Chuyên ngành

Theo Dấu Chân Phật

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Ajahn Sucitto – Nick Scott

Download sách Theo Dấu Chân Phật ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Tâm linh – Tôn giáo

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                     

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Phần mở đầu

Cuốn sách này là tập hai. Tập một mở đầu một tường thuật về chuyến hành trình dài sáu tháng của hai người Anh, một thầy tu và một cư sĩ, đến những nơi linh thiêng của Phật giáo ở Ấn Độ. Trong chuyến hành hương đi bộ hơn một ngàn cây số này qua một trong những nơi đông dân nhất hành tinh, chúng tôi đã đi khất thực để độ nhật – như ngày xưa chư tăng từng làm – và ngủ dưới sao trời. Tập một đã là chuyến phiêu lưu lý thú. Mặc dù phần hai hành trình vẫn có phần phiêu lưu riêng, và một vài cuộc chạm trán thú vị với động vật hoang dã, nhưng cái mới lạ của nỗ lực đã vơi bớt, nên chúng tôi được đối mặt với nhân tính sâu xa hơn của mình và của người. Vì vậy mà với chúng tôi thì trong hai tường thuật, phần tiếp theo này quý giá hơn.

Bạn không cần phải đọc tập một mới thưởng thức và chia sẻ được những thử thách cam go, niềm vui, và những bài học của chúng tôi ở đây, nhưng có lẽ một chút bối cảnh sẽ làm cho câu chuyện rõ ràng hơn. Ajahn Sucitto không phải thầy trụ trì Tăng viện Chithurst, cũng chẳng phải vị thầy tiếng tăm như ngày nay khi sư phụ của thầy, Ajahn Sumedho, chọn thầy để đáp lại lời mời của Nick đưa một thầy tu theo chuyến hành hương, còn Nick thì vẫn là người phụ trách bảo vệ động vật hoang dã. Chuyến đi bộ đã bắt đầu thật thích hợp tại Lumbini, nơi Đức Phật đản sanh ngay trong biên giới Nepal. Từ đó, chúng tôi vượt qua biên giới vào bang Bihar, ngày nay tuy vẫn là bang nghèo nhất, đông dân nhất, lạc hậu nhất Ấn Độ nhưng trước đây đã từng là trung tâm của nền văn minh Ấn Độ và là địa điểm của biết bao sự kiện trong cuộc đời Đức Phật.

Mùa Thu năm 1990, khi chúng tôi bắt đầu chuyến hành hương, ban ngày trời vẫn nóng như thiêu như đốt, và hầu như chúng tôi dừng chân ở đâu cũng thấy tức thì xuất hiện từng đám người tọc mạch. Chúng tôi thường lặn lội đi tiếp cho đến khi màn đêm buông xuống chỉ để tìm nơi nào đó cho được yên thân, bày một bàn thờ nhỏ để tụng niệm và cố gượng thiền nhưng rồi cũng rã rời ngủ thiếp đi. Khi bình minh vừa rạng, chúng tôi lại làm lễ puja(1), thiền rồi đi thêm vài cây số nữa trước khi trời bắt đầu nóng nực. Đến gần trưa, chúng tôi vào làng, ngồi xuống đâu đó, chờ một lời mời ăn – mà, kỳ lạ thay, hầu như luôn xuất hiện. Ban đầu, Ajahn Sucitto muốn mỗi ngày chỉ ăn một bữa, nhưng dần dà, khi công việc mà chúng tôi đang cố thực hiện ngày càng cam go, chúng tôi ăn thêm một đĩa nho nhỏ đậu gà hay ít bánh quy lúc dừng chân buổi sáng trong quán trà. Sự chu cấp và bố thí chúng tôi nhận được dường như thật kỳ diệu – chúng tôi chỉ phải chịu đói có ba ngày.

Mới đầu thì cái thách thức chủ yếu nằm ở sự gắng gượng của thể xác – duy trì việc đi bộ trong cái nóng ngày này qua ngày khác bằng chế độ dinh dưỡng thiếu hụt và sự kiệt sức vì từng trận kiết lỵ. Những vết đứt nhỏ mưng mủ lên nên dần dà Ajahn Sucitto bị thương ở bàn chân, và do thiếu chất đạm nên chúng tôi còn không nghĩ cho thông suốt được. Rồi những khác biệt về tính cách bắt đầu gây tác hại: Nick theo đuổi những vết tích động vật hoang dã còn lại giữa cả nhân loại ấy, còn Ajahn Sucitto một lòng với siêu việt thì lại không hứng thú với cảnh vật. Thầy chỉ muốn đi vào nội tâm.

