Quà tặng cuộc sống

Dưới Sao Mẹ Kể Con Nghe

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Phan Thị Hồ Điệp

Download sách Dưới Sao Mẹ Kể Con Nghe ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Quà tặng cuộc sống

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời nói đầu

Ngày Nam còn nhỏ, mình có thói quen kể chuyện cho con trước khi đi ngủ. Để những câu chuyện trở nên gần gũi và có nhân vật chính là Nam, mình thường tự sáng tác truyện. Điều thú vị là Nam thích những câu chuyện của mẹ nhiều khi còn hơn cả những truyện in trong các sách xuất bản.

Và thế là những câu chuyện bé xinh lần lượt ra đời.

Mình kể về những con vật gần gũi quanh con như bạn Mèo, bạn Thỏ…

Mình kể về những “sự kiện” gắn bó với con như sinh nhật, như lần “chia tay” với bạn răng sún…

Mình kể về vũ trụ bao la mà gần gũi.

Mình kể về ông già Noel “huyền thoại” nhưng lại vô cùng thân thuộc, đáng yêu.

Cứ thế, mỗi câu chuyện như một bông hoa, như một nụ cười từ trái tim mẹ gửi đến tặng con.

Và trong mỗi câu chuyện, mình cũng thường “gói ghém” những điều muốn nhắn nhủ đến Nam.

Muốn Nam tự tin, mình kể chuyện về… Chú Mèo nhút nhát.

Muốn Nam biết cách cư xử, hiểu về các mối quan hệ họ hàng, bè bạn, mình viết câu chuyện với khung cảnh là một buổi tiệc sinh nhật tràn đầy niềm vui của bạn Thỏ cùng với cô dì chú bác và những bạn bè thân thiết.

Muốn Nam biết cách thu dọn đồ chơi, quý trọng đồ chơi, coi đồ chơi như một người bạn của mình, mình kể chuyện: Câu chuyện đồ chơi.

Muốn Nam luôn mơ mộng, luôn có niềm tin vào những nhân vật huyền bí, thần thoại, luôn mang trong tim những ước mơ và khao khát khám phá, mình kể câu chuyện về đêm Noel…

Nam nghe những câu chuyện đó rồi cùng “thực hành”, khi thì kể lại bằng rối tay, khi thì trò chuyện với mẹ về nội dung câu chuyện, khi thì tưởng tượng tiếp phần sau của câu chuyện. Nhờ thế, mỗi câu chuyện cứ trở đi trở lại trong tâm trí, cứ sống động, cứ rộn ràng.

Mình luôn tin, chính việc được hòa mình vào thế giới của các câu chuyện đó đã khiến khả năng ngôn ngữ của Nam phát triển tốt hơn. Điều đặc biệt là khi lớn lên, Nam vô cùng ham mê đọc sách, yêu sách và luôn coi sách là bạn.

Không những thế, mỗi câu chuyện kể cho Nam nghe đều mang lại cho bản thân mình những kỉ niệm êm dịu ngọt ngào… Mỗi lần nhớ lại những đêm hai mẹ con nằm rì rầm kể chuyện và rúc rích cười, mình thấy bồi hồi lắm, xao xuyến lắm. Ấu thơ của mỗi người giống như những ánh sao trong bầu trời đêm. Chúng cứ hiện hữu lấp lánh. Chúng gần gũi mà cũng xa xôi. Con càng lớn, mẹ càng ít có cơ hội được “chạm vào những ánh sao” ấy. Ấu thơ của con khi đó ẩn hiện trong trí nhớ mẹ, lung linh, dịu dàng.

Giờ thì Nam đã ở xa mẹ đến nửa vòng Trái đất. Nam cũng chia tay với tuổi thơ êm đềm để đến với những chặng đường mới, khó khăn nhiều hơn, thử thách nhiều hơn nhưng cũng đầy đam mê, táo bạo và sáng tạo. Và mình tin, trong hành trang con mang theo luôn thấp thoáng những câu chuyện be bé xinh xinh của mẹ năm nảo năm nào, luôn thấp thoáng những đêm thâu miên man, xen lẫn tiếng côn trùng kêu rả rích, tiếng sương rơi khẽ khàng trên lá là lời mẹ thì thầm Dưới sao mẹ kể con nghe.

