Quà tặng cuộc sống

Quà Tặng Valentine

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nhiều tác giả

Download sách Quà Tặng Valentine ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : QUÀ TẶNG CUỘC SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download Ebook         

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Có tới 365 ngày trong năm là 365 dịp để các đôi lứa chứng tỏ tình yêu của họ. Nhưng có một ngày mà Tình yêu được vinh danh, đó là Valentines Day.

Ngày lễ Tình yêu đã tồn tại trên khắp thế giới hơn 1.000 năm. Hàng năm, vào ngày 14 tháng 2, đặc biệt ở châu Âu và châu Mỹ, thiệp, kẹo sôcôla, hoa hồng và những món quà có hình trái tim hoặc những lời tỏ tình nồng thắm được trao giữa những người yêu thương nhau như vợ chồng, tình nhân… để kỷ niệm ngày lễ Tình yêu. Ngày nay, phong tục mừng ngày lễ Tình yêu đã được phổ biến rộng rãi đến nhiều quốc gia khắp năm châu. Tuy nhiên nguồn gốc và lịch sử ngày lễ Tình yêu và Thánh Valentine cho đến nay vẫn còn có nhiều truyền thuyết khác nhau.

Nguồn gốc ngày lễ Tình yêu xuất phát từ tôn giáo, liên quan đến câu chuyện của một vị linh mục Thiên chúa giáo tử vì đạo, đã được giáo hội phong Thánh tên Valentine. Nhưng Thánh Valentine là ai? Và tại sao người ta lại nhớ và kỷ niệm ngày lễ này? Tất cả những thông tin đó sẽ được đề cập qua cuốn sách “Quà tặng Valentine”.

Với cuốn sách này, chúng tôi mong muốn gửi đến những đôi lứa yêu nhau những thông tin bổ ích về ngày lễ Tình nhân, giúp các bạn hiểu rõ nguồn gốc lịch sử và truyền thuyết về ngày Valentine, những biểu tượng cho tình yêu đôi lứa, mối tình thủy chung của Thần Ái tình và nàng Tâm Linh… cũng như có thêm những ý tưởng mới để tổ chức cho riêng mình một ngày lễ Tình nhân độc đáo.

Chúng tôi hy vọng với cuốn sách này sẽ gửi đến bạn đọc những thông tin hấp dẫn liên quan đến ngày lễ Valentine.

ĐỌC THỬ


Hằng năm, cứ đến ngày 14-2, ngày Lễ Tình yêu, khắp nơi trên thế giới, những thanh kẹo sôcôla, những bông hoa tươi đẹp, những món quà xinh xắn được các đôi lứa trao tặng cho nhau với những lời tỏ tình “có cánh”. Vậy nguồn gốc ngày Valentine bắt đầu từ đâu và thế giới chào đón ngày 14-2 như thế nào?


NGUỒN GỐC VÀ LỊCH SỬ NGÀY LỄ VALENTINE

Ngày lễ Tình yêu như chúng ta biết hôm nay bắt nguồn từ Công giáo và một số những truyền thống có từ thời La Mã cổ đại.

Dưới thời La Mã cổ đại, ngày 14 tháng 2 là ngày lễ tưởng nhớ Junon, là Nữ hoàng của các nam thần và nữ thần La Mã. Người La Mã cũng coi bà là nữ thần cai quản phụ nữ và hôn nhân. Ngày tiếp theo của ngày 14 tháng 2, ngày 15 tháng 2 là ngày đầu tiên của lễ Lupercalia hôn nhân.

Thời ấy, cuộc sống của các chàng trai và cô gái trẻ bị ngăn cấm không cho gần nhau. Tuy nhiên, họ vẫn có thể đến với nhau thông qua phong tục rút thăm tên nhau. Vào đêm hôm trước ngày hội Lupercalia, tên của những cô gái La Mã được viết lên một mảnh giấy nhỏ và được cho vào trong các lọ. Mỗi một chàng trai trẻ sẽ rút thăm một cái tên bất kỳ và sau đó chàng trở thành bạn của cô gái mà anh ta chọn trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Đôi khi, việc kết đôi của đôi bạn trẻ kéo dài suốt cả một năm ròng và thông thường sau đó họ cưới nhau.

