Review

Nước Ý, Câu Chuyện Tình Của Tôi

Thể loạiSách du ký
Tác giảTrương Anh Ngọc
NXBThế Giới
Số trang240
Năm2012
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Ngay bìa sách là chiếc xe đạp dựa vào bức tường đỏ rực. Nó xịt lốp và cứ đứng ở đó, qua năm tháng và mưa gió như một điểm nhấn, một nét riêng của nước Ý.

“Nước Ý, câu chuyện tình của tôi” là cuốn sách dành cho “người tình” của tác giả: Italia xinh đẹp, lãng mạn, đa tình và cuồng nhiệt.

Mối tình của Trương Anh Ngọc bắt nguồn từ bóng đá, bằng tiếng sét ái tình khi nhìn vào đôi mắt Tardelli sau bàn thắng thứ hai vào lưới đội tuyển Đức trong trận chung kết ở Espana 1982. Khoảnh khắc ấy đã nhen lên nhiệt huyết cho hành trình không mệt mỏi qua 17 trên 21 vùng miền của nước Ý, và rồi trở nên cuồng si trong mỗi khoảnh khắc của hơn một ngàn ngày sống trong lòng “người tình.”

“Nước Ý, câu chuyện tình của tôi” không phải cuốn cẩm nang du lịch với những dòng hướng dẫn khô khan. Trương Anh Ngọc dẫn độc giả men theo chính hồi ức của mình để khám phá từng thành phố, từng miền đất đã ghi sâu vào tâm tưởng, đến nỗi ngay cả tác giả khi nhìn vào những bức hình mình đã chụp cũng chẳng thể nào còn nhớ được ngày hôm đó đã nắng hay mưa. Mỗi dòng, mỗi chữ Trương Anh Ngọc đã viết đều thấm đẫm cảm xúc, không chỉ là hoài niệm mà còn đầy yêu thương. Yêu thương với một Roma hoa lệ có những con đường lát đá gồ ghề. Yêu thương một Venezia bồng bềnh trên kênh rạch chẳng biết rồi sẽ trôi dạt về đâu cùng vẻ đẹp quyến rũ, cổ điển đã đi vào thi ca. Yêu thương Toscana có cánh đồng hoa hướng dương vàng rực vươn mình về phía bầu trời xanh. Yêu thương Chanti Classico với rượu rất ngon và phụ nữ rất đẹp…

Cứ thế, gã trai si tình Trương Anh Ngọc càng si mê nước Ý.

Si mê một bản trường ca thuộc về cuộc sống, tình yêu và cái chết – bóng đá.

Có lẽ chỉ khi đọc “Nước Ý, câu chuyện tình của tôi”, người đọc mới có thể bắt gặp những hình ảnh độc đáo về bóng đá Italia mà không một khuôn hình, không một thước phim nào của các hãng thông tấn có thể truyền tải được. Trên cây cầu tình yêu Milvio, bên những ổ khóa của những cặp tình nhân còn có ổ khóa của những cặp đối thủ sẽ gặp nhau trong trận derby của thành Roma. Trên thực đơn của những quán bánh ngọt có những món lấy tên của những cầu thủ, vì Roma là pane và pallone (bánh mì và trái bóng). Rồi còn nụ hôn im lặng của chàng trai Ý lên chiếc khăn đỏ đen của Milan trong siêu thị, âm thầm nhưng cuồng nhiệt. Và có những trận bóng mà cầu thủ chính là những thầy tu suốt một đời phụng sự Chúa.

Italia – “đất nước lãng mạn và là điểm đến lý tường cho các lứa đôi, cũng là nơi mà tỷ lệ ly dị và ly thân đang tăng lên chóng mặt, người ta có thể từ bỏ người tình hoặc vợ, sẵn sàng chia tay tay những người bạn và tạo thêm cho mình những kẻ thù nhưng họ không bao giờ phản bội đội bóng mà họ yêu và đi theo suốt cuộc đời.”

Nước Ý, “người tình” của Trương Anh Ngọc, là đất nước của tình yêu với những lá thư từ khắp mọi nơi trên thế giới gửi cho nàng Juliet ở Verona, là đất nước của những viên kem ngọt ngào, là đất nước của những chiếc xe Vespa chỉ còn lại trong quá khứ hoa mộng… Nước Ý ấy xa lạ nhưng cũng thật gần gũi với những câu chuyện chân thực về cuộc sống, về những bon chen, lo lắng thường nhật vì giao thông hỗn loạn ở Roma, vì trường học xuống cấp, thiếu hụt giáo viên,… Nước Ý, trong con mắt của Trương Anh Ngọc, có Đức Hồng y và mafia, có bầu trời xanh và những vũng nước nhầy nhụa, có tình yêu cháy bỏng nồng nhiệt và những vụ ly hôn… Nước Ý ấy, không hoàn hảo, không lộng lẫy, nhưng vẫn đẹp và vẫn khiến người ta yêu say đắm.

