Review

Phụ Nữ Tuổi 20 Thay Đổi Để Thành Công

Thể loại Kỹ năng sống
Tác giả Trương Oánh
NXB NXB Đại Học Sư Phạm
Công ty phát hành Minh Long
Số trang 227
Ngày tái bản 03-2015
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Tuổi 20 là thời kì hoàng kim của đời người. Giai đoạn này, chúng ta không chỉ bắt gặp nhiều điều mới mẻ mà còn phải đối diện với những lựa chọn mang tính bước ngoặt được đặt ra trong sự nghiệp, tình yêu, cuộc sống… mỗi lựa chọn tạo ra một bước ngoặt, mỗi bước ngoặt dẫn chúng ta đến một kết cục khác nhau.

Phán đoán của chúng ta sẽ quyết định lựa chọn có đúng hướng không, sách lược của chúng ta ảnh hưởng đến việc có thực hiện được ước mơ hay không. Cho dù tuổi trẻ có thể phạm lỗi, có thể làm lại, nhưng chẳng lẽ không có lúc chúng ta cảm thấy hối tiếc vì những lựa chọn sai lầm? Tiến về phía trước là con đường tất yếu để trưởng thành. Dựa vào bản thân để tạo dựng hạnh phúc cho mình là vững chắc nhất. Nếu chúng ta biết tích cực học hỏi những bài học cuộc sống từ người đi trước thì không khó để tự tin hơn, khôn ngoan hơn giữa cuộc đời này.

Phụ nữ thế kỉ mới địa vị xã hội đã có nhiều đổi khác, cánh cửa thành công cũng mở ra nhiều hơn! Sở hữu khả năng vận dụng uyển chuyển nghệ thuật sống học hỏi được chính là sở hữu chiếc chìa khóa vạn năng mở cánh cửa thành công cho mình!

[taq_review]

Trích đoạn sách

THU NHẬP LÀ TIỀN ĐỀ CỦA LAO ĐỘNG

Tổng giám đốc đi kiểm tra đột xuất các phòng ban, phát hiện một nhân viên đang ngồi chơi. Ông tức giận quát to: “Một tháng công ty trả cậu bao nhiêu tiền?”.

Người kia: “Ba triệu ạ”.

Tổng giám đốc: “Đây là ba triệu, bắt đầu từ bây giờ cậu có thể nghỉ được rồi!”.

Tổng giám đốc: “Thư ký! Người này làm ở công ty bao lâu rồi?”.

Thư ký: “Thưa tổng giám đốc, người này không phải là nhân viên của công ty chúng ta”.

Trong ví dụ trên anh chàng kia tự nhiên “không làm mà hưởng”, nhưng chúng ta đều biết, trong thực tế, việc “tốt đẹp” này rất khó gặp.

Tục ngữ có câu “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần đến cho”, trước khi chúng ta hi vọng được hưởng lợi thì cần phải bỏ công sức lao động.

Kiều Minh cảm thấy mình không được công ty coi trọng và lãnh đạo không nhận ra tài năng của cô, tiền lương hàng tháng cũng rất ít ỏi nên cô quyết định chuyển sang công ty khác. Trước khi đi, một người bạn khuyên cô, nếu đi bây giờ thì thà sử dụng kĩ năng nghề nghiệp vốn có của mình, sử dụng điều kiện của công ty để học tập và tích lũy thêm nguồn khách hàng cho bản thân, như vậy lúc đó có thể nhẹ nhàng vui vẻ từ chức. Kiều Minh cảm thấy có lí, do đó, cô không còn thái độ tiêu cực nữa, thay vào đó, cô bắt đầu nghiêm túc học tập kinh nghiệm, đồng thời còn tích cực đi thăm khách hàng, thậm chí còn ở lại công ty làm thêm để nghiên cứu chi tiết về khách hàng. Qua vài tháng, người bạn hỏi cô lúc nào định đi, Kiều Minh cười nói: “Sếp tìm gặp tớ, ông ấy quyết định thăng chức cho tớ lên làm trợ lí giám đốc, tớ vừa được tăng lương lại được thăng chức, nên bây giờ tớ không muốn đi đâu cả!”.

Kiều Minh lúc đầu không ý thức được thái độ và hành vi làm việc của mình chưa tốt. Cô đợi chờ một cách bị động, muốn lãnh đạo nhìn nhận mình, cất nhắc mình, mà không nghĩ đến việc nâng cao khả năng cạnh tranh của bản thân và đạt được yêu cầu của lãnh đạo. Khi nhân viên không cố gắng làm việc, lãnh đạo đương nhiên không thể có đãi ngộ tốt với nhân viên. Nhưng khi Kiều Minh thay đổi cách suy nghĩ và làm việc, cố gắng nắm bắt kĩ năng công việc, tích cực chủ động làm việc, cô đã làm tăng khả năng cạnh tranh của bản thân, trở thành người cống hiến nhiều cho công ty. Cho dù lúc đầu cô có ý định chỉ ở lại công ty học hỏi thêm kinh nghiệm, sau đó chuyển việc khác, nhưng lãnh đạo đánh giá đúng thái độ làm việc tích cực và kĩ năng làm việc thành thạo cô, cô lại quyết tâm làm việc lâu dài cho công ty.