Nhưng dưới sự trị vì của Hoàng đế Claudius Đệ Nhị, đế chế La Mã tham gia nhiều cuộc chinh phạt đẫm máu và không được người dân ủng hộ. Tuy nhiên, do muốn xây dựng một đội quân hùng mạnh để phục vụ cho mục đích chiến tranh, Hoàng đế Claudius Đệ Nhị cần tuyển một lượng quân lớn và ông đã gặp phải khó khăn khi động viên các chàng trai trẻ gia nhập vào đội chiến binh. Claudius cho rằng nguyên nhân chính là đàn ông La Mã không muốn rời xa gia đình hay người yêu của mình. Bởi vậy, Claudius ra lệnh cấm tất cả các đám cưới hoặc lễ đính hôn ở thành La Mã.

Thánh Valentine là một linh mục ở thành La Mã, ông cùng Thánh Marius giúp đỡ những người Cơ Đốc giáo phải chịu cảnh đọa đầy và cho những chàng trai, cô gái bí mật cưới nhau. Vì hành động nhân ái này mà ông bị bắt giam. Claudius đã ghép Thánh Valentine vào tội bị đánh bằng gậy đến chết rồi chặt đầu. Thánh Valentine phải chịu cuộc hành hình vào đúng ngày 14 tháng 2 năm 270, ngày mà trước đây người ta gọi là “Ngày May Rủi” của tình yêu.

Vào thời gian này cũng diễn ra một phong tục truyền thống của người dân thành La Mã, đó là một lễ hội rất cổ xưa được tổ chức vào tháng 2, lễ hội Lupercalia, lễ hội tưởng nhớ đến một vị thần của người La Mã – Thần Chăn nuôi. Vào dịp này, trong số rất nhiều các nghi lễ thì có một lễ rút thăm một cách ngẫu nhiên tên của các cô gái trẻ trong những chiếc bình như là một trò chơi may rủi của tình yêu. Các mục sư từ những nhà thờ Cơ đốc giáo ở La Mã đã cố gắng loại bỏ yếu tố ngoại đạo bằng cách thay thế bằng tên của các vị thánh cho những ngày hội của các thiếu nữ này. Bởi lễ hội Lupercalia bắt đầu vào giữa tháng 2, có vẻ như các mục sư đã chọn ngày Thánh Valentine làm ngày kỷ niệm cho lễ hội mới này. Như vậy, dường như phong tục các chàng trai trẻ chọn các thiếu nữ làm người yêu của mình (trong dịp Valentine) hay chọn cho mình các vị thánh bảo hộ cho năm tới cũng phát sinh từ đây.

Năm 496, giáo hoàng Gelasius đã quyết định lấy ngày 14 tháng 2 để tưởng nhớ tới Thánh Valentine. Dần dần, ngày 14 tháng 2 đã trở thành ngày trao đổi các bức thông điệp của tình yêu và Thánh Valentine đã trở thành vị thánh bảo trợ cho những cặp tình nhân. Người ta kỷ niệm ngày này bằng cách gửi cho nhau những bài thơ và những món quà như hoa và kẹo.

Theo truyền thuyết, khi Thánh Valentine bị giam trong ngục, một cô gái mù, con của người cai ngục, thường đem hoa đến ném qua khung cửa sắt để tặng ông. Cô tin tưởng rằng, một nhà tu thánh thiện như ông có thể cầu xin Chúa cho cô được nhìn thấy ánh sáng, màu sắc xinh tươi của hoa lá.

Thánh Valentine nhận lời cầu xin của cô gái, ngài bắt đầu cầu nguyện hằng ngày. Thật huyền diệu, cô gái đã được sáng mắt trong những giây phút cuối cùng, để kịp nhỏ những giọt nước mắt giàn giụa nhìn Thánh Valentine bước lên giàn gỗ pháp trường. Vào ngày 14-2, trước khi bị tử hình, Thánh Valentine đã gửi một bức thư từ giã cô gái, cuối thư có ghi “Valentine của em” (From your Valentine).

