Kinh doanh - đầu tư

Bí Mật Tư Duy Triệu Phú

[www.downloadsach.com] Bi mat tu duy trieu phu - T. Harv Eker1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : T. Harv Eker

Download sách Bí Mật Tư Duy Triệu Phú ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

 

Harv Eker là ai, và vì sao tôi nên đọc cuốn sách này?

Một trong những điều đầu tiên tôi nói với học viên trong các khóa đào tạo của mình là: “Đừng tin một lời nào tôi nói”. Mọi người thường bị sốc khi nghe tôi nói câu ấy. Nhưng tại sao tôi lại đề nghị như thế? Bởi vì tôi chỉ có thể nói theo kinh nghiệm của bản thân. Bất kỳ một phương án, một ý tưởng nào tôi chia sẻ với các bạn đều không nên mặc nhiên được xem là đúng hay sai, thật hay giả. Chúng chỉ phản ánh các kết quả của riêng tôi và những thành tựu kỳ diệu mà tôi đã thấy trong cuộc sống của hàng chục nghìn học viên của tôi. Tuy nhiên, tôi cũng tin rằng nếu bạn sử dụng những nguyên tắc học được từ quyển sách này, bạn sẽ hoàn toàn thay đổi cuộc đời của mình. Đừng chỉ đọc sách. Hãy nghiền ngẫm nó như thể cuộc sống của bạn phụ thuộc vào đó. Rồi hãy áp dụng những nguyên tắc trong sách cho bản thân. Điều nào hiệu quả, hãy tiếp tục. Điều nào không hiệu quả, bạn hãy vứt bỏ chúng.

Tôi biết mình có thể bị cho là thiên vị, nhưng đây có thể là cuốn sách quan trọng nhất bạn từng đọc về việc kiếm tiền. Đây là một tuyên bố nghiêm túc, bởi cuốn sách này cung cấp những mối liên hệ còn thiếu giữa khát vọng thành công và những thành tựu mà bạn đã đạt được. Như bạn có thể thấy trong thực tế cuộc sống của mình – đó là hai thế giới khác biệt, và giữa chúng có một khoảng cách lớn.

Tất nhiên là có thể bạn đã đọc những cuốn sách khác, nghe nhiều băng cassette hay đĩa CD, tham dự các khóa học, và nghe về hàng lô các phương cách làm giàu trong kinh doanh bất động sản, chứng khoán, hoặc tổ chức doanh nghiệp. Nhưng điều gì đã xảy ra? Với đa số người, không có gì đặc biệt cả! Nguồn năng lượng của họ chợt lóe lên trong phút chốc rồi mọi thứ lại trở về trạng thái cũ.

Cuối cùng, câu trả lời là ở đây. Nó thật đơn giản. Nó là quy luật và bạn không thể né tránh. Tất cả tựu trung vào điều này: Nếu kế hoạch tài chính trong tâm thức bạn không được “cài đặt” để hướng đến sự thành công, thì tất cả những gì bạn học được, những gì bạn biết, và cả những gì bạn làm đều không giúp được gì nhiều cho bạn!

Trong cuốn sách này, chúng tôi sẽ chỉ rõ tại sao một số người sẽ đạt đến sự giàu có và số khác lại hướng cuộc sống tới chỗ đầy khó khăn. Bạn sẽ hiểu cội rễ của thành công và nghèo hèn, hiểu rõ nguyên nhân của những thành bại về tiền bạc, và sẽ bắt đầu thay đổi tương lai tài chính của bạn sao cho tốt hơn. Bạn sẽ hiểu tại sao những ấn tượng thời thơ ấu lại ảnh hưởng sâu sắc đến kế hoạch tài chính trong tâm thức bạn và sự ảnh hưởng đó có thể dẫn đến những suy nghĩ và thói quen tai hại như thế nào. Bạn sẽ thử nghiệm những tuyên bố mạnh mẽ để giúp bạn thay thế những cách nghĩ yếm thế bằng những cách nghĩ mang đến sự thịnh vượng (Tư duy Triệu phú – Wealth File), sao cho bạn có cách suy nghĩ và sự thành công như những người giàu có. Bạn cũng sẽ thực tập chiến lược từng bước nâng cao thu nhập và xây dựng sự giàu có.

