ListTheo chủ đề

7 sách hay về cải lương đọc để khám phá nét đẹp của văn hóa âm nhạc dân tộc

Dưới đây là 7 cuốn sách được đề xuất có thể giúp độc giả đương đại nhớ lại và hiểu được thời kỳ huy hoàng của nghệ thuật cải lương. Điều này góp phần bảo tồn và truyền tải nghệ thuật và văn hóa đặc sắc này.

Hát Bội, Đờn Ca Tài Tử Và Cải Lương Cuối Thế Kỷ 19 Đầu Thế Kỷ 20

Hát Bội, Đờn Ca Tài Tử Và Cải Lương Cuối Thế Kỷ 19 Đầu Thế Kỷ 20

Năm 1889 lần đầu tiên hát bội diễn ở Pháp đã gây sự tò mò thích thú từ quần chúng đến giới nghệ thuật. Sự đặc thù cuốn hút của nghệ thuận này đã khiến nhạc sĩ – nhà dân tộc nhạc học, ông Julien Tiersot đã ghi lại các nhạc cụ và âm nhạc hát bội, nhạc sĩ Claude Debussy sau khi nghe tuồng hát bội thì âm nhạc sang tác sau này của ông có sự ảnh hưởng nhạc hát bội Việt Nam.

Nhiều người thường mặc định hát chèo là văn hoá đặc thù của người miền Bắc, hát bội, hát tài tử và cải lương là văn hoá của người dân Nam bộ. Thực ra nhạc tài tử có nguồn gốc từ nhạc Cung đình Huế, cải lương ra đời là sự kết tinh và sang tạo từ nhiều hình thái nghệ thuật như hát bội, đờn ca tài tử, ca ra bộ, kịch nói và cả âm nhạc Tây phương.

Với tình yêu nghệ thuật cổ truyền, nhà nghiên cứu Nguyễn Lê Tuyên – Giảng viên của trường Đại học Quốc gia Úc và Nguyễn Đức Hiệp đã kế thừa và tiếp cận các nguồn tài liệu đáng tin cậy để có có một “công trình nghiên cứu” nho nhỏ giúp chúng ta hiểu thêm về loại hình văn hoá dân tộc đặc sắc này.

Câu Chuyện Cải Lương Thật Và Đẹp

Câu Chuyện Cải Lương Thật Và Đẹp

Hugh Frey và Suzanne Joinson, hai sử gia truyền miệng của Hội đồng Anh, đã dành mười ngày ở Thành phố Hồ Chí Minh để thu thập những ký ức và hồi ức về nghệ thuật Cải lương cho tập sách ngắn này. 

Khung phương pháp luận được sử dụng ở đây nhằm hướng dẫn các câu chuyện kể và thúc đẩy việc tự do trao đổi ký ức. Mỗi cuộc phỏng vấn đều được ghi lại trên phim và tường thuật. Nhiều buổi phỏng vấn kéo dài hơn 40 phút, có phiên dịch viên và có phim tài liệu kèm theo.

Hồi ký 50 Năm Mê Hát, Năm Mươi Năm Cải Lương

Hồi ký 50 Năm Mê Hát, Năm Mươi Năm Cải Lương

Hồi Ký 50 Năm Mê Hát, Năm Mươi Năm Cải Lương là cuốn sách được viết bằng tâm huyết của học giả Vương Hồng Sển với nửa thế kỷ say mê nghệ thuật cải lương Nam Bộ với tất cả tấm lòng và trái tim. Lúc trước Vương Hồng Sển là một công chức, nhưng sau ông về hưu sớm để chuyên tâm về văn nghệ. Hồi Ký 50 Năm Mê Hát của Vương Hồng Sển in lần thứ nhất vào năm 1968.

Cuốn sách này đặc biệt ở chỗ: tác giả không nói nhiều về đời tư mà đề cập đến lịch sử cải lương Nam Bộ từ ngày sơ khai đến thời hoàng kim, cực thịnh qua cái nhìn, cách sống của một con người yêu môn nghệ thuật này.

