Review

Lũ Trẻ Đường Tàu

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Edith Nesbit
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 174
Ngày xuất bản 02-2016
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

“Em bảo này,” Phyllis gợi ý, “lát nữa Rồng xanh đi qua chúng mình cũng vẫy chào nhé. Nếu nó là rồng thần, nó sẽ hiểu và mang tình yêu của chúng mình tới cha. Còn nếu không, ba cái vẫy tay thì có mất gì đâu. Đừng bỏ lỡ dịp này.”

Do đó khi Rồng xanh phì phò lao ra miệng hang, tức là đường hầm ấy, cả ba đứa trẻ đứng trên hàng rào ra sức vẫy vẫy khăn mùi xoa, chẳng bận tâm khăn sạch hay không sạch. Có điều mấy cái khăn tay thực tế là không sạch.

Từ toa tàu hạng nhất, một bàn tay vẫy lại. Một bàn tay rất sạch, cầm một tờ báo, bàn tay của ông.

Từ đó, đã thành lệ vẫy tay giữa bọn trẻ và tàu lúc 9 giờ 15 phút.”

Một tối, cha đi khỏi nhà cùng hai người đàn ông lạ mặt và không trở về. Mẹ lẳng lặng gói ghém đồ đạc đưa lũ trẻ về sống tại “Ba ống khói”, ngôi nhà nằm bên một nhà ga tưởng tượng thuộc ở miền quê Yorkshire. Từ ngày về đây, đường tàu đã trở thành trung tâm cuộc sống ba chị em Bobbie, cuốn chúng vào những chuyến phiêu lưu mạo hiểm nhưng vô cùng kỳ thú: Cứu cả đoàn tàu thoát khỏi tai nạn trong trận lở đất, giúp ông người Nga tha hương tìm lại gia đình, cứu em bé nhà “ông sà lan” thoát khỏi đám cháy… Nhưng đằng sau những chiến tích rực rỡ vẫn là một nỗi buồn thầm lặng khôn nguôi. Bởi vì, bao giờ cha sẽ về?

Câu chuyện về ba đứa trẻ nghèo sống bên đường tàu đã cuốn độc giả vào một thế giới tinh nghịch, trong trẻo mà cảm động tha thiết, một xâu chuỗi khéo léo những tình tiết tưởng như rời xa nhau nhưng hóa ra lại đồng quy ở kết thúc đầy bất ngờ nơi cuối truyện.

Đến từ nước Anh và sau hơn một thế kỷ ra mắt, Lũ Trẻ Đường Tàu của Edith Nesbit vẫn luôn là một tượng đài tác phẩm thiếu nhi kinh điển không thể bỏ qua, một viên ngọc đã ở lại trong ký ức nhiều thế hệ độc giả trẻ thế giới.

[taq_review]

Trích dẫn

Bác ơi, bà ấy bảo cháu bác là một bác sĩ tốt, cháu đã hỏi làm thế nào bà có thể trả tiền cho bác sĩ, bởi vì nhà bà ấy còn nghèo hơn nhà cháu nữa. Cháu đến nhà bà  bà ấy rồi nên cháu biết mà. Thế là bà kể chuyện về câu lạc bộ và cháu nghĩ là nên hỏi bác… và ôi, cháu không muốn mẹ lo lắng. Nhà cháu có thể vào câu lạc bộ như bà Viney không ạ ?”

Bác sĩ im lặng. Gia đình ông cũng chẳng mấy khá giả, nếu không thì ông đã hài lòng khi có thêm một gia đình mới tham dự. Do đó tôi cho rằng cảm xúc của ông giây phút này khá là phức tạp.

“Bác không giận cháu chứ ?”, Bobbie lí nhí.

“Giận ? Sao bác có thể giận cháu ? Cháu là một cô bé rất sáng suốt. Giờ cháu nghe này, đừng lo lắng. Bác sẽ thu xếp ổn thỏa cho mẹ cháu, dù có phải lập một câu lạc bộ mới đặc biệt dành riêng cho bà thì bác cũng làm. Cháu nhìn xem, đây là nơi cầu máng bắt đầu.”

“Cầu… gì ạ ? Tên của nó ấy ?” Bobbie hỏi.

“Cầu dẫn nước,” bác sĩ bảo. “Xem kìa.”

