Hồi ký - danh nhân

Hồi Ký Trần Văn Khê Tập 2

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Trần Văn Khê

Download sách Hồi Ký Trần Văn Khê Tập 2 ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : HỒI KÝ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Bảo vệ vốn cổ

SAU MỘT THÁNG Ở HÀ NỘI, làm được một số việc đã ấp ủ từ lâu, tôi trở về Pháp mà trong lòng rất vui. Đến tháng 8, theo lời mời của Đại học Durham, tôi qua nước Anh tham dự một nhạc hội thế giới.

Durham tuy là trường đại học của một tỉnh nhỏ nhưng lại rất có uy tín tại Anh, chỉ thua hai đại học Oxford và Cambridge. Lần đầu tiên nơi này tổ chức nhạc hội có biểu diễn nhạc châu Á. Tôi cùng hai con Trần Quang Hải và Thủy Ngọc giới thiệu nhạc Việt Nam trong cuộc hội thảo đã gây được ấn tượng tốt về âm nhạc Việt Nam cho các đại biểu tham dự. Giáo sư Pratt, người tổ chức Nhạc hội, hẹn sẽ mời cha con chúng tôi trở lại nhiều lần nữa.

Sau đó tôi đi Philippines để tham dự Diễn đàn Âm nhạc châu Á tổ chức tại thủ đô Manila. Những chuyến đi của tôi thường một công hai ba chuyện, chẳng hạn lần này tôi đến đây với tư cách người đại diện Hội đồng Quốc tế Âm nhạc, đồng thời là thành viên Ban tuyển lựa của Diễn đàn Âm nhạc châu Á và là giáo sư thỉnh giảng, nói chuyện về âm nhạc Việt Nam ở vài trường đại học.

Tháng 10, tôi và Thủy Ngọc đi Tiệp Khắc dự hai nhạc hội lớn ở Brno và Bratislava. Cha con tôi được dành cho một giờ đồng hồ đờn âm nhạc Việt Nam tại phòng nhạc giao hưởng ở Bratislava, được truyền thanh truyền hình trực tiếp.

Ông Mokry, giáo sư Nhạc viện Bratislava, cố vấn nghệ thuật của Ban tổ chức, hỏi tôi:

– Xin anh cho biết tiền thù lao bao nhiêu để tôi báo lại với phía tổ chức làm hợp đồng thanh toán.

Tôi trả lời:

– Tôi chưa bao giờ đòi hỏi điều kiện gì hơn mọi người. Anh trả thù lao cho một nhạc sĩ phương Tây bao nhiêu thì cứ trả tôi bấy nhiêu.

Anh đồng ý liền và nói chỉ ngại tôi đòi cao hơn. Đó là lần đầu tiên tôi trình diễn tại một nước xã hội chủ nghĩa mà được trả thù lao bằng đôla Mỹ. Tôi rất vui khi thấy một nhạc sĩ biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam như tôi được nhìn nhận tương đương với những danh cầm của các nước phương Tây và được đối đãi rất trân trọng

Tháng 12 năm 1976 tôi được mời dự “Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hàn lâm viện Âm nhạc Ấn Độ” tại tỉnh Madras ở miền Nam nước này. Tôi chuẩn bị bài viết về đề tài “Những điểm giống nhau và khác nhau giữa điệu thức Việt Nam với điệu thức Ấn Độ” đề cập vắn tắt những điểm tương đồng và tiểu dị giữa điệu thức hai nước. Chuyến đi này rất khỏe, qua đến nơi tôi chỉ cần đưa bài tham luận cho Ban tổ chức rồi thảnh thơi ngồi nghe âm nhạc, thưởng thức món cà ri truyền thống của Ấn Độ.

Tôi đang trong tâm trạng thoải mái chờ đợi chuyến đi sắp tới thì bỗng nhiên anh Dariouche Safvat, một người vừa là học trò vừa là bạn, từ bên Ba Tư bay qua Paris vội vã đến tìm tôi cầu cứu:

– Chúng tôi đang gặp chuyện hết sức khó khăn. Năm nay những người học nhạc ở phương Tây về nước làm việc đã chỉ trích nhạc truyền thống Ba Tư, cho rằng nó cổ lỗ và không có giá trị. Họ đề nghị Chánh phủ giảm bớt ngân quỹ dành cho nhạc dân tộc để tập trung cho việc dạy nhạc phương Tây. Họ hết lời ca tụng những cái hay của nhạc phương Tây và đang gây tâm trạng phân vân trong các cấp lãnh đạo nước tôi vì không biết nghe theo ai. Những người theo nhạc phương Tây đề nghị tổ chức một cuộc gặp gỡ trên truyền hình, đối thoại trực tiếp với những người ủng hộ nhạc truyền thống, mỗi bên đưa ra cái hay của mình, sau đó sẽ lấy ý kiến của quần chúng. Tôi biết đờn nhưng không đủ khả năng cãi lại người ta, hơn nữa tôi theo đạo Soufisme không được phép lớn tiếng, nếu tôi tranh luận với họ một hồi đâm ra tức giận rồi nặng lời thì có lỗi với đạo. Còn mấy ông nghệ nhân tuy đờn giỏi nhưng làm sao đủ trình độ tranh luận với những người từng đi học nước ngoài. Nếu chúng tôi thua họ thì nhạc cổ truyền Ba Tư lâm nguy. Điều này vô cùng quan trọng đối với chúng tôi, vì vậy anh em nhờ tôi đến mời thầy qua cãi giùm.