Đến Rajgir, một nơi nghỉ ngơi ưa thích của Đức Phật, chúng tôi đã xuống tận đáy. Trong cánh rừng đích thực đầu tiên chúng tôi tới, chúng tôi bị toán thổ phỉ tay cầm rìu từ trong rừng xông ra trấn lột. Chúng tôi mất gần hết: tiền bạc, hộ chiếu, đồ hạ trại, máy ảnh, thậm chí gần hết áo quần. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn thường như vậy, tai ương luôn có khía cạnh nhân từ: sau khi bị lột gần như tất cả, chúng tôi được lòng quảng đại và từ tâm của người khác khích lệ và tác động sâu xa hơn. Về vật chất thì chúng tôi đã có quần áo cùng trang bị mới và đủ tiền để mua vé xe lửa đi Calcutta, là nơi chúng tôi hy vọng đổi lại hộ chiếu, séc du lịch, và vé máy bay để còn tiếp tục. Nhưng sự mong manh yếu đuối còn khiến chúng tôi khiêm nhường hơn, phơi phới hơn, và tự do hơn. Ấn Độ nện chúng tôi một trận tơi bời và, một cách kỳ lạ nào đó, chúng tôi đã qua được thử thách. Có lẽ phần tiếp theo trong chuyến hành hương, nếu chúng tôi được phép thực hiện, sẽ khác – sáng suốt hơn, từ bi hơn – thậm chí theo đúng cung cách cần có của một chuyến hành hương.

Tháng thứ tư

BODH GAYA ĐẾN VARANASI

15

Về nhà

AJAHN SUCITTO

Ở Gaya đang là đêm, nhưng mọi thứ vẫn nhộn nhịp. Trước các cửa tiệm sáng đèn, cha mẹ con cái vẫn đều đều làm việc – nhưng mặt mày tươi cười rạng rỡ. Ở Ấn Độ, thời gian không có ý nghĩa gì nhiều. Cái thực sự đáng quan tâm là ta thuộc về cái gì. Mái nhà được chọn lựa, nhưng dòng họ, thị tộc, đẳng cấp, (thường đòi hỏi một nghề nghiệp truyền thống) là thứ ta không lìa bỏ. Thực ra thì ta có thể thuộc về nó vô số kiếp. Đây là đặc tính ràng buộc Ấn Độ với nhau; đó là sự nối liền đan kết bổn phận, giá trị, lẽ trời – dharma(1). Đêm nay cả gia đình trông khá hạnh phúc – cũng có thể bởi vì người ta thấy hai chúng tôi trông thật hài hước: tôi thì khoác tấm cà sa nâu tồi tàn, Nick thì khoác tấm chăn lôi thôi lếch thếch. Vì vậy mà khi Nick vừa bắt đầu cò kè trả giá mua kẹo mè dẻo họ đang làm thì đã có những hỏi thăm như thường lệ: Chúng tôi ở đâu tới? Chúng tôi đi đâu đây?

À, hành hương là dharma của chúng tôi. Và hôm nay nó có nghĩa là cuốc bộ từ Bodh Gaya đến Gaya để bắt kịp chuyến tàu tối đi Calcutta – nhằm lo những thủ tục hành chính bắt buộc do chúng tôi bị trấn lột hai tuần trước. Phận sự của chúng tôi lúc này là trình báo với Cao ủy Anh, điền các mẫu đơn xin hộ chiếu mới, xin lại thị thực, rồi đến ngân hàng và hãng hàng không để thương lượng về séc du lịch và vé máy bay. Là người Tây phương, việc lưu giữ các thứ giấy tờ hành chính và các con số nghĩa là dù có lang thang ở đâu đi nữa thì hai chúng tôi vẫn còn một mối liên hệ, ý nghĩa, một vị trí trên hành tinh. Tôi không nghĩ mấy gia đình ở đây có gì trong những thứ ấy. Dharma của họ – thực ra là vai trò và nghề nghiệp của mọi nhà trong vùng này – là đập bình bịch hạt xay nhào với đường vào vách cho đến khi chúng dính lại thành từng miếng bánh. Chà, một túi bánh này cũng là đáng kể cho chuyến tàu dài đi Calcutta – nó xuất phát lúc 9 giờ 30 tối và có lẽ 7, 8 giờ sáng mới tới nơi.

