Review

Truyện Loài Vật

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Ernest Thompson Seton
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Đông A
Số trang 575
Ngày xuất bản 08-2011
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Là tác phẩm trong đó lần đầu tiên chim và thú được đưa lên làm nhân vật chính thực sự, Truyện Loài Vật gồm các câu chuyện cảm động mô tả chân thực, chính xác về hành vi, đời sống của các con vật trong tự nhiên. Đó là Lobo, chúa tể vùng Currumpaw, con sói anh hùng đã chết với sự cô độc kiêu hãnh, không bao giờ màng tới thỏa hiệp. Đó là Chink, chú chó bé nhỏ đã trung thành đến cùng với lời chủ dặn bất chấp cái đói và nỗi sợ. Đó là Johnny, chú gấu con tựa như một đứa trẻ đáng thương…

Thấm đẫm tình cảm và không thể thiếu đối với thiếu nhi, Truyện Loài Vật của Ernest Thompson Seton cho chúng ta thấy, mỗi loài vật là một di sản quý giá xứng đáng để con người yêu thương và trân trọng. Chỉ khi biết yêu và hiểu vẻ đẹp của thế giới tự nhiên, mỗi chúng ta mới có thể cảm nhận cuộc sống trọn vẹn.

[taq_review]

Trích dẫn

CHẤM BẠC

Trong các bạn liệu có được nhiều người đã may mắn tìm hiểu tường tận sát một con vật hoang dã nào đó hay không? Tôi không hỏi về những cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên với loài vật và cũng không hỏi về những con vật nhốt trong chuồng. Tôi hỏi xem các bạn có biết một con vật nào đó sống tự do suốt một thời gian dài hay không. Thường thường ta khó có thể phân biệt một con vật với các đồng loại của nó. Con cáo nào và con quạ nào cũng giống những con cáo khác và những con quạ khác đến nỗi thật khó lòng quyết đoán được là ta đang gặp đúng cùng một con cáo hoặc cùng một con quạ hay không. Nhưng thường có một con vật nào đó hơn hẳn các đồng loại của nó về sức lực và trí thông minh. Nó trở thành con đầu đàn. Chúng ta có thể gọi nó là bậc thiên tài. Nếu nó lớn hơn những con khác thì con người có thể nhận biết được nó căn cứ theo những dấu hiệu nào đó và nó sẽ nhanh chóng trở thành nổi tiếng trong xứ sở của mình.

Trong số những con vật hoang dã xuất sắc đó có: con sói cộc đuôi Courtrand đã gieo rắc hãi hùng trong suốt gần mười năm cho toàn thành phố Paris hồi đầu thế kỉ XIV; con gấu xám thọt Clubfoot qua hai năm đã làm khánh kiệt tất cả những người nuôi lợn ở vùng thượng nguồn sông Sacramento và buộc một nửa số chủ trang trại tại đây phải ngừng kinh doanh; con sói Lobo ở New Mexico mỗi ngày giết chết một con bò trong suốt năm năm liền, và cuối cùng là con báo Soehnee đã giết chết khoảng ba trăm người trong gần hai năm trời. Sau đây tôi xin kể vắn tắt câu chuyện về con quạ Chấm Bạc, một nhân vật cũng nổi tiếng như thế.

Chấm Bạc là một con quạ già thông thái. Nó có tên gọi như vậy là do ở khoảng giữa mắt bên phải và mỏ của nó có một vệt lông màu trắng bạc tròn tròn bằng đồng xu. Nhờ vệt lông ấy tôi mới phân biệt được nó với những con quạ khác và biết được một số mẩu chuyện về nó.

Ta cần biết quạ là giống chim thông minh nhất của chúng ta. Không phải ngẫu nhiên mà có câu ngạn ngữ:

“Thông thái như quạ”.

Quạ biết rõ, kỉ luật có tầm quan trọng to lớn như thế nào, và chúng được rèn luyện về kỉ luật chẳng thua gì binh sĩ. Những con quạ đầu đàn phải là những con già nhất và thông minh nhất trong đàn, đồng thời còn phải là những con khỏe nhất và can đảm nhất để bất kì lúc nào cũng khuất phục được một con thích nổi bật hoặc một con nổi loạn nào đó. Tất cả những con khác trong bầy đều là những con quạ trẻ và sàn sàn nhau, không có năng lực đặc biệt gì.

