Review

Nhấn Chuông Đi, Đừng Đợi!

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả David Nicholls
NXB NXB Thời Đại
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 488
Ngày xuất bản 09-2013
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Là fan của Thách thức Đại học từ thời thơ ấu, Brian Jackson luôn có mơ ước cháy bỏng là trở thành ngôi sao trong game show truyền hình này. Vừa vào năm đầu tiên tại trường đại học, anh chàng đã cố gắng nắm bắt mọi cơ hội để được có mặt trong đội tuyển dự thi…. Và Brian còn chưa kịp nguôi sung sướng vì giấc mơ trở thành hiện thực thì đã thấy mình đang mắc kẹt giữa mớ bòng bong các mối quan hệ với gia đình, bạn bè mới, bạn bè cũ, với Alice Harbinson – cô đồng đội tóc vàng nóng bỏng và Rebecca Epstein – cô bạn lập dị nhưng hợp tính nết cực kỳ!

Cũng chẳng có gì rung trời chuyển đất, nhưng cái cách David Nicholls kể câu chuyện này đã mang lại cho nó một hơi thở không thể trộn lẫn, một sự sống động thú vị hòa cùng nỗi hoài nhớ miên man có thể làm thỏa mãn cả những thiếu niên đang trên đường tìm kiếm bản thân lẫn những người đã từng trải qua ngày tháng ấy: thời sinh viên lãng mạn và sôi động, ngay trước ngưỡng cửa chính thức trưởng thành.

Nhận định

“Vì đã gợi lên những phút giây tuổi trẻ đầy bối rối, cuốn sách này thật không gì sánh nổi.”

– Glamour

“Nhấn chuông đi, đừng đợi được viết hay đến nỗi lột tả một cách chân thực và đem đến nhiều điều để suy ngẫm… Một cách nhìn dễ chịu về thời gian khi ta đủ trẻ để nghĩ rằng mọi chuyện có thể xảy ra, trước khi đủ già để biết rằng chúng sẽ không xảy ra.”

– Word

“Một mẻ lưới chuyện hoài cổ dí dỏm về những năm 1980 hài hước vui nhộn.”

– Waterstone

“Nicholls đã phác họa toàn bộ những trải nghiệm ở ngưỡng cửa đại học… không chỉ vậy, ông còn đưa vào đó một chút sâu lắng, câu chuyện về một thiếu niên mồ côi cha cố gắng vươn lên trong cuộc sống đã khơi dậy những cảm xúc chân thành.”

– Guardian

“Nicholls tái dựng những khoảng thời gian đầy hoang mang mà sinh viên trải qua trong thời đại học – những bữa tiệc cuồng nhiệt, tình bạn chông chênh và những khoảnh khắc đan xen lãng mạn – bằng khả năng khắc họa tính cách nhân vật tuyệt vời. Đó là một hành trình vui vẻ ở cuối mảng ký ức của tất cả sinh viên, xen một vài tình tiết cảm động thương xót.”

– Hello!

[taq_review]

Trích dẫn

CÂU HỎI: Tập thơ số chín thuộc Khúc dạo đầu của Wordsworth có một lời cổ vũ: “Bình mình đến mà còn sống là hạnh phúc tột cùng…”?

TRẢ LỜI: Nhưng tươi trẻ mới thật là thiên đường.

Khi bình minh của một ngày mới đến, thật đáng buồn khi nó cũng giống bình minh của ngày cũ.

Thậm chí còn không phải là bình minh, bây giờ đã 10 giờ 26 phút sáng. Tôi nghĩ hôm đầu tiên mình sẽ thức dậy tràn trề sinh lực, khôn ngoan và hăng hái học tập, nhưng thay vào đó tôi vẫn giống thường lệ; xấu hổ, tự căm ghét mình, buồn nôn, và mơ hồ cảm thấy là lúc thức dậy thường không nên trong tình trạng thế này.

