Review

Hoang dã – Hành trình tìm lại mình trên đường mòn

Thể loạiSách du ký
Tác giảCheryl Strayed
NXBThế Giới
Số trang386
Năm2018
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Hoang dã là cuốn hồi ký của Cheryl Strayed về chuyến hành trình đi bộ 1.770km dọc theo đường mòn Pacific Crest Trail khi cô 26 tuổi. Sau khi trải qua những năm tháng tàn tạ, mất phương hướng, phải chịu đựng cái chết của người mẹ thân yêu và cuộc ly dị đầy đau khổ, cô đã quyết tâm “xách balo lên và đi”. Và trong suốt cuộc hành trình dài hơn 1000 dặm, cô đã gặp được rất nhiều người, vượt qua nhiều thử thách tưởng chừng như không thể, để rồi chiêm nghiệm lại cuộc đời, tìm lại được chính mình.

Sau khi được xuất bản vào tháng 3 năm 2013,Wild đã nhanh chóng leo lên vị trí dẫn đầu trong danh sách best-seller ở Mỹ và chiếm giữ vị trí đó trong vòng 7 tuần liên tiếp. Tính đến nay,Wild đã được dịch ra 28 thứ tiếng và được chuyển thể thành phim năm 2014.

[taq_review]

Review

Quốc Quân

Truyện kể về chuyến đi bách bộ xuyên qua một phần PCT của nữ nhà văn Cheryl Strayed. Đây là một chuyến đi tinh thần, một chuyến đi để tìm lại chính bản thân mình sau khi cô đánh mất bản thân sau khi những biến cố ập đến trong gia đình cô đã đẩy cô vào con đường tối tăm.  Để khi cô lạc trong thiên nhiên núi rừng hoang dã, cô mới có thể nhận ra những giá trị ẩn sâu trong bản thân mình. Nhân vật – tức tác giả, đã trải qua mọi khó khăn, mọi cung bậc cảm xúc, nhưng cũng tìm thấy bao tấm lòng cao cả, bao nhiêu niềm vui đời thường, và khi đến cuối con đường, khi nhìn lại quãng đường ấy sau gần một thập kỷ, cô đã nhìn cuộc đời với một con mắt khác, đã chiêm nghiệm được những gì bí ẩn trong cuộc đời quá tâm can cô.

Thuỳ Linh

Quyển sách cực kỳ hay và phù hợp cho mọi lứa tuổi – hãy đọc để biết được rằng con người chúng ta kiên cường đến mức nào, tâm trí ta vững chãi đến thế nào – và cũng yếu đuối mỏng manh thế nào.

Bản dịch khá ổn, tuy nhiên có vài chỗ tác giả chưa tìm hiểu kĩ, vdu đoạn Volkswgen Beetle Bug (xe bọ rùa của hãng Volkswagen) thì bạn ấy lại dịch thành “con bọ Volkswagen Beetle” làm mình hơi buồn cười khi đọc :))

Quang Phú

Thực sự thì chưa đọc hết, mới đọc được 3 chương đầu. Cảm nhận đầu tiên là không phù hợp lắm với nam giới và truyền thống phương đông( ý kiến riêng), cách viết rất cao tay vì chưa đọc các chương sau nhưng vẫn dự đoán được lời văn sắc nét sau đó. Đánh giá cá nhân: thứ nhất không hay bằng sinh ra để chạy nếu sinh ra để chạy cao nhất 4,5 sao thì cuốn này đối với tôi được 1 sao về lời văn viết rất hay.Đánh giá nhân vật chính thì rất tồi, những bạn có kiên nhẫn đọc hết cuốn sách, thì theo tôi sẽ thấy viên ngọc sáng trong nhân vật, còn đối với tôi thì nhân vật bắt đầu quá tệ so với giá trị quan của mình nên sẽ không đọc tiếp, chắc cất đi khi nào lòng rộng rãi hơn thì mở ra xem.Theo ý kiến cá nhân phù hợp với người đọc nữ hơn vì nhân vật chính là nữ, hành động theo cảm tính, cô này mẹ chết nên có một nồi cảm xúc xấu nên sa đoạ, còn muốn lan cảm xúc này cho người xung quanh, hành động thiếu suy xét.Tất nhiên điểm hay nhất của cuốn sách là hành trình cứu rỗi chính mình.Nếu được đọc trước thì sẽ không mua. Cuối cùng : đứng hạng 1 nytimes không biết làm sao lên chắc bên đầu phiếu hay bên đánh giá nhiều phụ nữ.!(có bạn nam nào thích thể loại hay đọc hết cuốn sách vẫn thích cuốn sách này và cho 4,5 sao thì PS lại dưới bình luận hộ mình để xem quan điểm của mình chênh lệch ra sao với mọi người, thanks)

