Review

Cứ Đi Để Lối Thành Đường

Thể loại Kỹ năng – Cuộc sống
Tác giả Phoenix Ho
NXB NXB Thế Giới
Công ty phát hành First News – Trí Việt
Số trang 256
Ngày xuất bản 06-2016
Giá bánXem giá bán

Cứ đi – để lối thành đường là những thao thức, những trải nghiệm sống động, những chia sẻ chân tình, tâm huyết của một người chọn nghề tư vấn hướng nghiệp làm tình yêu và lẽ sống của mình. Điều quan trọng nhất không phải là cố gắng không thay đổi mà chính là tìm ra điểm bất biến trong thế giới mau thay đổi này: đó là hiểu rõ bản thân.

Dù ở bất cứ thời điểm nào, chỉ cần một người hiểu rõ điểm mạnh của mình, biết được điều gì quan trọng nhất với bản thân, hiểu rõ những ảnh hưởng tích cực quanh mình, tìm hiểu kỹ đặc điểm của thị trường lao động rồi lên kế hoạch phát triển cho nghề nghiệp phù hợp với mình nhất là được. Và khi đã ra quyết định, thì phải sẵn sàng chịu trách nhiệm với tất cả kết quả, kể cả thất bại. Để rồi nhìn nhận lại bản thân, một lần nữa bắt đầu quy trình hướng nghiệp mới vì quá trình thật sự quan trọng mà bạn cần làm. Kết quả cuối cùng của quyết định nghề nghiệp tốt chính là sự bình an trong tâm hồn.

Việc xã hội ngày càng khắt khe với mọi công việc, ngành nghề đã trở thành vấn đề nan giải mà hầu hết các bạn trẻ đang vô cùng băn khoăn và lo lắng. Chính vì điều đó, các bạn mơ hồ trong định hướng tương lai cũng như chọn cho mình một ngành học phù hợp.

Nhưng các bạn trẻ thân mến, chúng ta không nên quá lo lắng trong định hướng nghề nghiệp, bởi lẽ cuộc sống luôn cho bạn cơ hội để lựa chọn và thể hiện năng lực của mình. Qua cuốn sách Cứ đi – để lối thành đường, bạn sẽ học hỏi được rất nhiều điều về con đường huớng nghiệp, cũng như những câu chuyện rất thực tế và đời thường mà chính Phoenix Ho đã trải qua. Từ đó, chúng ta có thể cảm nhận được những khó khăn, trắc trở hay niềm vui và hạnh phúc mà chị đã trải nghiệm. Đó cũng chính là con đường sẽ dẫn bạn đi đúng hướng đến những chặng tiếp theo mà bạn chuẩn bị bước tới.

Vậy khó khăn nhất là chặng đường từ khi bắt đầu đến lúc chúng ta tìm ra lối rẽ của riêng mình. Trước khi được là chính mình, bạn phải hòa mình vào môi trường, học hỏi từ xung quanh và lớn mạnh từ từ. Khi đã quen, đã hiểu, đã vững vàng, lúc ấy chẳng ai có thể cản trở bạn tỏa sáng, thể hiện sức mạnh trong khả năng của mình. Vậy thì hãy dùng thời gian và sự kiên trì để chứng minh mình là ai, bạn nhé!

[taq_review]

Trích dẫn


Em mệt quá cô ơi . . .

Đã bao lần tôi được gặp các sinh viên vì những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm lý mà không thể phát triển nghề nghiệp như mong muốn. Điều làm tôi đau lòng nhất là bản thân các em cũng như những người thương yêu thường không nghĩ rằng vấn đề là ở chỗ sức khỏe tâm lý, mà do bản thân các em lười biếng, thiếu quyết tâm, không cố gắng đủ. Sự thật hoàn toàn ngược lại. Vấn đề tâm lý nặng nề có thể khiến một người trở nên trì trệ đến độ họ không tài nào làm được việc gì khác ngoài việc chống cự với căn bệnh. Tôi viết những dòng dưới đây thay lời muốn nói của các em, với mong ước rằng gia đình, cộng đồng, và xã hội hiểu và hỗ trợ các em nhiều hơn.

Riêng tặng những dòng này đến LTT, chúc em can đảm và bình an.

