Quà tặng cuộc sống

Những Khoảng Lặng Cuộc Sống

nhung khoang lang cuoc song sach ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nhiều Tác Giả

Download sách Những Khoảng Lặng Cuộc Sống ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  SÁCH HAY VỀ CUỘC SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Trái tim mang nhiều thương tích

Một buổi chiều trong công viên, có một chàng trai đang chăm chú vẽ một trái tim. Trên khung giấy trắng dần dần hiện ra một trái tim thật đẹp, thật hoàn hảo khiến mọi người đứng xem đều trầm trồ khen ngợi.

Bỗng một ông lão đi đến. Ông trầm tư ngắm nghía bức tranh của chàng trai một hồi lâu, rồi lặng lẽ mượn bút vẽ một hình thoạt nhìn rất lạ, nhìn thật kỹ mới nhận ra đó là hình một trái tim….

Chàng trai ngạc nhiên nhìn trái tim ông lão vừa vẽ, nó bị chắp vá chằng chịt, nhưng rõ ràng vẫn là một trái tim. Trên trái tim ấy, có chỗ như bị khuyết lõm, có chỗ như bị cắt đi và được ghép nối bởi những mảnh to nhỏ khác nhau.

Mọi người bắt đầu bàn tán và lắc đầu tỏ ý không hiểu ý nghĩa hình vẽ trái tim của ông lão. Chàng trai thắc mắc:

– Cụ ơi! Cháu không hiểu vì sao cụ lại vẽ trái tim như vậy? Làm sao trái tim lại mang nhiều vết sẹo và ráp nối như thế?

Ông cụ mỉm cười rồi nói:

– Đúng! Trái tim của ta có thể không hoàn hảo, nhưng nó là một trái tim thực sự. Đấy chỉ là do trái tim này đã có thời gian sống và trải nghiệm nhiều hơn trái tim của cậu. Hãy nhìn những dấu vết này! Tuy có nhiều thương tích nhưng tôi luôn tự hào về nó. Cậu biết không, khi tôi trao một mảnh tim của tôi cho một người thân, cha mẹ, anh chị, bạn bè và cả những người mà tôi tình cờ gặp được… thì ngược lại, họ cũng trao cho tôi một mảnh tim của họ để đắp vào chỗ trống ấy. Những mảnh tim này không hoàn toàn giống nhau: phần trái tim mà cha mẹ trao cho tôi bao giờ cũng lớn hơn phần tôi trao lại; con gái tôi dành cho tôi phần trái tim trong trẻo nhất; bạn đời tôi tặng cho tôi phần trái tim đẹp nhất và chung thủy nhất… Những mảnh tim ấy đã ghép vào nhau và tạo thành những vết chắp vá của trái tim tôi. Chính điều này luôn nhắc tôi nhớ về những người tôi yêu dấu, những tình yêu mà tôi đã được chia sẻ trong đời…

Ông lão nói tiếp:

– Còn những vết lõm này là phần trái tim tôi trao đi mà chưa được nhận lại. Cậu biết đấy, tình yêu trao đi chẳng cần đến sự đền đáp. Dù những khoảng trống này nhiều lúc làm tôi đau đớn, nhưng cũng chính nhờ chúng mà tôi có động lực để khao khát được sống, và có niềm tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn. Chàng trai ạ, nhờ những mảnh chắp vá này mà trái tim của tôi có sức sống mãnh liệt, trưởng thành và cảm nhận cuộc sống trọn vẹn, sâu sắc hơn đấy.

Đám đông im lặng, còn chàng trai không giấu được nỗi xúc động đang dâng trào trong lòng. Anh tự hào cầm bút cắt đi một mảnh trong trái tim hoàn hảo của mình và đắp vào một phần khuyết của trái tim ông lão. Đáp lại, ông lão cũng tặng anh một mảnh trái tim ông.

Giờ đây, trái tim của chàng trai đã có một vết sẹo. Tuy không còn hoàn hảo nữa, nhưng chàng trai cảm thấy trái tim mình đầy sức sống hơn bao giờ hết. Anh nhận ra sức mạnh và vẻ đẹp của trái tim không phải ở chỗ nó được giữ kỹ để không có một vết tích, tổn thương nào của cuộc đời – mà trái lại, càng hòa nhập và biết chia sẻ, dám yêu, dám sống và sẵn sàng cho đi, trái tim của con người càng trở nên nhạy cảm, sâu sắc và đập mạnh mẽ hơn.

