Chuyên ngành

Những Nét Văn Hóa Đạo Phật

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Phụng Sơn

Download sách Những Nét Văn Hóa Đạo Phật ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Tâm Linh – Tôn Giáo

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH]

LỜI KÍNH THƯA

Những nét văn hóa Đạo Phật đã được xuất bản trước đây vào năm 1992 tại Hoa Kỳ. Đến năm 1995, sách được Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam xuất bản với tựa đề Những nét văn hóa của Đạo Phật. Hơn 20 năm đã trôi qua kể từ ngày ấn bản đầu tiên được phát hành. Nhiều sự kiện mới phát sinh và đời sống con người ở khắp nơi đều có những thay đổi nhanh chóng về nhiều phương diện. Do đó, những điều trình bày trong sách trước đây cần được cập nhật hóa cho phù hợp với những phát triển xã hội liên hệ đến nền văn hóa Phật giáo và đời sống con người ở khắp nơi. Những bài viết trong tập sách này chỉ là một cố gắng nhỏ bé nhằm trình bày những đóng góp của Phật giáo vào nền văn hóa chung của nhân loại.

Văn hóa thường được hiểu là lối sống của con người ở mỗi vùng theo trình độ phát triển trong mỗi giai đoạn thời gian trong quá trình tiến hóa của loài người. Văn hóa cũng bao gồm những sản phẩm vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra. Như vậy, văn hóa gồm cả hai phần: vật chất, hay văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.

Văn hóa phi vật thể là những cách suy tư, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, giá trị xã hội, nguyên tắc đạo đức hay những hiểu biết về văn chương, nghệ thuật và khoa học. Văn hóa vật thể là những sáng tạo hữu hình mà chúng ta có thể thấy biết được rõ ràng như các đền đài, nhà cửa, áo quần, xe cộ, nhạc cụ, máy móc, tượng ảnh hay các vật dụng thường ngày hoặc trong các lễ lạc.

Vào ngày 2 tháng 2 năm 2002, UNESCO – Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc – đã đưa ra định nghĩa văn hóa: “Văn hóa là một tập hợp những đặc trưng về tinh thần, vật chất, tri thức và cảm xúc của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội đó. Ngoài văn chương và nghệ thuật, văn hóa còn chứa đựng cách sống, lề thói sống chung với nhau, hệ thống giá trị, các truyền thống cùng những niềm tin.”

Khi nói đến văn hóa, chúng ta thường nghĩ đến những điều tốt đẹp của mỗi nền văn hóa mang lại cho loài người như nền văn hóa thực dụng của phương Tây hay nền văn hóa tâm linh của phương Đông. Các nền văn hóa đều có những giá trị đặc biệt và biểu lộ thành những cái hay, cái đẹp về vật chất hay tinh thần. Như tại Việt Nam, chúng ta có không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca Quan họ, Hội Gióng tại đền Phù Đổng và đền Sóc, đờn ca tài tử Nam Bộ, nhã nhạc cung đình Huế hay các đền đài, chùa chiền, di tích lịch sử cùng rất nhiều thứ hay đẹp khác ở khắp ba miền nước Việt.

Trong quyển Những nét văn hóa Đạo Phật, chúng tôi cố gắng trình bày những nét đẹp tinh thần của Đạo Phật biểu lộ qua lời dạy của Đức Phật về sự thấy biết chân thật, hay trí tuệ Bát Nhã và tình thương yêu rộng lớn, hay đại bi tâm cùng các phương pháp thực hành tâm linh của người Phật tử qua suốt một thời gian dài 2500 năm, đã tác động vào các lĩnh vực sinh hoạt văn hóa như văn chương, nghệ thuật, kiến trúc, giáo dục, thương mại, kỹ nghệ, quân sự, khoa học thực nghiệm trong đó có các bộ môn về tâm lý và thần kinh học liên hệ với sự phát triển hạnh phúc và làm giảm đi khổ đau của con người. Về phương diện sinh hoạt cụ thể, đó là sự nối tiếp của một chuỗi dài sáng tạo văn hóa vật thể và phi vật thể có gốc rễ nơi Phật giáo như trong các lĩnh vực cắm hoa, võ thuật, thi ca, vườn cảnh hay uống trà.

