Thể loại | Văn Học Việt Nam |
Tác giả | Nguyên Hồng |
NXB | NXB Văn Học |
Công ty phát hành | Huy Hoang Bookstore |
Số trang | 179 |
Ngày tái bản | 05-2010 |
Giá bán | Xem giá bán |
Nội dung
Bỉ vỏ của Nguyên Hồng là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của dòng văn học hiện thực phê phán. Qua tác phẩm, những nét tiêu biểu của một lớp người sống dưới đáy xã hội, cuộc sống lầm than, đói khổ của tầng lớp nhân dân lao động và cả bản chất xấu xa thối nát của xã hội thực dân phong kiến đều được khắc họa tài tình dưới ngòi bút tinh tế của tác giả.
Bính là cô gái nghèo làng Sòi. Vì nhẹ dạ, yêu một gã Tham đạc điền và bị hắn bỏ rơi giữa lúc bụng mang dạ chửa. Cô bị cha mẹ hắt hủi, đay nghiến và đứa bé sinh ra phải đem bán đi vì sợ làng bắt vạ. Đau đớn, Bính trốn nhà đi mong tìm được người tình. Sau mấy ngày đêm lang thang đói khát, có lần suýt bị làm nhục ở một vườn hoa, Bính gặp một gã trẻ tuổi nhà giàu. Gã lừa cô vào nhà hãm hiếp và đổ bệnh lậu cho cô. Vợ gã bắt gặp, đánh đập Bính tàn nhẫn và lôi cô ra Sở cẩm, vu là gái đĩ. Thế là Bính bị đưa vào nhà “lục xì”, sau đó rơi vào nhà chứa của mụ Tài sế cấu.
Sống ê chề cực nhục ở nơi bẩn thỉu hôi hám, Bính ốm nặng. Đau khổ, tuyệt vọng, Bính toan tự tử nhưng được Năm Sài Gòn, trùm lưu manh ở Hải Phòng, chuộc ra khỏi nhà chứa, đem về chăm sóc hết lòng. Nhưng rồi Năm bị bắt. Tuy túng bấn nhưng Bính nhất định không nhận tiền “bồi” (tiền bọn ăn cắp trích nộp “đàn anh”) mà sống bằng buôn bán lương thiện, hy vọng khi Năm trở về sẽ khuyên y từ bỏ cái nghề bất lương và nguy hiểm. Năm được tha nhưng dứt khoát không nghe lời khuyên của Bính. Thế là, bất đắc dĩ, Bính cũng bị lôi kéo vào con đường lưu manh, trở thành một “bỉ vỏ” – người đàn bà ăn cắp. Do một sự hiểu lầm và ghen tuông, Năm Sài Gòn đuổi Bính đi. Bính về Nam Định, gồng thuê gánh mướn kiếm ăn. Được tin bố mẹ ở quê gặp tai họa có thể bị tù, Bính không còn cách nào khác, đã phải nhận lời lấy một viên mật thám để có tiền gửi về cứu bố mẹ. Đang sống yên ổn nhàn hạ bên người chồng mới này thì một biến cố xoay chuyển cuộc đời Bính: Năm Sài Gòn bị bắt bởi chính tay người chồng Bính. Không chút do dự, cô đã lẻn xuống trại giam, mở khoá cứu Năm rồi cùng y đi trốn.
Từ đó, Bính lại trở lại cuộc sống ngoài vòng pháp luật với Năm Sài Gòn, nhưng trong lòng vẫn day dứt khát khao cuộc đời lương thiện. Nhất là sau lần Năm giết Ba Bay, tên “đàn em” đã hớt tay trên của Năm một món “hàng”, Bính càng bị hối hận và sợ hãi giày vò. Cuối cùng, cái kết cục bi thảm đã đến: một lần, Năm cướp được một đứa bé đeo vòng vàng trên tàu thuỷ. Bính hốt hoảng nhận ra đó chính là đứa con mà bao lâu Bính nhớ thương, khắc khoải mong tìm lại. Nhưng nó đã chết! Giữa lúc đó, đội xếp, mật thám ập vào, Năm và Bính đều bị bắt. Chính người mật thám chồng Bính trước đây đã bước tới xích tay cô…
Review
Trích đoạn
Một trưa dân “chạy vỏ” tụ họp ở nhà Năm Sài Gòn.