ĐỌC THỬ

Tôi ngạc nhiên:

– Nhưng tôi làm sao rành nhạc Ba Tư bằng các bạn!

– Trong buổi gặp gỡ này không bàn luận về âm nhạc mà mục đích là đưa ra quan điểm, không phải bàn về kỹ thuật hay nhạc lý mà khẳng định thái độ đối với vốn âm nhạc cổ. Từ trước tới nay thầy luôn quan tâm bảo vệ âm nhạc truyền thống của nước mình. Do đó những nghệ nhân ở nước tôi bàn với nhau phải mời cho được giáo sư Trần Văn Khê tham gia vô nhóm bảo vệ vốn cổ mới cãi lại được với mấy ông theo phương Tây.

Tôi phân vân vì nghĩ rằng mình không biết nhiều về nhạc Ba Tư, nhưng mặt khác thấy chuyện này giống như ngày xưa học trò lâm nguy lên núi cầu sư phụ hạ san giúp đỡ. Rõ ràng là không thể không đi. Tôi liền viết thơ xin lỗi, từ chối không qua Ấn Độ rồi thu xếp đi Ba Tư.

Buổi đối thoại giữa bên binh vực nhạc truyền thống với bên ủng hộ nhạc phương Tây rất dài, ở đây tôi chỉ thuật lại một phần trong đó tôi đưa ra ý kiến của mình. Khi phe ủng hộ nhạc phương Tây hỏi:

– Nếu đem so sánh cây đờn Kémantché (loại đờn kéo dây của Ba Tư) và đờn violon, đứng về mặt tuyệt đối thì đờn nào hơn?

Mấy ông nghệ nhân lo lắng thì thầm với nhau:

– Dĩ nhiên là đờn violon hơn, thôi chắc là mình thua rồi!

Tôi nói với họ:

– Để tôi trả lời cho.

Rồi tôi xin phát biểu:

– Trước khi trả lời các bạn, tôi xin đặt câu hỏi: nhạc khí bên phương Tây làm bằng chất liệu gì?

– Nhạc khí được làm bằng gỗ, bằng kim khí và bằng da.

– Ở Ba Tư nói riêng và châu Á nói chung, nhạc khí không chỉ làm bằng gỗ, bằng kim khí, bằng da mà còn làm bằng đá, bằng sậy, bằng bầu. Do đó về chất liệu, nhạc cụ ở châu Á phong phú hơn phương Tây.

Tôi lại đưa ra câu hỏi thứ nhì:

– Các bạn có biết ông Al Farabi sắp loại về thanh nhạc như thế nào không?

Ông Al Farabi chính là nhạc sĩ truyền thống nổi tiếng, niềm tự hào của dân tộc Ba Tư. Nhưng mấy ông học nhạc phương Tây không rành nhạc cổ nên đành trả lời qua loa:

– Chúng tôi chỉ biết đại khái ngay từ thế kỷ XVII ông Al Farabi đã viết sách về lý thuyết âm nhạc.

Tôi trả lời:

– Tôi không nói và đọc được tiếng Ba Tư cũng như tiếng Á Rập, nhưng do ngưỡng mộ danh tiếng của ông Al Farabi nên đã tìm đọc những quyển sách do chính ông viết, được dịch ra tiếng Pháp và tiếng Anh, qua đó được biết cách ông xếp loại âm nhạc, chia giọng hát ra nhiều loại, có tiếng trong, tiếng đục, cao thấp, nặng nhẹ, khô ướt, trong đó giọng hát hay nhất là “khàn khàn và nức nở”. Người có giọng “khàn khàn và nức nở” tuyệt vời nhứt là bà Al Kulthum ở Ai Cập, mỗi khi bà cất tiếng hát cả thế giới Á Rập lắng nghe say mê. Khi được tin bà từ trần, chỉ trong vòng một giờ đồng hồ sau không thể tìm mua được dĩa hát nào của bà nữa. Nhưng giọng của bà khi cất lên phải có cây Kémantché đệm theo mới phù hợp, bởi vì đờn Kémantché phát ra âm thanh “khàn khàn và nức nở”, còn tiếng đờn violon trong quá nên không phù hợp với chất giọng này. Nếu so sánh hai nhạc khí về mặt tuyệt đối thì tất nhiên đờn violon phải hơn, nhưng ở đây phải đặt vấn đề hơn ở chỗ nào, để làm gì và cho ai? Dĩ nhiên đờn violon hay tuyệt đối trong nhạc phương Tây, nhưng nếu để phụ họa cho giọng ca trong âm nhạc của Ba Tư thì chắc chắn đờn Kémantché có nhiều chỗ hơn hẳn. Nhứt là khi biểu diễn kỹ thuật ngân nga ”tahrir” của Ba Tư – tương tợ với kỹ thuật ngân nga trong cách hát Flamenco – thì đờn Kémantché đệm theo hết sức tuyệt vời. Do đó đối với âm nhạc dân tộc Ba Tư, đờn Kémantché có vị trí đặc biệt mà không đờn nào sánh nổi.

