Review

Trên Đỉnh Namsan Ngắm Mặt Trời

Thể loạiSách du ký
Tác giảHoài Thanh
NXBThế Giới
Số trang200
Năm2018
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Trên Đỉnh Namsan Ngắm Mặt Trời là hành trình trải nghiệm, khám phá đất nước Hàn Quốc của một cô gái không-biết-tiếng-Hàn. Cuốn sách là trải nghiệm của cá nhân tác giả Hoài Thanh kể về cuộc sống, học tập khi ở Hàn Quốc. Ngoài ra còn có hệ thống các kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm khi tìm hiểu – làm hồ sơ – hoàn tất thủ tục – chuẩn bị hành trang đi du học. Nhận học bổng toàn phần để sang Hàn học tập bằng ngoại ngữ tiếng Anh, Hoài Thanh đã vấp phải nhiều rào cản để hòa nhập với môi trường sống, học tập của Hàn. Nhưng không vì vậy mà cô gái nhỏ nhắn nản chí bỏ cuộc, cô đã nỗ lực rất nhiều để từ một sinh viên không thể nghe hiểu được lời của giảng viên trở thành sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, đứng đầu khoa Quan hệ Quốc tế của trường Đại học Quốc gia Kongju. Những tình huống éo le, dở khóc dở cười mà Hoài Thanh từng gặp phải là “sự thật” mà bất cứ du học sinh nào cũng có thể gặp phải khi các bạn chưa được trang bị nhiều kinh nghiệm sống, kỹ năng mềm.

Trên đỉnh Namsan ngắm mặt trời sẽ cho bạn thấy du học là một cuộc chiến với chính mình, một cuộc chiến giữa lý trí và con tim. Hình ảnh chinh phục tháp Namsan cũng giống như chặng đường du học, có buồn vui, hạnh phúc, nản chí và những điều tốt đẹp sẽ đợi bạn trên đỉnh. Tháp Namsan chỉ là một trong nhiều “đỉnh tháp” bạn cần chinh phục trong cuộc đời này. Hãy can đảm bước đi để được sải rộng đôi cánh của mình!

“Tình yêu của tôi đối với Hàn Quốc cũng đẹp, lãng mạn và vĩnh hằng như những ổ khóa tình yêu trên đỉnh tháp Namsan.”

[taq_review]

Trích đoạn

Hàn Quốc là quốc gia rất chú trọng tới giáo dục và đào tạo. Với điều kiện tự nhiên ít khoáng sản, người Hàn Quốc luôn tâm niệm giáo dục ­– đào tạo chính là chìa khóa để hội nhập và phát triển. Theo cảm nhận của tôi, văn hóa giáo dục của Hàn Quốc được xây dựng trên cơ sở tình yêu thương và lòng tôn kính với ông bà cha mẹ, thầy cô. Phụ huynh Hàn Quốc luôn sẵn sàng chi một khoản tiền lớn để đầu tư vào việc học của con. Kỳ thi đại học ở Hàn Quốc là một trong những kỳ thi quan trọng và cam go nhất trong sự nghiệp học hành của mỗi người. Ngày diễn ra kỳ thi đại học, các chuyến bay đi qua khu vực thi thậm chí còn được tạm hoãn để giữ bầu không khí yên tĩnh nhất cho các sĩ tử.

Ngày đầu tiên đặt chân tới trường Đại học Quốc gia Kongju, tôi mệt nhoài sau một chặng bay dài và leo gần 100 bậc thang để về tới ký túc xá. Ôi sao trường lại rộng thế này! Điều tôi nhớ nhất lúc bấy giờ là làm sao để mình không bị lạc. Tôi tung tăng chụp ảnh cảnh quan của trường, tôi còn được gặp các em bé người Hàn mặc đồng phục xinh xắn. Tôi nhập học cùng các bạn đến từ Philippines, Malaysia, Myanmar, Mexico, Ethiopia, Ecuador, Kazakhstan và ba bạn người Việt. Sau đó, chúng tôi cùng về ký túc xá. Mỗi phòng ký túc có hai giường tầng (mỗi tầng là một giường đơn), bàn học, tủ quần áo… Tôi hồi hộp vô cùng vì đây là lần đầu tiên tôi sống xa nhà lại còn sống chung với các bạn ngoại quốc. Lần đầu tiên… Tôi đang mải vẩn vơ suy nghĩ thì Pia, cô bạn người Philippines hỏi tôi:

– So what’s your name? (Tên của bạn là gì?)

– Ah… Ah… Yes… – Tôi ấp úng.

