Văn học nước ngoài

Thời Khắc

Thoi khac - Michael Cunningham1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Michael Cunningham

Download sách Thời Khắc ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

 

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Thời khắc (The hours) là cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer của nhà văn Michael Cunningham từng được chuyển thể thành phim và là bộ phim xuất sắc nhất của năm 2002 với các giải thưởng: Oscar – 2002 dành cho nữ diễn viên chính, Quả Cầu Vàng – 2002 dành cho Phim tâm lý xuất sắc nhất, Nữ diễn viên chính trong phim bi xuất sắc nhất. Tác phẩm liên kết số phận của ba người phụ nữ ở ba thời đại khác nhau.

Câu chuyện thứ nhất diễn ra năm 1929, ở thị trấn Richmond nước Anh, nữ văn sĩ Virginia Woolf đang cố gắng bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết Bà Dalloway, trong khi vật lộn với căn bệnh trầm cảm của mình.

Câu chuyện thứ hai là vào năm 1951, ở California. Laura Brown – một người vợ hiền đang cùng con trai chuẩn bị chiếc bánh cho sinh nhật chồng. Trong lúc đó, tâm trí cô không khỏi bị phân tán bởi những điều cô đọc trong cuốn sách Bà Dalloway.

Câu chuyện cuối cùng là thời hiện đại ở New York. Clarissa Vaughan – một phụ nữ ở độ tuổi ngũ tuần chuẩn bị bữa tiệc mừng cho giải thưởng người bạn – nhà thơ Richard – nhận được. Bà phân vân tình cảm mình dành cho Richard và người bạn gái đang chung sống là Sally Lester.

Mỗi người phụ nữ đã phải trải qua những khổ đau, suy sụp và có cả những giây phút hạnh phúc để nhận rõ giá trị từng khoảnh khắc trong cuộc đời họ.

ĐỌC THỬ

Mở đầu

Bà hối hả rời khỏi nhà, mặc trên mình chiếc áo khoác quá dày và nặng so với thời tiết ngày hôm ấy. Giờ là năm 1941. Một cuộc chiến tranh nữa lại bắt đầu. Bà để lại một mẩu giấy ghi lời nhắn cho Leonard và một lời nhắn nữa cho Vanessa. Bà quả quyết đi về phía con sông, hoàn toàn chắc chắn về điều mình sẽ làm, nhưng ngay cả lúc này bà gần như mất hết tập trung khi thấy mấy đụn cát, nhà thờ và một đàn cừu, tựa như những chấm sáng trắng pha một chút sắc vàng rất nhẹ của lưu huỳnh, đang bình thản gặm cỏ dưới bầu trời đang dần tối sầm lại. Bà dừng lại, đưa mắt nhìn đàn cừu và bầu trời, rồi tiếp tục bước đi. Có những giọng nói vang lên rì rầm sau lưng; tiếng động cơ máy bay ném bom ầm ì trên bầu trời, cho dù bà không thể nhìn thấy chúng khi ngước mắt lên tìm kiếm. Bà đi qua trước mặt một trong những người làm công ở trang trại (có phải tên anh ta là John không nhỉ?), đó là một người đàn ông vạm vỡ có cái đầu nhỏ nhắn, anh ta mặc một chiếc áo vest màu khoai tây, đang bận bịu dọn sạch đường rãnh chạy qua rặng liễu gai. Anh ta ngước lên nhìn bà, gậtđầu chào, rồi lại cúi xuống mặt nước màu nâu. Khi đi ngang qua anh ta trên đường ra sông, bà chợt nghĩ anh ta mới thật may mắn làm sao khi được ở đó dọn dẹp một cái rãnh nước chạy qua rặng liễu gai. Còn bản thân bà đã thất bại thảm hại. Bà chẳng phải là nhà văn, mà chỉ đơn thuần là một kẻ lập dị có chút năng khiếu. Vài mảng nhỏ của bầu trời phản chiếu sáng lấp lánh trên những vũng nước nhỏ còn đọng lại sau cơn mưa tối qua. Đôi giày của bà hơi lún xuống nền đất mềm. Bà đã thất bại và những giọng nói giờ đã quay trở lại, lầm rầm thành âm thanh không rõ tiếng ở ngay đây, ngoài tầm nhìn và sau lưng bà, nhưng chỉ cần bà quay lại là chúng đã lảng đi nơi khác. Những giọng nói quay trở lại và cơn nhức đầu đang tới gần, cũng chắc chắn như cơn mưa trên bầu trời, cơn đau đầu sẽ nghiền nát bà và thay thế bà bằng chính nó. Cơn đau đầu đang cận kề và dường như (có phải chính bà đã gọi chúng tới hay không nhỉ?) những chiếc máy bay ném bom lại xuất hiện trên bầu trời. Bà tới bờ đê, leo lên đê rồi xuống sông. Có một người câu cá ở phía thượng nguồn, tít tận xa, liệu ông ta có thấy bà không? Bà bắt đầu tìm một tảng đá. Rồi bắt tay vào việc một cách hối hả nhưng tuần tự, như thể đang thực hiện theo một công thức nấu ăn nghiêm ngặt nếu muốn thành công. Bà chọn lấy một tảng đá có kích thước và hình dạng tựa như cái thủ lợn. Thậm chí cả khi cầm nó lên và nhét vào một trong những túi áo khoác (chiếc áo cổ lông cọ lên cổ bà ngưa ngứa), bà vẫn cảm thấy vẻ lạnh lẽo nhợt nhạt của tảng đá cũng như màu sắc của nó, một màu nâu sữa xen lẫn những chấm màu lục. Bà đứng sát mép nước, nơi mặt nước ôm sát bờ, đổ đầy nước trong vắt vào những cái hõm nhỏ trên mặt bùn khiến chúng hoàn toàn khác biệt so với dòng sông vàng nâu lốm đốm, trông như một con đường trải rộng đều đặn từ bờ bên này qua bờ bên kia. Bà bước lên trước. Không cởi giày ra. Nước sông khá lạnh, nhưng cũng không tới mức không chịu nổi. Bà nghĩ tới Leonard. Bà nghĩ tới hai bàn tay và bộ râu của ông, những đường hằn sâu quanh miệng ông. Bà nghĩ tới Vanessa, tới lũ trẻ, tới Vita và Ethel: Quá nhiều thứ để nghĩ. Tất cả họ cũng thất bại, phải vậy không? Đột nhiên bà cảm thấy thương họ tột độ. Bà nghĩ tới việc quay lại, vứt bỏ tảng đá ra khỏi túi áo, quay về nhà. Có lẽ bà vẫn kịp quay về để hủy những mảnh giấy ghi lời nhắn. Bà có thể tiếp tục sống, có thể thực hiện điều tử tế cuối cùng đó. Nước ngập tới đầu gối, bà quyết định không làm vậy. Những giọng nói đang ở đây, cơn nhức đầu đang tới và nếu bà quay về để Leonard và Vanessa chăm sóc, họ sẽ không đời nào để bà bỏ đi lần nữa, hay là có nhỉ? Bà khăng khăng tin họ sẽ để bà đi. Bà lúng túng lội ra (đáy sông thật bẩn thỉu) cho tới khi nước ngập tới tận hông. Bà ngước mắt nhìn lên thượng nguồn, về phía người câu cá, người đó mặc một chiếc áo khoác đỏ và không hề trông thấy bà. Mặt sông vàng ệch (ngả về vàng nhiều hơn nâu khi nhìn thật gần từ chỗ bà đứng lúc này), âm u phản chiếu bầu trời. Vậy đây chính là khoảnh khắc cuối cùng, một người đàn ông mặc áo khoác đỏ đang câu cá và một bầu trời âm u đầy mây phản chiếu trên mặt nước mờ đục. Gần như vô thức (với bà có vẻ là vô thức), bà bước lên, hay vấp chân nhao người ra phía trước và tảng đá kéo bà xuống. Tuy vậy, trong khoảnh khắc, dường như chẳng có gì xảy ra, dường như lại thất bại một lần nữa, bà có thể dễ dàng bơi trở lại để thoát khỏi làn nước lạnh cóng, nhưng rồi dòng chảy ập tới quanh bà, mang bà đi với lực kéo bất ngờ, mạnh mẽ như thể một người đàn ông vạm vỡ vừa nổi lên từ đáy nước, nắm lấy hai chân bà, ghì chặt chúng vào ngực anh ta. Cảm giác thật sống động.