Nhà bác học Einstein đã ca tụng Đạo Phật

Hiện nay tại các nước phương Tây ở Âu châu, Úc châu và Mỹ châu người ta đã bước qua giai đoạn tìm hiểu tư tưởng và sinh hoạt Phật giáo. Nhiều người trước đây đã xem Đạo Phật như một thứ triết lý giải thích toàn diện, thỏa đáng và chân thật về đời sống con người trong mối tương quan hài hòa với loài vật và thiên nhiên cùng sự có mặt của vũ trụ nên đã hăng hái bày tỏ lòng mến mộ, ưa thích và ca ngợi “triết lý Đạo Phật” dù họ không thọ Tam Quy và Ngũ Giới để trở thành Phật tử. Một người nổi bật trong rất nhiều người đó là nhà bác học Einstein đã ca tụng Đạo Phật như sau:

“Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ. Tôn giáo ấy phải vượt lên Thượng đế của cá nhân và tránh giáo điều cùng lý thuyết thần học. Bao trùm cả tự nhiên và tâm linh, nó phải được căn cứ trên cảm nhận phát sinh từ kinh nghiệm của tất cả mọi thứ tự nhiên và tâm linh như một sự hợp nhất đầy đủ ý nghĩa. Đạo Phật trả lời cho những sự mô tả này. Nếu có một tôn giáo có thể đương đầu với những nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó với thượng đế và Phật giáo, sẽ là Đạo Phật.”

(Albert Einstein, Tuệ Uyển dịch)

Bên cạnh những người mến chuộng “triết lý Đạo Phật” ở Tây phương, hiện nay có rất nhiều người đã tham dự vào các chương trình tu tập cùng thưởng thức các nét đẹp tinh thần và vật thể của nền văn hóa Phật giáo qua các sinh hoạt tu học, thiền tập, Hoa Đạo, Trà Đạo, Kiếm Đạo, thi ca, vườn cảnh cùng các sinh hoạt khác mà các dân tộc Á Châu mang đến xã hội Tây phương.

Và đều đáng quý hơn nữa là những người ở phương Tây đã nối tiếp truyền thống sáng tạo văn hóa Phật giáo qua sự ứng dụng thiền chánh niệm vào hầu như tất cả mọi phạm vi sinh hoạt như giáo dục từ mẫu giáo, tiểu học, trung học đến đại học, công nghệ, thương mại, thể thao, y học, quân sự, quản trị hành chính và xí nghiệp hay khoa học một cách cụ thể và hữu hiệu.

Sống tỉnh thức, hạnh phúc và lành mạnh

Khi ứng dụng phương pháp thực hành sống tỉnh thức để phát triển hạnh phúc, sức khỏe và thành công qua thiền chánh niệm – theo lời Đức Phật dạy mà không nói gì đến giáo lý Đạo Phật – trong mọi ngành sinh hoạt nói trên thì nhiều người phương Tây chú trọng đến tính cách thực dụng mang lại lợi ích cho cá nhân, gia đình và xã hội của Đạo Phật. Họ cho đó là một lối sống lành mạnh không cần đến niềm tin tôn giáo.

Các chương trình thiền chánh niệm hiện nay đang bùng nổ tại Hoa Kỳ và nhiều nước với các lớp dạy thiền khắp nơi, với các cuộc nghiên cứu khoa học về những lợi ích của thiền cũng như việc ứng dụng thiền vào ngành chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần. Như vậy, phương pháp thực hành cốt lõi của Đạo Phật, thực hành thiền và sống chánh niệm có mặt nhưng Đạo Phật với giáo lý, nghi lễ và giới luật, không có mặt. Đây cũng là trào lưu sinh hoạt văn hóa rất hứng khởi ở Hoa Kỳ và nhiều nước Âu châu hiện nay.

Ngoài ra, có nhiều người trở thành tín đồ Phật giáo và sinh hoạt thường xuyên tại các ngôi chùa, thiền viện hay với các nhóm Phật tử cùng nhau tu học với mục đích, theo như nhà bác học Einstein phát biểu, để tự mình cảm nhận được “từ kinh nghiệm của tất cả mọi thứ tự nhiên và tâm linh như một sự hợp nhất đầy đủ ý nghĩa.”