Con đường leo lên cầu bắc qua dòng kênh. Bên trái là vách đá dốc đứng có những cây và lùm bụi mọc trên kẽ đá nứt. Từ chỗ này, con kênh rẽ trái chạy quanh đỉnh đồi và đổ về cây cầu của riêng nó, một cây cầu lớn với những vòm cao vắt qua thung lũng.

Bobbie hít một hơi thật dài.

“Hùng vĩ quá phải không ạ ?” con bé nói. “Chẳng khác nào mấy bức tranh trong cuốn Lịch sử Roma vậy.”

“Đúng !” bác sĩ nói, “chính xác là giống như thế. Người Roma là bậc thầy về cầu máng. Nó là kiệt tác tuyệt mỹ của kỹ thuật.”

“Cháu cứ tưởng kỹ thuật chỉ là làm tàu hỏa thôi cơ.”

“Ờ, có nhiều ngành kỹ thuật khác nhau – làm đường, cầu và đường hầm là một ngành. Làm công sự là một ngành khác. Ồ, chúng ta phải quay về rồi. Nhớ là cháu không được lo lắng về hóa đơn kẻo lại phát ốm, lúc ấy thì bác sẽ phải gửi cho cháu một cái hóa đơn dài như cầu máng đấy.”

Khi Bobbie chia tay bác sĩ ở đỉnh đồi cỏ trải dài từ đường xuống Ba Ống Khói, con bé không thấy mình làm điều gì sai. Nó biết rằng mẹ có thể nghĩ khác. Nhưng tự đáy lòng nó cảm thấy lần này mình đúng. Với cảm giác hạnh phúc thực sự, Bobbie trèo xuống con dốc nhấp nhô đá sỏi.

Phyllis và Peter đón chị ở cửa sau. Chúng đều sạch sẽ và gọn gàng khác thường. Phyllis cài một chiếc nơ đỏ trên đầu. Chỉ vừa đủ thời gian cho Bobbie chỉnh đốn quần áo và buộc lên tóc một cái nơ xanh trước khi chuông reo.

“Xong !” Phyllis hô, “điều bất ngờ đã sẵn sàng. Bây giờ chị đợi chuông reo lần nữa là vào phòng ăn nhé.”

Và Bobbie đợi.

“Tinh, tinh,” chiếc chuông nhỏ reo vang ! Bobbie bước vào phòng ăn, cảm thấy hơi xấu hổ. Ngay khi cửa mở, con bé như thấy mình lạc vào thế giới mới của ánh sáng, hoa và tiếng hát.

Mẹ và Peter và Phyllis đứng thành một hàng cuối bàn. Cửa chớp đều đóng lại và mười hai ngọn nến trên bàn, mỗi ngọn tượng trưng cho một tuổi của Bobbie. Bàn ăn phủ đầy các loài hoa, và ở chỗ của Bobbie là một vòng hoa lưu ly dày cùng mấy gói nhỏ vô cùng thú vị. Mẹ cùng Peter và Phyllis đang hát, theo giai điệu đoạn đầu của bài Ngày thánh Pattrick. Bobbie biết rằng mẹ đã viết lời dành cho sinh nhật của nó. Đó là cách thể hiện thân thương mẹ vẫn dành cho mỗi dịp sinh nhật, bắt đầu từ sinh nhật 4 tuổi của Bobbie khi Phyllis mới sinh, Bobbie nhớ nó đã thuộc lời bài hát để cho cha “ngạc nhiên”. Con bé tự hỏi liệu mẹ có còn nhớ không, lời bài hát đó như sau:

Cha yêu quí con vừa lên bốn

Con chẳng muốn lớn hơn số bốn

Bốn là số đẹp nhất cha à

Hai cộng hai bằng một cộng ba

Hai cộng hai là điều con muốn

Mẹ với Pete thêm Phil cùng cha

Điều cha muốn là một cộng ba

Mẹ bên con có Phil cùng Pete

Hãy tặng con gái cha nụ hôn

Cho bài hát con vừa nhập môn

Và bài hát mẹ và các em nó đang hát là:

Roberta yêu quí

Nỗi buồn theo gió đi

Nếu ta cùng ngăn nó

Tránh xa đường Bobbie

Ngày sinh nhật của Bob

Ngày chung vui cả nhà,

Tặng Bob thật nhiều quà.

Hát bài của riêng ta.

Cho niềm vui đến thăm

Và số phận đồng hành

Những ngày tươi đẹp nhất

Theo Bob tròn tháng năm.