 

Hơn một giờ sau, người chồng từ ngoài vườn quay về. “Bà đi ra ngoài ạ”, người hầu gái vừa nói vừa giũ chiếc vỏ gối cũ sờn, làm tung ra một đám mưa bụi li ti. “Bà nói sẽ quay về ngay.”

Leonard lên cầu thang, đi vào phòng khách để nghe bản tin. Ông thấy một chiếc phong bì màu xanh gửi cho mình để trên bàn. Bên trong có một lá thư.

Anh yêu quý!

Em cảm thấy chắc chắn mình sắp bị điên trở lại. Em cảm thấy chúng ta không thể vượt qua quãng thời gian khủng khiếp trước kia thêm một lần nữa. Và lần này em sẽ không thể bình phục. Em bắt đầu nghe thấy những giọng nói và không thể tập trung được. Vậy nên em sắp làm một điều tốt nhất có thể. Anh đã dành cho em hạnh phúc lớn lao nhất. Về mọi mặt, anh là tất cả những gì em trông đợi. Em nghĩ hai chúng ta có thể hạnh phúc hơn nữa cho tới khi căn bệnh quái ác này xuất hiện. Em không thể tranh đấu với nó lâu hơn nữa, em biết em đã làm hỏng cuộc đời anh và nếu không có em, anh có thể làm việc. Và anh sẽ làm được, em biết vậy. Anh thấy đấy, em thậm chí không thể viết cho đúng được nữa. Điều em muốn nói là em nợ anh cuộc đời em. Anh đã luôn kiên nhẫn với em, luôn tốt bụng đến mức không thể tin được. Em muốn nói điều đó – mọi người đều biết thế. Nếu ai đó có thể cứu được em, người đó chỉ có thể là anh. Mọi thứ đã bỏ em đi, ngoại trừ niềm tin chắc chắn vào lòng tốt của anh. Em không thể hủy hoại cuộc đời anh thêm nữa. Em không nghĩ có ai đó hạnh phúc hơn chúng ta.

V.

Leonard lao bổ ra khỏi phòng, chạy xuống cầu thang. Ông nói với cô hầu gái, “Có chuyện gì đó đã xảy ra với vợ tôi. Tôi nghĩ có thể bà ấy đang tìm cách tự tử. Vợ tôi đã đi theo hướng nào? Cô có thấy bà ấy ra khỏi nhà không?”.

Cô hầu gái hoảng hốt bật khóc. Leonard lao ra ngoài, chạy tới bờ sông, lao qua nhà thờ và đàn cừu, qua rặng liễu gai. Tới bờ sông, ông không thấy ai ngoài một người đàn ông mặc áo khoác đỏ đang câu cá.

Dòng chảy nhanh chóng mang bà đi. Trông bà như đang bay, một thân hình kỳ dị, hai cánh tay dang rộng, tóc xõa ra, đuôi chiếc áo khoác lông thú căng phồng lên trôi theo sau. Bà nặng nề trôi qua những tia sáng nâu lác đác tách rời nhau. Bà không trôi đi quá xa. Đôi chân (những chiếc giày đã tuột mất) thỉnh thoảng lại chạm xuống đáy sông và mỗi lần như thế lại làm vẩn lên một đám bùn đục ngầu đầy bóng đen của gân lá cây, tất cả cùng ngưng lại lơ lửng trong làn nước sau khi bà đã trôi qua từ lâu. Những cọng rong xanh đen vương trên tóc bà, trên chiếc áo khoác lông thú và có lúc mắt bà bị che kín bởi một đám rong dày nhưng cuối cùng nó cũng tuột ra và nổi bồng bềnh trong nước, không ngừng cuộn lại rồi duỗi thẳng ra.

Cuối cùng bà dừng lại dưới một trong những chiếc trụ của cây cầu ở Southease. Dòng chảy thúc ép làm bà lo lắng, nhưng bà vẫn bám vững dưới chân chiếc trụ hình vuông to bè, quay lưng ra dòng sông, khuôn mặt bà áp vào mặt đá. Bà thu mình lại ở đó, một cánh tay gập vào trước ngực, cánh tay còn lại lập lờ bên hông. Phía trên bà một quãng là mặt nước gợn sóng lăn tăn đầy ánh sáng. Trên đó, bầu trời được phản chiếu dập dềnh, đầy mây trắng, xen vào là những chiếc bóng đen sẫm của các tòa tháp. Những chiếc xe con và xe tải đang rầm rập lăn bánh qua cầu. Một cậu bé, mới chỉ chừng ba tuổi, theo mẹ đi qua cầu, dừng lại ở chỗ đường ray, cúi xuống và nhét cái que cậu đã mang theo vào khe hở giữa các thanh gỗ lát đường ray để nó rơi xuống nước. Bà mẹ giục cậu đi tiếp nhưng cậu bé vẫn khăng khăng đòi dừng lại một lát nhìn theo cái que trong lúc dòng nước cuốn nó đi.

Họ ở đây, vào một ngày đầu Thế chiến thứ hai: cậu bé và bà mẹ trên cầu, cái que nổi lềnh bềnh trên mặt nước và thi thể của Virginia dưới đáy sông, như thể bà đang mơ về mặt nước, cái que, cậu bé và mẹ cậu, cây cầu và những tòa tháp. Một chiếc xe tải sơn màu ô liu đi qua, chở những người lính mặc quân phục, họ vẫy tay chào cậu bé. Cậu bé vẫy tay chào lại. Cậu đòi mẹ bế lên để có thể nhìn những người lính rõ hơn, để họ có thể nhìn thấy cậu rõ hơn. Tất cả truyền xuống cây cầu, vọng lại qua những tấm gỗ và tảng đá rồi truyền đến thi thể Virginia. Khuôn mặt bà, nằm nghiêng áp vào trụ cầu, hấp thu tất cả: chiếc xe tải và những người lính, người mẹ và đứa con trai.

Bà Dalloway

Vẫn còn phải mua hoa nữa. Clarissa vờ làm ra vẻ bực bội (cho dù bà rất thích làm những việc vặt vãnh như thế) để Sally lau dọn nhà tắm và vội vã lao ra khỏi nhà, hứa sẽ quay lại sau nửa giờ nữa.

Thành phố New York. Cuối thế kỷ XX.