Trong Phần I của quyển sách, chúng tôi sẽ giải thích cách chúng ta bị những điều kiện trong quá khứ ảnh hưởng đến lối suy nghĩ và hành động của chúng ta đối với tiền bạc như thế nào. Chúng tôi cũng trình bày rõ chiến thuật bốn bước nhằm điều chỉnh kế hoạch tài chính vô thức của chúng ta.

Trong Phần II, chúng ta sẽ xem xét sự khác nhau trong cách nghĩ giữa người giàu, người trung lưu và người nghèo. Chúng tôi sẽ cung cấp mười bảy cách suy nghĩ, thái độ và hành động cần thực hiện để đạt đến thành công và tạo ra sự thay đổi bền vững trong cuộc sống tài chính của bạn.

Qua cuốn sách này, chúng tôi cũng chia sẻ một số ví dụ từ hàng nghìn lá thư và email tôi nhận được từ những học viên đã tham gia các khóa học chuyên sâu về Tư Duy Triệu Phú (Millionaire Mind Intensive – MMI) và đã đạt những kết quả to lớn trong cuộc sống của họ.

Còn kinh nghiệm của tôi thì sao? Tôi từ đâu đến? Có phải bao giờ tôi cũng thành công? Tôi ước sao mình được như vậy!

Như phần lớn các bạn, tôi được đánh giá là có nhiều tiềm năng nhưng lại thể hiện được rất ít ỏi. Tôi đọc mọi cuốn sách, nghe mọi băng đĩa, tham gia mọi khóa học có thể. Tôi rất, rất, rất muốn mình trở nên thành công. Tôi không biết đó là vì tiền bạc, vì sự tự do, vì bản thân chữ “thành công” hay chỉ vì muốn chứng tỏ mình giỏi giang trong mắt cha mẹ, nhưng đúng là tôi như mê mẩn với việc trở nên thành công. Mới hơn hai mươi tuổi, tôi đã bắt đầu vài công việc kinh doanh, mỗi lần đều với ước mơ làm nên cơ nghiệp lớn, nhưng kết quả chỉ toàn là những điều buồn nản hay tệ hơn nữa.

Tôi cố vượt qua thất bại và luôn gắng vươn lên ngay sau đó. Tôi bị nhiễm hội chứng mà người ta gọi là căn bệnh “con quái vật hồ Loch Ness”: Tôi chỉ nghe thấy khái niệm lợi nhuận, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy nó. Tôi luôn nghĩ: “Chỉ cần mình tìm ra đúng việc kinh doanh, lên đúng “con ngựa” của mình, mình sẽ làm được”. Nhưng tôi đã sai. Không có gì trôi chảy cả, ít nhất là với tôi. Và vế sau của quan niệm trên đã làm tôi gục ngã. Tại sao người khác thành công trong đúng công việc tôi đã làm, còn tôi thì phá sản? Chuyện gì đã xảy ra với “Ngài Tiềm năng” là tôi đây?

Thế là tôi bắt đầu nghiêm túc rà soát lại tâm thức mình. Tôi kiểm tra các niềm tin của mình và nhận ra rằng, dù tôi nói tôi thực sự muốn giàu có, nhưng trong sâu thẳm tôi lại lo lắng về điều đó. Tôi luôn lo ngại. Tôi lo rằng mình sẽ thất bại, hay tệ hơn là sẽ thành công nhưng rồi lại đánh mất tất cả. Đó mới thực sự là điều kinh khủng. Tệ hơn nữa, tôi bắt đầu nghi ngờ điều mọi người vẫn nhận xét về tôi, về việc tôi có nhiều tiềm năng ấy. Điều gì xảy ra nếu sự thật tôi không hề có chúng và số phận của tôi sẽ là gian khó và thất bại?

Và, thật may mắn là tôi đã nhận được lời khuyên từ một người bạn cực kỳ giàu có của cha tôi. Ông đến nhà cha mẹ tôi chơi bài cùng các bạn và để ý đến tôi khi đang đi ngang qua sân. Đấy là lần thứ ba tôi trở về nhà, và sống trong tầng hầm. Tôi đoán cha tôi đã than phiền với ông về sự tồn tại thiểu não của tôi, bởi khi thấy tôi, ông có ánh mắt rất thông cảm mà người ta thường có trong một đám tang. Ông nói: “Harv, tôi đã từng bắt đầu giống như cậu, hoàn toàn thất bại”.

