Review

Utopia – Địa Đàng Trần Gian

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Thomas More
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 125
Ngày xuất bản 10-2014
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Trong suốt năm thế kỷ qua kể từ ấn bản đầu tiên, Utopia vẫn được cả thế giới tìm đọc – bất kỳ lúc nào và ở đâu, nó cũng làm cho người đọc phải giật mình, xúc động, và bâng khuâng suy ngẫm về nhân tình thế thái. Nó nhắc nhở, bàn tán, phân tích, giải thích, gợi ý…về tất cả những vấn đề mới mà bạn và tôi quan tâm hàng ngày, từ truyện trộm cắp, nghiện ngập, đĩ điếm nghèo khổ tham nhũng cho đến chuyện trách nhiệm của người tri thức, chuyện trọng dụng nhân tài, và tư chất của người cầm cân nảy mực trong xã hội. Nó bàn thế nào là khoái lạc, là hạnh phúc, cái gì là đáng quý, cái gì không. Nó lột trần những giả ngụy của luật pháp hiện hành, những cáo thậm vô lý của thói thường. Giải pháp tín ngưỡng của nó thật đáng kinh ngạc và rất đáng được cổ vũ trong thế giới khủng bố hiện nay. Nó thiết kế một chế độ chính trị vã xã hội mà nó tin rằng sẽ giúp cho con người được no ấm và hạnh phúc. Và nó khẳng định rằng con người là rào cản của chính mình, bắt nguồn từ lòng ngạo mạn, ý thích được hơn người, được coi là quan trọng vốn bắt rễ rất sâu trong mỗi cá nhân.

[taq_review]

Trích dẫn

Một bất đồng tương đối nghiêm trọng1 mới nảy sinh trong thời gian qua giữa đức ông hoàng đế – vua Henry VIII của nước Anh chúng ta, một bậc thầy vĩ đại của nghệ thuật cai trị – và ông hoàng Charles của công quốc Castile. Nhà vua đã cử tôi đi sang đất Flanders để thảo luận và giải quyết sự vụ này, cùng với một người bạn của tôi là Cuthbert Tubstall2, một con người xuất sắc mới được cử phụ trách ban nhân sự và tài chính của đoàn luật sư và được tất cả mọi người đều ủng hộ. Tôi sẽ không nói gì về học vấn và đức độ của con người này – không phải vì sợ mình thành thiên vị, mà vì những phẩm chất tốt đẹp của ông thật quá sức mô tả của tôi, và cũng đã quá nổi tiếng chẳng cần ai phải mô tả chúng nữa. Tôi chẳng nên cầm đèn mà rọi mặt trời3.

Khi chúng tôi đến thành Bruges, một phái đoàn đại diện của xứ Castile đã chờ đón chúng tôi tại đó theo như lịch định. Họ gồm toàn những nhân vật quan trọng do đích thân thị truởng Bruges dẫn đầu, một con người tuyệt vời, những hầu hết câu chuyện lại do một nhân vật khác cầm trịch và lên tiếng, đó là ngài George de Theimsecke, hiệu trưởng đại học Cassel. Con người này là một diễn giả bẩm sinh, lại được tu nghiệp thật chu đáo để làm một chuyên gia luật pháp, cho nên quả thực ông ta có đầy đủ các bẩm tính và kinh nghiệm để làm một nhà thương thuyết thượng hạng. Sau vài buổi thảo luận, hai bên vẫn có một số vấn đề chưa nhất trí được với nhau, cho nên phái bộ chủ nhà đề nghị tạm chia tay để trở về xin ý kiến của triều đình họ tại Brussels. Tôi bèn dùng thời gian tạm nghĩ đó để đi Antwerp thu xếp vài việc riêng.