Cánh cửa trước mở ra một buổi sáng tháng Sáu tuyệt đẹp và Clarissa, trong trang phục gọn gàng tinh tươm, dừng lại trước ngưỡng cửa như lúc bà dừng trước bể bơi và ngắm nhìn làn nước màu ngọc lam liếm lên những viên gạch men cùng tấm lưới ánh sáng đang dập dềnh trong làn nước xanh thẳm. Như thể đang đứng bên thành bể bơi, trong khoảnh khắc, bà trì hoãn lao xuống nước, cảm nhận sự va đập thật rõ ràng khi cả thân hình chìm xuống và làn nước lạnh giá bủa vây xung quanh. New York, với sự ồn ào náo nhiệt và những khu nhà đổ nát mang một sắc nâu lạnh lùng cùng sự suy tàn bất tận rất hiếm khi tạo ra những sáng mùa hè thế này; một cuộc sống mới mẻ tràn ngập khắp nơi và sống động tới mức gần như hài hước, giống như một nhân vật trong bộ phim hoạt hình phải chịu đựng vô số cực hình khủng khiếp liên tiếp để rồi thoát ra không có lấy một vết trầy xước, sẵn sàng trải qua nhiều thử thách ghê gớm hơn nữa. Tháng Sáu này, một lần nữa, hàng cây chạy dọc đường West Tenth đã mọc ra những tán lá nhỏ nõn nà nhờ những bãi phân chó và gói giấy bỏ đi quanh gốc của chúng. Một lần nữa, bồn hoa trên bậu cửa sổ nhà bà lão hàng xóm, vẫn đầy ắp những cây phong lữ bằng nhựa màu đỏ nhạt được cắm xuống đất, lại chồi lên một cây bồ công anh nhỏ bé và yếu ớt.

Thật xúc động biết bao, thật choáng váng biết chừng nào, khi được sống trong một sáng tháng Sáu, thuận lợi, được ưu ái đến mức hổ thẹn, vì chỉ phải làm một việc rất đơn giản. Bà, Clarissa Vaughan, là một con người quá đỗi bình thường (ở tuổi này, sao phải cố chối bỏ điều đó làm gì?), chỉ phải mua vài bông hoa và tổ chức một bữa tiệc. Clarissa bước xuống bậc thang đầu tiên ngoài cửa, một âm thanh lạo xạo phát ra khi chiếc giày của bà tiếp xúc với mặt đá tráng mica màu đỏ nâu. Bà mới chỉ năm mươi hai tuổi và sức khỏe tốt tới mức lạ thường. Bà vẫn thấy khỏe khoắn y như ngày xưa khi ở Wellfleet, khi bà mới chỉ là một thiếu nữ mười tám tuổi, bước qua cánh cửa kính để đắm mình vào một ngày rất giống hôm nay, tươi mát, trong trẻo, tràn ngập sức sống. Những con chuồn chuồn bay lượn vòng vèo quanh những cây hương bồ. Mùi nhựa thông lẫn với mùi cỏ thơm tràn ngập trong không khí. Richard bước đến sau lưng bà, đặt một bàn tay lên vai bà, rồi nói: “A, xin chào bà Dalloway”. Cái tên “bà Dalloway” là một ý tưởng của Richard – một ý tưởng bỡn cợt bỗng dưng nảy ra vào một tối say mèm trong căn phòng tập thể khi ông cả quyết rằng Vaughan không phải là họ phù hợp với bà. Ông còn nói, đáng ra cha mẹ nên đặt tên bà theo một hình tượng vĩ đại trong văn học, trong khi bà ủng hộ những cái tên như Isabel Archer hay Anna Karenina thì Richard vẫn khăng khăng cho rằng “bà Dalloway” là lựa chọn hiển nhiên duy nhất. Có thể kể đến cái tên sẵn có của bà, một dấu hiệu rõ ràng đến mức không thể bỏ qua và quan trọng hơn nữa, nó còn là câu hỏi lớn hơn về số phận. Số phận không ràng buộc Clarissa vào một cuộc hôn nhân bất hạnh hay đẩy bà ngã xuống dưới những bánh xe của một đoàn tàu. Số phận mang đến cho bà sự quyến rũ và giàu sang. Vậy bà chỉ có thể là “bà Dalloway” và sẽ luôn là như thế. “Chẳng phải trời rất đẹp sao?”, bà Dalloway đã nói với Richard như vậy vào buổi sáng hôm đó. Người đàn ông trả lời, “Cái đẹp là một ả điếm, anh thích tiền hơn”. Ông vốn thích sự hài hước. Là người đàn bà duy nhất và trẻ tuổi nhất, bà cảm thấy mình có quyền đa sầu đa cảm một chút. Nếu lúc ấy là cuối tháng Sáu, hẳn bà và Richard đã trở thành một đôi tình nhân. Có lẽ cũng đã một tháng kể từ khi Richard rời bỏ Louis (Louis – cậu trai lực điền, hiện thân sống động của những đam mê nhục dục phản chiếu qua đôi mắt lười nhác) và lao đến với bà.

“Thế ư, em lại thích cái đẹp”, bà đã đáp lại như thế. Bà nhấc bàn tay ông khỏi vai mình, cắn vào đầu ngón tay trỏ, hơi mạnh một chút. Lúc đó, bà mới mười tám tuổi và có một cái tên mới. Bà có thể làm mọi thứ mình thích.

Đôi giày của Clarissa phát ra những âm thanh khe khẽ như khi người ta đánh giấy ráp trong lúc bước xuống cầu thang để đi mua hoa. Tại sao bà không cảm thấy ủ rũ về sự xuất hiện đồng thời thật tréo ngoe của vận may (“một tiếng nói thống thiết, đượm tính tiên tri của nền văn học Mỹ”) và sự suy tàn (“không hề có lấy một tế bào T[1], chúng tôi không phát hiện ra bất kì tế bào nào như thế cả.”) của Richard? Có điều gì bất ổn với bà vậy? Bà yêu Richard, lúc nào cũng nghĩ tới ông, nhưng có lẽ bà còn yêu ngày hôm nay hơn. Bà yêu con đường West Tenth trong một buổi sáng mùa hè bình dị. Bà cảm thấy mình giống như một quả phụ lẳng lơ với mái tóc vừa được nhuộm dưới tấm voan đen, chăm chú ngắm nhìn những người đàn ông khác bên linh cữu chồng mình. Trong ba người bọn họ – Louis, Richard và Clarissa – Clarissa luôn là người có trái tim sắt đá nhất, cũng là người ưa thích sự lãng mạn nhất. Bà phải chịu đựng những lời trêu chọc trong hơn ba mươi năm; từ lâu đã quyết định chấp nhận và hài lòng với những đáp trả đầy khiêu khích và vô kỷ luật của mình, những phản ứng, mà như Richard nhận xét, có xu hướng vừa tàn nhẫn vừa tha thiết như một đứa trẻ tính tình đặc biệt khó chịu và tinh khôn quá sớm. Bà biết một thi sĩ như Richard chắc hẳn sẽ lạnh lùng trải qua buổi sáng như thế này để rồi biên tập lại, loại bỏ đi những nét xấu xí ngẫu nhiên song hành với nét đẹp vô hình, tìm kiếm sự thật về kinh tế và lịch sử ẩn chứa đằng sau những ngôi nhà cũ kỹ bằng gạch, khối kiến trúc phức tạp bằng đá mang dáng vẻ khổ hạnh của nhà thờ Tân giáo và người đàn ông trung niên gầy gò đang đi dạo cùng con chó săn giống Jack Russell (những con chó nhỏ chân vòng kiềng hiếu chiến này bỗng nhiên trở nên đầy rẫy trên đại lộ số Năm), trong khi Clarissa chỉ đơn thuần ngắm nhìn những ngôi nhà, nhà thờ, người đàn ông và con chó mà chẳng cần đến lý do nào hết. Thật trẻ con, bà biết thế. Thiếu vắng sự sắc sảo. Nếu phải thể hiện một cách công khai (vào lúc này, ở tuổi của bà), tình yêu này sẽ đẩy bà tới vương quốc của những kẻ ngớ ngẩn dễ bị lừa bịp, của những người Cơ đốc giáo cùng cây đàn guitar hay các bà vợ chấp nhận trở nên vô hại để được nuôi sống. Dẫu vậy, đối với bà, tình yêu hỗn tạp này lại hoàn toàn nghiêm túc, như thể mọi thứ trên thế giới đều ẩn chứa một mục đích lớn lao và bí hiểm, mọi thứ trên thế giới đều có một tên gọi bí mật, một cái tên không thể chuyển tải được bằng ngôn ngữ mà đơn giản là những gì ta nhìn thấy và cảm nhận được. Sự mê hoặc vĩnh cửu và kiên quyết này chính là điều mà bà luôn nghĩ tới như tâm hồn (một từ thật ủy mị khiến người ta phải lúng túng, nhưng còn biết gọi nó là gì khác đây?) vẫn tồn tại sau khi thân xác chết đi. Clarissa chưa bao giờ thổ lộ với bất cứ ai về những suy nghĩ này. Bà không hàn huyên hay tâm sự với ai. Bà chỉ reo lên trước hiển hiện rõ ràng của cái đẹp và ngay cả khi quay về với thái độ kiềm chế chín chắn của một người trưởng thành. Cái đẹp là một ả điếm, đôi lúc bà vẫn nói. Tôi thích tiền hơn.

