Review

Chú Bé Mang Pyjama Sọc

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả John Boyne
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 253
Ngày xuất bản 07-2016
Giá bánXem giá bán

Tác phẩm lấy bối cảnh cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2 ở Berlin, kể về Bruno – một cậu bé 9 tuổi con của một chỉ huy Đức Quốc xã. Cậu sống trong một ngôi nhà lớn cùng bố mẹ và chị gái 12 tuổi tên là Gretel. Vì bố Bruno được nhận nhiệm vụ mới, gia đình cậu phải chuyển nơi ở, việc này khiến Bruno cảm thấy nhớ nhà cũ, nhớ ông bà và những bạn thân thiết. Cậu không thấy thích gì ngôi nhà mới bởi ở đây Bruno cô đơn và không có ai để nói chuyện hay chơi đùa cùng. Cậu cũng không được đến trường, mà bố mẹ thuê gia sư đến dạy cho hai chị em tại nhà – một ông thầy chỉ dạy lịch sử và nhồi nhét những điều Bruno không hiểu, không tin. Tuy nhiên đến một ngày, tính tò mò và yêu thích khám phá của cậu trỗi dậy khi qua ô cửa sổ, cậu nhìn thấy một nơi giống như “trang trại” và kỳ quặc thay, những người nông dân chỉ mặc pyjama xám cũ, đội mũ sọc hoặc cạo trọc đầu.

Bruno đã hỏi bố mẹ và chị gái nhưng ngay lập tức bị gạt bỏ và chịu lệnh nghiêm cấm không được nhìn hay bén mảng ra khu vực đó vì những người đó “không phải là người”. Việc cấm một cậu bé tò mò không tới sân sau nhà là điều bất khả thi. Trong một lần đi khám phá, Bruno đã phát hiện một cậu bé ở phía bên kia hàng rào – một cậu bé người Do Thái tên là Shmuel. Hai tâm hồn ngây thơ và trong sáng nhanh chóng tìm thấy niềm vui và sử thích thú khi có một người bạn trạc tuổi mình. Dù cả hai không biết chúng đối lập nhau trên bình địa xã hội, một người là con sĩ quan Đức Quốc xã, một người là người Do Thái đang bị nhốt trong trại tập trung. Khi Bruno bắt đầu cảm thấy yêu quý người bạn mới và muốn ở lại nơi này, thì mẹ cậu quyết định ba mẹ con phải chuyển đi nơi khác (do Bruno đã nhiều lần thắc mắc về mùi khó thiêu và vùng trang trại có những người mặc pyjama sọc). Lần cuối cùng Bruno gặp Shmuel, cậu đã đồng ý mặc bộ pyjama sọc và chui qua hàng rào để giúp Shmuel tìm cha của cậu, người đã mất tích trong trại. Nhưng kết thúc, hai đứa trẻ không thể tìm thấy bố Shmuel, mà bị dồn vào mộtt buồng hơi ngạt và chết trong bóng tối…

[taq_review]

Trích dẫn

Điều hai đứa nhìn thấy qua cửa sổ

Trước hết, họ hoàn toàn không phải trẻ con. Không phải tất cả bọn họ, ít nhất là vậy. Có cả các cậu bé lẫn những cậu thanh niên, những người cha và những người ông. Có khi còn có một vài người chú nữa. Và một số người trong đó sống một mình giữa mọi người khác mà dường như chẳng có người thân thích nào cả. Đó là tất cả bọn họ.

“Họ là ai vậy?” Gretel hỏi, sốc y hệt như em trai cô thời gian gần đây. “Đây là nơi kiểu gì vậy?”

“Em cũng chẳng rõ nữa,” Bruno nói, cố gắng hết sức trung thành với sự thật. “Nhưng nó không tốt như ở nhà, điều đó thì em biết rõ.”

“Thế tất cả bọn con gái thì ở đâu?” cô hỏi. “Rồi những người mẹ? Và cả các bà nữa?”

“Có thể họ sống ở một khu khác,” Bruno đoán vậy.