Với bầu trời rực rỡ

Bên người thân sum vầy !

Và mừng sinh nhật này,

Bob vô cùng yêu quý !

Khi bài hát kết thúc họ cùng hô, “Ba niềm vui cho Bobbie !” ba lần thật to. Bobbie cảm thấy mình sắp khóc đến nơi – bạn biết cái cảm giác kỳ quặc khi sống mũi cay cay và lan sang mi mắt chứ ? Nhưng mọi người cùng ùa lên ôm hôn con bé, không để nó có thời gian mít ướt.

“Bây giờ con bóc quà đi nào,” mẹ nói.

Đó là những món quà thật đẹp. Một cuốn sổ gài kim chỉ hai màu xanh đỏ mà Phyllis đã làm vào những lúc bí mật. Quà của mẹ là một cái ghim nhỏ cài cổ áo tuyệt đẹp có hình hoa mao lương, lâu nay Bobbie vẫn ước gì có cái ghim như thế nhưng chưa bao giờ nghĩ có ngày được sở hữu nó. Còn một đôi lọ hoa thủy tinh xanh dương của bà Viney mà Bobbie đã thấy và say sưa ngắm nghía trong cửa hàng của làng. Ba tấm thiệp chúc mừng sinh nhật với những hình vẽ ngộ nghĩnh và lời chúc tốt đẹp

Mẹ đặt vòng hoa lưu ly lên mái tóc nâu của Bobbie.

“Giờ nhìn lên bàn đi con,” mẹ bảo.

Trên bàn là một cái bánh ga tô phết kem trắng có xếp chữ “Bobbie yêu quý” bằng kẹo hồng. Có bánh nho và mứt dẻo; nhưng điều tuyệt nhất là hầu khắp cái bàn lớn được phủ đầy hoa – hoa quế trúc xếp quanh khay trà – quanh mỗi đĩa có một vòng hoa lưu ly. Chiếc ga tô có một vòng tử đinh hương trắng, và ở giữa bàn là một hình gì đó được xếp từ những bông tử đinh hương, quế trúc và đậu chổi.

“Đây là cái gì ?” Bobbie hỏi.

“Là bản đồ đấy chị, bản đồ đường sắt !” Peter phấn khích. “Nhìn này những dải hoa tử đinh hương là đường ray, 1 nhà ga bằng hoa quế trúc. Hoa đậu chổi là con tàu, kia là các trạm phát tín hiệu, và con đường chạy đến đây, những bông cúc đỏ mũm mĩm này là chúng ta đang vẫy cụ ông, ông kia, bông păng xê trong tàu hoa đậu chổi ấy.”

“Và đây là ‘Ba Ống Khói’ làm bằng hoa báo xuân tía,” Phyllis nói. “Nụ hồng nhỏ xíu đó là mẹ chờ chúng ta về dùng bữa trà khi chúng ta về muộn. Peter đã nghĩ ra mọi thứ, và tất cả hoa này hái ở nhà ga. Chúng em nghĩ thế chị sẽ thích hơn.”

“Và đây là quà của em,” Peter nói và đặt ngay con tàu hơi nước yêu quý của mình lên bàn trước mặt Bobbie. Toa than lót giấy trắng mới tinh và chất đầy kẹo.

“Ôi, Peter,” Bobbie kêu lên, choáng ngợp bới lòng hào hiệp ấy, “chẳng phải con tàu nhỏ quý giá mà em rất thích đây sao ?”

“Ồ, không,” Peter vội nói, “không phải tàu. Chỉ kẹo thôi.”

Bobbie không thể ngăn một thoáng thay đổi trên gương mặt – không phải vì nó thất vọng khi không được nhận con tàu mà bởi vì nó đã biết rằng con tàu quý giá thế nào đối với Peter, và lúc này nó cảm thấy mình thật ngốc nghếch khi nghĩ thế. Nó cũng cảm thấy mình quá tham lam mong chờ cả tàu lẫn kẹo. Vậy là một thoáng thay đổi lướt qua. Peter đã nhìn thấy. Thằng bé lưỡng lự một phút; rồi khuôn mặt nó cũng thay đổi, và nó nói, “Em định nói là không phải cả đoàn tàu. Em sẽ cho chị một nửa nếu chị thích.”