Tối nay, bà sẽ tổ chức một bữa tiệc. Bà sẽ khiến cho những căn phòng tràn ngập thức ăn và hoa, mời đến đây những vị khách hóm hỉnh và có thế lực. Bà sẽ trông chừng Richard, đảm bảo ông không quá sức và sau đó sẽ tháp tùng ông vào thành phố nhận giải thưởng.

Bà vươn thẳng hai vai trong lúc đứng ở góc giao giữa đường số Tám và đại lộ số Năm để đợi đèn tín hiệu. Bà đứng đó, nghĩ đến Willie Bass, người bà từng bắt gặp trên đường vào một vài buổi sáng cũng ngay gần chỗ này. Một vẻ đẹp cổ điển, phong cách hippy kiểu cũ, mái tóc vẫn dài và có màu xám đầy thách thức, trong trang phục quần jeans và một chiếc áo sơ mi vải bông dành cho nam giới, một đôi giày bệt kiểu thổ dân (Ấn Độ hay Trung Mỹ nhỉ?) dưới chân. Bà vẫn có sức hấp dẫn nhất định; chút quyến rũ của một phù thủy tốt bụng theo phong cách bohemian[2]; thế nhưng vào buổi sáng hôm nay bà vẫn mang bộ dạng thật thảm hại, thẳng đờ trong chiếc sơ mi quá cỡ và đôi giày bệt kỳ cục để cố chống lại sức hút của trọng lực, như một con voi ma mút cái đã ngập trong vũng hắc ín tới đầu gối, đang dừng lại nghỉ lấy hơi giữa hai lần vùng vẫy, hiên ngang và kiêu hãnh, gần như thờ ơ lãnh đạm, làm bộ đang ngắm nhìn thảm cỏ non mềm mại chờ đợi phía bờ bên kia, trong khi bắt đầu hiểu rõ nó sẽ vẫn ở lại đây, bị mắc kẹt một mình, lúc màn đêm buông xuống, khi đám chó rừng rời hang ổ. Bà kiên nhẫn đợi đèn chuyển xanh. Hai mươi lăm năm trước chắc bà phải là một tuyệt thế giai nhân, đám đàn ông hẳn sẽ hạnh phúc khi được chết trong vòng tay bà. Willie Bass tự hào về khả năng đoán ra chuyện đời bằng cách nhìn vào mặt người khác, để hiểu rằng những khuôn mặt già nua cũng từng có thời tươi trẻ. Đèn chuyển màu và ông ta dấn bước đi tiếp.

Clarissa băng qua đường số Tám. Bà rất thích chiếc ti vi hỏng bị vứt ở lề đường bên cạnh một chiếc giày da trắng đang nằm trơ trọi. Bà yêu chiếc xe chất đầy bông cải xanh, đào và xoài của người bán rau quả, mỗi loại có một tấm bảng niêm yết giá bán kèm theo một loạt dấu chấm câu đủ loại: “1.49 đô la!”, “3 quả MỘT đô la!!!”, “50 cent MỖI QUẢ!!!”. Phía trước, dưới cổng vòm Arch[3], một bà lão trong bộ váy sẫm màu được cắt may rất khéo dường như đang hát, đứng chính giữa hai bức tượng George Washington trong vai trò chiến binh và chính trị gia, khuôn mặt của cả hai bức tượng đều đã bị thời tiết bào mòn. Chính dòng chảy cuồn cuộn và xô bồ của thành phố này đã cuốn ta đi cùng với sự bí hiểm và nhịp sống không ngừng nghỉ của nó. Người ta biết rõ câu chuyện về Manhattan khi nó còn là một vùng đất hoang vu chỉ có giá bằng những chuỗi hạt nhưng người ta không thể không tin nơi đây từng là một thành phố; nếu đào sâu xuống bên dưới, người ta sẽ tìm thấy di tích của một thành phố khác, cổ xưa hơn, rồi thêm một thành phố, rồi một thành phố nữa. Dưới nền xi măng và những bãi cỏ của công viên (lúc này bà đang đi ngang qua công viên, nơi bà lão đang ngả đầu ra sau và hát) là nắm xương tàn của những con người được chôn cất tại một nghĩa địa vô danh, một trăm năm trước đã được lát đá lên trên để tạo nên quảng trường Washington. Clarissa bước qua những người đã khuất trong khi xung quanh có vài gã đang khe khẽ chào mời ma túy (không phải với bà) và ba cô gái da đen lao vút qua trên những đôi giày trượt patanh; bà lão vẫn hát chẳng theo giai điệu nào, iiiiiii. Clarissa khoan khoái hân hoan vì vận may của mình, vì đôi giày bà đang đi (được bán hạ giá tại Barney’s, nhưng dẫu sao vẫn đáng để tự hào); nơi đây, nói cho cùng là một khu vực dơ dáy bẩn thỉu của công viên, vẫn rõ mồn một thậm chí cả dưới lớp thảm cỏ và hoa; ngay kia là những kẻ bán ma túy (liệu chúng có giết bạn không đây?) và những kẻ mất trí, những kẻ bị choáng váng, chưa bao giờ biết đến thành công, những người mà vận may, nếu lúc nào đó họ từng sở hữu, đã cạn sạch. Dẫu vậy, bà vẫn yêu thế giới này vì sự dữ dội và trường tồn của nó; bà biết những người khác cũng yêu nó, dù nghèo hay giàu, dẫu không ai nói ra lý do cụ thể. Nếu không như vậy, tại sao chúng ta lại nhọc công tranh đấu để tiếp tục sống, cho dù phải thỏa hiệp đến đâu hay bị tổn thương đến mức nào đi nữa? Thậm chí nếu lâm vào tình trạng thảm hại hơn cả Richard; thậm chí nếu chúng ta chỉ còn da bọc xương, lở loét đầy người, đại tiện bê bết ngay ra giường; ngay cả lúc đó, chúng ta vẫn khao khát sống. Điều đó chắc chắn phải có liên quan tới tất cả những thứ này, bà thầm nghĩ. Tiếng bánh xe nghiến ken két trên nền bê tông; tiếng nước cuộn xoáy va đập vào nhau; những màn nước sáng lấp lánh phun ra từ đài phun nước trong khi đám thanh niên cởi trần ném qua ném lại một chiếc đĩa bay nhựa và những người bán đồ ăn dạo (tới từ Peru hay Guatemala) đang đẩy những chiếc xe kéo màu bạc bốc hơi nghi ngút, đậm mùi thịt nướng lẫn gia vị cay xè; những ông lão bà lão ngồi trên các băng ghế đang cố xoay người đón lấy ánh mặt trời, trò chuyện khe khẽ, thi thoảng lại lắc đầu; tiếng còi xe kêu inh ỏi và tiếng guitar (của một nhóm nhạc công rời rạc ở đằng kia, gồm ba cậu con trai và một cô gái, có thể nào bọn họ đang chơi Eight Miles High[4]?); những chiếc lá lấp lánh trên cây; một chú chó đốm đang đuổi theo những con bồ câu, bài hát Always love you phát ra từ chiếc radio nào đó trong khi bà lão mặc bộ váy sẫm màu đứng dưới cổng vòm tiếp tục hát iiiii.

