Review

Tình Yêu Thời Thổ Tả

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Gabriel Garcia Marquez
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Huy Hoang Bookstore
Số trang 586
Ngày tái bản 08-2011
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Tình yêu thời thổ tả là một trong 10 cuốn tiểu thuyết hay nhất trong thập kỷ 80 vừa qua (theo đánh giá của báo chí Mỹ) đã đem lại niềm vinh quang mới cho nhà văn được giải Nôbel Văn học năm 1982 người Côlômbia, Gabrien Gacxia Mackêt, tác giả của Trăm năm cô đơn, Ngài đại tá chờ thư, Tướng quân giữa mê hồn trận đã được dịch ra tiếng Việt và nhà xuất bản chúng tôi ấn hành, được đông đảo bạn đọc hâm mộ. Ông là người bạn lớn của chúng ta.

Tình yêu thời thổ tả là câu chuyện tình say đắm giữa một người đàn ông (Phlorênhtinô Arixa, con một bà bán hàng vặt) với một người đàn bà (Phecmina Đaxa, con một nhà buôn hãnh tiến, giàu có mới phất nhờ ăn cắp và gian lận). Khi mới lớn lên, họ yêu nhau nồng nàn nhưng không lấy được nhau vì họ quá trẻ, không có kinh nghiệm sống cũng như nghị lực lớn để chiến thắng quan niệm môn đăng hộ đối trong hôn nhân.

Hơn năm mươi năm họ sống xa mặt nhưng không cách lòng với bao sóng gió cuộc đời. Phecmina Đaxa nhẫn nhục sống làm vợ – một thứ đồ trang sức và một thứ nàng hầu – của bác sĩ Ucbino Đê la Cadê, một thân hào đầy thế lực của giới thượng lưu. Phlorênhtinô Arixa vì thất tình nên một mặt lao vào làm giàu bằng mọi thủ đoạn, cả tốt lẫn tàn nhẫn, để trở thành chủ hãng tàu thủy như điều ông ta mong ước và mặt khác để thỏa mãn nhục dục ông ta lao vào chơi gái đủ mọi hạng: gái chưa chồng, gái muộn chồng, gái chê chồng và chồng chê, gái nạ dòng và cả gái tơ, nhưng không lúc nào không mơ tới Phecmina Đaxa và chỉ chờ ngày Đê la Cadê chết để nối lại quan hệ với nàng. Dịp ấy đã đến khi cả ông lẫn bà đã ngoài bảy mươi tuổi.

Bằng sự từng trải của mình, bằng địa vị xã hội đã đạt được, cả hai nối lại tình yêu và yêu nhau đắm đuối. Nhưng vì quá già nên hai người đã không đủ sức thắng nổi những định kiến, thành kiến của xã hội hủ lậu từng bóp chết mối tình đầu của họ. Và thế là họ trốn lên tàu thủy và chỉ hai người sống với nhau trên chiếc tàu treo lá cờ vàng – dấu hiệu có người bị bệnh thổ tả – chạy ngược rồi chạy xuôi trên dòng sông Măcgơđalêna – dòng sông của Đêmôcrit.

Có thể nói Tình yêu thời thổ tả là một lời cáo trạng đanh thép đối với một xã hội hủ lậu dựa trên sự đánh giá con người không bằng phẩm giá người mà bằng số của cải anh ta có được, do đó nó đã bóp chết bao mối tình trong sáng và tươi đẹp. Muốn có tình yêu và hạnh phúc tình yêu, con người nhất thiết phải được giải phóng khỏi xã hội đó. Nhưng tác giả đã không dừng lại ở chỉ một thông điệp này, ông còn đi xa hơn nữa khi nói rằng Tình yêu thời thổ tả là sự suy nghĩ về tình yêu của con người ở mọi lứa tuổi.

Con người không chỉ yêu nhau khi đang độ thanh xuân, khi đang ở tuổi tráng niên mà còn yêu nhau khi đã tóc bạc răng long và chính ở tuổi này họ yêu nhau chân thực hơn và vì thế cũng da diết hơn, si mê hơn. Vậy tình yêu là chiếc chìa khóa vàng giúp con người mở tâm hồn mình để hòa đồng với nhau, đi đến với nhau trong cuộc đấu tranh chống nỗi cô đơn muôn thuở. Đồng thời, với nụ cười hóm hỉnh, dường như tác giả cảnh tỉnh những ai đang đùa bỡn với ái tình, đang lợi dụng tình yêu để thỏa mãn nhục dục của mình.

