cô nói riêng, và của cả xã hội thời bấy giờ nói chung, đã góp một phần lớn xô đẩy cô đến việc “làm đĩ”. Một thiếu nữ mới lớn đầy khao khát tìm hiểu về bản thân, về giới tính vấp phải tư tưởng hủ bại xung quanh để rồi lầm đường lạc lối, sa ngã vào bức đường trụy lạc. Người con gái ấy cũng từng ước mơ một hạnh phúc có chồng, có con, nhưng mối tình đầu tự tử, cuộc hôn nhân tan vỡ, người tình rũ bỏ trách nhiệm… Người con gái nhà lành xinh đẹp, từng là “nàng thơ” của biết sao nam sinh … kết cục lại trở thành người phụ nữ có nhà mà không thể về, chôn vùi cuộc sống trong nơi bán phấn buôn hương…

Bíuuu

Ai đã từng đọc qua các tác phẩm khác của Vũ Trọng Phụng hẳn luôn nhớ tới ông là một cây bút rất mạnh mẽ trong cách viết, các tiếp cận vẫn đề rất chân thực, một cây bút kỳ cựu trong mảng văn học trào phúng. “Làm đĩ” tuy ít cái trào phúng hơn nhưng vẫn giữ được cái nhìn trực diện, xoáy sâu vào vấn đề, một cái nhìn rất đỗi Vũ Trọng Phụng. Cuộc đời Huyền qua từng trang viết khiến người đọc như đang được xem một thước phim rất đỗi sinh động nhưng cũng không kém phần cay đắng, ông đã bóc mẽ tất cả một cách trần trụi, cho người đọc thấy rõ mọi ngóc ngách của vấn đề. Để rỗi mỗi trang sách qua đi lại dấy lên bao chua xót. Hiện thực nghiệt ngã đã khiến một tiểu thư đài các như Huyền có một cuộc đời mà hẳn là cô không bao giờ muốn thể, một cuộc đời làm đĩ, cay đắng thay…

Nguyễn Linh

Phải công nhận rằng, hiếm có nhà văn nào viết truyện phóng sự sâu sắc và thâm thúy như Vũ Trọng Phụng. Cái giọng điệu chua ngoa, đanh đá nhưng lại vô cùng hài hước khiến người ta khó mà ghét bỏ là điểm đặc biệt mà mình vô cùng yêu thích của tác giả. “Làm đĩ” không chỉ là câu chuyện của mấy chục năm trước, nó là câu chuyện của hiện tại và chắc hẳn vẫn còn tiếp diễn ở tương lai. Trái với sự tiến bộ của văn minh nhân loại thì nhân cách con người lại càng suy đồi, tụt dốc. Tệ nạn xã hội có bao giờ biến mất không khi “Tửu, sắc, yên, và… đổ.” luôn là những thứ không thể thiếu trong mọi cuộc chơi.

Phương Thảo

Xin lỗi nhưng mình lại không thích tác phẩm này. Thứ nhất, với quá nhiều sách xuất bản đòi hỏi R.G phải làm mới cây bút của mình. Mình thừa nhận mình rất thích cách viết phóng khoáng của bà, ngay cả trong tình yêu hay tình dục. Nhưng là sau 4,5 quyển sách, cầu chuyện của bà dường như đang đi vào lối mòn, không có sự sáng tạo, dù vẫn còn đâu đó giọng văn hóm hỉnh nhưng là tình tiết kéo dài lê thể, mình đã cố gắng để đọc hết cuốn truyện nhưng vẫn không được. Khởi đầu có thể suôn sẻ về cái đám cưới bj hủy bỏ của cô dâu, lần gặp lại người bạn thời thơ ấu cũng xem như không có vấn đề gì.

Practice Perfect

Nếu ai đó vẫn còn nghĩ rằng thế giới này toàn màu hồng thì chắc hẳn khi đọc tác phẩm này sẽ bị đả kích về tinh thần rất lớn. Nó tố cáo xã hội lố lăng, rồi ren và đạo đức giả khi nền văn hóa Đông Tây kết hợp, được tiếp thu mà không có chọn lọc. Luân lý bị đè xuống chìm xuống đáy xã hội, nhưng kẻ đâu đâu lại phất lên cùng với bao tệ nạn. Cũng thêm cả sự báo động cho cái xã hội “đã bắt đầu loạn dâm”. Và Vũ Trọng Phụng đưa ra đằng sau câu chuyện là một vấn đề cực kì đúng đắn, tồn tại đến bây giờ. Đó là phải giáo dục cho giới trẻ về tình dục. Chả có gì là sai, tại sao phải úp úp mở mở không chịu nói để rồi tò mò của tuổi trẻ mang đến sai lầm mới hối hận?

