Chuyên ngành

Vấn Đề Quốc Học

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Kim Định

Download sách Vấn Đề Quốc Học ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KIẾN THỨC TỔNG HỢP

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI NÓI ĐẦU

Trong giới trí thức miền Nam trước năm 1975, Giáo sư Kim Định (1915 – 1997) – nhà triết học, nghiên cứu triết học, nhà văn hóa là một diện mạo, một bản lĩnh độc đáo.

Ông họ Lương, sinh ra ở làng Trung Thành, địa phận Bùi Chu thuộc Nam Định. Từ năm 1937 – 1939, ông dạy tiếng La-tinh tại Tiểu chủng viện Ninh Cường. Từ năm 1939 – 1943, ông học triết học và thần học tại Đại chủng viện Quần Phương. Năm 1943 được phong Linh mục, từ đó đến năm 1947, ông dạy triết học phương Tây cũng tại Đại chủng viện Quần Phương. Năm 1947, ông được cử du học ở Pháp, vào học tại Học viện Công giáo Paris (Institut Catholique de Paris), và Học viện cao học Trung Hoa học (Institut des Hautes Etudes Chinoises), Paris. Sau khi tốt nghiệp, năm 1958, ông trở về miền Nam Việt Nam, dạy triết học tại nhiều trường đại học.

Do nhu cầu giảng dạy môn triết học Đông phương, GS. Kim Định đã biên soạn một loạt giáo trình giảng dạy cho sinh viên. Các giáo trình này, về sau, ông nâng cao và hệ thống hóa, gắn kết chặt chẽ nhằm chứng minh, xây dựng nền tảng cho triết học Việt Nam mà ông gọi Việt Triết hay Việt Nho.

Với sự chú tâm xuyên suốt, GS. Kim Định đặt vấn đề mà trước đó chưa mấy ai nghiên cứu đến tận cùng. Đó là, “Ông khởi xướng học thuyết An Vi hay Việt Nho tức là xem xét Nho giáo một cách siêu việt, ở tận đầu nguồn của nó. Đây cũng là vấn đề được đặt ra theo hướng phương pháp luận, nhằm phản bác lại cái nhìn “duy sử” cũng như cách đo đếm khoa học một cách cơ giới, khi muốn quay trở về đúng nguồn cội nền văn hóa Lạc Việt của người Việt Nam.” (Tự điển văn học bộ mới, NXB Thế Giới – 2003, tr. 756).

Có thể kể đến các tác phẩm chính của GS. Kim Định đã công bố như Những dị biệt giữa hai nền triết lý Đông Tây, Triết lý giáo dục, Cửa Khổng, Nhân bản, Chữ Thời, Tâm tư, Việt lý tố nguyên, Dịch kinh linh thể, Triết lý cái đình, Lạc Thư minh triết, Vấn đề quốc học, Tinh hoa ngũ điển, Cơ cấu Việt Nho, Vấn đề nguồn gốc văn hóa…

Không phải ngẫu nhiên, mở đầu cho “học thuyết An Vi”, Kim Định bắt đầu bằng Cửa Khổng. Ông quan niệm: “Những người muốn xây dựng cho dân nước một nền văn hóa ăn nhịp với chiều tiềm thức của dân tộc không thể không kể đến Nho giáo” (Cửa Khổng, NXB Ca Dao – 1974, tr. 59). Kim Định không trình bày học thuyết Nho giáo như nhiều người đã làm, ông vận dụng phương pháp luận hiện đại, so sánh đối chứng Khổng giáo với các học thuyết khác trong Bách gia chư tử, triết học phương Tây cùng thời… Theo ông, “Tìm ra Nho giáo sơ khai tức cũng là Nho giáo chân chính. Nho giáo có đã lâu đời, tục truyền là từ Phục Hy, Thần Nông, còn Khổng Tử chỉ là đại diện cuối cùng.” (Cửa Khổng, NXB Ca Dao – 1974).

