Review

Không Gia Đình

Thể loại Sách Văn Học – Tiểu Thuyết
Tác giả Hector Malot
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Đinh Tị
Số trang 574
Ngày xuất bản 04-2014
Giá bánXem giá bán

Không Gia Đình là cuốn sách được xếp vào danh mục văn học thiếu nhi nhưng rõ ràng, với những gì Không Gia Đình đã kể thì đây là cuốn sách dành cho mọi lứa tuổi ở mọi quốc gia, mọi tầng lớp.

Không Gia Đình là một chuyến phiêu lưu mà Rêmi là nhân vật chính. Em nghèo khổ, em cô độc, em không có người thân. Cuộc đời Rêmi gắn liền với gánh xiếc rong, với những thử thách mà em gặp phải trên đường đời trải rộng khắp nước Pháp tươi đẹp. Rêmi lớn lên trong đau khổ, lang thang mọi nơi, bị tù đày… nhưng dù trong hoàn cảnh nào, em vẫn đứng thẳng lưng, ngẩng cao đầu, giữ phẩm chất làm người – điều em đã học từ cụ Vitali trong cuộc đời lang bạt của mình.

Không Gia Đình ca ngợi giá trị của lao động, của nhân cách và tình cảm. Cuốn sách mô tả những hình ảnh, những mảnh đời bấp bênh để làm nền cho niềm tin, cho tình người ấm áp.

Không Gia Đình thực sự là một cuốn sách hay và giá trị hơn cả một giá sách dạy phương pháp làm người.

©

Không gia đình kể chuyện một em bé không cha mẹ, không họ hàng thân thích, đi theo một đoàn xiếc chó, khỉ, rồi cầm đầu đoàn ấy đi lưu lạc khắp nước Pháp, sau đó bị tù ở Anh, cuối cùng tìm thấy mẹ và em. Em bé Rêmi ấy đã lớn lên trong gian khổ. Em đã chung đụng với mọi hạng người, sống khắp mọi nơi, “nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương”. Em đã lao động mà sống, lúc đầu dưới quyền điều khiển của một ông già từng trải và đạo đức, cụ Vitali, về sau thì tự lập và không những lo cho mình, còn bảo đảm việc biểu diễn và sinh sống cho cả một gánh hát rong. Đã có khi em và cả đoàn lang thang mấy hôm liền không có chút gì trong bụng. Đã có khi em suýt chết rét. Đã có khi em bị lụt ngầm chôn trong giếng mỏ mười mấy ngày đêm. Đã có khi em mắc oan bị giải ra trước tòa và bị ở tù.

Và cũng có khi em được nuôi nấng đàng hoàng, no ấm. Nhưng dù ở đâu, trong cảnh ngộ nào, em vẫn noi theo nếp rèn dạy của ông già Vitali giữ phẩm chất làm người, nghĩa là ngay thẳng, gan dạ, tự trọng, thương người, ham lao động, không ngửa tay xin xỏ, không dối trá, gian giảo, nhớ ơn nghĩa, luôn luôn muốn làm người có ích…

[taq_review]

Trích đoạn

Hécto Malô (Hector Malot), sinh năm 1830 ở miền tây Bắc nước Pháp, là một nhà văn chuyên viết tiểu thuyết, được bạn đọc người Pháp yêu mến. Những tiểu thuyết của ông, như KHÔNG GIA ĐÌNH, TRONG GIA ĐÌNH, PÔNGPÔNG, RÔMANH CANBƠRI v.v… đều lành mạnh và hấp dẫn.

Ông mất năm 1890.

Trong tiểu thuyết của Malô, KHÔNG GIA ĐÌNH nổi tiếng hơn cả. Nó đã được giải thưởng của Viện Hàn lâm văn học Pháp. Nhiều nước trên thế giới đã dịch lại và xuất bản nhiều lần(1). Từ một trăm năm nay nó đã trở thành người bạn thân yêu của thiếu nhi Pháp và châu Âu. Không những thiếu nhi, mà cả những bậc cha mẹ, anh chị, thầy giáo và tất cả những ai yêu mến trẻ em, chú ý đến trẻ em đều đọc nó say sưa, vì qua mỗi một câu chuyện lý thú, nó giải đáp cho người ta nhiều câu hỏi luôn mới mẻ về việc nuôi dạy thiếu nhi.

