Khám Phá Thế Giới Tâm Linh
Thể loại | Kỹ năng – Sống đẹp |
Tác giả | Gary Zukav |
NXB | NXB Trẻ |
Công ty phát hành | First News – Trí Việt |
Số trang | 271 |
Ngày tái bản | 10-2011 |
Giá bán | Xem giá bán |
Giới thiệu sách
Bằng những trải nghiệm sống động từ chính cuộc đời mình, cùng với đầu óc khoa học cởi mở, tiếp thu cả những tinh hoa triết lý phương Đông và phương Tây, tác giả Gary Zukav muốn chia sẻ với mọi người những hiểu biết về thế giới nội tâm của con người qua một cách nhìn khác, “nhận thức đa giác quan” (multisensory perception) – một cách nhìn mà ai cũng cảm giác là có thật, nhưng chúng ta còn hiểu biết về nó rất lờ mờ và trước đây chưa ai có thể gọi tên hay mô tả một cách cụ thể.
Khám Phá Thế Giới Tâm Linh thực sự là một “cuộc cách mạng” trong việc khám phá thế giới nội tâm và khám phá nhứng điều có thật bên ngoài ảnh hưởng đến tinh thần con người. Quyển sách là một huyền thoại của ngành xuất bản, luôn nằm trong danh sách bán chạy nhất – bestseller – theo xếp hạng của New York Times trong suốt 5 năm liền! Sách đã bán hơn 5 triệu bản riêng tại Mỹ và được chuyển dịch sang 24 ngôn ngữ trên thế giới.
[taq_review]
Trích đoạn sách
Ý định và sự tạo lập thực tại cuộc sống
Bạn là sản phẩm do Nghiệp của linh hồn bạn tạo thành. Tâm tính, khả năng và thái độ của bạn từ lúc sinh ra đã phục vụ cho việc học hỏi của linh hồn bạn. Một khi linh hồn bạn học được cách cân bằng lại năng lượng, những đặc trưng kia (tâm tính, khả năng và thái độ) trở nên không cần thiết nữa và được thay thế bằng những đặc trưng khác. Đây là cách bạn trưởng thành. Chẳng hạn, khi bạn nhận ra rằng cơn giận dữ không đưa bạn tới đâu cả, thì cơn giận dữ bắt đầu biến mất và bạn chuyển sang những trải nghiệm hòa hợp hơn và chín chắn hơn. Những gì từng châm ngòi cho cơn thịnh nộ của bạn nay lại gợi mở cho bạn có những cách phản hồi khác.
Cho tới khi bạn nhận biết được những hệ quả do cơn giận dữ của mình gây ra, không thì bạn vẫn tiếp tục tỏ ra cộc cằn, nóng nảy. Nếu cho đến lúc trở về cội mà bạn vẫn chưa “ngộ” ra được điều này, linh hồn bạn sẽ vẫn tiếp tục gạo lại “bài học cũ” thông qua những trải nghiệm ở một kiếp đời khác. Linh hồn bạn sẽ tái sinh vào một bản ngã khác, có những khía cạnh tương tự như bản ngã hiện thời của bạn. Những gì chưa học hỏi ở kiếp đời trước sẽ được mang sang kiếp đời khác, kết hợp với những bài học mới, những Nghiệp lực mới – sinh ra từ cách phản hồi của bản ngã trước tình huống gặp phải. Bên cạnh đó, những bài học tích lũy được cũng được mang theo vào kiếp đời khác. Đây là cách linh hồn tiến hóa. Bản ngã trưởng thành, hoàn thiện theo một khoảng thời gian hạn định, còn linh hồn thì tiến hóa vĩnh cửu.
Tâm tính, khả năng và thái độ của bạn phản ánh những ý định của bạn. Nếu bạn giận dữ, sợ hãi, căm hận, thù hằn, bạn đang nuôi ý định “xua người khác lánh xa bạn”. Cảm xúc của con người có thể được chia rạch ròi thành hai thành tố cơ bản: yêu thương và sợ hãi. Giận dữ, căm hận, thù hằn, cũng như mặc cảm tội lỗi, ân hận, bối rối, xấu hổ, lúng túng, đau khổ là những biểu hiện của nỗi sợ hãi. Chúng là những dòng năng lượng tần số thấp. Chúng sinh ra những cảm xúc khiến bạn cảm thấy suy yếu, bất lực, và kiệt quệ. Dòng năng lượng có tần số cao nhất là tình yêu thương. Nó làm cho con người trở nên hăng hái, nhiệt tình, rạng rỡ, thanh thản, nhẹ nhàng và tràn ngập niềm vui.