Từ đó mỗi năm cứ vào ngày 14-2 người ta tặng cho nhau những đóa hoa hồng, hay violet tím, gửi cho nhau những lời yêu thương hay thân ái. Những đôi lứa đang yêu nhau viết trên thiệp Valentine những từ “Anh yêu em”, “Em yêu anh”…

2


Những thỏi sôcôla ngọt ngào, những bông hồng đỏ thắm, những món quà thân thương và những nụ hôn nồng nàn… những đôi lứa yêu nhau trên khắp thế giới chào đón ngày 14-2 huyền diệu, ngày của khát vọng yêu đương ngập tràn bằng nhiều cách khác nhau.


VALENTINE 360°

Bắt đầu từ châu Âu, lễ Tình nhân đã du nhập vào đời sống của người châu Mỹ và sau đó đến với người dân châu Á, vốn có truyền thống kín đáo trong chuyện yêu đương.

Ngày nay, Valentine được coi là ngày lễ của những người đang yêu trên khắp trái đất. Cách thức chào đón ngày lễ này cũng muôn màu muôn vẻ như chính bản thân tình yêu vậy và trên thế giới, ngoài dịp 14- 2, nhiều dân tộc còn có ngày tôn vinh tình yêu của riêng mình.

Ở Italia, lễ Valentine còn được gọi với một cái tên khác, đó là Lễ hội chó sói. Trước đây, vào ngày này, nam giới sẽ chuẩn bị các cỗ xe ngựa đẹp nhất để đón người mình yêu đi tham dự các hoạt động văn hoá ngoài trời. Hiện nay, các cặp uyên ương luôn ngồi lại bên nhau và cùng nhau ngâm nga những bài thơ tình, hoặc nghe nhạc tình yêu.

Những đoá hoa đại diện cho tình yêu là món quà mà giới trẻ nước Đức ưa chuộng nhất trong ngày lễ Tình yêu. Nhiều người sợ rằng vào ngày này, các cửa hàng sẽ không đủ hoa để cung cấp nên họ phải đặt mua từ một tháng trước. Nam giới nước này không chỉ mua hoa tặng riêng cho người tình của mình mà còn tặng cả những người phụ nữ thân yêu trong gia đình.

Thanh niên nam nữ nước Anh thường làm những món quà tình yêu bằng những gì có thể và gói món quà này trong một tờ giấy có viết một bài thơ tình để dành tặng người mình yêu! Những bài thơ tình này không phải hay như những nhà thơ nổi tiếng, nhưng là lời thơ xuất phát từ trái tim của mỗi người nhằm bày tỏ tình yêu thật sự với người bạn đời tương lai.

Bộ Thương mại và Công nghiệp Anh đã thống kê, trong ngày 14-2, người Anh gửi đi tổng cộng hơn 16 tỷ tin nhắn. Tin nhắn chữ là phương tiện liên lạc tức thời và dễ dàng với sự ra đời của công nghệ và dịch vụ mới như 3G, nhắn tin hình… Ngoài tin nhắn và thiệp điện tử, trong dịp lễ Valentine, người Anh có thể gửi đi 13 triệu tấm thiệp truyền thống (làm bằng giấy với hình trái tim, hoa lá…).

Ngày lễ Valentine là một dịp lễ hội vui chơi dành cho các đôi uyên ương tại đất nước Ireland. Nhiều hoạt động văn hoá trong nhà, cũng như ngoài trời được tổ chức dành cho giới trẻ, đặc biệt là những buổi hoà nhạc tình yêu rất đặc sắc. Các bạn trẻ có thể đến các câu lạc bộ để yêu cầu tặng những bản nhạc tình yêu cho người yêu của mình.