“Tuyệt”, tôi bối rối nghĩ, làm ra vẻ như tôi đang bận… nhìn những mảng sơn bong tróc trên tường.

Ông nói tiếp: “Nhưng rồi tôi nhận được vài lời khuyên làm thay đổi cuộc đời tôi, và tôi muốn truyền lại cho cậu”. Ôi không, lại một bài giảng cha-con nữa đây, nhưng ông ta thậm chí không phải cha tôi! Và ông tiếp: “Harv, nếu công việc không thành công như cậu mong muốn, nghĩa là có điều gì đó mà cậu không biết”. Là một gã trẻ tuổi ương bướng, khi đó tôi nghĩ rằng tôi đã biết tất cả; nhưng khốn nỗi, tài khoản ngân hàng của tôi lại nói điều khác hẳn. Vì vậy, cuối cùng tôi bắt đầu lắng nghe.

Ông nói: “Cậu có biết rằng hầu hết người giàu suy nghĩ theo những cách rất giống nhau?”.

Tôi trả lời: “Không, cháu chưa từng nghĩ đến điều đó”. Ông đáp: “Không phải luôn chính xác như thế nhưng phần lớn trường hợp, người giàu suy nghĩ theo một cách nhất định, còn người nghèo suy nghĩ theo cách hoàn toàn ngược lại. Chính những cách suy nghĩ đó quyết định hành động của họ, và vì thế quyết định kết quả của họ”. Ngừng một chút, ông nói tiếp: “Nếu cậu nghĩ theo cách của người giàu và làm theo những gì người giàu làm, cậu có tin mình cũng sẽ trở nên giàu có?”.

Tôi nhớ là mình đã trả lời với tất cả sự tin tưởng: “Cháu nghĩ thế”. “Vậy thì”, ông ấy nói, “tất cả những gì cậu cần phải làm là sao chép cách nghĩ của người giàu”.

Vẫn còn rất hoài nghi, tôi hỏi: “Thế bác nghĩ gì lúc này?”. Ông trả lời: “Tôi nghĩ rằng người giàu luôn giữ đúng lời hứa, và giờ là lúc tôi thực hiện lời hứa vào chơi bài với cha cậu. Mấy ông bạn trong kia đang chờ tôi. Chào cậu”.

Ông bước đi, để lại những lời nói âm vang trong tôi.

Cuộc đời tôi đang bế tắc nên tôi ngẫm lại những gì ông nói, và rồi tôi nhận thức ra vấn đề. Tôi dồn sức vào việc nghiên cứu về những người giàu có và cách suy nghĩ của họ. Tôi học mọi thứ liên quan đến hoạt động bên trong của trí óc con người, đặc biệt tập trung vào những vấn đề tâm lý có liên quan đến tiền bạc và thành công. Tôi nhận ra sự thật rằng: người giàu đúng là suy nghĩ khác người nghèo, thậm chí khác giới trung lưu. Bỗng nhiên tôi nhận thấy những suy nghĩ của chính mình đã kéo mình lại, nó kéo tôi xa khỏi sự giàu có như thế nào. Quan trọng hơn, tôi đã học được một số kỹ năng và phương pháp để có thể điều chỉnh tâm trí của mình, sao cho tôi có thể suy nghĩ theo đúng cách như người giàu nghĩ.

Cuối cùng, tôi tự nói với mình: “Tu luyện thế đủ rồi, hãy đưa chúng vào thử nghiệm”. Tôi quyết định khởi đầu một việc kinh doanh mới. Tôi đã mở một trong những trung tâm rèn luyện sức khỏe đầu tiên ở Bắc Mỹ. Không có tiền, tôi đã phải vay 2.000 đô-la trong thẻ tín dụng (Visa card) để triển khai việc kinh doanh. Tôi bắt đầu áp dụng những gì đã học bằng cách làm theo người giàu, cả trong nguyên tắc kinh doanh và trong suy nghĩ chiến lược. Điều đầu tiên tôi làm là cam kết rằng mình sẽ thành công và tham gia cuộc chơi để giành chiến thắng. Tôi thề rằng tôi sẽ tập trung và không từ bỏ công việc kinh doanh này trước khi tôi trở thành triệu phú hoặc hơn thế nữa. Điều này hoàn toàn khác so với các nỗ lực của tôi trước đó – khi mà vì luôn suy nghĩ ngắn hạn nên tôi thường vô tình vướng víu vào những “cơ hội” khác hoặc vào những khó khăn bên lề.

