Review

Lên Gác Rút Thang

Nội dung

Hiện nay, các nước đang phát triển phải chịu sức ép lớn từ các nước đã phát triển cũng như từ việc thiết lập chính sách phát triển quốc tế do chính các nước đã phát triển kiểm soát trong việc áp dụng những “chính sách tốt” và “thiết chế tốt” nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của những quốc gia này. Theo chương trình nghị sự này, “những chính sách tốt” là những chính sách được người ta soạn cho nhiều quốc gia dưới tên gọi: đồng thuận Washington, bao gồm chính sách kinh tế vĩ mô giới hạn, tự do hoá thương mại và đầu tư quốc tế, tư nhân hoá và giảm bớt sự can thiệp của nhà nước. “Những thiết chế tốt” về cơ bản chính là những thiết chế của các quốc gia phát triển, đặc biệt là các quốc gia Anglo-America, trong đó có: chế độ dân chủ, bộ máy hành chính tốt, bộ máy tư pháp độc lập, quyền sở hữu tư nhân (bao gồm cả quyền sở hữu trí tuệ) được bảo vệ một cách chắc chắn; và các thiết chế tài chính cũng như quản trị công (trong đó có ngân hàng trung ương độc lập về mặt chính trị) phải minh bạch và hướng theo thị trường.

Như chúng ta sẽ thấy trong các chương sau của tác phẩm này, đã có những thảo luận sôi nổi về việc các chính sách và thiết chế được đề nghị có thích hợp với các nước đang phát triển hiện nay hay không. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là, nhiều người phê bình, tức là những người nghi ngờ về khả năng ứng dụng của các khuyến nghị này vẫn tin rằng các chính sách và thiết chế “tốt” đó đã được các quốc gia đã phát triển áp dụng khi những nước này còn đang phát triển.

Ví dụ, hầu hết mọi người đều thừa nhận rằng Anh quốc đã trở thành cường quốc công nghiệp đầu tiên trên thế giới vì đã thực hiện chính sách tự do kinh doanh (laissez-faire policy), trong khi nước Pháp lẽo đẽo theo sau vì áp dụng các chính sách can thiệp. Tương tự như vậy, nhiều người tin rằng việc Hoa Kỳ từ bỏ chính sách thương mại tự do và ủng hộ luật thuế xuất nhập khẩu Smooth-Hawley ngay vào giai đoạn ban đầu của cuộc Đại khủng hoảng (1930) là “hành động chống thương mại hết sức dại dột có thể thấy được và gây ấn tượng sâu sắc nhất”- đấy là lời của ông Bhagwati, một nhà kinh tế học ủng hộ thương mại tự do nổi tiếng. Một ví dụ khác về niềm tin cho rằng các quốc gia đã phát triển đạt được tình trạng kinh tế của mình bằng các chính sách và thiết chế tốt là lời tuyên bố được người ta nhắc đi nhắc lại rằng không có quyền sở hữu bằng sáng chế hay các quyền sở hữu trí tuệ cá nhân khác thì những quốc gia này sẽ không thể tạo ra được những ngành công nghệ làm cho họ trở thành thịnh vượng. Trung tâm luật quốc gia về thương mại tự do Trung Mỹ nằm ở Hoa Kì đã từng tuyên bố rằng “Tài liệu lịch sử ở các nước đã công nghiệp hoá, tức là những nước đã bắt đầu như là nước đang phát triển, chứng minh rằng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là một trong những công cụ mạnh nhất để phát triển kinh tế, tăng trưởng xuất khẩu và phổ biến công nghệ mới cũng như văn hoá nghệ thuật”.

Nhưng, có đúng là những chính sách và thiết chế được khuyến nghị cho các quốc gia đang phát triển là những những chính sách mà các quốc gia đã phát triển từng sử dụng khi còn là những nước đang phát triển hay không? Chỉ nhìn bên ngoài, dường như đã có một vài bằng chứng lịch sử nói rằng không phải như thế. Một vài độc giả có thể biết rằng nước Pháp trong thế kỷ XIX – trái ngược với bản chất của nó trong thế kỷ XVIII hay thế kỷ XX – là nước rất bảo thủ và là quốc gia chủ trương không can thiệp vào thị trường. Chúng ta cũng có thể đã biết rằng thuế xuất nhập khẩu ở Hoa Kì là cao, ít nhất là sau cuộc Nội chiến. Chắc hẳn, một số người đã từng nghe nói rằng mãi đến năm 1913 Ngân hàng Trung ương Mỹ, tức là Hội đồng dự trữ liên bang (FEB) – mới được thành lập. Thậm chí một vài người trong chúng ta có thể biết rằng Thụy Sĩ đã trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về công nghệ trên thế giới vào thế kỷ XIX dù không có luật về bằng sáng chế.