Trích đoạn

Sáng hôm sau, tôi thức dậy trong nhà nghỉ White, tắm gội rồi để mình trần đứng trước gương, chậm rãi ngắm mình đánh răng. Tôi cố gắng cảm nhận một điều gì đó giống như là sự phấn khích nhưng lại chỉ thấy rầu rĩ và lo lắng. Thỉnh thoảng tôi có thể nhìn thấy chính mình – thực sự nhìn thấy mình – những lúc ấy một câu nói nào đó sẽ vang rền trong đầu tôi như những lời thần thánh. Và giờ đây, khi tôi nhìn vào tấm gương đã mờ xỉn này, câu nói đó là người đàn bà bị tổn thương rạn vỡ. Người đàn bà đó chính là tôi. Đó chính là lý do tại sao tôi lại khát khao một người bạn tình vào tối hôm trước đến vậy. Đó là lý do tại sao tôi ở đây, mình trần trong nhà nghỉ, với ý định khác người là một mình cuốc bộ ba tháng trên đường mòn PCT. Tôi đặt bàn chải đánh răng xuống, nhìn sát vào gương và nhìn sâu vào mắt. Tôi có thể tự cảm thấy nỗi hoang phế bên trong, giống như bông hoa tả tơi trước gió. Cứ mỗi lần cử động, một cánh-hoa-tôi lại rơi rụng đi mất. Làm ơn đừng. Tôi thầm nghĩ. Làm ơn.

Tôi đến bên giường và nhìn xuống bộ đồ đi đường. Tôi đã cẩn thận trải nó lên giường trước khi đi tắm, như mẹ từng làm vào ngày đầu tiên tôi đi học. Khi tôi mặc áo lót và áo phông, những cái vảy nhỏ tí viền quanh hình xăm mới mắc vào ống tay áo và tôi tỉ mỉ nhặt chúng ra. Đó là hình xăm duy nhất tôi có – con ngựa màu xanh trên bả vai trái. Paul cũng có một hình xăm y như vậy. Chỉ mới tháng trước, chúng tôi đã đi xăm cùng nhau nhân sự kiện chính thức ly hôn. Chúng tôi không còn là vợ chồng của nhau nữa, nhưng với chúng tôi những hình xăm này dường như là minh chứng cho mối ràng buộc mãi mãi của hai đứa.

Giờ đây, thậm chí tôi còn tha thiết muốn gọi cho Paul hơn cả tối hôm trước, nhưng tôi không thể cho phép mình làm thế. Anh biết tôi rất rõ. Anh sẽ nghe ra được nỗi buồn và thái độ lưỡng lự trong giọng nói của tôi và biết ngay rằng chẳng phải tôi chỉ hồi hộp trước chuyến đi PCT. Anh ấy sẽ cảm nhận được rằng tôi có điều gì muốn nói.

Tôi đi tất, buộc dây giày, đến bên cửa sổ và kéo rèm cửa lên. Mặt trời tỏa ánh nắng chói chang trên những viên đá trắng ở bãi đậu xe. Bên kia đường có một trạm xăng – hẳn là nơi thuận tiện để bắt nhờ xe đến PCT. Khi tôi buông rèm cửa, căn phòng tối trở lại. Tôi thích cứ như vậy, giống như một cái kén tằm an toàn mà không bao giờ tôi phải rời bỏ, mặc dù tôi biết rằng chẳng phải như vậy. Đã chín giờ sáng và ngoài kia trời nắng tỏ, cái hộp thông gió màu trắng ở góc phòng tiếp tục gầm gào huyên náo. Mặc dù mọi thứ trông có vẻ như tôi đang đi đến một nơi vô định, nhưng tôi đã có một nơi để trú ngụ: đó là ngày thứ nhất trên con đường mòn PCT.

Tôi mở các ngăn túi và lôi mọi thứ ra, quăng từng cái lên giường. Tôi nâng những cái túi nhựa lên và cũng lôi hết đồ trong đó ra, rồi nhìn chằm chằm đống đồ ấy. Đó là tất cả những thứ tôi phải mang theo trong ba tháng tới.