Tôi cũng bắt đầu rèn luyện tinh thần bản thân mỗi khi thấy mình nghĩ về vấn đề tài chính một cách tiêu cực hay theo cách phản tác dụng nào đó. Trước kia tôi tin rằng những gì tâm trí tôi nói đều đúng, nhưng rồi tôi học được là trong nhiều trường hợp, trí óc tôi chính là trở lực lớn nhất để tôi tiến đến thành công. Tôi không suy nghĩ theo những cách không làm gia tăng cho tôi sức mạnh hướng tới thành công nữa. Tôi áp dụng từng nguyên tắc và tất cả những nguyên tắc đó bạn sẽ học trong cuốn sách này. Có hiệu quả không ư? Có đấy bạn ạ!

Việc kinh doanh của tôi thành công đến mức tôi đã mở thêm mười trung tâm chỉ trong có hai năm rưỡi. Rồi tôi bán lại một nửa cổ phần cho một công ty trong danh sách Fortune 500 với giá 1,6 triệu đô-la.

Sau đó, tôi chuyển đến San Diego đầy nắng. Tôi dành vài năm để đúc rút lại các chiến lược của mình rồi bắt đầu làm việc tư vấn kinh doanh cho từng người, từng người một. Tôi cho rằng việc này khá hiệu quả vì họ liên tục giới thiệu bạn bè, đối tác tới tư vấn với chúng tôi. Không lâu sau, tôi đã đào tạo cho các nhóm 10 người, có khi 20 người cùng lúc.

Một khách hàng của tôi gợi ý rằng tôi có thể mở hẳn một trường học. Tôi cho đó là một ý tưởng hay nên đã thực hiện. Tôi thành lập Street Smart Business School và dạy cho hàng nghìn người khắp Bắc Mỹ về chiến lược kinh doanh “street-smart” để thành công nhanh.

Trong những chuyến đi dọc ngang thực hiện các khóa dạy của mình, tôi để ý thấy một điều lạ: bạn có thể thấy hai người ngồi cạnh nhau trong một lớp, học chính xác cùng những nguyên tắc và chiến lược kinh doanh giống nhau, nhưng một người sẽ vận dụng được những điều đã học để thành công, còn người kia thì không.

Điều này cho thấy rõ rằng dù bạn có trong tay công cụ tuyệt vời nhất thế giới, nhưng nếu bạn có lỗ rò rỉ trong “hộp dụng cụ” (cái đầu bạn, trí óc bạn) thì bạn vẫn sẽ không đạt được thành công. Vì vậy, tôi thiết kế một chương trình chuyên sâu về Tư Duy Triệu Phú dựa trên những giá trị bên trong dẫn tới sự thành công về tiền bạc. Khi tôi kết hợp mục tiêu bên trong (trí óc chúng ta) với các mục tiêu bên ngoài (những kỹ năng), kết quả mà mọi người đạt được đều tăng vượt trần! Và đó là điều bạn sẽ học trong cuốn sách này: làm sao sử dụng tốt hơn những động lực bên trong để giành chiến thắng trong các mục tiêu về tiền bạc, tức là làm sao suy nghĩ như người giàu có để trở nên giàu có!

Mọi người thường hỏi tôi, thành công của tôi đến một lần hay liên tục. Tôi xin trả lời thế này: dùng chính xác những nguyên tắc trong cuốn sách này, tôi đã thu được nhiều triệu đô-la và tôi đã liên tục là triệu phú. Hầu như mọi việc đầu tư và kinh doanh của tôi đều thành công vượt bậc. Một số người nói là tôi có “Bàn tay Midas”, tất cả những gì tôi chạm vào đều biến thành vàng. Họ nói đúng, nhưng thực ra “Bàn tay Midas” chỉ là cách gọi khác của việc tôi có kế hoạch tài chính được cài đặt để hướng đến thành công từ trong tiềm thức. Đó chính là điều bạn sẽ có được khi bạn học và làm theo những nguyên tắc trong cuốn sách này.