Hành lý của chúng tôi rất gọn nhẹ – ít ra thì bị cướp sạch tư trang cũng có cái lợi ấy – thậm chí chúng tôi còn bỏ lại áo quần và mấy món trang bị du lịch mà cộng đồng Phật tử Tây phương ở Bodh Gaya biếu khi thấy cảnh ngộ của chúng tôi. Sau hai tháng ở Ấn Độ người ta đã biết cách thích nghi với cuộc sống di chuyển, và cả với cái mà việc đi lại đòi hỏi: đã qua được từng đám đông đen kịt ở nhà ga Gaya rồi thì ta không còn ngạc nhiên gì khi biết con tàu mình đã mua vé đến muộn bốn tiếng đồng hồ. Thế là chúng tôi chờ, ù lì nhẫn nhục, chuẩn mực cho du khách dày dạn ở đây, trên sân ga tối lạnh giữa những thân người quấn chăn và báo cũ.

Đang đêm – ở các nhà ga Ấn Độ thì dường như luôn là đêm, như thể tối tăm, lạnh lẽo, mệt mỏi, chán nản, và bụi bặm là những đặc điểm không thể tách rời trong thế giới của họ. Chúng tôi chờ, không đủ sức trả mỗi người mười rupee để vào phòng chờ; chúng tôi chờ, sinh lực tụt như nhiệt kế, ngồi xổm trên mấy mảnh báo và dựa vào tường cố chống chọi để không nằm toài ra sàn bụi đất. Để giảm bớt sự bất tiện, tôi xuống tới gần cái lãng quên của giấc ngủ được chừng nào hay chừng ấy. Đôi lần chúng tôi đứng lên đi loanhquanh trong sân ga rồi la cà với người pha trà sinh sống ở đây, trong thế giới của bóng tối này. Anh ta thành thạo đoán: “Tàu Calcutta à, không, tàu này không tới trước hai giờ sáng đâu.”

Đâu khoảng 3 giờ sáng thì tàu tốc hành chạy vào, trễ năm tiếng rưỡi. Điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ không tới Calcutta kịp trước bữa trưa; và toàn bộ kế hoạch đã vạch sẵn trở nên gấp gáp. Các công sở đóng cửa vào cuối buổi chiều; nhưng trước bữa trưa chúng tôi cần kiếm gì ăn cho phù hợp với giới tu của tôi; mà tìm được một chỗ và đi quanh trong thành phố lộn xộn nhan nhản người này không phải chuyện đùa. Calcutta là thành phố của Mẹ Kali, nữ thần Hỗn Mang. Tôi cảm thấy dây thần kinh căng lại; nhưng, cứ nghiến răng và nổi giận tùy thích, ở Ấn Độ, ta chẳng thể làm gì ngoài chịu thua mà chờ.

ĐỌC THỬ

Vậy là chờ. Đêm lạnh mở ra một buổi sáng lê thê xám xịt, xe lửa dừng tại mỗi ga, hay ở một nơi khỉ ho cò gáy nào đó giữa các ga, và thường tỏ ra hết sức miễn cưỡng tới đích. (“Nhanh lên, nhanh lên, chúng tôi bị muộn rồi!”) Nó cà nghiền, rù rờ, thở dài những lần dừng lâu lắc giữa màu xanh sum suê của vùng tây Bengal, và dường như cuối cùng thì chỉ có độ dốc xuống rất khó nhận thấy của đồng bằng sông Hằng mới khiến nó lăn bánh rúc còi dừng lại ở nhà ga Howrah. Đến lúc này thì chúng tôi đã muộn, muộn, muộn thật rồi!! Đã là 3 giờ 15 chiều… Cao ủy Anh – đâu đó ở giữa lòng Calcutta, đâu đó bên kia cầu Howrah, cây cầu duy nhất nối Calcutta ở bờ đông sông Hoogly với phần còn lại của Ấn Độ, đâu đó qua những đường giao thông chính lâu đời kẹt cứng cả xe hơi, xích lô, xe bò, và người trên hai, một, hay không chân, đâu đó trên bờ bên kia – đúng 4 giờ Cao ủy Anh sẽ đóng cửa! Trong một trụ sở có máy điều hòa, các viên chức mặc com-lê thường liếc lên cái đồng hồ cứ điềm nhiên tích tắc, thở dài, xấp xấp lại giấy tờ, khóa cửa văn phòng, và khi chúng tôi đang toát mồ hôi hột vật vã qua những mê cung trong thành phố thì họ tạm biệt người gác cổng và bảo vệ rồi đi… đi đâu? Những con người như vậy sẽ trọ ở đâu trong thành phố của Kali?