Pháp là đất nước có truyền thống tổ chức lễ hội Tình yêu mang màu sắc lãng mạn nhất thế giới. Vào ngày này, các đôi uyên ương thường dành cho nhau những khoảnh khắc thời gian tuyệt vời bên nhau, trao tặng những lời yêu thương ngọt ngào nhất. Món quà mà giới trẻ Pháp yêu thích để dành tặng cho nhau là những chiếc bánh sôcôla với hình trái tim lớn, nhỏ khác nhau.

Những nước Bắc Âu dường như luôn luôn có sự khác biệt với “đồng hương châu lục” của mình. Tại Đan Mạch và Na Uy, lễ hội Valentine không phổ biến và chỉ dành cho một số người, cũng thiệp, cũng quà nhưng nếu thiếu một bữa ăn ngon và lãng mạn giữa “hai nửa” thì vẫn chưa coi là trọn vẹn. Ngoài ra, ở Đan Mạch có một phong tục rất riêng là đàn ông nước này sẽ gửi tặng bạn bè không chỉ hoa giọt tuyết – một loài hoa rất đẹp ở xứ sở Bắc Âu. Họ còn gửi đi những lá thư Valentine mang tên joking letter (thư trêu chọc cho người phụ nữ họ yêu mến. Trong thư, họ không ký tên, thay vào đó là dấu chấm cho mỗi chữ cái của tên (bao nhiêu chữ cái là bấy nhiêu dấu chấm). Nếu nhận ra, người phụ nữ sẽ gửi lại cho người gửi một quả trứng vào Lễ Phục sinh năm đó.

Thụy Điển tham gia lễ hội tình nhân hơi muộn màng. Họ gọi là ngày “Dành toàn bộ trái tim” (All Hearts Day) và chỉ bắt đầu vào năm 1960 dưới ảnh hưởng của Mỹ và do những nhà công nghiệp trồng hoa khởi xướng vì mục đích kinh doanh.

Phần Lan gọi ngày Valentine là Ngày Bạn Bè (Friends Day), và như tên gọi, dành cho các bạn “thời mặc quần thủng đít” và những người mà nhắc đến là gợi nên một niềm nuối tiếc không nguôi “giá như ngày ấy…”. Nhớ lại nghĩa cũ tình xưa cũng là một nét văn hóa đẹp!

Slovenia – một thành viên thuộc Nam Tư cũ, ở Nam Âu – ngày 14-2 cũng là ngày Valentine, nhưng theo họ, Thánh Valentine, tượng trưng cho mùa xuân, chỉ là người mang lại sức sống mới cho cây cỏ, cho mùa màng. Thế nên, họ coi đó chỉ là ngày đầu tiên trong năm mang cuốc ra vườn nho dãy cỏ lấy hên, tương tự như lễ hạ điền của người Việt. Họ cũng có Lễ hội Tình yêu nhưng muộn hơn đúng một tháng, ngày 14-3, gọi là ngày Thánh Gregory.

Trong khi đó, Rumani vốn có ngày Tình yêu truyền thống gọi là Dragobete (Drag nghĩa là Người yêu) vào ngày 24-2.

Với người Bồ Đào Nha, những giỏ quà lại là sự lựa chọn số một. Đấy có thể là giỏ sôcôla, giỏ rượu,… Vì vậy, vào dịp Valentine, nhu cầu đặt hàng những giỏ quà tăng vọt. Giá trị những giỏ quà thường không quá đắt nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ: “đắt cắt cổ”.

Còn ở châu Á, người Thái thích tặng nhau sôcôla trắng trong khi người Nhật lại thích sôcôla sữa. Người Singapore và Hồng Kông ưa chuộng sôcôla sậm màu.

Ở Nhật, món quà duy nhất được tặng trong ngày Lễ Tình nhân là sôcôla, mà chỉ có nữ giới tặng cho nam giới mà thôi. Có một điều rất thú vị là ngoài người yêu, phụ nữ Nhật Bản còn tặng sôcôla cho cả thủ trưởng, đồng nghiệp và bạn trai bình thường vào ngày này. Đó gọi là giri-choko (sôcôla lịch sự), để tỏ lòng biết ơn hay sự quý trọng.