Những người đó hãy coi chừng với nỗi cô đơn vì sớm muộn gì thì nó cũng nuốt chửng bọn họ sau khi nhục dục đã được thỏa. Thiết nghĩ đó là lời cảnh tỉnh mang tính thời đại trong đó bên cạnh những thành tựu vẻ vang chưa từng có mà nhân loại hôm nay đã giành được trên phương diện văn minh vật chất thì chính nó đã thụt lùi so với cha ông mình trên phương diện văn minh tinh thần, chí ít là ở hai điểm hiển nhiên: tinh thần lãng mạn và nỗi thảng thốt trong mối tình đầu.

[taq_review]

Review

Nguyễn Thị Vy

Đây là cuốn đầu tiên mà mình được đọc của nhà văn Gabriel Garcia Marquez, mà mình hoàn toàn bị thuyết phục với những gì tác giả này đem đến. “Tình yêu thời thổ tả” là một tác phẩm kinh điển, một câu chuyện tình yêu đầy sóng gió, một khắc họa chân thực về đời sống xã hội thời “thổ tả”, khi con người không được sống đúng là chính mình, không được sống với những khát khao và mơ ước mà phải nhường chỗ cho sự lên ngôi của tiền tài và địa vị. Câu chuyện tình yêu buồn của Phlorênhtinô Arixa và Phecmina Đaxa kéo dài suốt bao nhiêu năm ròng rã, để lại những nhớ thương, những tiếc nuối, những nỗi đau khổ khó lòng vơi đi. Dù họ có được gặp lại nhau, được yêu nhau say đắm, những những hạnh phúc đích thực là điều không thể tìm lại được nữa.

“Tình yêu thời thổ tả” là một cuốn sách không thể bỏ qua, nó đem đến cho mỗi chúng ta những cảm nhận sâu sắc về số phận con người, về tình yêu, về cuộc sống.

Mo Mo

Với một tác phẩm kinh điển như Tình yêu thời thổ tả thì có lẽ quá thừa để khen ngợi nó. Cái tôi thích nhất ở tác phẩm này là miêu tả nội tâm của nhân vật của tác giả. Một mối tình trẻ dại ngỡ là chỉ phớt qua thôi, chỉ là lướt qua trong cuộc đời nào ngờ nó lại khắc cốt ghi tâm và sâu nặng như vậy. Tình yêu của Arixa với Đaxa tuy không thủy chung về thể xác nhưng tâm hồn của ông thì vẫn vẹn nguyên như thuở thiếu thời. Tôi cảm động với tình yêu về già của ông, những khắc khoải của ông và về khát vọng của ông trong tình yêu với Đaxa.Có bao nhiêu người có thể vẫn giữ được những tình cảm ấy như Arixa dành cho Đaxa trong ngày nay đây?

Giáng Hương

Tôi đã đọc Tình yêu thời thổ tả khi còn là một cô sinh viên năm đầu, và không thể hiểu được tại sao yêu nhau mà người ta lại phải đau đớn và day dứt đến thế! Ấn tượng đậm nhất về tác phẩm chỉ  là mùi đắng của hạnh đào gợi nhớ đến số phận của những mối tình ngang trái.

Lần này đọc lại tác phẩm khi đã trải qua nhiều thăng trầm trong cảm xúc và bước qua bao bề bộn của đời, tôi đã hiểu được thông điệp mà Marquez đã gửi gắm. Đó là sức mạnh của tình yêu, sức hủy diệt của định kiến và sự tàn phá âm thầm của nỗi cô đơn.

Nếu không có sức mạnh của một mối tình trong trắng, hẳn tình yêu đầu đời của Phecmina Daxa và Phlorentino Arixa đã tàn đi nhanh chóng trong hơn 50 năm họ đi về những phía khác nhau, không có nhau trong cuộc đời và rất nhiều thứ khác đã chen vào giữa họ. Cũng sức sống mãnh liệt của cảm xúc ấy đã khiến họ trùng phùng khi ngoài 70 tuổi và quyết định ở bên nhau, làm đầy khoảng trống mà thiếu vắng gây ra.

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì Tình yêu thời thổ tả có khác gì mọi tác phẩm lãng mạn khác? Điều buộc người ta suy ngẫm là những trang viết về định kiến, về những quan niệm lạc hậu mà người ta vãn duy trì như một tín điều. Trong mối quan hệ giữa hoàn cảnh và tình yêu, cái gì sẽ thắng? Câu trả lời thật phũ phàng: tình yêu luôn chịu sức ép từ hoàn cảnh. Nếu không thế thì sẽ không có chuyện Phecmina Daxa và Phlorentino Arixa phải núp dưới một lá cờ vàng như một sự che chở. Điều làm người đọc ấm lòng hơn chính là: Tình yêu không thể bị hủy diệt!