Bà băng qua quảng trường, hứng phải một tia nước bắn ra từ đài phun nước và bắt gặp Walter Hardy, cơ bắp vạm vỡ với quần soóc và áo ba lỗ trắng đang sải từng bước dài thoải mái, khỏe khoắn về phía quảng trường Washington. “Này, Clare”, Walter gọi hồ hởi và cả hai người có một khoảnh khắc lúng túng không biết nên hôn nhau như thế nào. Walter nhắm môi tới môi Clarissa, còn bà quay miệng tránh đi theo bản năng, thay vào đó đưa má ra đón lấy. Thế rồi bà bừng tỉnh, quay lại chậm mất nửa giây, vậy là môi Walter chỉ chạm vào khóe miệng bà. Mình cứng nhắc quá, Clarissa nghĩ, chẳng khác gì một bà già. Mình ngây ngất trước vẻ đẹp của thế giới, song lại miễn cưỡng, phản xạ theo bản năng, khi hôn môi một người bạn. Ba mươi năm trước, Richard từng nói với bà rằng đằng sau lớp vỏ bọc của một cô nàng ngổ ngáo là một bà vợ ngoan ngoãn và đến giờ lại hiện diện trước chính mình với một tâm hồn cằn cỗi, quá cổ hủ, là nguyên nhân của bao đau khổ. Chẳng trách con gái lại luôn bực bội với bà.

“Rất vui được gặp chị”, Walter nói. Clarissa biết rằng – thực ra bà có thể thấy rõ – Walter vào khoảnh khắc này, đang lướt qua trong đầu một chuỗi những phép đo đạc rắc rối về tầm quan trọng của cá nhân bà. Phải, bà thuộc mẫu phụ nữ trong sách vở, chủ đề của một cuốn tiểu thuyết rất được trông đợi của một nhà văn gần như đã trở thành huyền thoại, song cuốn sách lại thất bại, đúng không nào? Nó chỉ được điểm qua một cách sơ sài, rồi lặng lẽ chìm nghỉm không một tiếng vang. Vậy là, Walter quyết định, bà giống như một bà hoàng đã bị phế truất, thú vị đấy, song không có gì đặc biệt. Bà thấy ông ta đi tới kết luận của mình. Bà mỉm cười.

“Anh làm gì ở New York vào một ngày thứ Bảy vậy?” Bà hỏi.

“Evan và tôi ở lại thành phố cuối tuần này”, ông nói, “Cậu ấy thấy thích một loại cocktail mới ở đây và muốn đi nhảy tối nay”.

“Như thế chẳng phải hơi quá sao?”

“Tôi sẽ để mắt đến cậu ấy. Tôi sẽ không để cậu ấy đi quá đà. Evan chỉ đơn giản là muốn được hòa mình vào thế giới thôi.”

“Anh có nghĩ anh ấy muốn tới chỗ chúng tôi tối nay không? Tôi sẽ tổ chức một bữa tiệc nhỏ cho Richard, để mừng giải thưởng Carrouthers ấy mà.”

“Ồ! Tuyệt quá.”

“Anh cũng biết việc này, đúng không?”

“Tất nhiên rồi.”

“Đó không phải là một giải thưởng thường niên. Không cần những tiêu chí như Nobel hay các giải thưởng khác. Người ta chỉ được nhận giải thưởng này khi đạt được sự nghiệp có tầm quan trọng không thể phủ nhận được.”

“Hay quá.”

“Phải”, bà nói. Một lát sau, bà nói thêm: “Người gần đây nhất được nhận giải là Ashbery. Và trước ông ta là Merrill, Rich và Merwin”.

Khuôn mặt rộng và ngây ngô của Walter thoáng tối đi. Clarissa tự hỏi: Phải chăng ông ta đang băn khoăn về những cái tên? Hay ông ta đang ghen tỵ? Chẳng lẽ ông ta nghĩ mình có thể là ứng viên cho một vinh dự như thế?

“Tôi xin lỗi đã không báo cho anh biết về bữa tiệc sớm hơn”, bà nói, “Chỉ là tôi không hề nghĩ anh lại có mặt ngay gần đây. Anh và Evan chưa bao giờ ở lại thành phố vào dịp cuối tuần”.

Walter nói tất nhiên sẽ tới và sẽ dẫn theo cả Evan nếu anh ta thấy hứng thú, mặc dù Evan, có thể sẽ không tới vì còn để dành sức cho sàn nhảy. Richard sẽ phát điên khi biết Walter được mời và Sally chắc chắn sẽ về hùa với ông. Clarissa có thể hiểu được điều này. Chẳng có mấy thứ trên đời ít lộ liễu hơn thái độ khinh miệt mà người ta dành cho Walter Hardy, người quyết định bước qua tuổi bốn mươi sáu cùng những chiếc mũ lưỡi trai của cầu thủ bóng chày và bộ đồ hiệu Nikes, đã kiếm được hàng đống tiền nhờ viết những cuốn tiểu thuyết lâm ly về tình yêu và tiêu sạch bách chúng cùng những anh chàng trẻ trung có cơ bắp hoàn hảo; có thể thức thâu đêm để nhảy nhót, vui vẻ và không biết mệt mỏi như một con chó béc giê Đức nhặt được cái que mà chủ quăng đi. Có thể tìm thấy những người như Walter ở khắp nơi trong khu Chelsea[5] và Village[6], những người, ở tuổi ba mươi hay bốn mươi hoặc hơn nữa, khăng khăng rằng mình luôn vui vẻ hoạt bát, đầy tự tin và có một cơ thể cường tráng, rằng họ không phải là những đứa trẻ kỳ lạ, chẳng bao giờ bị chế nhạo hay khinh miệt. Richard lý luận rằng những gã đồng tính trẻ trung đó gây ra tổn hại hơn nhiều so với những kẻ chuyên quyến rũ các cậu bé và đúng là Walter không mang theo chút mỉa mai hay hoài nghi nào của những người trưởng thành, chẳng có gì là sâu sắc trước danh tiếng, thời trang hay những nhà hàng thời thượng. Phải, đó chính là điều mà Clarissa đánh giá cao. Chẳng phải chúng ta yêu quý những đứa trẻ một phần cũng vì chúng sống bên ngoài thế giới của sự mỉa mai và hoài nghi đó sao? Chẳng lẽ lại tồi tệ đến thế khi người ta muốn có nhiều hơn tuổi trẻ và khoái lạc? Bên cạnh đó, Walter không hề đồi bại, không hẳn chính xác là đồi bại. Ông ta viết những cuốn sách hay nhất mình có thể viết – những cuốn sách đầy ắp lãng mạn và sự hy sinh, lòng can đảm trước nghịch cảnh – và tất nhiên chúng đem đến sự an ủi thực sự cho một số người. Tên của ông xuất hiện liên tục trên các lời mời gây quỹ và cả các lá thư phản đối, bản thân ông viết những bài giới thiệu đầy ắp lời khen dành cho các cây bút trẻ. Ông chăm sóc Evan một cách chu đáo, tận tâm. Ngày nay, Clarissa tin rằng phải đánh giá người khác trước hết qua lòng tốt và khả năng tận tâm vì người khác của họ. Có những lúc trí tuệ và sự hiểu biết làm người ta phát chán; bất cứ ai cũng có một chút biểu hiện gì đó của thiên tài. Bà không chịu từ bỏ việc thưởng thức sự nông cạn không chút xấu hổ của Walter Hardy, dù điều đó có làm Sally phát điên hay khiến Richard băn khoăn lớn tiếng liệu có phải chính bà, Clarissa, cũng là một người đàn bà ít nhiều phù phiếm và điên rồ hay không.