Tôi nói tiếng Anh tuy không siêu nhưng thường cũng dư để biết giao tiếp cơ bản vậy mà bỗng dưng vốn tiếng Anh của tôi biến đâu mất. Thật ngại và xấu hổ! Sau này, khi tôi và Pia thân nhau rồi, Pia vẫn nhắc lại câu chuyện tên tôi là “Yes”.

Tôi nhớ như in lần thi học kỳ đại học đầu tiên ở Hàn Quốc. Tôi cố gắng lắm cũng chỉ thức đến 1 giờ sáng để ôn thi nhưng các bạn Hàn Quốc thì không. Tôi không thể tin được vào mắt mình khi thấy các bạn nam mặc quần hoa, dép lê loẹt quẹt đi trong thư viện, miệng ngậm bàn chải đánh răng, một tay cầm sách một tay cầm bút. Tôi hỏi một người bạn Hàn thì được biết là cứ đến thời điểm thi học kỳ, các bạn sinh viên thường mang đồ dùng cá nhân, đồ ăn, sách vở lên thư viện học thâu đêm rồi sáng đi thi luôn một thể.

Ở trường tôi học, đối với các lớp có nhiều sinh viên nước ngoài, nhà trường dùng hệ thống điểm tuyệt đối. Nếu 100% số sinh viên ở lớp học chăm chỉ, làm bài tốt thì cả lớp được A+ cũng không vấn đề gì hoặc cả lớp bị trượt môn cũng không ảnh hưởng đến ai, tùy năng lực của sinh viên. Tuy nhiên, trong một số lớp tôi theo học, họ chấm theo kiểu điểm tương đối. Ví dụ: Trong một lớp sẽ có 40% sinh viên được xếp loại A, 40% được xếp loại B còn lại là C và D chứ không phải cứ làm tốt thì sẽ được A. Do đó nếu bạn không thật sự xuất sắc, bạn sẽ không lọt được vào 40% đầu tiên nghĩa là dù bạn có điểm cao, thuyết trình tốt, đi học đầy đủ thì bạn vẫn bị xếp loại B. Hệ thống điểm này làm tôi cảm thấy muốn phát… điên vì nếu tôi chăm mà không giỏi tiếng bằng các bạn đến từ những nước nói tiếng Anh như Malaysia, Philippines thì cũng rất khó để tôi vượt qua họ. May là đến cuối kỳ điểm của tôi cũng không tệ lắm.

Tôi nhớ trong 2 năm học đầu tiên, tuần nào tôi cũng có bài kiểm tra đầu giờ. Điểm của cả lớp sẽ được dán chình ình ở cửa ra vào, sinh viên đi qua đi lại tha hồ so sánh. Mà điểm trắc nghiệm thì đúng – sai hơn nhau 1-2 câu cũng có thể khiến bạn đứng ở vị trí số một hoặc số năm của lớp. Sự cạnh tranh gay gắt, khốc liệt trong điểm số đem đến hai mặt lợi – hại rõ rệt. Các bạn sinh viên đều nỗ lực hơn, chăm chỉ hơn nhưng cũng phải chịu nhiều áp lực, một số bạn còn từ chối giúp đỡ các bạn trong lớp vì sợ sẽ có người điểm cao hơn mình.

Một điểm thú vị khi tôi học ở Hàn đó là cứ đến kỳ thi thì ở thư viện và ký túc xá sẽ phát bánh và sữa để sinh viên tẩm bổ với khẩu hiệu “Nhà trường luôn đồng hành cùng các em, học tốt nhé!”, sinh viên sẽ xếp thành hàng dài cả cây số để được nhận đồ.

Mô hình giáo dục Hàn Quốc có cấu trúc 6-3-3-4 trong đó: tiểu học 6 năm (bắt buộc), trung học cơ sở 3 năm (bắt buộc), trung học phổ thông 3 năm và đại học 4 năm. Một năm học gồm hai học kỳ: học kỳ một từ tháng 3 đến tháng 8, học kỳ hai từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau. Đối với các trường đại học, kỳ nghỉ hè bắt đầu từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 8, kỳ nghỉ đông bắt đầu từ cuối tháng 12 đến cuối tháng 2. Nếu học sinh muốn vào đại học thì phải tham gia kỳ thi tuyển sinh. Học sinh sẽ được nhận vào trường đại học thông qua điểm cấp ba, điểm thi và tùy từng trường, từng khoa, học sinh phải thi viết hoặc phỏng vấn để được chọn vào học.

Năm 2016, số lượng sinh viên quốc tế đang theo học tại Hàn Quốc lên đến 104.000 người, trong đó có 63.000 du học sinh theo học các chương trình đại học và sau đại học chính quy.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button