Ở Antwerp tôi gặp được khá nhiều người, nhưng nhân vật mà tôi thích nhất là một chàng trai bản địa tên là Peter Gilles. Anh này được dân chúng địa phương rất kính trọng, và giữ một trọng trách trong hội đồng bản hạt tại địa phương. Nhẽ ra anh ta xứng đáng được ở ngôi cao nhất tại thành bang ấy, bởi quả thực tôi cũng không biết điều gì ở anh ta đã gây ấn tượng mạnh mẽ đến như vậy: trí tuệ của anh ta, hay là những phẩm chất đạo đức của anh. Không những là người tinh tế lịch duyệt, anh còn là một học giả thông tuệ, cực kỳ công bằng với mọi người, mà đối với bằng hữu thì tỏ rõ một tấm lòng trung hậu bản nhiên, một tấm tình nồng nhiệt và thuỷ chung đến mức có lẽ chỉ có anh mới hội đủ những phẩm chất toàn diện nhất của tình bạn. Anh khiêm nhường hết sức, trung thực tuyệt đối, và mang một phong thái giản dị tinh tế rất riêng biệt. Anh còn là một diễn giả tuyệt vời, có thể rất sắc sảo mà vẫn không làm xúc phạm đến ai. Lúc ấy tôi đã xa nhà hơn bốn tháng trời và đang mong được trở về Anh quốc với vợ con, nhưng phải nói rằng nỗi nhớ nhà của tôi đã được nguôi ngoai phần lớn là nhờ có anh và những cuộc trò chuyện thật hấp dẫn với anh.

Hôm ấy, tôi vừa dự lễ sáng tại nhà thờ lớn Notre Dame, một công trình tráng lệ luôn chật ních giáo dân, và vừa sắp quay gót về khách sạn thì chợt nhìn thấy Peter Gilles đang nói chuyện với một người ngoại quốc đã đứng tuổi có gương mặt sạm nắng với bộ râu dài và một tấm áo khoác hờ hững một bên vai4. Nhìn nước da và trang phục của người ấy, tôi đoán chừng ông ta là thuỷ thủ. Đúng lúc ấy, Peter cũng nhìn thấy. Anh lập tức bước lại chào, và tôi chưa kịp đáp thì anh đã kéo tôi sang một bên.

“Đại huynh có thấy người kia không?” Anh hỏi, ra hiệu về phía người mà anh đang chuyện trò vừa nãy. “Đệ vừa mới dẫn ông ta tới chỉ cốt để tiếp kiến đại huynh đó.”

“Nếu đó là bạn của hiền đệ,” tôi đáp, “tôi sẽ rất sung sướng được tiếp kiến ông ta.”

“Nếu biết ông ta là người thế nào,” Peter nói, “thì chắc chắn huynh sẽ thích cuộc hội ngộ nay đấy – bởi lẽ không ai có thể kể cho huynh nghe nhiều chuyện về các xứ sở lạ lùng và những cư dân ở đó như người này. Mà đệ biết là huynh rất mê những câu chuyện như vậy.”

“Nếu quả như vậy thì tôi đoán cũng không sai lắm,” tôi nói. “Ngay lúc mới thấy ông ta, tôi đã nghĩ đó là một thuỷ thủ rồi.”