Gretel đồng ý. Cô không muốn tiếp tục nhìn chằm chằm nhưng ngoảnh mắt đi chỗ khác thì thật quá khó. Tới thời điểm này, tất cả những gì cô đã nhìn thấy là khu rừng đối diện với cửa sổ phòng mình, nơi đó có vẻ hơi âm u tuy nhiên sẽ là một điểm picnic hay ho nếu như trong đó có một khoảng đất trống. Nhưng từ phía bên này của ngôi nhà, khung cảnh lại hoàn toàn khác hẳn.

Ban đầu khung cảnh đó cũng rất thú vị. Có một khu vườn ngay dưới cửa sổ phòng Bruno. Cũng khá rộng rãi, đầy các loài hoa trồng trên những luống đất ngay ngắn như thể đã được ai đó chăm sóc hết sức cẩn thận, một người biết rằng trồng hoa ở một nơi như thế này có nghĩa là họ đã làm được một điều tốt đẹp, giống như đặt một cây nên nhỏ xíu vào góc một tòa lâu đài đường bệ trên đồi hoang mù tịt giữa đêm đông tăm tối.

Phia bên kia những luống hoa là một lối đi dễ chịu có đặt một chiếc ghế gỗ dài, nơi Gretel tưởng tượng sẽ ngồi đấy đọc sách dưới ánh nắng trời. Gắn trên thành chiếc ghế là một tấm bảng nhưng từ khoảng cách xa thế này cô không thể đọc được chữ đề trên đó. Chiêc ghế xoay mặt vào ngôi nhà –  thông thường như vậy sẽ thật lạ lùng nhưng trong trường hợp này cô có thể hiểu tại sao.

Cách khu vườn với những luống hoa và chiếc ghế có gắn tâm bảng chưa đầy mươi mét, mọi thứ hoàn toàn đổi khác. Một hàng rào thép gai đồ sộ chạy suốt dọc chiều dài ngôi nhà và đến điểm tận cùng thì rẽ ngoặt rội trải ra thật xa theo hướng khác, xa quá tầm mắt Gretel. Hàng rào rất cao, thậm chí cao hơn cả ngôi nhà nơi hai chị em đang đứng, với rất nhiều cọc gỗ sừng sững như những cây cột điện đóng rải rác chạy dọc theo và chống đỡ cho nó. Trên đỉnh hàng rào, những búi dây thép gai khổng lồ cuộn xoắn vào nhau theo hình trôn ốc, và Gretel chợt cảm thấy đau nhói trong lòng khi nhìn những thanh sắt nhọn hoắt tua tủa đâm ra khắp xung quanh.

Phía bên kia hàng rào không có lấy một cọng cỏ; thực tế thì nhìn từ khoảng cách này không trông thấy chút màu xanh nào. Thay vào đó mặt đất trông như được làm bằng một thứ chất liệu giống như cát, và theo những gì mắt cô nhận được ra thì ở đó chẳng có gì hơn ngoài những gian trại thấp lè tè cùng mấy tòa nhà lớn vuông vức rải rác xung quanh và xa xa là một hai cột khói. Cô định nói điều gì đó, nhưng khi vừa mở miệng cô đã nhận ra rằng cô không tìm ra từ nào để diễn tả được nỗi kinh ngạc của mình, vậy nên cô làm việc đúng dắn duy nhất mà cô có thể nghĩ ra ấy là khép miệng lại.

“Chị thấy chưa?” Bruno nói từ góc căn phòng, cảm thấy thầm sung sướng với chính mình vì bất kể cảnh ngoài kia có là gì đi nữa – và bất kể họ có là ai – cậu cũng là người đầu tiên nhìn thấy và cậu có thể nhìn bất kể khi nào cậu muốn bởi vì họ ở bên ngoài cửa sổ phòng cậu chứ không phải phòng Gretel, và bởi vậy cảnh đó thuộc về cậu, cậu là chúa tể của tất cả những thứ mà hai chị em khám phá được còn chị cậu là chỉ kẻ hạ thần của cậu.

“Chị không hiểu,” Gretel nói. “Ai có thể xây lên một nơi trông kinh  khiếp thế này nhỉ ?”

“Công nhận là kinh khiếp thật.” Bruno đồng ý. “Em nghĩ mấy cái trại kia chỉ có một tầng. Nhìn thấp chưa kìa.”

“Chắc là nhà kiểu hiện đại,” Gretel nói. “Cha ghét những thứ hiện đại.”