Ý định của bạn tạo ra thực tại mà bạn trải nghiệm. Chừng nào bạn chưa nhận biết được điều này, chừng đó ý định vẫn nảy sinh một cách vô thức. Vì vậy, hãy lưu tâm chú ý đến những gì bạn dự tính. Đây là bước đầu tiên hướng bạn đến nguồn sức mạnh đích thực.
Chẳng hạn, bạn đang tìm kiếm cảm giác thân thuộc và nồng ấm, nhưng nếu ý định vô thức của bạn là “giữ khoảng cách với mọi người”, những trải nghiệm “bị cô lập” và “đau đớn” sẽ liên tục xuất hiện cho tới khi bạn hiểu chính bạn đang tạo ra chúng. Từ hiểu biết đó, bạn lựa chọn tạo ra sự hòa hợp và tình yêu thương. Bạn sẽ thu hút về mình những dòng năng lượng có tần số cao nhất trong mỗi hoàn cảnh. Cuối cùng, bạn sẽ hiểu rằng tình yêu có thể chữa lành, hàn gắn tất cả mọi thứ, và tình yêu bao hàm tất cả.
Cuộc hành trình này có khi phải mất nhiều kiếp đời, nhưng bạn cũng sẽ đi đến đích. Bạn không thể không hoàn tất nó. Vấn đề không phải là có hoàn tất hay không, mà là khi nào. Mỗi tình huống/hoàn cảnh bạn gặp và mỗi trải nghiệm/kinh nghiệm của bạn đều phục vụ cho mục đích này.
Cuộc hành trình chữa lành của linh hồn loài người thông qua những cuộc tái sinh của linh hồn trong thế giới vật chất là một tiến trình gồm những chu kỳ hình thành nên những dạng thức phi vật chất như sau:
Nghiệp → nhân cách/bản ngã → những ý định + năng lượng → những kinh nghiệm/trải nghiệm → những phản ứng → Nghiệp → …
Nghiệp của linh hồn quyết định những đặc điểm của nhân cách (hay bản ngã). Nó quyết định những tình huống về thể lý, cảm xúc, tâm lý, và tâm linh mà trong đó bản ngã được sinh ra. Nó quyết định những cách thức để bản ngã hiểu được những trải nghiệm của mình. Nó quyết định cả những ý định bản ngã đưa ra để định hình nên thực tại. Những ý định này tạo ra bối cảnh thực tại nhằm cung cấp cho linh hồn những trải nghiệm cần thiết cho sự cân bằng năng lượng; và gợi mở cho bản ngã những chọn lựa sáng suốt, rõ ràng nhất – giữa việc học hỏi thông qua sự thông thái hoặc học hỏi thông qua nỗi nghi ngờ, sợ hãi. Từ những ý định này, bản ngã định hình cho dòng Ánh Sáng tuôn chảy qua nó vào thực tại tối ưu, giúp cho sự trưởng thành của bản ngã và sự tiến hóa của linh hồn.
Những phản ứng – mang tính nóng vội, thiếu suy xét – của bản ngã trước những trải nghiệm do nó sinh ra sẽ tạo thêm Nghiệp quả. Cách phản ứng ra bên ngoài biểu lộ cho thấy những ý định ẩn chứa bên trong. Chúng quyết định trải nghiệm nào sẽ được tạo ra kế tiếp; và phản ứng của bản ngã trước những trải nghiệm đó tiếp tục tạo thêm Nghiệp. Nếu không thay đổi theo hướng tích cực hơn, vòng lẩn quẩn (Nghiệp → nhân cách/bản ngã → những ý định + năng lượng → những kinh nghiệm/trải nghiệm → những phản ứng → Nghiệp → …) cứ tiếp tục xoay vần cho tới khi linh hồn rời bỏ bản ngã và thể xác.
