Review

Đường Công Danh Của Nikodema Dyzmy

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Tadeusz Dolega Mostowicz
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Phương Nam
Số trang 470
Ngày xuất bản 07-2017
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách


Đường Công Danh Của Nikodema Dyzmy có chút nào đó tương đồng với Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Từ một anh công chức cấp thấp ở tỉnh lẻ bị mất việc, lang thang với chiếc túi rỗng không và chiếc dạ dày lép kẹp, đã từng bước len lỏi vào xã hội thương lưu, trở thành một triệu phú, chính khách quan trọng của đất nước. Cùng với sự leo thang đến kinh ngạc về danh vọng, Dyzma lại tụt dài về nhân cách, từ cái trọng sạch của người bình thường xuống vũng bùn của những kẻ tội đồ ghê gớm nhất. Thế nhưng thực chất, Dyzma cũng cũng chỉ là nạn nhân của một giai đoạn xã hội lố lăng.

[taq_review]

Trích dẫn


“Lạy Chúa tôi! Trước đây một tuần thôi, liệu có ai dám nghĩ rằng ta – Nikôđem Đyzma – sẽ được nằm đây, trong căn phòng tuyệt vời này, trên chiếc giường sang trọng này, để bà chủ xinh đẹp kia đọc sách cho mà nghe?”.
Y nhắm mắt lại và thốt nhiên giật nẩy mình.
“Thế nếu như tất cả chỉ là giấc mơ, nếu như tất cả chỉ là chuyện tưởng tượng, nếu như mở mắt ra ta chỉ trông thấy những bức tường tróc lở và ẩm ướt của nhà thằng cha Barchix ở phố Uxka? Nhưng còn giọng đọc kia?… Có thể đó chỉ là tiếng Manka đang đọc báo hàng ngày cho mụ Valentôva nghe?”.
Đột nhiên giọng đọc ngừng lại, im lặng một lát rồi có tiếng hỏi rất nhẹ nhàng:
– Ông thiếp đi rồi chăng?
Đyzma mở mắt và mỉm cười:
– Không, thưa bà.
– Cơn đau qua chưa ạ? Ông có dễ chịu phần nào chăng?
Nikôđem lại mỉm cười lần nữa.
– Cơn đau chưa qua, nhưng tôi thấy dễ chịu hơn.
Nàng nín lặng.
– Hễ bà có mặt ở đây thì tôi thấy dễ chịu hơn.
Nàng buồn bã nhìn y chẳng đáp lời nào. Nikôđem nghĩ bụng chắc hẳn anh chàng loạn óc, anh của nàng, đã nói có lý: nàng quả thực là một người bất hạnh. Đang có cơ hội kiểm tra lại các thông tin của anh ta, Đyzma bèn hỏi:
– Bà có điều gì phiền muộn thì phải?
– Có lẽ ông là người độc nhất trong nhà này có thể tự xưng là sung sướng.
– Tại sao lại duy nhất?
– Bởi vì ông chẳng có gì ràng buộc vào cái nhà này hết… Lạy Chúa tôi! Lúc nào ông cũng có thể rời bỏ nơi đây để trốn đi, trốn đi mãi mãi.
Môi nàng run run, khóe mắt long lanh lệ.
– Và chắc hẳn ông sẽ bỏ trốn thôi…
– Không! – Đyzma vội phản đối khi nghĩ tới đồng lương của mình – Tôi muốn ở lại đây càng lâu càng tốt.
Nàng đỏ mặt.
– Ông nói thành thực đấy chứ?