Vẫn ngọn đèn dầu lạc búp măng sáng trong giữa cái khay Nhật Bản viền chỉ vàng, vẫn chiếc giọc tẩu dài hơn một thước ta bịt bạc và chiếc tẩu đầu hổ ngậm nửa quả cam lên nước mun đen bóng, nhưng trên giường và ở các ghế chung quanh, ta thấy thêm nhiều nhân vật mới lạ.
Chín Hiếc, Mười Khai dắt theo một người hom hem mắt sếch, luôn nhấp nháy tên gọi là Tư nhấp nháy. Sau lưng Tư-lập-lơ, ba anh vốn chuyên môn “khai”,[23] “mõi”[24] ở chợ Đồng xuân Hà Nội mà Tư mới chiêu tập xuống Cảng để thêm vây cánh hoành hành khắp chợ Sắt, chợ Con và chợ Lạc Viên. Ba gã này đều mảnh khảnh, mắt nhìn đều nhanh như chớp, lông mày đều rậm, đuôi nhọn và sếch, cũng quần đen chùng rộng ống, áo cánh trắng cổ bẻ, và cái tên kép cũng chỉ khác nhau chữ đầu thôi: Hai Con, Ba Con, Tư Con.
Còn anh chàng Ba Bay lúc nào cũng “đi” có một mình vì không có ai dù là dân “anh chị” dám đánh đu với hắn. Đời thuở nào trong túi không xu nhỏ nhưng hễ “hồ lỳ”[25] cất mồm “thừa”[26] hàng bạc trăm. Ba Bay ta cũng thò tay mở bát liền. Được thì lấy, thua thì hắn thủng thẳng rút dao giắt ở bên đùi ra gạt nợ. Đã lắm phen gặp phải “hồ lỳ” và con bạc sừng sẹo, hai bên xô xát nhau, nhưng rút cục cái liều thụt mạng của Ba vẫn chiếm phần thắng. Người cuối cùng trong bọn là một gã trẻ tuổi ngồi ở góc tường gần Sáu gáo đồng, đương nghển cổ trừng trừng nhìn vào mặt Năm Sài Gòn. Ý chừng hắn thèm cái hân hạnh được mặt đầy những lốt dao chém và cái đời “anh chị” độc nhất của Năm hay sao nên mắt hắn cứ long lên. Hắn mới cắt máu ăn thề dạo tháng trước, và nhận cái danh hiệu “Ba trâu lăn” của anh em tặng.
Bỗng tất cả im lặng, Chín Hiếc đương chực kéo một hơi thuốc lào cũng phải buông xe điếu xuống chiếu nghe Tư-lập-lơ nói:
– Anh em ơi! Nguy đến nơi rồi!
Năm Sài Gòn mỉm cười:
– Nguy ra sao?
Giọng nói khinh thường ấy không đủ dẹp được sự lo lắng của Tư-lập-lơ, hắn thong thả bảo Năm:
– Anh không lo, nhưng chúng tôi lo, bây giờ “cớm”[27] nó “trõm”[28] ghê lắm.
Ba trâu lăn, Ba Bay nhao nhao lên hỏi:
– Trõm ai, trõm ai?
Tư-lập-lơ lắc đầu trách Chín Hiếc:
– Chỉ tại mày thôi, trêu ngay vào cái của “hóc búa” ấy rồi để khó khăn cho anh em.
Chín Hiếc chực cãi, Tư-lập-lơ đã nói át đi.
– Người đàn bà mất tiền ấy là vợ một cớm chùng[29] ở Hồng Gai mới đổi về đây, không biết “tiểu yêu” của mày làm ăn ra sao để đến nỗi thằng bé rơi xuống hố, đập cả sống mũi, vào nhà thương được năm hôm thì chết.
Không một vẻ cảm động trên mười mấy khuôn mặt đen xạm, Năm Sài Gòn chậm rãi nói:
– Nó chết thì bố mẹ nó chôn, việc gì mình phải lo?
Ba trâu lăn và Ba Bay đồng thanh:
– Đúng đấy!
Tư-lập-lơ mặt đỏ bừng, muốn đá thốc cho hai thằng này mấy cái, nhưng có Năm ngồi đấy, hắn phải cố nuốt sự uất ức.