Ngoài ra, người Nhật còn có thêm một ngày Lễ Tình nhân thứ hai, cách Valentine đúng một tháng (14-3), được gọi là lễ Trắng (White day), dành cho cánh mày râu tặng lại quà cho phái đẹp để bày tỏ tình yêu hoặc lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ.

Đất nước Hàn Quốc cũng có ngày Valetine 14-2 và ngày “White day” 14-3 tương tự như Nhật Bản. Tuy nhiên, người Hàn Quốc còn sáng tạo thêm một ngày đặc biệt nữa, ngày 14-4 “Black Day” (lễ Đen). Một ngày hoàn toàn không có hoa hồng, sôcôla hay kẹo ngọt mà chỉ có những người cô đơn tụ họp lại với nhau trong một nhà nào đấy, nơi có món mì jachang truyền thống và chia sẻ với nhau sự thiếu may mắn trong tình cảm.

Ở Thái Lan, ngay từ ngày 7 và 8-2 đã có một buổi lễ gọi là Hội hoa. Vào ngày này, các chàng trai, cô gái đem hoa đi lễ Phật, sau đó thả xuống dòng sông. Nếu hoa của cô gái này trôi dạt vào hoa của chàng trai kia thì đó là duyên nợ.

Ở Malaysia, ngay từ đầu tháng 2 hàng năm, tại các cửa hàng đã xuất hiện những món quà dành cho ngày Valentine. Đặc biệt, nơi đây còn có một phong tục riêng gọi là lễ Nhịp điệu Tình yêu (Chek Ti Ngy).

Trong ngày lễ này, trai gái tụ tập ở các đền chùa, nơi công cộng để tổ chức những buổi múa hát và tặng khăn hồng cho nhau, loại khăn bằng lụa mỏng màu hồng thắm được thêu hai trái tim màu hồng ở giữa. Trong buổi khiêu vũ, nhảy múa, nếu phải lòng nhau, chàng và nàng cùng trao nhau tấm khăn ấy coi như lời hứa hẹn.

Ở Singapore, từ 14-2 đến 20-2 dương lịch, nếu năm nào trùng với tết thì rằm tháng giêng âm lịch, buổi lễ Singapore Valentine Day sẽ lấy đêm Lễ đèn của người Trung Hoa làm đêm lễ chính thức. Trong buổi lễ này, các đôi trai gái kéo nhau đến chùa Phật đốt đèn, đốt hương để cầu nguyện và hẹn ước với nhau. Họ tặng nhau một cành huệ trắng. Sau đó, hai người phải mang hoa về và cắm cẩn thận vào lọ. Nếu hoa của ai héo trước thì chứng tỏ người ấy yêu người kia ít hơn.

Theo truyền thuyết về mối tình bị Ngọc Hoàng cấm đoán, cặp tình nhân Ngưu Lang và Chức Nữ bị ngăn cách bởi sông Ngân và mỗi năm chỉ được gặp nhau một ngày vào mùng 7 tháng 7 âm lịch, và trong buổi gặp gỡ đó, họ đã khóc hết nước mắt làm thành những trận mưa ngâu tầm tã, Trung Quốc có Lễ hội Thất tịch (Qi Xi) mà người phương tây gọi là Chinese Valentines Day. Trong ngày này, các thiếu nữ bày các vật dụng mà mình tự tay làm ra (quần áo, giày dép, đồ thêu thùa, bánh trái…), cầu mong sự “để mắt” của một chàng trai giỏi giang làm bờ vai cho mình tựa, gọi là Khất xảo tiết (Lễ hội thể hiện tài năng). Tuy nhiên giới trẻ Trung Quốc cũng không bỏ qua Lễ hội Valentine 14-2.

Ở Brazil lại có lễ Flora Rose Honra (Tôn vinh hoa hồng). Đây là một ngày hội thật sự của tình yêu. Các cô gái kết hoa hồng trên mái tóc và đeo một cái “khố” kết bằng những cánh hoa hồng trên váy. Họ nhảy múa ở các công viên, đường phố. Đến lúc mệt, cô gái sẽ cho chàng trai nào mà cô thích hôn.