Phương Thảo

Xin lỗi nhưng mình lại không thích tác phẩm này. Thứ nhất, với quá nhiều sách xuất bản đòi hỏi R.G phải làm mới cây bút của mình. Mình thừa nhận mình rất thích cách viết phóng khoáng của bà, ngay cả trong tình yêu hay tình dục. Nhưng là sau 4,5 quyển sách, cầu chuyện của bà dường như đang đi vào lối mòn, không có sự sáng tạo, dù vẫn còn đâu đó giọng văn hóm hỉnh nhưng là tình tiết kéo dài lê thể, mình đã cố gắng để đọc hết cuốn truyện nhưng vẫn không được. Khởi đầu có thể suôn sẻ về cái đám cưới bj hủy bỏ của cô dâu, lần gặp lại người bạn thời thơ ấu cũng xem như không có vấn đề gì.

Tùng TP

Tôi như cuốn theo câu chuyện của cô Huyền – một người con gái xinh đẹp con nhà gia giáo từng bước đi vào con đường mại dâm trở thành gái giang hồ. Thật ra cô đáng thương hay đáng trách còn tùy thuộc vào nhận xét của mỗi người nhưng riêng tôi thì thấy cô đáng thương nhiều hơn. Tác phẩm được tác giả Vũ Trọng Phụng viết mấy mươi năm trước nhưng tôi cảm thấy nó rất đúng với thời buổi hiện nay (về vấn đề các cô gái sa chân lỡ bước). Giọng văn như kể chuyện, nhưng cũng rất đanh thép và có phần châm biếm cái xã hội thời bấy giờ. Tuy nhiên, đôi khi đọc cũng cảm thấy nhàm chán vì đây là tác phẩm thuộc dạng tự truyện nên rất ít lời thoại. Màu bìa ảm đạm cùng hình ảnh người phụ nữ khá phù hợp với nội dung của truyện. Một tác phẩm đáng đọc và đáng suy ngẫm về một kiếp người

Khánh Vy

Tôi biết đến Vũ Trọng Phụng là nhờ cô giáo dạy Văn giới thiệu mấy tác phẩm của ông, lên mạng search thêm thì thấy quyển này. Ban đầu hơi e ngại vì tựa đề có hơi nhạy cảm, ít nhất là đối với thuần phong mỹ tục VN. Tôi khâm phục Vũ Trọng Phụng vô cùng, cách viết truyện của ông sâu sắc mà mang tính chất thời sự. “Làm đĩ” không chỉ là câu chuyện của gần 1 thế kỉ trước mà còn là vấn đề đau đầu thời nay. Những kiến thức giới tính không được giáo dục kĩ lưỡng để xảy ra những tò mò rồi dẫn đến cái kết quả đau lòng. Huyền. cô gái vốn được sinh ra trong một gia đình tử tế, có giáo dục nhưng cuộc đời thăng trầm, xô đẩy cô đến với cuộc đời “làm đĩ”. Người con gái từng là “nàng thơ” của bao nam sinh …. Sự vô trách nhiệm của đàn ông của đáng bị lên án, đàn ông là nguyên nhân gây ra nghề mại dâm mà lại sỉ vả, chà đạp người phụ nữ…

Linh Lan

Lại một lần nữa VTP đã thể hiện mình là một nhà văn đi trước thời đại khi những vấn đề mà ông đặt ra trong các tác phẩm của mình đều nói lên bối cảnh XH của nước ta lúc bấy giờ cũng như thời đại ngày nay.