– Hồng Tâm

The Real Heart

Đôi lúc trái tim cũng cần phải biết buồn đau, biết khóc để cảm nhận được giá trị của sự yêu thương; và biết cho đi để cảm nhận niềm vui, hạn

Tiếng sấm và nỗi sợ

“Tình yêu sẽ giúp ta vượt qua nỗi sợ hãi để sống với những gì ta thực sự yêu quý và có ý nghĩa với cuộc đời chúng ta.”

– Khuyết danh

Max – cậu con trai 4 tuổi của chị tôi – rất sợ sấm chớp. Mỗi khi ánh chớp lóe lên và tiếng sấm bắt đầu ầm ầm giữa bầu trời là cậu bé hoảng hốt chạy đến nép sát vào người mẹ. Lần nọ, lúc tôi đến thăm gia đình chị tôi thì trời sắp mưa. Chớp vạch một đường dài như chia đôi bầu trời, tiếp theo tiếng sấm nổ lớn, Max vội chạy đến bên mẹ sợ hãi la to:

– Mẹ ơi mẹ! Con sợ… con sợ ‘nó’ lắm!

Nhìn Max như vậy, tôi nhớ lúc còn nhỏ, mẹ thường dỗ dành tôi rằng, tiếng sấm là âm thanh mà các thiên thần tạo ra mỗi khi chơi bóng với nhau. Tuy nhiên, lúc tôi nói với Max điều này, cậu bé vẫn không hết sợ sấm chớp. Thế là tôi đề nghị hai dì cháu cùng ngồi vẽ tranh với nhau, hy vọng khi vẽ ra được những điều làm mình sợ hãi, Max sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi đề nghị:

– Max, con vẽ sấm chớp cùng dì nhé?

– Con sợ sấm chớp lắm! – Max lập tức trả lời.

– Dì biết con rất sợ ‘nó’. Nhưng không sao cả, chúng ta chỉ vẽ ‘nó’ ra trên giấy thôi mà.

Max nhìn tôi nghĩ ngợi một lát rồi đồng ý vẽ. Cậu bé hỏi tôi:

– Nhưng con không biết vẽ sấm chớp!

– Để dì vẽ trước cho con. Con nhìn dì vẽ kỹ nhé.

Tôi vẽ hai đường zích zắc chạm vào nhau ở hai đầu, còn phần giữa phình to ra như sắp nổ tung trên bầu trời, rồi hỏi Max:

– Con thấy có giống không?

Max gật đầu nhè nhẹ.

– Giờ đến lượt con vẽ nhé! – Tôi nhẹ nhàng bảo.

Cầm cây bút chì trong tay, Max ngần ngại vẽ một tia chớp bé xíu.

– Giỏi lắm, Max! Bây giờ con vẽ tia chớp to thêm một chút nữa để cho dễ tô màu – Tôi động viên.

Max còn vẽ nhiều lần nữa và mỗi lần vẽ, tia chớp của cậu bé lại to hơn cái trước, còn tôi luôn động viên cháu làm quen dần với hình ảnh khủng khiếp ấy. Cuối cùng, Max đã vẽ được một tia chớp rất to. Cậu bé reo lên:

– Dì ơi, cháu đã vẽ được con quái vật của bầu trời rồi này!

Khi Max cầm cây bút chì màu vàng để tô màu cho bức tranh, tôi thấy tay cậu bé run run. Có lẽ Max vẫn chưa quên được nỗi sợ hãi ám ảnh trong tâm trí mình. Tôi hỏi:

– Con cảm thấy sợ ở đâu hả Max?

– Ở ngay đây này! – Max đặt bàn tay nhỏ xíu lên ngực mình.

Tôi nhẹ nhàng đặt bàn tay của mình lên trên bàn tay của Max rồi hỏi cậu bé:

– Con đã thấy đỡ chưa?

– Một chút rồi dì ạ! – Max nói, tay vẫn cầm bút không ngừng tô màu lên bức tranh.

– Dì biết mà. Chỉ cần con không nghĩ đến nó, thì không có gì đáng sợ cả!