– Tại sao tôi lại phải bịa đặt? Chắc hẳn là thành thực.
– Thế việc bầu bạn với những sinh linh bất hạnh không khiến ông e ngại sao?
– Không, không hề, hơn nữa, tại sao bà lại có thể là người bất hạnh kia chứ? Một phụ nữ trẻ, khỏe, giàu có, với cuộc sống êm ấm.
– Ôi! – Nàng ngắt lời – Liệu có thể gọi đó là cuộc sống chăng?
Đyzma liếc nhìn nàng.
– Có thể chồng bà không yêu bà chăng?
– Chồng ư? – Nét mặt nàng biểu lộ một sự khinh bỉ và ghê tởm – Chồng tôi, tôi muốn ông ấy căm ghét tôi. Vả chăng, có gì gắn bó giữa tôi và ông ấy đâu cơ chứ! Ông ấy chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền và chỉ nghĩ về những đồng tiền ấy mà thôi… Cái phạm vi những điều ông ấy quan tâm đối với tôi hoàn toàn xa lạ!… Còn chính bản thân ông ấy thì chẳng bao giờ tìm cách cảm thông và hiểu tôi…
Nàng cắn chặt môi.
– Vả lại, tôi nói với ông những chuyện ấy làm gì cơ chứ…
– Bà nói ra được cũng là điều tốt.
– Không nói thì chắc ông cũng nhận thấy tất cả. Ông Nikôđem, xin ông hãy nói xem, liệu một con người cô đơn, một con người hoàn toàn cô đơn có thể nào hạnh phúc được chăng?
– Tôi cũng không rõ… Tôi cũng chỉ có một thân một mình trên đời.
– Sao lại thế? Ông không có một ai sao? Còn gia đình?…
– À, không có ai cả.
– Ông không thấy khổ vì điều ấy sao?
– Quả tình không.
– Ôi, bởi vì ông là đàn ông, đầy sức khỏe, mang trong mình bao tính cách mạnh mẽ, ông không biết thế nào là cô đơn, bởi lẽ riêng bản thân ông đã là một thể hoàn chỉnh. Thậm chí tôi không rõ là nói chung ông có khả năng thấu hiểu hay chăng nỗi trống trải đơn cô của một sinh linh yếu ớt như tôi?
– Nhưng bà có cô con chồng kia mà?
– Ôi! – Nàng bất giác bật ra – Kasia… chỉ là đàn bà.
Nàng cắn chặt môi nhìn quyển sách đang mở rộng đặt trên đầu gối rồi bắt đầu nói:
– Ông biết không, đã từ nhiều năm nay, ông là người đầu tiên tôi cảm thấy có thể tự do và… Sự đồng cảm của ông không hề chứa đựng lòng thương hại xúc phạm lẫn sự lãnh đạm ngoại lai… Ông biết không, tôi không duy trì quan hệ thân hữu với một ai… Ông là người đầu tiên mà tôi tự cho phép mình được trao đổi một cách cởi mở những suy tư của bản thân, với lòng tin sẽ chẳng bao giờ bị hiểu sai.

Nàng đỏ mặt và nói đầy sôi nổi. Đyzma không còn nghi ngờ gì nữa là Nina đang “lao” vào với y.
– Không hiểu ông có thấy mệt mỏi không khi bị lôi vào quỹ đạo những nỗi buồn muôn thuở của tôi?
– Lạy Chúa che chở!
– Nhưng những nỗi buồn của tôi thì có liên quan gì đến ông?
– Rất liên quan.
– Ông thật tốt với tôi quá.
– Đối với tôi bà cũng thế. Nhưng xin bà đừng quá buồn phiền, mọi cái không hay rồi sẽ đổi thay, cốt đừng quá bận tâm mà thôi.
Nàng mỉm cười.
– Ông xem tôi như một đứa trẻ, ông an ủi nó bằng một lời đùa cợt để nó nín khóc. Nhưng ông biết không, sự thô nhám thường khi lại chính là liều thuốc tốt.
– Không được đầu hàng nỗi bất hạnh, phải suy nghĩ xem có thể làm được gì để khắc phục nó.
Nàng sa sầm nét mặt.
– Ở đây không có cách nào cả.
– Mỗi người tự rèn lấy số phận của mình. – Y nói đầy tin tưởng.
– Để có thể rèn, cần phải có cánh tay rắn chắc, mà ông thấy đấy, tay tôi mới yếu ớt làm sao.
Nàng chìa cho y cánh tay ngào ngạt mùi nước hoa đắt tiền.
Đyzma đỡ bàn tay của nàng đưa lên môi hôn. Nàng không bỏ bàn tay y mà lại càng xiết chặt hơn nữa.
– Cần có bàn tay mạnh mẽ, – Nàng nói – một bàn tay như thế này… Bàn tay thế này có thể rèn không những số phận của riêng mình… Nhiều khi tôi nghĩ rằng đối với một ý chí mạnh mẽ không hề tồn tại một thứ trở ngại nào, không tồn tại những điều không thể làm nổi… Và nếu như không ích kỷ, ta sẽ đưa tay ra cứu, cứu mãi những sinh linh yếu ớt tội nghiệp… Biết bao chất thơ chứa đựng trong sức mạnh thần kỳ của một con người mạnh mẽ…
Nàng chậm rãi rút tay về và nói tiếp:
– Hẳn ông cho rằng tôi là người bồng bột?
Y không biết nên trả lời thế nào, nên sử dụng phương sách luôn luôn hiệu nghiệm: y rên lên và túm chặt lấy khuỷu tay.
– Đau ư ông?
– Đau lắm.
– Tội nghiệp ông. Hay là mời bác sĩ tới?

