Review

Để Hôm Nay Trở Thành Kiệt Tác

Thể loại Sách hay về cuộc sống
Tác giả John C. Maxwell
NXB NXB Lao Động Xã Hội
Công ty phát hành Thái Hà
Số trang 120
Ngày tái bản 03-2013
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Dường như rất rõ ràng rằng một quyết định tốt sẽ giúp kiến tạo một tương lai tốt hơn, nhưng rất nhiều người không nhận thấy được mối liên quan giữa việc thiếu thành công nơi họ với những quyết định tồi mà họ đã đưa ra. Có những người đưa ra vài lựa chọn, sau đó trải qua những kinh nghiệm tiêu cực, mà vẫn băn khoăn không hiểu tại sao dường như cuộc đời của họ không thể tiến lên được. Họ không bao giờ hiểu được ra. Một số người biết những lựa chọn của họ có lẽ là không tốt cho bản thân, nhưng họ vẫn làm bằng mọi giá. Không ai bảo là có được một quyết định tốt là đơn giản, nhưng nó là điều cần thiết để thành công…

Vậy làm thế nào để đi đến thành công? Cuốn sách sẽ là tập hợp của 12 việc làm hằng ngày giúp bạn nhanh chóng đi đến sự thành công của bạn, đó chính là: Thái độ, Ưu tiên, Sức khỏe, Gia đình, Suy nghĩ, Sự cam kết, Tài chính, Đức tin, Quan hệ, Hào phóng, Giá trị, Trưởng thành !!!

[taq_review]

Review

Ha Phuong

Để hôm nay trở thành kiệt tác là một tác phẩm khá hay của Maxwell, nó như là một nguồn sinh khí mới để tiếp thêm động lực cho các bạn tiến lên. Nó sẽ dạy bạn làm như thế nào để cuộc sống trở nên bổ ích hơn, giúp bạn đưa ra những lời khuyên và những nguyên tắc để giúp bạn thành công. Nhưng có một điều đó là đừng chỉ nên xem nó như một cuốn lí thuyết khô khan, bởi như vậy thì nó chả giúp ích gì cho bạn cả! Hãy bắt tay vào LÀM và THỰC HIỆN những mục tiêu mà nó đã đề ra, bước đầu sẽ là hơi khó khăn nhưng dẩn dần khi đã trở thành thói quen thì bạn sẽ thấy quyển sách này thật bổ ích. Một tương lai tốt đẹp đang hứa hẹn ở phía trước!

Nguyễn Hồng Anh

Cuốn sách này được viết cùng tác giả với quyển Tôi tư duy, tôi thành đạt. Tác giả là một nhà truyền giáo, một người chuyên đào tạo khả năng lãnh đạo, cũng là một tác giả viết nhiều quyển sách nổi tiếng bán chạy. Tôi đánh giá cao khả năng thuyết phục và quan điểm của tác giả.

Cuốn sách chia ra làm nhiều chương viết về những vấn đề quan trọng trong cuộc sống của mọi người như Gia đình, Sức khỏe, Niềm tin, Công việc, Sự hào phóng, Sự trưởng thành. Đôi chỗ đọc hơi khó hiểu nhưng tác giả đã đưa đến một cái nhìn mới mẻ về cách bạn sử dụng thời gian của mình. Làm thế nào để biến 24 giờ mỗi ngày trở thành khoảng thời gian tuyệt vời nhất ? Lựa chọn thái độ, quyết định theo những nguyên tác nào để đạt được sự thành công và mãn nguyện trong cuộc sống ? Hãy tự đọc và cảm nhận với cuốn sách nhé

Tôi nghĩ mình sẽ đọc lại cuốn sách này, khi nào tôi cảm thấy cuộc sống của mình quá bận rộn hoặc thiếu vắng niềm vui, để biết cách điều chỉnh thái độ của mình cho phù hợp.