“Tốt lắm”, Clarissa nói, “Anh biết chúng tôi sống ở đâu rồi, đúng không nào? Năm giờ nhé”.

“Năm giờ.”

“Cần phải tổ chức sớm. Lễ trao giải diễn ra lúc tám giờ, vậy nên chúng ta sẽ ăn trước thay vì sau buổi lễ. Richard không thể thức khuya được.”

“Phải rồi. Năm giờ. Hẹn gặp lại chị tại bữa tiệc.” Walter bắt tay Clarissa và nghênh ngang đi theo nhịp hai bước, quả là một màn trình diễn thể hiện sinh lực dồi dào. Mời Walter tới dự bữa tiệc của Richard có thể là một trò đùa tai quái, nhưng Walter, nói cho cùng, là một người đầy sức sống cũng giống như Clarissa trong buổi sáng tháng Sáu này và ông sẽ cảm thấy mất mặt vô cùng nếu phát hiện ra (dường như ông ta luôn tìm ra mọi thứ) Clarissa đã nói với ông ngày tổ chức bữa tiệc và cố ý không đả động gì đến nó trước đó. Gió thổi làm lá cây đưa qua đưa lại, để lộ mặt dưới bóng hơn, có màu xanh sẫm hơn và Clarissa thầm ước rằng, đột ngột đến mức đáng ngạc nhiên, Richard ở đây bên cạnh bà – không phải Richard lúc này mà là Richard của mười năm về trước, nhà diễn giả không biết sợ hãi, không biết dừng lời, thích châm chọc người khác. Bà muốn anh chàng Richard tranh luận với mình về Walter. Trước khi Richard bắt đầu suy sụp, Clarissa luôn tranh luận với ông. Richard thực sự băn khoăn với những câu hỏi về tốt – xấu và chưa bao giờ, kể cả sau hai mươi năm, hoàn toàn từ bỏ quan niệm về việc quyết định sống chung với Sally của Clarissa đại diện cho những biểu hiện bình thường của sự sa đọa, hay chí ít cũng là sự mềm yếu từ phía bà (dù Richard chẳng bao giờ thừa nhận điều này) cho phép kết tội tất cả phụ nữ nói chung, từ khi ông sớm đi tới kết luận những phẩm chất và nhược điểm của Clarissa không chỉ đại diện cho riêng bản thân bà mà còn cho toàn bộ giới nữ. Richard vẫn luôn là người bạn đồng hành nghiêm khắc và điên khùng nhất của Clarissa, là người bạn thân thiết nhất của bà, nếu Richard vẫn là chính mình, chưa bị bệnh tật động đến thì hẳn lúc này hai người có thể ở bên nhau tranh luận về Walter Hardy, về cuộc hành trình tìm kiếm tuổi trẻ vĩnh cửu, về cách mà những người đàn ông đồng tính bắt chước những cậu nhóc đã từng hành hạ họ ở trường trung học. Anh chàng Richard trước đây có thể nói liền nửa giờ đồng hồ hay lâu hơn nữa những diễn giải khác nhau về bản sao vớ vẩn bức họa Thần Vệ nữ của Botticelli được một thanh niên da đen vẽ bằng phấn trên nền bê tông và nếu trông thấy chiếc túi nilon đang bay dập dờn trên nền trời trắng, phập phồng như một con sứa, ông sẽ tiếp tục nói về các hóa chất và những lợi nhuận vô tận thu được. Ông nói về việc bằng cách nào chiếc túi đó (nó đã từng đựng đầy khoai tây chiên và chuối đã chín nẫu, đã bị một bà mẹ nghèo khó đầy lo toan bất cẩn vứt bỏ khi rời khỏi một cửa hàng giữa đàn con đang cãi nhau ầm ĩ) sẽ bay xuống sông Hudson, nổi bồng bềnh trên mặt sông rồi trôi ra tận đại dương, một con rùa biển, sinh vật có thể sống đến một trăm tuổi, tưởng nhầm nó là một con sứa, ăn chiếc túi và chết. Với Richard, theo cách nào đó thì hoàn toàn có thể, chuyển thẳng từ chủ đề đó sang Sally, rồi hỏi thăm tình hình sức khỏe và hạnh phúc của bà với thái độ đầy châm chọc. Ông có thói quen hỏi thăm về Sally sau một tràng đả kích, như thể Sally là một bến đỗ an toàn nhưng hoàn toàn vô vị và nhạt nhẽo, như thể chính bản thân Sally (người đàn bà khôn ngoan, bị hành hạ nhưng biết vươn lên) cũng vô hại và tầm thường giống một ngôi nhà hay một chiếc xe hơi tốt nằm trên một con phố vắng. Richard sẽ không bao giờ thừa nhận hay thay đổi thái độ khó chịu đối với bà, không bao giờ; ông sẽ không bao giờ vứt bỏ việc kết án mang tính cá nhân rằng Clarissa đã trở thành một bà vợ trên danh nghĩa và không bao giờ bận tâm đến sự thật là bà và Sally không hề có ý định che giấu tình yêu của họ vì bất kỳ ai, hay việc Sally là một phụ nữ thông minh, tận tâm, một nhà sản xuất chương trình truyền hình, lạy Chúa – bà ấy còn phải làm việc chăm chỉ, phải có trách nhiệm với xã hội, bị trả lương rẻ mạt đến thế nào nữa? Bất chấp những cuốn sách rõ ràng là chẳng mang lại lợi ích gì mà Clarissa kiên quyết xuất bản, vẫn giúp bà trang trải chi phí. Bất chấp những chính kiến và những gì bà đã làm cho những người mắc bệnh AIDS.

Clarissa băng qua đường Houston và nghĩ có thể sẽ mua một món quà nho nhỏ cho Evan, để chúc mừng sức khỏe có dấu hiệu tích cực của cậu ta. Không phải là hoa, nếu những bông hoa là sai lầm khó thấy đối với những người đã khuất thì chúng thực sự vô cùng tai hại với những người đang đau ốm. Cái gì mới được chứ? Các cửa hàng ở khu SoHo đầy ắp trang phục dạ hội, đồ trang sức và nội thất kiểu Biedermeier[7]; chẳng có gì có thể mua để tặng cho một thanh niên thông minh, độc đoán, có thể hoặc không thể, với sự trợ giúp của hàng đống thuốc đủ loại, sống nốt quãng đời còn lại của anh ta. Một người như thế thì muốn gì nhỉ? Clarissa đi qua một cửa hàng và chợt nghĩ tới việc mua một chiếc váy cho Julia, bà đứng ngẩn người nhìn chiếc váy nhỏ nhắn màu đen có đai đeo theo phong cách Anna Magnani[8], nhưng Julia không bao giờ mặc váy, con bé khăng khăng giữ lấy cái quyền quyết định tuổi trẻ của mình, khoảng thời gian ngắn ngủi khi người ta có thể thoải mái mặc bất cứ thứ gì mình muốn, mặc sức tung tẩy trong áo lót nam và giày ống bằng có dây buộc thô kệch (Tại sao nó lại tâm sự cùng bà ít đến thế? Chuyện gì đã xảy ra với chiếc nhẫn Clarissa cho nó vào ngày sinh nhật lần thứ mười tám?) À, hiệu sách nhỏ đáng yêu trên đường Spring kia rồi. Có khi Evan thích một cuốn sách. Được trưng bày trong khung cửa là một cuốn sách của Clarissa (và chỉ một cuốn duy nhất!), cuốn sách bằng tiếng Anh (thật tội lỗi, bà đã phải rất vất vả để in ra được mười nghìn bản và còn tồi tệ hơn nữa, trông có vẻ như họ sẽ cực kỳ may mắn nếu bán được năm cuốn), cùng với cuốn truyền thuyết về gia tộc Nam Mỹ mà bà đã thua một nhà xuất bản lớn hơn, cuốn sách rõ ràng đã thất bại trong việc sinh lời, vì những lý do kỳ dị nào đó, được người ta tôn trọng nhưng lại không được yêu thích. Ngoài ra còn có cuốn tiểu sử mới của Robert Mapplethorpe, tập thơ của Louise Glück, nhưng dường như chẳng có gì thú vị cả. Cả hai vừa quá chung chung lại vừa quá cụ thể. Tặng cho anh ta cuốn sách về chính cuộc đời anh ta, nó sẽ giúp định vị, chỉ dẫn và đem đến cho anh ta những đổi thay sao? Không thể là những câu chuyện ngồi lê đôi mách về nhân vật nổi tiếng, phải không nào? Cũng không thể mang tới câu chuyện cay đắng về một tiểu thuyết gia người Anh hay số phận của bảy chị em gái ở Chile, cho dù chúng có được viết tuyệt đến thế nào đi chăng nữa và triển vọng Evan sẽ có nhã ý đọc qua những bài thơ cũng giống như anh ta học vẽ trên đồ sứ.