Sau khi có những bằng chứng chống lại quan điểm chính thống về lịch sử của chủ nghĩa tư bản như thế, cần phải hỏi rằng phải chăng vì một lý do nào đấy, các nước đã phát triển đang tìm cách che dấu “bí mật dẫn đến thành công của họ”. Tác phẩm này tâp hợp các yếu tố khác nhau từ những tài liệu lịch sử trái ngược với quan điểm chính thống về lịch sử của chủ nghĩa tư bản và cung cấp một bức tranh đầy đủ và dễ hiểu về những chính sách và thiết chế mà các quốc gia đã phát triển từng sử dụng khi họ còn là những nước đang phát triển. Nói cách khác, tác phẩm này bàn về : “Đâu là nguồn gốc thật sự của sự giàu có của các quốc gia?”

Thể loạiSách kinh tế
Tác giảHa-Joon Chang
NXBLao Động
Số trang276
Năm2016

Review

Anne N

Trước hết, sách có bìa đẹp, thiết kế mang đến nhiều ý nghĩa, cũng như gợi ý cho người đọc về nội dung cuốn sách.

Đọc cuốn sách này có lẽ tốt hơn bạn nên trang bị cho mình 1 chút kiến thức chính trị, kinh tế nhất là vĩ mô vì sách đề cập rất nhiều về nền kinh tế giữa các quốc gia.

Cuốn sách cũng lý giải nguyên do vì sao các quốc gia đang phát triển (Việt Nam chúng ta là một trong số các quốc gia đó) lại phải đối mặt bởi rất nhiều sức ép của các cường quốc tư bản.

Mộng Mơ

Bìa sách khá thu hút gây cho mình rất nhiều suy nghĩ khác nhau. Ban đầu mình còn nghĩ đây sẽ là cuốn sách mang đậm màu sắc châm biếm này kia. Nhưng không phải, cuốn sách mang đến những hiểu biết đầy khoa học với minh chứng của các chuyên gia trên thế giới. Cuốn sách hơi khó hiểu do ngôn ngữ chuyhên môn. Nhưng chịu khó suy ngâô sẽ thấy được ý nghĩa sâu sắc về sự phát triển hôm nay giữa các nước trên thế giới.

Janika Hill

Sách viết rất khoa học, chặt chẽ và dẫn chứng nhiều tư liệu thú vị. Tác giả trình bày quan điểm của mình rõ ràng ngay từ đầu và chứng minh nó qua các chương bằng sự khách quan nhất có thể.

Vì vậy, sách làm người đọc cảm thấy khô khan (rất khó để mình đọc liên tục nhiều trang 1 lần)

Đây chính là quyển sách đầu tiên của tác giả người Hàn mà mình đọc, làm mình có cái nhìn khác hẳn về trình độ tri thức của người Hàn.

Trích đoạn

Hệ thống quyền sở hữu

Trong diễn ngôn về “quản trị tốt”, “chất lượng” của hệ thống quyền sở hữu được coi là điều kiện quan trọng, vì người ta tin rằng đấy là yếu tố quyết định động cơ để đầu tư và từ đó tạo ra của cải. Nhưng đo lường “chất lượng” của hệ thống quyền sở hữu là việc làm không dễ dàng, bởi nó có nhiều thành tố: luật hợp đồng, luật công ty, luật phá sản, luật thừa kế tài sản, luật thuế và các luật lệ điều tiết việc sử dụng đất đai (như luật phân vùng đô thị, những tiêu chuẩn về môi trường và quy định về an toàn cháy nổ), đó là mới chỉ nói tới một số quy định.

Trong nhiều công trình nghiên cứu thực nghiệm, “vấn đề tổng” đã bị lờ đi bằng cách đề nghị người được hỏi đưa ra đánh giá bằng số về chất lượng nói chung của các thiết chế về quyền sở hữu (ví dụ như “sự bảo đảm của hợp đồng hay quyền sở hữu” hoặc “sự thực thi hợp đồng hay quyền sở hữu tài sản”).[349] Nhưng ngay cả “giải pháp” rất không thỏa đáng này đối với vấn đề đặt ra cũng không có sẵn để có thể so sánh với những trường hợp lịch sử, tức là việc mà chúng ta đang cố gắng thực hiện trong chương này.