Do đó, Đạo Phật, ngoài việc là một phương pháp thực dụng tốt đẹp trong mọi ngành nghề nói trên, còn là một tôn giáo có tổ chức. Người Phật tử phương Tây tụng kinh, lễ Phật, cầu nguyện và tu tập tại chùa hay ở nhà cùng tham dự các lễ cầu an hay cầu siêu với hình thức giản dị hơn người Phật tử phương Đông.

Khi nói đến thiền, nhiều người thường nghĩ đến cách thực hành chánh niệm, là một phương pháp thực hành để phát triển hạnh phúc, sức khỏe và thành công không liên hệ đến tôn giáo. Tuy nhiên, không khác gì tại các nước Á châu, đa số các thiền viện ở Hoa Kỳ và một số các nước Âu châu là những trung tâm Phật giáo thuộc các tông phái khác nhau như Nguyên Thủy, Lâm Tế, Tào Động, Thiền Tịnh Song Tu hay Mật Tông. Sinh hoạt ở các thiền viện hay trung tâm tu tập đều có phần tụng kinh, lễ Phật, ngồi thiền, thiền hành, làm việc và ăn cơm trong chánh niệm dù với các hình thức khác nhau.

Ngoài ra, nhiều ngôi chùa và trung tâm tu học có những sinh hoạt tôn giáo đáp ứng nhu cầu của người Phật tử, ví dụ tổ chức các ngày lễ trong Đạo Phật như đại lễ Phật Đản, lễ Vu Lan tưởng nhớ công ơn ông bà cha mẹ, lễ tất niên và lễ đón mừng năm mới trong ba ngày Tết, lễ cưới, lễ cầu an khi gặp chuyện không may, lễ an vị Phật nơi nhà mới, lễ cầu nguyện cho những cơ sở thương mại được điều tốt đẹp, lễ dâng sớ cầu an cuối năm và lễ cầu siêu để người quá vãng có duyên lành sinh về cõi Phật. Những lễ lạc này là một thành phần quan trọng trong sinh hoạt văn hóa Phật giáo. Đó là tính cách khế lý và khế cơ theo lời Phật dạy.

ĐỌC THỬ

Đạo Phật chỉ rõ bốn sự có mặt trong nền văn hóa

Từ hơn 2000 năm qua, Đạo Phật là một tôn giáo có tổ chức, có niềm tin, có hệ thống giáo hội gồm có quý vị tăng ni và Phật tử, có những nghi lễ cho các sinh hoạt riêng biệt. Những nghi lễ truyền thống này vốn rất cần thiết cho sinh hoạt của người Phật tử đặt trên niềm tin nơi Đức Phật và các vị Bồ tát, nơi giáo lý Phật giáo, nơi các nghi lễ do quý vị tăng ni chủ trì và với sự tham dự thành tâm của quý vị Phật tử.

Như vậy, ngoài việc xem Đạo Phật là một triết lý giải thích toàn diện về đời sống bao gồm con người, loài vật, thiên nhiên và vũ trụ một cách hợp lý và minh bạch phù hợp với nền văn minh hiện đại, là một Minh Triết trong thời đại khoa học kỹ thuật hiện nay, hay ứng dụng cách thực hành chánh niệm theo Đạo Phật để sống đời tỉnh thức nhằm phát triển hạnh phúc, sức khỏe và thành công. Trên thực tế, Phật giáo còn là một tôn giáo có tổ chức quy củ với truyền thống lâu đời để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh và xã hội của con người. Và đây là yếu tố rất quan trọng trong Phật giáo.

Nhà bác học Einstein nói về kinh nghiệm tâm linh khi thực hành một tôn giáo cần: “Bao trùm cả tự nhiên và tâm linh, nó phải được căn cứ trên cảm nhận phát sinh từ kinh nghiệm của tất cả mọi thứ tự nhiên và tâm linh như một sự hợp nhất đầy đủ ý nghĩa. Đạo Phật trả lời cho những sự mô tả này.”