KHÔNG GIA ĐÌNH kể chuyện một em bé không cha mẹ, không họ hàng thân thích, đi theo một đoàn xiếc chó, khỉ, rồi cầm đầu đoàn ấy đi lưu lạc khắp nước Pháp, sau đó bị tù ở Anh, cuối cùng tìm thấy mẹ và em. Em bé Rê-mi ấy đã lớn lên trong gian khổ. Em đã chung đụng với mọi hạng người, sống khắp mọi nơi, “nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương”. Em đã lao động mà sống, lúc đầu dưới quyền điều khiển của một ông già từng trải và đạo đức, cụ Vitali về sau thì tự lập và không những lo cho mình mà còn bảo đảm việc biểu diễn và sinh sống cho cả một gánh hát rong. Đã có khi em và cả đoàn lang thang mấy hôm liền không có chút gì trong bụng. Đã có khi em suýt chết rét. Đã có khi em bị lụt ngầm chôn trong giếng mỏ mười mấy ngày đêm. Đã có khi em mắc oan bị giải ra trước tòa án và bị bỏ tù. Và cũng có khi em được nuôi nấng đàng hoàng, no ấm. Nhưng dù ở đâu, trong cảnh ngộ nào, em vẫn noi theo nếp rèn dạy của ông già Vitali giữ phẩm chất làm người, nghĩa là ngay thẳng, gan dạ, tự trọng, thương người, ham lao động, không ngửa tay xin xỏ, không dối trá, gian giảo, nhớ ơn nghĩa, luôn luôn muốn làm người có ích.

Bên cạnh Rêmi có chú bé nghệ sĩ Mátchia khôn ngoan, linh lợi, tháo vát, tận tình với bạn, một tài hoa nghệ thuật nở sớm cộng với một tấm lòng vàng; con chó Capi khôn như người và rất có nghĩa; con khỉ Giôlicơ liến láu và đáng thương… Những con người và con vật ở đây được dựng lên linh hoạt sống động, gây nhiều hứng thú cho bạn đọc nhỏ của chúng ta.

Qua câu chuyện phiêu lưu hết sức hấp dẫn của chú bé Rêmi, người ta thấy quyển sách ca ngợi lao động, ca ngợi tinh thần tự lập tự tin của tuổi trẻ, phát huy ý thức chịu đựng gian khổ và tập quán xoay sở tháo vát, đề cao nghệ thuật, khuyến khích tình bạn chân chính. Nó phản ánh cảnh lao động và sinh hoạt bấp bênh, nguy hiểm, đầy đe dọa của những người thợ mỏ và của nhân dân lao động thành phố trong xã hội tư sản. Đồng thời nó thể hiện cái thực tế là tình thương người, lòng biết ơn, tình hữu ái giai cấp ở về phía những người lao động. Quyển sách lại diễn tả nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, nhiều cảnh sinh hoạt hấp dẫn ở nông thôn và thành thị, giúp bạn đọc thêm phần hứng thú trong khi theo dõi câu chuyện, lại có thể mở rộng hiểu biết.

Nhưng KHÔNG GIA ĐÌNH dưới con mắt chúng ta không phải là một viên ngọc không vết. Do một nhà văn tư sản viết – dù là nhà văn tiến bộ – cuốn sách vẫn không khỏi mang những sai lầm của tư tưởng và quan niệm xã hội của ông ta. Tác giả tôn sùng những người giàu sang, có danh vọng, lịch sự. Ông đã dành cho Rêmi một bà mẹ đại tư sản với một gia tài kếch sù, để cho khi nhận ra mẹ, Rê- mi có sẵn của cải đó mà đền ơn trả nghĩa. Làm như không có tiền muôn bạc triệu thì người ta không có cách gì tỏ lòng biết ơn! Dưới ngòi bút của tác giả Rê-mi quí trọng người lao động, những người có tấm lòng tốt, nhưng đối với những người có địa vị xã hội, có cử chỉ lịch sự, nghĩa là có cái vỏ đẹp đẽ, cao sang, Rêmi mới thật trố mắt khâm phục. Ước mơ của Rêmi – mà đấy là một mặt hạn chế của tác phẩm – là được hưởng một cuộc sống vàng lụa như họ, được trở thành những con người sang trọng như họ. Đó là điều mà chắc chắn là các bạn đọc thiếu nhi chúng ta ngày nay không tán thành, càng không để cho bị tiêm nhiễm.

Người dịch tập truyện không mong muốn gì hơn là khi đọc sách, các bạn vừa thấy hứng thú, vừa học tập được nhiều, được thưởng thức một tác phẩm văn học có giá trị đồng thời cũng rút ra được những điều tốt nên theo, những điều hạn chế nên tránh trong việc tu dưỡng, rèn luyện của mình, hoặc trong việc nuôi dạy con em sau này.