Tôi cũng hơi bực vì rõ ràng ai đó đã vào phòng khi tôi đang ngủ, nhét nỉ vào miệng tôi và sau đó đóng dấu lên đầu tôi. Tôi đau nhức khi cử động, nên đành nằm nghỉ một lát và đếm xem đã bao nhiêu đêm liên tiếp mình đi ngủ trong cơn say, và tính ra con số áng chừng khoảng 103. Và con số này đáng lẽ còn lớn hơn nếu như không phải trước đây có lần tôi bị viêm amiđan. Tôi tính đến khả năng có lẽ mình mắc chứng nghiện rượu. Thỉnh thoảng tôi có nhu cầu xác định bản thân là người này hay người khác, và nhiều lần trong đời tự hỏi mình có phải là người Goth, người đồng tính luyến ái, người Do Thái, người Công giáo hay một người bị rối loạn thần kinh, hoặc giả tôi là con nuôi, tim có một lỗ hổng, hay có khả năng dịch chuyển đồ vật bằng sức mạnh ý chí không, và thật buồn làm sao, tôi thường xuyên rút ra kết luận rằng tôi chẳng là ai trong số đó cả. Thực tế thì tôi hoàn toàn không phải bất cứ thứ gì. Tôi thậm chí còn không phải là một “trẻ mồ côi”, không phải theo đúng nghĩa đen của nó, nhưng “kẻ nghiện rượu” nghe vẫn có vẻ hợp nhất. Còn từ nào khác để chỉ một đêm nào cũng đi ngủ khi đang say xỉn? Mặc dù vậy, nghiện rượu có lẽ cũng không phải là điều xấu xa nhất trên đời này; ít nhất một nửa số người trong đống bưu thiếp dán trên bức tường đầu giường tôi đều là sâu rượu nhưng không được để rượu ảnh hưởng đến hành vi hay sự nghiệp học hành của mình.

Hoặc cũng có thể là tôi đã đọc quá nhiều tiểu thuyết chăng. Trong tiểu thuyết, những kẻ nghiện rượu luôn hấp dẫn và hài hước và duyên dáng và phức tạp, như là Sebastian Flyte hay Abe North trong Cuộc tình bỏ đi [1], và họ uống rượu chỉ vì nội tâm chìm đắm trong nỗi buồn sâu thẳm, không thể nguôi ngoai, hoặc do di chứng của Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, trong khi tôi uống rượu chỉ vì tôi khát, và vì tôi quá ngu ngốc không biết khi nào nên ngừng lại. Xét cho cùng, khả năng là tôi không thể đổ lỗi việc nghiện rượu cho cuộc chiến Falklands [2] được.

[1] Tender Is the night, tiểu thuyết của Scot Fitzgerald. Một số nguồn khác dịch là Đêm dịu dàng hoặc Dịu dàng là đêm.
[2] Cuộc chiến tranh kéo dài hai tháng mà không có tuyên chiến giữa Argentina và Vương quốc Anh vào năm 1982, kết quả là lực lượng Argentina thất bại và phải rút quân.

Và chắc chắn tôi bốc mùi kẻ nghiện rượu. Chỉ chưa đầy hai mươi bốn tiếng đồng hồ, căn phòng mới bắt đầu có mùi. Đó là cái mùi “con trai” mà mẹ đã nói – âm ẩm và chua, giống như mùi của mặt sau cái đồng hồ đeo tay. Mùi đó bốc ra từ đâu nhỉ? Có đúng là bốc ra từ mình không? Ngồi trên giường, tôi thấy cái áo sơ mi mặc tối qua nằm trên sàn nhà gần đó, vẫn còn ướt nhẹp mồ hôi. Ngay cả cái áo len cũng âm ẩm. Một ký ức bị che lấp bất chợt lóe lên trong đầu tôi… một điều gì đó về… khiêu vũ? Tôi lại nằm xuống kéo cái chăn lông vịt trùm lên đầu.

