Review

30 ngày thiền quán

Thể loại Nghệ thuật sống
Tác giả Joseph Goldstein
NXB NXB Lao Động Xã Hội
Công ty phát hành Thái Hà
Số trang Đang cập nhật
Ngày xuất bản 05-2016
Giá bánXem giá bán

30 Ngày Thiền Quán. Cuốn sách này ghi lại những bài giảng , lời chỉ dẫn của thiền sư joseph Goldstein trong một khóa tu 30 ngày liên tục do ông và các thiền sư khác tổ chức. Một khóa tu 30 ngày thường diễn ra với một lịch trình từ sáng sớm đến tối khuya với những thời thiền tọa xen lẫn thiền hành, và vào mỗi buổi tối thường sẽ có một bài giảng ngắn và một phàn dành cho việc giải đáp thắc mắc của thiền sinh . Cho nên bạn đọc có thể thấy sách được chia thành 30 buổi tối, với mỗi chủ đề tương ứng kèm theo những băn khoăn của thiền sinh. Đặc biệt là phần trả lời của thiền sư chẳng những giải đáp được cho thiền sinh ngay lúc ấy mà còn thể hiện kinh nghiệm thiền tập thâm sau của tác giả.

Chính vì điều này mà cuốn sách đã thực sự trở thành một cẩm nang quý giá, thiết thực cho những ai mong muốn thấy được tâm mình thông qua hành thiền. Những lời dạy của thiền sư thật sự rất thực tế và có ích lợi không chỉ trong khóa tu thiền mà còn có thể ứng dụng trong đời thường.

[taq_review]

Trích đoạn

Mở đầu cho mỗi kỳ tu học là truyền thống quy y Tam bảo cho mỗi thiền sinh. Quy y có nghĩa là trở về nương tựa. Tam bảo có nghĩa là Phật, Pháp và Tăng. Quy y Phật có nghĩa là nhìn nhận rằng trong chúng ta ai cũng có hạt giống giải thoát, tỉnh thức. Nó cũng có nghĩa là trở về nương tựa nơi những đức tính cao thượng của đức Phật như vô úy, trí tuệ, từ bi. Trở về nương tựa Pháp có nghĩa là sống trong giáo pháp của đức Phật, chân lý của mọi vật; tức là nhìn nhận sự trở về với sự thật, để giáo pháp của đức Phật được biểu hiện nơi tâm mình. Trở về nương tựa Tăng có nghĩa là dựa vào sự nuôi dưỡng về tinh thần lẫn vật chất của những người có cùng một chí hướng, cùng giúp đỡ, hướng dẫn nhau trên con đường tỉnh thức và giải thoát.

Một nền tảng tối cần thiết cho việc tu tập thiền quán là giữ gìn một số giới luật. Giới luật là một phương thức để duy trì sự trong sạch căn bản cho thân thể, lời nói và ý nghĩ. Năm giới luật mà hành giả phải cố gắng giữ là: không sát hại, có nghĩa là không được giết hại bất cứ một sinh mạng nào, ngay cả con muỗi hay con kiến; không trộm cắp, có nghĩa là không được lấy những gì không phải là của mình; không tà dâm, ở đây trong khóa tu này thì nó có nghĩa là giữ cho mình được trong sạch; không nói láo hay nói những lời mà mình không biết chắc, không được nói những lời ác độc, gây chia rẽ; không uống rượu và sử dụng các chất ma túy. Năm giới luật này sẽ giúp cho ta có được một nền móng vững chắc để phát triển định lực, và từ đó sẽ phát sinh trí tuệ.

Chúng ta có cơ hội ngồi chung với nhau hôm nay, để quán chiếu lại chính mình trong một khung cảnh yên lặng và tĩnh mịch này, là một điều vô cùng quý báu. Thật là hiếm mà có một dịp để bỏ ra trọn một tháng để hành thiền, để tìm lại con người của mình, tìm hiểu coi mình là ai. Ðể giúp cho sự tu tập của mình được quân bình và nghiêm trang, hành giả nên có một số những đức tính sau đây.

Ðiều thứ nhất là đức kiên nhẫn. Sẽ có những lúc mà ngày tháng dường như dài bất tận, và hành giả sẽ tự hỏi mình, nhất là vào những lúc bốn giờ rưỡi sáng trong ngày lạnh trời: ta làm gì ở chốn này đây! Trên con đường tu tập thiền quán sẽ có rất nhiều thăng trầm. Có những khi hành giả sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, an lạc, tươi mát và sáng suốt. Rồi cũng có những lúc hành giả chỉ cảm thấy sự nhàm chán, đau đớn, bất an và nghi ngờ. Ðức kiên nhẫn sẽ giúp hành giả giữ cho tâm mình được quân bình khi trải qua những kinh nghiệm này. Có người hỏi Trungpa Rinpoche rằng: “Trong đạo Phật, ân sủng nằm ở chỗ nào?”. Ông trả lời “ân sủng” chính là đức kiên nhẫn. Nếu chúng ta có một tâm kiên nhẫn, chân như của mọi vật sẽ tuần tự phơi bày trong ta một cách tự nhiên và có tầng lớp. Kiên nhẫn có nghĩa là giữ một tâm quân bình cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra, một tâm thoải mái, nhẹ nhàng và có ý thức.