Khi xác lập lại hệ giá trị Nho giáo nguyên thủy, phương pháp luận của Kim Định là cần phải khởi nguồn từ “tố nguyên” (đi ngược trở lên) để nắm bắt cho được sự “tinh ròng” của sự vật/sự việc. Vậy, lúc quay về tìm hiểu cội nguồn văn hóa, tiếp cận bản sắc văn hóa cổ truyền của dân tộc Lạc Việt thì sao?

“Theo Kim Định, chỉ có cách nhìn “huyền sử” mới là phương pháp thỏa đáng nhất, qua đó những nhân vật, hình tượng, và những sự tích mà truyền thuyết xưa ghi lại trong Việt điện u linh và Lĩnh Nam chích quái – cũng giống như những chứng tích khảo cổ học và chứng tích trên trống đồng – sẽ không còn là những con người lịch sử có thật hay những sự việc cụ thể đã thật sự diễn ra trong một thời đoạn lịch sử chính xác nào đấy như sử gia từng nghĩ, mà chính là những biểu tượng quy nạp vào đó công cuộc tiến hóa hàng nghìn, hàng chục nghìn năm lịch sử của cha ông.

Có nhìn như thế mới thấy được mối liên quan mật thiết giữa chuỗi truyền thuyết về người Việt cổ xưa (Hồng Bàng, Hùng Vương…) với chuỗi truyền thuyết mà Trung Hoa đã tự nhận là gốc tích riêng của tổ tiên họ (Tam hoàng Ngũ đế…). Và vấn đề phải đặt lại là chính tổ tiên người Việt là người Viêm Việt xưa kia đã từng ngự trị ở giữa vùng châu thổ sông Hoàng Hà và sông Dương Tử, đã chiếm lĩnh hết 18 tỉnh của Trung Quốc ngày nay, và đã làm nên văn hóa Việt Nho, một nền văn hóa tinh thuần, lấy nhu thuận làm cốt lõi, đại biểu cho văn minh nông nghiệp, mà sau này Hoa tộc, một giống người du mục từ Bắc tràn xuống, với tinh thần thượng võ, đã đẩy lui Viêm Việt xuống mãi phía Nam, phân hóa thành nhiều chủng: Anhđônêziêng (Indonésiens), Môn-Khme (Mon-Khmer), Âu Việt, Miêu Việt, Lạc Việt, nhưng đồng thời do trình độ văn minh thấp hơn, cũng lại bị văn minh Viêm Việt đồng hóa để đi đến hòa đồng Việt Nho của Viêm Việt thành Hán Nho của Trung Hoa” (Tự điển văn học bộ mới, NXB Thế Giới – 2003, tr. 756).

Lâu nay, trong học thuật tồn tại nhiều vấn đề đã có không ít ý kiến dị biệt, chẳng hạn, người Việt có nền quốc học hoặc triết lý hay không?

Trong Vấn đề quốc học, Triết lý cái đình…, GS. Kim Định khẳng định tưởng rằng “nước đôi” là vừa “có” lại vừa “không”. Thế nào là có? Thế nào là không? Chẳng hạn, về vấn đề triết học, ông lập luận: “Điểm nhất là Hùng Vương không truyền ngôi cho con trưởng nam nhưng cho con nào tài ba hơn cả. Đây là giai đoạn chiết trung giữa truyền hiền của Việt Nho nguyên thủy và truyền tử của Hán Nho. Hùng Vương tham bám giữa Hán Nho là truyền tử, nhưng không truyền cho trưởng nam, mà truyền cho con nào hiền tài đó là chú ý đến truyền hiền của Viêm Việt. Điểm thứ hai mới thực là đặc tính của Lạc Việt là tìm cái phi thường trong cái thường thường. Và cái thường thường hơn nhất là cơm bánh mọi người phải dùng hàng ngày, vậy mà Lang Liêu con thứ 18 của Hùng Vương lại dùng để diễn đạt được cả đạo trời, đạo đất, đạo người” v.v… Những lập luận, những cách nhìn mới mẻ này cũng là một trong những yếu tố hấp dẫn, có tính phát hiện.