Vậy là dường như không có nguồn an ủi khả dĩ nào từ thế giới vật chất và Clarissa e rằng nghệ thuật, thậm chí những thành tựu vĩ đại nhất của nó (kể cả ba tập thơ của Richard cũng như cuốn tiểu thuyết duy nhất không thể đọc nổi của ông) cũng thuộc về thế giới vật chất. Đứng trước cửa hiệu sách, một ký ức xa xăm chợt ghé thăm bà, một cành cây đập vào khung cửa sổ, từ đâu đó (dưới nhà thì phải?), tiếng nhạc khẽ vang lên, đó là giai điệu rên rỉ trầm lắng của một ban nhạc Jazz phát ra từ cái máy hát. Đó không phải là ký ức đầu tiên của bà (dường như đó là ký ức về một con ốc sên bò bên rìa đường), cũng không phải là ký ức thứ hai (về đôi xăng đan bằng rơm của mẹ bà, mà cũng có thể thứ tự xuất hiện của hai ký ức này là ngược lại), nhưng hồi ức này, khẩn thiết, sâu sắc hơn bất kỳ điều gì bà còn nhớ, đem đến cảm giác được an ủi gần như siêu nhiên. Clarissa có thể đã ở trong một ngôi nhà tại Wisconsin, hẳn là thế; một trong vô số những ngôi nhà mà bố mẹ bà đã thuê trong các dịp hè (hiếm khi họ ở lại một ngôi nhà đến hai lần – mỗi nơi rốt cuộc đều có một khiếm khuyết nào đó để mẹ bà thêm vào câu chuyện tự thuật không bao giờ dừng của mình,Chuyến du lịch đẫm nước mắt của gia đình nhà Vaughan tới Wisconsin). Clarissa lúc đó mới ba hay bốn tuổi, trong một ngôi nhà mà sau này bà không bao giờ có dịp quay trở lại, bà không còn giữ được ký ức nào về nó ngoài chi tiết này, nó nổi bật hẳn lên, còn rõ ràng hơn một số chuyện mới chỉ xảy ra ngày hôm qua: một cành cây đập vào khung cửa sổ khi tiếng còi bắt đầu vang lên; như thể cái cây đó, bị cơn gió làm cho dao động, bằng cách nào đó đã tạo ra âm nhạc. Dường như vào đúng khoảnh khắc đó, bà bắt đầu cảm nhận được sự hiện diện của mình trên thế gian này; bắt đầu thấu hiểu những lời hứa lớn lao hơn hạnh phúc của con người, cho dù nó chứa cả hạnh phúc cũng như mọi cảm xúc khác. Đối với bà, cành cây và điệu nhạc còn quan trọng hơn tất cả những cuốn sách có mặt trên khung cửa hiệu sách kia. Bà muốn cho Evan và cho chính mình một cuốn sách có thể truyền tải tất cả những gì mà mảnh ký ức đặc biệt đó đem đến. Bà đứng đó, nhìn những cuốn sách và vào hình ảnh phản chiếu của mình trên mặt kính (bà vẫn còn rất ổn, trông khá ưa nhìn thay vì xinh đẹp – đến khi nào thì những nếp nhăn cùng đôi môi nứt nẻ xuất hiện trên khuôn mặt bà đây?), rồi bà tiếp tục bước, thầm tiếc rẻ chiếc váy ngắn màu đen không mua cho con gái vì Julia đang trở thành một tín đồ của một nhà lý luận kỳ dị và khăng khăng gắn bó với áo phông và giày dã chiến. Mi ngưỡng mộ Mary Krull, không có lựa chọn nào khác, sống như cô ta đang sống dù đang ở bờ vực của đói nghèo, để rồi vào tù ra tội vì vô số lý do khác nhau và thuyết trình một cách say sưa tại Đại học New York về tấm mặt nạ thảm hại vẫn được biết tới dưới tên gọi giới tính. Mi muốn như cô ta, mi nỗ lực để làm điều đó, nhưng rốt cuộc, về mặt trí tuệ và đạo đức, cô ta vẫn hơn mi, trong màn thể hiện không có giới hạn về sự công bằng vừa chớm hiện. Mi biết cô ta giễu cợt mi vì sự thoải mái mà mi cảm thấy cũng như những suy nghĩ kỳ cục (cô ta coi chúng là kỳ cục) của mi về quan hệ đồng giới nữ. Mi dần chở nên chán ngán với việc bị đối xử như kẻ thù chỉ vì mi không còn trẻ nữa; vì cách ăn mặc của mi chẳng có gì nổi bật. Mi muốn gào vào mặt Mary Krull rằng điều đó cũng chẳng tạo ra nhiều khác biệt đến thế; mi muốn cô ta hãy thử vào bên trong đầu mi vài ngày và cảm nhận những nỗi lo buồn, nỗi sợ hãi không tên. Mi tin – mi biết – rằng mi và Mary Krull cùng bị hành hạ bởi một căn bệnh vô phương cứu chữa, cảm giác khó chịu trong tâm hồn và chỉ cần thêm một lần bấm số điện thoại nữa thôi thì hai người rất có thể đã là bạn, nhưng sự đời đã an bài như thế, cô ta xộc tới cướp đi con gái mi, còn mi ngồi trong căn hộ tiện nghi của mình căm ghét cô ta cũng dữ dội như bất cứ ông bố nào theo phe Cộng hòa. Cha của Clarissa, một người đàn ông lịch lãm tới độ nhạt nhẽo, rất thích ngắm nhìn phụ nữ mặc váy ngắn màu đen. Cha bà dần kiệt sức; ông buông xuôi từ bỏ lập trường của mình theo cách ông thường từ bỏ việc tranh luận, chỉ đơn giản vì đồng ý sẽ dễ dàng hơn. Ở phía trước, tại MacDougal, một nhóm làm phim đang quay một bộ phim giữa đống hỗn độn những toa xe moóc và xe tải chở thiết bị, cùng những dải đèn màu trắng. Và đây là thế giới đời thường, bộ phim đang được quay, một cậu nhóc người Puerto Rico đang quay mở mái hiên của cửa hàng bằng một chiếc cần màu trắng bạc. Đây là thế giới, mi sống trong đó và cảm thấy biết ơn vì điều đó. Hay cố tỏ ra biết ơn.

Bà đẩy cánh cửa tiệm bán hoa, vốn thường hơi bị kẹt, rồi bước vào, một phụ nữ cao lớn có đôi vai rộng đang đứng giữa những bó hồng và lan dạ hương, những chậu hoa thủy tiên đã bám rêu xanh, những giò lan đang rung rinh khoe sắc. Barbara, người đã làm việc trong tiệm này nhiều năm qua, lên tiếng chào bà. Sau một một chút ngập ngừng, bà chìa má ra để đón lấy một cái hôn.