Milarepa, vị du già Tây Tạng nổi tiếng, khuyên các đệ tử của ngài phải “ vội vã một cách chậm chạp”. Vội vã ở đây có nghĩa là cố gắng một cách liên tục, không suy chuyển. Nhưng phải biết cố gắng với một tâm thức trầm tĩnh và cân bằng. Hãy kiên trì và cố gắng nhưng bao giờ cũng phải giữ cho mình được thoải mái và thăng bằng.

Một yếu tố khác có thể giúp cho sự thiền quán của hành giả được thâm sâu là giữ thinh lặng. Chúng ta thường không bao giờ có dịp quán sát những gì đang xảy ra trong tâm của mình vì hay nói chuyện. Nói chuyện thường làm xao lãng sự chú ý và tiêu hao năng lực của mình. Những năng lực mà ta bảo tồn được bằng cách giữ im lặng, có thể được dùng để khai triển sự tỉnh thức và Chánh niệm của mình. Cũng giống như phương pháp hành thiền, sự thinh lặng phải được thực hành một cách tự nhiên và thoải mái. Nhưng đó không có nghĩa là ta muốn nói chuyện lúc nào cũng được, mà là phải biết sống một ngày ý thức trong thinh lặng. Nếu ta giữ được sự thinh lặng, mọi hoạt động, thay đổi về tâm lý, vật lý trong ta sẽ trở nên vô cùng rõ rệt. Sự thinh lặng trong ngôn ngữ sẽ dẫn đến sự thinh lặng trong tâm hồn.

Mọi sự giao thiệp, đụng chạm giữa bạn bè hay vợ chồng đều nên giới hạn. Ta hãy tạo cho mình một ý niệm cô độc. Muốn được như thế, ta hãy tạm bỏ qua một bên những dự tưởng của mình về chính mình, về sự liên hệ với chung quanh, về những người khác. Ta hãy dùng thời gian này để kinh nghiệm lấy chính mình cho thật sâu sắc.

Mỗi người chúng ta, ai rồi cũng sẽ từ giã cuộc đời này một mình. Cho nên ta hãy tập đối diện với sự cô đơn căn bản ấy ngay từ bây giờ, hãy làm bạn với nó. Với sự hiểu biết ấy, tâm ta sẽ trở nên vững chãi và an lạc. Khả năng này có thể giúp cho ta sống hòa đồng, an vui với những người chung quanh ta. Một khi ta có thể tự hiểu được mình, sự liên hệ với thế giới bên ngoài sẽ trở nên dễ dàng và có ý nghĩa hơn.

Để cho khóa thiền này được lợi ích, bạn không nên đem pha trộn nhiều phương pháp thiền khác vào đây. Trong số ở đây chắc có nhiều bạn đã thực hành nhiều phương pháp của các trường phái khác nhau. Nhưng trong khóa thiền này tôi xin bạn hãy chỉ tập trung tâm ý mình vào sự tu tập Vipassana, hay thiền Minh Sát Tuệ. Chính nhờ sự luyện tập Chánh niệm mà trí tuệ phát sinh. Nội trong một tháng này, bạn tập trung hết mọi cố gắng của mình vào công việc thực tập Chánh niệm trong mỗi giây phút, có được như vậy sự tu tập của bạn sẽ khỏi bị nông cạn. Nếu mọi cố gắng của bạn đều nhằm về một hướng, tâm của bạn sẽ trở nên vô cùng mãnh liệt và thẳm thấu.

Hãy từ tốn và chậm chạp lại. Ðiều này có một giá trị rất lớn lao. Không có gì đáng để vội vã cả, không có một chốn nào để tới, cũng chẳng có một việc gì khác để làm, chỉ cần thong thả sống trong giờ phút hiện tại. Trong phạm vi hoạt động hằng ngày, ta hãy giữ cho mình có một tâm ý thật tỉnh thức, cẩn thận chú ý đến mọi cử động của mình. Duy trì tâm ý tỉnh thức liên tục trong một thời gian, sẽ giúp cho công phu thiền quán của ta càng ngày càng thêm thâm sâu.

Chúng ta sẽ bắt đầu phương pháp ngồi thiền bằng cách đặt chú ý của mình vào một đối tượng thiền quán giản dị: quán niệm hơi thở. Hãy chọn một thế ngồi cho được thoải mái, dễ chịu, giữ cho lưng được tương đối thẳng, nhưng cũng không nên cố gắng quá. Nếu tư thế ngồi của ta bị tù túng hay không ngay thẳng, chúng ta sẽ dễ dàng trở nên khó chịu. Bạn cũng có thể ngồi trên một chiếc ghế nếu bạn muốn. Ðiều quan trọng là đừng nên nhúc nhích nhiều qua. Mắt nên nhắm, trừ khi bạn đã tập ngồi thiền mà mắt hơi mở, và bạn muốn chọn cách ấy. Mắt mở cũng chỉ là một phương cách để đặt ánh mắt vào một điểm nào đó, rồi quên nó đi. Theo tôi thấy thì nhắm mắt lại một cách thoải mái là dễ hơn hết. Nhưng bạn muốn sao cũng được.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button