Hồi ký - danh nhân

Ánh Sáng Trong Rừng Thẳm

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Roman Karmen

Download sách Ánh Sáng Trong Rừng Thẳm ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Hồi Ký – Danh Nhân

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                     

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Roman Karmen

(16/11/1906 – 28/4/1978) là nhà quay phim và đạo diễn phim Xô Viết. Ông được coi là một trong những nhà làm phim tài liệu vĩ đại nhất thế kỷ XX. Cuộc đời nghệ thuật của ông rất đa dạng trong các vai trò: Đạo diễn, biên kịch, quay phim, nhà báo, nhà sư phạm điện ảnh. Những thước phim tư liệu mà Karmen để lại thật sự là những thiên anh hùng ca huyền thoại. Ông từng có mặt và làm phim tại những điểm nóng của thế kỷ XX như Stalingrad trong Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô, nội chiến Tây Ban Nha, cuộc cách mạng Cuba… Ông cũng chính là người thực hiện bộ phim tài liệu nghệ thuật màu nổi tiếng Việt Nam. Trước năm 2004, khán giả Việt Nam đã biết đến bộ phim này (bản đen trắng) với tựa đề Việt Nam trên đường thắng lợi.

“Cuốn sách Ánh sáng trong rừng thẳm vừa ấn hành, tôi rất hạnh phúc và cảm động gửi cuốn sách này đến các bạn Việt Nam của tôi.

Cuốn sách này là kết quả hoạt động khiêm tốn của tôi – một nhà báo, nhà điện ảnh Liên Xô, hết lòng yêu mến đất nước Việt Nam và nhân dân Việt Nam. Tôi xin dành cuốn sách này cho những người Việt Nam hào hiệp và cao quý, những chiến sỹ vì tự do, những người lao động.

Tôi tin chắc tôi sẽ trở lại Việt Nam và viết thêm những trang mới về những thắng lợi mới của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì hạnh phúc, hòa bình và thống nhất đất nước.”

(Trích thư của Roman Karmen gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh)

LỜI ĐẦU SÁCH

Năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhân dân cả nước ta náo nức đón xem bộ phim màu Việt Nam của đạo diễn điện ảnh Liên Xô Roman Karmen (1906 – 1978), xây dựng từ nửa thế kỷ trước, ngay trong những ngày cuối của chiến dịch lịch sử và những ngày đầu hòa bình, sau Hiệp định Genève.

Có thể nói Roman Karmen là một trong những nghệ sĩ lỗi lạc của thế kỷ XX, một nhà đạo diễn điện ảnh tài ba bậc thầy. Ông đã trải qua một cuộc đời kỳ thú, sôi nổi, ông có mặt ở hầu như các điểm nóng nhất trên thế giới mang ý nghĩa thời đại: Tây Ban Nha, Trung Quốc, các nẻo đường chiến tranh vệ quốc Liên Xô vĩ đại, Việt Nam, Cuba, Chile, Indonesia…, gặp gỡ và sát cánh bên những nhân vật huyền thoại của nhân loại, từ Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Fidel Castro, Luis Corvalán đến John Reed, Louis Aragon, Ernest Hemingway, Ilya Grigoryevich Ehrenburg, Jean-Paul Sartre … trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít cũng như giải phóng giành độc lập dân tộc. Những bộ phim do ông xây dựng được coi là các tác phẩm kinh điển được đưa vào kho báu của nền điện ảnh Xô Viết và thế giới: Ngày của thế giới mới, Bản anh hùng ca về những người khai thác dầu mỏ Caxpien, Những người chinh phục biển, Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Tòaán của các dân tộc, Việt Nam, Hòn đảo bốc cháy, Grenade, Grenade, Grenade của tôi!, Đồng chí Berlin, Lục địa bốc cháy, Corvalán…

Là một trong những nghệ sĩ Xô Viết đầu tiên được tặng thưởng huân chương chiến đấu Sao đỏ, Roman Karmen còn nhận được nhiều huân và huy chương khác, giải thưởng nhà nước và giải thưởng Lenin về văn học, nghệ thuật, danh hiệu Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa Liên Xô. Ông còn là một người thầy để lại nhiều thế hệ học trò nối tiếp đầy tài năng phát triển nền nghệ thuật điện ảnh giàu bản sắc ở Nga cũng như ở nhiều nước khác, trong đó có các nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam.