Nhưng là nữ thần, Kali có sự cao cả riêng: kẻ què cụt, kẻ hài hước, kẻ từ tâm, kẻ nghệ sĩ, kẻ quá quắt, kẻ không nhà, kẻ nghèo khổ, thảy đều tìm thấy một chốn ở Calcutta. Còn những điều bất ngờ của thần nữa: hôm nay thần ban cho chúng tôi một phép màu. Nick kéo cả hai băng qua nhà ga, ra chỗ dãy taxi “Cao ủy Anh!… Không năm trăm rupee đâu! Năm mươi rupee, OK?… Không! OK một trăm rupee? Bhante, để túi vào cốp xe đi!” – và thế là chúng tôi vọt qua cầu Hoogly rồi đi xuyên qua từng đoàn lũ lượt để tới cánh cổng và bức tường trắng cao của Cao ủy Anh đúng 3 giờ 55.

Các Gurkha(2) có vũ trang đứng ngoài cổng; một khu vườn bình yên và những gian phòng sạch sẽ mát lạnh; cảnh ngăn nắp trật tự giống như cái hồ bơi làm ta thấy sảng khoái. Thần dân của nữ hoàng điềm đạm, có năng lực mà không nhiễu sự, họ nói nhẹ nhàng thân tình và yên tĩnh quan tâm, không tỏ chút gì là thật bất thường khi tiếp một đồng hương đầu trọc mặc cà sa còn người kia giống hình nộm Guy Fawkes(3). Họ sẽ bắt tay lo chuyện đó ngay và ít ngày nữa sẽ giải quyết xong. Một dharma sáng sủa mát mẻ: a, về lại nhà rồi!

Khi chúng tôi bước ra ngoài phố trong tình trạng trống rỗng sau cơn căng thẳng, sự hỗn loạn của trung tâm Ấn Độ đã dịu bớt. Và một thế giới hào nhoáng có phần thân thuộc tràn đến – phố Park, phố Free School, Lenin Sarai, Chadni Chowk, và đại lộ Chittaranjan – đời sống phố phường, các cửa tiệm, xe buýt, những tòa nhà lâu đời ám khói, thảy đều mang dáng vẻ và phong cách London ngày tôi còn bé. Thuở nhỏ, tha thẩn quanh phố xá London cũng giống thế này; sự choáng ngợp chỉ mới là một phần trong sức mê hoặc. Thời ấy thiên hạ cũng thân thiện như dân ở đây. Một ông chủ tiệm cất công tìm số điện thoại của Hội Phật giáo Bengal, gọi cho họ, và hỏi được những chỉ dẫn chính xác đến tịnh xá. Ngạc nhiên thật, ngạc nhiên thật! Tôi không ngờ Calcutta sẽ làm tôi nhớ lại cái hồn nhiên thuở ấu thơ.