Khi linh hồn trở về cội, những gì đã được tích lũy trong kiếp đời đó sẽ được xem xét với sự trợ giúp đầy yêu thương của những Người Thầy và người dẫn dắt. Khi ấy, linh hồn thấy rõ những bài học mới xuất hiện để được học và cả những quả Nghiệp mới phải được trả. Những trải nghiệm trong lần tái sinh vừa hoàn tất sẽ được xem xét lại với sự hiểu biết đầy đủ. Thế là sự tái sinh không còn là điều bí ẩn nữa. Lý do linh hồn tái sinh và những đóng góp của quá trình tái sinh cho sự tiến hóa của linh hồn, cho sự tiến hóa của những linh hồn có liên quan, sẽ được hé lộ. Những món nợ đã được thanh toán và những bài học đã được tiếp thu sẽ giúp chữa lành linh hồn, đưa linh hồn đến gần sự hòa hợp và sự toàn vẹn hơn bao giờ hết.
Nếu linh hồn nhận thấy cần thiết, linh hồn sẽ tái sinh thêm một lần nữa với sự trợ giúp của những Người Thầy và người dẫn dắt. Linh hồn sẽ thu hút về phía mình những lực lượng hỗ trợ thích hợp để giúp hoàn thành mục đích tái sinh. Đồng thời, linh hồn tham khảo thêm ý kiến từ những linh hồn khác – đang tiến hóa giống như mình – để tương trợ lẫn nhau. Một lần nữa, linh hồn lại thu nhỏ toàn bộ năng lượng của mình, truyền năng lượng vào vật chất (cơ thể và bản ngã), định cỡ năng lượng lại theo tỷ lệ và biên độ tần số thích hợp. Đó là cách linh hồn tái sinh vào Ngôi Trường Trái Đất. Thế là tiến trình học hỏi lại bắt đầu.
Thế giới chúng ta đang sống không được xây dựng dựa trên nền tảng ý thức linh hồn. Nó được xây dựng với ý thức bản ngã. Tất cả mọi thứ bên trong thế giới đều phản ánh năng lượng của bản ngã. Chúng ta tin rằng những gì chúng ta nhìn, ngửi, sờ chạm, cảm nhận và nếm được là tất cả những gì có trong thế giới. Chúng ta tin mình không phải chịu trách nhiệm cho những hành động mình làm, nên ta hành động như thể bản thân không bị ảnh hưởng gì. Thế là chúng ta cứ mặc sức thu vén cho riêng mình nhằm đạt được sức mạnh ngoại hiện; và hệ quả là những cuộc cạnh tranh khốc liệt nảy sinh.
Việc đưa ý thức vào chu trình tiến hóa của linh hồn sẽ cho phép tạo nên một thế giới được xây dựng dựa trên ý thức linh hồn – một thế giới phản ánh những giá trị, nhận thức và những trải nghiệm của linh hồn. Nó cho phép bạn đưa năng lượng linh hồn vào cuộc sống một cách ý thức. Nó làm cho thế giới vật chất thấm đẫm tính thiêng liêng.
Thế giới ta đang sống được kiến tạo một cách vô thức bởi những ý định vô thức. Mỗi ý định đều đưa nguồn năng lượng vào vận động – cho dù bạn ý thức được về nó hay không. Bạn sáng tạo trong từng khoảnh khắc. Mỗi lời bạn nói ra đều xuất phát từ ý thức, hơn thế nữa, đều chứa đựng sự thông tuệ; vì vậy, mỗi lời của bạn là một ý định “nhào nặng” dáng hình cho nguồn Ánh Sáng phi vật chất.
Chẳng hạn, khi bạn nói về “hôn nhân”, bạn khơi dậy một ý thức đặc trưng, một năng lượng đặc trưng. Khi hai người cưới nhau, họ trở thành “vợ – chồng”. “Chồng” có nghĩa là người chủ, là trụ cột, là người quản lý gia đình. “Vợ”, tức người phụ nữ sánh đôi với người đàn ông trong cuộc sống hôn nhân, là bà chủ, là nội tướng trong gia đình. Đôi khi “vợ” có nghĩa là người phụ nữ giữ vị trí khiêm nhường. Do vậy, mối quan hệ “vợ – chồng” như thế là không bình đẳng. Sau hôn nhân, cả hai suy nghĩ và nói về nhau với tư cách là “chồng”, là “vợ”. Họ bắt đầu rơi vào khuôn ý thức và hiểu biết cũ này.