Cùng với mọi người, trong dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 2004 ấy, tôi cũng hồi hộp và náo nức chờ đón buổi công bố bộ phim màu Việt Nam của R. Karmen trên Đài Truyền hình Việt Nam và rồi cùng mọi người xúc động ngồi theo dõi từng hình ảnh một trong suốt buổi chiếu. Các buổi chiếu lại tôi cũng cố không bỏ sót.

Tôi nhớ ngay cuối những năm 1950, đang là lưu học sinh ở Moskva, chúng tôi đã được xem bộ phim Việt Nam trên đường thắng lợi của Roman Karmen, được hoàn thành sau chuyến đi Việt Nam vào năm 1954. Sau đó ít lâu, tôi lại mua được cuốn sáchÁnh sáng trong rừng thẳm, bút ký của chính Roman Karmen, xuất bản ở Moskva năm 1957, ghi lại chuyến đi đầy gian khổ nhưng đầy ắp những kỷ niệm đẹp của đoàn làm phim của ông đến Việt Nam khi ấy. Đọc những trang sách của ông, tôi nhận thấy rõ một tình cảm gắn bó thân thiết của ông đối với đất nước cũng như con người Việt Nam, nhất là các văn nghệ sĩ Việt Nam – những người gắn bó rất chặt chẽ với đoàn làm phim của ông trong thời gian đó. Chia tay với Việt Nam khi ấy, Roman Karmen viết trong phần kết cuốn sách của mình:

Bảy tháng ởViệt Nam! Thời gian trôi nhanh đến mức tôi không kịp nhận ra những ngày cuối cùng của cuộc chiếnđã qua, những ngày hòa bình đầu tiênđang đến. Trong tôi không thể nào phai mờ được kỷ niệm về các cuộc gặp gỡ với nhân dân Việt Nam, những trẻ em, bộ đội, du kích, những bộ trưởng, thầy giáo, công nhân, nông dân…

Lần đầu tiên trong đời,tôi đếnđất nước này và tôi sẽ yêu mến nóđến trọn đời. Trong giờ phút chia tay, tôi muốn tin rằngmình sẽ trở lại, sẽ thấy một Việt Nam hạnh phúc, thống nhất, không bị chia cắt bởi bất kỳ vĩ tuyến nào.

Tôi bắt tay rồi ôm hôn những con người tôi yêu quý lần cuối. Và khi máy bay lượn một vòng giã biệt trên bầu trời Hà Nội, phía trên hình bầu dục xanh lam của hồ Hoàn Kiếm, trái tim tôi như đang muốn nói:

“Tôi sẽ không nói lời vĩnh biệt với Người, Việt Nam thân yêu!”

Trong sách, tác giả cũng cho biết đoàn làm phim của ông khi ấy đã dùng phim màu để quay. Bản thân Roman Karmen còn hướng dẫn nhà quay phim Việt Nam Mai Lộc quay bằng phim màu. Về cuối chuyến Đạo diễn nổi tiếng Trần Văn Thủy vốn là một trong những học trò cưng của Roman Karmen trong bài viết của nhà báo Hữu Giai(1) có nói một câu: “Nếu thầy tôi còn sống, chắc chắn ông sẽ rất buồn khi biết rằng Việt Nam đã phải mua bản quyền bộ phim đó”. Tiếp theo Trần Văn Thủy còn nhắc lại câu trả lời của Roman Karmen với một nhà báo: “Nếu có điều kiện thăm lại chiến trường xưa, ông sẽ thăm lại Tây Ban Nha, mặc dù trái tim ông để ở Việt Nam…”

Đến đây tôi giật mình. Tự nhìn lại bản thân mình. Mặc dù tôi chỉ là một người dân Việt Nam bình thường, không có chức trách, quyền uy gì, nhưng yêu quý biết ơn Roman Karmen về bộ phim Việt Nam, tôi lại có trong tay cuốn sách của ông. Tôi đã trích dịch đôi phần giới thiệu với bạn đọc Việt Nam. Nhưng rồi tôi lại bỏ lửng đó không dồn tâm sức khi còn trẻ giới thiệu trọn vẹn tác phẩm ấy với bạn đọc Việt Nam, để bày tỏ lòng yêu mến, kính trọng và biết ơn của mình…

Mãi gần đây nhân dịp gặp gỡ với một bạn trẻ công tác ở Nhà xuất bản Công an nhân dân, biết tôi có bản dịch dở dang tác phẩm của Roman Karmen đã khuyến khích tôi hoàn thành, mong có cơ hội giới thiệu rộng rãi với bạn đọc.