Tuy nhiên, tình yêu có thể che chắn cho con người khỏi nỗi cô đơn như một phận số, có trở thành lá bùa che chở cho con người khi đối diện chính bản thể của mình hay khôn? Tôi không cho là như vậy! Nhưng có lẽ cô đơn cũng là một xúc tác cần thiết để người ta gắn bó với nhau hơn.

Đọc văn của Marquez tôi cứ hình dung một nụ cười hóm hỉnh thấp thoáng trong các trang sách, và dường như ta được giao tiếp với tác giả qua cách ông kể từng sự kiện và đi sâu vào các chi tiết nhỏ. vì vậy, tác phẩm này không thể đọc một cách hời hợt, nhưng vì thế mà nó sẽ ở lại lâu hơn trong bạn!

Trích đoạn

Cuộc sống của Phlôrêntinô Arixa thay đổi hẳn. Tình yêu được đền đáp đã mang cho cậu tinh thần bình tĩnh vững tin và một sức mạnh cậu chưa hề được biết đến và cậu trở nên hoạt bát nhanh nhẹn trong công việc mà Lôtariô Tugut giành được cho cậu không vất vả gì. Đó là việc người ta nâng bậc cho cậu từ trợ lí bậc một lên trợ lí bậc hai của ông ta. Ở thời kì ấy, kế hoạch mở trường Điện báo viên bị phá sản và ông điện báo viên người Đức buộc phải dùng thời gian nhàn rỗi của mình vào việc ra bến cảng để chơi đàn phong cầm và uống bia cùng các thủy thủ và sau đó kết thúc sự vui thú của mình trong khách sạn. Đó là điều duy nhất trên thực tế ông thú vị. Mãi sau này Phlôrêntinô Arixa mới hiểu được rằng ảnh hưởng to lớn của Lôtariô Tugut ở khu vực chơi bời này là nhờ chỗ ông ta trở thành chủ nhân khách sạn và ông trùm của việc kinh doanh những con chim mái ở cảng[27]. Bằng đồng lương tiết kiệm được trong rất nhiều năm, ông ta cứ từng bước từng bước mua nó, nhng người thay mặt ông đứng ra mua nó là một gã gầy gò, mắt lác, tóc húi cua, có trái tim dịu hiền đến độ người ta không hiểu nổi vì sao y có thể là một người đại lí hoàn hảo đến như vậy như thế ấy, chí ít Phlôrêntinô Arixa cũng cảm thấy như vậy khi người đại lý bảo cậu, dẫu cậu không yêu cầu, rằng hãy chọn lấy một căn phòng thường xuyên ở khách sạn không chỉ để giải quyết vấn đề thuộc về phía dưới rốn khi cần thiết mà còn để có một địa điểm yên tĩnh hơn để đọc sách và viết thư tình. Vậy là trong lúc cậu đợi những ngày tháng dài qua đi để thực hiện việc công khai hóa lời hẹn ước giữa hai người, thời gian cậu có mặt ở khách sạn nhiều hơn thời gian cậu có mặt ở văn phòng và ở nhà mình. Có những thời kì bà Tranxitô Aria chỉ nhìn thấy mặt con trai khi cậu về nhà thay quần áo mà thôi.