“Nhưng như thế thì huynh lại lầm to rồi,” Peter đáp “Đệ muốn nói rằng đây không phải là một thuỷ thủ kiểu Palinurus5 đâu. Ông ta thực sự giống như một Ulysses, thậm chí như Plato vậy. Huynh sẽ thấy, ông bạn Raphael này của chúng ta – bởi đó chính là tên ông ta, Raphael Hythlodaeus6, thực sự là một học giả. Ông ta biết khá nhiều tiếng Latin và rất thông thạo tiếng Hy Lạp. Ông tập trung vào tiếng Hy Lạp vì ông quan tâm chủ yếu đến triết học, và thấy rằng sách vở Latin chẳng có gì quan trọng viết về chủ đề này, ngoài một vài tác phẩm của Seneca và Cicero7. Ông muốn đi để thấy thiên hạ, nên đã để lại cho người anh em cai quản tài sản của mình ở Bồ Đào Nha – chính là quê hương ông – rồi lên đường rong ruổi cùng với Amerigo Vespucci. Chắc huynh đã biết đến cuốn Bốn Chuyến Du Hành8 của Vespucci mà mọi người đều đang đọc chứ? Chẳng là, ông khách Raphael chính là bạn đông hành của Vespucci trong suốt ba chuyến du hành về sau, chỉ khác một cái là họ đã không cùng trở về nhà với nhau. Raphael đã nài bằng được Vespucci phải cho ông được ở lại cùng với hai mươi tư người  mà Vespucci đã cắm lại trên toà pháo đài nọ9. Và thế là ông ở lại đó để thoã mãn cái trí lãng du của mình, niềm đam mê duy nhất của ông. Ông ta không hề băn khoăn rồi mình sẽ chết ở đâu, và lúc nào cũng tâm đắc với hai câu nói, rằng “Người chết không mồ đã có trời xanh làm chiếu,” và “Ta có thể lên Thiên đàng từ bất cứ nơi nào” – một thái độ mà xin Thượng đế bao dung đại xá cho, có thể dẫn người ta vào những hoàn cảnh khó lường nghiêm trọng. Thế rồi, khi Vespucci đã rời pháo đài đó, Raphael liền tổ chức nhiều chuyến thám hiểm cùng với 5 người trong số các thuỷ thủ ở lại với mình. Cuối cùng, nhờ cực kỳ may mắn mà họ đến được đảo Ceylon. Từ đó, ông ta đã tìm đường đến tận Calicut và gặp được vài con tàu Bồ Đào Nha ở đó, để rồi được họ cho quá giang về nhà một cách hoàn toàn bất ngờ.”

“Quả tình tôi phải cảm ơn hiền đệ rất nhiều,” tôi nói. “Nhất định là tôi sẽ rất sung sướng được tiếp chuyện một nhân vật như thế. Xin đa tạ hiền đệ đã cho tôi cơ hội này.”

Rồi tôi bước đến chỗ Raphael và bắt tay ông ta. Sau vài câu chào hỏi xã giao như lệ thường sơ kiến, chúng tôi cùng về khu vườn tại khách sạn nơi tôi đang tá túc, cùng ngồi xuống một chiếc ghế băng có nệm cỏ mềm và bắt đầu trò chuyện thoải mái.

Trước hết, Raphael kể cho chúng tôi nghe những chuyện đã xảy đến với ông và bọn người trên pháo đài sau khi Vespucci bỏ họ lại ở đó. Bằng thái độ lễ phép và những hành vi thân thiện, họ dần dần hoà mình được với cư dân bản địa. Chẳng mấy chốc, họ đã có quan hệ không những là hoà hảo mà còn thắm thiết nữa với dân chúng. Đặc biệt, họ giao hảo rất thân với một vị vua mà tên tuổi và quốc tịch tôi đã quên mất. Ông vua này hào phóng chu cấp cho Raphael và năm bạn đồng hành của ông đầy đủ lương thực và tiền bạc để thực hiện các chuyến thám hiểm, bao gồm cả việc sử dụng thuyền bè và ngựa xe. Ông vua còn cho họ một người dẫn đường rất đáng tin cậy, ra lệnh cho viên hướng đạo này phải đưa đoàn thám hiểm đến gặp nhiều vị vua khác, và còn viết thư giới thiệu đoàn với các vương quốc đó hẳn hoi. Và thế là sau nhiều ngày lênh đênh, họ đã đến được nhiều thành bang rộng lớn và nhiều vùng dân cư đông đúc có những cơ cấu tổ chức chính trị rất phát triển.