Ngay lúc đó công chúng theo dõi chương trình gọi điện thoại tới tấp cho Đài truyền hình gởi lời cám ơn và khen ngợi, cho rằng điều tôi nói là chính xác.

Ngoài ra phe ủng hộ nhạc phương Tây còn đặt vấn đề bài bản, cho rằng nhạc phương Tây phong phú hơn nhạc Ba Tư nhiều lần. Tôi trả lời:

– Các bạn nói vậy là chú ý đến số lượng mà không coi trọng chất lượng. Nếu chỉ chú trọng đến số lượng nhiều của những bản nhạc đã được in ra hóa ra các bạn là người “mê tín chữ viết”, chớ thật ra ghi thành bản rồi nó sẽ cô đọng và xơ cứng. Trong khi đó những điệu thức bên Ba Tư thể hiện mỗi lần mỗi khác nhau, có tính chất động mà không tịnh, mở mà không đóng. Thành ra tuy nói rằng chỉ có mười hai điệu thức, nhưng thật ra những điệu thức này được biến hóa vô tận, ngày hôm nay đờn nghe khác hẳn với ngày hôm qua. Do đó không thể lấy số lượng bài bản đưa ra so sánh với số lượng điệu thức. Tôi cho rằng âm nhạc dân tộc Ba Tư có sức phát triển ghê gớm. Ngày hôm nay người này đờn Mahour, ngày mai người khác đờn Mahour, mỗi người đờn đã khác nhau mà người nghe cảm nhận cũng khác. Tất cả theo một sự biến chuyển vô cùng, thiên biến vạn hóa. Con số đó không thể đếm được và rõ ràng nhạc truyền thống của các bạn phải hàm chứa bao nhiêu sức sáng tạo mới tồn tại tới bây giờ.

Sau buổi gặp gỡ này, không biết bao nhiêu thơ từ công chúng gởi tới khen ngợi và yêu cầu phải gìn giữ vốn cổ. Ông Ghotbi, giám đốc Đài truyền hình, xuất một số tiền thật lớn – lúc bấy giờ qui ra tiền Pháp là một triệu rưỡi quan – để thành lập “Trung tâm bảo vệ, phổ biến và phát huy âm nhạc truyền thống dân tộc Ba Tư” và đề cử anh Safvat làm giám đốc.

Tôi được mời ở lại một thời gian để cùng với Safvat bàn bạc việc tổ chức trung tâm, việc dạy đờn cũng như phương pháp giảng dạy. Tôi đề nghị phải có ít nhứt từ 15 tới 20 học bổng cho những người trẻ tuổi đờn hát giỏi được học trở lại theo phong cách truyền ngón ngày xưa. Bởi vì kinh nghiệm cho thấy trong suốt tám năm Safvat dạy theo phương pháp ký âm phương Tây chỉ đào tạo ra được những người đờn giỏi mà không có nghệ sĩ thực thụ. Anh Safvat đồng ý không dạy theo ký âm như trước mà dạy truyền ngón và tuyển được 16 người. Những người này về sau là nghệ nhân trẻ tuổi của Ba Tư, giữ được truyền thống và truyền lại cho thế hệ sau.

Các nghệ nhân được mời vô dạy truyền ngón đã đào tạo được những người đờn ca rất xuất sắc, đặc biệt nhứt là cô Parisa Waezi, sau đó cô này trở nên một ca sĩ nổi tiếng. Nhờ đó trong sinh hoạt âm nhạc Ba Tư có cuộc thay đổi lớn, anh Safvat cho tôi biết lần đầu tiên tại đây mới có sự kiện đưa ra thị trường băng cassette nhạc truyền thống ghi âm cô Parisa Waezi ca theo điệu thức Mahour, chỉ trong ngày đầu tiên đã phát hành được gần hai chục ngàn cuốn.

Ngoài ra trường Đại học Téhéran còn mời tôi giảng về âm nhạc Việt Nam, cách sắp loại nhạc cụ và giảng luôn một bài về Dastgâh và Awâz (điệu thức trong cổ nhạc Ba Tư). Tôi e ngại nói:

– Tôi làm sao biết rành nhạc Ba Tư bằng các vị.

– Cách giảng của giáo sư khác với bên đây nên chúng tôi muốn cho sinh viên học được phương pháp giảng dạy này.

Khi tôi vô giảng dạy ở trường đại học tại Ba Tư, Đài truyền hình quay thành phim nhựa để giữ lại.

Vài năm sau, trong nhạc hội Shiraz của Ba Tư không chỉ có nhạc thính phòng, nhạc cao cấp mà có cả nhạc dân gian tham dự.

Năm 1976 đối với tôi thật là phong phú, ngoài việc được trở về nước tôi còn đi nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt đã làm xoay đổi chiều hướng gìn giữ âm nhạc truyền thống của Ba Tư.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button