Việc đọc sách không biết mệt của cậu trở thành một thói xấu. Kể từ khi dạy cậu học đọc, bà Tranxitô Arixa đã mua cho cậu những cuốn sách có minh họa của các nhà văn Bắc Âu, những cuốn sách được bán như là chuyện cho trẻ em nhưng trên thực tế đó là những cuốn sách có nội dung rùng rợn và tội lỗi mà ở bất kỳ lứa tuổi nào người ta cũng đọc được. Ngay khi lên năm tuổi, Phlôrêntinô Arixa đã thuộc lòng chúng ở trên lớp học cũng như những ngày nghỉ ở nhà. Nhưng dù đã làm quen với những câu chuyện rùng rợn này thì cậu vẫn sợ hãi như thường, càng ngày càng sợ hãi hơn. Từ những nỗi sợ hãi ấy cậu đi đến với thơ ca thật dễ dàng. Ở tuổi phát dục cậu đã ngốn hết tất cả những quyển sách trong tủ sách Bình dân mà bà Tranxitô Arixa mua ở các cửa hiệu bán rẻ trên phố Lôt Escribanô[28]. Tại các hiệu sách này người ta bán đủ loại từ tác phẩm của Hôme đến những tác phẩm của các nhà thơ địa phương ít thành tựu văn chương hơn. Nhưng cậu đọc sách mà không hề phân biệt: vớ được cuốn sách nào cậu đọc ngay tức khắc, như thể đó là mệnh lệnh của tai ương và tuy có rất nhiều năm đọc sách cậu vẫn không hề phân biệt được ý niệm sáng rõ là giữa văn xuôi và thơ, cậu thích thơ hơn và trong thơ cậu chỉ thích thơ tình, đến độ vì yêu thích nó cậu đã thuộc lòng ngay từ lần đọc thứ hai chẳng vất vả gì và khi càng đọc chúng một cách có vần điệu và suy nghĩ bao nhiêu hoặc khi càng đau khổ trong tâm hồn bao nhiêu thì cậu càng thuộc nhanh bấy nhiêu.

Số bài thơ tình cậu thuộc lòng đã thành ngọn nguồn cho những lá thư đầu tiên cậu viết gửi Phecmina Đaxa. Trong các bức thư này xuất hiện cả một đoạn thơ hoàn chỉnh của các nhà thơ lãng mạn Tây Ban Nha mà cậu không hề sào sáo lại một mảy may. Số bài thơ cậu học thuộc lòng này vẫn cứ tiếp tục là ngọn nguồn cho những bức thư sau này, ngay cả khi cuộc sống thực tế buộc cậu thực sự phải quan tâm đến những vấn đề vật chất sát sườn hơn là nỗi đau của con tim. Ở thời kì này, cậu đã tiến thêm một bước tới những truyện đẫm lệ được đăng nhiều báo và một số tác phẩm văn xuôi phạm thánh nhất trong thời đại cậu. Cùng với mẹ, cậu học cách khóc lóc sụt sùi khi đọc các tác phẩm của các nhà thơ địa phương được in thành từng tập mỏng với giá bán hai xu. Nhưng đồng thời cậu cũng có khả năng ngâm thuộc lòng cả đoạn thơ chọn lọc tốt nhất của nền thi ca Tây Ban Nha Thế kỷ Hoàng Kim[29]. Tóm lại cậu đọc tất cả những gì rơi vào tay mình và đọc theo thứ tự sách nào đến trước đọc trước, đến sau đc sau, kể cả việc đọc từ trang đầu đến trang cuối hai mươi tập sách nhan đề Kho báu của tuổi trẻ, một thư mục sách trọn vẹn của các nhà văn thơ cổ điển xứ Gacniê Hnô, được dịch sang tiếng Tây Ban Nha và các tác phẩm dễ đọc được nhà văn Vixente Blaxcô Ibanhet[30] xuất bản trong tủ sách Prômêtê. Đó là thời kỳ sau những năm tháng gian truân của mối tình đầu mà Phlôrêntinô Arixa không còn là trẻ con nữa.

Trong mọi trường hợp, tuổi trẻ của cậu ở khách sạn không chỉ thu hẹp trong việc đọc sách và viết những lá thư cháy bỏng tình yêu mà còn dẫn cậu đến những bí mật của thứ tình yêu không tình yêu. Cuộc sống của khách sạn chỉ bắt đầu sau buổi trưa khi các cô gái, những con chim mái thức dậy với thân thể lõa lồ như chính các bà mẹ sinh ra họ. Đó cũng là khi Phlôrêntinô Arixa từ nơi làm việc về khách sạn và cậu bắt gặp cả ngôi nhà chật ních những thiên thần không vận quần áo đang bô bô bình luận về những chuyện bí mật của thành phố mà họ biết được từ miệng các khách hàng làng chơi tới đây nói ra. Rất nhiều cô gái trưng bày ngay trên làn da của mình những dấu tích thời đã qua: những vết sẹo dao rạch nơi bụng, những vết sẹo hình ngôi sao, những vết rạch vì ghen tuông v.v… và v.v… Có một số cô tới đây còn mang theo cả những đứa trẻ nhỏ tuổi, đó là những trái cây bất hạnh của tuổi trẻ nhẹ dạ cả tin và ngay lập tức họ lại lột truồng những đứa trẻ này ra để chúng khỏi cảm thấy xa lạ trong cái thiên đường của những thiên thần khỏa thân. Mỗi cô lo nấu lấy món ăn của mình và không một ai được ăn ngon như Phlôrêntinô Arixa vì cậu cứ việc chọn miếng ngon nhất của mọi người khi các cô gái mời cậu ăn. Đó là cả một ngày hội vui vẻ cho đến tận chiều khi các cô vừa đi vừa ca hát, lũ lượt kéo nhau vào nhà tắm, ý ới gọi nhau để mượn xà phòng, bàn chải, kéo, các cô cắt tóc cho nhau, mặc quần áo cho nhau, tô son phấn và cùng nhau ra đường để chọn con mồi đầu tiên trong một đêm của mỗi người. Kể từ khi đó trở đi, khách sạn sống với một không khí khác hẳn, nó mất đi nhân cách lòng thương và nếu ai cùng chia sẻ với các cô mà không chịu trả tiền thì thật bất tiện quá.

