John Đi Tìm Hùng
Thể loại | Sách du ký |
Tác giả | Trần Hùng John |
NXB | Kim Đồng |
Số trang | 316 |
Năm | 2015 |
Giá bán | Xem giá bán |
Nội dung
Là con của một gia đình gốc Việt, sinh ra và lớn lên tại Mỹ, Tran Hung John đã trải qua một tuổi thơ không ngọt ngào, khi bố mẹ li hôn và sớm phải tự lập kiếm sống. Những kí ức về quê quán Việt Nam qua những câu chuyện bà ngoại kể đã thôi thúc anh trở về Việt Nam… Trước hết là để tìm hiểu…
Với trái tim và nhiệt huyết của một thanh niên trẻ mong ước khám phá, Hùng John đã có cuộc trải nghiệm thú vị với 80 ngày đi bộ với chiếc ví rỗng. Anh đã hiểu hơn về Việt Nam và cũng tìm được phần Hùng trong con người rất Mỹ của anh…
Sách thuộc thể loại văn học du kí.
[taq_review]
Review
Trích đoạn
Thế nào là tình yêu? Tôi e rằng không ai có thể biết chính xác câu trả lời. Chỉ khi bạn thực sự hiểu về một ai đó, về điều tốt, điều xấu, thậm chí là điều tệ hại về họ, bạn có thể nói rằng bạn đã yêu. Bạn phải kiên nhẫn chờ đợi. Nhưng ba từ “Em yêu anh” đã được viết, thì thầm, và gào thét với tôi rất nhiều lần. Bao nhiêu trong số họ thực sự nghĩ và cảm thấy như vậy, tôi không bao giờ có thể biết được.
Nhưng tôi biết chắc một điều rằng có những cô gái chỉ tưởng rằng mình đang yêu, hoặc nhìn nhận tôi như một lối thoát. Nhiều cô gái Việt Nam thường mơ về một hoàng tử người nước ngoài quyến rũ. Vị hoàng tử đó sẽ đến, bế bổng họ lên và đưa họ đến một vùng đất thần tiên nào đó xa, rất xa. Những người như vậy không tồn tại. Có lẽ tình yêu thực sự không tồn tại và người Việt Nam đã học cách chấp nhận sự thực này từ lâu.
Hôn nhân, tôi nghĩ, không khác nào một bản hợp đồng mang tính xã hội. Nên cưới người có nhận thức, tâm hồn hòa hợp với bạn chứ đừng bao giờ là sự kết hợp có toan tính. Và nếu như được kết hôn với người có tính cách tốt thì cuộc sống của bạn có thể sẽ trở nên đẹp đẽ hơn. Bà ngoại và mẹ đã cảnh báo tôi nhiều lần. “Nhiều cô gái Việt Nam sẽ quyến rũ con chỉ bởi vì họ biết con là Việt Kiều Mĩ. Những người ấy muốn có một tấm chồng Việt Kiều chứ không phải là con người thật của con.”
Nhưng tôi biết, tại một số địa phương ở Việt Nam, một cô gái kết hôn với Việt Kiều còn không gây sốc bằng việc cô ấy cưới người da trắng. Làm như vậy, các cô gái lập tức bị cho là những kẻ đào mỏ, còn cưới Việt Kiều thì sao? Một Việt Kiều sẽ giúp cô ấy giữ nguyên nhận dạng Việt Nam và vẫn đảm bảo cho cô một cuộc sống thoải mái và giàu sang. Rất nhiều người sai lầm nghĩ rằng kết hôn với Việt Kiều thì họ sẽ được nhấc khỏi hố sâu nghèo đói và được hưởng vinh hoa. Sự thực khác xa điều họ tưởng.
Trước đây Liên đã thương tôi vì chính con người của tôi, có lẽ tôi đã rất may mắn. Nếu tôi yêu một người khác, liệu cô ấy yêu tôi chỉ vì tôi là Việt Kiều? Các cô gái thường thấy John hấp dẫn hơn, họ không quan tâm lắm tới Hùng. Suy nghĩ ấy càng đè nặng lên tâm trí tôi khi tôi tới Nghệ An, nơi tôi gặp một cô gái rất giống với cảnh báo của bà ngoại và mẹ.