– Không, không, cảm ơn bà.
– Tôi muốn được giúp ông quá.
– Bà có trái tim thật tốt lành.
– Nhưng điều đó có mang lại cho tôi cái gì đâu cơ chứ. – Nàng nói có vẻ buồn.
Nàng lại cầm lấy sách một cách máy móc.
– Ta đọc chứ?
– Bà có mệt không?
– Ô, không, tôi hay thích đọc lên thành tiếng.
Có tiếng gõ cửa và giọng Kasia vang lên.
– Dì Nina, có thể mời dì ra ngoài một lát không?
– Xin lỗi ông. – Nina nói và đứng dậy – Tôi sẽ quay ra ngay.
Tai Đyzma nghe loáng thoáng những lời cáu kỉnh của Kasia, rồi sau đó tất cả ắng hẳn.
Đyzma bắt đầu cân nhắc tình thế. Có lẽ, việc Nina thích y đã là một điều chắc chắn. Từ đó có thể lôi được những cái lợi gì nhỉ? Dưới sự che chở của nàng liệu có thể giữ được lâu hơn chức vụ quản lý ở Kôbôrôvô hay chăng?…
“Chông chênh lắm. – Y nghĩ thầm – Cô nàng không có tí ảnh hưởng nào đến ông chồng. Một khi lão già nhận ra là mình chẳng biết một trò gì hết, lão sẽ tống thẳng mình ra cửa, không thèm nói một lời; mà mình thì đâu có thể ốm vĩnh viễn được?”.
Y hơi ngạc nhiên về sự thành công bất ngờ của mình trước vị phu nhân sang trọng này, song y không hề cảm thấy vui vẻ hay tự hào gì thật đặc biệt. Bộ óc của Nikôđem quá bận bịu với việc tìm tòi phương sách ở lại Kôbôrôvô, nên những tình cảm khác, những tình cảm cá nhân hơn, khó lòng đánh bạt được ý nghĩ quá thu hút kia. Nina coi y là một người xứng đáng để thổ lộ tâm tình. Y thích nàng, nhưng thích như kiểu thích Kasia, Manka hay một phụ nữ trẻ nào khác mà thôi.
Nikôđem Đyzma có trái tim từ trước đến nay chưa được ái tình viếng thăm lần nào. Những trang tình ái của cuộc đời y chỉ chứa đựng vài kỷ niệm ngẫu nhiên vớ vẩn nào đó cùng những sự kiện không mấy ý nghĩa, vả chăng những thứ ấy cũng chẳng được là bao. Cho nên giờ đây khi nghĩ về phu nhân Nina, y chẳng hề dự liệu gì, chẳng vạch ra một kế hoạch nào cho tương lai cả. Hơn nữa, bản năng thận trọng bẩm sinh đã ngăn ngừa y không thực hiện bất cứ một hành động nào có tính chất quyết định có thể làm hại y nếu như chồng nàng nắm được tình hình.
Nina quay trở lại, có phần hơi nóng nảy, Nikôđem nghĩ thầm chắc nàng vừa có câu chuyện không mấy dễ chịu đối với Kasia. Nàng lại bắt đầu đọc tiếp, cả hai không trao đổi thêm với nhau một lời nào cho đến tận bữa trưa. Sau khi ăn trưa, Nikôđem ngủ thiếp đi và mãi đến chập tối, tiếng gõ cửa mới khiến y thức giấc. Đó là lão Kunixki.

Lão rất lo lắng trước bệnh tình của Đyzma và muốn điện mời bác sĩ. Khó khăn lắm Đyzma mới ngăn được lão không làm việc ấy, y nói rằng đã cảm thấy khá hơn nhiều và ngày kia có thể dậy được.

 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button