“Xin chào”, Clarissa nói. Môi bà khẽ chạm lên làn da Barbara và khoảnh khắc đó thật hoàn hảo, tới một cách đột ngột, không hề lường trước. Bà đứng trong tiệm bán hoa nhỏ, thứ ánh sáng lờ mờ với bầu không khí êm dịu khoan khoái khiến nó giống như một ngôi đền trang trọng với bạt ngàn những hoa, những cụm hoa khô treo ngược từ trên trần xuống, còn những dải ruy băng thì tạo thành từng vệt nổi bật trên nền tường ở cuối phòng. Cành cây đó đang đập vào khung cửa kính và cả một cành cây khác nữa phủ đầy lá màu đỏ, dù lúc ấy bà đã lớn hơn, lên năm hay lên sáu, đang trong phòng ngủ của mình và giờ đây bà có thể nhớ lại những hình ảnh ấy một cách kính cẩn, thậm chí ngay từ lúc đó, hình ảnh cành cây đã xuất hiện trước, chính nó đã tạo nên tiếng nhạc dưới cầu thang; bà nhớ là mình đã yêu cành cây mùa thu đó biết bao, vì nó nhắc bà nhớ tới cành cây trước đã đập vào khung cửa sổ nhà bà và giờ bà không thể nhớ ra điều gì khác cụ thể về nó. Còn giờ bà đang ở đây, trong tiệm bán hoa, nơi những bông anh túc chập chờn khoe sắc trắng và màu vàng của hoa mơ trên những cuống dài đầy lông tơ. Mẹ bà, người luôn mang trong xắc tay một hộp kẹo bạc hà của Pháp, từng bĩu môi và gọi Clarissa là điên rồ, một con bé điên rồ, với giọng điệu ngưỡng mộ một cách tâng bốc.

“Chị vẫn khỏe chứ?” Barbara hỏi.

“Ổn cả, vẫn ổn cả”, bà nói. “Chúng tôi chuẩn bị tổ chức một bữa tiệc nhỏ vào tối nay, dành cho một người bạn vừa giành được giải thưởng văn học tiếng tăm.”

“Giải Pulitzer phải không?”

“Không. Là giải thưởng Carrouthers cơ.”

Barbara thể hiện thái độ bối rối mà Clarissa hiểu đó là một nụ cười. Barbara trạc bốn mươi tuổi, một phụ nữ trắng trẻo, tròn trịa, dự định tới New York để hát opera. Trên khuôn mặt cô có nét gì đó – quai hàm vuông vắn hay đôi mắt lạnh lùng thiếu biểu cảm – nhắc cho bà nhớ con người về cơ bản trông vẫn không có gì khác biệt so với một trăm năm trước đây.

“Vào lúc này chúng tôi hơi khan hàng”, cô nói. “Trong tuần này đã có chừng năm mươi đám cưới.”

“Tôi không cần nhiều lắm đâu”, Clarissa nói. “Chỉ vài bó loại này hay loại khác thôi.” Clarissa cảm thấy có lỗi một cách không thể diễn tả nổi về việc không trở thành một người bạn tốt hơn với Barbara, cho dù hai người chỉ biết nhau qua quan hệ giữa khách hàng và người bán hàng. Clarissa luôn mua hoa ở tiệm của Barbara và một năm trước, bà từng gửi cho cô một tấm thiếp khi nghe tin cô đang lo lắng về nguy cơ bị ung thư vú. Sự nghiệp của Barbara không được suôn sẻ như dự kiến; không biết cô ấy đã xoay xở thế nào để sống với đồng lương tính theo giờ của mình (nhiều khả năng là một căn chung cư chật chội với bồn tắm kề sát bếp nấu) và cô cũng đã thoát khỏi căn bệnh ung thư. Trong khoảnh khắc, Mary Krull lại hiện ra, vật vờ ám ảnh bên trên những bông hoa ly và hoa hồng, sẵn sàng làm bộ kinh hoàng trước những gì Clarissa sắp bỏ tiền ra mua.

“Chúng tôi có một ít tú cầu rất đẹp”, Barbara nói.

“Để xem nào.” Clarissa đi vào trong kho lạnh, chọn trong số những bông hoa mà Barbara lấy từ thùng chứa ra và ôm lấy trên hai cánh tay. Nếu vào thế kỷ XIX, có lẽ bà đã là một người vợ nông thôn, dịu dàng, nhạt nhòa, bất mãn, đang đứng giữa một khu vườn. Clarissa chọn hoa mẫu đơn, hoa ly đốm sao và hoa hồng màu kem, nhưng không muốn lấy tú cầu (tội lỗi, tội lỗi làm sao, có vẻ như mi sẽ không bao giờ đủ trưởng thành để vượt qua điều đó) và đang cân nhắc xem có nên lấy thêm hoa diên vĩ hay không (liệu những bông diên vĩ này có hơi… lỗi thời không nhỉ?) thì tiếng đổ vỡ ầm ầm vọng vào từ ngoài đường.

“Có chuyện gì vậy không biết nữa?” Barbara lên tiếng. Cô và Clarissa cùng đi tới bên khung cửa sổ.

“Tôi nghĩ đó là đám người của đoàn làm phim.”

“Có lẽ vậy. Bọn họ đã quay phim ngoài đó suốt buổi sáng.”

“Cô có biết đó là phim gì không?”

“Không”, cô nói và quay người rời đi với dáng bộ ít nhiều cứng nhắc của người có tuổi, hai cánh tay ôm đầy hoa, hệt như bóng ma của cô vào một trăm năm trước, đã từng quay lưng lại với tiếng roi ngựa quất vun vút và tiếng kêu lọc cọc của một cỗ xe ngựa lao ngang qua, chở đầy những người đi chơi dã ngoại ăn mặc chỉn chu tới từ một thành phố xa xôi. Clarissa nán lại, đưa mắt nhìn về phía đám xe tải và xe moóc. Đột nhiên, cánh cửa của một toa xe moóc bật mở, một cái đầu ló ra. Đó là một phụ nữ, ở cách đó khá xa, chỉ có thể trông thấy được theo góc nhìn nghiêng, giống như hình đầu người được dập trên một đồng xu và trong khi Clarissa không thể nhận ra ngay cô ta (Meryl Streep[9] chăng? Hay Vanessa Redgrave[10]?), bà không chút nghi ngờ rằng người phụ nữ đó là một ngôi sao điện ảnh. Bà biết được điều đó qua dáng vẻ tự tin đầy quyền uy, cũng như qua thái độ săn đón vồ vập của một anh chàng trong đám phụ trách đạo cụ khi nói với bà ta (những lời nói mà Clarissa hoàn toàn không nghe thấy) về nguyên nhân gây ra tiếng động. Người phụ nữ nhanh chóng tụt đầu vào trong, cánh cửa toa moóc cũng đóng lại, nhưng người phụ nữ bỏ lại phía sau thái độ nghiêm khắc không lẫn vào đâu được, như thể một thiên thần vừa chạm một bàn chân đi xăng đan xuống mặt đất để hỏi xem có gì rắc rối không, để rồi sau khi được báo mọi sự đều ổn thỏa, bèn lập tức quay trở lại vị trí của mình trên chín tầng mây mang theo thái độ nghiêm nghị sau vài lời nhắc nhở để đám con trẻ trên trái đất đừng quên bọn họ chỉ nhận được mức độ tin tưởng tối thiểu trong việc tự xoay xở thực hiện chức trách của mình và bất cứ hành động bất cẩn tiếp theo nào cũng sẽ không được bỏ qua.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button