*
Tôi đến Vinh, Nghệ An. Nhờ mẹ của Giang tôi có dịp được đi tàu. Tôi biết tôi đến đúng bến khi được chào mừng bằng những âm thanh đặc sệt giọng Nghệ An. Tôi thật sự thích nghe họ nói. Tôi đã từng tới đây hai năm trước. Lúc đó lớp của tôi đã đi thăm vùng núi Nghệ An để mang quần áo, đồ dùng, thực phẩm cho những người dân tộc. Chúng tôi đã tới thăm hai ngôi trường ở Con Cuông, vài em nhỏ đưa chúng tôi về nhà các em, những ngôi nhà vắng bóng cha mẹ. Cha mẹ các em phải đi xa tìm việc làm nên chi còn những người già, trẻ con chăm sóc lẫn nhau. Không giống như trò chơi của trẻ con, khi chúng vẫn chơi đùa cùng các bạn. Đây là sự thật. Đứa bé gái chín tuổi bỏ học để ở nhà chăm đứa em lên ba.
Kỉ niệm đó khiến tôi muốn được tìm hiểu thêm, tôi đã muốn quay trở lại vùng núi đó. Một cô gái đồng ý giúp đỡ tôi. Thanh có dáng vẻ khá dễ thương, đủ xinh xắn để người ta phải ngước nhìn lần thứ hai khi cô ấy đi ngang qua. Hơn tôi ba tuổi, nhưng cô muốn chúng tôi xưng hô với nhau bằng “tớ”, “cậu”. Là một vũ công, biên đạo múa dân tộc, cô có dáng người thanh mảnh và đôi tay dài uyển chuyển. Tôi có thể hình dung ra những điệu xoay và nhảy duyên dáng khi cô biểu diễn.
“Tớ rất thích ý tưởng về chuyến đi của cậu, ước gì tớ có thể đi cùng”, cô ấy nói với giọng Hà Nội. “Tớ thực hiện chuyến đi một mình, nhưng nếu muốn thì cậu có thể cùng tớ tới thăm những người dân tộc thiểu số.” “Đương nhiên rồi, tớ không thể để một cậu bạn đẹp trai thế này đi một mình được, nguy hiểm lắm”, cô ấy cười với một cái nháy mắt.
Thanh mời tôi tới ăn tối. Cô ấy sống cùng mẹ và em trai. Cha của Thanh mất khi cô mới bốn tuổi. Bức hình một người lính khôi ngô được treo trong phòng khách, và ban thờ của ông chiếm phần lớn không gian tầng trên của ngôi nhà. Mẹ của Thanh không tái hôn.
Thanh làm một bữa tối đơn giản cho hai người. “Cậu có người bạn nào tớ có thể ngủ nhờ tối nay không?” Tôi hỏi, biết rằng đã bắt đầu muộn. “Cậu có thể ở đây”, cô nói. “Cậu có chắc không, tớ không muốn làm phiền”, tôi hỏi lại, cảm thấy hơi bất tiện khi ở lại nha một cô gái. “Không sao đâu”. Tôi biết việc này không dễ được chấp nhận trong văn hóa Việt Nam, thường thì người ta không làm vậy, nhưng lúc đó tôi cũng không có nơi nào để trú ngụ nữa.
Chúng tôi dùng bữa xong một lúc thì mẹ của Thanh về. Cùng đi là hai ngươi đàn ông. Người cao hơn ăn vận lịch sự, với khuôn mặt cùng dáng người khiến tôi liên tưởng đến huyền thoại Lí Tiểu Long. Người còn lại thì thấp hơn nhiều, với vẻ ngoài có phần hơi kì lạ. Khuôn mặt anh ta có một chút phấn son trang điểm. Phong thái đó gợi tôi nhớ tới Hoài Linh trong “Paris by Night”.
“Chào cô”, tôi nói với mẹ Thanh. Bà không trả lời, nhìn tôi dò hỏi. Tôi không phải người nước ngoài đầu tiên, và chắc cũng không phải cuối cùng đến thăm ngôi nhà.