Nói riêng về tác phẩm Làm Đĩ, đây có thể gọi là một cuốn tiểu thuyết chân thật và đánh mạnh vào những thứ vẫn được cho là… đen, không nên nói ra, ở đây chính là tình dục! Huyền là nhân vật chính của câu chuyện, xinh đẹp, thông minh, con nhà tử tế nhưng lại bị trôi dạt trong những cuộc “phiêu lưu” để rồi cuối cùng đích đến là phải làm đĩ, bán thân mua vui cho thiên hạ. Sau khi đọc tác phẩm này, tôi chợt nhận ra rằng nhà trường hay những cuốn sách lý thuyết gì gì đó… tất cả đều không quan trọng bằng chính gia đình mình. Chỉ có gia đình mới có thể dạy dỗ, khuyên ngăn chúng ta nên người và trưởng thành. Ở Làm Đĩ, cha mẹ của Huyền cũng không dạy dỗ cô (về tình dục) cho rõ ràng, thậm chí là còn “tiếp tay” để sau này cô phải thân tàn ma dại trong cuộc đời, trong ái tình và hôn nhân cộng thêm một XH được cho là “chó đểu”, những văn hóa độc hại mà bọn thực dân, ngoại lai đem vào nước ta. Một cuốn sách được viết trước những năm 45, vậy mà vẫn có thể phản ánh một cách chính xác cả xã hội hiện đại thời nay. Dạo gần đây XH VN tiếp tục chao đảo về chuyện nữ sinh mang bầu, nạo phá thai cao gần như là nhất TG, thiết nghĩ đã đến lúc giới trẻ cũng như các bậc phụ huynh nên xem Làm Đĩ để có thể nhận ra kịp thời và sau này không phải rước vào thân những cảnh đời như Huyền.

Phạm Lâm Quỳnh

Tôi biết đến VTP qua tác phẩm “Số đỏ”- một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Nếu với “Số đỏ” tôi khâm phục VTP ở cách viết dí dỏm, hài hước, có pahanf châm biếm nhưng sâu sắc và phêp hán một xã hội đang ngày càng “Âu hoá” thì với cuốn sachsn ày ông càng làm tôi ngạc nhiên hơn nữa vì tài năng của mình. “Làm đĩ” – cái tên nghe khiến nhiều người run sợ nhưng sau nó là cả một vấn đề nhức nhối của xã hội. Người ta chỉ biết khinh miệt, nhìn những ai làm đĩ bằng con mắt không dành cho con người và đàm tiếu về họ, nhưng mấy ai hiểu hết nỗi khổ của những người làm đĩ ? Đĩ cũng là người chứ? Họ cũng có quyền được sống, được làm người một cách toàn vẹn. Chính xã hội ngoài kia, chính cuộc đời, chính con người mới bắt họ phải “Làm đĩ”. Đọc tác phẩm này, tôi lại thấy thật thương HUyền và tự trahcs mình. Tôi cũng một thời có một cái nhìn khinh miệt về nghề “Làm đĩ” như vậy nhưng tác phaamrn ày đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của tôi. Nó ucngx đã giúp tôi nhận ra gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc nhất để nâng bước một con người, giúp họ luôn đứng vững không sa vào những chỗ bùn lầy. Tôi thật sự thích cuốn sách này và hơn nữa là tác giả VTP ^^

Nguyễn Nga

Câu chuyện bàn về một vấn đề nhạy cảm ngay cả trong thời buổi mở cửa như hiện nay nữa là thời của Vũ Trọng Phụng: “làm đĩ”. Cuốn sách đã bị liệt vào hàng quốc cấm cho đến mãi sau này mới được lưu hành trở lại. Không châm biếm một cách sâu cay như “Số đỏ”, câu chuyện này vũ Trọng Phụng kể với một chút buồn thoảng qua, xót thương cho đời một người con gái từng được giáo dục đầy đủ mà phải sa vào cảnh “bán thịt buôn người”. “Làm đĩ” được viết với lời văn bị cho là “suồng sã”, “trắng trợn” nhưng thực ra lại rất phù hợp với hoàn cảnh kể về một hạng người bị khinh miệt trong xã hội, những con người đã trở nên chai sạn trước đàm tiếu thế gian, đây cũng là một yếu tố thành công của “Làm đĩ”-Vũ Trọng Phụng.

Miki Chan

Làm Đĩ khiến mình ngạc nhiên về Vũ Trọng Phụng. Một ngòi bút quá thẳng và quá gai góc, dám đi sâu vào cả những vấn đề mà ngay cả thời bây giờ người ta còn ngại nói, huống chi là thời của ông. Chỉ dám nói thẳng thôi cũng chưa đủ, cái quan trọng là ông nói quá chính xác, quá thực. Nhiều khi mình có cảm giác ngay cả người trong cuộc tự viết cũng chưa được chân thật như vậy. Mình hết sức khâm phục. Có thể thấy ở Vũ Trọng Phụng một tư tưởng hết sức tiến bộ (hơn cả những người đương thời), và một óc quan sát hết sức sắc bén và tinh tường. Chỗ mình không thích là trang giấy quá mỏng và xấu, để sót quá nhiều lỗi biên tập. NXB nên coi lại để điều chỉnh hợp lý cho đợt xuất bản sau.