Sử dụng lí luận của bài toán “Chuyện về chú lợn thông minh” trong Lí thuyết trò chơi để đánh giá mối quan hệ giữa nhân viên và công ty thì có thể thấy, thực ra nhân viên và công ty có một quá trình giống như “Trò chơi của chú lợn thông minh”. Trong quá trình này, công ty chính là “lợn nhỏ” có ưu thế lựa chọn; còn nhân viên chính là “lợn to”, cần phải chạy liên tục. Đúng như Benjamin Franklin nói: “Bạn theo đuổi công việc, không phải công việc theo đuổi bạn”.

Tại sao nói nhân viên là “lợn to”, còn công ty là “lợn nhỏ”?

Trong trò chơi giữa nhân viên và công ty, điều không thể phủ nhận là nhân viên luôn ở vị thế yếu. Chúng ta có hai lựa chọn: Làm việc chăm chỉ và làm việc qua loa. Nếu làm việc chăm chỉ, công ty và bản thân đều hưởng lợi; Nếu làm việc qua loa, tiêu cực, dần dần, cho dù bạn không chủ động từ chức thì công ty cũng thấy không hài lòng với bạn và đuổi việc bạn, cuối cùng, bạn khó có thể đạt được lợi ích mà mình mong muốn. Do vậy, chỉ có lao động mới có thu nhập, không lao động thì không những không được hưởng lợi, mà còn bị tổn thất.

Công ty cũng có hai lựa chọn: Một là chủ động khích lệ nhân viên, như vậy mặc dù khá mạo hiểm, nhưng có thể thu được lợi ích to lớn. Do vậy, nhiều công ty không ưu tiên sử dụng cách thức này, trừ phi có thể dự đoán trước lợi ích thu được. Một cách làm khác của công ty là lựa chọn sự chờ đợi, đợi nhân viên hành động. Nếu một nhân viên không chủ động tích cực làm việc, công ty cũng có thể duy trì sự vận hành cơ bản, lợi ích cũng không bị tổn hại, cho dù nhân viên từ chức, cũng sẽ có người khác lập tức thay thế vị trí đó, không ảnh hưởng lớn đến lợi ích của công ty. Do đó, công ty coi lựa chọn chờ đợi là sách lược đầu tiên, giống như “lợn nhỏ” trong trò chơi. Do đó, một nhân viên thông minh nên cố gắng phấn đấu làm việc. Khi bạn làm việc càng nhiều, lợi ích đạt được cũng càng nhiều.

Trong câu chuyện trên, nếu Kiều Minh luôn có tâm lí tiêu cực, chán nản, không muốn làm việc thì cho dù cô có chuyển việc bao nhiêu lần, cũng sẽ gặp tình trạng tương tự. Cô có tài năng, năng lực, nhưng nếu không làm việc, cống hiến thì không thể mang lại lợi ích cho bản thân. Không phải là công ty không thể thiếu bạn, mà là bạn thiếu công ty thì sẽ không thể tồn tại. Do vậy, là nhân viên, nếu muốn đạt được lợi ích mà mình mong muốn, bạn cần cố gắng làm việc nghiêm túc, cẩn thận, tích cực cầu tiến, để cả hai bên đều có lợi, như vậy mới có thể mang lại điều tốt đẹp cho cả bản thân và công ty.

Phụ nữ thông minh cần biết sống thực tế, chỉ dựa vào lí tưởng tốt đẹp thì không thể sinh tồn trong xã hội, vì chúng ta không có lựa chọn nào khác nên đành phải cố gắng làm việc, cống hiến mà thôi. Hãy cống hiến sức lực của bạn, tương lai tốt đẹp chắc chắn đang chờ đón bạn!

Bài học

1. Chủ động cống hiến, làm việc, tích lũy kinh nghiệm mới có thể nâng cao khả năng cạnh tranh, mới có thể gặt hái được lợi ích lớn.

2. Hiểu được “Trò chơi của chú lợn thông minh”, nắm rõ sự cần thiết của lao động.

THẬN TRỌNG KHI CHUYỂN VIỆC: CẨN TẮC VÔ ƯU

Một người đàn ông vội vàng lên taxi, xe vừa đến nơi, anh ta vội vàng nhảy xuống xe và đột nhiên biến mất. Người lái xe thấy thế kinh ngạc thốt lên: “Người này kì lạ thật, đến cũng nhanh mà đi cũng nhanh!”. Bỗng đâu đó vọng lên tiếng hét của người đàn ông: “Sao cống lại không có nắp đậy thế này!”.