Tuổi đã cao, thời giờ có hạn, nhưng được sự cộng tác của nhóm bạn trẻ công tác ở Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, đến hôm nay bản thảo đã tạm hoàn chỉnh. Do hoàn cảnh khách quan, một số chi tiết trong sách không thật chính xác, nhưng vì tôn trọng tác giả nên chúng tôi vẫn giữ nguyên và thêm chú thích. Qua NXB Công an nhân dân và Công ty Cổ phần Sách Thái Hà, tôi xin gửi tới bạn đọc gần xa, mong góp chút kỷ niệm về người bạn thân thiết của nhân dân ta trong suốt hơn một nửa thế kỷ nay.

Mùa xuân Ất Mùi 2015

Thúy Toàn

ĐỌC THỬ

Ở VIỆT NAM, MỌI NGƯỜI RẤT MONG ĐỢI CÁC ĐỒNG CHÍ!

Tôi bắt đầu ghi chép này ở Moskva trong lúc chuẩn bị cho chuyến đi tới đất nước xa xôi, không giống với những đất nước mà tôi đã tới trong cuộc đời quay phim lâu năm của mình.

Tôi sẽ hoàn thành những ghi chép này cũng ở Moskva, lúc từ Việt Nam trở về sau khi bộ phim được quay xong. Ít nhất cũng phải mất một năm, không thể sớm hơn.

Tôi suy nghĩ rất nhiều về bộ phim sắp làm. Chúng tôi biết quá ít về đất nước mà chúng tôi sẽ giới thiệu cho hàng triệu khán giả. Tôi đọc tất cả các tài liệu về Việt Nam. Các bài báo và các cuốn sách mỏng chỉ cung cấp những thông tin sơ lược về kinh tế và địa lý của đất nước này. Khí hậu nhiệt đới, nhiều rừng rậm. Dân số 23 triệu người (1954). Nhiệt độ trung bình ở Sài Gòn là 25oC. Động vật có khỉ, hổ, voi rừng. Sông Mê Kông có cá sấu.

Thật thú vị và hấp dẫn! Tuy nhiên, đó không phải là mối quan tâm của hàng triệu trái tim đầy yêu thương và lo lắng, đang hướng tới Việt Nam khói lửa.

Máu của những người lính dũng cảm đã nhuộm đỏ dòng Mê Kông và sông Hồng. Những khu rừng trở thành lò lửa của cuộc chiến đấu không khoan nhượng với bọn thực dân. Những thành phố biến thành đống đổ nát. Sử sách cổ của một dân tộc yêu chuộng tự do bị đốt thành tro bay trên mặt đất cháy xém vì bom napalm.

Với một niềm xúc động biết ơn, tôi đã đọc kỹ cuốn sách của Léopold Figuères(2) – một nhà báo Pháp tài năng kể cho thế giới sự thật về cuộc chiến tranh của dân tộc Việt Nam chống lại những kẻ thực dân. Khi từ Việt Nam trở về, Léopold Figuères, người cộng sản ái quốc dũng cảm phải lẩn trốn sự truy lùng của cảnh sát vì chính quyền Pháp đã ra lệnh bắt giam ông. Ông bị tuyên án tử hình vì những bài phóng sự trung thực đăng trên các báo Nhân đạo (L’Humanité) và Tối nay(Ce Soir), khi đại diện cho nhân dân Pháp tố cáo chính sách thực dân tàn bạo của những thế lực phản động đang nắm giữ chính quyền ở nước này.

Tôi đọc và trước mắt tôi hiện ra hình ảnh cao đẹp của nhân dân Việt Nam đang chiến đấu vì độc lập, vì quyền được sống và lao động trên chính quê hương mình. Liệu chúng tôi có kể về Việt Nam sống động như Léopold Figuères đã kể trong cuốn sách của ông không?