Vào đầu các khóa học Tư Duy Triệu Phú, tôi thường hỏi mọi người: “Bao nhiêu người trong số các bạn đến để học?”. Đó là một câu hỏi bẫy, bởi như tác giả Josh Billings đã nói: “Không phải cái chúng ta không biết khiến chúng ta không thành công; Chính cái chúng ta biết mà như không biết mới là cản trở lớn nhất của chúng ta”. Cuốn sách này không phải chủ yếu nói về việc học, mà là nói về việc không được học! Quan trọng nhất là việc bạn nhận ra cách bạn suy nghĩ và hành động bấy nay đã đưa bạn đến tình trạng của bạn ngày hôm nay.

Nếu bạn rất giàu có và hạnh phúc thì thật tuyệt. Còn nếu không, tôi nghĩ bạn nên cân nhắc lại một số khả năng có thể không phù hợp với những gì bạn cho là “đúng” hoặc thậm chí “chấp nhận được” đối với bạn.

Mặc dù tôi đề nghị các bạn không tin những gì tôi nói và tôi muốn bạn thử lại các giả thiết đó trong chính cuộc sống của bạn, tôi sẽ yêu cầu bạn tin tưởng những ý tưởng bạn sẽ đọc. Không phải bởi vì đó là những điều do tôi nói, mà là vì hàng nghìn, hàng nghìn người đã thay đổi cuộc đời họ nhờ kết quả của các nguyên tắc trong cuốn sách này.

Nói về sự tin tưởng, nó nhắc tôi nhớ đến một trong những câu chuyện mà tôi rất thích. Đó là chuyện về một người đàn ông đi trên vách đá và bất ngờ mất thăng bằng, trượt chân ngã xuống. May mắn, anh ta kịp tỉnh táo bám vào mép đá và treo lơ lửng ở đó. Anh ta bị treo ở đó, và cứ bị treo ở đó mãi, cuối cùng phải kêu lên: “Có ai trên đó có thể cứu tôi không?”. Không có trả lời. Anh ta cứ gọi, gọi mãi. Cuối cùng, có một giọng từ bầu trời vọng xuống: “Ta là Thượng đế đây. Ta có thể giúp anh. Chỉ cần anh thả tay ra và tin tưởng”. Nhưng anh ta cứ bám ở đó và tiếp tục kêu lên: “Có ai khác có thể giúp tôi không?”.

Bài học ở đây thật đơn giản. Nếu bạn muốn tiến lên một nấc cao hơn trong cuộc sống, bạn phải sẵn sàng từ bỏ một số cách nghĩ và cách sống cũ để chấp nhận cái mới. Kết quả tự nó sẽ là câu trả lời.

ĐỌC THỬ

KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH TRONG TÂM THỨC BẠN

Chúng ta sống trong thế giới của những khái niệm đối lập nhau như lên và xuống, sáng và tối, nóng và lạnh, trong và ngoài, nhanh và chậm, phải và trái… Đây chỉ là một vài trong số hàng ngàn ví dụ về các thái cực đối lập. Muốn cực này tồn tại thì bắt buộc cực kia phải tồn tại. Có thể nào chỉ có mặt phải mà không có mặt trái? Đó là điều không thể.

Tương tự, nếu đã có những quy luật bên ngoài của đồng tiền thì ắt sẽ có những quy luật bên trong của nó. Những quy luật bên ngoài này bao gồm kiến thức kinh doanh, kỹ năng quản lý tài chính, các chiến lược đầu tư… Những yếu tố này rất cần thiết. Song những quy luật bên trong cũng giữ vai trò quan trọng không kém. Cũng như người thợ mộc và đồ nghề làm mộc của mình. Có trong tay những dụng cụ tốt nhất là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn, anh ta phải là một người thợ mộc xuất sắc để có thể sử dụng những dụng cụ đó một cách thành thạo.

Tôi vẫn cho rằng: “Cho dù bạn đã vào đúng vị trí thuận lợi và đúng thời điểm, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Bạn còn phải là người hội tụ những yếu tố cần thiết, ở đúng vị trí thuận lợi và đúng thời điểm”.

Vậy bạn là ai? Bạn suy nghĩ như thế nào? Niềm tin của bạn là gì? Thói quen và cá tính của bạn ra sao? Bạn thật sự cảm nhận như thế nào về bản thân? Bạn tự tin đến mức nào? Bạn có hòa hợp với những người xung quanh hay không? Bạn tin tưởng vào người khác ở mức độ nào? Bạn có thực sự cảm thấy mình xứng đáng giàu có? Bạn có khả năng hành động bất chấp nỗi sợ hãi, lo lắng, bất tiện không? Bạn có thể hành động ngay cả khi tâm trạng không được thoải mái lắm?