Một chiếc túi nén màu xanh để đựng quần áo chưa mặc – một cái quần nỉ, một chiếc áo sơ mi dài tay giữ nhiệt, một chiếc áo gió có mũ trùm đầu dày dặn, hai đôi tất len và hai cái quần lót, một đôi găng tay mỏng, một cái mũ che nắng, một cái mũ nỉ và một quần đi mưa – và một cái túi khô chắc chắn hơn, ních chặt thức ăn mà tôi sẽ cần đến trong 14 ngày tới, trước khi đến được trạm tiếp tế đầu tiên ở một nơi được gọi là đồng cỏ Kennedy. Một cái túi ngủ, một chiếc ghế dành cho những chuyến cắm trại, có thể dàn ra để làm phản lót khi ngủ, một cái đèn đeo đầu kiểu thợ mỏ và năm cái dây chằng có móc hai đầu. Một bình lọc nước, một cái bếp nhỏ xíu có thể tháo ra lắp vào, một bình ga cao bằng nhôm và một chiếc bật lửa nhỏ màu hồng. Một cái xoong nhỏ có thể lồng vào bên trong một cái nồi to hơn, những dụng cụ nấu nướng có thể gập đôi lại và một đôi xăng đan thể thao rẻ tiền mà tôi định đi trong lều vào cuối mỗi ngày. Một cái khăn tắm có thể khô nhanh, một cái móc chìa khóa đồng kèm nhiệt kế, một tấm bạt, và một cái cốc nhựa cách điện có tay cầm. Một bộ sơ cứu khi bị rắn cắn và một con dao quân dụng Thụy Sĩ, một cái ống nhòm nhỏ trong túi khóa zip giả da và một sợi dây màu neon sặc sỡ, một cái la bàn mà tôi chưa học cách sử dụng và một cuốn sách có thể dạy tôi cách dùng cái la bàn đó, cuốn sách tên là Staying Found (Đừng để bị lạc) mà tôi định đọc trên chuyến bay tới Los Angeles nhưng đã không đọc. Một bộ đồ sơ cứu trong hộp vải bạt màu đỏ còn mới nguyên có thể đóng sập lại, một cuộn giấy vệ sinh trong túi khóa zip và một cái bay bằng thép không gỉ có bao riêng màu đen ghi dòng chữ Bạn-Đào-Nó ở đằng trước. Một cái túi nhỏ đựng đồ vệ sinh và đồ cá nhân mà tôi nghĩ sẽ phải cần đến trong suốt hành trình – dầu gội, dầu xả, xà phòng, dưỡng thể, chất khử mùi, kìm bấm móng tay và thuốc chống côn trùng, kính râm, một cái lược bàn và một miếng bọt biển thiên nhiên khi đến tháng, và một tuýp kem chống nắng dưỡng ẩm môi. Một chiếc đèn pin, một lồng đèn bằng kim loại có một cây nến Tạ Ơn bên trong và một cây nến dự trữ, một cái cưa gấp – để làm gì tôi cũng chẳng biết nữa – và một cái túi nylon màu xanh lá để đựng lều. Hai chai nước bằng nhựa đựng được mỗi chai gần một lít, một cái túi hình bướu lạc đà có thể gấp lại chứa được gần 10l, một tấm chụp bằng nylon có thể trải ra bọc che mưa cho cái ba lô và một quả bóng Gore-Tex có thể mở ra che mưa cho tôi. Có những thứ tôi mua để dự phòng khi cái chính không dùng được – pin dự trữ, một hộp diêm chống nước, một cái chăn giữ nhiệt, và một lọ thuốc viên i-ốt. Hai cái bút và ba cuốn sách ngoài cuốn Đừng để bị lạc: cuốn The Pacific Crest Train, Volume 1: California (Đường mòn Pacific Crest, tập 1: California) (chính nó đã kéo tôi đến với hành trình này, viết bởi nhóm bốn tác giả với giọng điệu bình thản nhưng sắt đá khi nói về những hiểm nguy và phần thưởng khi kết thúc con đường), cuốn As I Lay Dying (Khi tôi nằm chết) của William Faulkner và cuốn The Dream of a Common Language (Giấc mơ về ngôn ngữ chung) của Adrienne Rich. Một cuốn sổ bìa cứng 200 trang khổ 20×28 cm tôi dùng làm sổ ghi chép, một cái túi khóa zip bên trong đựng bằng lái xe và một cuộn tiền nhỏ, một thếp tem thư, và một cuốn sổ tay gáy xoắn tí hon ghi loằng ngoằng địa chỉ bạn bè ở mấy trang đầu. Một chiếc máy ảnh chuyên nghiệp Minolta X-700 35 mm với ống kính và đèn flash có thể tháo rời và một cái chân máy nhỏ có thể tháo lắp gọn gàng, tất cả được gói gọn trong túi đựng camera có độn bông to cỡ quả bóng đá.