HUỲNH LÝ

———————

  1. Ở ta, trước đây nhà Hồ Biểu Chánh đã phỏng theo “Không gia đình” mà viết cuốn tiểu thuyết nhỏ “Cay đắng mùi đời”, được độc giả ta nửa thế kỉ hoan nghêng. Khoảng vài mươi năm lại đây ở miền Nam có mấy bản dịch giản lược được vài trăm trang. Ở miền Bắc, bản dịch này được tái bản ba lần với số lượng lớn.

 

PHẦN THỨ I

1 Ở LÀNG

Tôi là một đứa trẻ người ta nhặt được.

Tuy vậy, cho đến năm lên tám, tôi vẫn tưởng tôi có mẹ cũng như mọi đứa trẻ khác, vì mỗi khi tôi khóc thì luôn luôn có một người đàn bà dịu dàng ôm tôi vào lòng, âu yếm ru, khiến cho nước mắt tôi ngừng chảy.

Mỗi khi tôi lên giường ngủ, cũng có một người đàn bà đến hôn tôi. Và khi gió rét tháng chạp trát những bông hoa tuyết vào cửa kính trắng xóa, bà ấy vừa ấp ủ chân tôi trong đôi bàn tay trìu mến của bà, vừa hát cho tôi nghe một bài hát mà giờ đây tôi vẫn còn nhớ điệu và lõm bõm vài lời ca.

Khi tôi chăn con bò sữa ở ven đường đầy cỏ, hoặc ở những đám cây hoang, lá dại mà gặp một trận mưa dông bất ngờ đổ xuống, thì bà chạy đến đón tôi, bắt tôi núp trong chiếc váy len của bà và túm váy lên che đầu che vai cho tôi cẩn thận.

Mỗi lần có chuyện gây gổ với bạn bè thì bà dỗ tôi, bảo tôi kể cho bà nghe những nỗi bực bội chất chứa trong lòng và hầu như lúc nào bà cũng tìm được những lời thích hợp để an ủi tôi, hoặc tỏ ra đồng tình với tôi.

Qua những việc ấy, và bao nhiêu việc khác nữa, từ giọng nói, cách nhìn, cái vuốt ve cho đến những lời trách mắng ôn tồn, tôi yên trí bà là mẹ tôi.

Tôi được biết bà không phải là mẹ đẻ, mà chỉ là mẹ nuôi, như thế này đây.

Làng tôi gọi là làng Savanông. Nói cho đúng thì đó là cái làng ở đó tôi lớn lên, tôi sống thời thơ ấu, chứ tôi làm gì có quê hương, có nơi chôn rau cắt rốn, cũng như tôi đã không có cha có mẹ gì cả. Làng Savanông là một trong những làng nghèo nàn nhất ở miền Trung nước Pháp.

Không nghèo vì dân làng chây lười, mà chính vì nó ở vào một vùng đất đai cằn cỗi. Đất mặt rất mỏng, muốn mùa màng tốt, phải có phân, vôi, mà những thứ này trong vùng quá hiếm. Vì thế, người ta thấy ít những cánh đồng trồng trọt mà nhan nhản những đám cỏ hôi, cây dại. Hết những đám ấy thì là địa hạt của những lăngdơ(1) .

Trên các lăngdơ cao ấy, gió lạnh thổi rát làm táp những lùm cây thưa thớt cành nhánh vặn vẹo quay cuồng.

Muốn thấy cây cối xanh tốt thì phải rời bỏ cao nguyên, xuống các thung lũng cạnh sông, ở đấy có những cây dẻ cao to và những cây sồi vạm vỡ.

Cái nhà tôi sống những năm đầu của tuổi thơ ấu dựng trong một thung lũng như thế, trên bò con suối nước chảy xiết đổ vào một phụ lưu của sông Loa.

Cho đến năm lên tám, tôi chưa hề thấy đàn ông trong nhà, tuy má tôi không phải là góa bụa. Chồng bà vốn là thợ đá đi làm ăn ở Pari như phần đông những người thợ khác trong vùng. Từ ngày tôi bắt đầu hiểu biết sự việc chung quanh mình thì tôi chưa thấy ông ta về làng lần nào. Thỉnh thoảng có bạn bè về quê, ông ta mới nhắn tin về:

“Này, bác Bácbơranh, bác giai vẫn được mạnh khỏe đấy! Bác ấy nhờ tôi tin cho bác biết là công việc làm ăn khá lắm và bác ấy gửi cho bác số tiền này đây. Bác đếm đi chứ!”.