Cuối cùng, chính cái giường futon đã lôi tôi dậy. Tối qua nó dường như đã co lại, và tôi có thể cảm thấy cái sàn nhà cứng, lạnh lẽo dọc theo xương sống, đến nỗi bây giờ tôi giống như đang nằm trên một cái khăn tắm lớn ẩm ướt bị để trong túi nhựa suốt một tuần lễ vậy. Tôi ngồi trên rìa nệm, chống cằm lên gối, lục khắp túi quần tìm ví. Nó đây rồi, nhưng thật đáng lo khi trong đó chỉ còn một tờ 5 bảng và 18 xu lẻ. Số tiền này sẽ giúp tôi cầm cự trong ba ngày, cho đến thứ Hai tuần sau. Tối qua thực ra mình đã uống bao nhiêu nhỉ? Rồi, lạy Chúa, nó lại lóe lên, những ký ức bị che lấp, nổi bong bóng lên mặt nước giống như một cái rắm trong bồn tắm. Khiêu vũ. Tôi nhớ đã nhảy múa giữa một đám đông. Nhưng làm sao lại thế được, vì tôi thường nhảy giống như mắc chứng kinh phong, mà những người này lại đang cười rồi vỗ tay và reo hò.

Và rồi tôi chợt nhận ra, rành rành đến mức khủng khiếp, sự thật rằng tràng pháo tay chỉ là mỉa mai.
Tòa nhà Hội Sinh viên là một khối bê tông xấu xí phô trương chằng chịt những vệt ố do nước mưa để lại, nằm lạc lõng chẳng khác nào một cái răng sâu giữa một dãy nhà kiểu Georgia đẹp đẽ. Sáng nay dòng người tấp nập đi vào đi ra từ cánh cửa tự động, đơn lẻ hoặc theo những nhóm nhỏ sát rạt bên những người bạn thân cũ, vì đây là ngày cuối của Tuần lễ Tân Sinh viên, và không có tiết học nào cho đến thứ Hai. Thay vào đó, hôm nay là cơ hội để chúng tôi gia nhập các Hội.

Tôi gia nhập Hội Tiếng Pháp, Hội Phim ảnh, Hội Văn học, Hội Thơ ca, và là chủ bút của ba tờ tạp chí sinh viên: tờ Scribbler văn chương bay bổng, tờ Tattle thô tục, bất kính và tờ By Lines nghiêm túc, vận động chính trị, theo cánh tả. Tôi còn đăng ký vào cả Hội Phòng Tối (“Hãy gia nhập cùng chúng tôi để xem bạn rửa ra cái gì!”) mặc dù tôi chẳng có cái máy ảnh nào, và sau đó tôi còn định bụng đăng ký vào Hội Nữ sinh, nhưng khi xếp hàng ở bàn đăng ký của họ tôi bắt gặp cái nhìn trừng trừng đối đầu của một người trông giống như Gertrude Stein [3] và bắt đầu tự hỏi việc tham gia vào Hội Nữ sinh có lẽ là một nỗ lực quá gian nan chăng. Trước kia có lần tôi từng phạm sai lầm này rồi, trong chuyến dã ngoại của trường đi thăm Bảo tàng Victoria và Albert, khi thấy một bảng hiệu ghi “Phụ nữ”, tôi cứ tưởng đó là nơi trưng bày về sự thay đổi vai trò của phụ nữ trong xã hội, nhưng rốt cuộc thì hóa ra lại đứng trong nhà vệ sinh nữ. Cuối cùng tôi quyết định bỏ qua Hội Nữ sinh, vì mặc dù tôi chắc chắn luôn ủng hộ phong trào giải phóng nữ quyền nhưng tôi hoàn toàn không tự tin là mình tham gia không phải chỉ để gặp con gái.