Câu chuyện trên thật khó tin, có điều nó nhắc nhở chúng ta rằng, cần cẩn thận quan sát khi thay đổi địa hình. Để có tương lai tốt đẹp hơn, chúng ta thường lựa chọn ngành nghề và công ty tốt hơn, nhưng điều cần chú ý là, một khi “chuyển đổi” thất bại sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch nghề nghiệp và cuộc sống tương lai của chúng ta, do đó “chuyển việc” cần thực hiện thận trọng từng bước.

Sau khi đi làm, bạn phát hiện ra rằng, thực ra công việc không thú vị như bạn tưởng, lại thấy nơi khác lương cao hơn nên lập tức muốn “có mới nới cũ”. Nhưng trong thực tế, nhiều công việc nhìn bề ngoài thì “tốt đẹp”, nhưng khi thực sự bắt tay vào làm lại không phù hợp với bản thân, thậm chí còn không bằng công việc trước, đến lúc đó chúng ta có hối hận cũng không kịp.

Dung là thạc sĩ chuyên ngành máy tính của một trường Đại học nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh. Vừa tốt nghiệp, dựa vào thành tích học tập xuất sắc và tố chất tổng hợp tốt, trong một hội chợ tuyển việc làm tổ chức tại trường, cô đã được công ty IT lớn tuyền chọn, được làm công việc cho một doanh nghiệp lớn, điều mà các bạn khác rất mong muốn và ngưỡng mộ. Mặc dù mỗi tháng nhận lương gần ba mươi triệu, nhưng cô chẳng thấy vui vẻ chút nào. Thời gian làm việc ở công ty IT không cố định, có lúc còn bận đến đêm khuya mới xong. Hơn nữa Dung thấy kĩ thuật IT thay đổi rất nhanh, càng lớn tuổi, cô sẽ càng có nguy cơ bị đào thải. Sau khi làm ở công ty đó hai năm, Dung trở thành cán bộ cốt cán của công ty, nhưng cô vẫn quyết định chuyển việc, chuyển đến một doanh nghiệp nhỏ hơn làm công việc về nguồn nhân sự. Sự việc tiếp diễn lại không tốt đẹp như tưởng tượng của Dung. Thu nhập của Dung bị giảm đi một nửa, doanh nghiệp mới cũng không đánh giá cao Dung do cô chưa có kinh nghiệm quản lí nhân sự. Dần dần cảm thấy không vui khi làm việc, Dung một lần nữa thôi việc và xin làm công việc khác. Lần này, Dung tìm việc không thuận lợi chút nào, cuối cùng, cô đành phải từ bỏ mục tiêu phát triển nghề nghiệp ban đầu của mình. Bây giờ, Dung đang làm nhân viên kinh doanh của công ty bảo hiểm. Điều khiến cô không hiểu là: “Tại sao khi mình chuyển việc, công việc lại ngày càng kém hơn, cuối cùng thậm chí chỉ làm để có việc mà thôi”.

Cảnh ngộ của Dung là hồi chuông cảnh tỉnh chúng ta, việc mà cô làm giống như “tham bát bỏ mâm”. Do đó, không phải nói chuyển việc là chúng ta chuyển ngay, mà cần biết mức độ, tránh chuyển việc bừa bãi. Vì Dung không xác định được công việc của mình, chuyển việc không có mục tiêu, nên cô đã phá vỡ tiền đồ tốt đẹp của mình.

Trong sự nghiệp, chuyển việc cũng là một môn nghệ thuật, chúng ta cần phải tìm hiểu kĩ càng.

Đầu tiên, không nên chuyển việc một cách mù quáng, không có kế hoạch. Vì nếu bạn không có mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng thì tư duy sẽ bị hỗn loạn, bạn không thể biết được công việc mới có tốt hơn hay không. Việc xác định nghề nghiệp rất quan trọng, đặc biệt là phương hướng nghề nghiệp và thu nhập… Nội dung công việc của mỗi nghề có sự khác biệt, nếu không xác định kĩ, mù quáng chuyển việc sẽ gây hỗn loạn quy hoạch nghề nghiệp tương lai.

Thứ hai, cần thận trọng chọn thời cơ. Một số người vì cảm thấy không hài lòng với chỗ mình đang làm, vội vã chuyển việc, nếu không may mắn, có thể trong thời gian dài không tìm được công việc lí tưởng, như vậy sách lược bạn đặt ra là sai lầm. Bạn cần biết rằng, thị trường việc làm cũng có xu thế giống như thị trường cổ phiếu có tăng có giảm, có cao trào và tuột dốc. Khi ngành nghề của chúng ta không được ưa chuộng, không nên vội vàng từ bỏ, hãy tiếp tục làm việc để duy trì cuộc sống, đồng thời quan tâm đến cơ hội nghề nghiệp khác và chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển.

