Review

Ăn, Cầu Nguyện, Yêu

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Elizabeth Gilbert
NXB NXB Phụ Nữ
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 541
Ngày xuất bản 01-2016
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Con đường kiếm tìm tự do và hạnh phúc của Liz trải dài qua 3 lãnh thổ văn hóa độc đáo, mà cô đặt tên cho từng chặng: Ăn (Italy), Cầu nguyện (Ấn Độ) và Yêu (đảo Bali, Indonesia). Bằng giọng văn kể chuyện hóm hỉnh, quan sát tỉ mỉ và chớp lấy sự việc một cách láu lỉnh, ranh mãnh cộng với khả năng tự phơi bày những cảm xúc, suy tưởng và khát vọng, ẩn ức… cụ thể nhất của bản thân, Elizabeth đã cuốn hút chúng ta vào hành động chủ động chứng nghiệm những nét văn hóa độc đáo, đồng thời với sự trưởng thành về tâm lý và tâm hồn đáng mơ ước từ chính những biểu hiện văn hóa đặc thù ấy.

Ở Italy là sự buông thả các giác quan và cảm nhận trong những biểu hiện đời sống bình dị: các món ăn ngon lành, khác lạ, phong vị thụ hưởng – “cái đẹp của không làm gì cả”, ý nghĩa tốt lành của chính bản thân tồn tại hay cảm giác ngọt ngào từ tiếng Italy, thứ tiếng của Danté… Thoải mái với những cảm giác của chính mình, và hơn nữa, tự cho phép đi đến giới hạn mãnh liệt của những cảm giác, niềm vui thích… là cách để Liz chủ động bằng dụng ý, chiến thắng nỗi cô đơn và bệnh trầm cảm vẫn bám riết. Đó cũng là cách để cô thoát khỏi lối đong đếm đời sống bằng quy phạm đầy tính thực dụng, như tiền bạc hay gia đình hạnh phúc… mà hầu hết mọi người tự giam mình vào.

Cảm giác về bản thân là bước đầu tiên để sau đó Liz bước vào hành trình tâm linh, trong Ashram của các sư phụ mà cô hằng ngưỡng mộ tại Ấn Độ. Bạn đọc có thể cảm thấy vô cùng lý thú với từng bước thực hành để quên đi cái bản ngã nhỏ hẹp, bước vào trạng thái tĩnh tại thuần khiết của tâm linh, nơi đó Liz tha thứ và được tha thứ cho tất cả những phiền toái mà con người vô tình gây ra cho nhau trong đời sống hữu hạn, bao gồm cả bi kịch vừa xảy ra của riêng cô. Ở Bali, Liz tìm lại một sống tràn đầy yêu thương từ những người bạn cũ và mới, với người tình mãn nguyện và sự tương ái sẻ chia tuyệt đẹp giữa con người mà không bị tổn thương bởi sự quá đà của chính những người mình yêu quý.

Vấn đề của Liz, cũng như nhiều phụ nữ trong xã hội hiện đại khác, không phải tham vọng hay sex, mà chính là khả năng yêu thương một cách tự do, khả năng tìm đến đời sống tinh thần rộng mở và bền lâu, khi con người cá nhân vượt lên những ràng buộc chật hẹp của đời sống vị kỷ để đạt tới niềm hạnh phúc toàn mãn, có thể đẩy lùi tính chất mong manh, vô thường, bất ổn của đa số các mối quan hệ trong đời sống hậu công nghiệp.

Nói sự thật. Chỉ nói sự thật. Elizabeth Gilbert đã tuyên ngôn vậy, khi cô kể lại câu chuyện cuộc đời mình trong Ăn, Cầu Nguyện, Yêu. Những đau khổ rất nhân bản nhưng vẫn quá ngỡ ngàng đã xuất hiện giữa tuổi ba mưoi đầy xáo động của cô. Vượt qua tuyệt vọng, Liz tự mình thực hiện một hành trình dũng cảm để tìm kiếm thanh thản. Chính vì sự thật mà chuyện kể của một con người đã đủ sức mở lối cho hàng triệu người khác nhau trên khắp thế giới tìm được con đường thoát khỏi trầm cảm, thấy lại niềm vui và sự cân bằng, đồng thời sẵn sàng yêu nhau lần nữa.