NGUYEN MINH THU

Đây cũng là một trong các sách nói về các kỹ năng sống hướng dẫn chúng ta biết cách tận dụng mọi thứ trong ngày hôm nay để có được ngày mai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên cách viết trong sách rất lôi cuốn, dễ hiểu nên đọc không cảm thấy khô cứng. Mình thích lời khuyên của người cha “con có thể trả giá bây giờ và chơi sau, hoặc con có thể chơi bây giờ và trả giá sau. Nhưng với cả hai cách con đều phải trả giá.”. Và với 12 việc phải làm hàng ngày sẽ giúp chúng ta chuẩn bị cho tương lai của chính mình. Chúng ta có thể thấy rõ các ưu tiên của mình và có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trích đoạn

SỨC KHỎE

Tôi phải bắt đầu chương này bằng việc đưa ra một lời thú nhận. Thông thường khi mọi người đọc một cuốn sách, đặc biệt là sách chứa những lời khuyên, họ mong muốn tác giả phải là chuyên gia trong mọi lĩnh vực mà ông ta viết trong sách. Trong trường hợp này, khi vấn đề nói đến là sức khỏe thì điều đó lại không đúng với tôi.

Trong phần lớn cuộc đời mình, tôi đã hoàn toàn buông lỏng lĩnh vực này. Thực sự thì vấn đề chính là sự lơ là chứ không phải bất cứ lý do nào khác.

Tôi vẫn luôn khỏe như ngựa. Trong 30 năm diễn thuyết trước công chúng, trước tiên là với tư cách linh mục và sau này là người dẫn dắt hội đàm và hội thảo, tôi chưa bao giờ bỏ một buổi nào vì ốm. Không một buổi nào! Tôi chỉ đơn giản là không bị ốm và tôi vẫn luôn luôn tràn đầy năng lượng. Thậm chí cả khi phải cháy hết mình, tôi vẫn còn lại rất nhiều năng lượng.

Tôi đã sống với tốc độ rất cao. Trong khoảng 10 năm, tôi đảm nhiệm hai công việc đòi hỏi khắt khe. Tôi dẫn dắt một nhà thờ với hơn 3000 người cùng khoảng 50 người làm và một ngân sách 5 triệu đô la một năm. Cùng lúc đó, tôi đứng đầu một tổ chức phát triển khả năng lãnh đạo, tổ chức này đòi hỏi tôi phải đi khắp nơi để thuyết giảng trong hơn 100 ngày một năm.

Duy trì một kiểu sống ở tốc độ ấy đồng nghĩa với việc tôi hiếm khi tập thể dục, ăn uống không điều độ và bị quá cân. Nhưng tôi chẳng lo lắng gì. Mỗi năm tôi khám sức khỏe một lần và lại nhận được một báo cáo tuyệt vời từ bác sĩ của mình. Vậy nên tôi coi việc mình khỏe mạnh là chuyện đương nhiên.

Tất cả những điều đó đều đảo lộn vào ngày 18 tháng 12 năm 1998. Đó là đêm diễn ra bữa tiệc Giáng sinh hàng năm dành cho nhân viên của tôi cùng vợ chồng họ. Cuối buổi tiệc, tôi cảm thấy không được khỏe. Một trong những nhân viên ôm tạm biệt tôi và cảm thấy mồ hôi lạnh phía sau gáy tôi. Rồi đột nhiên, một cơn đau nhức nhối trong ngực khiến tôi khuỵu xuống. Tôi chưa bao giờ trải qua việc gì như vậy cả. Khi nằm trên sàn đợi nhân viên cấp cứu, tôi cảm thấy như có cả một con voi đang ngồi trên ngực mình. Tôi đã thấy mình thật may mắn vì Margaret, lũ trẻ và rất nhiều bạn bè thân thiết đã ở đó với tôi trong bữa tiệc, vì tôi nghĩ mình chắc sẽ không qua khỏi.

Khi tới bệnh viện, tôi được cho biết mình vừa bị một cơn đau tim rất nặng. Khi tôi nằm trong phòng cấp cứu, các bác sĩ thử đủ các phương pháp điều trị khác nhau, tất cả đều có vẻ không có tác dụng, thì trợ lý của tôi, Linda Eggers, gọi một cú điện thoại. Sáu tháng trước, một bác sĩ tim mạch từ Nashville tên là John Bright Cage đã hẹn gặp tôi vào bữa trưa và chia sẻ nỗi lo lắng của ông về sức khỏe của tôi. Cuối buổi nói chuyện, ông nói rằng nếu khi nào cần ông giúp đỡ, tôi cứ gọi, bất kể ngày đêm, và ông để lại số điện thoại nhà cho tôi. Vậy nên dù lúc đó là 2 giờ sáng, Linda vẫn gọi cho ông. Chưa đầy một tiếng sau, bác sĩ Jeff Marshall và vài người đồng nghiệp bước vào, tuyên bố: “Nhóm hành động đặc biệt có mặt.” Bác sĩ Cage đã gọi cho một trong những bác sĩ tim giỏi nhất ở Atlanta và nhờ ông giúp tôi.