Tất nhiên, khi đi qua vùng xích đạo, họ đã thấy những hoang mạc mênh mông cháy bỏng dưới nắng trời triền miên. Mọi vật đều ảm đạm và hoang vắng, không hề có dấu hiệu canh tác nào, không thấy có giống vật nào ngoại trừ các loài rắn và thứ dữ, hoặc những giống người cũng hoang dã và dữ tợn không kém. Nhưng đi xa hơn nữa, mọi vật lại dần dần khá hơn. Khí hậu đỡ khắc nghiệt, đất đai trở nên xanh tốt và dễ chịu hơn, con người và các loài vật cũng đỡ dữ dằn hơn. Cuối cùng, họ đến những vùng mà con người sinh sống trong các thành bang lớn nhỏ, không ngừng buôn bán bằng cả đường thuỷ và đường bộ. Không những họ buôn bán lẫn với nhau và với lân bang, mà còn với cả những nơi xa xôi nữa.

“Vậy là tôi đã có dịp đi rất nhiêu,” Raphael nói, “Hễ thấy một con tàu sắp gương buồm ra khơi là tôi lại hỏi xin họ cho tôi và các bạn tôi cùng đi, và luôn luôn chúng tôi được người ta hồ hởi mời lên tàu. Những con tàu đầu tiên mà chúng tôi thấy là loại tàu đáy bằng, có buồm làm bằng lá cây papyrus(* một loài lá cọ) khâu lại với nhau, hoặc bằng mây tre đan, có khi bằng cả da thuộc. Nhưng các con tàu sau này thì đều có sống nhọn và buồm bằng vải bố, nói chung là tương tự như tàu thuyền của chúng ta. Thuỷ thủ các xứ ấy nói chung hiểu biết rất rõ về gió máy và thuỷ triều, nhưng họ đều rất quí trọng tôi khi tôi bày cho họ cách sử dụng la bàn dùng nam châm. Họ chưa từng nghe thấy dụng cụ này bao giờ, và vì vậy mà vẫn sợ hãi biển cả, chỉ dám ra khơi xa trong mùa hè mà thôi. Còn nay thì họ tin tưởng vào cái la bàn đến mức những chuyến ra biển mùa đông không còn là gì với họ nữa, mặc dù cái cảm giác an toàn mới mẻ ấy của họ chỉ hoàn toàn là chủ quan. Sự thể là tâm lý quá tự tin ấy của họ có thể còn biến cái phát minh đặc dụng của chúng ta là chiếc la bàn thành mối hiểm hoạ nữa là đằng khác.”

Nhắc lại những câu chuyện mà ông ta kể về từng vùng đất ấy sẽ mất rất nhiều thời gian; vả lại đó cũng không phải là mục đích của cuốn sách này. Có lẽ tôi sẽ dành một cuốn sách khác cho những câu chuyện đó, tập trung vào những chi tiết có tính giáo dục nhất, ví dụ như những nhận xét của ông ta về nhiều cách tổ chức xã hội rất có lí của nhiều cộng đồng văn minh khác nhau. Có những điểm chúng tôi hỏi ông rất cặn kẽ, và ông cũng trả lời rất chu đáo và nhiệt tình. Chúng tôi không hỏi xem ông có gặp phải loài quái vật nào không, vì quái vật không còn là gì mới mẻ nữa. Chẳng bao giờ thiếu những giống vật khủng khiếp vẫn rình ăn thịt người, cướp miếng ăn của người, và nuốt chửng cả từng dân tộc một; nhưng rất khó tìm được ví dụ về những phương cách tổ chức xã hội thông minh và nhân đạo.

Tất nhiên, ông ta đã thấy nhiều điều đáng lên án tại Tân Thế Giới, nhưng cũng phát hiện được nhiều quy củ có thể gợi ý để cải cách xã hội châu Âu. Những chuyện này, tôi xin nói ngay ở đây, cõ lẽ sau này mới có thể đề cập đến. Ý định hiện nay của tôi chỉ là nhắc lại những gì ông ta nói về luật pháp và phong tục ở Utopia.