Kể từ ngày quen biết Phecmina Đaxa đến nay, Phlôrêntinô Arixa không thấy có một địa điểm nào tốt hơn địa điểm này vì đó là nơi duy nhất cậu không cảm thấy mình cô đơn. Hơn thế nữa, cậu còn cảm thấy nó là nơi duy nhất Phecmina Đaxa ở bên cạnh mình. Có lẽ đó cũng là những lí do mà một bà lớn tuổi, đỏm dáng, có mái tóc bạc màu cước, đã đến sống ở đây. Tuy sống trong cùng một khách sạn nhưng bà không tham gia cuộc sống tự nhiên của các cô gái khỏa thân, và bà là người được các cô gái tôn thờ. Người yêu đầu tiên của bà dẫn bà đến đây khi bà còn trẻ và sau một thời gian hưởng thụ sắc đẹp lộng lẫy của bà, y đã bỏ đi, phó mặc bà cho vận may rủi. Tuy nhiên bà vẫn lấy chồng hẳn hoi dù có một thời quá khứ dơ dáy. Về già, bà ở một mình. Hai người con trai và ba người con gái tranh nhau đưa bà đi nuôi nhưng bà không thấy nơi nào đáng để sống những ngày cuối cùng của đời mình bằng cái khách sạn vui vẻ này. Căn phòng bà thuê vĩnh viễn là tổ ấm duy nhất của bà và ngay lập tức về điểm này bà giống hệt với Phlôrêntinô Arixa, người mà bà bảo rằng sẽ trở thành một nhà thông thái nổi tiếng khắp thiên hạ bởi cậu có đủ khả năng làm phong phú tâm hồn của mình bằng việc đọc sách ngay ở cái thiên đường đầy sắc dục này… Về phần mình, Phlôrêntinô Arixa ngày càng kính nể bà đến mức cậu đi chợ mua sắm các thứ cần thiết hộ bà và có một vài buổi chiều cậu ngồi nói chuyện với bà. Cậu nghĩ rằng bà là một người phụ nữ am hiểu tình yêu vì bà từng rọi ánh sáng cho cậu nhiều vấn đề của bản thân, mặc dù cậu không hề thổ lộ chuyện kín của lòng mình với bà.

Nếu trước khi biết đến tình yêu của Phecmina Đaxa cậu đã không phạm tội ngủ với đàn bà dù cho có những lúc rất thuận lợi và dễ dàng, thì nay một khi tình yêu với Phecmina Đaxa đã trở thành một lời hứa hẹn chính thức thì cậu càng tránh phạm tội ấy. Vì thế, Phlôrêntinô Arixa cùng chung sống với các cô gái, cùng chia ngọt sẻ bùi, cùng chịu đựng cảnh cùng quẫn với họ nhưng cả cậu lẫn các cô gái không một ai nghĩ đến chuyện đi xa hơn. Một sự kiện bất ngờ đã chứng tỏ đầy đủ tính chất nghiêm túc trong quyết tâm của cậu. Chiều nào cũng vậy, cứ vào sáu giờ, khi các cô gái diện bộ để tiếp khách đêm, người đàn bà quét dọn nhà cửa bước vào phòng cậu. Đó là một người đàn bà trẻ nhưng già trước tuổi, nước da xanh xao, tựa như một người đàn bà vận quần áo tự sám hối trong niềm vinh quang của các cô gái khỏa thân. Hàng ngày cậu nhìn thấy bà ta nhưng không cảm thấy bà ta: bà ta qua lại các phòng tay cầm cái chổi, tay xách thùng rác với một cái giỏ đặc biệt để thu nhặt những túi tránh thai đã dùng rơi vãi dưới sàn nhà. Bà ta bước vào phòng riêng của Phlôrêntinô Arixa trong lúc cậu đang đọc sách như xưa nay cậu vẫn đọc, cẩn thận quét dọn phòng cố không gây ra tiếng động làm cậu không tập trung tư tưởng. Bỗng bà ta đi qua giường và cảm thấy một bàn tay ấm nóng dịu dàng đang để ở ngay háng mình, cậu cảm thấy nó đang mò tìm cái của ấy, cậu cảm thấy cái bàn tay ấy đang mở cúc quần mình trong lúc hơi thở của bà ta hổn hển như choán ngập cả căn phòng. Cậu giả vờ đọc sách cho đến khi cậu không thể chịu đựng hơn nữa và buộc cậu phải né tránh sang một bên.