Sự thật là tính cách, cách tư duy và những niềm tin của bạn là một trong những yếu tố cơ bản quyết định mức độ thành công của bạn.

Một tác giả yêu thích của tôi, Stuart Wilde, đã nêu điều đó thế này: “Chìa khóa của sự thành công là phải biết huy động tất cả những nỗ lực của bạn; khi bạn thể hiện năng lực của mình thì tự nhiên mọi người sẽ bị bạn thu hút. Và khi họ xuất hiện, hãy kiếm tiền từ họ!”.

Kế Hoạch Tài Chính trong tâm thức bạn là gì và kế hoạch đó đã hình thành như thế nào?

Khi xuất hiện trên đài phát thanh hay truyền hình, tôi nổi tiếng vì thường đưa ra lời khẳng định sau: “Hãy cho tôi 5 phút, tôi có thể tiên đoán tương lai tài chính cho cả cuộc đời còn lại của bạn”.

Bằng cách nào? Qua một cuộc trò chuyện ngắn, tôi có thể xác định được cái gọi là “kế hoạch tài chính và thành công trong tâm thức” của bạn. Mỗi chúng ta đều có kế hoạch tài chính và thành công được cài sẵn trong tiềm thức. Và bản kế hoạch đó, hơn mọi thứ khác và hơn tất cả những thứ khác kết hợp lại, sẽ quyết định cái đích tài chính của cuộc đời bạn.

Kế hoạch tài chính và thành công trong tâm thức là gì? Tương tự như đối với một ngôi nhà, bản thiết kế của ngôi nhà chính là kế hoạch thành công của ngôi nhà đó. Theo đó, “kế hoạch tài chính trong tâm thức” đơn giản là chương trình được cài đặt trước về cách sống liên quan đến tiền bạc của bạn.

Tôi muốn giới thiệu với bạn một công thức tối quan trọng. Công thức này quyết định cách bạn biến ý muốn thành hiện thực và tạo ra sự thành công về tài chính. Nhiều vị giáo sư đáng kính trong lĩnh vực nghiên cứu tiềm năng con người đã và đang sử dụng công thức này làm nền tảng cho những bài giảng của họ. Được gọi là Quá trình Hiển hiện, công thức đó có dạng như sau:

 

T F A = R

Nghĩa là:

Suy nghĩ —> Cảm xúc —> Hành động —> Kết quả

Thoughts —> Feelings —> Actions —> Results

Kế hoạch tài chính trong tâm thức bạn là sự kết hợp giữa suy nghĩ, cảm xúc và hành động của bạn trong lĩnh vực tiền bạc.

Vậy Kế hoạch tài chính trong tâm thức bạn hình thành như thế nào? Câu trả lời rất đơn giản. Kế hoạch tài chính trong tâm thức của bạn bao gồm chủ yếu là những thông tin và lập trình bạn nhận được trong quá khứ, đặc biệt là ở thời thơ ấu.

Những ai là nguồn gốc đưa đến sự lập trình này? Đối với hầu hết chúng ta, danh sách đó bao gồm cha mẹ, anh chị em, bạn bè, thầy cô giáo, những nhân vật có quyền lực trong xã hội, các lãnh đạo tôn giáo, những phương tiện thông tin đại chúng, và cả nền văn hóa của bạn nữa. Đó chỉ là một vài tên trong danh sách.

Hãy bàn một chút về khía cạnh văn hóa. Mỗi nền văn hóa có một cách suy nghĩ và tiếp cận khác nhau về vấn đề tiền bạc. Bạn có nghĩ một đứa trẻ vừa sinh ra đã có sẵn thái độ và cảm nhận về tiền? Hay đứa trẻ đó được dạy cách xử lý tiền bạc trong quá trình trưởng thành? Chắc chắn là mọi đứa trẻ đều được dạy cách tư duy và hành động liên quan đến tiền bạc.