“Nước Ý sẽ ở trong tim bạn ngay cái nhìn đầu tiên, như một tình yêu sét đánh mà người Ý, vốn hoa tình và quá lãng mạn trong đời sống tình cảm, luôn vướng vào như mắc phải tơ nhện […] Tình yêu ấy với nước Ý đôi khi không chỉ bắt nguồn từ âm nhạc, ngôn ngữ, bóng đá, ẩm thực và đàn bà mà có thể qua cả mafia và cuộc chiến chống mafia nữa. […] Trên đất nước của những điều kỳ diệu của con người, thiên nhiên, của các tác phẩm nghệ thuật, của lịch sử và văn minh, có quá nhiều điều bất công, có biết bao tội ác và những điều nghịch lý. Nhưng những ai đã có nước Ý trong tim rồi sẽ chẳng bao giờ từ bỏ tình yêu ấy vì điều đó.”

“Series A, Mafia, Bầu trời Tuscany và Anh Ngọc. Một hành trình khám phá nước Ý qua gọng kính của một kẻ lãng mạn.” – Đạo diễn Việt Tú

“Nước Ý sẽ ở trong tim bạn ngay cái nhìn đầu tiên, như một tình yêu sét đánh mà người Ý, vốn hoa tình và quá lãng mạn trong đời sống tình cảm, luôn vướng vào như mắc phải tơ nhện […] Tình yêu ấy với nước Ý đôi khi không chỉ bắt nguồn từ âm nhạc, ngôn ngữ, bóng đá, ẩm thực và đàn bà mà có thể qua cả mafia và cuộc chiến chống mafia nữa. […] Trên đất nước của những điều kỳ diệu của con người, thiên nhiên, của các tác phẩm nghệ thuật, của lịch sử và văn minh, có quá nhiều điều bất công, có biết bao tội ác và những điều nghịch lý. Nhưng những ai đã có nước Ý trong tim rồi sẽ chẳng bao giờ từ bỏ tình yêu ấy vì điều đó.”

“Cuốn sách này là “đồng xu” mà Anh Ngọc đã tặng cho bạn, để bạn ném xuống đài phun nước Trevi. Nó sẽ giúp bạn đến được với nước Ý.” – Nhà báo Yên Ba

[taq_review]

Review

Dieu Linh

Người ta vẫn chỉ biết đến nước Ý như một nơi hoa tình và mỹ lệ với kinh đô thời trang Milano, với những kênh đào và chiếc thuyền Gondola ở Venice. Còn những năm gần đây, hình ảnh nước Ý lại gắn với thất nghiệp, vô gia cư vì suy thoái kinh tế. Thế nhưng, đến với “Nước Ý câu chuyện tình của tôi” của nhà báo Trương Anh Ngọc, chúng ta lại có những cái nhìn mới mẻ hơn, khách quan hơn với nước Ý. Nước Ý của Anh Ngọc vẫn là nước Ý lãng mạn, ngày nào cũng là ngày Valentine nhưng bên cạnh đó cũng là một nước Ý đang phải cắt giảm chi tiêu, thắt lưng buộc bụng, những chính sách của nhà cầm quyền được đưa ra để đối phó với suy thoái. Vậy nhưng, chúng ta không vì thế mà có cái nhìn khác đi với nước Ý, ta chỉ thêm yêu nó hơn, khát khao được đến đó nhiều hơn. Nước Ý của Trương Anh Ngọc như một câu chuyện tình, còn nước Ý trong tôi và bạn thì sao? Hãy đến đó để cảm nhận nhé!