Chẳng bởi tôi là một nhiếp ảnh gia.

Tôi đã đến một cửa hàng ngoài trời ở Minneapolis tên là REI cả tá lần suốt mấy tháng trước để mua phần lớn những thứ đồ này. Chẳng mấy khi việc mua bán diễn ra suôn sẻ. Tôi đã nhanh chóng nghiệm ra rằng, đi mua dù chỉ là một chai nước thôi mà không cân nhắc kỹ lưỡng trước về công nghệ mới nhất thì thật ngớ ngẩn. Phải cân nhắc đến mặt lợi và hại của nhiều chất liệu khác nhau, chưa kể đến mẫu mã thiết kế. Và đây chỉ là thứ nhỏ nhất, ít phức tạp nhất mà tôi phải mua. Sau khi tham vấn cả đàn ông lẫn phụ nữ ở REI, tôi nhận ra những đồ còn lại mà tôi cần còn phức tạp hơn nhiều. Bất cứ khi nào thấy tôi ở khu trưng bày bếp siêu nhẹ hay tản bộ giữa khu bán lều, họ đều nhiệt tình giúp đỡ. Nhân viên ở đây gồm đủ các thành phần tuổi tác và các kiểu sở thích với việc phiêu lưu hoang dã, nhưng điểm chung ở họ là bất cứ ai cũng có thể thích thú và nhiệt tình nói về các đồ nghề ấy thành một tràng dài đến ngỡ ngàng. Họ quan tâm liệu túi ngủ của tôi có phần bảo vệ khóa để tránh gãy chân răng hay không, có tấm khăn che mặt với mũ trùm đầu đủ kín mà không khiến tôi khó thở hay không. Họ lấy làm mừng vì bình lọc nước của tôi có một bộ phận bằng sợi kim loại xếp nếp giúp tăng diện tích bề mặt. Và bằng kiến thức của mình, họ đã làm cho tôi sáng mắt ra nhiều điều. Cho đến lúc chọn mua được ba lô – một chiếc có giàn khung đỡ bằng chất tổng hợp, hiệu Gregory cao cấp nhất, được quảng cáo là giữ được thăng bằng và dễ dàng mang vác – tôi cảm thấy như thể mình đã trở thành chuyên gia về ba lô vậy.

Chỉ khi đứng nhìn cái đống đồ đạc đã được lựa chọn tỉ mỉ kỹ càng đang chình ình trên giường trong nhà nghỉ ở Mojave này, với sự khiêm nhường sâu sắc, tôi mới biết rằng mình chẳng phải chuyên gia gì cả.

Tôi tìm cách xử lý núi đồ này, lèn, tống, dận vào bất cứ chỗ nào còn trống trong ba lô, cho đến khi chẳng thể làm hơn được nữa. Tôi đã định lấy mấy cái dây co có móc để buộc túi đựng đồ ăn, lều, bạt, túi quần áo và cái ghế cắm trại mà có thể trải đôi ra làm phản ngủ vào phía ngoài cái ba lô – được thiết kế khung mở để làm thế – nhưng bây giờ rõ ràng là còn có những thứ khác cũng phải cho ra bên ngoài. Tôi kéo căng mấy cái dây co bao quanh tất cả mọi thứ mà tôi đã định và rồi móc thêm vài thứ: quai đôi xăng đan, túi máy ảnh, tay cầm của chiếc cốc cách điện và cái lồng đèn nến. Tôi ngoắc chiếc túi đựng cái bay kim loại vào dây đai của ba lô và buộc cái móc chìa khóa có kèm nhiệt kế với một trong những cái khóa ba lô.

Xong việc, tôi ngồi bệt xuống sàn nhà, mồ hôi mồ kê nhễ nhại rồi ngồi bình thản nhìn chiếc ba lô. Và tôi chợt nhớ ra một thứ cuối cùng: nước.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button