Xa hơn, ở Nam Phi, lễ Valentine diễn ra trong tháng 2 và suốt cả tháng đó, tất cả các trai gái còn độc thân tập trung lại làm lễ Mbukale Btigo (Yêu con tim của nhau). Đây còn là ngày đính ước tập thể theo tập tục cổ truyền của họ.

Tuy nhiên cũng có những quốc gia không mấy mặn mà với ngày Valentine này.

Như đã nói, ngày hội Valentine nhuốm máu Thiên chúa giáo. Những nước nào lấy một tôn giáo nào đó khác làm “quốc đạo”, thường kỳ thị và không chấp nhận lễ hội này.

Đạo Phật là một ngoại lệ. Với tư tưởng lấy tâm làm gốc nên những người theo Phật giáo không bài bác những ngày lễ của tôn giáo khác. Thanh niên Thái Lan – một nước hơn 90% theo đạo Phật vừa nhộn nhịp đón Giáng Sinh vừa kính cẩn đến chùa ngày Phật Đản và thể hiện Lễ hội Valentine chẳng khác gì một nước châu Âu. Nhiều cặp nam nữ xếp hàng rồng rắn trước Tòa thị chính chờ đăng ký kết hôn, hàng nghìn đám cưới tổ chức vào ngày 14-2 với hy vọng tình yêu của họ sẽ vĩnh viễn bền chặt, sống bên nhau đến đầu bạc răng long.

Còn ở những nước theo Ấn Độ giáo (Hinduism), Do Thái giáo và Hồi giáo, không phải ai cũng chấp nhận ngày lễ hội vui vẻ này.

Hàng năm, tại Ấn Độ vào ngày 14-2 vẫn thường có những cuộc biểu tình phản đối ngày Valentine, với những hành động quá khích như đập phá các cửa hàng bán hoa và tặng phẩm, đốt các tấm thiệp chúc mừng ngày Lễ hội tôn vinh Tình yêu. Thậm chí các nghị sĩ cực đoan còn đưa ra Quốc hội những dự án luật, đòi cấm ngày Valentine và trừng phạt những ai có hành động hướng về ngày ấy. Họ cho rằng Lễ hội Valentine đi ngược với giáo lý của tôn giáo mình. Tuy nhiên, vào ngày này, báo chí vẫn dành nhiều trang đăng những lời chúc mừng của những người đang yêu mà hoàn cảnh phải ở xa nhau.

Còn ở Việt Nam hiện nay, ngày lễ Valentine đã phổ biến ở những thành phố lớn và không biết từ lúc nào, đã dần trở thành quen thuộc như một nét văn hóa mới. Trong ngày 14-2, các đôi tình nhân chuẩn bị cho nhau những món quà. Tùy theo túi tiền có thể là một bông hoa, một hộp sôcôla, một cuốn sách cho đến lọ nước hoa hàng hiệu, thậm chí “xa xỉ” như một cái laptop v.v. Tất cả để khẳng định tình yêu son sắt của nhau. Chỉ mới du nhập vào Việt Nam mấy năm gần đây, nhưng ngày Valentine 14-2 đã thật sự trở thành một lễ kỷ niệm đáng nhớ đối với nhiều đôi tình nhân. Một bữa tối lãng mạn với nến, hoa và âm nhạc du dương, cùng những món quà tặng bất ngờ chính là chất xúc tác để ngỏ lời yêu thương. Bên cạnh hai món quà truyền thống hoa hồng và sôcôla thì thiệp cùng những món quà tặng khác (gối, áo, ly uống nước, khung tranh…) có họa tiết trang trí hình trái tim đỏ thắm đều là những món quà rất được bạn trẻ Việt Nam ưa chuộng.

Ở Việt Nam ngày lễ Valentine đã mang ý nghĩa tích cực. Trong thời đại Internet, những đôi yêu nhau luôn bên cạnh nhau ở bất cứ nơi nào: email, webcam, chat là những cách hữu hiệu để các bạn trẻ bày tỏ tình cảm nồng ấm trong ngày Valentine… Một cách thật tự nhiên, ngày lễ Tình nhân không phải chỉ của các đôi lứa, mọi người đều cảm thấy muốn được yêu thương được trao một ánh mắt đắm say, một lời yêu thương nồng cháy.