[taq_review]

Trích dẫn

Một trong những người cùng phòng đầu tiên của tôi ở Ashram là một người Mỹ da đen trung niên tín đồ Baptist là hướng dẫn viên thiền từ Nam Carolina. Theo thời gian, những người bạn chung phòng khác của tôi gồm một diễn viên múa người Argentina, một bác sĩ người Thụy Sĩ chuyên chữa bệnh theo phép vi lượng đồng căn, một thư ký người Mexico, một bà mẹ năm con từ Úc, một chuyên viên lập trình Bangladesh, một bác sĩ nhi khoa từ Maine và một kế toán viên người Philippin. Những người khác thường đến rồi đi, như các tín đồ vẫn theo chu kỳ ra vào nơi ở của họ.

Ashram này không phải là một nơi ta có thể tùy tiện tạt vào tham quan. Đầu tiên, không dễ đến được đó. Ashram này cách xa Mumbai, trên con đường bụi bặm trong một thung lũng sông thôn dã gần ngôi làng nhỏ xinh xắn và chắp vá (gồm một con đường, một ngôi đền, lác đác vài cửa hiệu và một bầy bò cái tự do lang thang khắp nơi, đôi khi đi dạo vào tiệm may rồi nằm ra đó). Có buổi tối tôi để ý thấy một bóng đèn sáu mươi oát trần trụi treo ở đầu sợi dây vắt trên cái cây giữa thị trấn; đây là đèn đường của thị trấn. Về căn bản Ashram tạo ra một nền kinh tế địa phương, thật tình chỉ có vậy, và cũng có giá trị như một niềm tự hào của thị trấn. Bên ngoài các bức tường của Ashram hoàn toàn bụi bặm và nghèo khổ. Bên trong, toàn là những vườn cây được tưới tắm, những luống hoa, giò lan e ấp, tiếng chim hót, xoài, mít, điều, cọ, hoa mộc lan đa. Các tòa nhà đều đẹp, nhưng không thái quá. Có một phòng ăn giản dị, theo kiểu tiệm ăn nhỏ. Có một thư viện tổng hợp gồm các tác phẩm tâm linh từ nhiều truyền thống tôn giáo khác nhau của thế giới. Một vài đền thờ dành cho các kiểu hội họp hác nhau. Có hai “động” thiền – những tầng hầm tối và tĩnh lặng có trải những tấm đệm thoải mái, mở cửa cả ngày lẫn đêm, chỉ để thực hành thiền. Một lều lớn ngoài trời có mai che để tổ chức các lớp Yoga vào buổi sáng, và còn có một kiểu công viên hình ô van với lối đi bộ bao quanh, nơi các học viên có thể chạy bộ tập luyện. Tôi ngủ trong một phòng ngủ tập thể bằng bê tông.

Trong thời gian lưu lại ở Ashram, tôi chưa bao giờ thấy có hơn vài trăm người cư ngụ cùng một lúc. Nếu chính Sư phụ đang có mặt, số người đó sẽ nhiều lên đáng kể, nhưng trong thời gian tôi ở đây, không lúc nào bà ở Ấn Độ. Tôi có phần nào mong điều đó; gần đây bà đã dành khá nhiều thời gian ở Mỹ, nhưng ta sẽ không bao giờ biết khi nào bà có thể bất ngờ xuất hiện tại bất kỳ đâu. Người ta không xem sự hiện diện theo nghĩa đen của bà là thiết yếu để duy trì việc học hỏi của ta với bà. Tất nhiên, có một tầm cao không thể thay thế được khi thật sự ở gần một vị thầy Yoga đang sống, và tôi đã chứng nghiệm điều đó trước đây. Nhưng nhiều tín đồ lâu năm đồng ý là điều đó đôi khi cũng là một sự xao lãng – nếu không thận trọng, ta có thể hoàn toàn mắc kẹt trong cái ồn ào phấn khích của sự nổi tiếng bao quanh Sư phụ và đánh mất chuyên chú vào mục đích chân thật của mình. Trong khi đó, nếu ta chỉ đến một trong những Ashram của bà và tự khép mình vào kỷ luật để không rời xa chương trình thực hành khổ hạnh, đôi khi ta sẽ thấy là liên lạc với thầy ta từ trong những tham thiền riêng tư này sẽ dễ dàng hơn là xô lấn trong đám đông các môn đệ háo hức để chen ngang được một lời.