“Em tốt quá,” Bobbie kêu lên; “món quà này thật tuyệt vời.” Con bé thấp giọng và tự nhủ thầm, “Một sự hy sinh to lớn của Peter vì mình biết rằng em không định thế. Được rồi, mình sẽ nhận nửa hỏng đem đi sửa rồi tặng lại Peter vào sinh nhật.”

“Mẹ yêu quý, con muốn cắt bánh,” con bé nói thêm, và bữa trà bắt đầu.

Buổi sinh nhật mới vui vẻ làm sao. Sau bữa trà mẹ cùng chơi với chúng – bất cứ trò nào chúng thích – và đương nhiên trò đầu tiên là bịt mắt bắt dê. Bobbie mải đùa nghịch mà không hay biết vòng hoa lưu ly bị xoắn lại lủng lẳng ở một bên tai từ lúc nào. Gần đến giờ đi ngủ, ba đứa ngồi bên nghe mẹ đọc câu chuyện thú vị mẹ mới viết.

“Mẹ đừng thức khuya làm việc, mẹ nhé !” Bobbie nhắc lúc chúc mẹ ngủ ngon.

Và mẹ nói không, mẹ sẽ không thức khuya – mẹ chỉ viết thư cho cha rồi đi ngủ.

Nhưng khi Bobbie rón rén đi xuống lấy quà lên phòng – con bé cảm thấy không thể xa chúng cả đêm – thì nó thấy mẹ không ngồi viết mà gục đầu xuống hai cánh tay trên bàn. Bobbie thật ngoan, đã nhẹ nhàng quay gót, nhẩm đi nhẩm lại trong đầu, “Mẹ không muốn mình biết mẹ buồn, mình sẽ không biết, mình sẽ không biết.” Nhưng điều đó để lại một dấu chấm hết buồn cho ngày sinh nhật.

Buổi sáng hôm sau Bobbie bắt đầu nghĩ làm sao để bí mật mang con tàu của Peter đi sửa. Và cơ hội đến ngay chiều hôm đó.

Mẹ đi tàu đến thị trấn mua đồ. Lần nào tới đó mẹ cũng đều rẽ vào bưu điện. Chắc là để gửi thư cho cha, vì mẹ không bao giờ đưa cho bọn trẻ hay nhờ bà Viney bỏ thư, và mẹ cũng không bao giờ vào làng. Peter và Phyllis đi cùng mẹ. Bobbie muốn viện cớ ở nhà nhưng chịu không nghĩ ra cớ gì. Và đúng vào lúc nó đành quy hàng, váy của nó móc vào cái đinh to ở cửa bếp làm rách một miếng to tướng đằng trước. Tôi bảo đảm với bạn rằng đây thực sự là do sơ ý. Do đó mọi người thông cảm cho con bé và để nó ở nhà, vì không còn thời gian thay đồ, bởi vì đã khá muộn rồi và mọi người còn phải vội vã ra ga cho kịp tàu.

Khi cả nhà đã đi, Bobbie mặc bộ đồ hằng ngày rồi đi xuống đường tàu. Nó không muốn ra ga nên đi dọc đường tàu đến cuối ke ga nơi đầu máy đỗ khi tàu về, ở đó có bể nước và một vòi da dài mềm như vòi voi. Con bé giấu mình sau một bụi cây phía bên kia đường tàu. Con tàu đồ chơi gói trong giấy nâu. Nó kẹp gói giấy dưới nách và kiên nhẫn đợi.

Khi chuyến tàu tiếp theo về và dừng lại, Bobbie đi qua đường ray, đến bên con tàu. Nó chưa bao giờ lại gần tàu đến thế. Con tàu trông to lớn hơn và dữ tợn hơn nó tưởng làm cho nó cảm thấy mình rất chi nhỏ bé, và rất yếu ớt như thể chỉ cần sẩy một cái là bị trọng thương dễ như không.

“Giờ mình đã biết lũ tằm cảm thấy ra sao,” Bobbie tự nhủ.

Bạn đọc cảm nhận

Nuong Nguyen

Một câu chuyện cảm động, ý nghĩa. Mình thích tất cả những câu chuyện về trẻ em vì chúng rất đơn giản vói những suy nghĩ hết sức ngây thơ trong sáng nhưng đôi lúc cũng thật cụ non.