[3] 1874-1946: nhà văn nữ người Mỹ. Bà sống hầu hết cuộc đời tại Pháp và là một trong các nhân vật tiêu biểu của trào lưu hiện đại trong văn học Mỹ giai đoạn 1914-1945.

Tôi lướt nhanh qua những chiếc áo len dài tay màu nhạt, khuôn mặt tươi trẻ của Hội Cầu lông, phòng khi có người lật tẩy tôi, sau đó vẫy tay với Josh đang bị bao quanh bởi đám bạn bè xếp hàng đăng ký vào Hội Quý tội Lực lưỡng hay cái gì đấy, đại khái là liên quan đến trượt tuyết và nhậu nhẹt và quấy rối con gái và quan điểm cánh hữu cực đoan.

Tôi cũng quyết định không tham gia Hội Kịch nghệ. Giống như Hội Nữ sinh, đây là cách khá tốt để ở bên các cô gái, nhưng tệ ở chỗ đó chỉ là trò bịp bợm để phỉnh phờ bạn diễn một vở kịch. Hội Kịch nghệ sẽ diễn vở Charle’s Aunt, vở Antigone của Sophocles và Equus trong học kỳ này, và tôi biết chắc là mình sẽ chỉ được phân những vai như một thành viên trong nhóm đồng ca Hy Lạp mặc những tấm trải giường bị xé rách rồi đồng thanh la to qua cái mặt nạ làm từ giấy bồi, hoặc là một trong những kẻ ngốc tội nghiệp trong vở Equus bỏ cả buổi chiều mặc quần áo nịt của dân múa ba lê và đội cái đầu ngựa làm bằng móc áo. Thế nên, Hội Kịch nghệ ạ, cám ơn nhưng xin kiếu. Hơn nữa, xin chia sẻ là tôi đã từng đóng vai chúa Giê-su trong vở Phúc âm hồi năm học cuối, và khi bạn từng bị đánh roi và đóng đinh trước toàn trường một lần, bạn sẽ không thực hiện cái việc khôn ngoan ấy ở bất cứ đâu nữa. Tone và Spencer cười ngất suốt vở điễn và hét to “Nữa! Nữa đi” suốt màn đánh bốn mươi roi, nhưng mọi người lại nói cảnh đó thật cảm động.

Bạn đọc cảm nhận

Nguyễn Ngọc Ánh

Cốt truyện mới mẻ về một cậu sinh viên vừa rời bỏ lớp áo học sinh, sự bỡ ngỡ khi cuộc sống sang một trang mới, sự vui mừng xen lẫn những buồn vui của tuổi học trò còn đọng lại. Một cậu sinh viên đang ở cái tuổi giao thoa giữa vị thành niên và thành niên không khỏi có những nhiệt quyết khát khao nồng cháy của tuổi trẻ bên cạnh đó là những ước mơ và con đường hành trình thật hiện ước mơ của mình. Giống như lời của tựa sách “Nhấn chuông đi, đừng đợi” một lời thúc giục mạnh mẽ kêu gọi tinh thần dám nghĩ dám làm, hãy mơ ước hãy khát khao hãy yêu thương khi tuổi trẻ vẫn còn. Cuộc đời sinh viên vừa mới mở ra những cám vỗ, những lo âu về những thay đổi phía trước, làm sinh viên có nghĩa đã phải đứng bằng đôi chân của mình phải tự giải quyết những vấn đề xung quanh mình- một cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của con người.Thêm vào đó sự đan xen giữa những mối quan hệ mới cũ khiến cho cuộc sống cũng phải rối bời. Quãng đời sinh viên là quãng đường của sự nổi loạn, bồng bột của tuổi trẻ và những lãng mạn của tình yêu, con đường tìm kiếm bản thân để tự hoàn thiện mình để sống cho đúng nghĩa đúng với những gì cuộc sống đã ban tặng cho mình.