Ở Ashram cũng có một số nhân viên được trả lương dài hạn, nhưng phần lớn công việc ở đây do chính các môn sinh làm lấy. Một số dân làng địa phương cũng làm việc hưởng lương ở đây. Nhiều người dân địa phương khác là tín đồ của Sư phụ và sống ở đây như những môn sinh. Một cậu thiếu niên Ấn ở gần Ashram không hiểu sao đã thực sự gợi được chú ý của tôi. Có cái gì đó nơi hào quang (xin lỗi vì từ này, nhưng…) của cậu rất cuốn hút tôi. Đầu tiên, cậu bé gầy gò đến không thể tin nổi (dù đây là hình ảnh khá điển hình xung quanh nơi này; nếu trên thế giới này còn có gì gầy gò hơn một thiếu niên Ấn Độ, tôi sẽ rất ngại thấy). Cậu ăn mặc như kiểu mấy cậu bé nghiền máy tính ở trường trung học cơ cở thường mặc đi xem các ban nhạc biểu diễn – quần sẫm màu và áo sơ mi trắng cổ cài khuy ủi thẳng thớm đều quá rộng với cậu, cái cổ khẳng khiu của cậu ló ra khỏi phần đầu như một cành hoa cúc lẻ loi ló ra từ một bình hoa khổng lồ. Cậu luôn dùng nước chải tóc gọn gàng. Cậu đeo một cái thắt lưng của người lớn quấn gần gấp đôi vòng eo có lẽ khoảng mười sáu inch. Ngày nào cậu cũng mặc bộ đồ đó. Tôi nhận thấy đó là bộ đồ duy nhất của cậu. Chắc hẳn cậu giặt tay cái sơ mi hàng đêm rồi là nó vào buổi sáng. (Để tâm đến áo quần sao cho lịch sự cũng là việc điển hình quanh đây; thanh thiếu niên Ấn trong trang phục hồ cứng của họ nhanh chóng làm tôi xấu hổ vì mấy cái áo nông dân nhàu nhĩ của mình và khiến tôi phải mặc những đồ sạch sẽ hơn, giản dị hơn.) Vậy thì có điều gì ở cậu bé này? Tại sao tôi xúc động đến vậy mỗi khi nhìn thấy gương mặt cậu – một khuôn mặt đẫm ánh sáng trông như thể cậu vừa trở về từ một kỳ nghỉ ở Thiên Hà? Cuối cùng tôi hỏi một thiếu niên Ấn khác cậu ta là ai. Cô ấy đáp một cách đơn giản, “Đó là con trai một chủ cửa hiệu trong làng. Gia đình cậu ấy rất nghèo. Sư phụ đã mời cậu ấy đến ở đây. Khi cậu ấy đánh trống, ta có thể nghe thấy giọng của Thượng Đế.”

Trong Ashram có một ngôi đền mở cửa cho công chúng, suốt ngày nhiều người Ấn đến đây để chiêm bái một bức tượng Siddha Yogi (hay “đạo sư viên mãn”), người đã thành lập dòng giáo huấn này từ những năm 1920 và là người vẫn được tôn kính khắp Ấn Độ như một bậc thánh vĩ đại. Nhưng phần còn lại ở Ashram chỉ dành cho môn sinh. Ashram không phải là một khách sạn hay một điểm du lịch. Nó giống như một trường đại học hơn. Ta phải xin phép để được chấp nhận lưu trú, ta phải chứng minh là mình đã học Yoga nghiêm túc trong một thời gian khá dài. Cần phải ở lại ít nhất là một tháng. (Tôi đã quyết định ở đây trong sáu tuần, và rồi sẽ một mình rong ruổi khắp Ấn Độ, tìm hiểu các đền đài khác, các Ashram và địa điểm tín ngưỡng khác.)

Số môn sinh Ấn Độ và phương Tây ở đây gần bằng nhau (và trong số người Tây phương, số người Mỹ và người Âu cũng gần bằng nhau). Người ta dạy các khóa học bằng tiếng Ấn và tiếng Anh. Trong đơn xin nhập học, ta phải viết một bài luận, tập hợp các nguồn tham khảo và trả lời các câu hỏi về sức khỏe tinh thần và thể chất của mình, về quá trình lạm dụng rượu hay thuốc có thể có và sự ổn định tài chính của mình nữa. Sư phụ không muốn mọi người sử dụng Ashram của bà như một lối thoát cho những hỗn độn nào đó họ có thể đã tạo ra trong đời sống thực tế của mình; chuyện ấy sẽ chẳng đem lại lợi ích cho ai. Bà cũng có một chính sách chung là nếu gia đình và người thân yêu của ta vì một lý do sâu xa nào đó phản đối ý tưởng ta theo một Sư phụ và sống trong một Ashram, thì ta không nên, không đáng phải làm vậy. Chỉ cần ở nhà, sống đời sống bình thường của mình và làm một người tốt. Không có lý do gì để quan trọng hóa chuyện này.

Mức độ nhạy cảm thực tế của người phụ nữ này luôn luôn khiến tôi thấy vững dạ.