Chỉ có thế thôi. Chừng ấy tin tức, má Bácbơranh cũng cho là đủ rồi: ông chồng mạnh khỏe; ông làm ra tiền, kiếm ăn được, còn gì nữa! Đừng tưởng ông Bácbơranh ở Pari lâu thế là vì có điều bất hòa với vợ. Không hề có chuyện như thế. Ồng ta ở lại Pari là do công việc làm ăn bắt buộc, thế thôi. Lúc già, ông sẽ trở về ở với vợ. Với số tiền dành dụm được, đến ngày tuổi già sức yếu, vợ chồng không lo lâm vào cảnh cơ hàn.

Một chiều tháng mười một, có một người lạ mặt dừng lại trước cổng vườn nhà. Tôi đang bẻ củi chà là ở bục cửa. Người ấy không mở cổng mà chỉ nghểnh đầu nhòm vào, nhìn tôi mà hỏi có phải nhà bà Bácbơranh ở đây không.

Tôi mời ông ta vào. Ông ta đẩy cửa, làm cho sợi dây buộc kêu cót két, rồi bước chậm rãi qua sân.

Tôi chưa bao giờ thấy ai lấm bùn bê bết như ông này. Những mảng bùn, mảng còn ướt, mảng đã khô, trát khắp người từ đầu tới chân. Chỉ nhìn những cũng đủ biết ông ta đã đi rất lâu trên những con đường lầy lội. Nghe tiếng chúng tôi, má Bácbơranh chạy ra. Khi khách bước qua bậc cửa thì má cũng vừa tới, hai người gặp nhau. Khách nói:

– Tôi đem tin từ Pari về đây!

Đó là những lời giản dị tai chúng tôi nghe đã quen. Nhưng mà giọng nói lần này không giống như mọi bận, không giống như những khi người khách nói: “Bác giai bình yên. Công việc làm ăn tốt”. Má Bácbơranh chập hai tay vào nhau, kêu:

– Ôi trời ơi! Chắc có tai họa gì xảy đến cho ông Giêrôm nhà tôi rồi!

– Vâng, quả có thế. Nhưng bà cũng không nên quá hoảng hốt! Ông nhà bị thương, đúng đấy, nhưng ông ấy không chết. Có điều chắc chắn sẽ bị què. Hiện giờ ông ấy còn nằm ở bệnh viện. Tôi nằm giường bên cạnh, nên nhân tôi về quê, ông ấy nhờ tôi tạt qua đưa tin cho bà biết. Tôi không dừng lại đây lâu vì còn phải đi ba dặm đường nữa, mà trời sắp tối rồi.

Má Bácbơranh muốn biết tường tận hơn, nên mời khách ở lại ăn cơm tối. Má nói đường xấu lắm và người ta đồn ở trong rừng có chó sói, chi bằng để sáng mai hãy đi.

Khách ngồi vào bên cạnh bếp lò, vừa ăn vừa kể cho chúng tôi nghe tai nạn xảy ra như thế nào: ông Bácbơranh bị một giàn giáo đổ xuống đè suýt bẹp người. Người chủ thầu viện lẽ ông ta không có nhiệm vụ gì phải đứng ở chỗ ấy, nên không trả cho ông ta một khoản bồi thường nào cả. Ông khách nói:

– Thật không may cho ông Bácbơranh, tội nghiệp ông ấy! Thật không may! Có những tên láu cá, nhân cơ hội tương tự đã vớ được một khoản thực lợi đồng niên(2). Còn ông nhà thì chẳng được gì sất!

Ông khách vừa hơ đôi ống quần cứng cồm cộp bùn khô, vừa luôn mồm nhắc đi nhắc lại mấy tiếng “thật không may” với một vẻ thương cảm chân thành. Sự xuýt xoa của ông chứng tỏ ông sẵn lòng chịu tàn tật để vớ được một món thực lợi. Ông kết thúc câu chuyện:

– Tuy thế, tôi cũng khuyên ông nhà cứ đệ đơn kiện lão chủ thầu.

– Kiện tụng thì tốn kém chết đi!

– Tốn đấy, nhưng được kiện thì cũng bõ chứ!

Má Bácbơranh muốn đi Pari nhưng chuyện đó đâu có phải dễ: đường sá xa xôi tốn kém quá.

Sáng sớm hôm sau má con tôi xuống làng dưới tìm cha xứ để hỏi ý kiến. Cha xứ chưa muốn để cho má đi, trước khi biết chắc đi như thế có giúp ích gì cho chồng không. Cha viết thư cho ông giáo sĩ ở bệnh viện nơi ông Bácbơranh đương nằm điều trị. Vài ngày sau, có thư trả lời nói rằng má Bácbơranh không cần đi, chỉ cần gửi một số tiền lên Pari để cho chồng kiện người chủ thầu.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button