Trích đoạn

RA ĐỜI…

Những luận điệu gay gắt đối với mọi người phù hoa, đàng điếm xa xỉ, của một xã hội trụy lạc hầu sắp diệt vong trong đó chín mười phần trăm người nhầm rằng cái nghĩa đời người, mọi lý tưởng cao xa, chỉ là sự thỏa mãn về vật chất, sự đầy đủ của xác thịt; những cử động trái với luân thường đạo lý, cái dâm, cái ngôn, cái rởm, cái đài, phải, sự kết án một cái tình thế khốn kiếp như vậy, mà lại thốt ra từ miệng một kẻ như em, hạng người tuy là bỏ đi nhưng đối với phái tân tiến thì tại là một tên lính tiên phong trong cuộc Âu hóa, một người tiêu biểu cho sự vui vẻ, sự hoạt động, sự mới mẻ, đã từng làm thí nghiệm cho phong trào theo mốt, khiêu vũ, xã giao đã đạp cửa buồng the để tham gia vào “xã hội” sau khi lấy những khẩu hiệu giải phóng và bình quyền, chắc đã làm cho nhiều người phải ngẫm nghĩ, phải kinh hoàng vì ngạc nhiên.

Khốn thay, sự đó lại rất là dĩ nhiên, có khi lại tầm thường đến đỗi không đáng cho ai phải lấy làm lạ. Vì một người đàn bà lừa chồng bằng sự nằm đờ ra trong cánh tay tình nhân mà đã biết hối hận thì, đối với người ấy, chỉ người tình nhân là đáng căm hờn nhất trong thế gian, cũng như một cái đồ chơi trong tay trăm nghìn người như em mà đã đến thời kỳ nhận chân được cái giá trị làm người, đã đến thời kỳ giác ngộ, thì lại oán ghét cái đàng điếm, cái phù hoa, cái ngông cuồng, bằng trăm những nhà đạo đức bị mang tiếng là hủ bại nữa. Chỉ kẻ điêu đứng trong tình trường mới biết ghê sợ ái tình, chỉ kẻ phú gia địch quốc mới chán tiền bạc, chỉ kẻ hiển vinh tột bậc mới thấy sự vô vị của công danh, chỉ kẻ sung sướng đủ đường mới hiểu thâm thúy cái câu: hạnh phúc là một điều mà người ta không thể biết được… Nhưng thôi, chưa chi đã có người bất bình cho rằng hạng đĩ như em thì không có quyền nói như thế nữa, có lẽ không nên nghĩ như thế nữa, thì em nói nữa làm gì? Chỉ sự từng trải, sự kinh nghiệm mới làm cho người ta được nên khôn. Người đàn bà, muốn được từng trải, thì đã hỏng mất cả cuộc đời, điều ấy không còn ai chối cãi được. Bên cạnh sự ngây thơ, nó là nguyên nhân của dại dột và trụy lạc, thì sự từng trải bị coi là điều khốn nạn, không có quyền đem cái khôn ra cảnh tỉnh những người chưa từng trải họ chiếm số đông.

Đã vậy thì có nên vượt qua một thành kiến ác hại – sự ngăn cấm gái giang hồ nói về luân lý phụ nữ – để mà cho bọn thiếu nữ trẻ trung, ngày thơ mơ mộng, đương vui vẻ tươi cười mà đi đến ái tình, đi đến tội lỗi, mỗi ngày bằng một bước dè dặt nhưng mà rất kiên gan, rất sốt sắng, đi đến cái chỗ chết nó chứa bao nhiêu thi vị say sưa vì nó sẽ làm thỏa mãn mọi sự rạo rực của xác thịt, đi đến cái sự mà một bọn cầm đầu vô lương tâm đã mệnh danh cho là: tiến bộ, vui vẻ, giải phóng bình quyền, văn minh – hai là em nên câm?