Kiều Diễm

Lần đâu tiên biết đến Anh Ngọc qua tác phẩm này vì mình là người vốn rất yêu mến nước Ý. Đọc “Nước Ý câu chuyện tình tôi” cứ ngỡ như là một bài viết của một người dân Ý chính hiệu chứ không phải của một nhà báo đến từ Việt Nam nữa. Hiểu nước Ý đến từng chi tiết nhỏ nhặt, bằng cách viết sinh động và lôi cuốn Anh Ngọc đã giúp người đọc có cái nhìn rõ nét hơn về một nước Ý với thiên nhiên hoa mĩ, con người Ý lãng mạn nhưng cũng không kém phần thực dụng song cũng vẫn rất đáng yêu. Một nước Ý với nền âm nhạc ấn tượng và cả một lịch sử bóng đá với những trận cầu căm go, khốc liệt được hiện ra thật sinh động và rõ nét dưới ngòi bút của Anh Ngọc. Hẳn không ngoa khi nhận xét ” Ngôn từ của Ngọc nếu cứ cắt dòng nhỏ ra, y như thơ Tagor vậy…”

Vy

Mình không có cơ hội và điều kiện để đi nhiều, nên những cuốn sách như thế này là rất quý giá, vì nó giúp mình mở rộng hiểu biết cũng như có một cái nhìn mới về thế giới rộng lớn xung quanh. “Nước Ý – câu chuyện tình của tôi” giống như một cuốn sách du lịch, đem đến những góc nhìn về văn hóa, lịch sử của đất nước Phương Tây này. Lật mở từng trang sách giống như được đi trong một chuyến du hành đến vùng đất tươi đẹp này. Nhưng hơn thế nữa, cuốn sách còn là nơi tác giả gửi găm những tình cảm, tâm sự chân thành của mình về nước Ý. Những lời sẻ chia gần gũi, đầy cảm xúc, đã khắc họa một cách rõ nét tình yêu tha thiết của Trương Anh Ngọc dành đến cho nước Ý.

Trích đoạn

Không dễ viết về một thành phố mà ta đang sống trong đó, và khó hơn nữa nếu đấy là thành phố ta yêu. Tôi đã sống và làm việc vài năm ở Roma, nhưng phải xa nó ra đi mới bắt đầu viết được những gì thực sự đáng đọc về nó, vì không đơn giản nắm bắt được cái hồn của một thành phố mà chỉ khi đã xa nó rồi, mới thấy không muốn bước chân đi. Đấy là một điều không dễ giải thích. Người ta có thể yêu một ai đó, thậm chí say đắm là khác, nhưng trong sâu kín tâm hồn, người ta không hiểu được nhau.

Roma với tôi là một thành phố khác biệt hơn tất cả những nơi khác tôi đi qua, đã sống và đã yêu: có những thành phố phải đi xa mới nhớ, nhưng có những nơi vẫn đang sống ở đó, mà đã nhớ nó rồi. Nhớ rất nhiều những tháp chuông nhà thờ in lên nền trời Roma lúc hoàng hôn, nhớ khu trung tâm phố cổ với những di tích hàng nghìn năm tuổi, nhớ con sông Tevere vắt ngang thành phố mà những đêm hè náo nức tiếng nhạc và tiếng cười nói trên đảo Tiberina… nhưng sẽ nhớ nhất chính là những ngõ nhỏ của thành phố trải dọc các khu phố mà tên tuổi của chúng đã đi vào lịch sử, với những câu chuyện, truyền thuyết, huyền thoại, những bài hát và thơ ca qua biết bao thế kỷ. Một lần ngồi chờ phục vụ những đồ ăn nấu theo kiểu Roma trong con phố nhỏ có tên Spagnoni rất ít người lại qua và để ý ở gần Pantheon, trung tâm thành phố, trong cái tịch mịch của đêm tối và ánh đèn vàng vọt tỏa xuống từ những ngọn đèn đường treo trên những bức tường phủ đầy dây leo chằng chịt, ngửi mùi thơm nức của các món ăn từ quảng trường Coppelle cạnh đó ùa tới, mới chọt nhận ra những gì ẩn giấu sâu kín trong tâm hồn của một thành phố maf trước nay tôi chưa hiểu.