Vậy thì, để đến đây, ta phải chứng tỏ ta cũng là một người thực tế và nhạy cảm. Ta phải cho thấy là ta có thể làm việc vì mọi người mong đợi ta đóng góp cho hoạt động chung của nơi này với khoảng năm giờ seva hay “phục vụ vị tha” mỗi ngày. Ban quản lý Ashram cũng yêu cầu là, nếu ta vừa trải qua một biến động tình cảm lớn trong vòng sáu tháng qua (ly dị; mất người thân), thì ta vui lòng hoãn chuyến viếng thăm của mình đến lúc khác, vì rất có khả năng ta sẽ không thể tập trung vào việc học hỏi của mình, và, nếu ta có một thảm hóa kiểu đó, ta sẽ làm cho đồng môn của mình xao lãng thôi. Bản thân tôi vừa thực hiện một sự đoạn tuyệt sau ly dị. Và khi nghĩ về nỗi thống khổ tinh thần mình đã trải qua ngay sau khi ra khỏi đời sống hôn nhân, tôi chắc chán là mình đã có thể làm kiệt quệ ghê gớm mọi người ở Ashram này nếu đến đây vào thời điểm đó. Tốt hơn nhiều là đầu tiên nghỉ ngơi ở Ý, lấy lại sức mạnh và sức khỏe, và rồi trình diện. Vì tôi sẽ cần sức mạnh đó lúc này.

Họ muốn ta đến đây mạnh mẽ vì đời sống ở Ashram khắc nghiệt. Không chỉ về mặt thể chất, với những ngày bắt đầu từ 3 giờ sáng và kết thúc vào 9 giờ tối, mà còn về mặt tâm lý. Mỗi ngày ta sẽ trải qua hàng giờ hàng giờ tham thiền và trầm tư tĩnh lặng, có rất ít xao lãng hay sự thư giãn từ bộ máy tâm trí ta. Ta sẽ sống trong những khu nhà ngột ngạt cùng những người lạ, ở nông thôn Ấn Độ. Ở đó có rệp, rắn, loài gậm nhấm. Thời tiết có thể khắc nghiệt cực độ – đôi khi mưa như thác hàng tuần liền, đôi khi lên tới 38 độ C trong bóng râm trước giờ điểm tâm. Mọi thứ có thể trở nên hết sức thật quanh đây, rất nhanh.

Sư phụ tôi luôn nói là chỉ có duy nhất một điều sẽ xảy ra khi ta đến Ashram – ta sẽ khám phá ra ta thật sự là ai. Vậy nên nếu ta đang trên bờ vực của sự rồ dại, bà thực sự ước gì ta đừng đến. Vì, thành thật mà nói, không ai muốn phải mang ta ra khỏi nơi này với một cái muỗng gỗ nhét chặt giữa hai hàm răng.

Bạn đọc cảm nhận

Đinh Thị Mỹ

Cuốn tự truyện rất hay của Elizabeth Gibert. Tạo thành nguồn động lực to lớn để vực dậy nhưng tâm hồn mới bị vấp ngã mà chưa thể đứng dậy. Hãy biến đau thương thành nội lực và rồi sức mạnh tiềm ẩn sau đó thật đáng ngạc nhiên

Tỷ Tỷ

Sách nói về tôn giáo về thần linh, cầu nguyện, và cách 1 người phụ nữ mới thất tình vượt qua khó khăn. mình ko cùng hoàn cảnh của tác giả cũng ko cảm nhận được gì nhiều, nhưng mà cách viết cách dịch cũng khá hay. mình hiểu thêm về tâm linh, chứ cách tác giả vượt qua giai đoạn thất tình và buồn khổ như thế nào mình chưa trải qua nên chưa hiểu được. ngoài ra còn nhắc đến quần đảo Bali xinh đẹp, không hiểu sao, quần đảo này xuất hiện rất nhiều trong những tác phẩm, nhất định mình sẽ đến đây 1 lần.

Phương Kỳ Vy

Một Liz đầy đủ màu sắc về suy nghĩ, cách nhìn đời, nhìn người khi ở những khu vực khác nhau, như Ấn Độ, Indonesia hay Ý. Liz giúp chúng ta có thể nhìn nhận sự việc từ nhiều khía cạnh khác nhau để mà đánh giá khách quan hơn trong sự nghiệp, tiền tài, hạnh phúc… Với giọng văn sắc bén, khi chua xót, khi đồng cảm, khi dũng cảm vượt lên trên nỗi đau cũng 1 phần làm nên cái hay cho Ăn, cầu nguyện và yêu

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button