Khó khăn lớn nhất của chúng tôi không phải là việc phải vượt qua những gian khổ của thời chiến. Chúng tôi phải vừa làm phim vừa khám phá đất nước này – tìm hiểu về kinh tế, văn hóa, chiến lược và chiến thuật chiến tranh nhân dân.

Hai thành viên của đoàn khảo sát, nhà quay phim Evgenhi Mukhin và Vladimir Eshurin cũng chia sẻ lo lắng này với tôi.

Chúng tôi được gặp gỡ với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên Xô, đồng chí Nguyễn Lương Bằng(3), và có cuộc nói chuyện khá dài với ông.

– Ở Việt Nam, mọi người đang rất mong đợi các đồng chí – đồng chí Nguyễn Lương Bằng nói – công việc của các đồng chí rất nặng nề, nhưng Chính phủ và các tổ chức đoàn thể của chúng tôi sẽ giúp đỡ các đồng chí hết mức có thể trong điều kiện chiến tranh khó khăn. Tôi nghĩ các đồng chí sẽ phải chịu đựng khí hậu của Việt Nam…

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã cho chúng tôi rất nhiều lời khuyên bổ ích liên quan đến công tác chuẩn bị cho chuyến đi, bảo quản phim, đóng gói thiết bị. Rồi cả về áo khoác, dép quai hậu, mũ, thuốc kí ninh…

– Các đồng chí đi đúng vào mùa mưa nhiệt đới. Điều này sẽ gây khó khăn cho công việc và việc đi lại của các đồng chí. Nhưng mọi người sẽ giúp đỡ các đồng chí.

Sau khi chúc chúng tôi lên đường bình an, Đại sứ nói:

– Các đồng chí sẽ là những người Xô Viết đầu tiên đặt chân đến Việt Nam. Những người đầu tiên! Mọi người sẽ coi các đồng chí là những người anh em. Các đồng chí sẽ thấy nhân dân chúng tôi yêu quý Liên Xô như thế nào.

DỨA NHIỆT ĐỚI VÀ BĂNG BẮC CỰC

Phim là mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi. Những thước phim màu dễ hỏng của chúng tôi liệu có chịu đựng được cái oi bức và ẩm ướt khủng khiếp của vùng nhiệt đới? Mọi người nói: “Các anh đừng có liều. Các anh hãy đem theo phim đen trắng, chúng chắc chắn hơn, bền hơn và tốt hơn!”

Không, khán giả sẽ không cảm ơn chúng tôi nếu họ không được nhìn thấy những hình ảnh thật về phong cảnh Việt Nam, sông núi, đồng bằng, những gương mặt người…

Chúng tôi đựng phim trong những hộp sắt hàn kín. Tám hộp sắt như vậy được đặt trong thùng gỗ bọc một lớp phớt cách nhiệt dày. Chúng tôi mang theo 40.000 thước phim màu. 40 kilômét phim!

Mỗi người chúng tôi đem theo ba máy quay. Đó là những chiếc máy quay phóng sự tự động, nhẹ, với bộ ống kính chất lượng tuyệt hảo. Làm sao để bảo vệ máy quay không bị ẩm và gỉ? Chúng tôi nghe nói ở Việt Nam máy chữ phải cất trên lò than hồng…

– Phải bôi dầu hàng ngày! – Các chuyên gia giàu kinh nghiệm của phòng kỹ thuật quay phim, đồng chí Vopotnikov và
Kolmogorov, những người cung cấp thiết bị cho chúng tôi, cứ nhắc đi nhắc lại như vậy.

Chúng tôi được cung cấp máy ghi âm dùng ắc quy, loại hiện đại nhất. Ở phòng âm thanh, chúng tôi được học cách sử dụng nó, ghi âm thử. Đáng tiếc là nó quá cồng kềnh.

Đồng chí Ivan Dmitriev Papanin cung cấp cho chúng tôi những chiếc lều rất tốt làm bằng vải chống thấm nhẹ, màn chống muỗi. Lần gần đây nhất tôi phải dùng đến chúng là trong chuyến thám hiểm vùng Cực cùng với đồng chí trên tàuphá băng mang tên Stalin ở biển Greenland, khi cấp cứu tàu “Sedov” đang bị trôi dạt. Hiện nay đồng chí Ivan Dmitriev đang làm việc tại Viện Hàn lâm Liên Xô. Và những chiếc lều của chúng tôi là được trích từ Quỹ Thám hiểm của Viện Hàn lâm.