Có nên mong cứu vãn cái gì đủ thời gian cứu vãn được, hay cứ để mặc cái làn sóng vật chất nó lôi cuốn số đông bạn gái vào đường trụy lạc thì rồi mình làm đĩ cũng không xấu nữa, bởi lẽ ai cũng như mình?

Ác hại thay, em lại không chung một tâm lý với số đông bọn gái giang hồ: mình đã không ra gì thì không cho phép ai còn giữ được đức hạnh. Con Huyền đã mãi dâm nhưng không tìm được cái triết lý cuối cùng, không được hưởng sinh thú, cái cuộc đời vô lo vô lự, nhầy nhụa, lai láng những khoái lạc ghê gớm và bất đắc dĩ của bọn gái bán dâm! Nó vẫn cứ muốn đem ra dùng cái gì còn dùng được trong tâm hồn nó để giúp ích kẻ khác. Nó cứ muốn chống với phong trào! Nó không hiểu rằng sức mong manh của cá nhân không thể nào ngăn nổi một phong trào được. Phải, phải nếu Huyền đã chống nổi với phong trào thì Huyền đến nỗi này hay sao? Trước một phong trào, cái gì là trở lực thì bị coi là hủ bại, là không hợp thời, là khả tiếu[39] mặc dầu là lý trí và lương tri, mặc dầu là luân lý, đạo đức. Em đã ngộ nhận, không biết nghe lẽ phải, đã như một con cừu trong một đàn cừu, đã như một con thiêu thân trong một bầy thiêu thân. Em cũng đã bị trào lưu xô đẩy.

Hồi ấy, trong khắp xứ, vấn đề phụ nữ dấy lên. Chưa bao giờ đàn bà được nịnh hót và săn sóc đến như vậy. Tất cả các báo chí muốn đạp cửa buồng the cho người đàn bà ra đường… Những người trí thức chỉ bảo cho chúng em rõ cái cuộc đời mới, đáng sống, là một cuộc đời chiến đấu lấy tự do cá nhân chứ không còn phải là cuộc đời hy sinh cho gia đình như xưa. Bằng những danh từ bóng bẩy, bọn trí thức ấy khéo đem văn chương mỹ thuật ra cải cách những tà áo, gấu quần cho bọn phụ nữ!.. Những cách trang điểm như bôi môi, đánh phấn cũng được coi trọng chẳng kém sự cứu quốc của những bậc anh hùng. Nịnh đầm! đó là khẩu hiệu cho những kẻ nào muốn được tôn lên là vĩ nhân. Những tiệm khiêu vũ mở ra nhan nhản. Những nhà xuất bản chỉ in toàn những sách nói về nghề làm nữ kỹ binh[40]. Các hiệu ảnh chỉ phô trương bọn “phụ nữ xã giao”, ở những cuộc chợ phiên, ở những vòng đua ngựa.

Không biết rằng cứ ỳ ra cũng đã đủ đi đến chỗ diệt chủng, cả một dân tộc vô đạo, vô học không có lý tưởng nào mà thờ, như một bọn người điêu, nhắm mắt lại để hăng hái làm cho xã hội thêm trụy lạc và liệt nhược, bằng cách đâm đầu chạy theo vật chất, bởi những danh từ thần bí của văn chương. Ai cũng chỉ biết đến dục vọng của cá nhân, gây cho cá nhân ly dị với đoàn thể. Cả một xã hội tưởng là đi đến văn minh mà không hề ngờ ngợ rằng đề không khéo đã mắc mưu của Dâm thần. Ngay đến những người biết nghĩ cũng bị huyễn hoặc, cũng bài xích thuyết trung dung, cũng hô: đổi mới hoàn toàn. Sự hiểu nhầm của những khối óc ngây thơ, thật là tai hại.