Những con phố nhỏ của Roma luôn đem đến những cảm giác rất lạ khi đêm xuống. Đi trên con dường gập ghềnh lát đá, mà đôi khi kẽ của những viên đá có thể nuốt gọn một phần giày cao gót của một cô gái đáng yêu nào đó, và nghe tiếng chân mình dội vào những bức tường dày hai bên được chiếu sáng bằng một thứ ánh sáng lờ nhờ của những ngọn đèn hầu hết là theo kiểu cổ trên cao, dễ gợi nên những ấn tượng mà đôi khi những dòng chữ này không diễn tả nổi. Càng khó diễn tả hơn, một khi ta biết được những câu chuyện bí mật và lịch sử liên quan đến những góc phố ấy, những con người đã gắn liền với nó, đã sống ở đấy biết bao thế kỉ trước, đã nện gót trên những con đường hẹp lát đá không bằng phẳng mà lồi lõm, tiếng vó ngựa một thời rền rĩ, tiếng chuông nhà thờ vang lên từ đâu đó, tiếng những người đứng trên tháp cao gióng chuông báo hiệu 12 giờ đêm. Có hàng nghìn con phố nhỉ trong những khu phố trung tâm của Roma, chia thành phố thành từng ô vuong ngoằn ngoèo được phân định các khu bằng những đại lộ với hàng dãy những nhà thờ lớn chen chúc nhau, những palazzo* của nhà giàu xây từ hàng thế ky trước. Những con phố nhỏ ấy, dù ở khu nào cũng có những đặc điểm chung: hẹp, ngắn, thường lát đá, thỉnh thoảng có những vũng ngước, được chiếu sáng bới những ngọ đèn vàng vọt, những góc phố ở ngã tứ thường có một bức ảnh thờ Đức Mẹ Maria, đôi khi xuất hiện một họng nước chảy suốt ngày đêm lấy lên từ biết bao mạch nước nâfm phía dưới Roma và cuối cùng thường dẫn đến một quảng trường nào đó. Cuộc sống của người Roma nói riêng và người Ý nói chung từ bao đời nay thường gắn liền với những quảng trường ấy, một hình thức dân chủ sơ khai từ hàng nghìn năm trước, khi quảng trường là nới nhà nước và dân chúng gặp gỡ qua những bố cáo, nơi họp chợ, nơi truyền giáo, thậm chí là nơi xử trảm những tội nhân đại hình. Những con phố cứ chạy mãi, thế rồi bỗng nhiên mở ra cả một khoảng không gian rộng lớn: quảng trường Nanova, Campo de Fiori, quảng trường San Pietro, quảng trường Popolo… Nhiều lắm, những cái tên.

Tôi yêu một con đường nhỏ gần Circo Massmo dẫn lên đồi Aventino*. Con đường dốc chạy giữa những hàng cây dẫn đến một thế giới khác của Roma, luôn ngả vào với lá cây vào mùa thu in trên những bức tường cũ kĩ đã ố vàng pha đỏ tróc lở khắp nơi, luôn đầy ắp màu trắng của hoa cưới trên hai lối đi lên ban thờ chính của nhà thờ cổ Santa Sabina có từ thế kỷ thứ 13 và màu trắng của những chiếc váy cưới. Khu đồi có những cây can trĩu trịt quả mà tương truyền được Thánh Domenico trồng lên cũng ở thế kỷ 13 ấy được coi là một trong những nơi ngắm thành phố từ trên cao lãng mạn nhất. Người ta hôn nhau ở đó, chụp ảnh cưới tại đó, trẻ con nô đùa và đuổi chim bồ câu ở đó, các gia đình gặp gỡ cũng tại đó trong những cuộc pinic chiều Chủ nhật… Cuộc sống của Roma trên những ngọn đồi nhìn xuống thành phố với mái vòm nhà thờ San Pietro của Vatican phía xa xa, những nhà thờ nhấp nhô, những hàng cây và dãy phố cổ kính dọc con sông Tevere uốn khúc ở dưới lãng mạn và đáng yêu không ngờ.

*Tương truyền Aventino là một trong bảy ngọn đồi đã tạo nên Roma thuở sơ khai dưới tay của Romoto vào năm 753 trước Công Nguyên. Các ngọ đồi khác là Celio, Campidoglio, Esquillino, Palatino, Quỉinale và Viminale.

Cũng ở Aventino, cách nhà thờ Santa Sabina không xa, là một lỗ khóa trên cánh cửa dẫn vào một khu vườn tuyệt đẹp của dòng tu Malta. Tôi đã nheo mắt không biết bao nhiều lần chỉ để nheo mắt ngắm nhìn nhà thờ San Pietro qua lỗ khóa ấy. Chỉ vài giấy thôi, và cứ thế lặng người đi cứ như vừa được chứng kiến một phần thiêng liêng của thế giới sau một cái nhíu mày. Ta thấy gì qua lỗ khóa ấy? Con đường thẳng tắp giữa hai hàng cây hướng đến cái đích cuối cùng: mái vòm trứ danh mà Michelangelo và Delta Porta đã mất mấy thập kỷ để dựng lên trên ngôi nhà mà vị tông đồ của Chúa Jesus đang yên nghỉ phía dưới. Chúa và tình yêu của Người đôi khi có thể nhìn thấy được, vì ở gần quá, khi ghé mắt vào lỗ khóa và lắng tai nghe tiếng chuông của nhà thờ Saint’Alessio cạnh đó. Roma là sự hòa trộn không thể nào hoàn hảo hơn của thế giới những người đang sống với thế giưois của những vị thánh và của Chúa, tồn tại một cách mạnh mẽ qua tiếng chuông cầu nguyện, qua hình ảnh những nhà thờ lớn nhỏ xuất hiện dày đặc trong thành phố, và qua sự gắn bó của thể xác con người với tinh thần của chính họ. Bỗng nghẹn ngào khi rời Aventino đã quá quen thuộc đến từng viên đá lát đường, khi mùa thu Roma lại về, và trên con đường trở lại những phố đông đúc của thành phố, bắt gặp trên một bức tường cũ kỹ lời tỏ tình giữa phố của một chàng trai nào đó với người mà anh yêu.