Max ngước mắt nhìn ra ngoài trời. Tiếng sấm vẫn ầm ầm như đe dọa cậu bé, chợt Max hỏi tôi:

– Thế dì có sợ sấm không?

– Có chứ! Dì cũng sợ sấm vô cùng! – Tôi nói như vậy vì nghĩ rằng Max đang cố tìm một người bạn để chia sẻ nỗi sợ hãi ấy.

Nhưng không, cậu bé vội bỏ cây bút chì màu xuống và chạy đến bên tôi, dang hai tay bé nhỏ của mình ôm choàng lấy tôi vỗ về:

– Không sao đâu dì ạ! Có cháu đây, cháu sẽ che chở cho dì. Dì không phải sợ gì hết!

Cử chỉ của cậu bé bốn tuổi làm tôi thật xúc động. Và cũng từ ngày Max biết che chở cho tôi khỏi sợ sấm chớp, cậu bé không còn sợ hãi chạy đi tìm chỗ nấp nữa. Tôi biết, chính sức mạnh của tình thương đã giúp cháu tôi vượt qua được nỗi sợ hãi của chính mình.

– Hoa Phượng

Theo Monster of The Sky

ĐỌC THỬ

Niềm tin ông cho tôi

“Người giàu có nhất là người biết cảm nhận được niềm vui từ những điều bình dị nhất.”

– Henry David Thoreau

Tôi còn nhớ như in vào một buổi chiều muộn, ông và tôi đang ngồi trên những bậc thang gỗ trước cửa nhà ngắm nhìn mặt trời lặn xuống khuất sau trạm xăng Texaco, ở phía bên kia con đường có nhiều xe cộ qua lại. Đó là con đường mà tôi không bao giờ được phép băng qua nếu không có người lớn, hoặc anh chị đi cùng. Ông và tôi ngồi trên bậc thang cao nhất, hai chân ông thả dài xuống quá hai bậc thang; còn tôi ngồi đung đưa, cố chạm chân xuống bậc thang ngay bên dưới nhưng không được.

Từng đám khói bay ra từ chiếc tẩu thuốc của ông và thỉnh thoảng có vài vòng khói trắng hình chữ O khiến tôi thích thú. Tôi thường lấy tay khuấy vào trong những vòng tròn ấy, lúc đó ông bật cười khanh khách.

Tôi là đứa thứ tư trong số sáu anh chị em. Hôm đó, hai em tôi đang ngủ trong nhà, còn ba anh chị khác đi chơi ở công viên, nơi tôi chưa được phép tự đi chơi một mình. Thỉnh thoảng, ông phải trông chừng chúng tôi khi cha mẹ tôi đi làm việc.

– Cháu có khát nước không? – Ông bất ngờ hỏi tôi nhưng vẫn không lấy cái tẩu thuốc ra khỏi miệng.

– Dạ có! – Tôi đáp lại.

– Cháu có muốn chạy qua trạm xăng bên kia đường mua một chai Coca không?

Tôi có nghe lầm không nhỉ? Với mức thu nhập khiêm tốn của gia đình tôi, Coca không nằm trong khoản chi tiêu hàng ngày của chúng tôi được. Từ trước đến giờ, tôi chỉ nhấm nháp vài ngụm chứ chưa bao giờ uống nguyên một chai cho thỏa thích cả.

– Dạ muốn! – Tôi lí nhí đáp và thầm nghĩ rằng chắc ông sẽ đi cùng với tôi qua con đường đó.

Ông duỗi chân ra, thò bàn tay to bè vào túi quần và lôi ra được mấy đồng bạc lẻ mà ông thường để dành. Ông đưa cho tôi một đồng năm mươi xu và đứng dậy bế tôi xuống đất, rồi nói:

– Ông phải ở lại đây trông chừng các em con. Khi nào thấy an toàn, ông sẽ ra hiệu để con băng qua đường. Con đi đến cái máy bán Coca, bỏ đồng xu vào trong đó rồi lấy chai Coca của con. Khi quay về, con phải đợi cho tới khi nào ông ra hiệu mới được băng qua đường, con nhớ không?