NICK

Trước kia tôi đã từng kinh qua chuyện đổi séc du lịch và hộ chiếu ở Ấn Độ, với một người bạn ở New Delhi, nên biết việc đó thật ngao ngán ra sao. Tôi biết còn phải vượt qua nhiều trở ngại, và một trong số đó có thể hóa ra bất khả. Nhưng đó không phải là lý do duy nhất tôi cương quyết tiến về Calcutta như vậy – làm sao chắc chắc được là chúng tôi sẽ đến kịp Cao ủy Anh trước giờ đóng cửa ngay hôm chúng tôi tới, rồi sáng ra việc đầu tiên là đi từ Hội Phật giáo Bengal đến ngân hàng Ấn nơi sẽ lo séc cho chúng tôi – ở Calcutta tôi lại có dịp chịu trách nhiệm đời mình. Nhìn lại, tôi thấy cái quyết tâm giải quyết mọi việc thật ra là để khẳng định lại mình, trở thành người tổ chức có hiệu quả, và nhờ vậy bỏ lại cảm giác khổ sở khi thấy thế giới nằm ngoài tầm kiểm soát mà chúng tôi có trong chuyến đi bộ qua đồng bằng sông Hằng, với cực điểm là vụ cướp đáng sợ cùng hậu quả của nó. Tôi muốn trở lại với vai trò mình vẫn cảm thấy quen thuộc.

Ngân hàng nằm ở trung tâm khu thương mại, khu vực do người Anh xây ngày Calcutta còn là thủ đô của Ấn Độ thuộc Anh. Từ đó nó đã không chống đỡ nổi Ấn Độ. Các tòa nhà xây bằng đá tráng lệ từ thời Victoria đã trở nên đen kịt lại vì cáu bẩn, các mái hiên gie ra, ban công, gờ tường đóng dày lớp phân chim, còn dưới chân thì nhung nhúc dân cư của thành phố đông dân nhất thế giới. Một bên lối vào ngân hàng từng có cổng đường bệ là quán trà xiêu vẹo dựng bằng tre nứa và tấm nhựa, bên kia là một trong biết bao gia đình sống ngoài đường ở Calcutta. Họ cứ nằm đó trên mấy tấm vải bẩn, ai nấy đều trông giống mớ giẻ rách hơn là người.

Bên trong ngân hàng mọi thứ có trật tự hơn. Từng dãy bàn có nhân viên người Bengal đang làm việc cần mẫn và những quầy rào lưới có nhân viên thu ngân đang tiếp khách hàng. Tôi được chỉ tới một bàn ngoại hối mà tôi ngạc nhiên khi thấy họ tỏ ra vừa được việc lại tận tình. Mặc dù chưa từng hoàn tiền cho séc du lịch, anh nhân viên vẫn có sẵn đầy đủ hướng dẫn phù hợp, nên chỉ một giờ sau là tôi rời ngân hàng, và được dặn vài hôm nữa quay lại xem tình hình thế nào.

Mọi chuyện có vẻ tốt đẹp đến khó tin. Mặc dù khi mua séc ở Anh, tôi đã được cam đoan là nếu bị mất cắp thì sẽ được thay trong vòng một ngày kể từ lúc thông báo, nhưng tôi biết ở Ấn Độ không bao giờ có gì diễn ra chóng vánh như vậy. 18 năm trước tôi đã được chứng kiến điều đó ở Calcutta. Mẹ tôi gửi cho một gói quà Giáng sinh. Mặc dù tôi đã dặn trước bà đừng gửi gì đến Ấn Độ bằng đường biển, bà vẫn hỏi nhân viên bưu điện địa phương, và người này tra Ấn Độ trong cuốn sổ nhỏ thì thấy gửi bằng đường biển mất ba tháng. Vậy nên mẹ tôi gửi bưu kiện trong tháng Tám, là thời gian dư dả, theo lệ thường ở Anh, để nó tới tay tôi vào mùa Giáng sinh. Dĩ nhiên nó không tới, thậm chí khi tôi sắp sửa rời Ấn Độ, sáu tháng sau. Tôi đến Bưu điện Trung tâm phân trần vấn đề của mình. Họ tỏ ra bi quan về khả năng tìm được bưu kiện, nhưng họ chỉ tôi tới một tòa nhà cao lâu đời gần bến tàu, có anh nhân viên Bengal ngồi sau bàn bên trong lối vào. Không mấy hy vọng, tôi giải thích mình cần gì.

“Rắc rối của anh vậy là xong, bưu kiện của anh có đây.”

“Tuyệt quá! Tôi nhận được không?”

“Tôi rất tiếc, chuyện này thì không thể. Nhưng, cứ yên tâm, chắc chắn nó đang ở đây. Trên lầu có rất nhiều túi thư, và khá chắc chắn là bưu kiện của anh nằm ở một trong số đó.”