Tôi đặc biệt thích Trastevere. Khu phố cổ có hơn hai nghìn năm tồn tại nằm bên sông Tevere chính là nơi ẩn chứa chất Roma nhiều nhất. Không có gì ngạc nhiên khi Trilussa* hay Gioachino Belli**, những nhà thơ nổi tiếng nhất và gắn liền với lịch sử cũng như ngôn ngữ của thành phố đều đã từng hoặc sống ở đấy, hoặc viết về nó, thường là bằng thổ ngữ Roma, thứ tiếng bây giờ vẫn còn được nói không ít bởi người thủ đô, trong đó có nhiều người sống tại Trastevere. Những con phố nhỉ chạy cắt nhau liên tiếp chỉ thích hợp cho việc đi bộ, những bức tường rêu phong phủ dây leo và chằng chịt dây điện, những dây phơi vắt vẻo quần áo còn sũng nước, hàng loạt tiêm ăn nhỏ chen lẫn nhau trong mùi thịt nướng bisteak thơm nức mũi, những biển báo giao thông xiêu vẹo, những bức tường được vẽ nguệc ngoạch và tự do, những công tơ điện treo lủng lẳng trên các bức tường bong vôi. Cột điện đôi khí trở thành nơi các bạn trẻ tự hào thông báo cho cả thế giới biết về sự sinh ra hoặc chết đi của một mối tình, hoặc một cuộc hôn nhân, như có lần cô Veronica nào đấy dán tuyên bố sẽ lấy Pipo của cô. Con ngõ nhỏ nào cũng hầu như cũng có một chiếc xe máy hay đạp dựng ở đấy, có khi xịt hết lốp, có nững chiếc Vespa cũ rích bám đầy mạng nhện và sơn bạc phếch không biết chủ nó đã bỏ nó bao năm trời khiến chọt nhớ mỗi năm có một ngày tháng Ba, dân đi xe máy ở Roma tụ tập trên con đường chính Fori Imperiali, để cầu xin Thánh Colombano, người được coi là Thánh bảo trợ cho những người đi xe máy, phù hộ họ không gặp tai nạn trong năm. Ở Trastevere, các Thánh, Chúa và Đức mẹ Maria hiện diện ở khắp nơi. Bốn mươi nhà thờ, tức là 1/10 số nhà thờ ở Roma, tập trung ở khu phố không lớn ấy. Nhưng hình như bây giờ tiếng chuông ngân ít hơn, những hoài niệm về khu phố mà nàng Fornarina, người tình và là nguồn cảm hứng của danh họa vĩ đại thời Phục Hưng Raphael***, từng sống, không còn được nhắc tới nữa. Tất cả bị át đi nhiều bởi tiếng người đi lại, tiếng cười nói của đám thanh niên đi chơi qua đêm, tiếng những người đứng hút thuốc xôn xao trước các quán bar và tiếng xe scooter vè vè của đám thanh niên lượn lách trong các ngõ. Lần nào đến đó tôi cũng rẽ qua quán La Rennella để ăn pizza và chui vào khu làm bánh mì vãi đầy bột trắng của nó. Bánh mì vỏ cứng ở đó ngon nhất nhì Roma, pizza cũng thế. Người đến ăn ở quán có thể vừa gặm pizza qua cái ô cửa kính đã vỡ xiêu vẹo, vừa ngắm cuộc sống lặng lờ trôi qua trước khuôn cửa thấp hướng đến một góc phố bừa bộn và đọc trên bức tường của quán có khắc những vần thơ bức hũ của Trilussa về thành phố mà ông đã sống, đã yêu và đưa vào thơ ca.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button