Thứ ba, không nên có suy nghĩ, tưởng tượng đơn giản về chỗ làm mới, ngành nghề mới. Một số người có suy nghĩ đơn giản hoặc chủ quan, chỉ thông qua một vài chi tiết đã phán đoán ngành nghề đó tốt hoặc không tốt. Ví dụ họ ngưỡng mộ những nữ tiếp viên hàng không xinh đẹp nhưng lại không biết công việc của họ gian khổ và nguy hiểm như thế nào. Họ ngưỡng mộ phong độ và sự giàu có của những chính trị gia, người đẹp trên ti vi hay những vị luật sư uy nghiêm, nhưng họ lại không có kĩ năng và trình độ của những người làm việc chuyên nghiệp…

Chúng ta có lí tưởng đương nhiên rất tốt, nhưng chúng ta cũng cần xem xét bản thân, hiện nay các ngành nghề đều có cạnh tranh, người không có trình độ chuyên nghiệp, kĩ năng nghề nghiệp vững vàng có nghĩa là khả năng cạnh tranh thấp. Nếu không chuẩn bị đầy đủ những yếu tố cần thiết, chúng ta có thể đi bao xa?

Thứ tư, không nên nhìn nhận mọi thứ dưới góc độ tiền bạc. Trong số lí do chuyển việc, phần nhiều đều vì tiền lương, điều này không đáng trách, nhưng nếu chỉ dựa vào tiền lương mà chuyển việc sẽ khiến bản thân rơi vào tình cảnh khó khăn. Coi trọng tiền bạc thường khiến chúng ta coi nhẹ thành tích công việc, gây bất mãn cho doanh nghiệp, từ đó mất đi khả năng cạnh tranh. Chúng ta cần có kế hoạch với nghề nghiệp của bản thân, cần có một mục tiêu toàn diện và rõ ràng, có kế hoạch lâu dài, không nên tập trung toàn bộ sự chú ý vào thu nhập. Sau khi chuyển việc, công việc có phù hợp với phương hướng phát triển nghề nghiệp tương lai của chúng ta không mới là điều quan trọng nhất.

Bạn đọc cảm nhận

Nunu

“Phụ nữ tuổi 20 – Thay đổi để thành công” là một quyển sách hay dành cho các bạn gái. Mình đã mua tặng quyển sách này cho bạn gái mình và cô ấy rất thích nó. Con gái bước qua tuổi 20 sẽ có nhiều bước ngoặt trong cuộc sống, đôi khi không tránh khỏi cảm giác chông chênh, bất an. Quyển sách này sẽ giúp bạn vững vàng hơn, khôn ngoan hơn trước những sự thay đổi, lựa chọn trong cuộc sống. Sách nói về mọi tất cả các vấn đề mà các bạn nữ hay quan tâm; từ tình yêu, sự nghiệp, quản lý tài chính, xã giao,….Các bạn nữ nên đọc để học hỏi và hoàn thiện mình hơn nữa 🙂

Phạm Thị Hoàng Yến

Phụ nữ 20, thay đổi để thành công. Mình rất ấn tượng với tên cuốn sách này nên đã quyết định mua nó. Bìa sách cũng khá đẹp, nhưng hơi mỏng. Cuốn sách nói về các kĩ năng sống, các cách nghĩ, cách chọn lựa về việc định hướng, làm thêm. Sách này rất hữu ích với mình, mình cảm thấy như vậy, vì kiến thức xã hội của mình còn hơi kém! Tuổi 20 là tuổi xảy ra nhiều chuyện, từ tình bạn, tình yêu đến công việc đều dồn vào, nên việc chọn, định hướng là rất quan trọng và hữu ích.

Nguyễn Thùy Vân

Mình muốn mua một quyển sách dạy kỹ năng cho cô em gái nhỏ ở tuổi 20. Sau khi suy nghĩ, mình quyết định chọn một tác giả người Việt để mở đầu cho quá trình thay đổi tư duy của em vì tác giả Việt Nam chắc chắn sẽ có suy nghĩ và định hướng phù hợp hơn người nước ngoài. Mình thấy em gái cũng thích đọc và hay đọc đi đọc lại, cũng có thay đổi tích cực, trưởng thành hơn. Mình nghĩ quyển sách như vậy là hữu ích rồi. Phần hình thức cũng ổn. Giá có cao hơn so với các quyển sách dịch cùng loại một tí nhưng chấp nhận được.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button