Lúc rạng sáng, bác sĩ Marshall thực hiện một thủ thuật để loại bỏ cục máu đông trong tim tôi, ông đã cứu mạng tôi. Sau đó, ông giải thích rằng ông đã sử dụng một thủ thuật mới được phát triển gần đây. Nếu tôi bị đau tim vào một hoặc hai năm trước thì chẳng có cách nào cả. Nó đã có thể giết chết tôi!

Khi hồi phục tại bệnh viện sau cơn đau tim, tôi thấy mình thật may mắn vì còn sống. Các bệnh tim mạch là nguyên nhân số một gây tử vọng ở Mỹ và châu Âu. Nhưng tôi đã nhận ra mình may mắn đến mức nào cho tới khi bác sĩ Marshall nói với tôi rằng tim tôi không còn chịu một chút nguy hại nào nữa. Vậy nghĩa là tôi có khả năng hồi phục hoàn toàn.

Bác sĩ Marshall nói với tôi rằng những người sống sót qua được cơn đau tim đầu tiên (và rút được ra bài học) thường sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn những người chưa bao giờ bị đau tim. Điểm mấu chốt đối với sức khỏe trong tương lai của tôi là liệu tôi có sẵn sàng đưa ra quyết định thay đổi cách mình sống và kiên định với quyết định đó không. Do đó, ở tuổi 51, tôi đưa ra quyết định sức khỏe này: Tôi sẽ chăm sóc thật tốt bản thân bằng cách tập luyện và ăn uống đúng cách.

ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH BIẾT VÀ TUÂN THEO NHỮNG CHỈ DẪN SỨC KHỎE MỖI NGÀY

Nếu bạn biết giá trị của sức khỏe tốt nhưng lại gặp khó khăn trong việc đưa ra cam kết và tuân theo các chỉ dẫn về sức khỏe thì đây là một vài gợi ý để giúp bạn xoay sự chú ý của mình tới vấn đề đó và khắc phục nó:

Có một mục đích đáng sống

Chẳng có gì giúp một người muốn làm việc cần làm tốt bằng tầm nhìn. Khi bạn có một điều gì đó để hướng đến trong cuộc sống, điều đó không chỉ khiến bạn muốn sống lâu, mà nó còn giúp bạn nhận ra tầm quan trọng của các bước đi trên con đường. Nhìn được bức tranh lớn giúp chúng ta có thể chấp nhận đôi chút khó chịu, bực dọc.

Rất khó tìm ra động lực trong những lúc không có chút hy vọng nào vào tương lai. Nhận biết được mục tiêu giúp người ta đưa ra quyết định thay đổi và sau đó là theo đuổi đến cùng với kỷ luật cần có để giữ cho thay đổi đó là mãi mãi, sau khi bị đau tim, tôi nhận thấy điều đó rất đúng. Một người bạn đã dành rất nhiều thời gian ở bên tôi suốt quá trình hồi phục đã chứng kiến tôi bỏ qua các bữa tráng miệng hết lần này đến lần khác – điều này không giống tính cách tôi chút nào – và cuối cùng thì anh hỏi: “Ông đã mất cảm giác thèm ăn tráng miệng rồi sao?”

“Không hề,” tôi trả lời: “nhưng cảm giác thèm sống của tôi mãnh liệt hơn.”

Làm công việc mà bạn yêu thích

Một trong những nguyên nhân chính gây ra căng thẳng suy nhược trong cuộc sống con người là làm công việc mà họ không thích. Điều đó giống như những gì nữ diễn viên hài Lily Tomlin đã nói: “Vấn đề của một cuộc đua chuột là kể cả nếu bạn thắng, bạn vẫn là một con chuột.” Tôi tin rằng có hai nỗi thất vọng chính đóng góp vào sự căng thẳng đó. Đầu tiên là làm công việc mà bạn không cho là quan trọng. Nếu bạn làm công việc mà bạn tin là chẳng thêm được giá trị gì cho bản thân hay người khác, bạn sẽ nhanh chóng trở nên sa ngã. Nếu làm việc trong tình trạng đó quá lâu, nó sẽ bắt đầu ăn mòn bạn. Để duy trì sức khỏe, công việc của bạn phải phù khớp với các giá trị của bạn.

