Review

Di Sản Nhà Lãnh Đạo

Thể loạiSách Kinh Tế – Quản Trị
Tác giảJim Kouzez – Barry Posner
NXBNXB Tri Thức
Công ty phát hànhPhương Nam
Số trang210
Ngày xuất bản02-2011
Giá bánXem giá bán

“Cuốn sách mới này của Kouzes và Posner đã bổ sung một phần hết sức cần thiết cho tất cả mọi cuốn sách khác về lãnh đạo. Trước hết, họ không nói suông rằng mọi người đều có thể trở thành lãnh đạo – quan niệm quá quen thuộc này hiện nay đã trở nên sáo rỗng. Họ trình bày (bằng những ví dụ sinh động) quan niệm này thực tiễn và quan trọng ra sao. Thứ nhì (vẫn bằng những ví dụ sinh động) họ đã biến ‘lãnh đạo’ thành một lĩnh vực cuốn hút đối với không chỉ những người muốn thăng tiến mà cả với bất kỳ ai hy vọng làm nên một sự khác biệt cho đời.”

[taq_review]

Trích đoạn

CHÂN GIÁ TRỊ

VỀ GIÀ,MỌI NGƯỜI CHẲNG AI NHỚ về những gì chúng ta đã làm cho chúng ta. Họ nhớ những gì chúng ta đã làm cho họ. Họ là những người thụ hưởng những thành quả của chúng ta. Một trong những niềm vui lớn nhất và một trong những trách nhiệm phải khắc cốt ghi tâm của người lãnh đạo là đảm bảo cho cuộc sống của những người đang được họ quan tâm, dẫn dắt không chỉ có thành công mà còn có những chân giá trị.

Những nhà lãnh đạo điển hình thường quan tâm đến thành công của người khác hơn của chính mình. Thành tựu vĩ đại nhất của họ chính là chiến thắng của những người họ phục vụ. Nhận thức được rằng mình đã và đang tạo được sự khác biệt đối với cuộc sống của người khác là điều thúc đẩy bản thân họ, đem đến cho họ sức mạnh để vượt qua những khó khăn, thử thách và những hy sinh không thể tránh khỏi để đạt được những điều vĩ đại trong cuộc sống. Những người lãnh đạo biết sống vì người khác, sống để phục vụ người khác là những người để lại những di sản bền vững nhất.

Giảng dạy là một cách để phục vụ. Đó là cách truyền đạt những bài học tích lũy được qua kinh nghiệm. Những nhà lãnh đạo giỏi nhất là thầy cô giáo. Những thầy cô giáo giỏi nhất cũng là những học viên giỏi nhất. Họ nhận thức được rằng đầu tư vào việc phát triển người khác cũng chính là đầu tư phát triển bản thân mình.

Việc học tập đòi hỏi sự phản hồi. Khi người lãnh đạo hỏi: “Tôi lãnh đạo thế nào?” họ sẽ nhận được những phản hồi sâu sắc, đầy giá trị về việc họ ảnh hưởng đến hành động của người khác như thế nào. Nhưng vấn đề ở đây là hầu hết các nhà lãnh đạo không hỏi. Đó là một trong những điều thiếu sót dễ nhận thấy nhất ở các nhà lãnh đạo, và điều này cần phải khắc phục. Những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất biết rằng họ không hoàn hảo, vì thế họ phải níu lấy những người biết phê bình họ một cách thiện chí – đó là những người quan tâm nhiều đến mức sẵn sàng nói cho họ biết sự thật.

Thật lòng mà nói, đối với mỗi người, người lãnh đạo quan trọng nhất trong bất cứ tổ chức nào không phải là Giám đốc điều hành hay là trưởng bộ phận; mà chính là người lãnh đạo chúng ta gặp thường xuyên nhất, người chúng ta cầu viện khi cần hướng dẫn và hỗ trợ. Cho dù bạn là quản lý, trưởng nhóm, hướng dẫn viên, giáo viên, hiệu trưởng, bác sĩ, giám đốc, hay là cha mẹ, bạn chính là người lãnh đạo quan trọng nhất trong tổ chức của bạn đối với những người cần đến bạn.

Trong lãnh đạo và trong cuộc sống, không có điều gì chúng ta đạt được do đơn thương độc mã cả. Chẳng ai một mình làm nên nhiều chuyện phi thường. Di sản của một nhà lãnh đạo chính là di sản của rất nhiều người hợp lại, và không ai đã đóng góp để tạo nên sự khác biệt đó lại muốn bị quên lãng. Không có ai muốn bị phai mờ cả. Ai cũng đều muốn sống một cuộc sống có ý nghĩa.