Ngày một thêm nhiều đồ đạc. Phải đến gần một tấn. Mà chẳng có gì là thừa hết!

Nhà quay phim Hà Lan Joris Ivens(4) đang ở thăm Moskva. Tại xưởng phim của chúng tôi, anh đang hoàn thiện bộ phim tài liệu mới nhất của mình Khúc ca của những dòng sông vĩ đại – một thiên phóng sự dài về phong trào công nhân quốc tế, về những người dân nô lệ của các nước thuộc địa bị bóc lột dã man, về phong trào của quần chúng nhân dân khắp thế giới đấu tranh vì quyền lợi của mình. Hàng chục nhà quay phim ở mọi nơi trên hành tinh đã quay phim này cho Ivens.

Tôi và anh là bạn đã nhiều năm. Lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau là vào năm 1936 ở Tây Ban Nha, trong những ngày chiến trận ác liệt tại Jarama, tại sở chỉ huy của tướng Máté Zalka(5), vị chỉ huy tài ba của Lữ đoàn quốc tế số 12. Khi đó Ivenscùng với nhà văn Hemingway đang làm bộ phim tài liệu Mảnh đất Tây Ban Nha, còn tôi suốt năm đó đang làm phóng sự.

Chúng tôi trở thành bạn bè không chỉ vì có thiện cảm và cùng chung công việc. Tình yêu với nhân dân Tây Ban Nha, mong muốn kể cho loài người sự thật về cuộc đấu tranh chính nghĩa vĩ đại và những khổ đau của dân tộc này đã điều xích chúng tôi lại gần nhau. Những năm sau này, chúng tôi luôn theo dõi từng bước đi của nhau. Năm 1938, suýt nữa thì chúng tôi được gặp nhau ở Trung Quốc. Cuộc đời của chúng tôi, những nhà làm phim tài liệu nay đây mai đó khắp thế giới, có gì đó giống nhau.

Chúng tôi được cảnh báo rằng đây chính là nơi bất ổn nhất của hành trình này – sa mạc Gobi. Quả đúng là như vậy. Máy bay lắc dữ dội và liên tục gặp những luồng khí ngược chiều. Lên cao, xuống thấp rồi lại từ từ lấy lại độ cao, cả thân máy bay rung chuyển.

Sau cái lạnh tê người ở sân bay Ulan Bator, chúng tôi thấy nhiệt độ tăng lên nhanh chóng. Chúng tôi lần lượt cởi áo khoác, áo vét. Phi công từ buồng lái bước ra nói với chúng tôi: Họ vừa nhận được thông báo thời tiết từ Bắc Kinh, ở đó đang rất nóng, 35oC.

Chúng tôi bay trên Vạn Lý Trường Thành. Từ trên rất cao có thể nhìn thấy một đường chỉ xám mảnh, lượn ngoằn ngoèo qua đồi núi và sa mạc, qua những dãy núi cao thấp. Mười sáu năm trước đây tôi đã bay qua Vạn Lý Trường Thành, nhưng là trên đường đi từ Almaty đến Hàng Châu (Hán Khẩu). Vạn Lý Trường Thành trải dài hàng chục nghìn cây số, được xây dựng trong hàng chục thế kỷ. Đôi chỗ gió cao nguyên và thời gian đã phá hủy những bức tường răng cưa, bào mòn chiến lũy, phải khó khăn lắm mới nhận ra đó đã từng là một con lũy…

Sa mạc đã lùi lại phía sau. Giữa mênh mông đá hung đỏ, đây đó xuất hiện những khoảng xanh nhỏ, rồi nhiều dần lên thành một tấm gương ruộng lúa.

Chúng tôi có cảm tưởng đoạn này của cuộc hành trình sẽ rất mệt mỏi và dài lê thê. Nhưng người phi công đã mở cửa phòng lái bước ra và nói:

– Chúng ta chuẩn bị hạ cánh, đã đến Bắc Kinh, thưa các đồng chí!