Câu chuyện về bọn trẻ với cuộc sống hạnh phúc với đầy đủ bố mẹ, hàng ngày không phải bận tâm điều gì, cho đến khi tai họa ập xuống mà bọn trẻ không cảm nhận được. Chúng chuyển về vùng nông thôn sống mà thiếu mất người cha, chúng hỏi mẹ nhưng chỉ nhận được câu trả lời là bố bận công việc nên không về đây với chúng ta được. Và tất nhiên, bọn trẻ thôi không hỏi nữa và lại bắt đầu vào việc khám phá chỗ ở mới. Những cuộc vui chơi và những cuộc cãi vã gần như song hành nhau nhưng chúng là anh chị em nên mọi thứ sẽ nhanh được hàn gắn lại. Chúng quen biết với nhiều người, giúp đỡ họ và cũng được họ giúp đỡ. Đặc biệt, là việc mỗi ngày chúng đều vẫy tay với đoàn tàu và đã giúp họ trong một lần tàu trật đường ray. Để rồi nhận được sự tán thưởng, sự yêu mến của mọi người. Mỗi ngày qua đi chúng thấy hạnh phúc với cuộc sống ở đó, mỗi ngày được trải nghiệm những điều thú vị, và cái kết thật khiến người ta vỡ òa trong hạnh phúc, người cha mà chúng ngày đêm mong mỏi đã trở về. Và hơn hết, trong tác phẩm này quả thật người mẹ thật vĩ đại, bà đã làm việc kiếm tiền, chăm sóc lũ trẻ, dạy chúng học chữ, dạy chúng cách cư xử với mọi người, dường như bà đã làm luôn phần của chồng mình để nuôi dạy nên những đứa trẻ xinh đẹp.

Nguyễn Minh Tuệ

Câu chuyện về ba đứa trẻ nghèo sống bên đường tàu đã cuốn độc giả vào một thế giới tinh nghịch, trong trẻo mà đầy cảm động. Có thể nói ba chị em trong truyện thật sự rất kiên cường. Ở lứa tuổi ấy, với cái suy nghĩ chưa chính chắn trẻ con thường phụ thuộc vào người, gắn bó với môi trường mình đang sống, nhưng ở đây những đứa trẻ giống như đã trưởng thành, thông hiểu cho hoàn cảnh gia đình mình. Với tâm hồn trong sáng đó, những đứa trẻ đã sống nơi mảnh đất nghèo, gắn bó với đường tàu làng quê. Câu chuyện xoay quanh cuộc sống của ba chị em từ những hành động hài hước đến những việc làm giúp đỡ người dân nghèo nơi ấy của bọn trẻ. Đường tàu cũng giống như người bạn tri kỷ của chúng hay là những ước mơ, hy vọng nhỏ nhoi về một ngày bình yên hạnh phúc trong tương lai. Một xâu chuỗi khéo léo những tình tiết tưởng như rời xa nhau nhưng hoá ra lại đồng quy ở kết thúc đầy bất ngờ nơi cuối truyện. Ước mơ nhỏ bé của bọn trẻ đã trở thành sự thật, bố đã trở về, cả gia đình lại một lần nữa được sống hạnh phúc bên nhau. Câu chuyện cảm động và rất có ý nghĩa.

Nguyễn Thị Hải Yến

Câu chuyện thú vị, nhẹ nhàng, hơi hướng cổ tích. Tôi mua về vốn để dành cho con trai nhưng trong thời gian rảnh rỗi đọc thử trước xem thế nào. Kết quả là rất ưng. Câu chuyện xoay quanh ba anh em một nhà có điều kiện và có giáo dục – nhưng lại trong bối cảnh lúc gia đình gặp sự cố. Cách các nhân vật nhí cố gắng giúp mẹ, chăm sóc mẹ và hòa thuận với nhau thật khiến những bậc làm cha mẹ ước ao. Không chỉ những đứa trẻ đáng yêu, người lớn trong truyện cũng rất nhân văn, họ dù giàu hay nghèo đều là những người tốt, dẫu có đôi lúc hơi giống nhím xù lông vì mặc cảm hay tự ái hay sợ tổn thương. Câu chuyện cũng là bài học cho các cô bé, cậu bé về lòng tốt, sự cảm thông và chia sẻ. Bản tôi thì ngưỡng mộ người mẹ thông minh của lũ trẻ, cách bà dịu dàng hay nghiêm khắc khi dạy dỗ chúng…

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button