Những lời nói trên liên hệ đến bốn sự thấy biết về các hiện tượng và về tâm cùng mối tương quan của hai thứ ấy trong đời sống thường ngày và trong thế giới chân thật của tâm giác ngộ. Đó là Tứ Pháp Giới trong giáo lý Hoa Nghiêm, là bốn lĩnh vực của hiện hữu hay bốn trạng thái nhận thức chân thật về sự có mặt của:

1. Thế giới của các hiện tượng như giọt lệ hay nụ cười, lớn hay nhỏ: Sự pháp giới.

2. Thế giới của bản thế, là tính chân thật của mọi hiện tượng, là cái toàn thể, cái giống nhau, cái không phân biệt: Lý pháp giới.

3. Thế giới của lý và sự hoàn toàn hòa hợp nhau không ngăn ngại: Lý sự viên dung hay lý sự vô ngại pháp giới.

4. Thế giới trong đó các hiện tượng (sự) hoàn toàn dung thông nhau, hòa hợp với nhau, không có sự chống đối nhau, mâu thuẫn nhau, ngăn trở nhau hay loại trừ nhau: Sự sự vô ngại pháp giới.

Mỗi người chúng ta, ai cũng biết rõ một cách tự nhiên rằng sự là mỗi hiện tượng hay mỗi thứ riêng biệt như cái nhà, con sông, mưa, nắng hay thương hoặc ghét. Sự có tính cách khác biệt như cái nhà khác con chó, cục vàng khác cục đất, nhỏ khác với lớn, thân khác với thù, tốt khác với xấu, trong khác với ngoài hay lửa khác với nước. Đó là điều đương nhiên, là sự thật trong đời sống hàng ngày của thế giới hiện tượng hay sự pháp giới.

Lý là cái toàn thể, cái giống nhau, cái không phân biệt của mọi hiện tượng như lớn nhỏ, trong ngoài, giàu nghèo hay mạnh yếu. Trên mặt lý thuyết thông thường hàng ngày, lý khác hẳn với sự và đối lập với sự. Lý là cái toàn thể, cái không phân biệt và là cái bình đẳng, còn sự là cái riêng biệt, cái khác nhau và là cái không bình đẳng vì mỗi thứ có một giá trị khác nhau do con người đặt ra như kim cương thì quý hơn vàng, vàng hơn bạc, bạc hơn sắt, bạn khác với thù, thân khác với sơ hay yêu khác với ghét. Như thế, trong đời sống thường ngày, lý hoàn toàn khác với sự.

Lý sự viên dung

Tuy nhiên, chính vì sự phân biệt làm khởi lên những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, buồn rầu, giận hờn, sợ hãi hay thù hận tạo nên áp lực, căng thẳng hay khổ đau trong tâm nên người ta muốn tu tập để làm giảm đi, làm cho êm dịu những đối nghịch trong tâm mình do sự dính mắc vào tâm phân biệt để có được hạnh. Sự thực hành tu tập giúp cho người Phật tử biết rõ sự và lý không phải là hai thứ khác nhau, chống báng hay ngăn trở nhau.

Họ thấy biết các hiện tượng như nhà cửa, cây cối, vàng bạc, cao thấp hay vui buồn rất rõ ràng. Cùng lúc họ học hỏi về tính cách bình đẳng, không khác nhau hay tính không của các hiện tượng theo kinh Tinh Yếu Bát Nhã Ba La Mật. Trong kinh nói rõ đức Quan Thế Âm khi quan sát các hiện tượng, nhìn thấu suốt bản chất của ngũ uẩn – năm thứ kết hợp lại làm thành đời sống con người là sắc, thọ, tưởng, hành và thức – là trống rỗng, hay không, mà thoát ra khỏi mọi sự trói buộc, đạt được tự do hay giải thoát, nên được gọi là bồ tát Quán Tự Tại. Do đó, Thiền sư Hương Hải khuyến khích người học đạo thực hành tâm không hay vô tâm để thấy rõ tính rỗng không hay tính không của các hiện tượng trong đời sống hàng ngày:

“Hãy tự do trong sự thấy, nghe, hay, biết

Trong khi tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc,

Hãy an trú nơi chính niệm

Như chim trên trời chỉ tự bay

Không lấy, không bỏ, không ưa, không ghét,

Nên giữ thái độ vô tâm trong mọi trường hợp

Thì mới có thể gọi là Quán Tự Tại.”