Có rất nhiều điều thú vị khác về ngày lễ truyền thống của tình yêu được phát triển qua thời gian. Ví dụ, hàng trăm năm trước đây ở Anh, trẻ em thường ăn mặc giống như người lớn vào ngày lễ Tình nhân và hát những bài hát từ nhà này đến nhà khác.

Bên cạnh đó, tại một số quốc gia châu Âu khác, trong ngày lễ Valentine vẫn duy trì một số tập tục cổ. Từ thời Trung Cổ, trong ngày Valentine, nam nữ thanh niên rút thăm tên nhau đã được viết trong những mảnh giấy bỏ vào những chiếc bình để xem người yêu mình là ai và họ sẽ đeo tên này trên tay áo trong một tuần như là cách biểu lộ tình cảm.

Ở xứ Wales, những vật chạm khắc bằng gỗ có hình trái tim, hình chìa khoá và ổ khoá là những quà tặng được ưa chuộng nhất vào dịp Valentine vì có ý nghĩa là “Em (anh) đã giải phóng (mở khoá) trái tim tôi”. Ở một số nước khác, nếu chàng trai tặng cô gái một món quà là bộ trang phục mà sau đó cô gái vẫn giữ thì cô gái sẽ lấy chàng trai.

Ở một số nước, người ta tin rằng, nếu phụ nữ trông thấy một con két cổ đỏ Bắc Mỹ bay ngang qua đầu vào ngày Valentine thì người đó sẽ lấy một thuỷ thủ, thấy con chim sẻ thì sẽ lấy chồng không giàu có nhưng sống hạnh phúc và thấy con chim sẻ có cánh vàng thì sẽ lấy một triệu phú! Khi một cô gái được đề nghị kết hôn, nếu cô ta là một người hiếu kỳ và can đảm thì cô ấy sẽ hoá trang và đi đến nghĩa địa vào lúc nửa đêm trong ngày Valentine và chạy xung quanh nhà thờ 12 lần.

Người ta cũng tin rằng trong ngày Valentine, hãy nghĩ đến tên của khoảng 5, 6 người mình thích rồi xoắn một cuống lá táo, đọc từng tên. Đến khi xoắn hết mà đọc đến tên ai thì sẽ cưới người đó. Chọn một cành bồ công anh có hạt, hít một hơi thật dài rồi thổi mạnh cho hạt bay đi, đếm số hạt còn lại trên cành chính là… số con họ sẽ có. Hoặc có nơi lại cho rằng cắt đôi một trái táo và đếm số hạt có bên trong cũng sẽ biết số con cái mình sẽ có.

Những cô gái Ý thì tin rằng vào ngày này, nếu thức dậy trước mặt trời mọc và ngồi chờ đợi bên cửa sổ, thì người đàn ông đầu tiên mà họ nhìn thấy, hoặc người giống anh ta sẽ là người họ lấy làm chồng, và thường cũng trong năm đó.

Còn ở một số nước như Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha… những người trẻ tuổi vẽ tên vào những cái bát để nhìn xem ai sẽ là người yêu của họ. Họ sẽ mang những cái tên này trên tay áo khoảng một tuần. Còn bây giờ nếu bạn mang hình trái tim trên tay áo điều có có nghĩa là thật dễ dàng cho những người khác biết được tâm tư của bạn.

Ở Mỹ, hoa và hộp kẹo hình trái tim vẫn là phổ biến. Nhưng ở nước này trái tim không luôn là biểu tượng của tình yêu. Gan đã một thời được cho là cơ quan tượng trưng cho tình yêu. Và các nhà khoa học quả quyết tình yêu bắt nguồn từ não. Thế nhưng, hầu hết những người đã từng yêu đều có thể cảm nhận rằng tim đập nhanh hơn khi có người mình yêu ở bên…


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button