Nói cách khác, cấu trúc nguyên mẫu (archetypical structure) của “hôn nhân” có thể được xem như là một hành tinh. Khi hai linh hồn cưới nhau, họ rơi vào quỹ đạo hay trường hấp dẫn của “hành tinh – hôn nhân”. Vì vậy, bất chấp những ý định riêng của mỗi người, họ bắt đầu tiếp nhận những đặc điểm của “hành tinh – hôn nhân” này. Họ trở thành một phần trong sự tiến hóa chung của nguyên mẫu “hôn nhân” thông qua cuộc sống hôn nhân của họ.
Mỗi nguyên mẫu (archetype) là một ý tưởng mang tính tập thể của loài người. Nguyên mẫu “hôn nhân” ra đời nhằm duy trì sự sinh tồn của loài người. Khi hai con người đến với nhau, họ tham gia vào một dạng động lực năng lượng, họ hòa nhập hai cuộc đời làm một nhằm giúp nhau sống sót theo quy luật tự nhiên. Song, nguyên mẫu “hôn nhân” ngày nay không còn giữ chức năng ấy nữa. Nó đang dần được thay thế bằng một nguyên mẫu mới – nguyên mẫu “quan hệ hợp tác tâm linh”, một kiểu mẫu quan hệ thiêng liêng, hỗ trợ cho sự phát triển nội tâm con người.
Tiền đề cơ sở cho “quan hệ hợp tác tâm linh” là sự cam kết thiêng liêng giữa đôi bạn đời nhằm hỗ trợ nhau phát triển tâm linh. Đôi bạn đời tâm linh nhận ra sự bình đẳng của nhau. Họ có khả năng phân biệt bản ngã với linh hồn; do vậy, họ có thể trao đổi, chia sẻ về những động lực, sự tương tác giữa họ với nhau trên nền tảng ít bị ràng buộc về cảm xúc hơn là “chồng – vợ”. Nền tảng cởi mở, tự do ấy không tồn tại trong ý thức về hôn nhân đơn thuần. Nó chỉ tồn tại trong ý thức vợ chồng là đôi bạn đời tâm linh, bởi vì họ thấy rõ lý do sâu xa hơn – lý giải vì sao họ lại chung sống với nhau; và lý do này có liên quan mật thiết đến sự tiến hóa của linh hồn họ.
Từ quan điểm này, đôi bạn đời tâm linh gắn bó với nhau bằng một động lực rất khác so với động lực “chồng – vợ” thông thường. Sự tiến hóa (có ý thức) của linh hồn không nằm trong động lực hôn nhân “vợ – chồng”, bởi vì nguyên mẫu tiến hóa qua đời sống hôn nhân – vốn ra đời nhằm phát triển tâm linh một cách có ý thức – là một khái niệm quá xa vời. Điều giúp tạo nên mối “quan hệ hợp tác tâm linh/thiêng liêng” là: Họ chung sống với nhau trong một quan hệ tận hiến, nhưng sự tận hiến đó không nhằm mục đích đạt tới sự an toàn về thể lý.
Cũng có tồn tại mối ràng buộc giữa đôi bạn đời tâm linh như trong kiểu hôn nhân “vợ – chồng” đơn thuần, nhưng nó xuất phát từ những lý do hoàn toàn khác. Đôi bạn đời tâm linh không chung sống với nhau nhằm dập tắt nỗi lo về tài chính, hoặc cùng góp công góp của tậu một căn nhà ở ngoại ô, hay vì lý do nào đó tương tự. Họ hướng tới sự phát triển tâm linh của nhau, nhận biết rằng đó là những gì họ đang làm trên Trái Đất và rằng tất cả mọi thứ đều phục vụ cho mục đích thiêng liêng ấy.
Đôi bạn đời tâm linh gắn bó với nhau vì sự trưởng thành của linh hồn – một quá trình có thể kéo dài tới những ngày cuối cùng trong kiếp đời này của họ, hay lâu hơn nữa, hay chỉ kéo dài sáu tháng. Không thể biết được liệu họ có sống bên nhau mãi mãi không. Tự họ sẽ nhận thấy việc tiến hóa cùng nhau trong bao lâu là thích hợp. Khi “nửa kia” phải ra đi, lời thề nguyền “sống bên nhau trọn đời trọn kiếp” cũng không thể cưỡng lại quy luật tự nhiên này. Chừng nào đôi bạn đời tâm linh còn phát triển cùng nhau thì chừng đó việc họ sống chung với nhau là thích hợp.