Nhiều vấn đề mà GS. Kim Định đặt ra từ thập niên 1960, đến nay vẫn còn có ý nghĩa thời sự. Và theo chúng tôi được biết, hiện nay đã có nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước khi tìm về cội nguồn văn hóa Việt Nam đã đi theo hướng gợi mở táo bạo này. Do đó, không phải ngẫu nhiên, các công trình nghiên cứu của ông đã từng tạo ra sự tranh luận sôi nổi. Mà có như thế, nhiều vấn đề thuộc về quốc học, triết học, văn hóa… của nước nhà lại tiếp tục tìm tòi, chứng minh để có câu trả lời cuối cùng.

Trong xu thế Đổi mới với chủ trương: “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, NXB Hội Nhà văn đã chọn lọc, tái bản các tập sách của nhà triết học, nhà văn hóa Kim Định nhằm phục vụ nhu cầu của bạn đọc, không ngoài mục đích “Ôn cố tri tân”.

Tinh thần này, chắc chắn bạn đọc đồng theo suy nghĩ của triết gia Nietzsche (1844 – 1900) đã viết trong Zarathoustra đã nói như thế mà Kim Định nhiều lần nhắc lại với sự tán thành: “Học cổ không phải để lặp lại những dữ kiện lịch sử lấy ra ở một thế giới đã chết, nhưng là làm nẩy ra những biểu tượng có khả năng hiện thực được lý tưởng ngày nay của chúng ta. Học cổ là cốt để kích thích lý trí tiến lên đều đặn mong suy diễn ra một viễn cảnh cho tương lai do một sức tạo dựng linh hoạt tự do”.

Một lần nữa, chúng tôi xin nhấn mạnh loạt sách của Kim Định được tái bản theo tinh thần học thuật mà Từ điển văn học bộ mới của nhóm chủ biên GS. Đỗ Đức Hiểu, GS. Nguyễn Huệ Chi, GS. Phùng Văn Tửu, PGS – TS. Trần Hữu Tá đã ghi nhận: “Nhìn chung không thể không thừa nhận đây là những tìm tòi đầy tâm huyết và có sức gợi mở không nhỏ, về một hệ thống vấn đề không kém quan trọng đang là “ẩn số”, cần được tiếp tục giải đáp trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam” (tr. 756).

Trong quá trình thực hiện, về công tác tái bản, nhằm hạn chế “tam sao thất bổn”, NXB Hội Nhà văn chỉ chọn bản in đã công bố khi nhà văn hóa Kim Định còn sống. Và chúng tôi nghiêm túc thực hiện đầy đủ về bản quyền theo luật định hiện hành sau khi có thông tin về thừa kế bản quyền.

Để bộ sách này ngày càng hoàn thiện hơn, phục vụ tốt nhất cho bạn đọc, chúng tôi xin trân trọng ghi nhận mọi ý kiến đóng góp xây dựng.

ĐỌC THỬ

I CHUNG QUANH VẤN ĐỀ QUỐC HỌC

Việt Nam có quốc học hay không?

Đó là vấn đề đã được đặt ra và nhận được hai loại trả lời là có và không và cả hai đều có lý do của nó. Thưa có đúng lý ở chỗ ta có tiếng riêng, có lối phát biểu đặc biệt, đã hiện thực vào các tác phẩm, có tác giả và tất nhiên thân thế sự nghiệp, hoàn cảnh sinh hoạt của họ, bấy nhiêu điều khác các nơi khác thì chối không có quốc học sao được.

Bên thưa không thì cho rằng ngôn ngữ và những lối phát biểu thông thường chưa đủ làm nên một quốc học, để xứng danh một nền quốc học phải có những môn căn bản chẳng hạn như triết học; nước ta chưa có triết hơn nữa chưa có đến cả một nhà tư tưởng thì lấy gì để xứng danh là một nền quốc học.