Tôi phải bắt đầu bằng cách ghi lại cuộc trò chuyện đã dẫn đến việc ông ta lần đầu tiên nhắc tới nước cộng hoà đó đã. Sau khi đã phê phán một cách rất sắc sảo những sai lầm mà con người đang phạm phải ở cả hai nửa địa cầu – mà hiển nhiên là rất nhiều – Raphael chuyển sang bàn thảo về những đặc điểm tinh tế hơn trong hệ thống luật pháp của hai thế giớ cũ và mới. Ông ta nắm vững các dữ kiện của từng quốc gia như thể đã suốt đời sống ở mỗi nước đó chứ không phải chỉ dừng chân qua đêm mà thôi. Anh bạn trẻ Peter Gilles đặc biệt bị lôi cuốn và ấn tượng rất mạnh.

PETER: Thưa Raphael tiên sinh, tôi thấy rất lạ tại sao tiên sinh không đăng triều phục vụ một đấng quân vuơng nào đó. Tôi dám chắc rằng bất kỳ một ông vua nào cũng sẽ không để mất cơ hội được trọng dụng tiên sinh. Với kiến thức và kinh nghiệm như thế, tiên sinh thực chính là người không những có thể làm vui họ, mà còn cho họ những giáo huấn và những lời khuyên bổ ích. Làm thế, tiên sinh lại còn có thể vun đắp cho những quyền lợi của chính mình cũng như bạn bè và thân quyến của mình nữa.

RAPHAEL: Tôi chẳng phải lo gì cho ai cả. Tôi nghĩ mình đã hoàn thành nghĩa vụ của mình với mọi người. Hầu hết người ta đều bám chặt lấy tài sản của mình cho đến khi không còn bám được nữa  vì già yếu hoặc bệnh tật – mà rồi đến lúc ấy vẫn cứ không chịu buông bỏ một cách thanh thản. Còn tôi, tôi đã chia sẻ tài sản của mình với thân quyến bạn bè ngay từ lúc còn trẻ khoẻ. Tôi chắc rằng họ đều thoả mãn cả rồi, và không ai có quyền mong tôi phải dấn thân thêm nữa để vì quyền lợi của họ mà trở thành nô lệ cho một ông vua nào đó.

PETER: Xin Thượng đế tha tội! Phục vụ chứ không phải làm nô lệ! Đó là điều tôi muốn gợi ý.

RAPHAEL: Chữ thì có khác, nhưng thực chất nào có khác gì.

PETER: Tiên sinh nói vậy thì tôi xin chịu. Nhưng tôi vẫn nghĩ đó là con đường tốt nhất để tiên sinh có thể giúp đỡ người khác, cá nhân cũng như tập thể, đồng thời cũng là để cho cuộc sống của tiên sinh được vui thú hơn.

RAPHAEL: Làm sao có thể được như vậy khi tôi phải hành động trái với bản tính của mình? Hiện tôi đang sống đúng như mình muốn, mà điều đó, nói thật nhé, chưa chắc đã có ai trong đám triều thần dám nói. Hơn nữa, vua chúa lúc nào cũng có thừa người luôn tranh nhau để được yêu. Không có tôi hoặc vài người như tôi, thì họ đỡ vất vả hơn trong cuộc tranh giành ấy.