Gửi cô,

Cô biết không, có những buổi sáng thức dậy, em thấy cơ thể mệt nhoài, không muốn làm một điều gì hết. Những ý nghĩ tối tăm và tiêu cực liên tục chiếm lĩnh trí óc em, ngăn cản em rời giường. Những lúc ấy, em gần như phải lê mình đến phòng tắm, ra phòng ngủ, ép bản thân làm những công việc hàng ngày. Em biết mình phải học tốt, nhưng mỗi lần mở sách em lại sợ hãi mình sẽ thi rớt. Các bạn em cũng lo, nhưng họ không sợ kiểu như em. Lạ lắm cô ạ, em thường có cảm giác hai chân mình bị quấn trong đầm lầy, rút thế nào cũng không ra, cố thế nào cũng không tiến bước được. Em mệt lắm cô ơi.

Cô biết không, em ráng nhiều lắm, trong mỗi phút mỗi giây của cuộc sống em đều cố gắng thật nhiều. Em biết rằng mình phải làm gì đó; em hiểu rằng mình không thể tiếp tục như hiện tại. Công việc bình thường mọi người làm chỉ mất một, thì em phải gắng đến mười lần mới hoàn thành. Trí óc em hiểu hết, nhưng sao cảm xúc em không đi theo. Và rồi kết quả là em không làm ai hài lòng cả. Em đau lòng khi người thân thất vọng vì em; mỗi khi nhìn vào mắt họ, nghe giọng họ nói, em lại tự trách mình thật nhiều. Em mệt quá cô ơi.

Cô ơi, trò chuyện với cô xong, em từ từ quan sát và hiểu rõ vấn đề của mình hơn. Em thấy mình có những lúc vui thật vui, rồi sau đó buồn thật buồn, gần như không thể điều khiển được cảm xúc bản thân. Em thấy mình hay lo lắng về nhiều vấn đề, và rồi vì quá lo lắng, em không dám bước cả bước đi đầu tiên. Trước khi gặp cô, em cứ tưởng do mình lười, do mình dở, do mình chưa cố gắng hết sức. Nhưng bây giờ em mới hiểu những gì em đang trải qua cũng là một dạng bệnh lý. Em thích câu chuyện về bệnh tiểu đường mà cô chia sẻ với em. Rằng thời gian đầu người ta có thể chữa bệnh bằng ăn kiêng, tập thể dục để điều chỉnh lượng insulin trong máu, nhưng khi bệnh phát triển đến một lúc nào đó thì mình phải dùng thuốc, và phải dùng thuốc cả đời. Thì ra, hay buồn hay lo hay sợ một cách vô lý cũng là một loại bệnh. Thì ra bệnh lý này do những chất trong não tiết ra, chứ không do EM, không phải do EM, đúng không cô? Em sẽ nghe cô khuyên, đi gặp bác sĩ tâm lý và tâm thần, sẽ dùng thuốc nếu cần, sẽ trị liệu. Em sẽ chấp nhận đây là bệnh, chứ không phải do bản chất em, không phải do cá tính em hay do con người em. Em mừng lắm, cô ơi.

Cô ơi, người yêu lại buồn em rồi. Đã bao nhiêu năm bên nhau, em biết anh thương và lo cho em, nhưng sao em có cảm giác không được anh thông cảm vậy cô? Em đâu có muốn bị bệnh này đâu. Em đâu có muốn trở thành một người thất bại. Em muốn vui vẻ, mạnh mẽ, tự lập như bao người khác. Em muốn biết rõ mình thích gì, cần gì, phải làm gì để đạt được điều mình muốn chứ không lửng lơ mất phương hướng như hiện tại. Em biết anh lo cho em, nhưng anh trách em vì sao không nghe anh. Anh nói chỉ cần em làm theo những gì anh khuyên, mọi chuyện sẽ ổn. Anh bảo em không cần trị liệu, không cần bác sĩ, chỉ cần cố gắng là được rồi. Nhưng em đã cố nhiều lắm, em đã ráng nhiều lắm, mà có thành công đâu cô. Em khóc và khóc mãi cô ơi.

Cô nè, em đã thú thật hết với mẹ về tình trạng của em. Em kể mẹ nghe về cuộc gặp giữa cô và em, về trận cãi nhau giữa người yêu và em (thật ra là anh nói còn em khóc mà thôi), và về nhiều thứ nữa. Em mừng lắm vì mẹ hiểu em. Mẹ nói mẹ sẽ ủng hộ em hết mình, em cần gì thì cứ làm. Em đi trị liệu hay dùng thuốc mẹ cũng hỗ trợ. Mẹ nói sẽ mãi thương em dù có sao đi nữa. Mẹ khuyên em hãy chữa bệnh cho tốt trước khi lập gia đình, vì em nên là em, độc lập, mạnh mẽ, thì mới có thể làm một người vợ người mẹ tốt được. Mẹ tuyệt vời quá phải không cô.