Được sự đồng cảm và khuyến khích của nhiều bà mẹ trẻ, Dưới sao mẹ kể con nghe đã ra đời. Sách được chia thành hai phần. Phần 1 với tựa đề Chuyện kể cho bé. Bao gồm 14 câu chuyện bé xinh để mẹ kể con nghe. Dưới mỗi câu chuyện là mục Con nói mẹ nghe. Trong đó, mình gợi ý những câu hỏi nhỏ để mẹ con cùng trò chuyện, để con được nói cho mẹ nghe về những điều ngộ nghĩnh, ngây thơ chỉ trẻ con mới có. Phần 2 với tựa đề Chuyện dành cho… mẹ. Ở phần này, mình đưa ra những bài thơ, những câu chuyện nhỏ nhưng nói kĩ hơn về cách mình đã thực hiện, những gợi ý về cách dạy con. Vì thế phần 2 dành cho mẹ, cho những người mà mình luôn nhìn thấy ở quãng đường bạn đang đi có bóng dáng mình ở đó. Mình hy vọng mỗi câu chuyện sẽ là một món quà để mỗi đêm, dưới ánh đèn ấm áp sẽ là những giây phút hạnh phúc của cả mẹ và con.

Mình cũng hy vọng, cuốn sách sẽ là gợi ý cho ý tưởng tự sáng tác những câu chuyện của riêng mỗi bà mẹ dành cho đứa con yêu của mình.

Hãy sáng tác cho con. Rồi cất vào ngăn kéo của kỉ niệm.

Để khi con lớn, bạn mở ra xem, sẽ thấy là ôi chao cả một trời nhung nhớ.

Cảm ơn bạn, khi bạn cầm cuốn sách này, mình tin chắc trong bạn đã có sự đồng cảm với “trái tim sinh nở”, với trái tim của người làm mẹ. Bởi dưới vũ trụ này, điều tuyệt diệu nhất có lẽ chính là TÌNH MẸ, phải không các bạn?

Phan Thị Hồ Điệp

ĐỌC THỬ

Chuyện kể cho bé

“Mẹ ơi, thế nào là một chú mèo ngoan?” Mèo con ôm cổ mẹ hỏi.

“Mèo ngoan là chú mèo biết sưởi nắng vào những ngày nắng đẹp. Chú ta cũng biết thường xuyên luyện móng vuốt. Biết lắng tai nghe để phân biệt các âm thanh, khi nào là tiếng của chiếc lá rơi, khi nào là tiếng của ông chó hàng xóm lắm điều, khi nào là tiếng bước chân của mẹ và khi nào là tiếng gặm sột soạt của những con chuột. Chú mèo cũng biết ca hát: Theo nào/ Meo mèo/ Tôi còn/ La cà/ Leo trèo… Còn nữa, một chú mèo ngoan là chú mèo ăn đủ ba bữa và đương nhiên không đi tè bậy”.

“Mẹ ơi, thế nào là một chú chó ngoan?”. Cún con liếm vào bộ lông của mẹ và hỏi.

“Chó ngoan là chú chó biết nằm áp tai xuống đất để nghe được những âm thanh từ xa rất xa. Chú ta cũng biết nhận ra ai là người quen, ai là người xa lạ. Chú ta cũng biết hát: Tôi đang vui/ Tôi đang ca/ Mê tôi không/ Vâng vâng vâng/ Gâu gâu gâu. Chú ta cũng biết đi vệ sinh đúng chỗ, không mải vui mà đánh dấu lãnh thổ bằng cả bãi nước tiểu của mình ở ngay cạnh bể nước”.

“Mẹ ơi, thế nào là một bạn gà ngoan?”. Gà con vừa mổ tục tục cạnh mẹ vừa hỏi.

“Gà ngoan là một bạn gà chăm chỉ đi kiếm ăn. Nhặt được hạt thóc hay hạt gạo là lượm bỏ vào trong bụng. Một bạn gà trong dàn đồng ca nam sẽ hát: Hò lớ lơ/ Cùng hát ca/ Ò ó o/ Đời rất vui… Còn bạn gà trong dàn nữ sẽ hát: Nào ta cùng bước/ Nhịp theo điệu hát/ Cục ta cục tác…”.

“Mẹ ơi, thế nào là một một chú nghé ngoan?”. Nghé con dụi đầu vào ngực mẹ hỏi.

“Nghé ngoan là chú nghé biết đi kiếm cỏ ở đồng gần đồng xa. Nghé con cũng biết lắng nghe khi thấy tiếng mẹ hay tiếng sáo thổi gọi đàn là chạy về chứ không mải chơi mà quên mất. Nghé cũng sẽ biết hát: Sáng dậy/ Thích thật/ Nắng đẹp/ Gió nhẹ/ Nghé ọ…”.

“Mẹ ơi thế nào là em Nam ngoan?”. Em Nam rúc vào nách mẹ hỏi.