Hóa ra “rất nhiều” nghĩa là hàng ngàn túi thư và mỗi ngày họ mở ra kiểm độ năm chục túi. “Nên anh phải kiên nhẫn, chắc chắn là cuối cùng rồi ta cũng sẽ tìm thấy nó.”

Nhưng hôm sau tôi rời Ấn Độ mà vẫn không thấy mặt mũi bưu kiện mãi cho đến hai năm sau khi nó xuất hiện ở nhà mẹ tôi. Người đưa thư bọc nó trong túi nhựa và cầm giơ ra xa. Mẹ tôi đã bỏ thêm vào một cái bánh Giáng sinh và sô cô la, nên giờ đây bưu kiện nhỏ long tong giòi bọ mối mọt và bốc mùi hôi thối ngất trời. Thứ duy nhất cứu được là hai cuốn sách bìa mềm, nhưng dính bẩn loang lổ và bị gặm nham nhở ở mép.

Từ đó, tôi biết được rằng ở Ấn Độ, mọi thứ có thể lâu hơn họ tính ở Anh, và đó là lý do vì sao từ ngân hàng tôi đến chính Bưu điện Trung tâm đó để đánh điện tín về tăng viện của Ajahn Sucitto nhờ liên lạc với ngân hàng ở Anh giúp. Bưu điện không đổi khác chút nào so với lần trước tôi đến. Vẫn những khung gỗ cũ kỹ có lưới chắn ở mỗi quầy, và bên trên mỗi quầy có tấm bảng tráng men nhỏ hai màu đỏ trắng. Bên dưới tấm lưới ghi “điện tín”, một nhân viên nhận tin nhắn của tôi. Sau lưng anh ta là một máy kim loại cổ lỗ để đánh điện cùng đủ thứ núm, ổ cắm và một bàn phím gõ bằng tay. Hẳn nó, cũng như mọi thứ khung kia, do người Anh lắp ráp và vẫn còn ở đó từ ấy đến nay. Tôi thắc mắc không biết ở Ấn Độ có điều gì từng thay đổi hay không.

AJAHN SUCITTO

Tịnh xá của Hội Phật giáo Bengal gắn liền với đời sống thành phố: con phố có tịnh xá được đặt tên theo nó. Bengal có Phật tử, nên tòa nhà lớn lâu đời, cao bốn tầng, ở đó để phục vụ họ. Và không chỉ họ: hiện nay tịnh xá đang là chỗ tá túc cho một đám đông ngư dân Thái (bị chính quyền Ấn bắt ở quần đảo Andaman và sẽ bị buộc hồi hương) cùng hai tỳ kheo đến từ Bangladesh, thượng tọa tỳ kheo Bemal và Aggavamsa Mahathera. Chúng tôi vẫn tình cờ gặp tỳ kheo Bemal cách tịnh xá vài khối nhà, gương mặt rộng nhoẻn cười nhận ra: thầy nhớ tôi do những lần thầy đến Amaravati để phơi bày hành động tàn bạo nhằm vào các bộ tộc miền núi theo đạo Phật ở Vùng đồi Chittagong(4). Giờ thầy ở đây, tìm thấy một chỗ đứng, và đang mở trường để giúp trẻ em có cha mẹ đã xoay xở chạy khỏi Bangladesh.

Từ khi Chia cắt, Calcutta đã tiếp nhận hết lớp này đến lớp khác người nhập cư từ Bangladesh, phần phía đông của cái ban đầu là tỉnh của Bengal. Vùng đồi Chittagong từng là lãnh thổ bộ tộc, chèn lên biên giới Miến Điện. Dân ở đó không phải người Bengal, họ là người Chakma, trông giống Miến Điện hay Nepal hơn. Hơn nữa họ là Phật tử, như một số người ở Assam; có lẽ họ tượng trưng cho dấu vết đế chế Phật giáo sau cùng, vương triều Pala thế kỷ tám và chín. Mặc dù Vùng đồi chưa bao giờ là một phần của Bengal, nhưng nó đã trở thành nạn nhân khi người lập bản đồ để cho tiện đã chia tách một cách võ đoán ra thành Miến Điện, Ấn Độ, và đông Pakistan. Tất nhiên lúc chia cắt, quyền của người dân đối với vùng đất và nền văn hóa của họ được bảo đảm – nhưng tất cả điều ấy dễ dàng bị phớt lờ; áp lực nhân khẩu từ các vùng đồng bằng và sự khác biệt tôn giáo đã trở thành cái cớ cho việc chiếm đất, xâm nhập quân sự, chiến tranh đàn áp sự phản kháng của địa phương, đốt làng mạc, và thảm sát. Thành phố của Kali đã đón nhận những ai trốn thoát.