Điều ấy là có thật với bạn, với tôi, với tất cả mọi người. Ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta đã được dạy cách suy nghĩ và hành động đối với những vấn đề liên quan đến tiền. Những lời chỉ dạy đó dần trở thành phản xạ vô điều kiện và điều khiển bạn suốt cả cuộc đời. Tất nhiên, trừ khi bạn chủ động can thiệp và điều chỉnh các “hồ sơ tài chính” trong trí óc mình. Đây chính là những gì mà chúng ta sẽ thực hiện trong cuốn sách này, việc chúng tôi làm với hàng nghìn người mỗi năm, với cấp độ sâu hơn và mức độ bền vững hơn tại các khóa học Tư Duy Triệu Phú.

Như đã đề cập ở trên rằng suy nghĩ quyết định cảm xúc, cảm xúc đưa đến hành động và hành động tạo ra kết quả. Thế nên ở đây nảy ra một câu hỏi khá thú vị: Suy nghĩ của bạn xuất phát từ đâu? Tại sao bạn lại suy nghĩ khác người ngồi ngay bên cạnh bạn?

Suy nghĩ của bạn bắt nguồn từ “hồ sơ thông tin” bạn có trong những ngăn lưu trữ của trí não bạn. Vậy những thông tin này đến từ đâu? Thông tin này xuất phát từ những lập trình của bạn đã được định hình trong quá khứ. Đúng thế, những khuôn mẫu quá khứ quyết định từng suy nghĩ lóe lên trong trí óc bạn. Do đó, nó thường được nhắc đến như là những suy nghĩ có điều kiện.

Để thể hiện điều này, chúng ta có thể bổ sung “Quá trình Hiển hiện” trên như sau:

P —> T —> F —> A —> R

Thế giới quan trong quá khứ —> Suy nghĩ —> Cảm xúc —> Hành động —> Kết quả

(Programming —> Thoughts —> Feelings —> Actions —> Results)

Thế giới quan trong quá khứ của bạn sẽ dẫn đến suy nghĩ, suy nghĩ dẫn dến cảm xúc, cảm xúc dẫn đến hành động, và hành động dẫn đến kết quả.

Vì vậy, giống như bạn có thể làm với máy tính cá nhân: nếu bạn thay đổi nội dung chương trình đã lập sẵn thì bạn đã tạo một bước tiến quan trọng để thay đổi kết quả của mình.

Thế giới quan của chúng ta được tạo ra như thế nào? Cách thức tư duy của chúng ta về mọi lĩnh vực trong cuộc sống, kể cả về tiền bạc, được định hình một cách áp đặt trong quá khứ theo ba cách chính sau đây:

Thông qua lời nói: Bạn đã nghe được những gì khi còn nhỏ?

Làm theo khuôn mẫu: Bạn đã nhìn thấy những gì khi còn nhỏ?

Sự kiện cá nhân cụ thể: Bạn đã trải nghiệm những gì khi còn nhỏ?

Hiểu rõ ba yếu tố khuôn mẫu định hình cách tư duy trên là điều vô cùng quan trọng, vì thế bạn hãy dành thời gian để suy nghĩ và nghiên cứu chúng thật tỉ mỉ, chi tiết.

Trong Phần I của cuốn sách này, bạn sẽ tìm hiểu các yếu tố định hình cách tư duy của mình để vươn đến sự giàu có và thành công.

 

Yếu tố định hình suy nghĩ thứ nhất: Lời nói

Trước tiên, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về quá trình định hình cách suy nghĩ thông qua những điều ta đã nghe thấy. Từ nhỏ đến khi trưởng thành, bạn đã nghe thấy những gì về tiền bạc, sự sung túc và những người giàu có?

Có phải bạn đã từng nghe những câu như:

 

  • Tiền bạc là nguồn gốc của mọi tội lỗi;
  • Hãy dành dụm phòng khi túng thiếu;
  • Người giàu rất tham lam;
  • Người giàu hay phạm pháp;
  • Giàu là tội lỗi;
  • Phải làm việc cực nhọc mới có tiền;
  • Tiền không phải từ trên trời rơi xuống;
  • Bạn không thể vừa giàu vừa có lý tưởng;
  • Tiền không thể mua được hạnh phúc;
  • Người có tiền nói gì cũng được;
  • Tiền của không bao giờ là đủ;
  • Người giàu sẽ càng giàu và người nghèo ngày càng nghèo;
  • Điều đó không dành cho chúng ta;
  • Không phải ai cũng giàu được;
  • Không bao giờ đủ;
  • Và câu đáng ghét nhất là: Chúng ta không có đủ tiền mua nó!