Thoạt đầu, sự hư hỏng đối với em chỉ hiện ra bằng những cái vô tội, như cái quần trắng, răng trắng, cái ví da, và sự tự nhiên trò chuyện với đàn ông hay là một vài “bạn giai”, nay đi xem chớp bóng, mai đi dự cuộc chợ phiên, ngày kia đi nhẩy đầm, ấy là việc của hạng vợ tây, nếu không là của hạng đàn bà mà xã hội gọi một cách vu vơ là lãng mạn. Vậy mà em phải may quần trắng, chỉ vì sự bài xích của bọn chị em bạn gái đối với cái quần thâm. Hàng lũ, hàng lượt, họ chê bai em: chẳng bao lâu, em đổ. Cho nên phải nghĩ trắng hay đen, cái ấy không hại, cũng không nâng cao phẩm giá của con người. Em đã nói: sự hư hỏng của em bắt đầu bằng cái quần trắng, đó không là điều vu khoát. Vì rằng nó thay đổi hẳn quan niệm về y phục và cử chỉ của em, và mở đầu cho cái tự do, sự xã giao, sự ham mê hình sắc, nói tóm lại thì đủ cái thói xấu ngụ trong hai chữ tân thời. Một thiếu nữ đánh bạo ngồi tiếp chuyện một người đàn ông, như thế đã có gì đáng bảo là hư? Vậy mà bao nhiêu vụ chửa hoang, thông dâm, đã xảy ra chỉ vì một lúc tự nhiên trò chuyện! Cái hư hỏng nó lẻn dần dần đến bằng trăm nghìn hình dáng: hôm nay còn ngồi chuyện trò nghiêm chỉnh, ngày mai nhớ vơ nhớ vẩn, hôm sau nữa thì đã là một điểm của ái ái tình, rồi ít lâu đến cuộc chỉ non thề biển thư lại, thư đi, rồi một ngày bất ngờ kia, một nụ cười, một cái liếc mắt, một cái hôn, một cái thở dài… từ những cái ấy đến dục tình chỉ là vấn đề gang tấc. Nói thế tưởng đã đủ cắt nghĩa rành mạch cho những sự kinh ngạc của thiên hạ mỗi khi thấy một người đàn bà vốn đức hạnh mà lừa chồng, hay là trả lời cho bọn gái mới muốn khuynh đảo thuyết nam nữ bất tương thân[41] bằng một lý sự ngớ ngẩn: trai gái có phải tiếp xúc với nhau là ngủ với nhau ngay ở đâu?” Ôi! Cái quần thâm, trong cuộc chiêm nghiệm sự đời, em đã thấy biết bao đàn bà chỉ vì cứ mặc mãi cái quần thâm, cho nên vẫn giữ được đức hạnh!

Lần đầu tiên, mặc cái quần trắng len lét qua mắt thầy em, trái tim em… trái tim em hồi hộp. Thầy em trừng mắt gọi lại hỏi: “Đồ đĩ! Tao đã cho phép mày ăn mặc như thế đấy à?” Em chưa dám cãi thế nào thì mẹ em cũng lại nói: “Con nhà làm ăn mà quần với áo như thế ai người ta dám rước đi nữa?” May sao tình cờ lúc ấy có hai ba người cô, dì họ nội, họ ngoại của em. Phái này khuynh hướng về tân thời, nên người thì bạo dạn phản đối thầy em, người thì cười tủm tỉm ra ý chế giễu. Ngoài những tiếng nghiệt, cổ, gàn, mà thầy em phải nhận, có một bà dịu dàng mà rằng: “Có việc quái gì, cái nhỏ mọn ấy? Bây giờ thiên hạ ai cũng thế cả, nếu cấm đoán thì cô Huyền không hợp thời,” em thoát trận mắng vì thầy em, đối với phụ nữ, vẫn dùng sự im lặng để tỏ lòng khinh. Nhưng từ đó em vẫn bị lườm nguýt. Vì sự ấy còn dễ chịu hơn mọi điều chê bai của bạn hữu, em không nhượng bộ cha mẹ chút nào. Cái trò nói lắm hóa nhàm, dần dần cũng không ai bắt bẻ em nữa.