(Thiền sư Nhất Hạnh dịch)

Thực hành điều nói trên chính là thực hành “tuệ tri” như lời Đức Phật hướng dẫn khi thực hành chánh niệm, là trực nhận, là kinh nghiệm được, hay như nhà bác học Einstein nói, là “cảm nhận phát sinh từ kinh nghiệm của tất cả mọi thứ tự nhiên (mà Đạo Phật gọi là sự) và tâm linh (mà Đạo Phật gọi là lý) như một sự hợp nhất đầy đủ ý nghĩa (mà Đạo Phật gọi là lý sự viên dung)” khi trực nhận lý và sự có mặt trong nhau tròn đầy. Đó là sự hiện hữu của lý và sự hoàn toàn dung thông, hòa hợp với nhau không ngăn ngại hay lý sự vô ngại pháp giới.

Đây là cái thấy biết kỳ diệu về đời sống: Sự chân thật, cái tuyệt đối, cái không hay Lý, không bao giờ tách lìa cái tương đối, cái sắc hay Sự. Cái bao la, rỗng không, vô sinh bất diệt lại có mặt ngay trong chốn sinh diệt phù du như trong những đám mây mong manh trên bầu trời, ngọn gió mát thổi qua, những nụ cười sung sướng, những giọt nước mắt khổ đau, lòng bình an của vị Thiền sư hay nơi lưỡi gươm lấp lánh của một kiếm sĩ đang xông pha ngoài chiến trận. Lý và Sự, cái tuyệt đối và cái tương đối – hay tính và tướng – cùng lúc có mặt với nhau, trong nhau, không hề tách rời, không hề ngăn ngại như nước và sóng trong biển cả. Ðó là thế giới chân thật hay trạng thái chân thật của Lý Sự Viên Dung, là sự hòa hợp tròn đầy giữa tuyệt đối và tương đối hay giữa Lý và Sự. Đó là nét đẹp sâu thẳm của nền văn hóa giác ngộ qua sự trực nghiệm tâm linh.

Sự sự vô ngại pháp giới

Ngoài Lý, Sự, Lý Sự Viên Dung, mà nhà bác học Einstein cũng đã nói đến theo ngôn ngữ của ông về “một sự hợp nhất đầy đủ ý nghĩa”, khi người Phật tử tham dự các buổi tu tập thì họ sẽ cảm nhận thêm một điều kỳ diệu hơn nữa là trong thế giới thường ngày, trong đó có mặt của mọi màu sắc, dáng vóc, âm thanh, mùi, vị, cảm xúc cùng các ý tưởng, tâm tư, hoạt động khác nhau, tất cả đều trong sáng, rỗng không, yên ổn và không gây chướng ngại cho nhau trong các thay đổi, tác động, chuyển biến thuận nghịch vô cùng vô tận. Ðó là thế giới của Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới, là thế giới của mọi thứ cùng có mặt bên nhau mà không ngăn ngại nhau, không đối chọi nhau hay không loại trừ nhau mà lại an ổn bên nhau như trong lời Thiền sư Hương Hải hướng dẫn cho vua Dụ Tông khi nhà vua hỏi về ý nghĩa của sự thâm sâu trong Đạo Phật:

“Nhạn bay ngang trời

Bóng chìm đầm lạnh

Nhạn không có ý để lại dấu tích

Nước không có ý lưu bóng hình.”

(Thiền sư Nhất Hạnh dịch)

Mức độ nhận thức thứ tư từ trực giác tâm linh vượt lên các sự đối đãi này đã được Thiền sư Huyền Quang trình bày một cách thơ mộng trong bài thơ Đầu thu:

“Hương đêm mát dịu, bình phong lạnh

Xào xạc thu sang lá động cành

Trúc đường thong thả, hương vừa đốt

Cành cây chăng lưới lọt trăng thanh.”