Tác giả tự nhận là mê cải lương, tuồng tích, đào kép với sự bồng bột năm 12 tuổi lẫn cái xao động năm 16 tuổi và sự say mê của cả một đời người. Tuy vậy, cái sự “mê” của cụ Vương rất có bài bản và ý thức rõ ràng trong việc phải lưu giữ trên trang viết những gì ông trải qua, được chứng kiến về một giai đoạn phát triển đặc biệt của cải lương. Một giai đoạn đã trôi qua và không bao giờ trở lại trong lịch sử văn hóa của dân tộc. Ông giữ cả từng tấm vé, thiệp mời đi xem hát, tấm quảng cáo lịch trình giờ diễn, thiệp mời.

Ông chọn lọc tư liệu, sưu tầm báo chí, truyện kể, giai thoại nói về gốc tích hát bội, cải lương ở miền Nam. Hàng trăm nhân vật nổi tiếng của ngành nghệ thuật này như: Năm Phỉ, Tư Út, cô Bảy Phùng Há, Năm Châu, Thành Được, Út Bạch Lan…qua sự giáo tiếp, quan sát, cảm nhận của Vương Hồng Sển mở ra nhiều điều khá thú vị. Những đêm đàn ca hát xướng, các câu chuyện về những người của một thời như: Hắc công tử, Bạch công tử, cô Ba Trà sắc nước hương trời…. cũng được nhắc đến, gợi nhớ về một giai đoạn “vó xưa xe ngựa hồn thu thảo”, khi mà cải lương ăn sâu vào đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân miền Nam.

Qua từng trang sách còn hiện lên một Sài Gòn xưa với lối ứng xử, cách sinh hoạt, văn hóa đặc trưng. Đây quả thực là một kho tư liệu sinh động, tập hợp được một số hình ảnh, nhiều bài hát cổ, và nhiều tư liệu về rất nhiều ban hát, gánh hát kiếm sống nổi danh trên đất Sài Gòn, Nam kỳ lục tỉnh. Vương Hồng Sển cho rằng 50 năm mê hát chỉ là cuốn sách để “Mình nói mình nghe” và “biết bao nhiêu, nói bấy nhiêu”. Nhưng những gì ông kể lại đã giúp người đọc hôm nay nhớ và hiểu về một thời vàng son của nghệ thuật cải lương.

Sân Khấu Cải Lương Nam Bộ

Sân Khấu Cải Lương Nam Bộ

Tác giả là một người mê cải lương. Rất mê là đằng khác. Tập sách này là tình cảm của tác giả dành cho cải lương… nên đầy tâm huyết.

Sách giới thiệu về sự ra đời của sân khấu cải lương Nam Bộ, Những chặng đường của cải lương Nam Bộ; Sự xuất hiện của cải lương Miền Trung – Miền Bắc.

Châu, Chút Tạ Tình Tri Âm

Châu, Chút Tạ Tình Tri Âm

Cuốn bút ký chân dung Châu, Chút Tạ Tình Tri Âm mà quý bạn đọc đang cầm trên tay là kết quả của quá trình “thai nghén” suốt nhiều năm đầy trăn trở, suy tư của người viết. Thậm chí, người viết từng nhiều lần tự hỏi liệu có ai sẽ mua, sẽ đọc cuốn sách này khi nó chẳng chứa những câu chuyện hứa hẹn “câu khách”, khi sân khấu cải lương đang loay hoay lần tìm ánh sáng cuối đường hầm.

Cuốn bút ký được viết bằng giọng văn thủ thỉ tâm tình, hồn hậu như gói cả sông nước mây trời miền Tây; từ chuyện ngôi sao nhí Mỹ Châu tỏa những tia sáng đầu tiên bên bến sông quê vào năm 7 tuổi, đến chuyện nàng làm đào chánh ở tuổi 14 nơi Sài Gòn phồn hoa đô hội, đến chuyện nàng thành “triệu phú” ở tuổi 17, sắm xe hơi, xây nhà lầu dễ như chơi, vàng bạc đầy nhà. Tất cả cũng vì ngày ấy, cải lương là món “độc” theo cả nghĩa độc đáo lẫn độc tôn. Tất cả cũng vì nàng là ngôi sao sáng lạ giữa những ngôi sao thuộc thế hệ vàng của cải lương Việt Nam. Tất cả cũng vì bao trái tim người mộ điệu “ghiền” nàng chết mê chết mệt, tôn vinh nàng là “nữ hoàng kiếm hiệp”.