Vì vậy, khác với những lĩnh vực khác, trong việc phát triển các thiết chế được bàn trong chương này, tức là những thiết chế “có thể đo lường được” (ví dụ, chế độ dân chủ được đo bằng quyền phổ thông đầu phiếu, sự phát triển của thiết chế tài chính được đo bằng – ngoài những thứ khác – sự hiện diện của ngân hàng trung ương), những so sánh tổng quát về chất lượng hệ thống quyền sở hữu theo chiều dài của lịch sử và giữa các nước với nhau không thể thực hiện được.

Một khía cạnh của hệ thống quyền sở hữu dễ thích hợp với kiểu phân tích này đó là quyền sở hữu trí tuệ, tức là quyền được định nghĩa bằng một số ít điều luật cụ thể rõ ràng (ví dụ, luật sáng chế, và ở mức độ hẹp hơn như luật bản quyền và luật nhãn hiệu hàng hóa). Trong phần này, chúng tôi đưa ra một phân tích thực nghiệm chi tiết về sự phát triển của luật về quyền sở hữu trí tuệ ở các nước NDC. Nhưng trước hết xin có một vài nhận xét mang tính lí thuyết chung về vai trò của quyền sở hữu trí tuệ trong phát triển kinh tế (cùng với những dẫn chứng từ lịch sử).

Một số quan niệm sai lầm về quyền sở hữu và phát triển kinh tế

Trong các diễn ngôn chính thống hiện nay, nhiều người tin rằng quyền sở hữu càng được bảo vệ thì càng tốt cho phát triển kinh tế, vì sự bảo vệ đó khuyến khích việc làm ra của cải. Trong khi đó có lí do để khẳng định rằng sự không chắc chắn thường trực về độ an toàn của quyền sở hữu là có hại cho đầu tư và tăng trưởng trong dài hạn, vai trò của quyền sở hữu trong phát triển kinh tế phức tạp hơn nhiều so với các luận cứ được đưa ra.

Sự an toàn của quyền sở hữu không thể được coi là một cái gì đó tự thân đã tốt rồi. Trong lịch sử có những ví dụ mà việc duy trì một số quyền sở hữu nhất định lại có hại cho phát triển kinh tế và những nơi có sự vi phạm về một vài quyền sở hữu nào đó (và tạo ra những quyền mới) lại thực sự có lợi cho phát triển kinh tế.

Ví dụ được nhiều người biết nhất có thể là việc rào đất ở Anh (Enclosure in Britain), một việc làm vi phạm quyền sở hữu cộng đồng đang tồn tại bằng cách làm hàng rào tại những khu đất của cộng đồng, nhưng đã góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp dệt len do thúc đẩy việc nuôi cừu ở những vùng đất bị trưng dụng. Một ví dụ khác là những ghi chép của De Soto cho thấy việc công nhận quyền sở hữu của những người chiếm đất bất hợp pháp trong khi tước đoạt quyền sở hữu đang tồn tại của những người chủ đất có vai trò quan trọng trong sự phát triển của miền Tây nước Mỹ như thế nào. Upham trích dẫn trường hợp nổi tiếng của Sanderson vào năm 1868, trong vụ này, tòa thượng thẩm của Pennsylvania gạt qua một bên quyền của những người sở hữu đất để cho phép tiếp cập nguồn nước sạch nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp than đá, một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất của bang trong thời kì đó.[350] Cuộc cải cách ruộng đất ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan sau Thế chiến II đã xâm phạm quyền sở hữu đang tồn tại của các điền chủ nhưng lại góp phần vào sự phát triển về sau của những nước này. Nhiều người khẳng định rằng việc quốc hữu hóa các doanh nghiệp công nghiệp sau Thế chiến II ở một số nước như Áo và Pháp – bằng cách chuyển một số tài sản công nghiệp từ tầng lớp tư bản công nghiệp bảo thủ và thiếu năng động sang những nhà quản lí chuyên nghiệp của nhà nước, hướng theo công nghệ hiện đại và đầu tư mạnh mẽ – đã góp phần phát triển nền công nghiệp ở những nước đó.

Vì vậy, điều quan trọng đối với phát triển kinh tế không đơn giản chỉ là việc bảo vệ tất cả các quyền sở hữu đang hiện hữu, bất chấp bản chất của nó, mà là quyền sở hữu nào được bảo vệ và bảo vệ trong điều kiện nào. Nếu như có nhiều nhóm có khả năng sử dụng một số tài sản hiện hữu nào đó tốt hơn là những người chủ hiện tại, thì tốt hơn là xã hội không bảo vệ quyền sở hữu đang hiện hữu mà thiết lập quyền sở hữu mới, tức là chuyển giao quyền sở hữu cho nhóm sử dụng tốt hơn. Với những quan điểm chung như thế, chúng ta sẽ xem xét một cách chi tiết các thiết chế của quyền sở hữu trí tuệ.