MORE: Thưa tiên sinh Raphael, rõ ràng là tiên sinh không màng đến tiền tài và quyền lực, và điều đó khiếm tôi kính trọng tiên sinh bội phần, cho dù tiên sinh có là một đấng quân vương vĩ đại nhất đia nữa thì cũng không làm tôi kính trọng tiên sinh hơn được. Nhưng chắc cũng chẳng có gì trái với tinh thần triết học đáng trân trọng của chúng ta nếu tiên sinh có thể dấn thân, thậm chí chịu đựng một vài bất cập cá nhân, để đem tài năng và sức lực của mình phục vụ công chúng hay sao? Và cách hiệu quả nhất để thực hiện việc đó là tranh thủ được lòng tin của một ông vua, rồi phò tá ông ta với những lời khuyên thực sự hướng thiện của mình. Bởi lẽ mỗi ông vua là một nguồn ban ân phát tội không ngừng nghỉ như ngọn suối nhuần gội đến tất cả dân chúng vậy. Còn tiên sinh thù vừa thừa thãi trí thức lý thuyết lại vừa sâu dày kinh nghiệm thực tế, đến mức chỉ một trong hai năng lực ấy thôi cũng đã thừa đủ để tiên sinh là một thành viên lý tưởng của bất kỳ một nội các nào.

Bạn đọc cảm nhận

Phát Trần

Utopia là một quyển sách rất đặc biệt và vô cùng sâu sắc. Utopia đặt biệt từ hình thức đến nội dung. Là tên của một đất nước độc lập, Utopia được xây dựng trên một hình thức đặc biệt nhằm bảo vệ người dân khỏi những phiền muộn của thế gian như : nghèo đói, trộm cướp, chiến tranh. Con người ở Utopia sống vui vẻ, hòa đồng, họ coi vàng bạc là những thứ tầm thường, lao động mới chính là vinh quang đối với người dân xứ này. Đọc Utopia ta cảm nhận được những bài học sâu sắc trong việc hình thành một con người, một gia đình, một thị trấn và cả một đất nước hoàn mỹ đến độ ai nghe qua củng ai ước mình được là con dân của nước này hay ít ra củng được một lần đến với Utopia

Tuy Anh

Một xã hội không tưởng trong tầm nhìn về tương lai, thực ra bản thân tôi vẫn cho rằng nơi ấy chỉ có thể có trong tâm tưởng chúng ta, Thomas More vẽ nên một nhà nước quá hoàn hảo mà để lập nên nó phải hy sinh những điều gì? Nó tự nhiên mà hình thành sao? Ông cho ta thấy cách xã hội ấy vận hành nhưng nền tảng xây dựng nên nó thì chưa. Có lẽ đó là câu hỏi cho chính chúng ta về xã hội ấy, dù sao đó là một quan điểm lạc quan về một tương lai lý tưởng mà chúng ta hướng tới. Bản thân tôi là người bi quan dù không tin lắm vào khả năng thực hiện xã hội ấy nhưng rất ấn tượng trước những quan điểm trong cách vận hành xã hội của ông . Quyển sách nhỏ nhưng cô đọng một cách súc tích tư tưởng to lớn.

Pham Quynh Huong

Lúc đọc cuốn này mình không khỏi giật mình bởi suy nghĩ của tác giả, thông qua lời của Tiên sinh Raphael tác giả đã thể hiện quan điểm của bản thân về rất nhiều vấn đề trong xã hội Anh lúc bấy giờ, và ngạc nhiên làm sao khi suy nghĩ của ông lại cấp tiến và vượt được xa tới hàng mấy thế kỉ như vậy.

Từ nguồn gốc trộm cắp, tội phạm,… Tất cả đều được ông lí giải và đưa ra giải pháp gần trùng hợp với các chính sách mà các nhà nước bây giờ đang áp dụng.

Không thể không kể đến xã hội không tưởng mà ngài xây dựng nên trên hòn đảo hư cấu: nơi mọi công dân đều bình đẳng, tự do, tất cả đều rất công bằng không khỏi làm mình nhớ đến chế độ cộng sản của Mác-Lenin.

Cuốn sách cho ta thấy rằng con người không bao giờ từ bỏ ước mơ, khát vọng về cuộc sống bình đẳng, vui vẻ ai ai cũng ấm no, hạnh phúc không còn đau thương hay mất mát dù cho đây là điều không tưởng.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button