“Vậy thì cha sẽ không thíc những thứ này lắm đâu,” Bruno nói.

“Hẳn rồi,” Gretel trả lời. Cô đừng nguyên một lúc lâu chằm chằm nhìn mọi thứ. Cô mười hai tuổi và được xem là một trong những cô bé thông minh nhất lớp, vậy nên cô mím chặt môi, nheo mắt và buộc trí não mình phải hiểu cho kỳ được những gì đang thấy. Cuối cùng cô chỉ có thể nghĩ ra được một lời giải thích.

“Chắc đây là vùng nông thôn,” Gretel nói, quay lại nhìn cậu em trai một cách đắc thắng.”

“Vùng nông thôn?”

“Phải, đó là cách lý giải duy nhất, em không thấy à? Khi chúng ta ở nhà mình ở Berlin, chúng ta ở thành phố. Đó là lý do vì sao có nhiều người, rất nhiều nhà cửa, còn trường học thì đông vui và em sẽ không thể đi qua trung tâm thành phố vào buổi chiều thứ 7 mà không bị xô đẩy từ bên này qua bên khác.”

“Vâng…” Bruno nói, gật gật đầu cố gắng để theo được lời giải thích.

“Nhưng chúng ta đã học trong tiết địa lý là ở vùng nông thôn – toàn bộ những người nông đan sống ở đó, họ trồng tất cả các loại lương thực, nuôi cả con vật nữa – vẫn có những khu đất mênh mông như thế này để mọi người sinh sống, làm việc rồi mang tất cả lương thực đến cung cấp cho chúng ta.” Cô lại nhìn ra bên ngoài cửa sổ về phía khu đất mênh mông trải dài trước mặt và những khoảng trỗng giữa các gian trại. “Chắc hẳn là vậy rồi. Đây là vùng nông thôn. Có lẽ đây là khu nghỉ của gia đình chúng ta,” cô nói thêm tràn trề hy vọng.

Bruno suy nghĩ rồi lắc lắc đầu. “Em chẳng nghĩ thế đâu,” cậu nói đinh ninh.

“Em mới có 9 tuổi,” Gretel phản đối. “Làm sao mà em biết được? Khi nào bằng tuổi chị em sẽ hiểu những chuyện này rõ hơn nhiều.”

“Có thể là thế,” Bruno nói, cậu biết mình ít tuổi hơn nhưng không đồng ý là điều đó khiến cậu kém khả năng nói đúng hơn, “nhưng nếu đây là vùng nông thôn như chị khẳng định, thế thì tất cả những con vật mà chị vừa nhắc tới ở đâu?”

Gretel mở miệng định đáp nhưng không thể nghĩ ra câu trả lời nào thích hợp, vậy nên thay vì thế cô lại nhìn ra bên ngoài cửa sổ quan sát khắp lượt để tìm mấy con vật nhưng chẳng thấy bóng dáng con nào.

“Lẽ ra phải có bò, lợn, cừu và ngựa chứ,” Bruno nói. “Nếu đây là nông trại, ý em là vậy. Đó là còn chưa kể đến gà vịt đây.”

“Ừ chẳng có con nào cả,” Gretel khe khẽ thừa nhận.

“Và nếu họ trồng cây lương thực ở đây, giống như chị bảo ấy mà,” Bruno tiếp tục, hết sức thỏa mãn với bản thân, “thì em nghĩ là đất đai hẳn phải trông màu mỡ hơn thế nhiều chứ, chị không thấy vậy sao? Em chẳng nghĩ là chị có thể trồng được gì trên thứ đất đó đâu.” Gretel nhìn lại khu đất và gật đầu , bởi vì cô không ngớ ngẩn tới mức lúc nào cũng khăng khăng nhận mình đúng khi rõ ràng là cuộc tranh luận đang chống lại cô.

“Vậy chắc đây không phải là nông trại rồi,” cô nói.

“Đúng,” Bruno đồng ý.

“Điều đó có nghĩa nơi này không thể là vùng nông thôn,” cô tiếp tục.

“Đúng, em cũng nghĩ vậy,” cậu trả lời.

“Điều đó cũng có nghĩa là rốt cuộc đây hẳn không phải là khu nhà nghỉ của chúng ta,” cô kết luận.

“Em cũng nghĩ thế đây,” Bruno nói.