Quyền sở hữu trí tuệ

Hệ thống bằng sáng chế đầu tiên được phát minh ở Venice vào năm 1474 cung cấp những đặc quyền trong vòng 10 năm cho những người phát minh ra những tác phẩm nghệ thuật và máy móc mới. Trong thế kỷ XVI, một số bang ở Đức, đặc biệt là Saxony, đã sử dụng quyền sáng chế, mặc dù chưa có tính hệ thống hoàn toàn. Luật sáng chế Anh bắt đầu từ năm 1623 với Quy chế độc quyền, mặc dù các nhà nghiên cứu[351] cho rằng trước cuộc cải cách vào năm 1852, nó không xứng đáng được gọi là “luật sáng chế”. Luật sáng chế đã được áp dụng ở Pháp vào năm 1791, ở Mỹ vào năm 1793, và Áo vào năm 1794.

Như đã đề cập trong Chương 2, trong nửa đầu thế kỷ XIX, hầu hết các nước NDC khác đã thông qua luật sáng chế – Nga (1812), Phổ (1815), Bỉ và Hà Lan (1817), Tây Ban Nha (1820), bang Bavaria (Đức) (1825), đảo Sardinia (Ý) (1826), Nhà nước Vatican (1833), Thụy Điển (1834), Wurttemberg (Đức) (1836), Bồ Đào Nha (1837), bang Saxony (Đức) (1843). Nhật Bản thông qua luật sáng chế đầu tiên vào năm 1885.[352] Trong nửa sau thế kỷ XIX, những nước này cũng đã đưa những thành tố khác vào hệ thống luật sở hữu như tác quyền (lần đầu tiên được thông qua tại Anh vào năm 1709) và luật nhãn hiệu hàng hóa (lần đầu tiên được thông qua tại Anh vào năm 1862).

Ở đây, cần ghi nhận rằng, xét theo tiêu chuẩn hiện nay, tất cả các luật về sở hữu trí tuệ (IPR) thời đó là rất “thiếu sót”.[353] Hệ thống bằng sáng chế ở rất nhiều nước chưa có những quy định về công khai, chi phí để hoàn thiện hồ sơ và xin cấp bằng sáng chế quá cao, và bảo vệ không thỏa đáng đối với những người được cấp bằng sáng chế. Hầu hết luật sáng chế rất lỏng lẻo trong việc kiểm tra tính nguyên gốc của phát minh. Ví dụ như ở Mỹ, trước khi luật sáng chế được sửa đổi vào năm 1836, bằng sáng chế được cấp mà không cần bất kì bằng chứng nào về tính nguyên gốc của phát minh. Điều này không chỉ dẫn đến việc cấp bằng sáng chế cho công nghệ được nhập khẩu mà còn khuyến khích những kẻ kiếm tiền một cách phi pháp tham gia vào việc tìm kiếm lợi nhuận độc quyền (rent-seeking) bằng cách xin cấp bằng sáng chế cho các thiết bị đã được sử dụng (bằng sáng chế giả mạo) và đòi tiền những người sử dụng các thiết bị này bằng cách đe dọa sẽ đưa ra tòa vì tội vi phạm bản quyền.[354] Một vài nước chấp nhận cấp bằng sáng chế cho các chất hóa học và dược phẩm (như một cách chống lại quy trình sản xuất), mặc dù vậy, việc làm này đã bị Hiệp định về Quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPS) của WTO cấm, ngoại trừ các nước nghèo nhất (ngay cả những nước này cũng chỉ được miễn cho đến năm 2006 mà thôi).[355]

Những bộ luật này cung cấp một sự bảo vệ rất không thỏa đáng, nhất là việc bảo vệ IPR của người nước ngoài; sau Hiệp định TRIPS, điều này đã trở thành vấn đề gây căng thẳng chủ yếu (để biết thêm chi tiết, xem tài liệu tham khảo được trích dẫn ở mục 2.3.3). Như đã nói bên trên, hầu hết các luật sáng chế trong thế kỷ XIX đều rất lỏng lẻo trong việc kiểm tra tính nguyên gốc của phát minh. Hơn nữa, như đã nói trong Chương 2, tại hầu hết các nước, trong đó có Anh (trước năm 1852), Hà Lan, Áo và Pháp, việc công dân những nước này xin cấp bằng sáng chế cho những phát minh được nhập khẩu thường được chấp nhận một cách công khai. Liên quan đến luật sáng chế, trường hợp của Thụy Sỹ và Hà Lan đáng được chú ý nhiều hơn.[356]