Bà ta giật mình, bởi điều răn dạy cốt tử mà người ta báo cho bà trước khi được nhận vào làm việc ở đây là không được ngủ với khách hàng. Họ không cần phải giảng giải cho bà điều ấy vì bà thuộc loại đàn bà nghĩ rằng người làm nghề mãi dâm ăn nằm với đàn ông không vì tiền mà chỉ vì họ là người lạ mặt mà thôi. Bà ta có hai đứa con, mỗi đứa có một ông bố riêng và điều này không phải vì những cú mạo hiểm trong yêu đương mà vì bà không biết làm tình nên người đàn ông nào hễ ngủ với bà lần thứ hai thì không muốn ngủ với bà nữa. Cho đến lúc này bà vẫn là một người phụ nữ rất bình tĩnh, đang chờ đợi mà không hề thất vọng sẽ có một người đàn ông nào đó đến với mình, nhưng cuộc đời trong khách sạn này thực sự mãnh liệt hơn cả đạo đức của chính bà. Bà bắt đầu làm việc từ sáu giờ tối, thức trắng đêm để thu dọn các phòng, thu nhặt những túi tránh thai và thay ga giường. Thật khó tưởng tượng nổi số lượng nhiều vô kể những thứ bọn đàn ông để lại sau khi ân ái xong. Bọn họ để lại những thứ nôn mửa và nước mắt, những thứ này đối với bà đều dễ hiểu, nhưng họ còn để lại những thứ mà bà không tài nào hiểu nổi: những vũng máu, những bãi phân, con mắt giả, đồng hồ mạ vàng, hàm răng giả, những hộp quý, những bức thư tình, những thư chia buồn, cả những thư thương lượng việc buôn bán, nghĩa là đủ loại thư từ. Có một số khách hàng trở lại nhận đồ bỏ quên. Nhưng phần lớn các thứ bỏ quên này sẽ ở lại đây mãi mãi và Lôtariô Tugut cho tất cả vào tủ rồi khóa kỹ lại mà nghĩ rằng sớm hay muộn cái dinh thự này cũng sẽ sa vào tình trạng bất hạnh với hàng nghìn đồ tư trang bị bỏ quên, nó sẽ là một bảo tàng của tình yêu.

Công việc của bà ta thật là nặng nhọc mà đồng lương chẳng đáng là bao nhưng bà ta làm rất chu đáo. Điều khiến cho bà ta không thể chịu đựng nổi là tiếng khóc nức nở, những tiếng than vãn não nề, những tiếng kêu cọt kẹt của thang giường mà chúng sẽ đọng lại trong máu bà với biết bao khát khao và đau khổ đến mức sáng ra bà không kìm được thèm khát được ngủ với gã ăn mày đầu tiên gặp trên đường đi, hoặc với gã say rượu đang lang thang ngoài đường mà chỉ cần gã làm ơn ngủ với bà, mà không cần hỏi han hoặc tán tỉnh. Sự hiện diện của một người đàn ông chưa vợ như Phlôrêntinô Arixa, đã trẻ măng lại sạch sẽ, đối với bà, quả là một tặng vật của Thượng Đế, bởi ngay từ phút đầu tiên bà đã nhận ra rằng cậu cũng như bà ta: một kẻ ăn mày của tình yêu. Nhưng cậu lại tỏ ra thờ ơ trước những khát khao tình yêu của bà. Cậu quyết giữ phẩm chất trai của mình cho Phecmina Đaxa và không một sức mạnh nào, không một lí lẽ nào trong thế gian này có thể làm thay đổi phẩm chất của cậu.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button