– Các anh thì việc gì, bình chân như vại, chỉ khổ riêng cho cánh chúng tôi thôi. Hai tháng nay tôi không được một xu nhỏ. Tôi bãi hẳn các “tiểu yêu” vì chung quanh và trong chợ lúc nào cũng có mật thám, phụ mật thám, đội xếp đi lại. May mà tháng trước tôi nhờ người nói lót lão đội Lễ nửa tá sâm banh và hai trăm trứng gà ngày cưới vợ bé của lão, chứ không “cớm” và “phụ cớm”[30] nể gì mà không “tôm”[31] tôi. Tư-lập-lơ ngừng lại một giây, uống chén chè tàu tự rót đoạn nói luôn:
– Mà anh Năm ạ, chúng lại rục rịch bắt hết những “yêu”[32] quen mặt ở phố Khách, phố Đầu Cầu, phố Ba Ty, những cánh chơi ở ngõ Trần Đông, Lạc Viên và An Dương, những sòng bạc ở Cấm và ở Vẻn, và cấm hẳn những cơm thầy, cơm cô tụ họp ở vườn hoa Đưa người. Nếu như thế này anh em mình đến phải kéo cánh lên Hà Nội hay về Nam, chứ ở đây thì tù dắt nút mất.
Năm Sài Gòn hất hàm:
– Ai bảo chú chạy đồ lễ cho “cớm”. Sao chú hèn thế?
Tư-lập-lơ chưa kịp đáp. Chín Hiếc nhìn Tư-lập-lơ càu nhàu:
– Mấy tháng này khó dễ là bởi tại đâu chứ nào phải tại tao mà mày gieo cho nhiều điều tiếng thế?
Ba Bay xen nhời:
– Trách Chín Hiếc làm gì? Tao đây trần như dộng mà vẫn phải cắn răng chịu nữa là.
Sáu gáo đồng chêm vào:
– Cả tôi cũng “kện” sạch “bướu”[33] mà cũng đành phải bó tay!
Chớp chớp mắt, Tư-lập-lơ trông mọi người; vẫn dẽ dàng nói:
– Thế này mới lại khổ chứ, mới quái ác chứ! Tháng trước đây trong đề lao Hải Phòng ở “trại áo đen”[34] có một “so phụ cớm” bị giam vì làm tiền một người. Cai trại ấy vốn dòng dõi “yêu đạo” liền nhắn ngay người đi làm “cỏ vê” kiếm cho mấy thẻ hương để hành tội so phụ cớm kia. Các anh có biết hắn hành bằng cách gì không?
Để mấy người ngơ ngác, Tư-lập-lơ nhăn mặt cười, tự trả lời:
– Một sự hành hạ chắc chưa từng thấy ở thế gian này, các anh ạ. Cai trại hắn chờ một tối thứ bảy các cửa khóa đâu đấy, liền thắp ba nén hương cắm lên nắp thùng phân nằm cuối trại, và sai một “tiểu yêu” giải chiếu, một tiểu yêu lôi người “so phụ cớm” đến. Hắn bắt, “so” nọ lạy cái bàn thờ ấy ba lạy. Lạy đoạn, hắn bắt quỳ thẳng lên rồi dõng dạc đọc từng tội một của “so” cho cả hàng trại nghe: nào vì “so” vụ mất trộm đồ thờ ở đền Cấm vỡ lở, nào vì “so” cánh “chạy” trong làng Vẻn bị bắt không còn sót một mống, thằng nào thằng ấy bị “xăng-tan” dừ tử, nào vì “so” ba sòng sóc đĩa của dân “yêu” bẹp tai ở Lạc Viên và hai sòng trạc sếch ở phố Khách bị phá. Cai trại kể tội xong, một “yêu” khác nhảy xuống chiếu đóng vai Chánh án bệ vệ tuyên án. Tên “phụ cớm” này phải nói to lên nhận từng tội của mình, phải quỳ lạy thùng phân thêm ba lạy nữa, rồi phải tự xúc lấy một bát phân mà ăn cho mọi người xem, nếu không “tòa” chỉ sai phí một người chịu 15 ngày sà lim, cùm hai chân, ăn cơm nhạt để đền vào cái mạng người dám trái lệnh tòa. “So phụ cớm” run không được, mặt tái mét, đánh nhắm mắt nuốt… cho cả trại tù reo vỗ tay cười. Việc ấy lọt ra ngoài nên ngày nay dân “cớm” quyết bắt kỳ hết dân “yêu vỏ”.
Tư-lập-lơ kể xong, Năm Sài Gòn cười váng lên. Năm chợt nhớ lại năm xưa trong hỏa lò Hà Nội và trong khám lớn Sài Gòn, Năm cũng sai trả thù hai “phụ cớm” như thế. Tiếng cười của Năm chưa dứt, những giọng cười ròn rã khác thi nhau ran lên.
– Hả! Hả! Phụ mẫu ạ!