Như đã đề cập trong Chương 2 (mục 2.2.6.B), năm 1869 Hà Lan đã bãi bỏ luật sáng chế được thông qua vào năm 1817, bởi sự khiếm khuyết của bộ luật này (ngay cả xét theo tiêu chuẩn của thời đó)[357] và bởi cả ảnh hưởng của phong trào bài xích bằng sáng chế đang lan khắp châu Âu trong thời gian đó. Do liên quan chặt chẽ đến phong trào ủng hộ tự do thương mại, những bằng sáng chế bị nguyền rủa này được coi là không khác gì với những thủ đoạn độc quyền khác.[358]

Thụy Sỹ đã không công nhận bất kì quyền sở hữu trí tuệ (IPR) nào đối với phát minh cho đến năm 1888, khi mà luật sáng chế – luật chỉ bảo hộ phát minh trong lĩnh vực cơ khí (“những phát minh có thể được thể hiện dưới dạng mô hình cơ khí”)[359] – được giới thiệu. Mãi đến năm 1907, một phần là do mối đe dọa trừng phạt thương mại từ nước Đức để trả đũa việc Thụy Sỹ sử dụng những phát minh trong lĩnh vực hóa học và dược phẩm của Đức mà luật sáng chế với đúng nghĩa của nó mới ra đời. Nhưng ngay cả luật này cũng có nhiều ngoại lệ, cụ thể là việc từ chối cấp bằng sáng chế cho các chất hóa học (tương phản với quy trình hóa học). Chỉ đến năm 1954, luật sáng chế của Thụy Sỹ mới tương đương với các nước NDC khác, mặc dù mãi đến năm 1978 các chất hóa học mới có thể được cấp bằng sáng chế.[360]

Với việc ngày càng có nhiều nước áp dụng luật sở hữu trí tuệ, từ cuối thế kỷ XIX, áp lực về một hệ thống quyền sở hữu trí tuệ (IPR) quốc tế dĩ nhiên là bắt đầu gia tăng.[361] Có rất nhiều hội nghị về vấn đề này, bắt đầu từ năm 1873 với Hội nghị Vienna; Công ước Paris của Liên minh Quốc tế về bảo vệ sở hữu công nghiệp, cuối cùng đã được 11 nước kí kết vào năm 1883. Các nước kí đầu tiên là Bỉ, Bồ Đào Nha, Pháp, Guatemala, Ý, Hà Lan, San Salvador, Serbia, Tây Ban Nha và Thụy Sỹ.

Hiệp định bao trùm không chỉ bằng sáng chế mà còn luật nhãn hiệu hàng hóa (hiệp định đã tạo điều kiện cho Thụy Sỹ và Hà Lan kí kết, mặc dù hai nước này không có luật sáng chế). Năm 1886, Công ước Berne về tác quyền được kí kết. Công ước Paris sau đó đã được sửa lại nhiều lần (đáng chú ý nhất là trong những năm 1911, 1925, 1934, 1958 và 1967) theo hướng tăng thêm quyền cho những người được cấp bằng sáng chế; và cùng với Công ước Berne, Công ước này đã tạo ra nền tảng của hệ thống quyền sở hữu trí tuệ quốc tế cho đến khi Hiệp định TRIPS có hiệu lực.[362] Nhưng, như chúng ta thấy ở Chương 2 (mục 2.3.3), mặc cho sự xuất hiện của hệ thống quyền sở hữu trí tuệ quốc tế, đến tận thế kỷ XX, ngay cả những nước NDC phát triển nhất vẫn thường vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của công dân các nước khác.

Những điều trình bày trên chứng tỏ rằng hệ thống quyền sở hữu trí tuệ của các nước NDC là chưa hoàn hảo (khi họ còn là những nước đang phát triển) nếu xét theo những tiêu chuẩn mà người ta đòi hỏi những nước đang phát triển hiện nay phải thực hiện. Cho đến cuối thế kỷ XIX và cả sau này, ngay cả ở một số nước NDC tân tiến nhất cũng vẫn còn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ một cách nghiêm trọng và rộng khắp, nhất là ở khía cạnh bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của người nước ngoài.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button