Máy bay lượn quanh một cái hồ đẹp uốn khúc, bên bờ hồ là một ngôi chùa với cây cối xanh rì bao bọc xung quanh. Những khu vườn vuông vắn trôi qua phía dưới. Máy bay chạm đất, nẩy lên mấy cái rồi bắt đầu chạy chầm chậm trên đường bê tông. Chuyến bay Moskva – Bắc Kinh đã kết thúc.

“LỆ CHI”(8)

Một nhóm người đi về phía máy bay lúc này đang chạy vào sân bay. Đó là các nhà quay phim – làm phim thời sự của xưởng phim Bắc Kinh, đại diện hãng phim xuất khẩu Xô Viết Sergeev và Grebnev. Chúng tôi làm quen với đoàn Việt Nam, trong đó có đại biện của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Trung Quốc, đồng chí Châu Lượng.

Trong khi các cán bộ lịch thiệp Trung Quốc làm thủ tục biên phòng và hải quan, chúng tôi nói chuyện với các bạn trong gian phòng mát mẻ của sân bay. Hóa ra đang có một chiếc máy bay thuê sẵn chờ chúng tôi, ngày mai sẽ bay tới biên giới Việt Nam. Sau khi bàn bạc, chúng tôi quyết định lùi chuyến bay lại một ngày. Cần phải hoàn thành việc chuẩn bị cho chuyến đi, có rất nhiều việc phải làm. Giờ đã là cuối ngày, chúng tôi cũng mệt vì chuyến bay, mười tám tiếng trên máy bay chứ có ít đâu! Một hành trình bay khó khăn dài gần 10.000 cây số!

Xe chở chúng tôi lao về Bắc Kinh. Hai bên đường là cánh đồng, những khu vườn đặc trưng của Trung Quốc. Hàng lối thẳng tắp, không hề có cỏ dại, minh chứng cho tinh thần cần cù lao động của những người làm vườn. Đây đó trên cánh đồng chúng tôi thấy những người nông dân với dáng người cúi gập. Chúng tôi vượt qua hàng dài những chiếc xe thồ hai bánh chất đầy rau do những con ngựa lùn lông lá kéo. Giao thông ngày một nhiều và tấp nập. Xe chúng tôi chạy qua bức tường rực sáng của thành phố và lao đi trên những đường phố Bắc Kinh.

Đã 16 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên tôi tới Bắc Kinh. Thật ra khi đó tôi không ở Bắc Kinh, thành phố khi ấy đang bị quân Nhật chiếm đóng, nhưng tôi đã đến nhiều thành phố Trung Quốc khác. Giờ trước mắt tôi là một Bắc Kinh mới mẻ. Mới mẻ và không có gì giống với đất nước mà tôi đã tới trong cuộc chiến tranh chống Nhật – đất nước sống dưới gót giày của Quốc dân đảng và đế quốc ngoại bang.

Trung Quốc mới mẻ trong mọi thứ và trước hết là ở những gương mặt người. Những gương mặt tự tin, hiểu rõ giá trị của bản thân. Không có người nghèo, người bị khinh rẻ. Thế mà sự nghèo đói và đau khổ đã từng đập vào mắt tôi ở nước Trung Quốc cũ! Trên đường phố tấp nập học sinh, các chàng trai, cô gái cắp sách, đi, chạy, lao trên những chiếc xe đạp. Những dòng xe đạp vút qua các ngõ nhỏ của thành phố. Hầu như ai cũng đeo khẩu trang bằng vải xô để ngăn bụi bay khắp nơi ở Bắc Kinh. Cảnh sát trong những bộ sắc phục vàng với cầu vai trắng, say sưa phấn khởi điều khiển hoạt động giao thông nhộn nhịp trên đường phố. Họ đứng trên những bục bê tông cao tại những ngã ba, ngã tư, xoay người dứt khoát, dang rộng tay thông đường cho những hàng ô tô, xe điện kêu leng keng, xe buýt, xe chở rau quả.

Từ trong mê cung những con phố nhỏ, chúng tôi thoát ra đại lộ rộng lớn chạy ngang qua Hoàng cung, được nối bằng những chiếc cầu đá. Ở cổng chính có đôi sư tử với khuôn mặt xấu xí, những chiếc răng nanh đáng sợ bằng đá hoa cương.