“Tôi nhìn thấy cậu ở đâu đó rồi”, người đàn ông thấp hơn ngay lập tức hỏi khi nhìn thấy tôi. “Cháu không nghĩ chúng ta đã gặp nhau”, tôi đáp. “Không không, chúng ta từng gặp nhau rồi”, người đàn ông khẳng định. “Có thể chú nhìn thấy cháu trên TV?” tôi hỏi, biết rằng chúng tôi chắc chắn chưa từng gặp. “Cậu đến từ đâu?”, “Mĩ. Thực ra cháu Là người Mĩ gốc Việt”.
“À, họ nói với tôi cậu sẽ đến. Vài tháng trước họ nói rằng sẽ có một người Mĩ gốc Việt đến nhà tôi,” ông ta nói.
“Cháu có biết về tâm linh không?” Người đàn ông thấy tôi đang ngạc nhiên quá đỗi liền hỏi.
“Không. Tâm linh là gì?”
“Thanh, đi lấy cái video của chú đi”, ông quay sang nói với Thanh, cuối cùng cũng chịu rời mắt khỏi tôi.
Tôi thấy một người đàn ông mặc những bộ quần áo diêm dúa nhảy múa trên màn hình ti vi. Uốn éo và xoay tay như một vũ công. Những người xung quanh thì quây lại, rõ ràng đó là một nghi thức nào đó. “Đấy là tôi đấy, trông tôi có trẻ với đẹp trai hơn không”, người đàn ông mỉm cười tự hào và hỏi tôi. Tôi gật đầu, thật sự không biết phải làm sao, tôi không biết chút gì về tâm linh cả.
“Gọi tôi là cậu Quân. Tôi là thầy cúng nổi tiếng cả cái vùng này. Cậu đi khắp Việt Nam để giúp người ta đấy.”
Chúng tôi thức đến gần nửa đêm để nói chuyện về tâm linh. “Ở Việt Nam, người ta tin vào thế giới tâm linh lắm. Tổ tiên rồi những vong hồn họ ảnh hưởng tới cuộc sống của mình lớn lắm. Mọi thứ đều liên quan đến thế giới dưới âm. Ở Mĩ thì chắc người ta không tin đâu nhỉ?”
“Dạ không”, tôi lắc đầu. Ở Mĩ, mọi thứ đều được giải thích bởi khoa học. Linh hồn, bóng ma, và mọi thứ tương tự đều được coi là viễn tưởng. Những người như cậu Quân sẽ bị nhiều người cho là điên và hoang tưởng. Nếu bạn nói với mọi người là bạn có thể giao tiếp với các linh hồn, họ sẽ đưa bạn tới bệnh viện tâm thần ngay. Tôi vừa lắng nghe vừa cố gắng giữ đầu óc cởi mở.
“Khi bằng tuổi cháu, cậu trẻ và ngu dốt lắm. Chỉ biết sống vội và kiếm tiền. Một ngày cậu gặp một giấc mơ như thật. Một vầng sáng ấm áp tới gần cậu. Một giọng nói âm vang nói là cậu cần phải thay đổi, phải đi giúp người. Thế là cậu đi thật xa để tách biệt với mọi người và tập thiền nhiều năm liền. Rồi cậu trở lại và được ban cho phước có thể giúp mọi người.”
Quá nhiều thứ người đàn ông này nói khiến tôi hoài nghi. Ngay tức thì, tôi nghĩ rằng ông ta là một nghệ sĩ dởm. Thật khó tin. Phần đụng chạm mới làm tôi sợ hãi nhất. Ông ấy luôn phải chạm vào chỗ nào đó trên người đối diện trong khi nói. Những cái ôm và ghì là chuyện thường xuyên. Mọi thứ càng trở nên kì cục khi ông ấy cố hôn tôi. Tôi vội quay đầu đi, môi ông ta chạm vào má của tôi. Tôi vẫn cố gắng giữ cho đầu óc cởi mở.
Đến gần 2 giờ đêm cậu Quân mới quyết định đến lúc đi ngủ. Trươc khi đi ngủ, ông lấy ra từ chiếc túi một chiếc lược nhỏ cùng một chiếc gương. “Cháu phải luôn giữ những thứ này bên người. Đừng bao giờ để mất.” Một lời cảnh báo cho tôi. “Nó sẽ giúp cháu trong chuyến hành trình dài phía trước. Đường xá ở Việt Nam xa và nguy hiểm đấy.”