Chấm Bạc là thủ lãnh của một đàn quạ lớn, chọn nơi cư trú là ngọn đồi thông Castle Frank ở gần thành phố Toronto. Đàn của nó gồm chừng hai trăm con. Khi mùa đông không quá rét lũ quạ ở lại bên bờ thác Niagara, còn khi gặp mùa đông thời tiết khắc nghiệt hơn thì chúng bay xa về phương nam. Nhưng hằng năm cứ đến tuần lễ cuối cùng của tháng Hai là Chấm Bạc lại tụ tập đàn và dũng cảm dẫn chúng bay vượt chặng đường bốn mươi dặm trên mặt nước ngăn cách Toronto với thác Niagara. Nhưng nó chưa bao giờ bay theo đường thẳng mà luôn luôn bay vòng về hướng tây để không bị mất hút ngọn núi Dundas được coi như một cái mốc, cho đến khi trông thấy ngọn đồi thông quen thuộc. Năm nào nó cũng cùng với đàn bay đến ngọn đồi ấy và sống ở đó khoảng sáu tuần. Sáng nào lũ quạ cũng chia làm ba đội và bay đi kiếm ăn. Một đội bay về hướng nam, đến vịnh Ashbridge, đội thứ hai bay về hướng bắc, đến sông Don, còn đội thứ ba lớn nhất thì bay về hướng tây bắc. Chấm Bạc cầm đầu đội thứ ba này. Tôi không biết những con nào cầm đầu hai đội kia.

Nếu buổi sáng trời yên gió thì lũ quạ bốc thẳng lên cao ngay và bay đi. Còn nếu trời có gió thì chúng bay thấp, lợi dụng cái khe mương để tránh gió.

Cửa sổ nhà tôi nhìn thẳng ra cái khe đó, do đó năm 1885 lần đầu tiên tôi để ý đến con quạ đầu đàn này.

Bản thân tôi mới tới vùng này trước đây không lâu, nhưng một người dân sống lâu tại đây đã trỏ đàn quạ mà bảo tôi rằng:

– Thế là đã hơn hai mươi năm nay, con quạ già này lại bay trên khe mương đúng vào thời kì này hằng năm.

Chấm Bạc bao giờ cũng bay theo con đường cũ, mặc dù dọc theo khe mương đã có nhiều nhà được xây dựng và cây miên liễu đã mọc lan qua cả khe mương, và điều này đã làm cho tôi nhanh chóng chú ý đến nó. Vào tháng Ba và nửa đầu tháng Tư mỗi ngày nó bay qua trước mắt tôi một lần; còn đến cuối mùa hè và đầu mùa thu thì mỗi ngày tôi trông thấy nó hai lần.

Tôi theo dõi mọi cử động của nó và lắng nghe nó ra lệnh cho những con quạ dưới quyền. Dần đần tôi hiểu rằng lũ quạ rất thông minh, chúng có ngôn ngữ riêng và có chế độ xã hội giống với chế độ của con người một cách đáng kinh ngạc.

Một lần tôi đứng trên một chiếc cầu cao bắc ngang qua khe mương. Trời có gió và tôi trông thấy con quạ già đang dẫn đầu bầy đàn của nó bay trở về. Khi chúng còn cách xa khoảng nửa dặm tôi đã nghe thấy tiếng kêu hài lòng, có nghĩa là: “Mọi việc đều tốt đẹp, hãy bay tiếp đi!”

“Quạ… quạ!” – Chấm Bạc kêu vang, và con quạ phụ tá của nó bay ở cuối đàn nhắc lại. Chúng bay thấp bởi vì gió thổi mạnh ngược chiều. Nhưng cây cầu mà tôi đang đứng buộc chúng phải bay lên cao. Chấm Bạc nhìn thấy tôi, và nó không thích tôi chăm chú quan sát nó. Nó bay chậm lại và kêu lên: “Qu…ạ!”, có nghĩa là “Hãy coi chừng.”‘ – và bay lên cao hơn ngay lập tức.

Nhưng sau khi nó nhận thấy tôi không có khí giới trong tay thì nó bay ngay trên đầu tôi, và những con quạ khác cũng làm theo nó. Vượt qua khỏi cây cầu, đàn quạ lại hạ thấp độ cao như lúc trước.

Ngày hôm sau tôi lại đến cây cầu hôm trước và đứng đó. Khi lũ quạ đến gần tôi giơ cái gậy lên làm ra vẻ nhắm bắn chúng.

Con quạ già cầm đầu kêu ngay lập tức: “Nguy hiểm!” – “Quạ!” – và bay vút lên cao. Nhưng sau khi khẳng định rằng vật tôi cầm trong tay không phải là cây súng thì nó đánh bạo bay tiếp. Nhưng đến ngày thứ ba tôi đứng trên cầu với cây súng thực thụ trong tay thì Chấm Bạc lại kêu: “Nguy hiểm lắm! Súng!” – “Quạ-quạ-quạ-quạ… quạ!”

Con quạ phụ tá của nó nhắc lại tiếng kêu đó, và mỗi con trong đàn đều lập tức tách xa những con khác và bay lên cao cho tới lúc ra ngoài tầm bắn. Sau khi bay ra ngoài khu vực nguy hiểm, lũ quạ lại hạ xuống thấp, dựa vào sự che chở của thung lũng, nơi mà chúng coi là an toàn.