Chinh phục được cái quần trắng, đồng thời em kết bạn thêm được với vài cô bạn thuộc hạng nhà giàu, bề ngoài đặc tân thời và đánh mất lòng tin yêu của một số đông họ hàng, và bạn thân, những người nhất nhất cho cái quần trắng là tiêu biểu cho mọi sự hư thân mất nết. Không, nếu những người ấy đừng nghiệt ngã thái quá, cứ chiết chung vừa phải cho em, chắc em không đến nỗi nào… Khốn thay, sự quá đáng của họ đã khiến em yên trí họ là hủ bại mất rồi, nên những điều khuyên bảo rất đáng nghe kia, đối với em, không còn giá trị nữa. Thành thử từ sự hiềm khích này đến sự lãnh đạm khác, lại thêm có cái vấn đề tự ái đấy, em cứ dần dần ly dị mất hết cả những người thân thuộc để chạy theo một xã hội mới nó quyến rũ em. Ấy thế là… nay đi chụp ảnh, mai đi rửa phim, sáng đến hiệu thợ may, trưa đi nghe đàn ca, chiều đi chụp ảnh, tối nay đáp lễ cô bạn mới này, mai thết tiệc cô bạn mới kia, thỉnh thoảng một buổi chợ phiên, một cuộc họp mặt trong một tao đàn, không bao lâu, em đã hết nữ hạnh, nữ công để trở nên một gái tân thời ghê gớm. Lời mắng nhiếc của cha mẹ, sự khuyên răn của một vài người thân còn sót lại, sự công kích hoặc ra mặt hoặc ngấm ngầm của thiên hạ, hết thẩy những cái ấy chỉ có giá trị của những giọt nước chạy trong lòng chiếc lá sen… Em thấy mục đích cuộc đời mang một ý trung nhân như trong tiểu thuyết, một cuộc hôn sự bằng ái tình, một người chồng đẹp sinh trưởng nơi phú quý, biết đãi vợ như dân tây phương… Cũng như số đông gái mới vẫn mơ màng chứ còn gì mới là được!

Ngoài ra… ngoài ra, em thở dài, nhọc mệt hoặc xo vai một cái…

Trước những sự công kích của phái cổ, em lại càng hóa ra kiêu ngạo, ở chỗ tự tín, vì những tiếng lãng mạn, hư hỏng họ buộc cho em thật không có nghĩa, em chưa phải lòng người nào, em hãy còn trinh. Khuyên răn em chỉ làm cho em thêm ác cảm, ít lâu họ để em được tự do, mặc thích vẫy vùng.

Thêm vào cái hiểm tượng ấy, thầy em bỗng dưng thay đổi cả tâm tính. Xưa kia đạo đức bao nhiêu, bây giờ đâm ra chơi bời bấy nhiêu. Thường tối nào cũng đi đến ba giờ đêm mới về, không hiểu cờ bạc hay giai gái, dễ thường cả hai thứ ấy. Do thế, me thường hay tủi thân khóc lóc, người dần sút đi, sức khỏe ngày một hao mòn, mặt mũi ngày một hốc hác. Do thế, em nghiệm được: khi người ta vào lúc thiếu thời mà không hư thân một chút, lại đợi đến lúc có vợ có con mới “phá giới” thì thật là một việc tối nguy, có Trời cũng không gỡ lại được nữa, vì lúc ấy người ta có đủ tư cách bỏ vợ, bỏ con, đứng nghiễm nhiên khoanh tay xem sự đổ sụp của gia đình. Vì lẽ me em thuộc hạng người cổ, lớp người quen cắn răng chịu đau khổ chứ không phàn nàn với ai cả, nên bề ngoài gia đình vẫn có vẻ yên vui. Nhưng cái thế trận càng ngấm ngầm thì sức phản động càng thấm thía thì các ác quả càng tiềm tàng ghê gớm. Em buồn vô cùng, khổ vô cùng, vì đến như thế nữa, thật là em đã mất lòng tôn kính thầy em.

Em còn nhớ buổi tối hôm ấy – ôi, mỉa mai! – bên ngoài trời rả rích mưa, me em ngồi ôm đứa em bé mà xì xụt khóc, chị em thì cãi nhau với đầy tớ dưới bếp, anh em vừa khoác áo, lấy mũ ra đi theo bọn con giai mất dạy mà bỏ cả sách đèn, thầy em cũng vừa lên xe với mấy ông bạn già phá gia chi tử, em ngồi cặm cụi viết một bài luận Pháp văn tả một cảnh hạnh phúc gia đình trong đó có bố ngồi đọc báo, anh ngồi học, em bé chơi ngoan, me đan áo, mình làm bài, vân vân…

Cái cảnh ấy cứ kéo dài ra mãi, mãi đến khi thầy em nói với me em trót ăn nằm với một chị ả đào đến nay người ta đã có mang, mãi đến khi giữa me em và thầy em đã có vài trận cãi cọ, mãi đến khi thầy em oanh liệt rước cô vợ bé về nhà. Vài hôm sau, không thể chịu nổi những cảnh chướng mắt, me em cùng mấy đứa con nhỏ phải về quê ở riêng. Chị ruột em từ đấy hóa ra một đứa tôi đòi, anh em cũng hư, thầy em thì chỉ còn trông thấy có cô vợ lẽ yêu; còn em, em lại “tân thời” hơn một chút nữa. Tuổi xuân của em đương nảy nở mạnh mẽ trong cơn khủng hoảng thì sự tình cờ của đời dắt đến cho em Nguyễn Lưu.