Thế rồi, thời cuộc đổi thay…

Thế rồi, “cái chết êm ái và mật ngọt” lặng lẽ đánh úp sân khấu cải lương…

Thế rồi, hơn cả một cơn ác mộng, không còn cảnh khán giả rồng rắn đi xem cải lương, không còn những vở cải lương diễn hàng ngàn suất, không còn cảnh tiền bán vé cải lương nhét đầy bao tải, phải è lưng khuân về…

Thế rồi, những thánh đường sân khấu cải lương từng chứng kiến bao phút thăng hoa thần sầu của các nghệ sĩ, bao cảnh người mộ điệu thổn thức khóc cười, nay quạnh hiu…

Thế rồi, nàng đành nuốt nước mắt tự làm cuộc chia ly với sân khấu, với nghệ thuật cải lương để có thể giữ lấy những giá trị nàng muốn giữ gìn trong cảnh làm nghề lao xao…

Nhờ lối kể chuyện thủ thỉ lúc “cận cảnh” đời nàng, lúc “toàn cảnh” bức tranh sân khấu cải lương mà cuốn bút ký này như ngầm vượt lên ý nghĩa một cuốn bút ký chân dung, khe khẽ chạm đến ý nghĩa một biên niên sử không nặng các số liệu về một chặng đường thăng trầm của sân khấu cải lương Việt Nam.

Nghệ Thuật Sân Khấu: Hát Bội, Đờn Ca Tài Tử Và Cải Lương Ở Sài Gòn Và Nam Kỳ Cuối Thế Kỷ XIX Đến 1945

Nghệ Thuật Sân Khấu: Hát Bội, Đờn Ca Tài Tử Và Cải Lương Ở Sài Gòn Và Nam Kỳ Cuối Thế Kỷ XIX Đến 1945

Nghệ Thuật Sân Khấu: Hát Bội, Đờn Ca Tài Tử Và Cải Lương Ở Sài Gòn Và Nam Kỳ Cuối Thế Kỷ XIX Đến 1945 trình bày một số sự kiện trong lãnh vực văn hóa từ năm 1861 lúc người Pháp chiếm được Sài Gòn cho đến khi Việt Nam độc lập năm 1945.

Sài Gòn là vùng đất mới gồm đủ loại thành phần các lưu dân và là nơi bị ảnh hưởng của Tây phương đầu tiên. Văn hóa nghệ thuật sân khấu, sinh hoạt xã hội, kinh tế thay đổi nhanh chóng vào đầu thế kỷ XX khi một hình thái mới của nghệ thuật sân khấu là cải lương phát triển nhanh chóng từ sự tổng hợp của hát bội, đờn ca tài tử và nghệ thuật kịch nói Tây phương.