Cậu ngồi xuống giường và trong một khoảnh khắc cậu ước gì Gretel sẽ ngồi xuống bên cạnh, vòng tay ôm cậu rồi nói với cậu rằng mọi thứ sẽ ổn cả thôi, rằng sớm muộn gì chị em cậu cũng sẽ thích nơi này và sẽ không còn muốn trở về Berlin nữa. Nhưng cô vẫn nhìn ra cửa sổ và lần này thì cô không còn nhìn những hàng hoa hay lối đi, hay chiếc ghế có gắn tấm bảng trên đó hay dãy hàng rào cao ngất hay những cây cột điện bằng gỗ hay những cuộn dây thép gai hay mặt đất cằn cỗi đằng xa kia hay những gian trại hay những ngôi nhà nhỏ hay mấy cột khói nữa; thay vì đó cô đang nhìn đám người.

“Những người này là ai vậy nhỉ?” cô khe khẽ hỏi, gần như chẳng phải hỏi Bruno mà đang tìm kiếm câu trả lời từ một người nào khác. “Và tất cả bọn họ đang làm gì ở đằng kia?”

Bruno đứng dậy và lần đầu tiên hai chị em đứng đó bên nhau, vai kề vai, và nhìn chằm chằm vào những gì đang diễn ra cách ngôi nhà mới của họ không tới vài chục mét.

Nhìn đâu họ cũng thấy người cao, thấp, già, trẻ, hầu hết đang di chuyển loanh quanh. Một số đứng lặng thành từng nhóm, hai tay để thẳng hai bên, cô gắng giữ đầu ngẩng cao, trong khi ấy một người lính giễu qua trước mắt họ, miệng anh ta mở ra rồi đóng lại rất nhanh như thể anh ta đang la hét với họ điều gì. Một số tạo thành một chuỗi người bị xích chân đang đẩy xe cút kít từ bên này qua bên kia khu trại, từ một nơi khuất tầm mắt, họ xuất hiện rồi đẩy xe đi tít mít dọc theo phía sau một gian trại, tại đó họ lại mất hút. Một số đứng gần bên các gian trại thành những nhóm người lặng lẽ, cuối gằm mặt xuống đất như thể đó là một kiểu trò chơi chỉ điểm mà không ai muốn bị nhận dạng. Những người khác thì phải  đi nạng và nhiều người bị băng bó xung quanh đầu. Một số thì xách thuổng và bị từng tốp lính bắt đi đến một chỗ khác, nơi mà hai chị em không thể nhìn thấy họ được nữa.

Bruno và Gretel có thể nhìn thấy hàng trăm người,  nhưng có rất nhiều gian trại ở phía trước hai đứa, và khu trại trải dài bất tận quá xa so với tầm nhìn hai đứa, trông như phải có hàng ngàn gian trại ở ngoài kia.

“Mà tất cả những người đó sống gần chúng ta quá,” Gretel cau có nói. “Ở Berlin nhà mình sống trên khu phố rõ là yên tính, chỉ có mỗi 6 ngôi nhà. Còn bây giờ thì có quá nhiều. Làm sao mà cha lại đi chọn công việc mới ở đây, tại một nơi kinh khủng như thế này với nhiều hàng xóm tới vậy chứ? Thật chẳng hiều nổi.”

“Nhìn đằng kia kìa,” Bruno nói, Gretel nhìn theo hướng ngón tay cậu trỏ và thấy hiện ra từ gian trại xa xa là một nhóm trẻ em túm tụm lại với nhau trước một tốp lính đang quát tháo. Những tay lính càng quát to thì đám trẻ em càng dúi dụi vào nhau nhưng rồi một anh lính hét lên về phía chúng khiến chúng phải tách ra và dường như thực hiện điều mà anh ta muốn chúng phải ngoan ngoãn làm theo, đó là đứng thành một hàng đơn. Khi chúng thực hiện xong, đám lính bắt đầu cười vang và vỗ tay khen ngợi chúng.

“Đây chắc là một buổi tập kịch,” Gretel kiến xuất, bỏ qua sự thật là một số đứa trong đám trẻ con, thậm chí cả một số đứa lớn hơn, thậm chí có cả những đứa lớn như cô nữa, trông giống như thể đang khóc.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button