Cô nè, em vẫn còn buồn vì người yêu chưa hiểu em, nhưng em vẫn quyết tâm sẽ gặp tư vấn tâm lý như cô gợi ý, sẽ gặp bác sĩ và dùng thuốc nếu cần thiết. Em muốn có thể từ từ vượt qua vấn đề này và tìm ra bản thân em. Em vẫn còn yếu ớt, nhưng em biết mình muốn làm gì. Cám ơn cô đã lắng nghe em. Em sẽ giữ liên lạc với cô. Em hy vọng sẽ sớm có thể gặp cô để bàn về quyết định nghề nghiệp trong tương lai.

Viết về nỗi sợ

Trong số các bạn trẻ tôi gặp hai tuần qua có năm người rất khác nhau từ tuổi đời, giới tính, ngành học cho đến kinh nghiệm làm việc, nhưng họ giống nhau đến lạ lùng ở một điểm: Họ sợ.

“SỢ CHƯA ĐỦ GIỎI!”

Họ sợ mình chưa đủ giỏi, hay sẽ không đủ giỏi trong một lĩnh vực nào đó. Rồi họ sợ bản thân sẽ thất bại nếu dấn thân vào một vị trí mới, một ngã rẽ khác với hiện tại. Sợ đến độ họ bị đông cứng, không cam lòng với hiện tại nhưng không dám bước lên một bước nữa.

“SỢ CHƯA ĐỦ TỐT!”

Họ sợ mình chưa đủ tốt, hay sẽ không đủ tốt với người xung quanh. Họ sẵn lòng tha thứ lầm lỗi của một người thân thương, của cả người xa lạ, nhưng lại khắc nghiệt với bản thân đến từng chi tiết nhỏ nhất. Và vì vậy, dù mệt mỏi, dù bận lòng, họ không nói cho ai biết cảm xúc và nhu cầu riêng tư, mà chỉ ép mình đến mức chịu đựng tận cùng.

“EM PHẢI LÀM GÌ ĐÂY?”

Họ ngồi trước mặt tôi, trẻ trung, xinh đẹp, bất cần, lạnh lùng, thân thiết, và giấu dưới lớp vỏ ấy là nỗi sợ vô bờ. Để rồi khi tôi nhẹ nhàng hỏi những câu chân thành mà chạm đúng vào tâm tư họ, nước mắt họ hoặc rơm rớm, hoặc chảy dài, cũng có người nuốt nước mắt vào trong. Họ nói cho tôi nghe về nỗi-sợ-chưa-từng-kể ấy, và họ hỏi tôi: “Em phải làm gì đây?”.

CÁCH ĐỂ SỐNG-CÙNG-NỖI-SỢ

Làm cách nào để giải quyết nỗi sợ hãi của bản thân ư? Tôi chỉ có thể nhìn vào mắt các bạn và thật lòng nói: “Chị cũng đã từng sợ, vẫn đang sợ, và còn sẽ có những khoảnh khắc sợ như thế”.

Vì thế, các bạn trẻ của tôi ơi, tôi sẽ không khuyên các bạn đừng sợ nữa, vì điều đó gần như là không thể. Tôi cũng sẽ không khuyên các bạn hãy mạnh mẽ hơn, vì các bạn đã mạnh mẽ lắm rồi. Tôi chỉ đơn giản muốn các bạn ngừng lại, hãy vòng tay ôm lấy chính mình, nhìn vào nỗi sợ của mình, vỗ về nó, lắng nghe nó, để yêu thương mình hơn. Tôi mong các bạn hãy ngừng việc bắt mình phải tốt hơn, giỏi hơn, ngừng ép mình phải sống vì người xung quanh – hãy ngừng những việc ấy lại, chỉ chốc lát thôi.

Vì điều đầu tiên và quan trọng nhất là nhận ra nỗi sợ của mình, rồi từ từ hiểu được gốc rễ của cảm xúc ấy, nó đến từ đâu, nó được nuôi dưỡng như thế nào. Và khi đã thấu hiểu trọn vẹn về nó rồi, mình sẽ biết cách chấp nhận nó, biết sống chung với nó để-mình-hạnh- phúc-hơn.