– Ít quá! Bắt nó ăn ít quá. “Thâm bo”[35] cũng còn là nhẹ tội.
Một gã đứng phắt lên:
– Vì còn thiếu vài chai rượu “bia” nữa.
Lại một dịp cười ran lên với những tiếng đập bàn, đập chiếu làm rung chuyển cả nhà. Chợt Tám Bính đẩy cửa bước vào. Năm Sài Gòn liền hất hàm giới thiệu với mọi người:
– Nhà tôi đấy các chú ạ!
Ba trâu lăn trố mắt nhìn. Hắn cố nhớ xem đã gặp Bính lần nào chưa mà trông Bính quen quá.
– Chị trước ở nhà mụ Tài-sế-cấu phải không anh Năm?
Năm Sài Gòn cười, gật đầu. Ba trâu lăn hỏi luôn:
– Anh cưới về đã bao lâu mà chị đã bưng trống thế kia?
Năm sung sướng:
– Bét dịp[36] rồi.
Thấy hàng chục cặp mắt tinh quái nhìn trõ vào mặt mình, hai má Bính nóng lên, Bính vội đi vào buồng. Tuy ngả lưng xuống giường, nhưng Bính vẫn lắng tai nghe bên ngoài chuyện trò và bàn tán.
Ba Con nắm tay Chín Hiếc hỏi:
– Vậy làm khó dễ cho anh em vì cả anh vào trong đề lao, anh nghĩ sao bây giờ?
Chín Hiếc quắc mắt lườm:
– Anh lôi thôi quá! “Cớm” canh gác riết thế này mình cứ “làm tiền” mới can trường chứ. Tôi thật lấy làm lạ: lúc chia năm chia bảy, chẳng ai trách tôi, mà ngày nay xảy ra cơ sự này, các anh lại trút cả lên đầu tôi thì còn giời đất nào nữa!
Ba trâu lăn về hùn với Chín:
– Bất quá chúng ta nghỉ “chơi” độ dăm tháng cho đỡ nhọc xác, vậy càng hay. Có một tý thế mà cũng rối beng cả lên, chả trông anh Năm, nước đến chân vẫn cứ như thường.
Một người đáp:
– Anh Năm khác!.. Chúng mình khác!..
Ba trâu lăn cười mũi:
– Anh Năm khác; các anh khác, vì các anh sợ bị bắt, sợ chết chứ gì!
Tức thì Ba Bay phanh ngực nói to:
– Như tôi đây gầy còm thế này cũng có thể chịu nổi vài nhát dao chém,vài trận đòn “xăng tan”, vài tháng tù, huống chi các anh béo khỏe như vâm ấy mà sợ thì lạ thật!
Tư-lập-lơ hừ một tiếng:
– Mình để cho người ta chém tức là mình kém, mình chém người ta rồi ngồi tù mới giỏi chứ, và mình sả cả “cớm” mới can trường hơn. Nội bọn ta đây, tôi dám hỏi rằng ai là tay chơi, ai can trường, quyết bênh vực anh em mà thì cho “cớm” vài nhát nào?
Năm Sài Gòn nóng sôi ngươi lên, nghiến răng, nắm chặt bàn tay đập mạnh một cái xuống giường, làm rung chuyển cả chân niễng:
– Chú muốn thịt ai?
– Đội “cớm” Minh, “cớm chùng” Hiếu và các thằng xếp Bảy mề đay anh lạ gì còn phải hỏi(?!).
Năm đã đỏ tía mắt lên, vùng dậy rút lưỡi dao sáng loáng cài trên đình màn xuống, xăm xăm chực đi. Bính chạy xổ ra, run cầm cập, ôm chặt lấy Năm, ríu lưỡi kêu:
– Đừng hung tợn thế!.. Em van mình! Đừng hung tợn thế!.. Em van mình!… Em van mình!…
Năm gỡ tay Bính, mắt sáng quắc, long lên, miệng sùi bọt mép:
– Mặc tôi! Mặc tôi!
– Em lạy mình đấy! Thương em chứ!
Năm toan gạt Bính ra bên nhưng Bính nằm lăn ra đất và giữ lấy ống quần Năm khóc nức nở. Năm vội cúi xuống, ẵm bổng Bính đặt lên giường, thì Bính vòng hai tay qua nách, túm chặt lấy áo Năm:
– Em lạy mình! Đừng hung tợn thế! Em van mình! Mình thương em! Giời ơi!..