Chúng tôi cho rằng cả hai lối thưa đều hữu lý nên sẽ có người bảo trợ cho phe này hay phe kia, nhưng nếu chúng ta chỉ dừng lại ở đó thì nó sẽ trở thành gọng kìm ngăn chặn bước tiến. Vậy cần mở một lối mới vượt ra ngoài có với không bằng cách xây dựng những gì còn thiếu sót. Trong nền học vấn nước nhà chúng ta còn thiếu những gì? Tôi rất đồng ý với ý kiến cho là còn thiếu triết. Chúng ta đã có đủ văn chương chữ nghĩa nhưng đấy mới là bước đầu, còn thiếu hai bước nữa mới làm nên một nền quốc học ít ra là nền quốc học vẹn toàn. Hai bước đó là triết và văn hiến.

Trước hết bàn về bước hai là triết, ở điểm này tôi xin minh định ý nghĩa triết ở đây hiểu theo lối mới tức là có xác định, có chứng minh và hệ thống. Chỉ theo ý nghĩa đó thì các cụ xưa mới thiếu, còn theo nghĩa rộng thì nền học của ta đã có triết rồi, nhưng lối trình bày minh chứng cũ không đủ nữa cho đời nay, vì thế mà tôi cho là thiếu theo nghĩa mới vừa xác định mà thôi. Sở dĩ tôi cho là thiếu sót vì không có triết lối mới thì làm sao đứng vững trong giai đoạn đua chen với đời sống quốc tế hiện nay, một đời sống đầy ứ ý hệ, đầy ứ các tư trào: Các loại văn hóa khác nhau đang tràn vào quê hương của chúng ta để tranh “khoảng sống” với chúng ta. Thiếu triết thì quốc học sẽ thiếu hướng sống, thiếu mạnh mẽ và sẽ bị phân hóa để rồi tiêu trầm, nên có cũng kể như không có.

Đàng khác thiếu triết thì làm sao giải quyết được vấn đề then chốt là dân tộc tính, mà nếu không quy định nổi dân tộc tính thì nói đến quốc học chỉ là chuyện chơi chữ, thiếu nội dung. Muốn tìm ra dân tộc tính thì cần phải có triết, vì triết là triệt: có đi đến triệt để mới nhìn ra những nét nào là đức tính riêng biệt của dân tộc. Ngay một chữ đức tính đã nói lên nhu cầu của triết, vì chỉ có triết mới vượt vòng ngoài thấu tới vòng trong gọi là đức, là tính, nên mới nói được những đặc tính trường tồn. Ngoài ra còn phải nhìn rất rộng mới nhận ra được những gì là đặc trưng riêng cho dân tộc mình mà không cho dân tộc khác. Hễ không chứng minh được hai điểm do: Một là đức tính, nghĩa là nét đó phải trường tồn cố hữu với dân tộc; hai là đức tính đó phải có một cách đặc biệt khác mọi nơi, có chứng cớ phân minh đủ gây nên sự thâm tín. Thiếu những điểm đó không thể nói đến dân tộc tính. Đành rằng có những người không học triết cũng có thể nhìn ra những nét đó, nhưng điều ấy chỉ chứng tỏ người nọ có óc triết: rất nhiều người không học triết mà có óc triết. Tuy nhiên người có óc triết mà lại học triết thì tài năng kia sẽ được phát triển để cái nhìn càng thấu triệt. Có lẽ vì triết chưa được vun tưới nên những tài năng triết đã không được tài bồi, và do đó những nét đặc trưng của dân tộc chưa được nhìn thấy ít ra một cách có hệ thống và lý giải. Bước vào thời mới ta vẫn nghe nói Việt Nam không có dân tộc tính thì câu ấy chỉ có nghĩa là chúng ta chưa có một nền triết để mà nhìn ra được dân tộc tính, cho nên chối không có dân tộc tính là phải: phải cho những người viết như thế không phải là triết gia nên chối đi là thành thực với lòng. Nhưng đúng với lòng những người không có óc triết, nhưng đã đúng với sự thực khách quan chưa thì đấy là chỗ chúng ta cần chờ câu trả lời của triết. Khi nào đưa ra được những nét đặc trưng không thể chối cãi, có nguồn cơn gốc ngọn, có những âm vang vào cuộc sống dân tộc… thì từ lúc đó chúng ta mới có quốc học theo nghĩa đầy đủ là chăm sóc vun trồng cho những đức tính của dân tộc.