NGƯỜI LÃNH ĐẠO PHẢI BIẾT PHỤC VỤ VÀ BIẾT HY SINH

MỤC ĐÍCH CỦA BẠN TRÊN ĐỜI là thực hiện một điều gì đó, hay bạn là mục đích của một điều gì đó phải thực hiện? Nếu bạn có mặt trên hành tinh này để thực hiện một điều gì đó, thì đó là điều gì? Bạn sẽ làm được gì khác biệt? Di sản bạn để lại cho thế hệ sau là gì?

Chúng tôi đặt ra câu hỏi đó cho sinh viên năm nhất trong buổi học về phong cách lãnh đạo tại trường Đại học Santa Clara. Đó quả là một vấn đề khá đau đầu đối với những sinh viên 18 tuổi chỉ vừa mới học xong trung học ba tháng. Hầu hết người lớn cũng không suy nghĩ đủ nghiêm túc về những câu hỏi như thế này. Chúng tôi không trông mong sinh viên mình có câu trả lời ngay lập tức. Chúng tôi làm thế vì tin rằng họ cần phải suy nghĩ, trăn trở về di sản họ để lại cho thế hệ sau – không chỉ khi bắt đầu vào đại học, đi làm mà còn trong suốt những năm tháng cuộc đời.

“Di sản bạn để lại cho thế hệ sau là gì?” Câu hỏi đó không có câu trả lời nhất định nào, cũng không có câu trả lời chính xác nào. Đó không phải là một phép toán có công thức rõ ràng. Nhưng việc đặt ra câu hỏi đó tạo cơ hội cho sinh viên của chúng tôi ý thức rằng trong suốt hành trình của cuộc đời, họ sẽ phải đấu tranh để quyết định họ muốn tạo ra điều gì khác biệt, và phải làm những chuyện có ý nghĩa. Họ sẽ phải đi đến những lựa chọn tại trường học, tại sở làm, tại nhà, và trong cộng đồng, và mỗi một lựa chọn đưa ra sẽ trở thành một phần trong di sản mà họ để lại cho thế hệ sau, tuy nhiên, một cách có ý thức hay không có ý thức, họ sẽ hành động theo những lựa chọn đó.

Đưa ra vấn đề về di sản lại dẫn đến một vấn đề khác cần lưu tâm: có tố chất lãnh đạo không chỉ đơn thuần là đem lại hiệu quả công việc. Thành công trong việc lãnh đạo không chỉ được đánh giá bằng con số. Người lãnh đạo còn phải có trách nhiệm làm điều gì đó có ý nghĩa khiến cho các gia đình, các cộng đồng, các tổ chức làm việc, các quốc gia, môi trường, và thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn hiện tại. Không phải tất cả điều này đều có thể đo lường được.

Những nghiên cứu của riêng chúng tôi, cũng như những nghiên cứu của các tác giả và học giả khác đã từng tìm hiểu về tố chất lãnh đạo và các nhà lãnh đạo, đã chỉ ra rằng việc lãnh đạo thường bắt đầu với đau khổ và chịu đựng (những chuyện của riêng chúng ta và vì người khác). Đồng nghiệp của chúng tôi Patrick Lencioni, tác giả của một vài cuốn sách bán chạy nhất viết về phong cách lãnh đạo, tâm sự với chúng tôi rằng khi tốt nghiệp đại học, ông “muốn thay đổi thế giới. Bạn muốn gọi là gì cũng được, nhưng tôi đã quyết tâm làm nên sự khác biệt.” Tuy nhiên, vấn đề đối với nhiệt huyết này, ông tiếp tục giải thích, là ông đã không suy nghĩ đủ sâu sắc về hai vấn đề chính yếu, cốt lõi: “Ai là người mà tôi đang thực sự phục vụ? Và tôi đã sẵn sàng để chịu đựng chưa?”

Mỗi người trong chúng ta phải trả lời những câu hỏi này trước khi có thể thay đổi thế giới, tạo nên sự khác biệt, và để lại một di sản xứng đáng. Nếu chúng ta muốn được mọi người tin cậy như một người lãnh đạo, chúng ta phải sẵn sàng để phục vụ và phải sẳn sàng chịu đựng.

“Nào, khoan đã,” bạn thốt lên. “Có phải ý ông muốn nói là tôi phải làm việc cật lực cả đời và khi tôi có cơ hội trở thành người lãnh đạo, điều mà tôi được hưởng là phải phục vụ và chịu đựng?”

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button