Đó là một người anh họ của em, con giai một bà bác ngoại. Cha mẹ buôn bán ở Lào Cai, sau khi đỗ bằng sơ học, Nguyễn Lưu về học ở Hà thành để học lên bậc trung đẳng.[42] Trước còn trọ tại nhà khác, sau mới đến ở tại nhà em để cùng với anh ruột của em học tập cho có bạn sách đèn.

Nguyễn Lưu là một thiếu niên có nhiều nết tốt và rất ít tính xấu. Khác hẳn với những bạn hữu của anh em thường lười biếng, ham chơi, đua ăn đua mặc và coi sự chim gái là những thủ đoạn anh hùng thì Lưu tỏ hẳn ra cái vẻ hơn đời ở chỗ siêng năng chăm chỉ, lại thêm được nết đứng đắn lạ lùng, không hề để những chuyện giai gái lọt được vào tai. Em yêu anh Lưu chăng? Không, đó là sự kính trọng, một chút thiện cảm, chớ đó chưa phải hẳn là ái tình. Em vẫn biết đã có họ với nhau mà lại yêu nhau thì là điều cấm kỵ. Vậy thì… hay là anh Lưu yêu em? Điều ấy em không hiểu nổi, mặc dầu em muốn hiểu lắm, mặc dầu em để tâm dò ý kỹ lắm. Giữa một đôi trai gái ở chung một nhà, dây liên lạc về huyết tộc lại cho phép được tự do trò chuyện, hai bên lại cùng có sự bênh vực lẫn nhau, ái tình càng được dịp đặc biệt trêu cợt cả hai người, như một trò chơi hú tim. Em không hiểu rằng tự trong thâm tâm, Lưu có thành thực say mê em và yêu vụng nhớ thầm em một cách hằn học bằng quả tim chàng si tình hay là không, nhưng em không nhận được rất kỹ càng rằng Lưu săn sóc đến phần đức hạnh của em chẳng kém một người chồng cả ghen, săn sóc hơn những người có nghĩa vụ phải săn sóc đến em nữa.

Anh ta hết sức phản đối những cử chỉ nào của em mà anh thấy là mỉa mai cho hai chữ tân thời. Hoặc bằng những lời khuyên răn ngọt ngào, hoặc bằng những cách nói xa xôi bóng gió hoặc bằng những giọng mỉa mai, dọa nạt nữa, Lưu cứ dần dần can thiệp đến cái đời nữ sinh lãng mạn của em, hoặc là tìm cách ly gián bạn hữu của em, những cô gái mới bị Lưu cho là đồ hư.

Nhất là sau những lúc em đi chơi xa hay là chuyện phiếm một cách thân mật với những bạn thiếu niên vì tình bầu bạn với những người anh của em mà năng lui tới nhà em, thì mặt Lưu sa sầm, và những cử chỉ của Lưu đủ tố cáo rằng anh ta ghen em, và đã lạm quyền trong tình họ mạc. Song những cái ấy không bị ai dò xét bao giờ. Thiên hạ cả gan dám tin vững rằng đã có họ với nhau người ta không thể “phải lòng” nhau.

Một hôm em tình cờ thấy trong hộp gương lược của em một cái phong bì. Bóc ra xem, đó là một cái thư kỳ quái, một cái thư đánh máy chữ, không có đề ngày, không thấy tên người đáng nhận thư, cả chữ ký của người gửi cũng không, mà ý tứ trong thư toàn nói về ái tình, toàn một giọng đại luận hoặc cách ngôn dịch ở sách ra vậy. Những là:

“Người đừng nên thề nguyền và cũng nên nhớ như chôn vào ruột là không bao giờ, phải, không bao giờ nên thề nguyền. Một khi xắc thịt đã làm lung lạc lòng người thì người ta ai cũng vội quên phăng ngay những lời minh sơn thệ hải rất thiêng liêng thành thực và, do thế, sự hối hận về lời thề sẽ đầu độc mất cả những hoan lạc dịu dàng nhất thế gian. Những lời thề là rất vô ích và bao giờ cũng nguy hiểm.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button