Trong gia đình tôi ngày trước, mỗi khi tôi hỏi xin tiền cha tôi, ông đều hét toáng lên: “Thân tao làm bằng tiền chắc?”. Tôi đùa lại: “Con ước là như vậy. Con sẽ lấy một cánh tay, một bàn tay thôi, thậm chí là một ngón tay thôi”. Những lúc như vậy, ông không bao giờ cười lấy một lần.

Khúc mắc chính là ở chỗ này. Tất cả những câu nói liên quan đến tiền bạc mà bạn nghe từ khi còn nhỏ vẫn đọng lại trong tiềm thức của bạn, là một phần của kế hoạch tài chính trong tâm thức và chính là cái đang điều khiển cuộc sống tài chính của bạn.

Những khuôn mẫu định hình cách suy nghĩ qua lời nói có sức mạnh cực kỳ lớn. Ví dụ, khi con trai tôi – Jesse – lên ba, nó chạy đến gặp tôi và hồ hởi nói: “Ba ơi, chúng ta đi xem phim Ninza Rùa đi. Ở ngay gần nhà ta này”. Lúc đó tôi không thể lý giải vì sao một đứa trẻ mới lẫm chẫm tập đi lại có thể hiểu về địa lý đến mức biết rằng bộ phim kia đang được chiếu gần nhà. Một vài giờ sau, tôi bắt gặp câu trả lời trong một mẩu quảng cáo về bộ phim ấy trên ti- vi: “Nay bộ phim đã được chiếu ở một rạp gần nhà bạn”.

Một ví dụ khác về sức mạnh của việc định hình suy nghĩ thông qua lời nói là vấn đề chi tiêu của Stephen, một trong những người tham dự khóa học của tôi. Stephen không có khó khăn trong việc kiếm tiền, nhưng luôn khó khăn trong việc giữ tiền.

Vào thời điểm tham dự khóa học, mỗi năm Stephen kiếm được hơn 800.000 đô-la và đã có thu nhập như thế chín năm liền. Thế nhưng anh cứ phung phí, cho mượn hoặc mất, hoặc đầu tư sai lầm hết. Cho dù vì lý do nào thì kết quả cũng là tài sản của anh ta có được rất ít, chính xác là zero!

Stephen nhớ lại lúc anh còn nhỏ, lúc nào mẹ anh cũng bảo: “Những người giàu rất tham lam. Người giàu luôn kiếm tiền trên mồ hôi nước mắt của người nghèo. Con chỉ nên kiếm đủ tiền thôi, chứ nếu nhiều tiền hơn thì con cũng sẽ trở thành đồ lợn như họ thôi”.

Không cần phải là nhà thông thái để nhận ra chuyện gì đã xảy ra trong tiềm thức của Stephen. Không ngạc nhiên rằng anh luôn là người rỗng túi. Anh đã được định hình suy nghĩ thông qua niềm tin của bà mẹ rằng người giàu rất tham lam. Vì thế, trí óc Stephen đã kết nối người giàu với sự tham lam, tức là với cái xấu. Vì không muốn là người xấu, tiềm thức của anh đã không muốn mình là người giàu.

Stephen rất yêu mẹ và không muốn làm bà thất vọng. Thông thường, dựa trên những niềm tin của bà, nếu anh trở nên giàu có, bà sẽ không tán thành. Vì vậy, việc duy nhất anh có thể làm là tống khứ đi thật nhanh bất kỳ khoản tiền nào vượt mức “vừa đủ xài” để khỏi trở thành “đồ lợn” tham lam!

Đến đây, có thể bạn nghĩ rằng nếu phải chọn giữa sự giàu có và được mẹ (hay bất kỳ người nào khác) tán thành thì đa số mọi người sẽ chọn sự giàu có. Nhưng thực tế khó có thể xảy ra chuyện đó! Trí óc con người không hoạt động theo cách ấy. Chắc chắn giàu có sẽ là một sự lựa chọn hợp lý. Nhưng khi tiềm thức phải lựa chọn giữa một bên là những cảm xúc đã bám rễ sâu xa và một bên là tính hợp lý thì hầu như cảm xúc bao giờ cũng chiến thắng.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button