“À! Em Nam ngoan là chú bé biết nói lời cảm ơn khi được mọi người giúp đỡ. Em biết mỉm cười thật tươi để chào hỏi mọi người. Em sẽ thức dậy sớm, ra vườn tưới cây hoa hồng và hát: Em là cậu bé/ Chăm chỉ ngoan hiền/ Đêm mơ thấy tiên/ Ngày chơi cùng nắng/ Em không bị mắng/ Em không khóc nhè/ Mẹ nói em nghe/ Mẹ yêu em nhất. Em ngoan còn gì nữa nhỉ? Mẹ chịu không nghĩ ra. Em giúp mẹ nhé…”.

Sau khi kể cho con nghe câu chuyện này, hãy khuyến khích con nói cho mẹ nghe:

♥ Nói thêm về những chi tiết trong mỗi đoạn miêu tả về con vật “ngoan”. Ví dụ: Chú mèo ngoan không chỉ ở những điều mẹ kể mà còn có những đức tính gì nữa nhỉ?

♥ Thêm những lời hát khác cho các con vật, miễn là gần âm với tiếng kêu của mỗi con vật đó.

♥ Thêm những động từ miêu tả tình cảm âu yếm của con vật (con người) với mẹ của mình, ví dụ: dụi đầu, rúc vào nách, liếm bộ lông, nắm tay, vuốt tóc…

♥ Nói thêm hiểu biết về những con vật khác ở xung quanh mà trẻ quan sát được: Con lợn, con kiến, con ếch…

♥ Còn một điều rất thú vị nữa. Đây là “câu chuyện đạo đức” giúp con hiểu, những điều mẹ mong muốn để con thành một em bé dễ thương. Hai mẹ con sẽ tự thêm vào danh sách: Thế nào là một em bé ngoan, cho danh sách đó dài ra mãi.

Mẹ cứ để con cùng thực hành và nói về những điều mình đã làm được nhé. Chuyện thì kể mãi không hết còn niềm vui thì cứ thế mà đầy lên…

Khỉ con dễ thương

Có một chú Khỉ con rất chi là nghịch ngợm. Chẳng lúc nào chú chịu ngồi yên, hết chạy bên này lại chạy bên kia, thoăn thoắt, thoăn thoắt.

Ôi, khỏi phải nói, mẹ chú mệt với chú đến cỡ nào. Thi thoảng chú lại nhảy lên đầu, lên cổ mẹ. Chú lấy hai tay cào vào đầu mẹ khiến mẹ phải kêu lên: “Ối, ối, mẹ đau quá Khỉ con ơi!”.

Mỗi lần nghe thế, Khỉ con cười lích rích lích rích rồi ngẩn người ra hỏi lại: “Mẹ đau thật á, con cào nhẹ mà”.

“Ừ, mẹ đau thật. Lần sau cái tay này không được làm mẹ đau nhé”. Khỉ mẹ lắc lắc cái tay nghịch ngợm của Khỉ con mà dặn dò.

Nhưng Khỉ con chỉ nhớ được một lúc thôi. Chú tiếp tục nhảy nhót. Và lại nhảy ào lên cổ mẹ.

Khỉ con cứ chạy khắp khu rừng, trèo từ cành nọ sang cành kia. Mẹ dặn phải tự đi kiếm ăn nhưng Khỉ con chẳng để ý, vì chú biết, cứ về đến nhà là thế nào mẹ cũng để phần thức ăn cho mình rồi. Thức ăn Khỉ mẹ kiếm được thì ngon vô cùng. Có lúc là quả chuối vàng hượm, món thích nhất của Khỉ. Khi lại là một quả ổi ương ương, thơm thơm giòn giòn, cắn vào thật đã. Nên cứ chạy chơi chán đến khi đói bụng là Khỉ con tìm đường về nhà.

Nhưng hôm đó, Khỉ về và gọi mãi mà không thấy mẹ đâu. “Mẹ ơi, mẹ ơi”, Khỉ con ngơ ngác.

Lạ nhỉ, có bao giờ như thế này đâu. Mọi hôm cứ nghe thấy tiếng nhảy nhót của Khỉ con từ đằng xa là mẹ đã lên tiếng: “Khỉ con ơi, về thôi con, mẹ để phần thức ăn cho con đây này!”.

Thế mà hôm nay, mẹ đâu nhỉ. Ôi Khỉ con muốn khóc quá đi.

Nó chạy khắp nơi tìm mẹ. Cả khu rừng vắng lặng. Buổi trưa các con vật đều đang lim dim ngủ. Nó hỏi một chú sóc đang gà gật trên cây: “Này Sóc, cậu có thấy mẹ tớ đâu không?”.