Sau triết thì đến bước thứ ba là văn hiến. Văn hiến là những người tự hiến thân tâm cho cái văn cao cả là cái văn liên hệ mật thiết đến những nhu yếu thâm sâu của con người. Sự hiện diện của những văn hiến là bảo chứng cho giá trị của một nền văn, của một nền quốc học, vắng bóng văn hiến là dấu tỏ rằng nền văn học đó có những thiếu sót trầm trọng vì đã không huy động nổi thân tâm người học, ít ra những phần tử cốt cán. Tây Âu không có văn hiến mà chỉ có tôn giáo hiến tức các tu sĩ, chứ không có những người lấy triết làm sứ mạng trọn đời. Nhận triết học như một nghề nghiệp thì khác vì đấy không là văn hiến mà là những học giả, những chuyên viên, những giáo sư triết, nghĩa là một chức nghiệp trong các chức nghiệp: rất khác với văn hiến bằng chiều sâu cả một khối băng tâm. Tại sao văn hóa Tây Âu thiếu văn hiến, đó sẽ là điều bàn ở chương sau. Ở đây chúng ta chỉ cần nhấn mạnh rằng thiếu văn hiến thì một nền văn hóa thực chỉ còn là một nền văn học với những tri thức suông sẻ, những sự thực lạnh không đốt nóng được tâm hồn. Cái học đó không phải là cái học dẫn đến hiện thực theo nghĩa cải hóa con người, làm đẹp thêm những mối nhân luân trong xã hội. Để được như thế cần phải có cái học gây dựng nổi những văn hiến, cái học đó phải là thế nào đủ cho những bậc tinh anh cao thượng trong nước trọn đời hiến thân tâm như nền cổ học của chúng ta đã gây nên được như thế. Nhưng nay các vị đã khuất lần, mà nền tân học không tạo nên được những văn hiến mới để kế tiếp cho các cụ xưa, đặng hoạt động trong một môi trường đã đổi mới hẳn. Làm thế nào để nền học mới lại có đủ sức hấp dẫn như xưa thì đó là điều chúng ta sẽ bàn sau. Ở đây chỉ cần nhấn mạnh đến sự thiết yếu của văn hiến, thiếu văn hiến như những cán bộ, như những tông đồ thì bao nhiêu sách vở mất đi quá nhiều sức tác động. Thế giới hiện nay có nhiều cán bộ, có nhiều chiến sĩ, nhưng chưa có văn hiến. Với cán bộ hay chiến sĩ xã hội chỉ được điều lý theo một ý hệ hay tư trào, hoặc tôn giáo nào đó ít có âm vang lành mạnh vào xã hội như công bằng, bình đẳng, huynh đệ… Tôi nói âm vang là nói có thực chứ còn thuyết với lý thì đã có tràn ngập. Muốn có âm vang nghĩa là thực chất cho những thuyết cùng lý kia thì phải có văn hiến. Khi một nước có đủ văn hiến thì nước ấy sẽ không còn là chính hiến, võ hiến, tiền hiến, tôn hiến mà sẽ trở nên văn hiến chi bang tức là bậc cao nhất mà một nền quốc học có thể hướng tới. Đấy là những bước đường mà một nền quốc học cần phải vươn tới và luôn luôn cố gắng hiện thực. Bao giờ hiện thực được là chuyện khác nhưng trước hết chúng ta phải biết chúng ta muốn gì, hướng đi đâu, đường đi có bao nhiêu chặng thì đấy là mục đích tập sách này.

 


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button