Không đề cập đến những rắc rối mà cậu gặp phải trong câu chuyện, bỏ qua tính cách lập dị và ngoại hình không mấy ưa nhìn của cậu, điều mình tâm đắc nhất khi đọc tác phẩm này đó chính là sự nỗ lực của nhân vật chính Brian. Cậu mồ côi cha, mẹ làm nhân viên cửa hàng, gia đình thuộc tầng lớp lao động, gia đình gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy cậu vẫn vượt qua tất cả để được nhận vào một trường Đại học danh tiếng, và nỗ lực hết sức để được tham gia vào chương trình mà cậu yêu thích, thực hiện ước mơ của mình. Hơn nữa, mình cũng rất thích cách dịch tên sách của dịch giả. Tên gốc của cuốn sách: “Starter for Ten” là một câu nói quen thuộc của chương trình Thách thức Đại học, được dịch thành “Nhấn Chuông Đi, Đừng Đợi!” trở nên dễ hiểu hơn với độc giả Việt Nam và mang rất nhiều ý nghĩa.

Đây là một cuốn sách hay, vui hộn, dí dỏm nhưng cũng để lại rất nhiều bài học sâu sắc cho những bạn trẻ mới bước chân vào đời.

Đinh Nguyễn Xuân Quang

Thực sự đây là lần đầu tiên tôi đọc một cuốn sách viết về nhân vật trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Bước vào đại học, Brian phải làm quen với mọi thứ mới lạ ở trường đại học, và cậu cũng đã dần dần thay đổi cách sống của mình. Bắt đầu sinh sôi tình cảm với những người bạn nữ, mạnh mẽ và quyết đoán hơn trong tình yêu. Tuy có những chi tiết “người lớn” nhưng chúng không gây ấn tượng xấu cho người đọc mà chỉ gợi mở thêm về tình yêu mới lớn. Truyện diễn tả chân thật, khắc họa rõ nét hình ảnh các nhân vật. Tình bạn là quý giá, chúng ta cần trân trọng nó. Tôi đã hiểu ý nghĩa của tựa truyện và cái kết mở thực sự đã làm tôi suy nghĩ nhiều.

Nhưng cũng có một vài chi tiết diễn tả chưa ấn tượng, sơ sài, khiến tôi đôi lúc hơi hoang mang nhưng đó là chuyện thường gặp của các tác giả nước ngoài. Nói chung đây là tác phẩm đã dấy lên trong tôi những suy nghĩ về con đường tương lai mà minh sẽ phải bước qua, và rất cảm ơn tác giả về điều đó.

Trịnh Thanh Khương

Cuốn tiểu thuyết dày 500 trang đã làm rất tốt việc mang những người đã trải qua trở về, cũng như gợi mở trước cho những người sắp bước chân vào cảnh cửa Đại học.

Xoay quanh cái nhìn của một chàng trai 19 tuổi về thế giới đại học với những mong đợi, ham muốn về tính yêu, và tham vọng được tham gia một chương trình truyền hình mà mình đã xem từ nhỏ…. “Nhấn chuông đi, đừng đợi” của David Nicholls mang đậm phong cách dí dỏm thường thấy của các tác phẩm Âu- Mỹ, thông qua những suy nghĩ, hành động các nhân vật.

Câu chuyện cũng lột tả được những điều rất thực tế: Sau phổ thông sẽ là những ngã rẽ khác nhau, có ngươi bước vào Đại học, cũng có người bước vào đường đời… những mối quan hệ bạn bè cũ, mới đan xen, liệu tình bạn có còn như trước? Và mỗi người đang thực sự tìm kiếm điều gì?

Điều duy nhất mình chưa hài lòng ở tác phẩm này, đó là việc một số vấn đề đưa được giải quyết thỏa đáng, triệt để. Tuy nhiên, đây là điều thường gặp ở các tiểu thuyết Âu-Mỹ và tác phẩm này vẫn thực sự là một cuốn sách hay

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button