Một lần khác, khi đàn quạ đang bay thành hàng dài trên thung lũng thì một con diều hâu đuôi đỏ đáp xuống một cái cây nằm bên cạnh đường bay của chúng. Con quạ già kêu luôn: “Diều hâu! Diều hâu!” – “Quạ! Quạ!” – và bay chậm lại. Mọi con quạ khác đều làm đúng như thế và bay sát lại con đầu đàn.

Cả đàn quây quần lại thành một khối. Với một khối dày đặc như thế, chúng không sợ diều hâu nữa. Nhưng bay khỏi đó một phần tư dặm chúng trông thấy một người cầm súng, thế là lại có tiếng kêu: “Cẩn thận! Súng!”.

Trong một thời gian dài tìm hiểu đàn quạ này tôi đã được biết nhiều tín hiệu của con quạ cầm đầu và đã học được cách phân biệt các tín hiệu đó. Tôi đã khẳng định rằng, sự khác nhau chút ít trong sắc thái âm thanh thường biểu lộ sự khác biệt rõ rệt về ý nghĩa. Chẳng hạn như: tiếng kêu trong trường hợp này có nghĩa là thông báo sự xuất hiện con diều hâu hoặc một con chim dữ nguy hiểm nào đó, nhưng trong trường hợp khác lại có nghĩa là: bay vòng lại!”.

Rõ ràng là có sự lẫn lộn giữa hai tín hiệu: một tín hiệu có nghĩa là sự nguy hiểm, còn một tín hiệu lại có nghĩa là hành động.

Còn tiếng kêu đơn giản “Quạ, quạ!” hơi cao giọng hơn một chút thì có nghĩa là: “Xin chào!” khi gặp một con quạ trong bầy đàn bay ngang qua.

Nhưng có một tiếng kêu thường hướng vào cả đàn thì lại có nghĩa là: “Chú ý!”.

Trong những ngày đầu tháng Tư lũ quạ rất nháo nhác. Đáng lẽ chúng đi kiếm ăn từ sáng tới tối thì lại tụ tập suất ngày trên những cây thông. Chốc chốc chúng lại rượt đuổi nhau từng hai hoặc ba con một và bố trí như là thi bay vậy. Trò giải trí ưa thích nhất đối với chúng là từ trên cao nhào xuống về phía một con quạ nào đó đang đỗ trên một cành cây, và khi chỉ còn cách con này một đường tơ sợi tóc thì nó đột ngột quay ngoắt lên và bay vút lên thật nhanh đến mức nghe thấy tiếng vỗ cánh rào rào như tiếng sấm rền vọng lại từ xa vậy. Lần khác lại có một con quạ xù hết cả lông ra, đầu cúi thấp, bay lại gần một con quạ khác mà cất giọng gù gù kéo dài: “Qu-u-u-a”.

Nhưng tiếng kêu đó có nghĩa là gì? Chẳng bao lâu tôi đã biết rõ chuyện. Đó là thời kì các con trống tán tỉnh các con mái. Các con quạ trống khoe sức mạnh của đôi cánh và tiếng kêu. Và chắc chắn tài năng đem phô diễn của chúng đã được đánh giá một cách xứng đáng bởi vì đến giữa tháng Tư thì tất cả lũ quạ đều đã phân chia thành đôi và bay đi khắp bốn phương. Những cây thông già sẫm màu đều vắng bóng lũ quạ.

Bạn đọc cảm nhận

Huỳnh Yến Linh

Lớn lên với những tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng quả là một điều may mắn. Khi tìm lại được cuốn sách đã theo mình suốt thời thơ ấu, mình cảm thấy vô cùng hứng khởi. Cũng những câu chuyện đó, những nhân vật quen thuộc, những tình tiết không lẫn vào đâu được,… Lời tựa đầu của cuốn sách viết không được khéo và đã sơ ý làm lộ nội dung của câu chuyện (spoiler alert) vì vậy có thể sẽ làm phật ý các bạn chưa từng đọc qua câu chuyện này. Mong phía nhà xuất bản có thể xem xét biên tập lại phần lời mở đầu của cuốn sách. Sách được đóng rất đẹp và rất nổi bật khi trưng bày trên kệ.

Hạt Tiêu

Nội dung kể về đời sống, đặc tính của các con vật rất hay và cảm động. Các con vật sống rất chung thủy với nhau, tình cảm của chúng không khác gì con người chúng ta hết! Qua câu truyện này, mình thấy động vật không những thông minh mà chúng còn gan dạ, dũng để có thể làm con vật hoang dã của thiên nhiên. Câu truyện đã làm mình yêu thương, gần gũi động vật, thiên nhiên hơn. Thế nên mình muốn cho cuốn sách này 100 sao, nhưng vì ở đây là tối thiểu 5 sao nên đành vậy.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button