Mấy giọt nước mắt của Bính qua lần lụa mỏng thấm vào da thịt Năm Sài Gòn. Một cảm giác ghê lạ chuyển khắp người Năm khi bụng Bính ép vào lưng Năm. Hắn ngoái cổ trông lại. Mắt long lanh vừa gặp mắt Bính chan hòa, Năm Sài Gòn cực chẳng đã thở hồng hộc ngồi xuống giường:
– Ừ, thì mình cứ buông tôi ra
– Để mình đi à?
– Không, tôi không đi đâu, mình đừng sợ.
Năm vừa ngừng nói, Ba trâu lăn tiến đến giằng lấy dao:
– Thôi anh Năm ở nhà cho tôi mượn con “đoàn”[37] này để tôi thay anh sả chúng cho.
Hơn mười con mắt sáng ngời đổ dồn vào Ba. Riêng Tám Bính kinh ngạc.
Ẩn Danh
Bỉ vỏ _ Người đàn bà hành nghề ăn cắp. Một câu chuyện bi kịch đậm chất hiện thực.
Nếu làm quen với văn học mà không biết đến Tắt đèn ( Ngô Tất Tố), Lão Hạc ( Nam Cao), hay Bỉ Vỏ của Nguyên Hồng thì thật là một điều đáng tiếc. Văn học ngày ấy có nhiều chuyện phải nói, phải nghĩ, nhiều vấn đề xã hội phải bàn, và cần thêm những giọt nước mắt mặn chát để cảm nhận.
Có bao nhiêu con người thấp cổ bé họng đã bị xã hội thối nát ấy vùi dập? Có bao nhiêu con người cơ cực tận cùng đã bị xã hội ấy làm cho họ trở nên tha hóa, biến chất để được sống sót? Có bao nhiêu bất công, mâu thuẫn giai cấp? Bao nhiêu cái xấu, cái tốt hiện lên qua Bỉ Vỏ?
Một con người lương thiện, dù có bị tha hóa, lưu manh đến đâu, cho đến cuối cùng cũng vẫn là con người lương thiện. Trong hệ thống các nhân vật mà nhà văn Nguyên Hồng đã kì công xây dựng nên, tôi trân quý nhân vật Năm Sài Gòn nhất. Đối với người ta, Năm Sài Gòn du côn, cướp bóc, tệ hại, đáng ghét, đáng chết bao nhiêu thì tôi lại xót xa, thương cảm và mong muốn hạnh phúc trọn vẹn đến với anh bấy nhiêu. Trong cái xã hội thực dân nửa phong kiến lụn bại ấy, họ không có quyền được sống, hay nói đúng hơn là không có cơ hội chọn lựa cho mình một cách sống, một lối sống đúng như họ mong muốn. Dòng đời cuốn họ đi, trôi dạt lênh đênh rồi tấp vào những bến bờ vô định. Có bao nhiêu con người như thế? Có bao nhiêu Năm Sài Gòn, bao nhiêu Tám Bính đã bị bỏ rơi?
Tình thương luôn đến từ những điều bình dị nhất, qua những hành động tưởng chừng như đơn giản nhưng lại chất chưa tất cả sự chân thành. Bạn phải đọc, phải cảm, phải mở lòng ra với tất cả thì bạn mới có thể thấu hiểu được tình yêu giữa những con người cơ cực đó họ dành cho nhau to lón như thế nào. Thậm chí họ có thể vứt bỏ cuộc sống ấm no đầy đủ để chạy theo tiếng gọi từ trái tim, họ có thể không màng đến một phần thân thể mình bị mất đi chứ không thể bỏ người bạn đời. Họ làm tất cả cho nhau. Thế giới của họ bên ngoài là sự khinh miệt của người đời, của xã hội, nhưng trong đó lại chan chứa tình yêu thương, cảm thông, san sẻ…..
Bỉ Vỏ là chuỗi bi kịch tiếp nối nhau từ đầu đến cuối. Mở đầu trong cái đau đớn của người mẹ bị cướp con và kết thúc cũng trong nỗi đau giày xé vì mất con khi chưa kịp vui mừng trong ngày gặp lại. Bỉ Vỏ kết thúc trong cái âm u lạnh lẽo của nhà giam, của sự hụt hẫng, xót xa….
Có những cuốn sách tốt sẽ nuôi dưỡng, bồi đắp tình thương của con người lớn lên, mà Bỉ Vỏ là một trong những tác phẩm như vậy!
p/s : Không nên để những Cuốn sách như thế này ngủ quên quá lâu trong xã hội,