Tim tôi đập thình thịch, hai tay đang rịn mồ hôi nhưng vẫn nắm chặt đồng xu. Ông dắt tôi đến lề đường rồi quan sát dòng xe qua lại. Một lát sau, khi thấy đã an toàn, ông bảo tôi có thể băng qua đường được rồi. Tôi mạnh dạn chạy vụt qua. Con đường quen thuộc với tôi hàng ngày, nhưng hôm nay tôi cảm thấy nó rất rộng. Qua bên đường, tôi quay lại, ông vẫn còn đứng đấy, mỉm cười nhìn tôi.

Tôi đi thẳng tới chiếc máy tự động bán Coca to đùng. Tôi biết rõ phải nhét đồng xu vào vị trí nào vì tôi đã nhìn thấy một lần khi bố tôi đến mua nước ngọt. Tôi ngoái lại nhìn vẫn thấy ông đang quan sát tôi.

Sau cùng thì cái máy tham lam cũng đã nuốt chửng đồng xu của tôi và đẩy chai nước ngọt lăn xuống khe hở phía trước bụng của nó. Tôi nhón chân lên mở cánh cửa nặng trịch để lấy chai nước. Tôi không bao giờ quên cảm giác mát lạnh của chai Coca khi bàn tay tôi nắm vào. Tôi loay hoay đặt cổ chai bên dưới đồ mở nắp đóng dính trên tường. Cuối cùng, nắp chai cũng bật ra, tôi nuốt nước bọt khi thấy Coca sủi bọt lên thật hấp dẫn. Cầm chai Coca trong tay, tôi tự hào bước trở ra đường trong ánh chiều chạng vạng. Ông kiên nhẫn đứng đợi và mỉm cười nhìn tôi.

– Cháu đứng yên đó! – Ông la lên.

Một chiếc xe phóng nhanh qua trước mặt tôi.

– Giờ thì cháu chạy nhanh qua đây với ông! Tôi ngoan ngoãn làm theo lời ông. Chai nước ngọt mát lạnh vẫn nằm gọn trong tay tôi và tôi cảm thấy rất tự hào về việc làm của mình hôm đó!

Ông và tôi lại ngồi xuống những bậc thang cửa và ngắm mặt trời lặn khuất đằng sau trạm xăng Texaco cũ nằm phía bên kia con đường tấp nập – con đường mà tôi đã được phép băng qua một mình. Ông thả chân xuống hai bậc thang; còn tôi thì vẫn ngồi đung đưa, nhưng lần này chân tôi hình như đã chạm tới bậc thang bên dưới. Tôi chắc là vậy.

– Thái Hiền

Theo A Coke and A Smile

Cuộc sống là một chuỗi những bài học quý giá mà chỉ khi thật sự trải nghiệm, bạn mới hiểu hết ý nghĩa của nó.

– Ralph Waldo Emerson –

Mùa đông ấm áp

Bà Laurence thường hỏi tôi mỗi khi tôi đến thăm bà:

– Cháu nghĩ bà có bị lẩm cẩm không?

– Cháu nghĩ bà hay nhắc đến ông Giôn thôi ạ! – Tôi trả lời.

Anh tôi thường đến giúp bà làm những việc vặt trong nhà như bổ củi, đốt lò sưởi, sửa cánh cửa hư hay đi mua vài thứ tạp phẩm cho bà. Tôi theo anh đến chơi và thỉnh thoảng cũng giúp bà rửa chén đĩa và mang quần áo bẩn đến hiệu giặt. Bà trả cho chúng tôi năm đôla mỗi tuần. Mỗi lần chúng tôi đến làm việc, mẹ tôi đều gửi biếu bà một ít thức ăn. Khi giúp bà dọn thức ăn ra đĩa, bà thường bảo tôi:

– Nhớ để một đĩa cho Giôn nghe cháu. Có thể ông ấy sẽ về nhà ngày hôm nay đấy! – Bà Laurence dặn tôi nhưng tôi chưa kịp làm thì bà đã chia thức ăn của mình vào một đĩa khác để dành cho ông Giôn. Đây là chuyện hàng ngày và đã kéo dài suốt bảy mươi hai năm qua. Đó cũng là thời gian bà Laurence chờ đợi Giôn – người chồng hứa hôn của bà – trở về sau hai cuộc chiến tranh thế giới. Bà thường kể cho tôi nghe câu chuyện về ông Giôn:

– Mái tóc của Giôn giống màu lá sồi vào tháng mười cháu ạ! Không ai có màu tóc đẹp như thế cả. Giôn là một chàng trai đáng mến, rất chu đáo với bà. – Bà Laurence mỉm cười làm những nếp nhăn trên mặt bà hằn sâu thêm – Lúc Giôn ra trận, bà chỉ mới mười bảy tuổi. Ông ấy hứa yêu bà mãi mãi và sẽ trở về cưới bà. Nghe bà kể lại, tôi hình dung ra hình ảnh cô gái Laurence mười bảy tuổi ngày xưa có mái tóc xoăn, dài và vàng óng. Đôi lúc bà bật cười, ánh mắt bà chợt vụt sáng, tôi nghĩ đó hẳn là ánh mắt khi bà còn ở bên Giôn. Trong trí tưởng tượng của tôi, bà và ông Giôn là một cặp tình nhân rất xứng đôi.

Tất cả mọi người đều biết ông Giôn đã hy sinh trên chiến trường, nhưng bà Laurence thì nhất định không tin điều đó. Cuối cùng, mọi người cảm thấy tốt nhất là để bà tin rằng ngày nào đó ông ấy sẽ trở về với bà.

Bà Laurence không lấy chồng và cũng không có con nuôi. Những người thường lui tới với bà chỉ có hai anh em tôi, thỉnh thoảng có mẹ tôi và cô y tá đến khám sức khỏe cho bà.

Ngay cả vào mùa hè, chiều nào anh tôi cũng phải nhóm lò sưởi cho bà trước khi ra về.

– Buồn cười thật – Bà Laurence nói – Thời tiết bây giờ thật khác hồi trước. Khi bà còn trẻ, mùa đông thật ấm áp. Bà và Giôn thường đi bộ trong rừng, bà mang đôi găng tay của Giôn. Thỉnh thoảng, Giôn nhảy lên cao với lấy một cành cây khiến tuyết rơi xuống trên đầu cả hai người, nhưng bà không hề cảm thấy lạnh. Bà chưa bao giờ thấy lạnh khi ở cạnh Giôn. Từ khi Giôn ra đi thì hình như thời tiết thay đổi, bà không còn cảm nhận sự ấm áp của mùa đông nữa.

Tôi biết đối với bà, hai cuộc thế chiến không chỉ là sự kiện đáng ghi vào lịch sử, mà nó đã ghi dấu nặng nề lên cuộc đời bà, cướp đi người thương yêu nhất của bà. Nỗi đau, sự mất mát và sự cô đơn của bà vẫn còn mới như thể cuộc chiến vừa mới kết thúc ngày hôm qua.

Tôi thương tiếc những người lính đã ngã xuống; tôi cũng yêu quý những người lính trở về nhà với những vết thương trên cơ thể hoặc ở trong tâm hồn. Nhưng trên hết, tôi thương bà Laurence và những người quả phụ khác đang mòn mỏi trông chờ người yêu, người chồng trở về.

Không mấy ai nhắc đến những người phụ nữ này, và họ cũng không có một ngày để tôn vinh hay được tặng một tấm huân chương cao quý nào cả. Nhưng họ thật dũng cảm khi gánh chịu một nỗi đau tinh thần quá lớn như vậy.

Một hôm, tôi đến thăm bà Laurence và nghe bà kể lại câu chuyện về ông Giôn. Bỗng nhiên, bà hỏi tôi:

– Cháu giúp bà một việc được không? – Bà nói và đặt bàn tay lên vai tôi – Cháu có thể nhớ đến Giôn của bà được không? Cần phải có ai đó nhớ tới ông ấy chứ! – Giọng bà run run.

– Cháu sẽ nhớ ông Giôn có mái tóc màu lá sồi tháng mười – Tôi nói – Hai ông bà đã gặp nhau khi mới mười bảy tuổi. Hai người thường đi dạo trong rừng, ông rung những cành cây và tuyết rơi xuống người bà, và cả hai hứa sẽ yêu nhau mãi mãi.

– Phải, phải – Bà thở dài và mỉm cười buồn bã – Cháu nhớ kỹ lắm! Giờ thì bà yên tâm vì đã có một người luôn nhớ đến Giôn của bà. Bà cảm ơn cháu.

– Trân Tâm

Theo Chicken Soup for The Soul

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button