Một lý do khác mà một vài người không thích công việc của họ là họ làm những việc giam họ trong một lĩnh vực thế yếu. Không ai có thể làm việc đó lâu và thành công. Ví dụ, hầu hết mọi người không thích ý tưởng về nói chuyện trước công chúng. Làm sao bạn lại có thể thích đứng trước mặt khán giả và nói với họ hàng ngày cơ chứ? Đó là nỗi sợ hãi hàng đầu của một số người. Nhưng với tôi, đó là niềm vui bất tận. Sau khi nói chuyện với mọi người trong một hội thảo sáu hay bảy tiếng đồng hồ, tôi không hề mệt. Tôi bùng cháy! Nói chuyện với khán giả tiếp thêm năng lượng cho tôi.

Một trong những cách để bạn có thể biết mình đang làm việc trong một lĩnh vực thế mạnh là nó thực sự tiếp năng lượng cho bạn. Thậm chí nếu bạn đang ở những giai đoạn đầu sự nghiệp hoặc đang bắt đầu một cuộc phiêu lưu mới và bạn không giỏi lắm ở điều mà bạn đang làm, bạn vẫn biết nó là một lĩnh vực thế mạnh bằng cách chú ý tới cách bạn phản ứng với các thất bại của mình. Các sai sót thách thức bạn, sẽ cho bạn biết những lĩnh vực thế mạnh của mình. Các sai sót đe dọa bạn, sẽ cho bạn biết những lĩnh vực thế yếu của mình.

Tìm ra tốc độ của mình

Mickey Mantle từng nói: “Nếu biết mình sẽ sống lâu thế này, tôi đã chăm sóc bản thân cẩn thận hơn.” Tôi nghĩ tuyên bố đó có thể được dùng cho rất nhiều người khi họ già đi. Một phần của việc chăm sóc bản thân gồm có việc tìm ra và duy trì tốc độ phù hợp với bạn. Nếu bạn sống chậm hơn mức mà năng lượng của bạn cho phép, bạn có thể trở nên lười biếng. Nếu bạn tiếp tục chạy ở tốc độ nhanh hơn khả năng, bạn có thể sẽ hỏng việc. Bạn cần phải tìm thấy sự cân bằng cho mình.

Như đã bàn tới trước đây, tôi vẫn luôn là một người tràn đầy năng lượng và tôi luôn nghĩ rằng chẳng có gì mình không thể làm. Nhưng vào năm 1995, ở vào tuổi 47, tôi đã quá mệt mỏi vì dẫn dắt nhà thờ và lãnh đạo tổ chức của mình tới nỗi tôi trở nên kiệt quệ. Tôi yêu cả hai, nhưng cùng một lúc làm cả hai trong hơn 10 năm cuối cùng cũng hạ gục tôi.

Một hôm, tôi nói với Margaret: “Anh không thể tiếp tục làm như thế nữa. Anh phải từ bỏ một trong hai thôi.” Margaret đã khuyên tôi cắt bớt lịch làm việc bận rộn của mình trong nhiều năm; nhưng cô vẫn choáng váng trước tuyên bố của tôi.

“John,” cô nói: “trong bao nhiêu năm em biết anh, đó là lần đầu tiên em nghe anh nói anh kiệt sức đấy.”

Ngay cả hôm nay, ở tuổi 57, tôi vẫn có xu hướng ôm đồm quá nhiều và đi với tốc độ nhanh hơn mức thực sự tốt cho tôi. Có rất nhiều cơ hội mà tôi muốn theo đuổi, những cuốn sách tôi muốn viết và những người tôi muốn giúp. Tôi vẫn không ngừng cố gắng tạo sự cân bằng giữa mong muốn duy trì một tốc độ sống lành mạnh và nỗ lực đạt được tất cả những gì mình có thể trong đời.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button