(Hương Hải Thiền sư ngũ lục, Thiền sư Nhất Hạnh dịch)

Chính nơi đó mà cái đẹp của thiên thu vĩnh cửu biểu lộ trong một sát na thoáng hiện, ngắn hơn một tích tắc thời gian. Cái đẹp đó không chống lại với cái xấu vì trong thế giới chân thật không có cái đẹp đối lại cái xấu, chỉ có sự biểu hiện tự nhiên của các hiện tượng do duyên hợp nương nhau mà xuất hiện.

Điều này cũng biểu lộ trong đời sống cụ thể như trong một gia đình mỗi người mỗi tính tình, mỗi sở thích hay có những sinh hoạt khác nhau nhưng mọi người đều tôn trọng nhau, quý mến nhau và cùng thoải mái sống hạnh phúc bên nhau. Trong những cộng đồng khác nhau của một nước, có những vùng có cơ sở kỹ nghệ sản xuất máy móc tân kỳ, có vùng chuyên về sản xuất thực phẩm, có vùng chuyên về trình diễn âm nhạc và nghệ thuật cổ truyền cho du khách hay có vùng có rất nhiều cơ sở giáo dục nổi tiếng. Những cộng đồng với những sinh hoạt hoàn toàn khác biệt đó không gây trở ngại cho nhau mà còn hỗ trợ mật thiết cho nhau để cùng phát triển, làm cho dân giàu nước mạnh.

Cũng như thế, dân chúng trong những nước ở gần hay xa nhau, nước lớn hay nhỏ, nước giàu hay nghèo, nước mạnh hay yếu, ai cũng có lòng thương yêu quê hương mình, đất nước mình hay dân tộc mình. Đó là tình cảm tự nhiên phát sinh từ cuộc tiến hóa hàng triệu năm của loài người. Mình yêu quê hương, đất nước và dân tộc mình thì người khác cũng yêu quê hương, đất nước và dân tộc họ. Hai điều này chẳng có gì ngăn trở hay chống đối nhau cả mà còn có khả năng phát huy sự tìm hiểu, cảm thông, học hỏi và hiểu biết những cái hay và đẹp của những dân tộc gần xa. Dân tộc nào, xứ sở nào cũng có những nét đẹp của nền văn hóa riêng biệt mà những dân tộc khác cần học hỏi để làm cho nước mình tốt đẹp hơn. Nền văn minh nhân loại phát triển là nhờ sự học hỏi lẫn nhau của các dân tộc. Qua sự học hỏi đó mà các dân tộc và các quốc gia lớn nhỏ, mạnh yếu hay giàu nghèo tuy khác nhưng cùng nhau sống yên ổn bên nhau và phát triển mối tương quan lành mạnh và quý trọng lẫn nhau để nhân loại duy trì được hòa bình và thịnh vượng lâu dài.

Nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị hô hào thế kỷ XXI phải là thế kỷ của phát triển và trách nhiệm, khác với thế kỷ XX là gia tăng quyền lực, xâm lấn đất đai, chiếm đoạt tài nguyên, bắt người khác làm nô lệ và tàn phá môi trường. Khác với thế kỷ đã qua, đa số người dân các nước đều đồng ý về quan niệm một nước càng hùng cường thì càng có nhiều trách nhiệm với dân chúng trong nước và với người dân ở những nước gần và xa trong cộng đồng thế giới để đóng góp vào việc xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc và hòa bình trên quả địa cầu. Đó là sự phát triển chung tốt đẹp mà mọi dân tộc cần thực hành trong ánh sáng của sự hài hòa không chướng ngại của tinh thần Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới. Trong ánh sáng tuệ giác ấy, các cộng đồng chủng tộc lớn quan tâm nâng đỡ các nhóm dân tộc thiểu số để cùng nhau phát triển tốt đẹp, các quốc gia giàu có, hùng cường tôn trọng các nước láng giềng nhỏ bé hơn mình qua mối tương quan hỗ tương hài hòa để cùng nhau duy trì hòa bình và thịnh vượng lâu dài. Đó là nghĩa vụ chung của nhân loại trong mọi thời đại.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button