Tịnh xá được xây thành hình vuông quanh khoảng sân chính giữa; một cạnh hình vuông thấp hơn và tạo thành chùa, phần còn lại là nơi ăn ở và văn phòng. Phòng của chúng tôi nằm ở khối nhà vốn là chỗ nghỉ sang trọng dành cho các vị chức sắc đến viếng; mới được xây gần đây. Một tấm bảng đề tặng lấy làm hãnh diện công bố viên đá móng là do vị Tăng thống xứ Buriyat (một nước cộng hòa Nga sát Mông Cổ) đặt xuống. Tòa nhà thì được Motoyuki Naganuma ở Rissho Kosei Kai khánh thành. Buriyat? Còn “Motoyuki” nghe có vẻ Nhật. Mối liên hệ thế nào? Còn hình tượng bằng gang trang trí khắp các ô cửa sổ là ai? Trông như một thầy tu Tây Tạng…

Mà đúng là vậy. Hóa ra khối nhà dành tặng học sĩ Đại thừa nổi tiếng Atisha. Công trình của ông không được nghiên cứu trong Phật giáo Nguyên thủy, và ở tịnh xá không ai biết ông tồn tại, mãi cho đến vài năm trước khi từ Mông Cổ có lời mời dự lễ kỷ niệm ngày sinh thứ một ngàn của hiền giả này. Khi đọc lời mời, hội phát hiện ra là Atisha – chủ yếu sống ở Tây Tạng, và đã lập ra một phương pháp tiếp cận có hệ thống giáo lý Mật tông và Đại thừa – thực ra là dân Bengal. Nên họ thấy có phận sự đến dự lễ kỷ niệm. Nhờ cuộc họp mặt đó, họ có được sự bảo trợ của Nhật. Và thế là họ xây khối nhà ở. Vì lý do đó mà có hình ảnh Atisha trang trí trên mọi cửa sổ; cuối cùng cũng được đồng hương tôn vinh (nhưng vẫn chưa nghiên cứu), hiền giả đã trở về nơi chôn nhau cắt rốn.

Ngồi bên chủ nhà của chúng tôi, thượng tọa Dhammapal, thật dễ chịu như bếp lò rực sáng đêm đông. Thầy hết sức lo cho lợi lạc của chúng tôi. Ở Ấn Độ thì chuyện này vốn dĩ không bất thường cho lắm; điểm khác biệt ở thầy là khả năng cân nhắc hoàn cảnh một cách thiết thực, đem lại cái cần, mà không chất chồng lên chúng tôi sự tẻ nhạt của cái không cần. Thầy còn quan tâm đến cái chúng tôi đang làm. Chúng tôi thường dùng bữa hay uống trà với thầy và, sau khi giải quyết xong những vấn đề thực tế, thỉnh thoảng bị gián đoạn vì thầy lo đủ thứ hỏi han và điện thoại, có được cuộc chuyện trò sôi nổi với thầy.

Thầy đi tu đã lâu, thành sa di (samanera) ngay trước Thế chiến II, rồi thành tỳ kheo năm 1945. Chuyện đó là ở Cox’s Bazaar, miền nam Bangladesh ngày nay. Tuy vậy, thấy trước những khó khăn khi là nhà sư ở xứ Hồi giáo, năm 1948 thầy phải đến Calcutta. Là dân từ nam Bengal nhập cư vào thì chẳng dễ dàng gì; nhưng thầy không bàn sâu thêm. Từ 1962 đến 1985, trong nội bộ Hội Phật giáo Bengal đã có nhiều tranh cãi: “Vấn đề là người Ấn nào cũng muốn tự làm chủ mình cả! Người Ấn chỉ muốn ngồi ghế bành rồi thấy mình quan trọng – ê, nhìn tôi này!” Nhưng giờ thì mọi chuyện đã ổn định; thầy có những cận sự trung thành đầy năng lực và một tịnh xá khá năng động đang gắn kết với người dân. Chu cấp cho các trường học, một dưỡng đường, và giảng pháp, đó thật sự là một tổ chức, một hội đoàn, và điều đó thật khác thường.