Các bạn trẻ của tôi ơi, cuộc hành trình này sẽ dài đăng đẵng, nhưng tôi vững tin vào các bạn, và tôi tin vào bản thân tôi nữa. Hãy cùng nhau trải nghiệm đoạn đường này, để một ngày nhìn lại, các bạn sẽ vững vàng nắm tay người khác, để dạy cho họ cách-sống-cùng-nỗi- sợ, bạn nhé.

Thói quen tiên quyết cho người bình an(*)

(*) Xin phép mượn chữ “thói quen” của Stephen Covey, tác giả cuốn sách 7 thói quen để thành đạt cho bài viết này.

NHỮNG NIỀM ĐAU

  1. Ngồi trò chuyện cùng em, tim tôi đau nhói vì gương mặt phờ phạc, đôi vai trĩu nặng và ánh mắt mệt mỏi của em. Còn đâu người em gái luôn tươi cười, tràn đầy năng lượng, không bao giờ ngừng học hỏi ngày xưa. Em ngồi đó, tâm sự về nỗi sợ đang mỗi ngày hành hạ em, đang dần tấn công sức khỏe em, và có thể gây ảnh hưởng đến khả năng làm việc hàng ngày của em nếu không ngăn chặn kịp thời.

Bức tranh em phác thảo có sự hiện diện của áp lực từ gia đình trong việc luôn đứng đầu lớp những ngày còn nhỏ, luôn phải vượt qua người xung quanh, luôn cố gắng không ngưng nghỉ. Câu chuyện em kể không có lời khiển trách hay đổ lỗi cho ai khác ngoài cho bản thân em. Lắng nghe em, tôi thấy bóng dáng một bé gái cô đơn, hãi sợ, suốt những năm tháng tuổi thơ luôn cố gắng làm người lớn vui lòng bằng kết quả học tập hay sự ngoan ngoãn vâng lời của mình. Hình ảnh ấy mới xót xa làm sao.

  1. Em bước vào phòng, với mái tóc cắt ngắn mạnh mẽ, cá tính, nụ cười tươi và tự tin hơn lần gặp trước. Bài trắc nghiệm giúp em chứng thực những khả năng mình có, nhưng vẫn không đem lại niềm tự tin mà một người sau khi làm trắc nghiệm thường có. Tôi biết em-vẫn- chưa-hài-lòng với bản thân.

Tôi hỏi, em trả lời, và từ từ cuộc đối thoại cho thấy thói quen hay so sánh bản thân với bạn cùng lớp, thói quen tập trung vào môn học mình học chưa tốt thay vì tập trung vào môn mình nổi bật,… đã khiến em không nhìn nhận được những khả năng mình có. Chúng khiến em chỉ thấy những gì mình chưa làm được, để rồi mất tự tin và bị đánh lạc hướng trong quá trình đi tìm nghề nghiệp phù hợp.

  1. Đọc bài chia sẻ những cảm nhận về vở kịch “Bang Bang, You are Dead” trên Facebook của RMIT Vietnam Drama Club, trong tâm trí tôi hiện ra hình ảnh của người bạn trẻ ấy, về niềm đam mê sáng tạo, và những câu chuyện em kể về hoạt động ngoại khóa của em. Em đang từng bước từng bước tiến gần bản thân hơn, nhưng thỉnh thoảng, trong tiềm thức lại dội ra sự nghi ngờ bản thân, lời chê bai, đoan chắc thất bại, để rồi phải mất bao sức lực và ý chí em mới lại tiếp tục đứng lên và đi tiếp được.

CĂN NGUYÊN

Trong những cuộc chuyện trò, lẩn khuất đâu đó là lời so sánh của cha mẹ với “con người ta”, là những câu hỏi “Có bao nhiêu người khác cũng được điểm 10?” khi các em khoe thành tích của mình với người nhà, là áp lực phải hơn người, phải xuất sắc, phải thế này thế kia, cộng với sự bảo bọc và thiếu cơ hội trải nghiệm, áp lực không bao giờ được mắc lỗi, v.v… và v.v…

Để rồi kết quả là các em khư khư trong lòng nỗi lo sợ thất bại, gián tiếp gây ra sự thiếu tự tin, khiến các em chỉ quen tập trung vào điểm yếu mà hoàn toàn bỏ quên những ưu điểm của mình.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button