Hai thập niên đầu thế kỷ XX chứng kiến sự ra đời của rất nhiều sách dịch ra quốc ngữ hay sáng tác các tuồng hát bội, bài ca tài tử từ các nhà xuất bản, nhà in mà đa số là do người Việt làm chủ như Đinh Thái Sơn, Nguyễn Văn Của, Nguyễn Văn Viết, Huỳnh Kim Danh… Số lượng các đầu sách về tuồng hát bội, tuồng thơ, bài ca tài tử rất nhiều và hơn cả các giai đoạn sau cho đến ngày nay, cho thấy hát bội và đờn ca tài tử trong giai đoạn 1900-1920 rất phổ thông trong quần chúng và tác giả các tuồng hát bội, bài ca tài tử có cơ hội để đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Sự tiến hóa từ hát bội và kết hợp nhạc tài tử, ca ra bộ với kỹ thuật sân khấu kịch Âu châu đến nghệ thuật cải lương cần có ý thức, tư tưởng đổi mới và thấm nhuần cả hai nền văn hóa, Việt Nam truyền thống và văn hóa Pháp. Chúng ta phải kể đến Lương Khắc Ninh, Nguyễn Liên Phong, Nguyễn Tùng Bá, Nguyễn Trọng Quyền, Trương Duy Toản, Diệp Văn Kỳ, Hồ Biểu Chánh, Trương Văn Bền, Trần Đắt Nghĩa, Pierre Tú, André Thận, cô Ba Ngoạn,… những người tiên phong truyền bá, viết tuồng theo phong cách tân thời và phỏng theo tiểu thuyết xã hội, các thương gia, chủ nhà máy, kỹ nghệ gia, hay những người mở gánh hát là những trí thức bị ảnh hưởng Tây học. Hội các thương, kỹ nghệ gia người Việt Nam ở Nam kỳ (Association des commerçants et industriels Annamites de Cochinchine) cùng các hội đoàn, câu lạc bộ thể thao, chủ các tờ báo, nhà in,… tập hợp tầng lớp tinh hoa ở Sài Gòn và Nam Kỳ đã hỗ trợ, nâng đỡ và tham gia vào hoạt động sân khấu cải lương trong những năm đầu từ cuối thập niên 1910 đến thập niên 1930…

Cải lương phản ảnh sự thay đổi lớn lao trong xã hội, những kỷ cương truyền thống của xã hội Á Đông đã bị ảnh hưởng do sự tiếp nhận văn hóa, văn minh và lối sống Âu Tây vào đầu thế kỷ XX. Những vở tuồng xã hội cho thấy vai trò phụ nữ đã được giải phóng về phương diện gia đình, tự do tình yêu và tham gia hoạt động kinh tế, văn hóa mà trước đây họ bị gò bó. Những sự thay đổi này đã gây ra nhiều tranh luận trên báo chí, bên cạnh những tranh luận về vai trò của sân khấu cải lương trong sự đổi thay, truyền bá tư tưởng mới.

Nghệ thuật sân khấu: Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương ở Sài Gòn và Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX đến 1945 dựa trên một số tư liệu sách báo nhằm mục đích phác họa cho độc giả thấy bối cảnh và sự phát triển của các loại hình nghệ thuật sân khấu như hát bội, nhạc tài tử, ca ra bộ, cải lương và sự phong phú của lịch sử nghệ thuật sân khấu ở Sài Gòn nói riêng và Nam Kỳ nói chung trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đến 1945.

Nguyễn Đức Hiệp

Bước Đường Cải Lương

Bước Đường Cải Lương

“Tuy mới hình thành được gần 100 năm nhưng cải lương đã có một chỗ đứng trong lãnh vực âm nhạc cổ truyền Việt Nam”.

Bằng cách vào đề hấp dẫn, những suy luận khúc chiết, cách trình bày theo thứ tự thời gian rõ ràng, Bước đường của cải lương của tác giả Nguyễn Tuấn Khanh đã dần vén mở hai vấn đề cốt lõi được nhiều người quan tâm khi nhắc đến bộ môn nghệ thuật này: thời gian xuất hiện và nguồn gốc của cải lương. Đặc biệt, với những tư liệu quý báu mà tác giả tìm tòi nghiên cứu và hình ảnh minh họa sinh động, cuốn sách sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ thêm về cải lương và bài Dạ cổ hoài lang mà nhiều người vẫn thuộc nằm lòng.

Không cầu kỳ hoa mỹ trong việc sử dụng từ ngữ, không ồn ào đả kích, không mở ra những cuộc tranh luận gay gắt sôi nổi, tác giả chỉ nói những gì mình biết và mình tin là đúng, nói một cách nhẹ nhàng và thuyết phục, chính điều đó tạo nên sự hấp dẫn trong Bước đường của cải lương của Nguyễn Tuấn Khanh.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button