Sóc giật bắn người, dụi mắt rồi nhè nhẹ lắc đầu.

“Ôi, phải làm sao bây giờ?” Khỉ con đứng đó, mắt đỏ hoe.

Nắng đã lên quá đầu người. Khỉ con lang thang ra đến tận bìa rừng. Chú đã gọi mẹ lạc cả giọng mà vẫn không thấy mẹ đâu. Khỉ con mệt quá, lại đói nữa. “Mẹ ơi, sao mẹ đi đâu thế!” Khỉ con vừa đi vừa tự hỏi trong những tiếng nức nở.

Chú bò ra bờ suối nhấp ngụm nước. Nước mát làm Khỉ con tỉnh táo hơn hẳn. Chú ngồi lặng im suy nghĩ. Mẹ thì có thể đi đâu được nhỉ? À, có thể là mẹ sang khu rừng kế bên. Hôm trước Khỉ con nghe mẹ dặn là nếu có chạy sang bên đó chơi thì nhớ tự kiếm lấy mấy quả rừng. Bên đó nhiều loại quả hơn còn bên này rừng bắt đầu thưa thớt rồi.

Nghĩ đến đó, Khỉ con chạy như bay về phía khu rừng kế bên. Một vài cành gai cào vào lưng nhoi nhói nhưng Khỉ con cứ mặc kệ. Chú dừng lại ở một gốc cây cổ thụ ngay cạnh bìa rừng. Chú trèo lên cao thật cao. Mồ hôi túa ra đầm đìa. Lên cao chú sẽ quan sát được rõ hơn.

Chú đứng phóng mắt ra xa và đưa tay lên miệng làm loa gọi: “Mẹ ơi, mẹ ơi, Khỉ con của mẹ đây mẹ ơi!”.

Và rồi, chú nghe như có tiếng thì thào: “Khỉ con ơi, Khỉ con ơi, mẹ đây!”.

Ôi, chú nhìn thấy rồi, mẹ nằm ngay dưới một gốc cây bên cạnh. Mẹ có vẻ như đang bị đau. Khỉ con chạy ù xuống, ôm chặt lấy mẹ ríu rít: “Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ sao thế, con đi tìm mẹ mãi”.

Khỉ mẹ mở mắt nhìn Khỉ con. Khỉ mẹ nắm lấy tay Khỉ con và mỉm cười: “Không sao, mẹ không sao đâu. Mẹ đi tìm quả cho con nhưng bị trúng mũi tên”.

“Ôi không!” Khỉ con ôm choàng lấy mẹ. “Mẹ ơi, mũi tên đâu hả mẹ?” Khỉ con sờ khắp người và dừng lại nơi chân mẹ đang rỉ máu.

“Mẹ chờ con nhé!” Khỉ con chạy ù đi. Vì Khỉ con nhớ có lần mẹ đã dạy cách tìm và nhận biết một loại lá cây có thể cầm máu. Cây gì nhỉ? Giá như lúc đó Khỉ con nghe mẹ chăm chú hơn. Khỉ con chạy loang loáng, vừa chạy vừa nhớ lại những lời mẹ dặn. A đây rồi. Cuối cùng thì Khỉ con đã nhớ được loại cây mẹ chỉ. Lúc bứt lá, Khỉ con thấy gần đó có cả mấy cây táo liền hái luôn mấy quả táo. Sau đó, Khỉ ôm cả táo và lá vào lòng rồi chạy về phía mẹ.

Về đến nơi, Khỉ con nhai lá, rịt vào vết thương cho mẹ rồi mời mẹ thưởng thức từng quả táo.

Khỉ mẹ mở mắt nhìn Khỉ con và từ đôi mắt mẹ ứa ra những giọt nước.

“Mẹ ơi, mẹ buồn hả mẹ? Mẹ buồn vì con đã bỏ mẹ đi chơi, để mẹ phải nằm chịu đau phải không mẹ?”.

Khỉ mẹ ôm chặt Khỉ con vào lòng: “Không đâu con, mẹ cảm ơn con. Con của mẹ đã lớn rồi”.

Nắng chan hòa khắp khu rừng. Hai mẹ con Khỉ dựa đầu vào nhau và thiếp vào giấc ngủ. Trong mơ, Khỉ con thấy mình vẫn chạy khắp cả khu rừng, nhưng không phải chạy chơi, chú còn biết đi kiếm những quả ngon về cho cả hai mẹ con nữa.

Bất giác, Khỉ con mỉm cười, ngay cả trong giấc mơ.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button