Trong căn phòng rộng của khách sạn “Bắc Kinh”, chúng tôi không có thời gian nghỉ ngơi. Chúng tôi tổ chức họp bàn ngay, có Bí thư Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, đồng chí Trần Văn Thực và phiên dịch viên Văn Chiến tham dự. Anh phiên dịch trông như một cậu bé. Trông cậu ta chỉ khoảng 17, 18 tuổi, thực ra đã 25. Một con người thông minh, năng động. Anh nói tiếng Nga rất chậm và cẩn thận, cố gắng không để mắc một lỗi ngữ pháp nào.

Chúng tôi kiểm tra lại danh mục những việc cần thiết, những thứ phải mua sắm. Ở Moskva, chúng tôi chủ yếu lo máy móc, phim ảnh. Giờ chúng tôi phải sắm một số thứ như bi đông, phích nước, giày vải thể thao, áo khoác. Chúng tôi quyết định để lại Bắc Kinh một phần phim, chúng sẽ được bảo quản trong kho lạnh của đại diện hãng phim xuất khẩu Xô Viết. Chúng tôi mang theo khoảng 20.000 thước phim, khi nào hết, mọi người sẽ gửi tiếp cho chúng tôi.

Đại biện nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng chí Châu Lượng, đợi chúng tôi lúc 6 giờ 30 phút tại Câu lạc bộ quốc tế để ăn tối. Câu lạc bộ nằm trong khu vực rất yên tĩnh, hầu như không có người ở. Những người phục vụ mặc đồ trắng lặng lẽ đi lại trên thảm mềm, chỉ có tiếng quạt quay khe khẽ. Chúng tôi bắt đầu cuộc trò chuyện trong phòng khách, rồi chuyển sang ngồi trong phòng ăn hình tròn.

Câu lạc bộ quốc tế Bắc Kinh là địa chỉ truyền thống của các cuộc gặp gỡ ngoại giao, các buổi tiệc chính thức. Cuộc gặp gỡ của chúng tôi không có các thủ tục ngoại giao. Đồng chí Châu Lượng là một người hoạt bát, lịch thiệp. Đồng chí hỏi về kế hoạch làm việc của chúng tôi. Hóa ra các thông dịch viên và Trưởng Ban Điện ảnh – Nhiếp ảnh Việt Nam, đồng chí Phạm Văn Khoa(9), từ Việt Nam sang, đã đợi chúng tôi mấy ngày nay ở thành phố Nam Ninh của Trung Quốc, chúng tôi sẽ tới đó bằng máy bay riêng. Bữa ăn kiểu Trung Quốc rất ngon miệng gồm 25 món – rau củ, cá, thịt, hoa quả. Tất cả được trình bày theo những chủ đề khác nhau. Có rất nhiều loại nước chấm. Chúng tôi chú ý tới mấy món ăn đặc biệt – vây cá sấu, măng, hạt sen và cả một loại quả đặc biệt. Dưới lớp vỏ mỏng khô màu nâu sẫm là lớp cùi trắng xanh, vị hơi chua ngọt, tan trong miệng, bên trong cùng có hạt nhỏ đen bóng như thể được tráng một lớp sơn bóng. Loại quả này mọc ở miền Nam Trung Quốc. Một trăm năm trước, khi chưa có đường sắt và hàng không, người ta phải chạy tiếp sức để kịp dâng “lệ chi” lên hoàng đế. Họ thường phải chạy đến hết hơi, kiệt sức, để kịp chuyển món quà quý cho người chạy tiếp theo. Có lẽ vì thế mà nó có cái tên buồn “lệ chi”.

Trong bữa ăn thân mật, chúng tôi tiếp tục thu thập thông tin về đất nước xa xôi, nơi mọi người đang đợi chúng tôi. Chúng tôi hỏi rất nhiều điều.

Trong khách sạn chúng tôi gặp lại chàng phiên dịch Văn Chiến. Cậu ta đợi chúng tôi trong phòng cùng với thợ may. Người này nhanh chóng lấy số đo của chúng tôi để sáng mai kịp giao cho chúng tôi những bộ quần áo mỏng mặc mùa hè. Mỗi chúng tôi đều tự nghĩ ra một hệ thống túi đặc biệt để đựng máy, sổ tay và giấy tờ.

Giờ là lúc đi ngủ!


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button