Với thượng tọa Dhammapal, một trong những trọng trách khó khăn nhất là lãnh đạo Tăng đoàn toàn Ấn, là cố gắng tạo ra một tăng đoàn tự quản có những chuẩn mực tu tập, cộng tác, và tổ chức. Đây đúng là một tâm nguyện. Như chúng tôi đã thấy ở Kushinagar, nhiều người theo làm tỳ kheo nhưng không mấy thiết tha tu học. Nhiều người mới thụ giới được mấy tuần đã bỏ đi tự kiếm sống bằng cách làm hành khất hay hành lễ. Ngay cả trong tịnh xá lâu đời nhất Ấn Độ này (thành lập năm 1892), được hỗ trợ và đầy sức sống nhưng ta cũng khó mà tìm thấy tỳ kheo nào muốn giúp sức phụng sự. Thượng tọa Dhammapal rất ấn tượng khi nghe số tăng ni cùng tu học ở Anh, làm lụng hàng năm trời để xây các trung tâm cư trú từ các tòa nhà đổ nát cũng như thiền và giảng pháp. Cận sự của thầy ở đây đều là cư sĩ. “Tôi đã phải nỗ lực cả đời,” thầy nhận xét thêm với ý nghĩa khẳng định hơn là than thân trách phận. Rõ ràng thầy có tính cách cần thiết để sống chính trực, nên chuyện đó không làm giảm sút nghị lực, lòng từ bi, hay óc hài hước của thầy.

Còn một ngoại kiều nữa là dân vùng đông Bengal xưa mà chúng tôi đặc biệt muốn gặp – khất sĩ Munindra, thiền sư lừng danh. Sang ngày thứ hai ở Calcutta, chúng tôi thực hiện chuyến hành hương nho nhỏ đến trụ sở Hội Maha Bodhi ở Quảng trường Đại học nơi thầy sống. Nick còn nhớ thầy từ lần trước anh đến Ấn Độ đầu thập niên 1970 ở Bodh Gaya. Ngày ấy cũng như bây giờ, thầy đều mặc áo trắng lụng thụng với quần trắng rộng thùng thình, và dạy bằng sự nhiệt tình ôn tồn nhã nhặn.

Với tôi thì ký ức là lần khất sĩ Munindra đến viếng Tịnh xá Hampstead năm 1978. Tôi mới tới và, sau ba năm giam mình cô tịch trong chùa Thái, việc được về lại quê nhà và có người để trò chuyện thật phấn chấn thú vị. Với các tỳ kheo khác, quen sống trong rừng, đời sống giam chân trong chung cư ở London có cảm giác khắc nghiệt. Nơi này có một bầu không khí ủ ê, như bầy thú trong gánh xiếc không được ai ngó ngàng tới. Thế rồi khất sĩ Munindra xuất hiện, sinh động như khúc hát của một cánh chim lộng lẫy miền nhiệt đới, nên ai nấy bỗng vui vẻ hăng hái lên nhờ sự nồng ấm của thầy.

12 năm sau thì chúng tôi mới là kẻ di cư, gõ cánh cửa căn phòng nhỏ bé của thầy ở trụ sở Hội Maha Bodhi. Ăn mặc vẫn tinh tươm, nhưng giờ thầy trông tiều tụy hơn và vừa bệnh dậy. Nhưng gặp chúng tôi thì đúng là vui. Góc nhỏ của thầy đơn sơ – đồ đạc chỉ có mỗi chiếc giường trên giăng mùng và chiếc ghế dựa lưng thẳng; đồ dùng thì chỉ có một phích nước, bếp dầu hỏa, và đồ nấu bếp đơn sơ. Chào chúng tôi và mời tôi ngồi vào ghế xong, thầy vừa trò chuyện vừa tiếp tục bóc vỏ đậu cho vào chảo.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button